Ông Trọng đi Bắc Kinh, cư dân mạng lo lắng Việt Nam ngả về Trung Quốc quá nhiều
RFA, 31/10/2022
Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 30/10 đã gây ra những chú ý và bình luận bày tỏ lo lắng về việc Hà Nội dường như đang ngả quá nhiều về phía Bắc Kinh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội năm 2015 - Reuters
Người đứng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc khi Tập Cận Bình chiến thắng thêm nhiệm kỳ thứ ba chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, khả năng ông Tập sẽ ở lại cương vị này đến hết đời.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều quan chức cao cấp đã ra sân bay quốc tế Nội Bài để tiễn đoàn- một sự kiện chưa từng có trong quá khứ khi hai trong số bốn tứ trụ ra tiễn một lãnh đạo Đảng đi công tác nước ngoài.
Facebooker Thanh Mai với hơn 52.000 người dõi theo, nhận định từ việc Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng ra sân bay tiễn ông Trọng cho thấy chuyến đi "là minh chứng cho sự thống nhất cao của giới lãnh đạo của Việt Nam cũng như vị thế số một của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".
Việc tổ chức buổi đưa tiễn trọng thị và chưa có tiền lệ "truyền đi thông điệp rõ ràng rằng ngài Nguyễn Phú Trọng đang đại diện cho giới lãnh đạo Việt Nam, vì vậy mọi thỏa thuận và cam kết của ngài Nguyễn Phú Trọng với Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ là thỏa thuận của tất cả các cơ quan quyền lực khác của Việt Nam".
Theo Facebooker này thì ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay đặt kỳ vọng rất cao về chuyến đi của ông Trọng.
Trung Quốc là một trong bốn nước hiện có quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với Việt Nam, tức là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa các nước. Ba nước còn lại là Nga, Ấn Độ, và Nam Hàn.
Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2021 đạt 230,2 tỷ đô la, tăng 19,7% so với năm trước đó.
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng có những tương đồng về mặt chính trị khi cả hai nước đều do Đảng cộng sản lãnh đạo độc quyền.
Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam viết rằng chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư trên cương vị Tổng bí thư Đảng của ông Trọng diễn ra ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, là "sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc".
"Chuyến thăm nhằm củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước ; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc ; tạo chuyển biến mới tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác ; nâng cao hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường sự hợp tác tại các diễn đàn quốc tế ; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân và thúc đẩy xu thế tích cực trong thông tin, tuyên truyền", báo Nhân Dân viết.
Ông Trọng đã từng sang thăm Trung Quốc với cương vị người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam vào các năm 2011, 2015 và 2017.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra (Úc) bình luận qua tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do rằng chuyến đi của ông Trọng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng với nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng.
"Từ vị trí thuận lợi của Hà Nội, những bất ổn về tương lai của Nga dưới thời Vladimir Putin và Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden sau cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và liên tục ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba".
Giáo sư Carl Thayer nhận định mục tiêu chính của chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là cùng người đồng cấp đưa ra phương thức hợp lý để giữ cho quan hệ song phương có thể dự đoán được và đi vào chiều hướng đồng đều.
"Cuộc gặp giữa Tổng bí thư của hai Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam là rất quan trọng đối với cả hai bên về đối nội vì nó nhấn mạnh tính hợp pháp của chế độ độc đảng, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển của họ". - Giáo sư Carl Thayer viết.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Paris so sánh chuyến đi của ông Trọng ngay sau khi ông Tập tái cử với tập quán vua một triều đại của Việt Nam sai sứ sang Trung Quốc, thể hiện sự thần phục đối với thiên triều của một phiên bang thời xa xưa.
Ông viết trong trang Facebook cá nhân : "Trọng vương tự đày đọa tấm thân (trong chuyến đi xa) chỉ để chứng minh rằng mình là một trong những người trung thành nhứt với Tập đại đế".
Ông còn nói Việt Nam đã, đang và sẽ rập khuôn mô hình của Trung Quốc và "thay vì nhân dân là mục tiêu trung tâm để Đảng phục vụ thì Đảng trở thành mục tiêu trung tâm để nhân dân phụng sự".
Cách so sánh này cũng đã được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn viết trong một nghiên cứu trước đó vào năm 2016.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.
Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa băng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).
Nhà văn Lưu Trọng Văn, với hơn 106.000 người dõi theo, thì cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay nên cân bằng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trên trang Facebook của mình, nhà văn Lưu Trọng Văn cũng nhắc lại trong tháng hai năm 2019 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump cũng mời ông Trọng sang Mỹ. Lúc đó ông Trọng cũng vui vẻ nhận lời nhưng rồi cũng vì lý do sức khoẻ nên ông Trọng không thực hiện được.
"Bây giờ ông Trọng rất khoẻ rồi, rất tiếc ông Trump lại về vườn, ông Trọng không thể đáp lễ như đáp lễ ông Tập được.
Hy vọng Bộ Ngoại giao sớm ra thông báo, Tổng thống Biden tiếp tục giữ lời mời của ông Trump mời ông Trọng qua Mỹ để cán cân đối ngoại của Việt Nam không bị lệch như đường lối lâu nay mà lãnh đạo Hà Nội vẫn tuyên bố".
Theo nhà văn này thì ông Trọng nên mở lời trước muốn được gặp ông Biden với nội dung như ông mở lời trước muốn gặp ông Tập.
"Dân Việt hình như không được công bằng lắm, đa số chắc sẽ hớn hở hơn nếu lãnh đạo tối cao của mình có lời với Tổng thống Mỹ như đã có lời với lãnh tụ Trung Hoa", nhà văn Lưu Trọng Văn bổ sung.
Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ "Đối tác toàn diện". Washington thời gian qua đã nhiều lần đề nghị đưa mối quan hệ này lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện" nhưng Hà Nội chưa đồng ý. Một số nhận định của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam còn ngần ngại vì sợ làm Bắc Kinh tức giận.
Theo Giáo sư Carl Thayer : "Việt Nam không thể quay sang Hoa Kỳ vì hai lý do : sợ bị cuốn vào một liên minh chống Trung Quốc và sợ bị bỏ rơi nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc thỏa thuận ngầm với nhau".
Nguồn : RFA, 31/10/2022
************************
Quan hệ Việt - Trung sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc
Thanh Phương, RFI, 31/10/2022
Sau khi kết thúc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, ngày 23/10/2022, Ban Chấp hành Trung ương mới đã bầu lại ông Tập Cận Bình vào chức tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm, nhiệm kỳ thứ ba. Như vậy, ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo có thế lực nhất ở Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 11/09/2021 tại Hà Nội, Việt Nam. AP - Le Tri Dung
Lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến gặp ông Tập Cận Bình không ai khác hơn, chính là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng hôm qua, 30/10/2022, đã bắt đầu chuyến viếng thăm Bắc Kinh đến ngày 02/11, theo lời mời của ông Tập Cận Bình.
Trước đó, vào ngày 23/10, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã gởi điện chúc mừng Tập Cận Bình nhân dịp ông được bầu lại làm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong bức điện này, ông Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ tin tưởng là, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, "toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ xây dựng Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp".
Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam còn cho biết “luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng cùng với ông Tập Cận Bình đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới".
Ông Nguyễn Phú Trọng như vậy đã là một trong những lãnh đạo các quốc gia cộng sản và hậu cộng sản (trong đó có Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào và Cam Bốt) gởi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc.
Nếu như việc gởi điện chúc mừng lãnh đạo láng giềng mới đắc cử hay mới tái đắc cử là chuyện bình thường, thì việc Hà Nội nhanh chóng thông báo chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng là một sự kiện đáng chú ý, tuy không hoàn toàn bất ngờ. Không chỉ là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên gặp tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc tái đắc cử, mà chuyến đi Bắc Kinh lần này còn là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông tái đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp đầu năm 2021.
Trên trang Nikkei Asia ngày 25/10, ông Nguyễn Thành Trung, giảng viên thỉnh giảng về Việt Nam học, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định :
"Thời điểm được chọn cho chuyến đi không chỉ là theo mong muốn của phía Việt Nam, mà còn là theo ý của Trung Quốc. Hai quốc gia gần gũi về ý thức hệ muốn khẳng định là quan hệ của họ vẫn luôn vững chắc. Không có một thời điểm nào thích hợp hơn đối với một lãnh đạo cộng sản để chúc mừng một lãnh đạo cộng sản khác vừa tái đắc cử. Việt Nam muốn nhân dịp này xác định Trung Quốc là đối tác ngoại giao quan trọng nhất".
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 27/10, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận định:
"Chuyến thăm này của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Trung Quốc là theo lời mời của chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, tức là không phải do phía Việt Nam đề xuất, mà Trung Quốc là phía chủ động. Điều này có thể là thể hiện phần nào sự coi trọng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng căng thẳng.
Trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng như vậy thì có lẽ là Việt Nam nhận được sự coi trọng từ cả hai phía Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trung Quốc không muốn Việt Nam xích gần lại quá gần Mỹ. Đây cũng là một dịp phù hợp để Trung Quốc nhắc lại thông điệp này.
Điều thứ hai là chuyến đi này cũng phù hợp với truyền thống trao đổi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Phía Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng thì cũng cử các đặc phái viên sang Trung Quốc để thông báo cho các lãnh đạo Trung Quốc về kết quả Đại hội. Tương tự như vậy, nếu Trung Quốc tổ chức các Đại hội Đảng thì cũng sẽ cử người sang để thông tin cho Việt Nam về kết quả Đại hội. Có lẽ là thay vì cử đặc phái viên sang Việt Nam, thì họ mời lãnh đạo Việt Nam sang để trực tiếp trao đổi các thông tin, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh từ mấy năm qua đã thiếu vắng các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước do đại dịch Covid-19.
Việt Nam có lẽ cũng muốn tận dụng chuyến thăm lần này của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để giúp tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thể hiện sự tự chủ chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.
Trong nước, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng có thể muốn sử dụng chuyến viếng thăm này để củng cố vị thế của mình, đặc biệt là sau một thời gian dài sức khỏe của ông có vấn đề. Nếu thực hiện thành công, chuyến đi này sẽ thể hiện hoạt động của ông đã trở lại bình thường, ông có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ của mình một cách bình thường, ít nhất là cho tới năm 2026 khi kết thúc nhiệm kỳ của ông".
Việt Nam, đặc biệt là về mặt kinh tế, ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo các dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, được Nikkei Asia trích dẫn, trong năm 2020, trao đổi mậu dịch giữa hai nước láng giềng đã vượt qua mức 133 tỷ đôla, tăng hơn gấp ba so với năm 2012, năm mà ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư khóa đầu. Đặc biệt ngành sản xuất hàng hàng hóa có tốc độ tăng nhanh của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung linh kiện điện tử, chi tiết máy và nguyên liệu từ Trung Quốc.
Tuy đang gặp những khó khăn kinh tế do vẫn thi hành chính sách Zero - Covid, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo các số liệu chính thức của Việt Nam, trao đổi mậu dịch song phương Việt-Trung đã đạt 132,38 tỷ đôla trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong đó có gần 70% là nhập khẩu vào Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.
Ngoài ra, tuy giữa hai Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều nghi kỵ và vẫn còn tranh chấp chủ quyền biển đảo, quan hệ giữa hai đảng cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc về mặt chính thức vẫn rất chặt chẽ. Ấy là chưa kể, giống như Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nắm chức tổng bí thư quá giới hạn thông thường về số nhiệm kỳ. Giống Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước từ 2018 đến 2021.
Với nhiều điểm tương đồng như vậy giữa lãnh đạo hai nước, sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần này, quan hệ Việt-Trung sẽ có thay đổi gì lớn không ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp dự báo :
"Khả năng cao là sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong quan hệ hai nước sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Quan hệ Việt-Trung sẽ vẫn tiếp tục theo cái đà như lâu nay chúng ta thấy: Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là về kinh tế, tăng cường quan hệ chính trị, trong khi đó thì vẫn tìm cách giải quyết, quản lý tranh chấp Biển Đông, không để quan hệ song phương bị ảnh hưởng bởi tranh chấp này.
Việt Nam thì vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, do vai trò rất lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam về kinh tế, chiến lược, lẫn ý thức hệ. Chính vì vậy Việt Nam sẽ vẫn tìm cách phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhưng đồng thời, như lâu nay, Việt Nam cũng tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác, trong đó có Mỹ và các đồng minh.
Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục chính sách đối ngoại cân bằng giữa các nước lớn, đa phương hóa và đa dạng hóa, để vừa thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của mình, vừa tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Ngược lại phía Trung Quốc sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ tiếp tục dùng chính sách "cây gậy và củ cà rốt", vừa ràng buộc dùng kinh tế, vừa dùng các yếu tố ý thức hệ để ràng buộc Việt Nam, vừa răn đe, gây sức ép lên Việt Nam trên vấn đề Biển Đông.
Nhưng tôi nghĩ Việt Nam mặc dù có sự liên hệ về ý thức hệ với Trung Quốc, nhưng lại có cách tiếp cận ôn hòa hơn Trung Quốc. Cho nên Việt Nam có lẽ sẽ quan sát, tiếp nhận một số bài học từ Trung Quốc, nhưng sẽ cố bảo đảm cho yếu tố ý thức hệ không ảnh hưởng đến phát triển trong nước, cũng như đến chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc, các nước lớn và các nước khác.
Tuy nhiên, Biển Đông vẫn là yếu tố chứa đựng những bất ổn tiềm tàng. Nếu tranh chấp Biển Đông được quản lý tốt thì quan hệ song phương sẽ được phát triển. Còn trong trường hợp tình hình Biển Đông xấu đi thì quan hệ song phương sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới".
Nhưng với việc ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực, liệu Bắc Kinh sẽ có chính sách cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh:
"Đúng là dưới thời ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc có một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn so với thời của ông Hồ Cẩm Đào, không phải gần đây mà là kể từ năm 2013, lúc ông Tập Cận Bình mới lên cầm quyền. Sự kiện mà chúng ta vẫn nhớ đó là khủng hoảng giàn khoan HD981 năm 2014.
Chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình nói chung và chính sách Biển Đông nói riêng nếu có vẻ sẽ trở nên cứng rắn hơn thì cũng không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, chính sách cứng rắn đó không phải là cách tiếp cận thường xuyên của phía Trung Quốc, mà Trung Quốc sẽ chọn những thời điểm để có cách tiếp cận phù hợp, lúc thì cứng rắn, lúc thì có thể mềm mỏng, tùy thuộc vào các yếu tố như tình hình khu vực, tình hình nội bộ Trung Quốc, hay tính toán của Trung Quốc đối với Việt Nam trong từng thời điểm cụ thể.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ mong muốn ưu tiên hơn cho mục tiêu duy trì hòa bình trên Biển Đông, tìm cách duy trì các tiếp xúc, đối thoại để quản lý tốt hơn vấn đề Biển Đông. Có lẽ chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng lần này là một phần trong chính sách đó".
Không chỉ trên biển, thể hiện qua việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc nay còn là mối đe dọa cả trên bộ đối với Việt Nam, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, và nhất là thông qua việc thực hiện ngày càng nhiều dự án lớn ở hai nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Cam Bốt, tranh giành ảnh hưởng với Hà Nội tại hai quốc gia này. Một mặt phải cố duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh, mặt khác Việt Nam phải tiếp tục tăng cường quan hệ với các cường quốc khác, nhất là với Hoa Kỳ, để tạo thế đối trọng cần thiết và cũng để nâng cao khả năng phòng thủ của mình.
Nhưng với một lãnh đạo Trung Quốc có thế lực mạnh hơn bao giờ hết, Việt Nam có thể tiếp tục giữ thế cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc đối địch Mỹ - Trung không ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định :
"Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt như vậy, không chỉ Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực đều phải làm sao duy trì được sự cân bằng giữa hai cường quốc này. Đây là một bài toán rất hóc búa, bởi vì động lực cạnh tranh Mỹ-Trung đến từ cả hai phía, cho nên rất khó làm vừa lòng cả hai bên. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cân bằng giữa hai bên, và đồng thời phát triển được quan hệ với hai bên.
Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam là do cạnh tranh chiến lược như vậy, do muốn tranh giành ảnh hưởng như vậy, cho nên cả hai bên đều sẽ dành sự quan tâm lớn hơn cho Việt Nam. Nếu như Việt Nam khéo léo thì có thể tận dụng điều đó để mang lại lợi ích nhất định cho mình".
Tóm lại, với việc ông Tập Cận Bình nay thâu tóm toàn bộ quyền lực, quan hệ Việt - Trung có thể không có nhiều thay đổi, nhưng tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một thách thức lớn hơn đối với Hà Nội, đồng thời, giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Hoa Kỳ, Trung Quốc, áp lực lên Việt Nam sẽ càng mạnh hơn.
Thanh Phương
**********************
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Nguyễn Hồng Diệp, Tin Tức, 31/10/2022
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 31/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh, ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nhiệt liệt chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc, bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau 5 năm.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ; nhấn mạnh việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên Trung Quốc được đón tiếp sau Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc và việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai Đảng, hai nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, thân tình và hữu nghị.
Trong bầu không khí chân thành, thẳng thắn, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chúc mừng thành công của Đại hội XX Đảng cộng sản Trung Quốc, chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình được Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc tín nhiệm tiếp tục bầu làm Tổng bí thư khóa XX, xác lập là "hạt nhân lãnh đạo" của Trung ương Đảng và trong toàn Đảng cộng sản Trung Quốc ; đánh giá Đại hội XX là kỳ đại hội quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của Trung Quốc, mở ra hành trình mới xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc vào năm 2035, hướng tới thực hiện mục tiêu "100 năm thứ hai". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo.
Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các vị tiền bối cách mạng hai nước dày công xây dựng và vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Việt Nam cảm ơn sâu sắc về những giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Về chính sách đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương quan hệ ; kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chúc mừng thành tựu mà Việt Nam đã giành được trong thời gian qua, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam ; đánh giá cao việc đại hội đã đề ra những mục tiêu phát triển, đường lối trong các lĩnh vực cho các giai đoạn đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2045 – dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, sẽ sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam ; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", không ngừng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Hai Tổng bí thư bày tỏ vui mừng về xu thế phát triển lành mạnh và đánh giá cao những tiến triển tích cực của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua. Trong điều kiện khó khăn của đại dịch Covid-19, hai bên vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, hai đồng chí Tổng bí thư đã 4 lần điện đàm và nhiều lần trao đổi thư, điện nhân các sự kiện chính trị quan trọng của mỗi bên. Hợp tác giữa các ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại), Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp), quốc phòng, công an được thúc đẩy hiệu quả, thực chất.
Các địa phương của hai nước, nhất là các địa phương ở khu vực biên giới, đã nỗ lực duy trì hợp tác thiết thực, tăng cường quan hệ hữu nghị. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thương mại Việt-Trung chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Vướng mắc trong một số dự án hợp tác giữa hai nước được tháo gỡ, trong đó Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả. Hợp tác phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả thiết thực. Hai bên nhất trí cho rằng trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai nước và nhân dân hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt - Trung. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng, đi sâu hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác giữa hai Đảng và Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025 ; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, cũng như kinh nghiệm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hai Tổng bí thư đồng ý sẽ phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai nước, nhất là gặp gỡ cấp cao, Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, nhằm xác định phương hướng và trọng tâm hợp tác phù hợp với nhu cầu và lợi ích của hai bên, góp phần thực hiện hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trao đổi giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc ; làm sâu sắc thêm hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật hai nước, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương.
Trong cuộc hội đàm, hai đồng chí Tổng bí thư cũng đi sâu trao đổi về các lĩnh vực hợp tác thực chất, nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương ; nhấn mạnh Việt Nam – Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt ; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn ; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên ; nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế. Phía Trung Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng chính phủ, đào tạo không dưới 1.000 giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam.
Hai Tổng bí thư đã đi sâu trao đổi nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai Tổng bí thư nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nền tảng xã hội và là nguồn sức mạnh cho quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, bền vững lâu dài. Hai Tổng bí thư đề nghị mỗi bên tiếp tục tạo điều kiện đi lại cho người dân hai nước, sớm khôi phục các chuyến bay thương mại, hợp tác du lịch, giao thương ; tiếp tục tạo điều kiện để các địa phương, nhất là các địa phương biên giới hai nước, tăng cường giao lưu, hợp tác, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với một số địa phương giàu tiềm năng của Trung Quốc.
Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên nhất trí tăng cường quản lý hiệu quả đường biên giới theo các văn kiện, thỏa thuận ký kết giữa hai bên, thúc đẩy sớm vận hành thí điểm hợp tác du lịch tại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).
Về vấn đề trên biển, hai Tổng bí thư cùng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai Đảng, hai nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển ; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam trong thời gian gần nhất. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Nguyễn Hồng Điệp
Nguồn : Tin Tức TTXVN, 31/10/2022