Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/11/2022

Đời sống kinh tế, chính trị, lạm phát ở Việt Nam

Nguyễn Huỳnh, Hàn Lam, Ngọc Linh Lan

Đời sống kinh tế – chính trị ở Việt Nam đầy u uất

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 05/11/2022

Từ Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh đến Ban thường vụ Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Quản lý Thị trường, Cục Hải quan ; tức từ bộ máy nhà nước "gác cửa" kinh tế đến lực lượng vũ trang, biên phòng đều dắt tay nhau vi phạm ráo trọi.

tienbac1

Nhìn danh sách đơn vị dính kỷ luật của An Giang mà mướt mồ hôi, như thể đang chạy ngang Ngã ba Lộ tẻ, chực rơi xuống sông. Ảnh minh họa

Hối lộ, tham nhũng đầy rẫy ?

Từ đầu tháng 11/2022, tin tức từ tỉnh Đồng Nai cho biết, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Huy Cường, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai.

Ông Cường bị khởi tố do liên quan đến hoạt động đấu thầu của Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) thuộc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Công an áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Cường. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Đồng thời, công an cũng khởi tố bị can với Phan Thành An (cựu trưởng phòng thẩm định thuộc Sở Xây dựng Đồng Nai) ; Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thành Thái và Lê Lâm Đồng (cựu phó giám đốc phụ trách và cựu cán bộ Trung tâm Tư vấn quy hoạch thẩm định xây dựng, thuộc Sở Xây dựng Đồng Nai), Chu Văn Tiến (cựu phó giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp, hiện là phó giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Đồng Nai) với cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ án này, 2 tuần trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ; Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, về tội "Nhận hối lộ".

Đảng đưa ra kỷ luật nhưng mập mờ về lỗi và trách nhiệm

Cũng tuần lễ đầu tháng 11/2022, tin tức tràn ngập mặt báo là việc Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng tiếp tục đưa ra hàng loạt vụ việc, như kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các ông : Bùi Bé Năm, đại tá, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó giám đốc ; Lê Văn Tiền, đại tá, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc ; Nguyễn Tấn Phước, đại tá, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc ; Lâm Thành Sol, đại tá, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang.

Nhân danh quyền lực tối cao của Đảng, ủy ban kiểm tra đưa ra kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Nhật Trường, đại tá, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang ; Lâm Minh Hồng, đại tá, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Long An, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang.

Ủy ban kiểm tra trung ương cũng đưa ra mức kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và các ông : Lê Xuân Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng ; Trần Văn Thìn, Phó bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó viện trưởng ; Nguyễn Văn Thạnh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó viện trưởng ; Lê Hồng Bào, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang.

Ủy ban kiểm tra trung ương cũng kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và các ông : La Hồng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án ; Lý Ngọc Sơn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

Cùng đó, Ủy ban kiểm tra trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và các ông : Phạm Văn Phong, đại tá, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy ; Lý Kế Tùng, đại tá, Đảng ủy viên, Phó chỉ huy trưởng. Đồng thời, kỷ luật khiển trách ông Bùi Trung Dũng, đại tá, Đảng ủy viên, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang.

Cụ thể họ vi phạm gì, có gây oan khuất cho dân chúng không ?

Ủy ban kiểm tra trung ương cũng kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2019 – 2020, 2020 – 2025 ; Chi ủy Văn phòng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh các nhiệm kỳ 2015 – 2017, 2017 – 2019 và các ông, bà : Huỳnh Ngọc Hồ, Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng phụ trách ; Trần Thị Thu Thanh Thủy, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng ; Phan Lợi, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang.

Ủy ban kiểm tra trung ương kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Hải quan tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và ông Trần Quốc Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng. Đồng thời, kỷ luật cảnh cáo các ông : Đinh Văn Tươi, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng ; Nguyễn Tấn Bửu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh An Giang.

Ủy ban kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật thiếu tướng Bùi Bé Tư, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh An Giang và đại tá Nguyễn Thượng Lễ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang…

…Có lửa mới có khói. Vậy thì lúc đương chức, các vị nhận mức án kỷ luật Đảng kể trên, liệu từ chuyện vi phạm gì đó mà Đảng chưa công khai, họ có gây oan nghiệt gì cho người dân ? Nếu đây là câu chuyện thanh trừng giữa phe nhóm quyền lực trong nội bộ Đảng, liệu đất nước này rồi sẽ đi về đâu khi ngày nào cũng có tin bắt bớ đầy u uất đến như vậy…

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 05/11/2022

************************

Dân ‘nghẹt thở’ vì lạm phát

Hàn Lam, VNTB, 05/11/2022

Tính trong 3 ngày đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm 37.522 tỷ đồng, trong khi lượng tiền hút về chỉ 10.000 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày). Lượng tiền bơm ròng lên 27.522 tỷ đồng.

tienbac2

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa bơm thêm gần 5.000 tỷ đồng qua thị trường mở với kỳ hạn 14 ngày mà không hút về đồng nào.

Với việc bơm tiền đó của Ngân hàng Nhà nước đã đẩy lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng nhảy vọt lên mức cao. Đối với kỳ hạn qua đêm, lãi suất lên 6,96%/năm, 1 tuần 7,28%/năm, 2 tuần lên 7,6%/năm, 1 tháng lên 7,9%/năm. Từ 2 tháng trở lên, lãi suất vượt mức 8%/năm như kỳ hạn 2 tháng lên 8,06%/năm, 3 tháng 8,16%/năm, 6 tháng lên 8,22%/năm, 9 tháng lên 8,43%/năm, 1 năm lên 8,5%/năm.

Những con số nhảy múa ở trên nói lên điều gì ?

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhận định với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm %, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75 – 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1-2008, sẽ dẫn tới hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là sẽ buộc phải nâng lãi suất theo, bởi tỷ giá sẽ tăng nếu không tăng lãi suất trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm.

"Nếu không bán USD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tỷ giá. Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn phải theo xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ, nếu không tiền đồng sẽ bị mất giá rất lớn. Lãi suất vẫn sẽ tăng", ông Nguyễn Thế Minh nói.

"Theo ước tính của chúng tôi, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng nhập khẩu, tức khoảng 89 tỷ USD so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022" – trích báo cáo dành cho nhà đầu tư chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.

Như vậy với việc tăng cung tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy khả năng đẩy lạm phát tăng theo, và người dân sẽ khốn khó về đời sống hơn nữa trong thời gian tới.

Ở đây nếu nhìn từ diễn biến thị trường như xăng dầu, phân bón, dược phẩm – vật tư y tế… cho thấy để có thể "lấy lại sự thăng bằng" như trước đó, xem ra chính phủ Việt Nam phải tăng chi tiêu, và điều đó sẽ làm/ dẫn đến tăng cung tiền trong nước. Bởi khi ấy Ngân hàng Nhà nước phải "đồng hành" cùng chính phủ, cũng tăng cung tiền để đáp ứng mức độ tăng chi tiêu của chính phủ.

Lý do của việc "đồng hành" này có thể được giải thích là chính phủ đang bị thâm hụt ngân sách nặng, khó hoặc không thể vay mượn được trên thị trường trong nước và quốc tế ; hoặc nếu vay mượn được thì với chi phí đắt đỏ. Hoặc cũng có thể là khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đơn giản chỉ là muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để cùng với chính phủ kích thích tăng trưởng kinh tế…

Trước mắt, với việc Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và nới biên độ giao ngay tỷ giá USD/VND.

Động thái này được giải thích là nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, nhưng cũng tạo ra sức ép nặng nề lên hoạt động và chi phí của doanh nghiệp. Bởi USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, nên diễn biến giá USD tăng hay giảm mạnh đều gây ra biến động và nhiều lo ngại cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan xuất nhập khẩu.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho hay, tỷ giá VND/USD tăng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi, hợp kim nhôm kẽm… của các doanh nghiệp tôn mạ và tăng chi phí chênh lệch tỷ giá với các khoản vay bằng USD. Vì thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HSG chỉ đạt 251 tỷ đồng, hoàn thành 17% kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục 1.786 tỷ đồng trong quý 3/2022. Một trong những nguyên nhân là do chính sách tiền tệ thắt chặt để mong kiềm chế lạm phát làm lãi suất tăng mạnh, tỷ giá USD leo cao, làm tăng chi phí tài chính…

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 05/11/2022

***************************

Cần định hướng xã hội chủ nghĩa tốt hơn cho nền kinh tế

Ngọc Linh Lan, VNTB, 05/11/2022

Tổng bí thư là tinh hoa bậc nhất trong các thứ bậc nhân sự ở Bộ Chính trị, chính điều đó nên với những gì đang diễn ra cho thấy các cơ quan quản lý đã lơ là thực thi việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường.

tienbac3

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường được định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên quyết yêu cầu phải như thế.

Nôm na, kinh tế thị trường đã tốt rồi, lại thêm định hướng xã hội chủ nghĩa vào, nó càng tốt hơn. Giống như sư sãi đã tốt, lại thêm là đảng viên nữa thì càng tốt hơn. Từ đó suy ra thị trường nhiên liệu đang khủng hoảng xăng dầu, chứng khoán bị lũng đoạn chẳng qua là do thiếu định hướng xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Hiện tại trong giới quản trị kinh tế đang đưa ra luồng ý kiến phản bác về yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên quyết theo đuổi.

Lập luận đó như sau : Chúng ta đã từ bỏ kinh tế kế hoạch chuyển sang kinh tế thị trường được hơn ba chục năm. Tư duy quản lý, ở đây là xăng dầu, cần tôn trọng quy luật của thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, giá hình thành và vận động theo quy luật của nó. Đó là quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh.

Con người chỉ có thể vận dụng quy luật, chứ không sáng tạo quy luật ; đi ngược lại quy luật thì trả giá rất đắt, điều nền kinh tế này đã trải qua thời bao cấp khốn khó.

Áp cho cửa hàng xăng dầu phí bằng 0 và điều chỉnh giá mỗi 10 ngày cho thấy, sự thông hiểu về các quy luật trên là không rõ ràng. Phí của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là một loại giá, không có lãi thì không ai làm ; bắt doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bán giá thấp hơn giá nhập thì không ai làm dù xăng đầy trong kho.

Xin nhấn mạnh thực tế, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, có lãi mới dám làm, chỉ họ không thể vì những quyết định duy ý chí mang tính cổ vũ thể chế chính trị để sa lầy vào lỗ lã…

Luồng ý kiến trên còn đưa ra ngờ vực dường như chính vì cứ khăng khăng "định hướng xã hội chủ nghĩa" cho kinh tế thị trường nên mới xảy ra chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới ở hôm 21/10 vừa qua.

Thời sự hơn đó là chuyện VN-Index mất gần 23 điểm trong phiên cuối tuần 4/11/2022, và qua đó chính thức tuột mất mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm.

Phiên chứng khoán cuối tuần chứng kiến áp lực bán tháo trên diện rộng. VN-Index sớm chìm trong sắc đỏ và càng lúc rơi mạnh hơn. Áp lực dữ dội khiến cho sàn chứng khoán "đỏ lửa", độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán. Toàn sàn có 804 mã giảm giá, trong đó giảm sàn là 150.

Thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao do áp lực bán trên diện rộng, tổng giá trị giao dịch đạt 14.337 tỷ đồng ; trong đó, giao dịch tại sàn HoSE tăng 64% so với 24 giờ trước đó.

Tác động xấu nhất lên thị trường là mã NVL của Novaland khi bị bán sàn ngay từ đầu phiên về 59.900 đồng và vẫn còn hơn 2 triệu cổ phiếu tranh bán giá sàn. Cổ phiếu bị bán mạnh sau thông tin công ty ngừng kế hoạch thưởng cổ phiếu để tăng vốn.

Một loạt cổ phiếu bất động sản cũng trong trạng thái không có bên mua có thể kể đến như PDR, NLG, DIG, CEO, DXG, LDG, KDH, KBC và nhiều mã ngành xây dựng giảm kịch sàn là FCN, HBC, VCG.

Tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngành tài chính gây tác động xấu. Đại diện ngành ngân hàng VCB giảm 1,6%, STB và HDB mất 3,8%, VPB rơi 3,1%, ACB lùi 5,6% hay EIB lao dốc 6,7%.

Nhiều cổ phiếu ngành bán lẻ chịu áp lực rất lớn từ bên bán. Điển hình như MWG của Thế giới Di động lao thẳng về giá sàn 46.050 đồng, tương tự sắc xanh lơ xuất hiện tại PNJ, PET, DGW. FRT của FPT Retail mất 5,1% hay MSN của Masan giảm 1,3%.

…Có lẽ để cứu vãn tình thế, rất cần sự chỉ đạo mang tính định hướng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực thi nghiêm chỉnh hơn các mệnh lệnh về "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong nền kinh tế thị trường ; đặc biệt là khi Tổng bí thư vừa có cuộc làm việc với người đồng cấp ở Trung Quốc, mà theo lời kể của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba với báo chí Việt Nam, rằng, "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nói : ‘Khi trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy rằng, nói càng nhiều, càng thấy thú vị và càng thấy thân thiết’…

Ngọc Linh Lan

Nguồn : VNTB, 05/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huỳnh, Hàn Lam, Ngọc Linh Lan
Read 290 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)