Thấy gì qua 13 văn kiện đã được ký kết và các hoạt động trong chuyến đi "chầu Thiên Hoàng của Tổng Trọng" ?
Kim Ngọc, Thoibao.de, 05/11/2022
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng hay còn gọi là Tổng Trọng dường như đã thể hiện sự phấn khởi cao độ khi có chuyến thăm Trung Quốc trong 3 ngày, từ 30/10 đến 01/11/2022, ngay sau khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc kết thúc. Ông Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hay nói theo ngôn ngữ của cư dân mạng là "đi chầu Thiên Hoàng". Chuyến đi này không chỉ là quyết định của Tổng Trọng mà còn là lựa chọn của Tập về đối ngoại, có lẽ là để thể hiện cho thế giới thấy quyền uy của ông ta trước một đàn em, một chư hầu "ngoan ngoãn".
Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh
Trong chuyến đi này, hai bên đã ký kết tất cả 13 văn kiện, trong đó có 1 bản thỏa thuận ; 10 bản ghi nhớ ; 1 bản kế hoạch hợp tác và 1 nghị định thư. Các vấn đề được ký kết tập trung vào quan hệ kinh tế, thương mại, tư pháp và các hoạt động hữu nghị…
Ngoài vấn đề kinh tế, thương mại, tuy không có văn bản nào được ký kết, nhưng hai ông Tổng Bí thư cũng thống nhất phương thức hành xử trong vấn đề biển đảo, mà theo mệnh lệnh của Tập là "không để bất kỳ ai can thiệp". Nghĩa là hai ông ấy sẽ xích lại gần nhau, đóng cửa bảo nhau, quyết không để Mỹ hay các quốc gia phương Tây, Nhật Bản can thiệp vào. Dường như, với chuyến thăm này thì chính sách đu dây ngoại giao của Việt Nam đã phá sản. Bằng vẻ thâm tình, bằng cả những lời vuốt ve ngọt nhạt lẫn các biện pháp gây áp lực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trói buộc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào trong cái bẫy ma quái của Bắc Kinh.
Đây là những vấn đề tạo nên những lo lắng, bất an của người dân Việt Nam về khả năng Nhà cầm quyền Hà Nội sẽ lún sâu hơn trong mối quan hệ với Chính quyền ở Bắc Kinh.
Hãng tin quốc tế bình luận : "Dù hai nước có lịch sử nghi kỵ và tranh chấp lãnh thổ lâu đời, bao gồm cả các đảo và vùng biển trên Biển Đông, Đảng cộng sản hai bên vẫn giữ được thân tình".
Trên trang cá nhân của mình, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Paris nhận xét : "Trọng Vương tự đày đọa tấm thân (trong chuyến đi xa) chỉ để chứng minh rằng mình là một trong những người trung thành nhứt với Tập đại đế".
Trang mạng xã hội facebook tràn lan những lời chế diễu, nhạo báng, và cả những biếm họa đối với chuyến đi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Facebooker Bui Tien Hung viết : "Trung Quốc to lớn, hùng mạnh nhưng phải trao tặng huy chương cầu thân với bác Trọng mình, chứng tỏ bác Trọng mình là người tài giỏi, rất đáng nể phục".
Hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhỏ bé bước từng bước khập khễnh bên cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn có ưu thế về thể hình, và hình ảnh ông Tập cúi người đeo tấm huy chương cho ông Trọng, tạo nên cảm giác về hình ảnh con sói trắng giả nai, giấu đi nanh vuốt của mình để từng bước dẫn dụ con mồi ngây ngô đi vào quỹ đạo.
Tuy nói là quan hệ song phương, nhưng trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của hai Đảng cộng sản chưa bao giờ là bình đẳng. Việt Nam dường như luôn nằm dưới sự chỉ đạo, luôn phải xin xỏ, năn nỉ, nịnh bợ… để vừa lòng người láng giềng khổng lồ , khi thì ngọt nhạt phủ dụ, lúc lại phùng mang trợn má đe dọa, uy hiếp.
Chuyến đi sứ lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với 13 văn kiện được ký kết và cả những thỏa thuận không được ký, chắc chắn là bước tiến mới trong kế hoạch "Vành đai và Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm nắm trọn quân cờ Việt Nam trong tay.
Với kế hoạch "Hai hành lang, một vành đai", Trung Quốc tạo ra hai gọng kìm siết chặt lấy yết hầu Việt Nam theo hai con đường. Một đường từ Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng ; một đường khác từ Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng. Như vậy, không chỉ hàng hóa Trung Quốc có thể chạy thẳng vào Việt Nam, mà nếu có một ngày, Trung Quốc lại muốn "dạy cho Việt Nam một bài học" thì quân đội, khí tài Trung Quốc tiến thẳng về Hà Nội chỉ mất một ngày đường.
Kim Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 05/11/2022
*************************
Giải mã vài hiện tượng trong "các buổi chầu" của ông Nguyễn Phú Trọng
Phùng Khoan, RFA, 04/11/2022
"Tập Hoàng đế" là của người Tàu. Thiên triều là của Trung Quốc. Ấy vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá tích cực, cam kết "chia sẻ" và "tham gia" vào quá trình xác lập "Trật tự Thế giới mới" – "Pax Sinica". Nếu trót lọt, Việt Nam vẫn là chư hầu, biên viễn. Đại quốc có thể dốc toàn bộ sức người sức của cho quyền lực của Hoàng đế. Lân bang như ta mà dồn quốc lực vào đấy thì để thu lại được cái gì ? Chưa nói, người dân Việt có hứng thú, có cộng hưởng với các giá trị của cái Trật tự chỉ phục vụ cho lợi ích của Thiên triều hay không ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huân chương Hữu nghị từ Tổng bí thư Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 31/10/2022 – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
____________
Ông Trọng "sang chầu" Bắc Kinh từ 30/10 đến 1/11, tức là rút ngắn một ngày mà không nêu rõ lý do, so với lời mời ban đầu mà trước đó cả hai Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốcđã công bố. Cái này thì chắc chắn không bao giờ giải mã được ! Nó tù mù và bí hiểm như chính mối bang giao ngàn năm có lẻ giữa hai quốc gia "núi liền núi sông liền sông". Cho dù giờ đây không còn "chung một Biển Đông" và cái gọi là mối tình hữu nghị ấy cũng chẳng thể "sáng như rạng Đông" trong những thập kỷ mù lòa.
21 phát đại bác cùng "các cơn mưa" trút những lời tụng ca "có cánh" về các mối quan hệ "môi hở răng lạnh", "vừa là đồng chí vừa là anh em" tưởng đã đi vào dĩ vãng… "Năm tháng qua đi, các cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và chỉ còn lại không phôi pha là tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương...". Lời tâm phúc từ "Con đường đau khổ" của Aleksandr Tolstoy luôn vang vọng trong tâm trí bao thế hệ. Điều này khiến người viết liên tưởng tới mối bang giao Việt – Trung có một không hai, cả yêu lẫn ghét, trong lịch sử thế giới.
Một "episode" được cư dân mạng truyền tải nhưng chưa thể xác nhận tính chính xác. Đó là, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khấn trước vong linh những người lính ngã xuống ở Pò Hén : "Anh em một nhà, cùng một bố mẹ sinh ra còn giết nhau nữa là, chết thì cũng đã chết rồi, ấm ức làm gì. Đã đến lúc cởi bỏ oán thù được rồi, hồn còn thì hồn cười". Thế rồi cả hệ thống báo chí "bưng bô" lần đầu tiên được dịp tung hô, có một Thủ tướng dám đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến sống mái với quân bành trướng (1).
Và đây, lần đầu tiên, Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh có một Tổng bí thư, danh xưng là Nguyễn Phú Trọng, đã thay mặt "những linh hồn chết" (Tiểu thuyết của Gogol), nhận cái Huân chương Hữu nghị "vĩ đại và cảm động" ấy, do đích thân Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trao tặng. Người vừa ban tặng "phần thưởng cao quý" đó cho ông Trọng cũng chính là kẻ vừa thẳng tay đuổi "người bảo trợ chính" cho mình, người tiến cử mình – đó là cựu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào – vào cái ghế hiện nay, ra khỏi Hội trường Đại hội… Xem tình nghĩa "trong Đảng" họ đối đãi nhau "cạn tàu ráo máng" đến thế, đủ hiểu ý nghĩa "mặt trái" của tấm Huân chương Hữu nghị rồi sẽ đen đủi và xui xẻo đến nhường nào…
Nhưng nếu nói xui xẻo và đen đủi thì có lẽ không gì có thể so sánh với các cam kết "mạnh mẽ" của ông Trọng được ghi nhận trong Bản Tuyên bố chung được chuẩn bị khá công phu (2). Chắc chắn rất ít ai có đủ kiên nhẫn để lướt (chứ chưa nói là đọc kỹ) cả vạn chữ trong "Bản tuyên bố chung" này và cả bài xã luận trên đường link của Đảng cộng sản Việt Nam . Nhưng trong "bãi tha ma" ngôn ngữ ấy, vẫn "lập lòe ánh lân tinh" từ các bộ xương cốt những người lính hải quân đã buộc phải tuân lệnh Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh là không được nổ súng khi lính Trung Quốc tràn lên chiếm đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) vào năm 1988. Mong sao có một Nguyễn Đình Chiểu thời nay để tấu lên nỗi oan khuất cho những bộ xương vẫn đang bị mục dưới đáy biển Trường Sa, hay khô quắt trong các hang động của "cối xay thịt" Lão Sơn năm nào (3).
Trong ba ngày chầu tại Bắc Kinh, ông Trọng đã cam kết những gì ? Bla, bla, bla… nhiều thứ lắm ! Không thể giải mã hết trong một lần. Nhưng 13 "cột trụ" xây nên tình hữu nghị Việt – Trung, "lâu đài bằng giấy" ấy chẳng có gì là bền vững cả. Bền vững sao được khi Tổng bí thư Trọng đã liều lĩnh cam kết, "phía Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia ‘Sáng kiến Phát triển toàn cầu’ (GDI), theo nội dung và cách thức phù hợp…". Không những cam kết tham gia GDI, Nguyễn Phú Trọng – không hiểu là tình nguyện hay bị ép buộc – còn "ghi nhận tích cực "Sáng kiến An ninh toàn cầu’ của Trung Quốc (GSI)".
Vẫn biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã có "trừ hao" : Chỉ tham gia sáng kiến phát triển "theo nội dung và cách thức phù hợp" và cũng chỉ tích cực đánh giá sáng kiến an ninh với điều kiện lấy "mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc" làm cơ sở. Nhưng rồi ai mà đoán trước được các trò "tung hứng" của "Tập Hoàng đế" ! Kỷ nguyên tới, chỉ còn lại một mình, khi "ngài" lấy các quyết định liên quan đến Đài Loan hay Biển Đông, để "dạy" cho thiên hạ bài học nào mà Trung Quốc cho là cần thiết (4).
"Tập Hoàng đế" là của người Tàu, của nước Trung Hoa. Thiên triều là của Trung Quốc. Ấy vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ, đánh giá tích cực, cam kết "chia sẻ" và "tham gia" vào quá trình xác lập "Trật tự Thế giới mới" – "Pax Sinica". Nếu trót lọt, Việt Nam vẫn chỉ là chư hầu, biên viễn. Đại quốc có thể dốc toàn bộ sức người sức của cho quyền lực của Hoàng đế. Lân bang như ta mà dồn quốc lực vào đấy thì để thu lại được cái gì ? Chưa nói, người dân Việt có hứng thú, có cộng hưởng với các giá trị của cái Trật tự chỉ phục vụ cho lợi ích của Thiên triều hay không ?
Nhưng một khi "tay đã nhúng chàm/ dại rồi còn biết khôn làm sao đây" ? Giàn cố vấn cho ông Trọng thừa hiểu rằng, hai khái niệm là GSI và GDI là nền tảng của "Đại An Ninh" – nền tảng căn bản để Trung Quốc xây dựng chiến lược toàn cầu, kiến tạo nên "Trật tự Thế giới mới", xây dựng "Cộng đồng chung vận mệnh". Tại đó, Trung Quốc sẽ đóng vai trò thống lĩnh để làm bá chủ thiên hạ. Các thành viên của trật tự này sẽ là LB Nga, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Cuba… Liệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có "cầm cự" được đến ngày khai trương ‘Trật tự mới" ấy không ? Và trong tiến trình ra đời trật tự này, Đảng cộng sản Việt Nam bằng cách nào để hưởng ứng và chia sẻ với tính mục tiêu chi phối cái đại chiến lược cai trị bởi Trung Quốc đối với "cộng đồng chung vận mệnh" ấy ?
Đấy là chưa nói tới tình huống nan giải khác : Liệu lúc đó, cục diện khu vực và quốc tế có cho phép Việt Nam hưởng ứng và chia sẻ cái "Trật tự thế giới" do Trung Quốc dẫn dắt ? Nhìn bức ảnh hai bàn tay ông Trọng và ông Tập cuộn tròn lấy nhau, các cây bình luận trên Facebook đã mỉa mai : Đó là hình ảnh "bẩn nhất" trên mạng xã hội ngày 31/10. Hãy đọc đoạn "chế" từ thơ Xuân Diệu của một vị Giáo sư khả kính bên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn :
"Anh không xứng là đại ca
Nhưng anh không muốn em chìa nắm đấm
Tay em tuy thô nhưng ấm
Anh bao kín rồi, Giấc mộng (Trung Hoa)… gác lên nhau !"
Trên đoạn đường tiếp theo, khi Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "tay trong tay" trên đại lộ mà Tuyên bố chung cũng đã nhấn mạnh, nhằm "thúc đẩy kết nối giữa ‘Khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai’ với ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Bây giờ mà vẫn đeo đuổi BRI sau khi hàng loạt nước đã và đang vỡ nợ vì Dự án thế kỷ này thì quả thật là đáng sợ thay !
Trước khi post bài này lên mạng, chỉ xin nhắc một chi tiết. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người am hiểu "lý luận", hẳn ông giữ được ấn tượng về Vương Hỗ Ninh trong cuộc gặp với bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Vương tiên sinh từ lâu đã được ví như là "đế sư" – "nhà lý luận cung đình" – qua ba đời Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc. Tiếp thu di sản này từ các Tổng bí thư đời trước nhưng không rõ ông Tập có truyền lại kinh nghiệm cho ông Trọng nhân cuộc trà đạo nổi tiếng ở Trung Nam Hải, về cách đào tạo các "túi khôn cao cấp" không ?
Như đã biết, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cùng với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là hai đơn vị thành viên chủ chốt của Hội đồng Lý luận, với chức năng tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị. Nhưng sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống diễn ra nghiêm trọng tại các đơn vị này khiến vấn đề cải tổ phải được đặt ra khẩn cấp đối với Hội đồng nói riêng và công tác lý luận nói chung. Xin nói khẽ, nếu không chuẩn bị tốt khâu này, các cố vấn của ông Trọng dễ bị Vương Hỗ Ninh cho ăn "quả lừa" đấy ! (5 )
Phùng Khoan
Nguồn : RFA, 04/11/2022
Tham khảo :
1. http://www.viet-studies.net/kinhte/SaoBang_BatTayDietVong.html
2. https://vtv.vn/chinh-tri/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20221101175032003.htm
4. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxx0175rky7o
5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/china-20-congress-wang-vn-11012022094108.html
************************
Sau ‘cuộc chầu thánh thể’ tại Bắc kinh của ông Trọng…
Trần Đông A, VOA, 03/11/2022
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, cư dân mạng xã hội ở Việt Nam lo lắng, Hà Nội ngả về Bắc Kinh quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến các mối bang giao khác của Việt Nam. Tuy nhiên, so với các triều đại phong kiến xa xưa, giờ đây sau Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc (chu kỳ 5 năm một lần), thì việc ông Trọng "sang chầu" Bắc Kinh là phải đạo.
Tập Cận Bình tiếp Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh. Ảnh minh họa
Não trạng quan phương bị quy phục
Đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 3 ngày ở Bắc Kinh (30/10 – 1/11) là cả một "cuộc chầu thánh thể" để bày tỏ sự cung kính đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, giống như con chiên bày tỏ lòng trung thành dành cho Chúa Trời. Ông Trọng hẳn cũng biết rằng, bản thân ông Tập Cận Bình vốn chẳng say mê gì chủ nghĩa Mác – Lênin cả. Trong thâm tâm, ông Tập chỉ tôn thờ một thứ chủ nghĩa Mác được Trung Quốc hóa để toàn Đảng của ông kiên trì "tín ngưỡng và lòng tin" vào công cuộc "phục hưng vĩ đại" của Trung Hoa. Đấy chính là tư tưởng Tập Cận Bình – chủ nghĩa Đại Hán trong thế kỷ 21. Cho nên đoạn trích trong Tuyên bố chung, nói rằng, Việt Nam và Trung Quốc "kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin" là cả một sự nhượng bộ của Tập Cận Bình đối với Nguyễn Phú Trọng.Và Tuyên bố chung 6.000 từ, thì cũng chỉ đề cập đến Mác – Lê có một lần duy nhất.
Việc Tập Cận Bình ưu tiên tiêu chí trung thành khi bổ nhiệm nhân sự vào Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị thể hiện sự thay đổi to lớn ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo trước ông Tập luôn đặc biệt coi trọng vai trò lãnh đạo tập thể và sự tách biệt giữa Đảng và Nhà nước sau thời kỳ cai trị hỗn loạn của Mao Trạch Đông. Những luồng gió mới mở cửa đã tạo tiền đề cho những cải cách theo định hướng thị trường, dẫn đến sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc từ một quốc gia nghèo bị cô lập vươn lên thách thức trật tự toàn cầu của Mỹ và phương Tây. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất tại Đại hội 20 là Tập Cận Bình đã phát triển hai khái niệm : "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" (GSI) và "Sáng kiến Phát triển Toàn cầu" (GDI) thành khung khổ chung cho toàn bộ quản trị kinh tế – xã hội Trung Quốc trong kỷ nguyên mới. Đây là nội dung ông Trọng đặc biệt quan tâm và ông Trọng cam kết, Việt Nam sẽ tham gia GDI và ông cũng đánh giá tích cực đối với GSI, theo như nội dung th ứ 7 trong Tuyên bố chung giữa hai nước.
Với não trạng quan phương bị quy phục, có thể ông Nguyễn Phú Trọng không hay biết rằng, sau khi đạt đến đỉnh cao của quyền lực, Tổng bí thư – Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây cô đơn hơn bao giờ hết. Trước Đại hội 20, ông Tập còn phải lo đối phó với các sự chống đối ngấm ngầm hoặc công khai của đoàn phái, bang phái và các thế tử đảng ngay trên thượng tầng lãnh đạo. Nhưng từ nay, một mình một chợ, ông sẽ đối phó với nguy cơ hỗn loạn bởi tình huống : duy nhất chỉ có một mình ông kiểm soát toàn diện đất nước 1,4 tỷ dân. Như vậy, Tập sẽ rơi vào cái bẫy do chính ông tạo ra. Nếu có tầm nhìn như thế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không dũng cảm bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo "hạt nhân" của ông Tập, nhân dân Trung Quốc sẽ hoàn thành đúng thời hạn các mục tiêu do Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc đề ra,thực hiện thắng lợi các định hướng phấn đấu "100 năm lần thứ hai".
Thế "tam quốc chí" có tạo sức ép ?
Hôm đầu tuần 30/10, Tổng bí thư Tập Cận Bình nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, cả hai nước và hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam "không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào tiến trình của đôi bên". Thông điệp nhấn mạnh việc chống lại sự can thiệp từ bên ngoài được ông Tập đưa ra đưa ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan, xung đột Ukraine, thương mại và nhiều vấn đề khác. Phát biểu tại lễ tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Tập còn nhấn mạnh : "Sự phát triển của sự nghiệp tiến bộ nhân loại là quá trình dài và quanh co… Hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam cần kiên định hành động vì hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại, đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả nguồn lực của mình, và không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta".Tuyên bố này được tr ích từ Đài truyền hình Trung Quốc, nội dung này không tìm thấy trên các tin tức của TTXVN.
Với "Tuyên bố chung" gồm 13 nội dung lớn bao trùm hầu hết mọi mặt của bang giao Việt – Trung, dư luận băn khoăn nếu Trung Quốc đã "quy phục" được toàn diện Việt Nam như thế, từ nay, lối ra thế giới của Việt Nam liệu có bị hẹp bớt không ? Sức ép từ một thế "tam quốc chí" mới tạo nên giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và LB Nga đối với Hà Nội sẽ như thế nào ? Ngày 30/10, bình luận về vấn đề này trên truyền thông quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, mối quan hệ hai nước Việt – Trung cũng như giữa Việt Nam với các nước, về cơ bản sẽ không có nhiều chuyển biến, sau chuyến công du Bắc Kinh của ông Trọng. Tuy nhiên, dư luận vẫn quan ngại, với chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng, có thể ảnh hưởng gì tới tình trạng nhân quyền vốn đang rất bết bát của Việt Nam và vai trò của của Mỹ trong việc cải thiện tình trạng này ra sao ?
Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW Phil Robertson tuyên bố trong một thông cáo gửi truyền thông quốc tế : "Việt Nam có mối quan hệ 'yêu-ghét' với Trung Quốc. Và Việt Nam thường dùng điều này khiến Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn. Chính phủ Việt Nam đôi khi đứng về phía Hoa Kỳ chống lại các hành động của Trung Quốc trong các vấn đề hàng hải, nhưng những lần khác lại hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc,nơi cũng vi phạm trắng trợn các quyền con người như thế. Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Úc) nói với BBC hôm 1/11 rằng, nếu thông tin hiện chưa được xác nhận, Việt Nam đang vận động Hoa Kỳ thu xếp chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 này là chuẩn, thì Việt Nam có thể bất ngờ trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang.
Bình luận trên của Giáo sư Carl Thayer được đưa ra trước "Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ 26" diễn ra tại Hà Nội vào 2/11, đúng một ngày sau khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trở về nước sau chuyến thăm Trung Quốc. Trong khi Việt Nam nhấn mạnh Trung Quốc là ưu tiên ngoại giao hàng đầu, ý kiến này, theo Giáo sư Thayer, không nên diễn dịch rằng Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu duy nhất. Dựa trên sự thuận lợi về mặt địa lý, mối quan hệ thương mại và sức mạnh đang ngày càng được củng cố của Trung Quốc là tất nhiên. Cuộc đối thoại sẽ là một phần của các sự kiện ngoại giao theo khuôn mẫu. Cả hai bên sẽ trình bày lập trường đã có từ lâu của mình về nhiều vấn đề khác nhau. Cả hai sẽ đồng ý rằng tiếp tục đối thoại là quan trọng. Việt Nam có quan điểm dàn trải về quyền con người, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.Trong khi Hoa Kỳ sẽ bàn đến các vấn đề tự do tôn giáo và các quyền dân sự và chính trị của mọi công dân.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 03/11/2022