Cánh Miền Nam mượn cớ để khua chiêng khua trống diễu võ dương oai trước mặt ông Tổng ?
Cánh miền Nam từng một thời làm mưa làm gió trên chính trường, đặc biệt là vào thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng. Bằng sức mạnh kim tiền, ông Nguyễn Tấn Dũng đã gây ảnh hưởng lên Trung ương Đảng, ảnh hưởng lên Bộ Chính trị. Với vị trí Thủ tướng, ông Dũng đã làm lu mờ vai trò Tổng bí thư của ông Nông Đức Mạnh.
Năm 2006, khi mới lên làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng giành lấy chức Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Có công cụ này trong tay, ông Dũng khuynh đảo chính trường và thu hút đông đảo đồng minh về phe ông.
Chức này ông Dũng nắm cho đến năm hết tháng Giêng năm 2013 mới bị ông Nguyễn Phú Trọng tước lấy. Có thể nói, với chức Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong tay lại nắm quyền điều hành nền kinh tế đất nước, và cộng thêm việc có ông Lê Hồng Anh – một người gốc Kiên Giang nắm ghế Bộ trưởng Công an, ông Nguyễn Tấn Dũng làm cho cánh chính trị các vùng miền khác phải e ngại.
Ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Phạm Minh Chính
Đến năm 2011, ông Lê Hồng Anh rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Tấn Dũng như mất một thanh kiếm quan trọng. Và cũng vào năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Tổng bí thư thay ông Nông Đức Mạnh. Nhờ vậy mà đến năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng mới có thể giành lấy chức Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, và từ từ lấy lại thế lực cũng như quyền lực từ vị trí Thủ tướng cho vị trí Tổng bí thư.
Đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mất rất nhiều vây cánh và quyền lực, từ đó ông thất thế trong việc tìm kiếm cho mình một suất đặc biệt để ở lại Bộ Chính trị. Có thể nói, năm 2016 là cái mốc mà cánh miền Nam thất thế, do việc ông Nguyễn Tấn Dũng ở Kiên Giang và ông Lê Thanh Hải ở Sài Gòn chính thức nghỉ hưu.
Khi ông Nguyễn Tấn Dũng về vườn, ông cũng rút trưởng nam nhà ông là ông Nguyễn Thanh Nghị bỏ Bộ Xây dựng để về Kiên Giang củng cố lực lượng, để tăng thêm vây cánh đợi thời cơ trở lại Trung ương.
Chỉ cần một nhiệm kỳ, người thân thiết với ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Phạm Minh Chính giành được ghế Thủ tướng. Lúc đó thế lực ông Nguyễn Tấn Dũng mới có cơ hội trỗi dậy, và người tiên phong chính là Nguyễn Thanh Nghị. Hiện nay, qua 2 năm làm việc với tư cách là thành viên Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Nghị đã kết nối với ông Phạm Minh Chính rất tốt và đã xây dựng được lực lượng nòng cốt.
Ngày 23/11, hàng loạt quan chức miền Nam cả cựu lẫn đương nhiệm, tụ tập về Vĩnh Long dự buổi lễ cực kỳ hoành tráng kỷ niệm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đại hội 13 hồi đầu năm 2021 cho thấy sự thất bại thảm hại của cánh miền Nam. Cả miền Nam chỉ có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, đó là ông Nguyễn Văn Nên người Tây Ninh, ông Trần Thanh Mẫn người Hậu Giang và ông Võ Văn Thưởng người Vĩnh Long. Ba người này nói là người miền Nam nhưng thực chất đang phò thế lực miền Bắc. Cho nên, trong Bộ Chính trị, thế lực miền Nam thực sự đủ sức nói chuyện ngang hàng với thế lực miền Bắc không còn ai. Cho nên phe miền Nam cần vùng dậy trong vòng 3 năm nữa là một nhiệm vụ lớn. Nhiệm vụ đó đang đặt trên vai gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng chứ không ai khác.
Ông Võ Văn Kiệt là người miền Nam. Khi còn sống, ông Kiệt cùng với ông Lê Đức Anh là 2 nhân vật đỡ lưng cho ông Nguyễn Tấn Dũng leo lên đỉnh cao quyền lực. Có thể nói, ông Võ Văn Kiệt là ân nhân lớn của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trước ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Võ Văn Kiệt, báo chí đã đồng loạt khua chiêng gõ mõ ca tụng công lao của cố Thủ tướng người miền Nam này. Tiếp theo đó là ngày 23/11, hàng loạt quan chức miền Nam cả cựu lẫn đương nhiệm, tụ tập về Vĩnh Long dự buổi lễ cực kỳ hoành tráng kỷ niệm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những gương mặt tham dự gồm : ông Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Thanh Nẫn – Phó Chủ tịch Quốc hôi, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Dũng – cựu Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – cựu Chủ tịch Quốc Hội, ông Trương Tấn Sang – cựu Chủ Tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết – cựu Chủ tịch nước, ông Lê Hồng Anh – cựu Thường trực Ban Bí thư, bà Trương Mỹ Hoa – cựu Phó Chủ tịch nước.
Có thể nói, đây là lần giễu võ giương oai của cánh miền Nam lớn nhất từ trước tới nay. Không biết, những người miền Nam đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị, từng có chân trụ trong tứ trụ đã bàn gì ? Và nếu có kỳ vọng hồi phục thế lực miền Nam thì trách nhiệm đó vẫn là đặt trên vai gia tộc Nguyễn Tấn Dũng.
Lưu Ly (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 26/11/2022