Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2022

Huân chương nước mắt cho tình đồng bào

Tuấn Khanh

Tháng 10/2022. Hãng AFP phát đi bản phóng sự về ngư dân Lý Sơn nói riêng, hay ngư dân Việt nói chung về việc "thực thi" chủ quyền của mình trên biển. Câu chuyện đọc mà đau, vì đó là nỗi đau hàng ngày, cái chết hàng giờ, sự cay đắng hàng đời mà không phải lúc nào người Việt cũng biết về người Việt.

Xin được viết lại một phần về phóng sự này, như một người Việt muốn trao huân chương đồng bào mình, trong khi các đảng phái và lãnh tụ đeo huân chương hữu nghị cho nhau.

lyson1

Tàu cá của ngư dân huyện Đảo Lý Sơn chuẩn bị ra Ngư trường Hoàng Sa (Nguồn : nhandan.com.vn)

*****

Ngư dân Việt Nam Nguyễn Văn Lộc kể cho giới truyền thông quốc tế biết, chuyện anh đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc tấn công nhiều lần, chuyện đó xảy ra nhiều đến mức anh không còn nhớ nỗi là lần thứ bao nhiêu rồi.

Từ Lý Sơn, anh Lộc kể rằng lần đáng nhớ nhất, là vào một ngày mùa hè năm 2020, khi anh đi qua quần đảo Hoàng Sa – vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông mà cả Hà Nội và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền – thuyền của anh đã bị một tàu Trung Quốc xông đến, đâm liên tục cho đến khi lật úp.

13 người thuyền viên của anh lóp ngóp dưới biển, bám vào các giỏ đánh cá nổi lên trên mặt nước, tuyệt vọng chờ sự giúp đỡ suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Anh Lộc năm nay, 43 tuổi, kể đời đi biển của anh bị cướp, bị đánh đập như chuyện cơm bữa. Khi tàu Trung Quốc ập đến, thuyền của anh bị cướp tất cả những gì đánh bắt được, cướp cả công cụ và ngư lưới.

Vài năm trước đó, hai tàu Trung Quốc với súng máy lớn – và thủy thủ đoàn trang bị rìu – đã cố ý đâm vào thuyền của Lộc và cứ bám theo, trong khi chiếc thuyền tơi tả cố tìm đường về nhà.

Giờ đây, những vùng biển tranh chấp ngày một lớn dần – nơi anh Lộc bắt đầy vào nghề đi biển từ khi còn là một cậu bé 15 tuổi – đã là khu vực cấm đi lại. Những vùng biển gọi là an toàn trong sự kiểm soát của Việt Nam, bị đánh bắt quá mức, khiến anh Lộc chỉ dừng lại khoảng một giờ, sau đó lại phải đi xa hơn nữa để có thể đánh bắt được.

"Chúng tôi cũng sợ lắm", Lộc nói với hãng tin AFP. "Nhưng bây giờ đây thì mọi thứ chỉ là cuộc sống bình thường của chúng tôi".

Thỉnh thoảng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng yêu cầu Bắc Kinh điều tra vụ việc – những lúc như vậy được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Việt Nam – nhưng vào lúc đó, các ngư dân khác từ đảo Lý Sơn nói chuyện họ bị quấy rối tương tự trên biển, vẫn diễn ra như thường lệ.

Từ năm 2014, có 98 tàu thuyền của Việt Nam đã bị tàu trang bị súng và rìu, máy bắn nước… của Trung Quốc đánh phá, theo số liệu của hiệp hội nghề cá địa phương ở Lý Sơn. Vùng đảo này là nơi sinh sống của hàng trăm ngư dân và gia đình của họ, những người có cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào những chuyến ra khơi.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông từ nhiều năm nay, một tuyến đường thủy có tầm quan trọng chiến lược to lớn, qua đó hàng nghìn tỷ đô la Mỹ lưu thông thương mại mỗi năm.

Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tuyên bố chủ quyền đối với một phần biển từ các vùng biển này, nhưng Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc khẳng định mình trong khu vực dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, người được đã nắm phần quyền lực ở nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp trong tháng này.

Sát mép nước của bờ biển đảo Lý Sơn, nơi có những phụ nữ đội nón lá truyền thống đánh bắt trong ngày, là bãi sửa tàu của Lý Sơn. Nhưng giờ đây các chỗ sửa thuyền của Lý Sơn không còn đủ sức để giải quyết những thiệt hại nặng nề gây ra cho các con thuyền từ Trung Quốc, mà ngày càng một nhiều.

Nhiều người trên đảo buộc phải dong thuyền vào đất liền để chờ sửa chữa hư hại, những lúc như vậy các gia đình đi biển gần như không còn hoạt động gì để mưu sinh.

Bắc Kinh giành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 sau khi bất ngờ mở cuộc chiến xâm lược với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa – vốn lúc ấy đang tận sức đối đầu với quân Bắc Việt. Cuộc chiến ấy khiến 75 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng.

Theo Hiệp hội nghề cá Lý Sơn, hôm nay, tàu tuần duyên Trung Quốc có thêm trò mới là tìm cách bắn hạ cờ Việt Nam giăng trên cabin của mỗi tàu cá, và hầu hết các thuyền viên không còn cách nào khác là phải ra khơi không có cờ đánh dấu tàu Việt Nam, vì sợ hậu quả, nếu cứ giương lá cò đỏ sao vàng chứng minh chủ quyền, nhưng bản thân họ không có hậu thuẫn nào mang tính quốc gia.

Hiệp hội nghề cá địa phương cho biết trong ba thập niên qua, 120 ngư dân ở Lý Sơn đã thiệt mạng do bị tàu Trung Quốc tấn công hoặc do tàu thuyền từ Trung Quốc từ chối cứu trợ khi thời tiết xấu.

"Các tàu của chúng tôi nhỏ," ông Lộc nói. "Nếu như bị đuổi, thì chỉ có chạy".

Nhưng Lộc, cũng như nhiều ngư dân khác, vẫn gắn bó với vùng biển, nơi ông nội và cha anh đã đánh bắt trước anh. Anh không có cách nào khác, không có lựa chọn nào nữa.

"Ngư trường này có từ đời tổ tiên của chúng tôi, nên chúng tôi không thể từ bỏ nó".

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 03/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh
Read 292 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)