Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/11/2022

Vì sao Hà Nội lo sợ những tổ chức tôn giáo ngoài luồng ?

Hoàng Thị Lan, RFA tiếng Việt

Trước Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ 26 : Kêu gọi Việt Nam "nỗ lực vươn lên về nhân quyền"

RFA : 02/11/2022

Ngay trước thềm Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 26, bốn tổ chức xã hội dân sự (xã hội dân sự) ở trong và ngoài nước kêu gọi chính quyền Việt Nam phải nỗ lực vươn lên về nhân quyền để xứng đáng với vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền mà họ mới được bầu.

tongiao1

Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala gặp gỡ đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam tại Hà Nội tháng 8 năm 2021 (hình minh hoạ) - Reuters

Thư ngỏ của bốn tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, Lực lượng Cứu quốc, và Đài phát thanh Đáp lời Sông núi gửi tới bà Erin Barclay, quan chức cấp cao Văn phòng Dân chủ, Nhân Quyền & Lao Động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong phiên đối thoại nói trên.

Thư được gửi tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong ngày 1/11, một ngày trước khi đối thoại thường niên dự kiến diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 2/11.

Trong thư ngỏ, bốn tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam đề nghị phái đoàn Hoa Kỳ tham gia đối thoại thường niên ở Hà Nội kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do tức khắc cho tù nhân chính trị, người bất đồng chính kiến, nhiều lãnh đạo xã hội dân sự về bảo vệ môi trường, những người bị bắt và kết án chỉ vì các hoạt động ôn hoà.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :

"Chúng tôi thấy 26 kỳ đối thoại vừa qua không có tiến bộ nào (về nhân quyền- PV) đáng kể cả. Trong thời gian qua, những vụ bắt bớ đã lên đến tột đỉnh. Nhà nước Việt Nam lạm dụng Bộ luật Hình sự để bịt miệng người bất đồng chính kiến, những người nói lên lẽ phải.

Phái bộ Mỹ trong Đối thoại Nhân quyền với Việt Nam nên yêu cầu Hà Nội phải thả những người bị kết án một cách bất công".

Ông cho biết, từ đầu năm đến nay có gần 20 người bị bắt giữ và 27 người bị kết án tù với những án tù nặng nề. Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đàn áp tự do biểu đạt bằng việc áp dụng Điều 117 "phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước" và Điều 331 "lợi dụng quyền tự do dân chủ" của Bộ luật Hình sự.

Mới nhất là trường hợp của nhà báo tự do Lê Mạnh Hà, người chỉ sử dụng mạng xã hội để bênh vực dân oan mà bị xử theo Điều 117 và bị kết án tám năm tù giam cùng ba năm quản chế.

Sau khi kết án người hoạt động bằng những bản án hà khắc, nhà chức trách đày đoạ họ bằng việc bắt họ đi thi hành án ở những nơi xa gia đình và có khí hậu khắc nghiệt.

Trong tháng trước, nhà hoạt động nhân quyền được nhiều giải thưởng quốc tế Phạm Đoan Trang bị đưa đi lưu đày ở Trại giam An Phước, cách nơi sinh sống của mẹ già và người thân của cô 1.500 km.

Bà Trang bị bắt giữ hồi tháng 10/2020, chỉ vài giờ sau khi cuộc Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 24 kết thúc.

Việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự không thuyên giảm sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền tiến hành đại hội Đảng lần thứ 13 và tổ chức bầu cử Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói.

Theo ông, Việt Nam vừa mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải cải thiện nhân quyền chứ không thể lợi dụng vị trí này để vi phạm nhân quyền.

Trong thư ngỏ, các tổ chức cho rằng phía Hoa Kỳ cần thúc giục Việt Nam triệt để tôn trọng quyền tự do biểu đạt tư tưởng, tôn trọng quyền tự do lập hội, đặc biệt là hoạt động công đoàn độc lập.

Các tổ chức cũng cho rằng Việt Nam cần phải trả lại các cơ sở từ thiện, trường học, nơi hành lễ của các tôn giáo, bên cạnh việc tôn trọng truyền thống, nếp sống của các sắc tộc thiểu số.

Trong thời gian một tháng trước Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ, nhiều nhóm Tin lành ở Tây Nguyên cho biết họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu và cấm đoán việc thực hành nghi lễ tôn giáo.

Trong nhiều ngày gần đây, một số nhà hoạt động và thân nhân của tù nhân lương tâm ở nhiều địa phương cũng cho biết họ bị an ninh thường phục canh gác tư gia.

Nhà nước Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền để phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết và nhất là tương xứng với vai trò một nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam vừa được bầu giữa tháng 10 vừa qua cho nhiệm kỳ 2023/2025, bốn tổ chức nhấn mạnh trong thư ngỏ.

Nguồn : RFA, 02/11/22022

**************************

Công an tiếp tục quấy nhiễu tín đồ Tin Lành Tây Nguyên

RFA, 01/11/2022

Tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên tố công an liên tục sách nhiễu ngay trước Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ

Nhiều tín đồ thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Đắk Lắk tố cáo công an thành phố Buôn Mê Thuột đã liên tục theo dõi, phá rối các buổi thực hành nghi lễ thờ phượng Chúa của họ trong gần một tháng qua.

tongiao2

Công an ập vào nhà ngăn cản các tín đồ Tin Lành Tây Nguyên làm lễ hôm 30/10 - Nhân vật gởi cho RFA

Động thái này của Chính quyền thành phố Buôn Mê Thuột diễn ra ngay trước cuộc Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ vào đầu tháng 11. Một trong những vấn đề sẽ được nêu ra có quyền tự do tôn giáo và quyền của các nhóm dân tộc thiểu số.

Công an phá lễ cầu nguyện

Ông Y Nguyệt Bkrông, tín đồ Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên, cho biết tầm 7 giờ 30 sáng Chủ nhật 30/10 có khoảng 20 đồng đạo, bao gồm cả trẻ em, tập trung tại tư gia của ông ở buôn Ako Mlieo xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột để cầu nguyện và thực hành nghi lễ tôn giáo.

Ông Y Cơi, một tín đồ có mặt tại buổi lễ hôm đó, cho biết khi mọi người bắt đâu cầu nguyện được tầm 10 phút thì lực lượng chức năng gồm khoảng hơn chục công an xã và công an thành phố Buôn Ma Thuột - tất cả đều mặc thường phục - vào nhà yêu cầu mọi người dừng buổi lễ. Những ai không có tên trong hộ khẩu phải giải tán ra về :

"Khi tôi sinh hoạt tôn giáo Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, Công an xã và Công an thành phố, Ủy ban nhân dân xã Hòa Thắng, 15 người, vô lập biên bản, không cho chúng tôi sinh hoạt.

Họ nói là Nhà nước chưa công nhận là không được hoạt động, Hội Thánh Tin Lành đấng Christ chưa có pháp nhân cho nên nếu mà chúng tôi còn sinh hoạt thì sẽ có những biện pháp cứng rắn".

Ông Y Nguyệt cho biết khi các tín đồ còn chưa về, công an lập biên bản thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Tuy nhiên, khi tất cả tín đồ đã về hết, hơn chục công an quay trở lại nhà đe dọa, ép buộc ông Y Nguyệt giao lại biên bản đã ký, nếu không sẽ lục soát nhà :

"30 phút sau khi mọi người về hết thì họ lại kéo một lực lượng công an, cũng như chính quyền xã xuống nhà đòi lại cái biên bản mà tôi đang giữ trước đó. Họ đe dọa rằng nếu không trả lại thì họ sẽ lấy giấy từ cấp trên xuống lục soát nhà tôi. Lúc đó tôi ở một mình nên phải trả lại biên bản đó cho họ".

Một sự việc tương tự xảy ra tại Hội thánh Tin lành tư gia nhà ông Y Lui Byă, ở Buôn Kdun xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. Cũng vào sáng 30/10, hơn chục công an mặc thường phục và sắc phục ập vào nhà, ngăn cản các tín đồ thực hành nghi lễ. Khi đó, trong nhà có tầm 30 người, bao gồm cả trẻ em. Ông Y Lui Byă nói :

"Công an nói là Nhà nước không công nhận, không cho phép tôn giáo này. Tín hữu hỏi lại là nói có tự do tôn giáo mà sao Nhà nước lại không công nhận.

Rồi họ dọa đập cái nhà đang thờ phượng Chúa. Nó muốn đánh con rể của tôi luôn. Họ dọa, đưa biên bản bắt ký nhưng chúng tôi không ký luôn".

Phóng viên RFA gọi điện cho Công an Thành phố Buôn Mê Thuột theo số điện thoại đăng trên Cổng thông tin điện tử công an tỉnh Dak Lak, cán bộ trực ban ngắt máy sau khi nghe câu hỏi về vụ việc này. Chúng tôi cố gắng gọi lại nhiều lần nhưng đều không có ai nghe máy.

tongiao3

Biên bản và giấy mời công an thành phố Buôn Mê Thuột gởi cho ông Y Nguyệt. Ảnh : nhân vật gởi cho RFA

Gia tăng sách nhiễu trước Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ

Cả ba ông Y Nguyệt Bkrông, Cơi và Y Lui Byă cho biết họ đều đang bị canh giữ, theo dõi liên tục, gắt gao từ hơn nửa tháng nay. 

Ông Y Cơi nói với RFA rằng từ ngày 13 đến 17/10, ông bắt đầu bị canh gác liên tục ngày đêm. Những ngày sau đó, ban ngày ông đi đâu đều bị công an đều theo dõi. Từ ngày 27 tới 29/10, công an lại lập chốt canh đêm trước nhà ông :

"Chính quyền cộng sản Việt nam canh gác dữ lắm. Tôi không biết tại sao họ canh gác nghiêm ngặt, không cho tôi đi đâu hết. Công an tỉnh và công an thành phố tôi có hình hết, có bằng chứng canh gác tôi hết".

Ông Y Lui cũng bị canh gác từ ngày 13/10 cho đến nay : 

"Bây giờ nó vẫn đang canh. Họ đi theo luôn, mình đi đâu nó cũng đi theo, mình đi rẫy nó cũng đi theo luôn".

Ông Y Nguyệt cho biết khi đang trả lời phỏng vấn RFA vào tối 31/10 thì hơn chục công an vẫn đang canh gác trước nhà của ông và các ngã tư dẫn vào nhà. Ông Y Nguyệt không biết vì sao các tín đồ lại bị theo dõi gắt gao vào thời điểm này. Tuy nhiên, ông nói mỗi khi có phái đoàn Sứ quán các nước tới thăm, ông đều bị theo dõi nghiêm ngặt như lúc này :

"Bất kỳ khi nào có phái đoàn của Hoa Kỳ sang Việt Nam, điều đầu tiên họ làm là xuống từng nhà, từng người dân, nhất là những người truyền đạo tại gia, họ canh gác, theo dõi… Cho nên cuộc sống nhiều lúc cũng thấy áp lực, rất khó khăn và không được an toàn cho bản thân".

Ông Y Nguyệt còn bị Công an thành phố Buôn Mê Thuột gửi giấy mời làm việc vào hôm 26/10, nhưng ông từ chối. Trong giấy mời, công an yêu cầu ông Y Nguyệt làm việc về vấn đề "an ninh, trật tự". Ông Y Nguyệt cho rằng mình chỉ thờ phượng Chúa trong nhà, không làm mất an ninh, nên ông không lên làm việc theo yêu cầu.

Sự gia tăng sách nhiễu từ phía Công an thành phố Buôn Ma Thuột diễn ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao hai nước Việt - Mỹ sửa soạn cho cuộc Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 26 sẽ diễn ra vào ngày 2/11 sắp tới.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đối thoại sẽ đề cập một loạt vấn đề liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, trong đó có quyền tự do ngôn luận và lập hội ; tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ; quyền của các nhóm dân tộc thiểu số…

Chỉ muốn thờ phượng, không chống chính quyền

Chính quyền Việt Nam đã rất nhiều lần cáo buộc Hội thánh Tin lành của các tín đồ tôn giáo ở Tây Nguyên là một tổ chức phản động, lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước.

Điển hình, vào tháng 1/2022, trang web báo Công an nhân dân có bài viết cáo buộc tôn giáo Tin lành Đấng Christ quy tụ các chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và ở Mỹ để "tập hợp lực lượng, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền, tiến tới thành lập Tôn giáo riêng, Nhà nước riêng của người các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. 

Những tín đồ theo đạo Tin lành Đấng Christ mà RFA phỏng vấn trong bài viết này đều bác bỏ cáo buộc của tờ báo Công an nhân dân.

Ông Y Nguyệt cho biết các tín đồ không theo Hội thánh Tin Lành Việt Nam là bởi không thể chấp nhận chuyện thờ phượng Chúa phải được sự cho phép và chỉ đạo từ Chính quyền :

"Sinh hoạt tôn giáo tại gia của tôi không phải nhằm chống đối hay lật đổ gì họ cả. Ở đây chỉ là niềm tin tôn giáo, tôn thờ không có sự giám sát của Chính quyền, được tự do thờ phượng Chúa, chứ không có như họ nói là lợi dụng tôn giáo để chống phá họ.

Ông Y Cơi từng đi tù tám năm, từ 2001 tới 2009, theo tội "Tuyên truyền chống Nhà nước" chỉ vì những hoạt động thờ phượng của mình. Ông nói từ sau khi ra tù, ông liên tục bị sách nhiễu, không cho gia đình được làm ăn yên ổn :

"Họ mời đi mời lại, đe đọa đủ thứ. Họ nói chúng tôi chống lại chính quyền nhân dân, chống Đảng và Nhà nước. Nhưng mà thực tế là chúng tôi không chống lại Nhà nước, tôi muốn xây dựng lại hội thánh, hội thánh phải riêng và độc lập".

Nguồn : RFA, 01/11/2022

*************************

Hoạt động lợi dụng tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay

Hoàng Thị Lan, Lý luận Chính tri, 17/03/2021

Những năm gần đây, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề tôn giáo - tộc người nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Ở các khu vực trọng yếu của đất nước như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, chúng lợi dụng vấn đề dân tộc gắn với vấn đề tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, xúi giục người dân di cư tự do, biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định chính trị nhằm tạo cớ can thiệp, phá hoại độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

tongiao

Các cán bộ tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm hơn 80% dân số. 53 dân tộc thiểu số còn lại sống đan xen, tập trung chủ yếu ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới - địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh và quốc phòng của đất nước và thường xuyên bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, tộc người nhằm gây mất ổn định an ninh - chính trị - xã hội.

1. Các hoạt động lợi dụng tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc

Khu vực miền núi phía Bắc là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Thái, Mường và Mông có dân số đông nhất. Trước đây, đồng bào các dân tộc ở khu vực này đa phần theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên, tôn thờ thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió,... nhưng hiện nay, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở khu vực này có nhiều diễn biến phức tạp do sự xuất hiện thêm nhiều loại hình tôn giáo và sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động (đặc biệt là đạo Tin lành trong cộng đồng người Mông).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi đức tin của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Mông ở khu vực miền núi phía Bắc nói riêng, trong đó có các mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch nhằm hướng đến lợi dụng vấn đề dân tộc - tôn giáo để chống phá Việt Nam.

Khởi đầu của sự chuyển đổi niềm tin trong cộng đồng người Mông những thập niên gần đây là sự xuất hiện của hiện tượng Vàng Chứ (năm 1987) trong người Mông các tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang. Sau đó, những người này đã chuyển sang theo đạo Tin lành (hệ phái Tin lành Việt Nam miền Bắc). Từ năm 1993 đến nay, đạo Tin lành tiếp tục phát triển và từng bước có được chỗ đứng, thực sự trở thành một thực thể xã hội - tôn giáo tồn tại và lan rộng ở hầu hết các vùng đồng bào dân tộc Mông ở khu vực miền núi phía Bắc. Hiện nay, ở khu vực này có sự hiện diện của khá nhiều hệ phái Tin lành như Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Tin lành Trưởng Lão Việt Nam, Liên Hữu Tin lành Baptit Việt Nam, Truyền giáo phúc âm, Đức Chúa Trời, Tin lành Trưởng Lão, Truyền giảng Phúc âm, Liên đoàn truyền giáo Phúc âm,... Giữa các hệ phái Tin lành thường có sự cạnh tranh tín đồ tạo nên sự phức tạp trong chính cộng đồng người dân tộc thiểu số theo đạo, từ đó tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự, an ninh xã hội (1).

Cùng với sự thúc đẩy phát triển đạo Tin lành trong khu vực nói chung và trong cộng đồng người Mông nói riêng, các thế lực thù địch đã và đang gia tăng các hoạt động lợi dụng đạo Tin lành để gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề tộc người. Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, lợi dụng những hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào, với chiêu bài dân chủ, nhân quyền, các thế lực xấu đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo một bộ phận người Mông theo đạo Tin lành xuất cảnh trái phép, âm mưu thành lập Vương quốc Mông tự trị và di cư tự do, gây mất ổn định trật tự xã hội. Hiện tượng người Mông và một số dân tộc thiểu số khác xuất cảnh sang Trung Quốc, di cư tự do ồ ạt vào các tỉnh Tây Nguyên đã từng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước những năm từ 1990 - 2000.

Với âm mưu thành lập một "quốc gia tự trị" của người Mông, các phần tử phản động đã tuyên truyền, kích động thành lập nhà nước "Tam Miêu tự trị", lấy đạo Tin lành làm quốc đạo. Tháng 3/2000, một số người Mông theo đạo Tin lành đã gửi yêu sách đến chính quyền tỉnh Lai Châu đòi cắt đất cho người Mông theo đạo Tin lành thành lập lãnh thổ riêng. Đặc biệt, tháng 5/2011, người Mông từ nhiều nơi đã tập trung về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để tổ chức đón vua, lập "Vương quốc Mông". Gần đây, một số cá nhân theo đạo Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn liên hệ với các cá nhân và tổ chức ngoài nước nhằm gây thanh thế, tìm kiếm sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần, tuyên truyền, kích động người Mông chống đối Nhà nước. Ở nhiều địa phương, đã xuất hiện tình trạng khiếu kiện, vu khống chính quyền cơ sở gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa dân tộc Mông với các dân tộc khác, mất đoàn kết ngay trong nội bộ người Mông theo các tổ chức Tin lành khác nhau. Đặc biệt, tháng

Tháng 2/2020, một số phần tử phản động đã tuyên truyền kích động vài trăm người Mông của bản Ngài Chố và bản Giàng Ly Cha của xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và một số xã lân cận khác trốn vào rừng nhằm tiếp tục âm mưu thành lập vương quốc Mông tự trị.

Ngoài việc lợi dụng đạo Tin lành, ở một số địa phương, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, các phần tử phản động còn lợi dụng các hiện tượng tôn giáo mới để chống phá Nhà nước. Những năm gần đây, khu vực này xuất hiện khá nhiều "hiện tượng" tôn giáo mới như "San sư khẹ tọ", "Con đường mới", "Zê Sùa", "Bà cô Dợ", "Hội thánh Đức Chúa Trời", "Sề Chu Hà Ly Cha" và một số hiện tượng tôn giáo mới liên quan đến thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh... (2)

Những hiện tượng tôn giáo mới này đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, tạo thành những điểm nóng tôn giáo.

Tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, một nhóm người Mông đã dựa vào Kinh Thánh của đạo Tin lành soạn thảo tài liệu lấy tên "Con đường mới" để thu hút người Mông theo đạo, hướng dẫn tín đồ lên rừng để đón Chúa, xưng tội tập thể để được Chúa đón nhận linh hồn, cầu nguyện Chúa sớm ban cho người Mông có đất nước riêng. Mục đích của nhóm đối tượng này là nhằm tập hợp lực lượng phục vụ cho hoạt động "Nhà nước Mông trị tự" (3).

Hiện tượng "Zê Sùa" (ảnh hưởng tại Điện Biên, Lai Châu) sử dụng một số nội dung trong sách Cựu ước, chủ trương cầu nguyện vào thứ 7 và kiêng ăn thịt lợn, được một số người Mông từ Mỹ truyền vào cộng đồng người Mông ở khu vực Tây Bắc với lời kêu gọi đây là tôn giáo của riêng người Mông, chỉ có "Zê Sùa" (Jesus hay Giê Su) là tôn giáo thật, người Mông theo đạo "Zê Sùa" sẽ có nhà nước riêng. Họ tuyên truyền rằng, người Mông có đất nước riêng, Đức Chúa Trời Giê Hô Va đã chia đất cho người Mông nhưng do người Mông không đoàn kết nên không bảo vệ được đất nước, đất đai đã bị các nước khác xâm chiếm, làm cho người Mông không có lãnh thổ, không có nhà nước riêng, suốt đời phải đi làm thuê cho các dân tộc khác. Do vậy, người Mông phải đoàn kết, đi theo Zê Sùa để tái lập nhà nước của dân tộc mình. Sẽ có ngày Chúa Zê Sùa tái lâm, làm vua của người Mông. Ai tin tưởng đi theo Zê Sùa sẽ được tự do, sung sướng (4).

Đáng chú ý trong những thập niên gần đây là sự xuất hiện và hoạt động của hiện tượng Dương Văn Mình ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lào Cai). Tổ chức Dương Văn Mình đã tiến hành các hoạt động chống đối, yêu sách với Nhà nước để đòi được công nhận về mặt tổ chức. Ở một số địa phương, tổ chức này đã tiến hành các hoạt động như chống đối hoạt động bầu cử (từ tháng 3 đến tháng 5/2016) ; tuyên tuyền, kích động người dân không nhận thẻ bầu cử, không đi bầu cử; tổ chức biểu tình, khiếu kiện, khiếu nại...

2. Các hoạt động lợi dụng tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên

Tây Nguyên là địa bàn cư trú của hơn 40 dân tộc. Tại đây, đa phần đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn theo tín ngưỡng đa thần theo truyền thống. Công giáo và đạo Tin lành cũng được truyền bá vào khu vực này khá sớm (Công giáo từ những năm 1850, Tin lành từ cuối những năm 20 thế kỷ XX) nhưng chỉ phát triển cầm chừng. Tuy nhiên, một vài thập niên gần đây, hai tôn giáo này, đặc biệt là đạo Tin lành phát triển nhanh chóng, có tính đột biến trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng điều này, các thế lực Fulro, với sự tiếp tay từ các âm mưu chính trị bên ngoài đất nước đã kích động, xúi giục người dân theo đạo Tin lành vượt biên trái phép sang Campuchia. Với luận điệu "đòi lại đất" cho người dân tộc thiểu số, đòi thành lập "Nhà nước Đề Ga độc lập", "đuổi người Kinh và bộ đội, công an về xuôi", đòi "tự do tôn giáo, tín ngưỡng", đòi "quyền tự trị cho các dân tộc thiểu số"... chúng tổ chức biểu tình, gây ra các vụ bạo loạn vào tháng 1/2001 và tháng 4/2004. Hai vụ bạo loạn lớn tại Tây Nguyên nói trên đã cho thấy rõ âm mưu và hoạt động lợi dụng đạo Tin lành, lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Những năm sau đó, các vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc vẫn tiếp tục diễn ra tại hầu hết các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên.

Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị tại Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp, Nhà nước đã quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức Tin lành dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chính đáng của đồng bào. Đặc biệt, từ sau Chỉ thị 01-2005/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về Công tác đối với đạo Tin lành, tình hình hoạt động của đạo Tin lành trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên dần đi vào nền nếp, ổn định. Hiện nay, 90% số tín đồ theo đạo được sinh hoạt hợp pháp, ổn định trong các chi hội, điểm nhóm. Các nhu cầu về địa điểm sinh hoạt tôn giáo, người hướng dẫn việc đạo, kinh sách, đồ dùng việc đạo phù hợp với nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số... đã từng bước được Nhà nước quan tâm đáp ứng (5).

Bên cạnh việc quan tâm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chân chính của người dân, chính quyền các địa phương khu vực Tây Nguyên cũng nỗ lực giải quyết vấn đề đất đai, lao động, việc làm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành nói riêng.

Những nỗ lực của Nhà nước đã được đông đảo chức sắc và đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, một số phần tử phản động vẫn đang cố tìm cách gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, âm mưu thành lập một nhà nước tự trị trong lòng đất nước Việt Nam.

Các tổ chức Fulro lưu vong tại Mỹ như: Hội những người miền núi (MFI) ; tổ chức Nhân quyền người Thượng (MHRO) ; tổ chức Người Thượng thống nhất (UMP),... vẫn đang ra sức tuyên truyền, chống phá Nhà nước Việt Nam. Chúng kêu gọi người dân Tây Nguyên thành lập "Nhà nước độc lập" của người Thượng ở Tây Nguyên ; kích động người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trốn sang các nước khác nhằm tái lập các "trại tị nạn" lấy địa bàn đứng chân để gây dựng lực lượng. Chúng phối hợp với các phần tử cực đoan của các dân tộc khác ở cả trong và ngoài nước (người Chăm, Khmer, Mông) để cung cấp tài liệu cho các tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo. Chúng tham dự các diễn đàn, các hội nghị quốc tế về nhân quyền, tôn giáo, gặp gỡ các chính khách quốc tế để xuyên tạc, tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo ; nêu kiến nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước có quan ngại về nhân quyền và tôn giáo… (6).

Bên cạnh đó, các phần tử ở nước ngoài còn chi viện về vật chất cho các phần tử ở trong nước, âm mưu xây dựng, phát triển lực lượng, chủ trương cắm cờ Fulro, ra mắt "Nhà nước Đề ga tự trị" ; tổ chức biểu tình, gây bạo loạn chính trị, tạo cớ để nước ngoài can thiệp. Gần đây, trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên, tàn dư của lực lượng và các phần tử phản động có dấu hiệu hoạt động trở lại. Tại một số địa phương, chúng đã tuyên truyền và lợi dụng các hiện tượng tôn giáo mới như "Hà Mòn", "Thanh Hải Vô thượng sư", "Bơ khắp Brâu" để truyền bá mê tín dị đoan và hoạt động chính trị, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các cuộc biểu tình và bạo loạn chính trị. Điển hình như: hiện tượng Hà Mòn đã bị các đối tượng Fulro lợi dụng tuyên truyền rằng đây là tôn giáo của riêng người Tây Nguyên để lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, tạo lực lượng đối trọng đòi yêu sách với chính quyền nhằm mục đích thành lập nhà nước riêng. Năm 2012, các đối tượng đã thúc đẩy hoạt động công khai đòi đất, tuyên truyền về việc thành lập "nhà nước riêng" của người Tây Nguyên, tuyên truyền, kích động người dân với khẩu hiệu: không biết, không nghe, không nói, không làm theo chính quyền, không nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

3. Ở khu vực Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ là địa bàn cư trú chủ yếu của hơn 1,3 triệu người Khmer. Cùng với các cộng đồng dân tộc khác như Kinh, Hoa, Chăm, người Khmer đã có mặt rất sớm ở vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm, người Khmer đã cùng với các dân tộc khác khai phá, kiến tạo, giữ gìn và phát triển vùng đất Tây Nam Bộ.

Người Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ có mối quan hệ mật thiết với người Khmer ở Campuchia; là đồng tộc (cùng là người Khmer), đồng tôn (cùng theo Phật giáo Nam tông), cùng ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) với người Khmer ở Campuchia. Người Khmer Tây Nam Bộ đã đưa Phật giáo Nam tông từ Vương quốc Chân Lạp cổ xưa du nhập vào Việt Nam. Cả hai dòng Phật giáo Nam tông ở Tây Nam Bộ hiện nay đều có nguồn gốc từ Campuchia, và từ khi du nhập vào Việt Nam vẫn có quan hệ chặt chẽ với các hệ phái Phật giáo Nam tông ở Campuchia.

Nhiều người Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay vẫn qua lại Campuchia để làm nghĩa vụ của con cháu với tiền nhân, tiên tổ. Tình cảm và mối ràng buộc về tộc người, tôn giáo đã làm cho đồng bào Khmer Tây Nam Bộ có quan hệ gắn bó về tư tưởng, tình cảm với người Khmer ở Campuchia. Vì thế đồng bào Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ hết sức nhạy cảm với những biến động chính trị - xã hội ở Campuchia. Ngược lại, mọi biến cố lớn về chính trị - xã hội ở Campuchia đều có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của đồng bào Khmer Tây Nam Bộ.

Lợi dụng mối quan hệ gắn bó này, các thế lực thù địch, phản động đã không ngừng kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong cộng đồng Khmer ở Tây Nam Bộ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài, các phần tử phản động trong các đảng phái chính trị cũ đã kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi trong cộng đồng người Khmer, lôi kéo người Khmer Tây Nam Bộ hướng về "đất mẹ Campuchia", kích động người Khmer "đòi lại đất Nam Bộ" và liên tục gây ra các vụ bạo loạn vũ trang trong các năm 1975-1976.

Từ năm 1986 đến nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đã thu được những thành tựu to lớn về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam nói chung, đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng từng bước được cải thiện ; tình hình an ninh, chính trị, xã hội trong vùng đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông ở khu vực Tây Nam Bộ cơ bản ổn định. Đại đa số đồng bào Khmer đoàn kết, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong khu vực, phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm, có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chống lại các âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Đại đa số sư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, có tư tưởng yêu nước, tiến bộ, gắn bó với dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước (7).

Bên cạnh đó, vẫn có một số sư, tăng chưa chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, có quan hệ và bị chi phối bởi các mục đích chính trị từ bên ngoài. Hiện nay, hiện tượng sư, tăng và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia thăm thân, làm ăn, học tập diễn ra bình thường và thường xuyên. Bên cạnh đa số đồng bào và sư, tăng qua lại biên giới chấp hành đúng các quy định của nhà nước thì vẫn tồn tại một số trường hợp không tuân thủ các quy định của pháp luật. Một số sư, tăng Khmer tự ý ra nước ngoài học tập không báo cáo, xin phép, trong đó có những trường hợp đã bị các hội nhóm Khmer Krôm ở nước ngoài (Campuchia, Mỹ, Canada, Pháp, Úc) lợi dụng thông qua việc tài trợ học bổng và các hoạt động xã hội (8).

Hiện nay, có khá nhiều các tổ chức phản động của người Khmer Nam Bộ lưu vong ở nước ngoài như: Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm (AKKK), Hội bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm, Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Liên hiệp Uỷ ban chủ nghĩa dân tộc KKK, Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm (KKNLF), Ủy ban dung hoà Khmer Campuchia Krôm (KKKCC), Uỷ ban Điều phối Khmer Campuchia Krom (KKKCC), Liên minh Khmer Campuchia Krôm (KKF)... Các tổ chức này hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức. Chúng tài trợ kinh phí, kích động sư tăng trong nước ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đấu tranh đòi thành lập Nhà nước Khmer Krôm tự trị. Ở bên ngoài, hằng năm, chúng tổ chức kỷ niệm ngày 4/6 - ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ cho Việt Nam (4/6/1949) và gọi đó là ngày "quốc hận", tổ chức biểu tình trước các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; gửi các thỉnh nguyện thư đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và các quốc gia kêu gọi lên tiếng "bảo vệ" người Khmer ở Việt Nam, gây sức ép đòi Việt Nam thả những người Khmer vi phạm pháp luật bị phạt tù...

Hoạt động của các tổ chức, hội nhóm này có tác động đến sư, tăng và đồng bào Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ, nhất là số sư, tăng trẻ. Một số sư, tăng Khmer sau khi ra nước ngoài học tập trở về đã bộc lộ tư tưởng chống đối cực đoan. Đặc biệt, những năm qua, trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã manh nha xuất hiện một số tổ chức hội nhóm của các sư tăng Khmer có ý đồ chống đối gây mất an ninh, trật tự ở một số địa phương như Hội tăng sinh huyện Cầu Kè, Hội bảo trợ Phật học và văn hóa Khmer huyện Trà Cú, Hội tăng sinh Khmer vòng hoa lài… (9).

Ở những mức độ khác nhau, hoạt động của các tổ chức chính trị phản động nói trên đều có tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận đồng bào Khmer Nam Bộ.

Tóm lại, nhìn một cách tổng thể, ở các khu vực trọng yếu của đất nước, vấn đề tôn giáo gắn với vấn đề tộc người luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tư tưởng ly khai, tự trị nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị, tạo cớ để dễ bề can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Thực tế đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước một mặt phải nỗ lực hoàn thiện chính sách dân tộc - tôn giáo và mặt khác, phải thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách trong thực tiễn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, bảo đảm bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo; cảnh giác, chủ động đấu tranh với mọi âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc - tôn giáo phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc.

PGS, TS Hoàng Thị Lan

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Nguồn : Tạp chí Lý luận chính trị, số 12/2020

(1), (2), (3), (4), (5), (7), (9) Khảo sát của đề tài: "Những vấn đề mới trong tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay", mã số CTDT.34.18/16/20 ; thực hiện năm 2018, 2019 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

(6) Tháng 7/2019, A Ga - một nhân vật chống đối nhà nước Việt Nam, xưng là Mục sư Tin lành (gốc người dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện đang sống lưu vong tại Mỹ) đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị Mỹ xem xét đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo.

(8) Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tính đến năm 2013 có khoảng 100 sư tăng Khmer bị các tổ chức KKK lôi kéo.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Thị Lan, RFA tiếng Việt
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)