Vì sao Quốc hội chỉ sợ Tô Lâm ?
Đồng Phụng Việt, RFA, 09/11/2022
Các đại biểu của Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 15 vừa nhất trí sửa một phần Luật Xuất cảnh – Nhập cảnh, thực thi đề nghị của ông Tô Lâm - Bộ trưởng Công an : Bổ sung mục "nơi sinh" vào hộ chiếu mẫu mới.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm - Báo Nhân Dân
Không có đại biểu quốc hội nào dám hó hé về trách nhiệm của ông Tô Lâm – nhân vật "phát kiến" rồi bảo trợ cho "sáng kiến" bỏ mục "nơi sinh" trong hộ chiếu mẫu mới và chỉ đạo thực hiện – dù rõ ràng là "sáng kiến" ấy vừa gây đủ thứ xáo trộn, phiền toái cả cho chính quyền lẫn công dân, vừa gây tốn kém (chỉ có thể ước đoán là rất lớn chứ không thể biết chính xác là bao nhiêu vì Chính phủ không thèm tiết lộ và Quốc hội cũng không thèm thắc mắc).
Không những không dám hó hé về trách nhiệm của ông Tô Lâm, các đại biểu quốc hội khóa 15 còn đồng lòng thay ông Tô Lâm nhận lỗi, biến Quốc hội thành nơi gánh vác hậu quả của "sáng kiến" bỏ mục "nơi sinh" trong hộ chiếu mẫu mới. Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội khóa này đã xác định, chuyện bỏ "nơi sinh" trong hộ chiếu mẫu mới là do Luật xuất cảnh - nhập cảnh quy định như thế mà Luật xuất cảnh - nhập cảnh là do các đại biểu quốc hội khóa trước (khóa 14) bỏ phiếu tán thành hồi tháng 11 năm 2019 nên Quốc hội tự nguyện nhận trách nhiệm (1) !
Nếu thử tìm - đọc Luật xuất cảnh - nhập cảnh thì quả là Khoản 3 - Điều 6 của Luật xuất cảnh - nhập cảnh không đề cập đến "nơi sinh" khi quy định về "thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh". Tuy nhiên điều đầu tiên phải lưu ý là cũng trong luật này, tại Khoản 3 – Điều 45 minh định rất rõ : Bộ Công an có trách nhiệm "ban hành các mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của Luật XNC sau khi trao đổi với các bộ, ngành liên quan. In ấn, quản lý và cung ứng giấy tờ xuất nhập cảnh để cấp cho công dân" (2).
Điều thứ hai phải lưu ý là nếu đọc kỹ Luật xuất cảnh - nhập cảnh ắt sẽ thấy, Luật xuất cảnh - nhập cảnh chỉ có một mục tiêu : Dành cho Bộ Công an quyền định đoạt tất cả những vấn đề có liên quan đến xuất cảnh - nhập cảnh ở Việt Nam. Sở dĩ Luật xuất cảnh - nhập cảnh trở thành như thế vì ông Tô Lâm là người chỉ đạo Bộ Công an soạn Luật xuất cảnh - nhập cảnh và thay Chính phủ trình Dự luật xuất cảnh - nhập cảnh. Tháng 5/2019, ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Bộ trưởng Công an, kiêm đại biểu quốc hội khóa 14) bảo với Quốc hội : Luật xuất cảnh - nhập cảnh phải như Bộ Công an đã soạn vì đó là "xu hướng tất yếu" (3).
"Xu hướng tất yếu" mà ông Tô Lâm quảng bá như "tầm nhìn"" và "nỗ lực" của chính ông bao gồm cả hộ chiếu mẫu mới lẫn căn cước công dân cho phù hợp với "cuộc cách mạng công nghệ 4.0".
Sau khi khởi xướng "xu hướng tất yếu", ông Tô Lâm đã dẫn dắt Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu quốc gia để quản lý đủ thứ bằng mạng máy tính, trong đó có quản lý xuất cảnh - nhập cảnh. Chưa rõ kho dữ liệu quốc gia đã và sẽ còn ngốn bao nhiêu tỷ nhưng đầu tháng 7 năm 2022 – thời điểm phát hành hộ chiếu mẫu mới vẫn chẳng thấy hộ chiếu nào có chip cung cấp những dữ liệu cần thiết về người sử dụng cho các cơ quan hữu trách cả ở Việt Nam lẫn thiên hạ cho giống như thiên hạ đã làm cách nay một vài thập niên. căn cước công dân cũng thế !
Suốt từ lúc bày ra "xu hướng tất yếu" cho đến trước khi hộ chiếu mẫu mới trở thành "thảm họa tất yếu" cho cả chính quyền lẫn công dân, ông Tô Lâm liên tục "xuất đầu, lộ diện" để chứng tỏ vai trò quan trọng của cả ông lẫn Bộ Công an. Dự Luật xuất cảnh - nhập cảnh do Bộ Công an soạn thảo trở thành luật hồi tháng 11/2019 chi phối toàn bộ lĩnh vực xuất cảnh - nhập cảnh. Đến tháng 6/2021, ông Tô Lâm ban hành Thông tư 73/2021/TT-BCA "Quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan" (4). Kể từ đó, thỉnh thoảng, Bộ Công an lại khoe sự ưu việt của hộ chiếu mẫu mới - sản phẩm do ông Tô Lâm chế tác và chỉ đạo thực hiện : Kỹ thuật bảo an tốt hơn, thiết kế công phu, góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh Việt Nam, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam (5). Không may cho ông Tô Lâm là chẳng "thằng nào, con nào" ở bên ngoài Việt Nam chịu "tra" ba số đầu trong chuỗi số mà Bộ Công an Việt Nam gọi là mã số định danh và in vào hộ chiếu của đương sự để xác định "nơi sinh" của đương sự.
Không những hè nhau phủ nhận nỗ lực hiện thực hóa "xu hướng tất yếu" của Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh Tô Lâm bằng mã số định danh rồi đưa mã số định danh vào mẫu mới của hộ chiếu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, "chúng nó" còn dám giỡn mặt với Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Công an Việt Nam khi khăng khăng đòi "nơi sinh" VIẾT BẰNG CHỮ ! Không thừa nhận mã số định danh trên hộ chiếu, đòi hộ chiếu phải có "nơi sinh" VIẾT BẰNG CHỮ rõ ràng là cực kỳ nham hiểm, thâm độc !
Tất nhiên ông Tô Lâm rất giận và Bộ Công an phải giận theo ! Đó là lý do dù một số quốc gia vốn đã nổi tiếng là văn minh, tôn trọng luật pháp quốc tế như Đức - giải thích rõ ràng vì sao không công nhân hộ chiếu mẫu mới nhưng thuộc hạ của ông Tô Lâm vẫn khẳng định : Mẫu mới của hộ chiếu phổ thông được xây dựng trên cơ sở đúng luật, đúng quy định và đúng quy chuẩn quốc tế" (5). Ngặt là ông Tô Lâm không thể "chỉ đạo" Bộ Công an "đấu tranh" với những "đối tượng" đó. "Chúng nó" đã đông lại còn không phải là công dân, không sống ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã vậy chẳng phải chỉ có công dân cần du học, du lịch, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn cần nâng số lượng công dân ra nước ngoài làm thuê để gửi tiền về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chưa kể cán bộ - đảng viên kể cả cán bộ - đảng viên trong Bộ Công an cũng cần ra nước ngoài lo cho tương lai con cháu, hoặc tìm hiểu những thứ như "bò dát vàng" nên Bộ Công an đành phải từ bỏ "luật", từ bỏ "quy định", từ bỏ "quy chuẩn quốc tế" để chiều theo "chúng nó".
Chưa hết, Bộ Công an đã lùi một bước – bổ sung "nơi sinh" vào mục "bị chú" trong hộ chiếu mẫu mới (6) - nhưng "chúng nó" vẫn lấn tới. Đã có một số "thằng" nhắn rằng, "chúng nó" chỉ xem việc ghi "nơi sinh" vào mục "bị chú" là giải pháp tình thế, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải sớm đưa "nơi sinh" VIẾT BẰNG.. CHỮ vào trang chính của hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Có "thằng" như Czech còn ra "tối hậu thư" là chỉ chấp nhận hộ chiếu đã bổ sung "nơi sinh" ở phần "bị chú" cho đến hết năm nay.
Dẫu đã kiềm chế nhưng Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm không giấu được sự bất bình : Trước khi chính thức phát hành mẫu hộ chiếu mới, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo mẫu hộ chiếu mới đến cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam, sau một tháng thông báo theo quy định, không có quốc gia nào có ý kiến (7). Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh đã hạ mình tới mức, chỉ thay đổi mẫu hộ chiếu cũng trình "cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam" để xin ý kiến và nhẫn nại chờ cả tháng vậy mà "chúng nó" không niệm tình ! Có thể vì muốn dằn mặt "chúng nó", chứng tỏ cho "chúng nó" thấy, ở Việt Nam, Tô Lâm chưa bao giờ khiêm tốn và mềm mỏng như vậy với cả đồng chí lẫn đồng bào nên sau khi kể lại "thiện chí" của Bộ Công an trong quá trình hiện thực hóa "xu hướng tất yếu" như vừa dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm mới dõng dạc ra lệnh cho Quốc hội : Cần sớm bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu mới trước ngày 1/1/2023 !
Hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam. Hình : Báo Chính Phủ
***
Bây giờ đã là thượng tuần tháng 11/2022, "chúng nó" chơi quá ác, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại ra lệnh quá gấp, thành ra đại biểu quốc hội Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – mới giãi bày : Do yêu cầu về thời gian thực hiện việc bổ sung thông tin "nơi sinh" vào trang nhân thân hộ chiếu trước ngày 1/1/2023 nên không bảo đảm thời gian để thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh - Nhập cảnh của công dân Việt Nam hoặc ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này. Trong cái gọi là "Báo cáo thẩm tra", ông Tới : Đề xuất Quốc hội cho phép đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV nội dung - "Bổ sung thông tin ‘nơi sinh’ vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Giao Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để bổ sung thông tin ‘nơi sinh’ vào mẫu hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam".
Có đại biểu quốc hội nào không đồng ý với quy trình làm luật kỳ quái - sửa một bộ luật đang có hiệu lực thi hành bằng "Nghị quyết chung của một kỳ họp" không ? KHÔNG ! Có đại biểu quốc hội nào thắc mắc về trách nhiệm của ông Tô Lâm trong scandal "hộ chiếu không cần nơi sinh" và đặt cả Quốc hội, Chính phủ lẫn dân chúng vào tình thế oái oăm như vậy không ? KHÔNG ! Tại sao gần 500 đại biểu quốc hội đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của cả trăm triệu người Việt từ khóa trước tới khóa này lại ngoan ngoãn để ông Tô Lâm dắt tới (bỏ "nơi sinh" trong hộ chiếu, thay bằng mã số định danh) rồi dắt lui (đổi mẫu hộ chiếu mới bằng mẫu hộ chiếu.. mới hơn để có "nơi sinh" VIẾT BẰNG CHỮ) như vậy ? Câu trả lời rất đơn giản, đại biểu quốc hội không bận tâm đến "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân thì chẳng sao và trên thực tế, từ xưa đến nay, đâu có đại biểu quốc hội nào chú ý đến chuyện đáp ứng, thỏa mãn "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân nhưng xem thường "ý chí nguyện vọng" của Tô Lâm thì nguy cơ trở thành tro rất cao.
Một Quốc hội mà có tới gần 98% là đảng viên, chắc chắn Quốc hội đó sẽ bảo vệ Ủy viên Bộ Chính trị Tô Lâm, đảng viên phải đặt "ý chí, nguyện vọng" của các thành viên Bộ Chính trị lên trên mọi thứ vốn đã là điều đương nhiên. Đặc biệt, khi Quốc hội đó có tới 61.4% kiêm nhiều vai (vừa là đại biểu quốc hội, vừa là lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành) và phần lớn trong số 38,6% còn lại trước khi "chuyên trách" (chỉ đảm nhiệm vai trò đại biểu quốc hội) đã từng lãnh đạo đủ ngành ở đủ cấp (8) thì có mấy người không tì vết ( ?), không ngoan ngoãn gật gù theo ông Tô Lâm thì có khác gì tự "chuốc vạ vào thân" bởi "dĩ dzãng dơ dáy dễ dầu gì giấu giếm". Sợ ông Tô Lâm mới là sáng suốt như Đảng luôn sáng suốt nên mới cương quyết giữ vững hình thái tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ theo kiểu vừa đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân, vừa gật gù theo "ý chí, nguyện vọng" của những cá nhân như Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học an ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tài tình là chỗ đó đó !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 09/11/2022
Tham khảo
(6) https://nld.com.vn/thoi-su/bo-cong-an-bo-sung-noi-sinh-vao-ho-chieu-mau-moi-20220912190715731.htm
(8) https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=56436
************************
Hộ chiếu mẫu mới sau năm tháng phát hành : ngân sách thiệt hại, dân mất thời gian
RFA, 08/11/2022
Chỉ sau gần năm tháng triển khai cấp hộ chiếu mẫu mới màu tím than cho người dân mà không có thông tin về nơi sinh, hôm 7/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội về việc phải bổ sung nơi sinh vào trang chính về nhân thân. Sai sót của Bộ Công an được chính thức thừa nhận và sửa chữa sau khi bị một số nước từ chối cấp visa cho người sử dung hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm kiến nghị bổ sung thông tin vào hộ chiếu mới - Bìa mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, cờ ba nước Czech, Tây Ban Nha, Đức là những nước từ chối cấp visa cho người cầm hộ chiếu mới. Vietnamnet/RFA edited
Sửa đổi nội dung hộ chiếu sau năm tháng
Trước Quốc hội, ông Tô Lâm nói việc bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân của hộ chiếu là cần thiết, tạo thuận lợi cho công dân trong việc nhập cảnh vào các nước. Tuy nhiên do thời gian gấp không kịp sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này.
Do đó, ông Tô Lâm xin ý kiến Quốc hội đồng ý giao Bộ trưởng Công an sửa đổi, bổ sung thông tin nơi sinh trên hộ chiếu mẫu mới cấp cho công dân Việt Nam.
Một luật sư không muốn nêu tên, đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA rằng theo quy định pháp luật, bất cứ sự thay đổi nào trong hộ chiếu đều cần phải được Quốc hội bấm nút thông qua :
"Điều này được quy định luôn ở trong luật rồi ! Khi có sự thay đổi thì phải đưa ra Quốc hội để thảo luận, bàn thảo và thống nhất biểu quyết."
Luật sư này cho biết, Dự thảo sửa đổi luật về xuất nhập cảnh năm 2019, trong quy định về những thông tin trên hộ chiếu không bao gồm nơi sinh :
"Bộ Công an có gởi dự thảo đó để xin ý kiến các sở ban ngành vào năm 2019. Theo thông tin mà tôi ghi nhận được thì hầu hết các tỉnh thành phố họ đều gần như là đồng ý với chuyện không có ghi nơi sinh. Chỉ duy nhất tỉnh Quảng Ninh họ góp ý là phải có nơi sinh vào trong hộ chiếu."
Luật xuất cảnh , nhập cảnh của công dân Việt Nam sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2019. Theo dự thảo luật này, tại Điều 6, khoản 3, những thông tin được thể hiện trong hộ chiếu mẫu mới bao gồm : ảnh chân dung ; họ, chữ đệm và tên ; ngày, tháng, năm sinh ; giới tính ; quốc tịch ; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh ; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp ; ngày, tháng, năm hết hạn ; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân ; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
Luật sư giấu tên nhận định, việc Bộ Công an buộc phải sửa lại hộ chiếu chỉ sau năm tháng phát hành cho thấy khi các bộ ngành xây dựng dự thảo luật thì không có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn để đánh giá tác động của luật mới :
"Qua sự việc này, tôi thấy rằng ở Việt Nam khi soạn thảo những đạo luật, dự luật thì không có phản biện, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học… Gần như là không có sự nghiêm túc trong quá trình làm luật.
Do đó, khi Luật về xuất nhập cảnh này được thông qua vào năm 2019 thì họ đã không lường được chuyện là các quốc gia khác không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam."
Tốn ngân sách
Cũng theo người đứng đầu ngành Công an, việc bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí. Bởi vì hiện nay trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục thông tin về nơi sinh. Cơ quan cấp phát hộ chiếu có thể khai thác thông tin về nơi sinh của công dân có trong cơ sở dữ liệu để in hộ chiếu.
Luật sư giấu tên khẳng định "làm gì có chuyện không phát sinh chi phí". Thời gian qua, hàng chục ngàn người đã làm hộ chiếu mới mẫu mới, sắp tới lại phải thay đổi. Rồi phôi hộ chiếu đã in sẵn giờ cũng không sử dụng được nữa, phải in lại mẫu phôi mới là rất tốn kém cho ngân sách :
"Không có chuyện là không tốn kém đâu ! Bây giờ phôi và mẫu hộ chiếu không có nơi sinh đã in ấn rồi, rồi bây giờ phải đổi mẫu phôi thì đó là tốn tiền và lãng phí.
Còn việc người dân không phải bỏ tiền ra để thay đổi là một câu chuyện khác. Do các ông ngu, làm không đúng thì phải sửa lại cho người dân là đúng rồi. Chẳng lẽ bây giờ lỗi do cán bộ lại bắt người dân phải chịu !"
Vào ngày 2/8, sau khi một loạt các nước thông báo tạm ngưng cấp visa cho hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Thành phố Hồ Chí Minh trả lời báo chí cho biết, số lượng người làm hộ chiếu là hơn 1.000 hồ sơ mỗi ngày. Cơ quan này đã bố trí lực lượng để đáp ứng nhu cầu người dân, hạn chế tình trạng quá tải.
Chị Kim Oanh, quê ở Khánh Hoà, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA rằng chị mới làm hộ chiếu cho hai mẹ con vào tháng 10. Chi phí chỉ mất 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, chị phải sắp xếp công việc về quê chuẩn bị hồ sơ rất mất thời gian. Sắp tới nếu không dùng hộ chiếu này nữa, đổi đi đổi lại như vậy rất là cực :
"Chắc là sẽ mất thời gian lắm. Bởi vì mỗi lần làm là tôi phải về quê làm. Tôi không có làm ở trên Sài Gòn được. Nếu bây giờ mà đổi mẫu thì phải đi ra đi vào rất là tốn thời gian.
Cái gì cũng vậy, đụng tới giấy tờ mà đổi tới đổi lui thì rất là mất thời gian. Nhưng nếu cần thì mình cũng phải làm lại, phải chịu thôi chứ biết làm sao, đâu có thay đổi được gì."
Hộ chiếu mẫu mới màu xanh tím than của Việt Nam được chính thức phát hành từ ngày 1/7 vừa qua. Hộ chiếu mới không thể hiện thông tin về nơi sinh. Điều này khiến một số nước trong khối Schengen và Mỹ, Canada từ chối cấp visa cho người mang hộ chiếu này.
Bộ Công an và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau đó đã phải in phần bị chú bổ sung thông tin về "nơi sinh" vào trang cuối của hộ chiếu mẫu mới.
Một số quốc gia, ví dụ như Séc, chỉ tạm thời chấp nhận việc in bổ sung phần bị chú đến hết năm 2022. Do đó, ông Tô Lâm nói cần phải gấp rút thực hiện sửa đổi, bổ sung nơi sinh vào nội dung trang nhân thân trước khi bước qua năm mới.
Nguồn : RFA, 08/11/2022