Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/12/2022

Chính sách đối với doanh nghiệp sẽ thay đổi thế nào ?

Phạm Quý Thọ

Chính sách đối với doanh nghiệp sẽ thay đổi thế nào khi Đảng - Nhà nước củng cố đủ sức mạnh ?

Năm 2022 là năm ‘u ám’ với các doanh nghiệp bất động sản. Khó khăn kinh doanh và hàng loạt các vụ bắt giữ và xét xử trước nguy cơ khủng hoảng thị trường trái phiếu. Có những lo ngại về việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự… Câu hỏi đặt ra là khi Đảng – Nhà nước củng cố được sức mạnh liệu chính sách đối với doanh nghiệp sẽ thay đổi thế nào ?

doanhnghiep1

Công nhân làm vệ sinh mặt trước Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hồi ngày 23/7/2012. AFP

Đảng – Nhà nước mạnh, doanh nghiệp lớn, thì vấn đề cũng lớn hơn, và sự phức tạp trong quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp là một trong số đó, có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế được trình bày trong bài viết.

‘Mất kiên nhẫn’

Trong những năm gần đây sự sai phạm, trục lợi của một số doanh nghiệp gia tăng về số lượng và tính chất khiến chính quyền ‘mất kiên nhẫn’ phải ‘mạnh tay’.

Một phiên tòa đang diễn ra từ tháng 12/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty địa ốc Alibaba và 22 bị cáo trong vụ ‘lừa đảo’ với 3.986 bị hại, 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… 22 công ty trực thuộc đã được thành lập và giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện theo pháp luật. Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh thành ở miền Nam, tiến hành xây dựng hạ tầng, ‘vẽ’ ra các dự án khu dân cư để bán cho khách hàng…

Hai vụ bắt giữ điển hình các lãnh đạo của hai tập đoàn bất động sản là Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Họ bị cho là lợi dụng sự ‘thông thoáng’ của chính sách, cụ thể là Nghị định 153 năm 2020 đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp "dưới chuẩn", mang tính lừa gạt trái chủ để chiếm đoạt tiền. Sự ‘bùng nổ’ phát hành TP của nhiều doanh nghiệp đã gây hiệu ứng tiêu cực đô-mi-nô cho thị trường tài chính. Xử lý hai tập đoàn bất động sản lớn này, có quá trình phát triển dài với những mối quan hệ phức tạp, không loại trừ ‘thế lực chống lưng’ được cho là "đặc biệt phức tạp", số bị hại có thể lên tới hàng chục nghìn và hàng trăm công ty có liên quan.

Mới đây, ngày 27/11/2022 trong buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh ông Thủ tướng Chính phủ phát biểu quyết tâm : "Ai làm sai thì phải xử lý, ai làm tốt thì bảo vệ, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp". Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi thị trường chính sách không đơn giản, rạch ròi đúng – sai về pháp luật, chính quyền không thể vô can, nhưng việc diễn giải và xử lý mối quan hệ luôn đặt mục đích duy trì chế độ như điều kiện tiên quyết.

doanhnghiep2

Trái chủ ở Hà Nội mua trái phiếu thông qua SCB, Tân Việt biểu tình trước trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Nhóm Facebook Trái Phiếu SCB Bắc Trung Nam

’Khoan dung’

Trong quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân chính quyền thực thi sự ‘khoan dung’ về mặt pháp lý, chính sách và thể chế, điển hình nhất là trong lĩnh vực đất đai đồng thời với xu hướng này việc phân quyền cho các địa phương, đặc biệt cấp tỉnh thành cũng diễn ra mạnh mẽ đồng thời với việc khuyến khích các nhà đầu tư. Sau đường lối Đổi mới năm 1986 việc sửa Luật Đất đai và các văn bản pháp lý có liên quan theo hướng ‘thị trường tiến, Đảng lùi’ được tiến hành thường kỳ, và dự kiến năm 2023 sẽ có thay đổi quan trọng thúc đẩy thị trường hoá.

Sự ‘khoan dung’ này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ phát triển thị trường bất động sản thành trụ cột quan trọng, chiếm khoảng hơn 14% GDP. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách cũng dần bị phơi bày : tham nhũng và sự suy thoái đạo đức của bộ máy lãnh đạo, công chức ngày càng trầm trọng qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng. Các đại gia được hưởng lợi từ sự khoan dung, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có ưu thế về vốn, chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị, nhưng sự thành công là không thể nếu thiếu mối quan hệ thân hữu với chính quyền. Và, Đảng đã nhận ra ‘lỗ hổng’trong cơ chế phân quyền không đi kèm với kiểm soát quyền lực, chính sách và thực thi, sự ‘khoan dung’ với các doanh nghiệp nhưng thiếu thể chế, môi trường pháp lý cho các nguyên tắc thiết yếu để chúng hoạt động.

Và, hậu quả như một tất yếu. Sau mỗi doanh nghiệp phất lên nhanh hay mỗi dự án bất động sản và đầu tư công không thể thiếu thế lực ‘chống lưng’ đã là một thực tế. Hàng loạt quan chức to nhỏ, kể cả các bí thư và chủ tịch một số địa phương tỉnh, thành thuộc ‘thế lực’ này đã lộ diện và bị truy tố. Dư luận đang đồn đoán sau các vụ bắt giữ đình đám trong năm 2022, đặc biệt vụ Vạn Thịnh Phát, liệu có thể phơi bày được thế lực chống lưng ‘khủng’ ?

doanhnghiep00

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) - AFP

"Giải cứu"

Quyết định giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp phản ánh rõ hơn chính sách phát triển thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân. Ngày 12/12/2022 Chính phủ đã ban hành Công điện 1156/CĐ-TTg về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, trong đó ‘room tín dụng’ được nới thêm đến 2% đồng thời lưu ý cần "đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng…". Các giải pháp hướng đến đảm bảo lợi ích cho các trái chủ, lấy lại niềm tin thị trường, hoàn thiện thể chế chính sách để phát triển kênh huy động vốn này cho nền kinh tế…

Tự do kinh doanh dần được mở rộng hơn từ những năm 1990, nhưng tự do kinh tế bị ‘nghẽn’ do việc xây dựng thể chế vướng ràng buộc "định hướng xã hội chủ nghĩa", đặc biệt về sở hữu toàn dân. Mặc dù, các xí nghiệp quốc doanh theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã lụn bại, tan rã, và các doanh nghiệp được phép tạo ra lợi nhuận nhưng phải vận hành cho lợi ích của đảng cộng sản, môi trường kinh doanh chậm được cải thiện trong khi bộ máy quan chức phình to, suy thoái đạo đức và tham nhũng. Đảng đã có bài học giải cứu bất ổn trong thập kỳ trước do sai lầm chính sách tăng trưởng dựa vào doanh nghiệp nhà nước. Chính sách giải cứu lần này đã nhấn mạnh tăng cường quản lý nhà nước sao cho tín dụng có thể đến đúng địa chỉ và kịp thời. Tuy nhiên, với quan niệm rằng "thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản" vẫn là sự biện minh cho chế độ, ngoài ra sự vận hành của nó chỉ theo quy luật chứ không lệ thuộc vào ý chủ quan của quyền lực mạnh trong mô hình thống nhất "Đảng – Nhà nước".

Adam Smith nhà tư tưởng vĩ đại người Scotland vào năm 1776 lần đầu tiên mô tả thị trường, chủ nghĩa tư bản trong tác phẩm về "Sự giàu có của các quốc gia" nổi tiếng của ông, nhưng ông không phát minh ra nó. Với tư cách là một hệ thống kinh tế, trong thị trường bất kỳ cá nhân nào cũng được tự do quyết định cái gì họ sẽ sản xuất và ai họ sẽ phục vụ, vì cả hai bên phải đồng ý, trong đó chính quyền chỉ đóng vai trò trung gian ngăn ngừa trục lợi. Nghĩa là nhu cầu của người khác cần được phục vụ trước khi công việc của mình được tưởng thưởng. Tư tưởng này đã mang lại kết quả thịnh vượng cho các quốc gia, mô hình kinh tế - chính trị nào biết hoàn thiện nó. Trong một số nước phát triển nó được hiến định như một nguyên tắc cốt lõi.

Chưa rõ mô hình kinh tế hiện tại được thay đổi ra sao để thích ứng với chủ trương mô hình "Đảng – Nhà nước mạnh" nhưng tư tưởng tự do kinh doanh cần tiếp tục được thúc đẩy, cần thể chế hoá, các nguyên tắc cơ bản cho thị trường vận hành cần được thiết lập. Tự do kinh doanh không chỉ vì lợi ích vật chất tuyệt vời của nó, mà còn vì lợi ích tinh thần tự lập cho mỗi cá nhân tự quyết số mệnh và "mưu cầu hạnh phúc".

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 15/12/2022

Ông Phạm Qúy Thọ, Phó Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam.
15/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 182 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)