Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2022

Công chức, thạc sĩ, tiến sĩ bỏ việc, giáo viên nghỉ dạy : cái gì đang xảy ra ?

Sơn Nguyễn, RFA tiếng Việt

Bộ trưởng Nội vụ giải thích gì việc 40.000 cán bộ, 4.600 tiến sĩ, thạc sĩ nghỉ việc ?

Sơn Nguyễn, Dân Trí, 03/11/2022

Tiền lương và thu nhập thấp được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới "làn sóng" nghỉ việc của 40.000 công chức, viên chức, trong đó có hơn 650 tiến sĩ, trên 4.000 thạc sĩ...

Đó là một trong số các nội dung được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo giải trình trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Nội vụ là một thành viên Chính phủ được chọn trả lời chất vấn lần này.

boviec1

Tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.

2 năm, 650 tiến sĩ, 4.000 thạc sĩ nghỉ việc

Bộ Nội vụ cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Trong đó, ở Bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19% ; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%) ; ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78% ; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).

Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, báo cáo nêu có 653 tiến sĩ, chiếm 1,65% ; 4.018 Thạc sĩ (chiếm 10,16%) ; Bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người (chiếm 2,70%) ; 133 Bác sĩ chuyên khoa II (chiếm 0,33%) ; Đại học có 19.637 người (chiếm 49,65%) ; Cao đẳng có 6.027 người (chiếm 15,24%) ; Trung cấp có 6.972 người (chiếm 17,63%) ; Sơ cấp có 1.046 người (chiếm 2,64%).

Theo độ tuổi, báo cáo nêu từ 40 tuổi trở xuống có 25.617 người (chiếm 64,77%) ; từ 41-50 tuổi có 7.861 người (chiếm 19,87%) ; trên 50 tuổi có 6.074 người (chiếm 15,36%).

Cũng theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.

Cụ thể, ngành Giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Ngành Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỷ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).

Đưa ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ cho hay, ngoài những nguyên nhân khách quan như chuyển việc để phù hợp với chuyên môn được đào tạo hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc… 

Tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới "làn sóng" nghỉ việc.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế).

Tăng lương để giữ chân công chức 

Từ vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc người đứng đầu Bộ Nội vụ cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.

Để khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ cho rằng trước mắt cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác ; quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho công chức, viên chức yên tâm công tác.

Quan tâm trợ giúp, hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

boviec2

Để ngăn làn sóng nghỉ việc, Bộ Nội vụ đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức.

Các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.

Giải pháp lâu dài, bộ này đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Rà soát hệ thống thể chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung, đổi mới công tác tuyển dụng, sớm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, các chuyên gia cho các ngành, lĩnh vực cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín để tạo niềm tin cho công chức, viên chức làm việc ; sớm hoàn thiện cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc ; đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác…

Sơn Nguyễn

Nguồn : Dân Trí, 03/11/2022

***********************

Hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ bỏ việc nhà nước

RFA, 02/11/2022

Trong hơn hai năm qua từ 1/2020 đến tháng 6/2022, có gần năm ngàn thạc sĩ, tiến sĩ thôi việc, nghỉ việc tại khu vực công. 

boviec3

Công chức làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh (hình minh họa) - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tin tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 2/11. 

Cụ thể Bộ trưởng nội vụ cho biết có 653 tiến sĩ và 4.018 thạc sĩ đã thôi việc nhà nước nâng tổng số cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. 

Bà Trà cũng cho biết, theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế. 

Theo lý giải của bà Bộ trưởng Nội vụ, con số công chức, viên chức nghỉ việc cao là do : "Cơ chế tự chủ và xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ công cũng tạo điều kiện để viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ hội để thay đổi việc làm, việc lao động "ra, vào" giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập sẽ trở nên thường xuyên, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và khu vực tư. Hiện tượng này cũng đang diễn ra ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Singapore". 

Song bà Trà cho rằng, chính phủ cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc. Qua đó, Bộ Nội vụ đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức ; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ...

Nguồn : RFA, 02/11/2022

************************

Áp lực nào khiến hơn 16 ngàn giáo viên nghỉ dạy ?

RFA, 02/11/2022

Có hơn 16 ngàn giáo viên đã nghỉ dạy trong năm học 2021-2022, lý do chính theo lãnh đạo Bộ Giáo dục là do lương thấp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn đưa ra thông tin vừa nêu trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về thực trạng và nguyên nhân khi hàng loạt giáo viên nghỉ việc.

boviec5

Nhà giáo đang chịu nhiều áp lực, trong đó có từ yêu cầu của đổi mới giáo dục và nhiều loại "chuẩn" – Đào Ngọc Thạch

Theo báo cáo này, trong số 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, có 10.407 người là giáo viên công lập và số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nhưng chủ yếu là do lương thấp.

Từ thực tế trên, Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, hôm 2/11 nhận định :

"Hiện nay số lượng giáo viên bỏ việc rất nhiều, tôi nghĩ nó không phải do đồng lương. Vì suy ra cho cùng, cộng tất cả các khoản tiền chính thức và không chính thức thì cũng có thể tạm chấp nhận được trong hoàn cảnh khó khăn. Nhưng vấn đề ở đây là áp lực của ngành nghề, áp lực của xã hội… nó đẩy người giáo viên vào vòng luẩn quẩn mà không giải quyết được, vấn đề nghề nghiệp không phát huy được, chuyên môn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, bị chi phối bởi những vấn đề quy định từ trên Bộ Giáo dục".

Chính vì áp lực đó và với cơ chế thị trường hiện nay nên theo ông Phúc, giáo viên có thể dễ dàng nghỉ dạy ra ngoài làm nhiều việc để kiếm thu nhập để đảm bảo cuộc sống gia đình. Ông Phúc nêu ví dụ :

"Tôi lấy ví dụ, nếu như không đi dạy thì có thể chạy Grab, bán hàng online… Nói tóm lại, chính áp lực của ngành nghề, rồi dư luận xã hội, quan hệ đối xử giữa lãnh đạo với nhân viên, lãnh đạo với giáo viên và những cơ chế chính sách đã ép người giáo viên không thể nào chịu nổi trong cơ chế cũ không tháo ra… Chính đó là ngòi nổ để hàng loạt giáo viên của ngành giáo dục, cũng như ngành y tế bỏ việc".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong báo cáo còn dẫn chứng "Có giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống như ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe… khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác thu nhập cao hơn".

Vào tháng 10/2021, một thầy giáo ở Đồng Nai đã xin nghỉ việc vì ông thấy môi trường nơi ông giảng dạy 'phi giáo dục, dối trá'. Người xin nghỉ việc là thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai. Trong đơn xin nghỉ việc được báo chí Nhà nước đăng tải, thầy Sơn nêu lý do : "công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục... nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ".

boviec4

Học sinh tan ca học thêm lúc 21 giờ đang chờ bố mẹ tới đón.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học thuộc trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, cho biết :

"Nhìn chung thì giáo dục Việt Nam cũng có chỗ này chỗ kia, có chỗ thì tôi tin giống như chỗ thầy giáo đã xin nghỉ việc nói như thế, đây có thể là chuyện có thật. Nhưng có những chỗ khác thì không đến nỗi như thế, thậm chí có môi trường rất tốt. Trường tôi là trường đào tạo giáo viên, học trò học xong đi dạy... nhiều em gặp lại thầy kể lại chuyện đi dạy có chỗ xấu, có chỗ tốt. Nhưng nhìn chung có những cái khá phổ biến, mà người tự trọng không chấp nhận được, chẳng hạn như bệnh thành tích, bắt các thầy cô giáo phải làm hết các chuyện nhỏ đến to, nhưng thực chất là chỉ để phục vụ các sếp thôi. Những cái đó thì những người tự trọng họ không chịu được, tất nhiên không phải chỗ nào cũng vậy, nhưng phổ biến lắm. Thành ra tôi rất thông cảm quyết định của thầy cô giáo khi mà quyết định xin nghỉ việc".

Ngoài trường hợp Thầy Lê Trần Ngọc Sơn, một số trường hợp tương tự được nhiều người biết đến. Điển hình như vào tháng 6/2021, là trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở huyện Quốc Oai, Hà Nội ; hay như trước đây của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ ở Phú Yên…

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, hôm 2/11 cho biết thực tế khó khăn của giáo viên :

"Giáo viên nghỉ việc thứ nhất là vấn đề tiền lương, vì lương giáo viên rất thấp, bên cạnh đó không được đãi ngộ và làm việc rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Ví dụ như áp lực với đồng nghiệp, áp lực với phụ huynh, áp lực với học trò, áp lực từ ban giám hiệu và áp lực kể cả với dư luận xã hội… Rất nhiều áp lực mà công việc cứ dồn dập, người ngoài thì cứ nghĩ giáo viên lên lớp rồi chạy giáo án thôi, chứ thực ra còn rất nhiều công việc không tên khác, mà chỉ có trong ngành mới biết. Bên cạnh đó còn phải đối phó với chuyện trù dập rất là nhiều, khiến giáo viên cảm thấy chán nản, họ muốn không muốn cống hiến với ngành này bằng tâm huyết của họ như lúc đầu họ chọn cái ngành nghề họ theo".

Giáo viên này đưa ra khuyến nghị :

"Nhà nước nếu cải tạo, cải thiện thì có rất nhiều thứ. Thứ nhất về chương trình ngày càng quá nặng, không tạo cho giáo viên sự thoải mái để họ cống hiến hết sức mình. Họ bị gò bó, rồi đưa ra những thi đua này nọ buộc họ phải làm, vắt kiệt sức giáo viên. Nói chung là có rất nhiều chuyện dẫn đến sự bất mãn của giáo viên, nên họ phải chuyển ngành nghề khác để theo kịp nhịp sống, theo nhu cầu cuộc sống của họ".

Áp lực từ phụ huynh đối với giáo viên mà cô giáo này nói đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 10 năm 2022 tại huyện Hương Sơn - tỉnh Hà Tĩnh, một phụ huynh đã vác dao xông vào trường, lăng mạ giáo viên. Sau đó, phụ huynh này tìm gặp hiệu trưởng, đe dọa và bắt thầy giáo này quỳ xuống xin lỗi.

Trước đó vào năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng đây là một chuyện rất khó giải quyết, không thể nào tăng lương ưu tiên cho ngành giáo dục và y tế so với những ngành khác. Mà theo ông, phải bảo đảm sửa cơ chế từ trên xuống :

"Theo tôi nên cắt bớt những đầu mối quản lý giáo dục, thu nhập thì rất cao… nhưng đóng góp cho ngành giáo dục rất ít, thậm chí phá hoại nền giáo dục. Phải tập trung và đội ngũ giáo viên, vì sự nghiệp giáo dục có thành hay bại, là do người giáo viên quyết định, chứ không phải những quan chức giáo dục, học được năm ba chữ, rồi hò hét và đưa giáo viên vào những khuôn khổ, mà những khuôn khổ đó đôi khi phản khoa học".

Theo số liệu công bố tại hội thảo Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Năm, trong 10 năm 2011-2020, nước này đã đầu tư cho giáo dục đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 4,9% GDP, được cho là chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Lào 3,3%...

Tuy nhiên theo Luật giáo dục 2019, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo.

Nguồn : RFA, 02/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sơn Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)