Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2017

Góp ý về dự thảo 'không tố giác tội phạm'

Hirota Fushihara

Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về việc không tố giác tội phạm đang được cấu trúc theo 3 khoản.

togiac1

Dự án luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 gây nhiều tranh luận tại Quốc hội

Trong đó, tôi hiểu rằng khoản 1 là nguyên tắc, khoản 2 và 3 là các quy định ngoại lệ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là bên cạnh ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội lại có ngoại lệ dành cho Người bào chữa tại đây.'

Đối với việc không tố giác tội phạm thì đương nhiên ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải được coi là ngoại lệ (trong một giới hạn) vì họ là công dân, và ngoài khoản 1 họ không được bất kỳ điều luật, bộ luật hay bộ quy tắc ứng xử nào nói đến. Vậy nên khoản 2 xuất hiện là một hợp lý.

Còn Người bào chữa thì sao ? Có nên coi họ là ngoại lệ phải được quy định tại Khoản 3 hay không ?

Nghĩa vụ của Luật sư

Rõ ràng Luật sư là một công dân bình thường, bởi vậy, khi Luật sư khi là công dân, vẫn phải có nghĩa vụ công dân như mọi người. Đó là chuyện dễ hiểu. Luật sư cũng phải chấp nhận rằng mình có thể sẽ là chủ thể của Tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Khoản 1.

Nói thế nghĩa là, khi đã và đang có mấy chục người thân chủ, thì một ngày đẹp trời ngồi trà đá vỉa hè, nghe thấy bên cạnh có hai thanh niên đang chuẩn bị phạm tội, và thấy rõ nguy cơ phạm tội sắp xảy ra thì Luật sư đương nhiên phải đi tố giác hai thanh niên đó.

Tuy nhiên, khi Luật sư trở thành thân chủ (như một bài viết trước tôi đã nói) thì Luật sư không còn sống với thân phận công dân của mình trong mối quan hệ với thân chủ nữa. Lúc này, Luật sư bị giàng buộc bởi nghĩa vụ trung thành, nghĩa vụ bảo mật thông tin và phải được soi sáng bởi nguyên tắc suy đoán vô tội trong mọi hoàn cảnh.

Bởi vậy, Khoản 1 Điều 19 không ảnh hưởng, không trở thành nguy cơ hay phương hại gì đến với mối quan hệ giữa Luật sư với thân chủ.

Và rõ ràng rằng không có Luật sư nào bị xem là phạm Tội không tố giác tội phạm khi làm việc trong khuôn khổ pháp luật của Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 và Luật Luật sư.

Bởi vậy, Luật sư không cần trở thành đặc biệt trong thế giới của Khoản 1 Điều 19. Trong khi Khoản 1 Điều 19 tồn tại lâu nay không hề có tính chất sửa đổi hoặc thay đổi hoặc làm trái với những nguyên tắc và quy định hiện hành của Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 và Luật Luật sư và Quy tắc ứng xử và đao đức hành nghề Luật sư, cũng như các quy định pháp luật hiện hành khác.

Thế mới nói Khoản 3 của Điều 19 là chỉ là vị khách lạ đến chơi. Và giờ đã đến lúc Quốc hội phải mở cửa mời vị khách này về.

Chưa kể rằng nếu cứ giữ vị khách này, sẽ phá hoại bao nhiêu điều luật khác, vừa có khả năng cao là các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ tận dụng hoặc lạm dụng 19.3 để kiểm soát, hạn chế hoạt động bào chữa chính đáng của Luật sư. Đó là hậu quả lớn nhất của 19.3 có thể xảy ra đối với quyền được bào chữa của người dân và hoạt động của Luật sư.

togiac2

Nếu muốn giàng buộc nghĩa vụ cho Luật sư, phải tìm về Luật Luật sư, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư.

Bộ luật Hình sự là quy định chung cho tất cả mọi người. Nếu muốn ràng buộc nghĩa vụ cho Luật sư, phải tìm về Luật Luật sư, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư.

Ví dụ trong quy định quy phạm xử sự Luật sư của Nhật Bản có quy định về những trường hợp Luật sư được miễn trừ nghĩa vụ bảo mật thông tin của thân chủ (Đây là quy định về miễn trừ nghĩa vụ bảo mặt của luật sư chứ không qui định về nghĩa vụ tố giác) là : (1) Được sự đồng ý hoàn toàn và thỏa đáng từ thân chủ (2) Thân chủ có ý đồ/hành vi phạm tội rõ ràng, chuẩn bị thực hiện tội phạm ngay tức khắc và hậu quả tội phạm là đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời, việc rò rỉ bí mật thông tin của khách hàng là không thể không thực hiện và (3) Luật sư trở thành bị can/bị cáo liên quan đến vụ việc của thân chủ mà việc tiết lộ bí mật là cần thiết để bào chữa cho mình.

Vì những lý do trên, tôi nghĩ rằng chúng ta nên kiên định với phương án số 1 là hủy bỏ Khoản 3 Điều 19.

Điều 19. Không tố giác tội phạm (sửa đổi)

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.

3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.

Hirota Fushihara

Đại diện Công ty Tư vấn UIVN (URYU&ITOGA VN)

Nguồn : BBC, 09/06/2017

Ông Hirota Fushihara hiện là đại diện Công ty Tư vấn UIVN (URYU&ITOGA VN), làm việc tại Hà Nội.

Bài viết bằng tiếng Việt đã đăng trên trang Facebook cá nhân và được đăng lại trên BBC Tiếng Việt với sự đồng ý của tác giả, người tự nhận là "một người Nhật có duyên nợ với pháp luật Việt Nam".

 --------------------

Đọc thêm cùng tác giả : Bàn về 'nghĩa vụ tố giác tội phạm' của luật sư

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hirota Fushihara
Read 953 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)