Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/12/2022

Làm gì để chấm dứt tệ "con ông cháu cha" ?

Phan Văn Lâm

Để lãnh đạo là nhân tài của đất nước, thiết nghĩ ngay từ khâu tuyển chọn ban đầu cần khách quan, công khai, minh bạch, phải thi cử tập trung.

ccccc1

Những hạt giống đỏ (cán bộ cấp chiến lược) theo dõi một phiên họp tại tại Quốc hội. Ảnh : Như Ý

Mỗi dịp về thăm quê hương tôi lại được các cụ ông, cụ bà nhắc lại câu tục ngữ "Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa" khi đề cập đến chuyện các cháu học hành xong bây giờ làm gì.

Tôi đã không ít băn khoăn khi nghĩ rằng thời đại bây giờ đâu còn vua nữa mà cha truyền con nối như hồi chế độ phong kiến. Có lẽ đâu đó chuyện câu ca dao vẫn còn ý nghĩa nhưng biến tướng bằng hình thức khác chăng. Vậy câu hỏi đặt ra là bao giờ, bằng cách nào "con vua lại hết làm vua và con sãi ở chùa sẽ hết quét lá đa".

Có thể khái quát rằng câu ca dao đã nói về tương lai của những đứa trẻ sau này phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân ban đầu của chúng. Nếu là con vua thì sau này sẽ làm vua vì theo truyền thống nhà nước phong kiến thì sau khi nhà vua qua đời thì con trai (thái tử) sẽ kế tiếp làm vua mà không phụ thuộc vào tuổi tác, trình độ, năng lực hay kinh nghiệm gì. Còn những đứa trẻ xuất thân là con nhà nghèo thì có học hành tốt thì cũng không có cơ hội làm lớn, phát triển bản thân. Mặt khác đây cũng có thể hiểu là những đứa trẻ sinh ra ở vạch đích của gia đình giàu có thì tương lai sẽ sáng lạn... Như vậy câu ca dao có hàm ý quá sâu rộng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước ta.

Tôi cũng không tin rằng trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay còn tồn tại theo kiểu đó. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này tác giả chỉ đề cập hàm ý đến lĩnh vực nhân sự cho khu vực công. Nếu có vấn đề này xảy ra ở đâu đó thì cần sớm được loại bỏ và cần có giải pháp ngăn chặn để đất nước lựa chọn được những cán bộ giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, lựa chọn và trọng dụng được nhiều hiền tài cho đất nước ta.

ccccc2

Các hạt giống đỏ cao cấp (cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII) tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức tại Hà Nội - Ảnh : TTXVN

Qua thực tiễn cho thấy từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện xuống cấp xã ở đâu cũng có con của lãnh đạo các cấp làm lãnh đạo. Đó cũng là lẽ tự nhiên của cuộc sống bình thường, là "hồng phúc cho dân tộc" nếu họ xứng đáng và được tuyển chọn vào một cách công khai, minh bạch và qua một quá trình tuyển chọn khắt khe, kết hợp với năng lực và sự phấn đấu không ngừng mà không phụ thuộc vào cha, chú. Và nếu con cháu của những lãnh đạo các cấp thực sự có năng lực tiếp bước sự nghiệp của người thân thì điều đó quả là quá tốt, vì có là con ai đi chăng nữa thì cũng là công dân của đất nước này và phải có trách nhiệm phụng sự cho tổ quốc, cho nhân dân. Nhưng buồn thay, không ít trường hợp vì "con ông cháu cha" mà mặc nhiên sẽ được làm quan thì thật là vô phúc cho dân tộc, cho đất nước và nhân dân. Vì một sự mặc nhiên thông qua chiếc áo choàng tuyển dụng bằng cách lồng ghép điều kiện, phe cánh, can thiệp, tiêu cực… để được vào, để được lên thì còn gì để nói.

Trong nhiều bài viết trước trên báo chí thời gian qua tôi đã từng nói : "vận thế đất nước phụ thuộc vào cán bộ" ; "Thu hút nhân tài bằng sự liêm chính của lãnh đạo các cấp" hay "Đảng cần làm mới mình trong công tác cán bộ"… công tác cán bộ là sự sống còn của đất nước, nếu chúng ta có cách làm không nghiêm túc thì tệ "con ông cháu cha" sẽ lặp lại. Vậy nếu có thì giải quyết bằng cách nào ?

Để con sãi ở chùa không phải quét lá đa…

Đến nay trên thế giới cũng chưa có phương án nào hay hơn thi cử để lựa chọn cán bộ đầu vào cho khu vực công, vì thứ hạng là cách mà con người ta phân biệt cao thấp, tài giỏi, trước sau vì thế tuyệt đối hóa công tác tuyển dụng nhân sự bằng cách thi viết kết hợp thi vấn đáp là biện pháp tối ưu nhất.

Chỉ có thi cử nghiêm túc, công khai, minh bạch mới tránh được vấn đề "tùy nghi" trong lựa chọn cán bộ và kết quả của nó được thể hiện trên giấy trắng mực đen. Không ai có thể can thiệp, hay thi hộ, hay chấm lệch kết quả của ứng viên. Trình độ, năng lực hiểu biết của ứng viên dự tuyển đầu vào được thể hiện rõ nét ở đó, hội đồng chấm không thể vì một sức ép nào mà làm sai lệch.

Mặt khác cần kết hợp thi vấn đáp để đảm bảo yếu tố nhận thức và kỹ năng viết, kỹ năng nói, kỹ năng xử lý tình huống và xem xét yếu tố ngoại hình, thái độ, tác phong và đạo đức, từ đó để quyết định ai trúng hay không và ai trước ai sau trong tuyển dụng. Đặc biệt cần mô tả vị trí việc làm cụ thể và tuyển chọn bằng cấp đúng chuyên môn. Nên chăng ở cấp trung ương cần giao cho Bộ Nội Vụ thống nhất tập trung tổ chức thi tuyển, cấp địa phương cần giao cho Sở Nội Vụ tổ chức thi tuyển, hai cơ quan, hai người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tính bảo mật và chất lượng của đề thi và tính khách quan của hội đồng chấm thi. Tránh việc " một người làm quan cả họ được nhờ và cả họ làm quan thì toàn huyện được nghèo".

Phải tổ chức thi tuyển nghiêm túc, công khai, minh bạch như chúng ta đã từng tổ chức thi tuyển sinh đại học trước đây. Không để nhân dân hoài nghi con quan mới được làm quan và muốn làm quan "phải chạy" mới được vào, tránh cán bộ bằng giả kiến thức giả, bằng thật mà kiến thức không thật. Xét tuyển, cách tổ chức thi riêng lẻ không tập trung là kẽ hở để tiêu cực xảy ra trong công tác nhân sự ở khu vực công khi tuyển chọn đầu vào.

Chúng ta có thể tham khảo ở Nhật Bản cách lựa chọn nhân sự khu vực công mà tôi thấy khá hay. Ở đất nước Nhật Bản, "Viện Nhân sự quốc gia Nhật Bản tổ chức 03 kỳ thi trong một năm, bao gồm kỳ thi tuyển chọn công chức loại I, loại II và loại III . Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được đào tạo để trở thành công chức lãnh đạo trong tương lai. Còn những người trúng tuyển các kỳ thi loại II, loại III sẽ làm các công việc chuyên môn nghiệp vụ cụ thể" bình thường.

Bao giờ con vua chưa hẳn sẽ làm vua…

Việc lựa chọn cán bộ sai sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nhưng nếu lựa chọn lãnh đạo sai thì không những vậy mà làm cho nguy cơ đổ vỡ mang tính hệ thống có thể xảy ra. Hơn bao giờ hết, công tác bổ nhiệm lãnh đạo cần được rà soát kỹ hơn và việc bổ nhiệm lãnh đạo cần dựa trên kết quả công việc, về thành tích đạt được và khả năng tập hợp đội ngũ, năng lực điều hành, nhận thức pháp luật… Nên chăng thi tuyển lãnh đạo đối với cấp bộ trưởng trở xuống. Đặc biệt không lấy quy hoạch, đảng viên, biên chế, phân biệt khu vực công - tư hay "sống lâu lên lão làng" làm rào cản trong bổ nhiệm hay thu hút nhân tài cho đất nước.

Mặt khác cần gắn trách nhiệm của người giới thiệu và người quyết định bổ nhiệm trong công tác cán bộ để giảm thiểu sai sót, bổ nhiệm người không đúng với năng lực, không phù hợp với vị trí, có vị trí mà tâm và tầm không xứng. Loại bỏ tính cá nhân, tiền tệ, hậu duệ, quan hệ và đệ tử trong bổ nhiệm lãnh đạo các cấp để "con vua chưa chắc đã được làm vua".

Để lãnh đạo luôn là nhân tài của đất nước thiết nghĩ ngay từ khâu tuyển chọn ban đầu phải luôn là khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và phải thi cử tập trung. Những người làm công tác nhân sự, lãnh đạo các cấp phải liêm chính, chí công vô tư, phải đặt sự phồn thịnh của đất nước lên hàng đầu, phải vì nhân dân, vì tổ quốc Việt Nam mà lựa chọn cán bộ.

Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Đại biểu quốc hội khóa XV đã từng nói với tôi "chỉ hiền tài mới trọng dụng hiền tài" quả là rất đúng.

Phan Văn Lâm

(Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean)

Nguồn : GDVN, 20/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Văn Lâm
Read 348 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)