"Có khác gì đầu đặc đất sét mà lại tự nghĩ đầu mình mang tinh hoa của cả dân tộc"
Hội thảo Văn hóa 2022 – Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12/2022 tại Hà Nội
Báo "Nhân dân" ngày 17/12/2022 có bài về "Khai mạc Hội thảo Văn hóa 2022 – Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" với nội dung chính là "Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam" [1].
Hội thảo khẳng định hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc [1]. Hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố : dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người với các đặc tính cơ bản : yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo [2].
Đương nhiên báo lề đảng ca tụng sự thành công tuyệt vời của hội thảo này. Để phản biện, tôi tự hỏi thế thì những cái bậy của hội thảo này là gì ?
Bậy 1. Xa xỉ
Ở các nước khác, một phần chi phí của các hội nghị khoa học là từ tiền thuế của dân. Người tổ chức hội nghị thường không chi nhiều tiền chỉ cho việc trang trí. Bởi vì làm như vậy có thể khiến người ngoại cuộc hiểu lầm về xa xí trong cách tiêu tiền từ ngân quỹ chung.
Hội thảo văn hóa 2022 đã diễn ra với những bông hoa trang trí đắt tiền trên bục hội nghị, bàn thảo luận, hành lang và phòng họp. Tôi chưa bao giờ thấy những trang trí đắt tiền như vậy trong những hội nghị khoa học bên này. Khi Nguyễn Phú Trọng phải nói "Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến những cán bộ nhân viên nằm trong danh sách phải thôi việc ở các doanh nghiệp, tập đoàn trong bối cảnh năm hết, Tết đến" [3] ; việc trưng bày hoa lá đắt giá khắp nơi trong hội thảo văn hóa 2022 có thể là việc làm không được thông minh cho lắm.
Bậy 2. Trật người
Nếu là bàn về giá trị cho mọi người, cho cả nước và cho từng cá nhân, thì phải hội thảo với dân, bảo đảm đại diện của dân các nơi, các thành phần trong xã hội, những người hay và những người không hay, người giàu và người nghèo, cả nam lẫn nữ, những người với nhiều niềm tin khác nhau, người cầm quyền và dân thường, nhất là dân oan bị cán bộ và đảng viên cướp nhà cướp đất. Không thể hội thảo về những chuyện to này mà chỉ có các ông trong đảng ngồi lại với nhau. Như thế là không chính danh. Như thế là hồ đồ. Như thế là giả danh dân để làm lợi cho quyền lợi nhóm. Lại theo khoa học, như thế là thiếu hoàn toàn những hiểu biết về khoa học.
Bậy 3. Trật cách làm
Chúng ta có 98 triệu dân và mỗi người có những ý kiến về giá trị quốc gia, văn hóa và con người mỗi khác. Nếu bạn hỏi ông Năm xích lô, cô Ba làm tóc, anh Sáu miệt vườn hay hai người ngẫu nhiên bạn gặp trên mọi con đường của đất nước, bạn sẽ thấy những ý kiến về giá trị khác nhau giữa người và người. Tạo dựng đồng thuận về các giá trị này bởi vậy phải chú tâm vào làm sao để hiểu những khác biệt, độ khác biệt nào thì không thể tạo đồng thuận được, và làm sao để tích hợp những khác biệt để có giá trị trung bình đại diện cho đồng thuận của dân.
Hệ giá trị do đảng dựng lên vào năm 2021 và năm 2022 hầu như chẳng có khác biệt bao nhiêu, và như vậy giàn dựng một hội thảo tốn kém là không hợp lý [1] & [2]. Nếu hội thảo bảo đây là giá trị của đảng, thì không sao. Nhưng kết quả của hội thảo lại bảo đây là hệ giá trị của quốc gia, văn hóa dân tộc và của người dân. Cách làm trật lất thì kết quả tầm bậy. Tôi thấy những người tham gia hội thảo đến từ những cơ sở lý luận trọng tâm của đảng. Thế mà họ không hiểu cơ bản gì về cách làm cho có 1 chút khoa học. Thế thì có khác gì đầu đặc đất sét mà lại tự nghĩ đầu mình mang tinh hoa của cả dân tộc. Láo !
Bậy 4. Trên hô dưới dạ
Hội thảo bắt đầu từ những "gợi ý" của đảng chúa Nguyễn Phú Trọng, rồi thì người tham gia hội thảo nhai lại những điều đảng muốn. Cách làm của hội thảo là trên hô dưới dạ. Đâu là hậu quả của cách nghĩ tuân thủ trên hô dưới dạ ?
Các giá trị nêu ra từ hội thảo không phải là giá trị của dân. Có những đại biểu được đảng cho dự hội thảo có thể có chút ít kiến thức. Nhưng vì sợ đảng hay vì tư lợi cá nhân, vị trí và quyền lợi đảng bố thí cho họ, họ không dám bày tỏ ý kiến của họ một cách trung thực. Việc che dấu ý kiến của mình, vâng dạ theo trên, dần dần làm hao mòn kiến thức vốn đã nhỏ của những người có học.
Vì vâng dạ theo lâu dài, họ quen dần đi như con chó dễ bảo để rồi không cần dùng kiến thức của mình nhưng vẫn làm ăn hanh thông. Việc giả mạo sở thích của chính mình để đồng ý với đảng và sự hao mòn kiến thức trong cách làm việc trên hô dưới dạ dần dần dẫn tư duy của tập thể này đi vào ngõ cụt, giếng nước đọng, rác rưởi và thối lắm !
Có thể đại đa số những người tham dự hội thảo tuân thủ vô điều kiện vào những điều đảng dạy. Tôi hy vọng có một vài người khác trong hội thảo có chút lương tâm. Những người này sống trong dối trá. Sống dối trá là trở thành gánh nặng bởi chính sự dối trá của mình. Nguồn gốc của gánh nặng có thể là cảm giác tội lỗi mà một người phải gánh chịu vì đã trốn tránh trách nhiệm xã hội trong vai trò của mình.
Bậy 5. Trí thức của đảng
Tôi sợ tôi ở xa mà phán xét quá lố về trí thức của đảng và đầu óc u tối của họ ; bèn vội vã đi xem ý kiến của những người trong cuộc.
Hãy nghe sự thật từ Mikhail Gorbachev, từng là nhà lãnh đạo thứ 8 và cuối cùng của Liên Xô từ năm 1985 cho đến khi đất nước tan rã vào năm 1991. Ông nhận xét rằng "các khái niệm lý thuyết về chủ nghĩa xã hội" vẫn còn "ở nhiều khía cạnh ở cấp độ của những năm 1930-1940," khi những nhiệm vụ mà xã hội phải đối mặt hoàn toàn khác với những gì xã hội phải đối mặt ngày nay [4]. Hay nói cách khác, thể chế và chính sách của đảng để giải quyết việc dân việc nước ở Việt Nam vào năm 2022 được đặt trên nền tảng văn hóa xã hội mà những người cộng sản đầu tiên mơ ước (không phải thực hiện) 92 năm trước.
Theo tác giả Mạc Văn Trang, khi ông – ‘tìm đọc bài bàn về "Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới" … Nhưng tất cả vẫn là "xới lên vấn đề", lý luận dài dòng, lẩn quẩn…’ [5].
Ông Mạc Văn Trang nhận định – "…Tại sao Hội thảo gồm bao nhiêu Giáo sư, Tiến sĩ lại "đẻ" ra một kết quả như vậy ? Tại sao cá nhân tôi có thể đề xuất được như vậy ? Đó là vì tôi tư duy MỘT MÌNH, không phụ thuộc vào định hướng của ai. Còn Hội thảo quốc gia vừa rồi là một ĐÁM ĐÔNG tư duy theo một định hướng, nên kết quả như vậy. Điều đó càng cho thấy, TỰ DO suy nghĩ, TỰ DO biểu đạt của mỗi cá nhân quan trọng biết nhường nào" [5].
Ông Nguyễn Đình Cống nhận định về bài của ông Mạc Văn Trang như sau "Hoan hô bài viết của Mạc Văn Trang, Hội thảo về "Giá trị Việt Nam" nhưng vì mục đích khác. Còn "Giá trị Việt Nam" chỉ là cái cớ. Những người dự, tuy có bằng cấp, có học hàm học vị và chức vụ cao nhưng phần lớn là những trí thức của đảng, hữu danh vô thực, không quen và không dám suy nghĩ độc lập, chỉ thạo đạo văn và chờ nghị quyết để nói theo và trích dẫn. Mà phần lớn nghị quyết lại do một số trong nhóm trí thức ấy viết ra. Nếu tách ra từng từ, từng câu của nghị quyết thì nghe rất kêu, rất hay, nhưng ghép lại thì thành những đoạn chắp vá, lủng củng, còn toàn bộ nghị quyết là một đống ngôn từ lộn xộn, mâu thuẫn. Dân tộc này không trông chờ gì vào những người được gọi là "trí thức của đảng" như vậy. Theo con đường do họ dẫn chỉ đi vào tăm tối, bế tắc" [5].
Bậy 6. Bỏ lỡ cơ hội cho dân cho nước
Trong lịch sử chống ngoại xâm, cư dân làng xã là thành trì bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc, và ngoài ra, tư tưởng nhân nghĩa (Lê Lợi) và đồng thuận xã hội (Hội nghị Diên Hồng) góp phần vào việc giữ nước, an dân.
Vài người trí thức của đảng có lương tâm nên tự vấn để hiểu là họ đã bỏ lỡ cơ hội để lắng nghe tiếng nói thực sự của dân, và để thấu hiểu rằng những giá trị và nhu cầu của dân rất khác với những giá trị mà đảng chỉ đạo cho hội thảo.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 29/12/2022
Nguồn :
1. "Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế", Tạp chí Lý luận Chính trị, 14/06/2021
2. "Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới", Đảng cộng sản Việt Nam online, 29/11/2022
3. Đông Đô, "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘chia buồn sâu sắc’ và xin lỗi ‘quần chúng lao động’", VNTB, 17/12/2022.
4. Bialer, S., "Politics, society, and nationality inside Gorbachev’s Russia", Routledge, 31/05/2021.
5. Mạc Văn Trang, "Góp ý về xây dựng hệ giá trị Việt Nam", Tiếng Dân, 19/12/2022