Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/11/2022

Taiwan Policy Act : Một công cụ mới để Hoa Kỳ "răn đe" Trung Quốc ?

Antoine Bondaz, Minh Anh

Trung tuần tháng 10/2022, tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình tuyên bố không từ bỏ khả năng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan, đồng thời đưa vào điều lệ Đảng điều khoản "phản đối Đài Loan độc lập". Trước đó một tháng, Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ đã chấp nhận dự thảo Đạo luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act). Theo nhiều nhà quan sát, nếu được Quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua, đạo luật này có thể đi ngược với chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất".

taiwanact1

Nếu được Quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua, đạo luật Taiwan Policy Act có thể đi ngược với chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất".

Những động thái này giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi : Liệu chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan có sớm xảy ra hay không như dự báo của ngoại trưởng Mỹ ngày 17/10/2022, nhất là khi ông Tập Cận Bình bổ nhiệm nhiều tướng lĩnh thân cận vào Quân ủy Trung ương ? Và Washington tính gì khi muốn Quốc hội lưỡng viện thông qua dự thảo Đạo luật Chính sách Đài Loan ? Liệu điều này có đồng nghĩa với việc Washington sẽ từ bỏ chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất" ?

Để giải đáp những thắc mắc này, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Bắc Á, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS). Mời quý vị theo dõi.

**********

RFI tiếng Việt : Kính chào Antoine Bondaz. Trước hết, ông có thể cho biết đâu là những nét chính của dự thảo Đạo luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act) ? Văn bản mới này có gì khác so với Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) ?

Antoine Bondaz : Đây là một văn bản quan trọng, củng cố các cam kết của Quốc hội Mỹ, đặc biệt là những cam kết năm 1979, thông qua điều mà ngày nay người ta vẫn gọi là Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đó là một văn bản mà cho đến ngày nay định hình, cấu trúc mối quan hệ không chính thức giữa Đài Loan và Hoa Kỳ kể từ khi Mỹ không còn các mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc, chính thể ở Đài Loan.

Do đó, mục tiêu của Đạo luật Chính sách Đài Loan chính là nhằm tăng cường hơn nữa các cam kết đối với Đài Loan vào một thời điểm mà rõ ràng có những lo lắng về tình hình eo biển Đài Loan, nhất là trước việc Trung Quốc tiếp tục phát triển các năng lực và thái độ cũng như là chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan ngày một cứng rắn hơn.

Trong văn bản này có nhiều yếu tố. Đặc biệt, người ta nói đến việc chỉ định Đài Loan như là một đồng minh chính, không thuộc NATO. Đây là một thuật ngữ và một khái niệm cho đến nay chỉ dành cho các đồng minh lớn của Mỹ mà không thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Úc. Thế nên, có rất nhiều người nói về khái niệm này được áp dụng cho Đài Loan.

Dù vậy, cũng nên nhìn sự việc một cách tương đối, bởi vì trên hết khái niệm này cho phép tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán vũ khí. Ở đây có hai điều cần lưu ý : Thứ nhất, việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, và hơn nữa, chúng đã được ghi trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979. Điểm thứ hai là có những điều khoản chính thức ở Mỹ, trên phương diện bán vũ khí, đã xem Đài Loan như là một đồng minh lớn không thuộc khối NATO.

RFI tiếng Việt : Vậy trong trường hợp lưỡng viện Mỹ sẽ thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan, điều này có làm thay đổi chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất" mà Mỹ áp dụng cho đến nay ?

Antoine Bondaz : Đương nhiên là Không. Bởi vì chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất" được Mỹ thực hiện, trên thực tế chỉ công nhận một nước Trung Quốc, có quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng không tỏ ý kiến về quy chế cho Đài Loan, nghĩa là Hoa Kỳ không xem xét, không nói rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và thậm chí ít hơn rằng Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đây là toàn bộ sự khác biệt so với điều mà Bắc Kinh gọi là nguyên tắc, chứ không phải là chính sách, nhưng nguyên tắc "một nước Trung Hoa duy nhất", có nghĩa là chỉ có một Trung Quốc, đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này. Như vậy, về điểm này, sẽ không có gì thay đổi trong đường lối chính thức của Mỹ, nghĩa là Hoa Kỳ sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan.

RFI tiếng Việt : Vậy ý đồ thật sự của Mỹ là gì khi muốn thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan ?

Antoine Bondaz : Ý định của Quốc hội Mỹ là thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan nhằm tăng cường các mối quan hệ, không phải là ngoại giao, mà là các mối quan hệ hợp tác với Đài Loan và gởi đi một thông điệp quan trọng đến người dân Đài Loan rằng Mỹ thật sự quan tâm đến Đài Loan, rằng hòn đảo này là một mối bận tâm đối với Mỹ v.v… Đây là một thông điệp quan tâm gởi đến Đài Loan, nhưng đó cũng là một thông điệp gởi đến Trung Quốc, để nhắc Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phản đối mọi thay đổi đơn phương và bằng vũ lực nguyên trạng tại eo biển Đài Loan, vào một thời điểm mà Trung Quốc, thông qua các năng lực và hành vi của mình, mỗi ngày đều thể hiện ý muốn thay đổi nguyên trạng.

RFI tiếng Việt : Về phía Trung Quốc, người ta cũng nhận thấy Bắc Kinh mỗi lúc có những lời lẽ cứng rắn. Trong kỳ đại hội 20 Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lần đầu tiên, Tập Cận Bình đưa vào điều lệ Đảng việc kiên quyết phản đối độc lập Đài Loan. Ông diễn giải thế nào về quyết định này của Tập Cận Bình ?

Antoine Bondaz : Về phía Trung Quốc, chúng ta thấy rõ từ nhiều năm qua, có một lập trường về Đài Loan ngày càng triệt để, nghĩa là giành quyền kiểm soát Đài Loan luôn là một mục tiêu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và mục tiêu này không có gì mới cả. Điều thay đổi ở đây chính là các phương tiện, khả năng mà Trung Quốc đang có và cách mà Trung Quốc thể hiện quyết tâm giành quyền kiểm soát đảo.

Chẳng hạn chúng ta còn nhớ là ngay từ năm 2005, đạo luật chống ly khai đã được thông qua, rồi Sách Trắng gần đây nhất về Đài Loan công bố tháng 8/2022, đề cập một cách công khai rõ ràng các tham vọng của Trung Quốc, kể cả khả năng mà Bắc Kinh bảo lưu quyền sử dụng các phương tiện phi hòa bình, nghĩa là quân sự, để ép buộc Đài Loan phải "hợp nhất"..

Tại sao tôi nói là trong ngoặc kép ? Là vì để lưu ý rằng Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cả. Do vậy, đây có lẽ sẽ không là một sự hợp nhất, mà là giành quyền kiểm soát hay đơn giản sáp nhập đảo.

Quả thật, ông Tập Cận Bình trong kỳ đại hội 20 Đảng cộng sảnTQ, đã nhắc lại những yếu tố ngôn từ này của Trung Quốc, không có một sự tiến triển nào về chính sách Đài Loan của Trung Quốc. Những gì thay đổi chính là các tuyên bố của Trung Quốc càng lúc càng hung hăng và vì vậy, ở đây chúng ta thấy cũng một mục tiêu đó, nhưng với những năng lực mới và quyết tâm mỗi lúc rõ ràng hơn.

RFI tiếng Việt : Hoa Kỳ dự báo Trung Quốc rất có thể sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa thời hạn đánh chiếm Đài Loan từ đây đến năm 2030. Việc ông Tập Cận Bình bổ nhiệm các vị tướng lĩnh thân cận vào Quân Ủy Trung Ương, cơ cấu lãnh đạo quân sự tối cao của lực lượng vũ trang Trung Quốc càng củng cố thêm khả năng Đài Loan sẽ sớm bị tấn công. Ông đánh giá như thế nào về cảnh báo trên ?

Antoine Bondaz : Chưa có ngày chiếm lấy Đài Loan. Rõ ràng, đây là những cân nhắc đang được Trung Quốc đưa ra trong số nhiều mục tiêu, chẳng hạn như nỗ lực giành quyền kiểm soát không nên dẫn đến việc làm suy yếu hệ thống chính trị Trung Quốc.

Vì vậy, không có thời hạn cuối cùng, cũng không có ấn định một lịch trình, Trung Quốc sẽ rình rập chờ nắm lấy cơ hội. Đây cũng là lý do tại sao về phía Mỹ, mục tiêu đặt ra là tác động lên phương trình, những tính toán của Trung Quốc, bằng cách cũng thể hiện quyết tâm của Mỹ phản đối mọi thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương và bằng vũ lực

Những quyết định bổ nhiệm mới trong Quân Ủy Trung Ương là thú vị. Chúng cho thấy đó là những quân nhân dày dạn kinh nghiệm về Đài Loan. Trong mọi trường hợp, đó là những người từng có những trọng trách liên quan đến vấn đề Đài Loan được chỉ định trên thực tế.

Đây không phải là điều hoàn toàn mới và những gì cần phải để ý ở đây chính là trên bình diện thuần túy quân sự, toàn bộ nỗ lực hiện đại hóa, bất kể là chất hay lượng, trong vòng 20, 30 năm qua từ phía Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân APL là nhắm đến việc giành quyền kiểm soát Đài Loan.

Thế nên, việc bổ nhiệm những quân nhân này, những người từng đảm trách "hồ sơ Đài Loan" trong ngoặc kép vào những vị trí then chốt trong Quân Ủy Trung Ương, là một hệ quả khá hợp lý.

RFI tiếng Việt : Nhưng để hoàn thành "Giấc mơ Trung Hoa" vào năm 2049, cũng như tham vọng cá nhân, người đầu tiên trong lịch sử hợp nhất Trung Quốc với Đài Loan, ông Tập Cận Bình cũng rất có thể đẩy nhanh tiến độ xâm chiếm đảo ?

Antoine Bondaz : Một điều rõ ràng đây chính là mục tiêu của Bắc Kinh. Chiếm lấy quyền kiểm soát Đài Loan là mục tiêu không thay đổi. Một lần nữa, Bắc Kinh có nhiều năng lực quan trọng hơn trước rất nhiều, điều đó đang mang lại nhiều cơ hội. Nhưng điều quan trọng ở đây chính là mối tương quan lực lượng, mối tương quan lực lượng của Đài Loan và cả của Hoa Kỳ. Rồi còn có quyết tâm bảo vệ đảo của người dân Đài Loan, quyết tâm bảo của Hoa Kỳ hậu thuẫn Đài Loan phòng thủ và do vậy Trung Quốc sẽ từ từ gia tăng áp lực với Đài Loan và nắm lấy cơ hội tiềm tàng. Điều đó không có nghĩa là sắp có một cuộc xung đột trong vài ngày tới, hay trong vài năm tới. Điều đó muốn nói rằng cần phải cẩn trọng và không nên tạo "cơ hội" cho Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng.

RFI tiếng Việt : Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay do Nga phát động, Hoa Kỳ đang bận tâm lo cho Kiev. Cùng lúc này, Bắc Triều Tiên thời gian gần đây liên tục bắn thử nhiều tên lửa làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Xa hơn một chút là Iran, được cho là đang hỗ trợ Nga chống Ukraine. Như vậy, Trung Quốc cũng có thể tranh thủ thời cơ mở một mặt trận khác ở Châu Á ?

Antoine Bondaz : Đây là một tổ hợp các sự kiện cần theo dõi. Thứ nhất là khả năng gia tăng quân sự phía Trung Quốc và mối tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Thứ hai là năng lực quân sự Mỹ và quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Mỹ. Thứ ba, chính là khả năng quyết tâm Châu Âu áp dụng hay không các biện pháp trừng phạt nếu chiến tranh xảy ra.

Quả thật, có rất nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định của Trung Quốc. Chiến sự tại Ukraine đặt ra một câu hỏi về Đài Loan dù rằng cả hai hồ sơ này là hoàn toàn khác biệt. Ở đây, nếu có một bài học cần rút ra cho Châu Âu và Mỹ, thì đó là chúng ta đã thất bại trong việc cứng rắn thuyết phục Nga không nên thay đổi nguyên trạng, cũng như không nên xâm lược Ukraine, và do vậy, chúng ta nên chắc chắn là giờ không nên thất bại trong việc ngăn cảnTrung Quốc xâm chiếm Đài Loan.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 03/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Antoine Bondaz, Minh Anh
Read 468 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)