Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2022

Cách mạng giấy trắng ở Trung Quốc

Katsuji Nakazawa Kim Giang

"Cách mạng giấy trắng" : Trung Quốc mộng của Tập đang biến thành ác mộng

Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 06/12/2022

Biểu tình vào cuối tuần có thể diễn ra trước Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12).

tap1

Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự bất mãn phổ biến nhất từng thấy ở Trung Quốc kể từ năm 1989 vì cuộc chiến chống Covid-19 do ông lãnh đạo và các biện pháp phong tỏa cực đoan mà ông đã thi hành trên khắp đất nước (Ảnh ghép Nikkei/Reuters)

Vài tuần sau khi giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề – hàng loạt người dân đã xuống đường với những tờ giấy trắng A4.

Sự kiện này đã được đặt tên là "cách mạng giấy trắng" hay "phong trào giấy trắng", và đã lan rộng ra nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Dù mục đích chính của các cuộc biểu tình là kêu gọi chấm dứt chính sách zero-Covid hà khắc, nhưng người tham dự biểu tình ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã công khai hô khẩu hiệu kêu gọi Tập từ chức. Một số người đi xa đến mức gọi ông là "nhà độc tài".

Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong kỷ nguyên lãnh đạo của Tập, kể từ khi bắt đầu vào năm 2012.

Thậm chí còn có một cuộc biểu tình sinh viên được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa, trường cũ của Tập. Trường đại học danh tiếng ở phía tây Bắc Kinh được coi là pháo đài quyền lực của Tập, và là nguồn gốc của "Thanh Hoa phái" – một phe mới trong đảng. Trần Cát Ninh (Chen Jining), cựu hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, vừa được thăng chức vào Bộ Chính trị quyền lực tại đại hội toàn quốc hồi tháng 10.

Trần sau đó đã được chọn để trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải, kế nhiệm Lý Cường, người được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo.

tap2

Trần Cát Ninh đã được thăng chức vào Bộ Chính trị tại đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10, và gần đây đã được Chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải. (Ảnh của Andrea Verdelli/Getty Images) © Getty Images

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-Covid đã lan rộng khắp đất nước chỉ trong vài ngày.

Để đối phó chính quyền, các sinh viên biểu tình đã thể hiện tư duy sáng tạo. Trong đêm tối, họ giơ cao những tờ giấy trắng, che kín mặt để không bị nhận dạng, trong lúc hô vang khẩu hiệu đòi Tập từ chức.

Một số sinh viên Thanh Hoa còn viết nguệch ngoạc các phương trình vũ trụ học của Alexander Friedmann trên tờ giấy của họ. Nguyên nhân được cho là vì trong tiếng Anh, "Friedmann" nghe giống như "người được tự do".

tap3

Sinh viên biểu tình tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, trường cũ của Chủ tịch Tập Cận Bình, vào ngày 27/11. (Ảnh chụp từ video và đã được biên tập vì lý do an ninh) © Reuters

Trong số sinh viên biểu tình ở Thanh Hoa, có rất nhiều thiếu nữ, qua đó phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong xã hội Trung Quốc. Hoạt động xã hội tích cực của các nữ sinh là một biểu hiện hoàn toàn trái ngược với cuộc cải tổ Bộ Chính trị vào tháng 10, khi không có phụ nữ nào được góp mặt trong ban lãnh đạo gồm 24 thành viên.

Theo một nguồn thạo tin từ Trung Quốc, trước những diễn biến này, các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản tự tin sẽ dập tắt cách mạng giấy trắng.

"Cách mạng giấy trắng sẽ bị dập tắt hoàn toàn chỉ trong vòng 10 ngày tới", nguồn tin nói với Nikkei, đồng thời cho biết thêm rằng ban lãnh đạo đảng đã đặt đất nước trong tình trạng báo động cao nhất khi Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12) đang đến gần.

"Có một sự khác biệt lớn so với những gì đã xảy ra trong quá khứ", nguồn tin cho biết, ám chỉ sự cố liên quan đến Ngày Nhân quyền Quốc tế năm 1986. "Sẽ không có sự bất đồng nào trong giới lãnh đạo".

"Đừng đánh giá thấp năng lực hành chính và kỹ năng quản lý khủng hoảng của đảng ở cấp địa phương", một nguồn tin khác cho biết.

Các phương pháp mà chính quyền sử dụng để đàn áp làn sóng biểu tình giấy trắng không chỉ giới hạn ở vũ lực. Dữ liệu lớn đã được sử dụng để xác định, theo dõi, và kiểm soát những cái tên dễ gây kích động nhất.

Các kỹ thuật giám sát đã được phát triển trong cuộc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong trước và sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực ở thuộc địa cũ của Anh vào năm 2020.

tap4

Trong một ví dụ hiếm hoi về việc thể hiện bất đồng chính kiến một cách công khai, một người biểu tình đã giương biểu ngữ trên cầu Tô Thông ở Bắc Kinh vào ngày 13/10, ngay trước kỳ đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản Trung Quốc. © Kyodo/Reuters

Làn sóng phản đối zero-covid đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc sau khi một người biểu tình dũng cảm giương cao các biểu ngữ phản đối trên cầu vượt Tô Thông ở Bắc Kinh vào ngày 13/10, ngay trước đại hội toàn quốc của Đảng cộng sản.

Nội dung biểu ngữ kêu gọi cung cấp thực phẩm thay vì triển khai chính sách zero-Covid, tiến hành bầu cử thay vì ủng hộ "lãnh tụ", và thực hiện quyền công dân tự do chứ không phải chế độ nô lệ – tất cả đều đi ngược lại chế độ chuyên chế của Tập.

Chính sách zero-Covid thường được triển khai theo những cách vô cảm, gây ra sự khó chịu trong dân chúng. Một vài người từng hy vọng rằng các biện pháp chống dịch sẽ bớt hà khắc hơn sau đại hội đảng. Khi rõ ràng là điều đó sẽ không xảy ra, người dân đã vô cùng tức giận.

Một trong những vụ chống đối đầu tiên xảy ra tại một nhà máy của Foxconn. Công nhân tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã biểu tình phản đối các điều kiện làm việc có liên quan đến chính sách zero-Covid.

Sau đó, vào ngày 24/11, đám cháy bùng phát tại một khu chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, đã khiến 10 người thiệt mạng. Biểu tình nổ ra sau khi các bài đăng trên mạng xã hội lan truyền rằng lính cứu hỏa đã phản ứng chậm trễ vì lệnh phong tỏa.

Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan sang Bắc Kinh, Thượng Hải, và các thành phố lớn khác.

tap5

Người biểu tình trèo lên một chiếc xe bọc thép ở Bắc Kinh khi bạo lực leo thang giữa những người biểu tình ủng hộ dân chủ và quân đội Trung Quốc vào ngày 04/06/1989. © AP

Ngày Nhân quyền Quốc tế luôn gây khó khăn cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Năm 1986, ba năm trước cuộc đàn áp Thiên An Môn, Phương Lệ Chi, nhà vật lý từng là hiệu phó Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở tỉnh An Huy, đã kêu gọi dân chủ hóa đất nước.

Lời kêu gọi của ông đã mở đường cho một phong trào sinh viên nhanh chóng lan rộng từ An Huy đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhà chức trách đã nhận thấy các cuộc biểu tình năm 2022 cũng diễn ra theo mô hình tương tự.

Hồ Diệu Bang, Tổng bí thư Đảng cộng sản, đã bị cách chức một tháng sau đó, vì phản ứng ‘nhẹ tay’ của ông đối với phong trào ủng hộ dân chủ.

Đằng sau vụ việc này là cuộc đấu tranh quyền lực phức tạp liên quan đến nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, người đã bổ nhiệm Hồ Diệu Bang vào các chức vụ chủ chốt, và các nguyên lão trong đảng, những người muốn hạ bệ Hồ trong vai trò kiến trúc sư của sự thay đổi thế hệ trong ban lãnh đạo đảng.

Cuộc biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã làm sâu sắc thêm cuộc cạnh tranh trong nội bộ đảng.

Triệu Tử Dương được Đặng chọn để thay Hồ làm Tổng bí thư, nhưng chính ông cũng bị thanh trừng sau sự kiện Thiên An Môn, vì tỏ ra thông cảm với sinh viên.

Ngày Nhân quyền Quốc tế là ngày kỷ niệm việc Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế vào ngày 10/12/1948.

Vào ngày đó năm 2008, có một sự cố khác đã xảy ra. Một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền do Lưu Hiểu Ba lãnh đạo đã công bố Hiến chương 08 để kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ra đời.

Hai năm sau, Lưu đoạt giải Nobel Hòa bình, nhưng ông vẫn ngồi sau song sắt nhà tù trong lúc lễ trao giải diễn ra ở Na Uy. Cả thế giới đã nhìn thấy hình ảnh chiếc ghế trống của ông tại buổi lễ, một minh chứng mạnh mẽ cho lập trường cứng rắn của Bắc Kinh. Lưu mất năm 2017, khi vẫn là một tù nhân chính trị.

Phong tỏa đột ngột theo chính sách zero-Covid nghiêm ngặt đã tước đi quyền tự do đi lại của mọi người, vốn là một quyền con người cơ bản. Chính sách gây tranh cãi và không được lòng dân này cũng đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. Đây là lý do tại sao nhiều dân thường đã tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên trên khắp đất nước.

tap6

Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc và người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, đã không thể đích thân đến nhận giải thưởng của mình ở Na Uy, và vẫn bị giam giữ như một tù nhân chính trị vào thời điểm ông qua đời hồi năm 2017. (Reuters/Toby Melville) © Reuters

Chính quyền Trung Quốc đã không phải đối mặt với các cuộc biểu tình thực sự trên toàn quốc trong 33 năm qua.

Các cuộc biểu tình rầm rộ chống Nhật Bản vào tháng 9/2012 sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa Quần đảo Senkaku không thể đem ra so sánh, vì Bắc Kinh tham gia rất nhiều vào việc lập kế hoạch và thực hiện chúng.

Những người tham gia được chính phủ đưa đón từ các vùng nông thôn và được trả trợ cấp hàng ngày. Các quan chức đã hỗ trợ phía sau những người biểu tình, theo dõi chặt chẽ và phân phát nước uống cho họ. Lần này, người của chính phủ cũng đang trà trộn vào các nhóm người biểu tình chống zero-Covid để theo dõi diễn biến.

Tuy nhiên, sự bất mãn hiện tại hoàn toàn bắt nguồn từ vấn đề trong nước, và tập trung vào chính sách zero-Covid do Tập Cận Bình khởi xướng. Tập đã trực tiếp đặt mình vào giữa những làn đạn. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020, Tập đã nói rõ rằng ông đang lãnh đạo cuộc chiến chống lại virus. Ông cũng đứng ra nhận hết các thành tích liên quan, và gắn quyền lực và uy tín của mình với vấn đề quản lý đại dịch.

Sự trở lại của các phong trào phản kháng của sinh viên như giai đoạn 1986-1989 sẽ là một mối đe dọa đối với Tập, ảnh hưởng đến triển vọng duy trì quyền lực trọn đời của ông, đồng thời có thể sẽ làm tái diễn căng thẳng trong nội bộ đảng.

Ngày 10/12 không phải là ngày mà Tập mong đợi. Liệu Tập còn có thể nói về "giấc mộng Trung Hoa" sau 10 ngày nữa ?

Trong các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong năm 2019, các ngày cuối tuần – thời gian diễn ra biểu tình – đã thu hút tới 2 triệu người tham gia. Nếu lịch sử là một bài học, dịp cuối tuần trước Ngày Nhân quyền Quốc tế sẽ là thời khắc quan trọng.

Do đó, cần hết sức chú ý đến những gì xảy ra ở Trung Quốc vào cuối tuần này.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "Quash the ‘white paper’ – Xi’s Chinese dream turns nightmare", Nikkei Asia, 01/12/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 06/12/2022

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

***********************

Sinh viên Trung Quốc xuống đường – phân tích từ góc độ phương pháp và chiến lược

Kim Giang, Thoibao.de, 02/12/2022

Những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên diện rộng tại Trung Quốc để phản đối chính sách Zero Covid của Tập Cận Bình. Những người biểu tình đã tràn xuống đường ở Vũ Hán, Thành Đô, Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố khác… Tại Vũ Hán, hàng trăm người đã tràn xuống đường, phá hàng rào cách ly, phá các trạm xét nghiệm Covid lưu động, đòi dỡ bỏ phong toả. Tại Thượng Hải, người biểu tình đã giơ cao những tờ giấy trắng để phản đối chính sách kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc.

bieutinh2

Người dân Thượng Hải giơ cao tờ giấy trắng để phản đối kiểm duyệt

Lần đầu tiên kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, người Trung Quốc lại đưa ra khẩu hiệu yêu cầu lãnh đạo của họ từ chức. Lần đầu tiên, người Trung Quốc công khai ca ngợi tự do. Thậm chí, có những nhóm còn hô vang "Đả đảo Đảng cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình".

Nhiều người bất đồng chính kiến Việt Nam rất vui mừng trước sự kiện này, họ cho rằng, "anh lớn" sắp ngã rồi. Họ còn nghĩ đến cả hiệu ứng domino sẽ xảy ra trong khu vực, một khi Trung Quốc nội loạn và Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ. Nhưng cũng nhiều người lo lắng về một sự kiện tương tự Thiên An Môn sẽ lặp lại trên khắp Trung Quốc.

Trong thực tế, Đảng cộng sản Trung Quốc rất có kinh nghiệm đàn áp biểu tình, kể cả những cuộc biểu tình có quy mô và có tính tổ chức cao như Phong trào Dù Vàng HongKong, còn những cuộc biểu tình lẻ tẻ lâu nay vẫn xảy ra thì họ dễ dàng bóp chết từ trong trứng nước. Những biện pháp phản biểu tình, biện pháp phá rối và gây chia rẽ của họ luôn tỏ ra rất hiệu quả.

Tuy nhiên, lần xuống đường này của người Trung Quốc nhìn có vẻ khá bài bản.

Về phương pháp, trong phong trào phản đối Zero Covid lần này, có thể nói, người Trung Quốc đã thực hiện một cách thức mới và khá hữu hiệu. Họ sử dụng cách chơi chữ tinh vi để biểu đạt và lan truyền thông điệp. Họ sử dụng từ "vỏ chuối", từ có cùng chữ cái đầu với tên của ông Tập, kết hợp với từ "hà đài" (có nghĩa là rêu tôm) có cách phát âm tương tự "hạ đài", nghĩa là "bước xuống".

Một cách thức phổ biến khác là tách rời hình ảnh ra khỏi bối cảnh thực và cắt ghép chúng lại để biểu thị ý nghĩa phản kháng. Các video về ông Tập Cận Bình được sử dụng với mục đích ủng hộ biểu tình. Ví dụ, trong một video, ông Tập nói : "Bây giờ người dân Trung Quốc có tổ chức và không nên để bị coi thường". Những cách thức cắt ghép lời nói của một người để trở thành một câu nói có ý nghĩa khác, thậm chí là hoàn toàn ngược lại ý nghĩa ban đầu của người phát ngôn, là cách thức phổ biến mà an ninh cộng sản hay dùng khi muốn chụp mũ, ghép tội cho một ai đó. Nay lại được người dân Trung Quốc sử dụng để chống lại chính những người cộng sản.

Người Trung Quốc còn dùng các video về World Cup chèn thêm tiếng hét to : "Hãy đeo khẩu trang vào", "Hãy xét nghiệm Covid"… ngụ ý nhạo báng chính sách Zero Covid. Một nhóm sinh viên đại học đã đăng video họ hát bài "Hải Khoát Thiên Không", một bài hát ca ngợi tự do mà sinh viên HongKong từng sử dụng trong các phong trào của họ. Rất nhiều nơi, nhiều nhóm đã hát Quốc ca và Quốc tế ca để chính quyền không có lý do cáo buộc họ phản quốc hoặc bị thế lực nước ngoài xúi dục. Họ còn sử dụng VPN để vượt tường lửa, truyền thông điệp từ Trung Quốc ra bên ngoài, cũng như tiếp nhận các thông tin từ bên ngoài vào Trung Quốc…

bieutinh3

Cảnh sát Trung Quốc lập hàng rào ngăn người biểu tình

Lệnh phong toả xã hội một cách hà khắc lại vô tình tạo điều kiện cho các nhóm sinh viên có thời gian và điều kiện tụ tập lại cùng nhau. Bị cách ly trong các ký túc xá, sinh viên dễ dàng lập thành từng nhóm có chung quan điểm. Đây là điều kiện rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch, xây dựng chiến lược cho quá trình đấu tranh phi bạo lực dưới hình thức bất tuân dân sự. Cho nên, có thể thấy, lần đầu tiên kể từ sau vụ Thiên An Môn, sinh viên Trung Quốc lại có cuộc xuống đường tương đối quy mô.

Thành phần sinh viên luôn là thành phần quan trọng trong các cuộc cách mạng phi bạo lực trên thế giới. Từ Phong trào Otpor ở Serbia năm 2000, Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan năm 2014, đến Phong trào dân chủ ở HongKong và mới đây nhất là Phong trào dân chủ ở Thái Lan và Miến Điện, chúng ta đều thấy bóng dáng những lãnh đạo phong trào là sinh viên. Họ vừa trẻ trung, vừa năng động, sáng tạo và vừa có khả năng tiếp thu những điều mới từ thế giới văn minh, từ công nghệ, khoa học, cho đến phương pháp và chiến lược đấu tranh. Khi lực lượng sinh viên đủ lớn mạnh, đủ cứng cáp, họ sẽ làm nên chuyện.

Phong trào ở Trung Quốc còn quá mới và chưa thể hiện rõ đây là tự phát hay có sự tổ chức ngấm ngầm đằng sau. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho chúng ta hy vọng và có thể lạc quan về một tương lai gần, Trung Quốc sẽ xuất hiện những gương mặt trẻ nổi bật như Hoàng Chi Phong của HongKong. Và hy vọng, một thế hệ trẻ Trung Quốc sẽ rút kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước họ để có được những phương pháp và chiến lược hữu hiệu cho công cuộc đi tìm tự do của dân tộc họ.

Kim Giang (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 02/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng, Kim Giang
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)