Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/06/2017

Quy định 'luật sư tố giác thân chủ' sẽ đem đến tai họa ?

Hoàng Đức Thắng

Dự kiến vào ngày 20/6/2017, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu thông qua Dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2015, trong đó đáng chú ý là khoản 3 điều 19.

togiac1

Hoàng Đức Thắng trong phòng thu âm của BBC tiếng Việt

Điều khoản này quy định luật sư, người bào chữa cho bị can, bị cáo sẽ bị truy cứu tránh nhiệm hình sự nếu không tố giác với cơ quan tư pháp các hành vi phạm tội mà họ biết được thông qua quá trình tiếp xúc, bào chữa cho một người phạm phải một trong hơn 80 tội danh được quy định tại điều 389 Dự thảo.

Đã có rất nhiều quan ngại về việc điều luật này mâu thuẫn với Hiến pháp và các luật chuyên ngành, có thể ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp, vi phạm đạo đức hành nghề của luật sư và xâm phạm trực tiếp đến lợi ích trực tiếp của bị can, bị cáo.

Tôi xin trao đổi thêm về một vài khía cạnh khác có tính căn bản hơn : tính đại diện của hoạt động luật sư, và ý nghĩa của hoạt động luật sư đối với việc gìn giữ một số giá trị nền tảng trong xã hội.

Tính đại diện của hoạt động luật sư

Quan hệ tố tụng hình sự tự bản thân nó luôn có sự bất bình đẳng nghiệt ngã giữa một bên là bị can, bị cáo và một bên là cả guồng máy điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Dù có thể có quy định tổ chức hoạt động khác nhau, các cơ quan trên đều tuân thủ một quy trình tố tụng do Nhà nước quy định và đều là các bộ phận chặt chẽ của một guồng máy công lực.

Như vậy, đây là cuộc đương đầu hoàn toàn bất công giữa một bên là cá nhân công dân đơn lẻ đang bị buộc tội và thậm chí bị tạm giam, tạm giữ, thiếu hiểu biết về quy trình pháp lý và thường là đang trong tình trạng suy sụp về cả thể chất lẫn tinh thần, và một bên là Nhà nước thông qua bộ máy tư pháp hùng mạnh.

Chính trong mối quan hệ này đã phái sinh ra luật sư hay người bào chữa.

Công việc của luật sư không đơn giản là dịch vụ nghề nghiệp theo kiểu trả công thuần túy mà trước hết và quan trọng nhất là nhằm đảm bảo để thân chủ được đại diện trong quá trình tố tụng, nhằm phần nào giảm đi sự bất công cố hữu trong mối quan hệ tư pháp hình sự giữa Nhà nước và cá nhân công dân.

Chính vì vậy, trong quá trình tố tụng, tư cách chính thức của họ là người đại diện trước pháp luật của bị can, bị cáo.

togiac2

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì một người không thể bị coi là có tội cho tới khi bị tòa tuyên án

Khi trở thành người đại diện trước pháp luật, bản thân luật sư không còn là người làm công nữa mà đã hóa thân thành chính bản thân người được đại diện ; những gì luật sư trình bày cũng chính là những gì mà thân chủ muốn nói.

Như thế, nếu trình bày không đúng với ý nguyện của người được đại diện chứ chưa nói đến việc khai báo các nội dung có thể trở thành nội dung buộc tội thân chủ, thì luật sư đó đại diện cho ai và đại diện cái gì ?

Và một khi không còn đại diện cho thân chủ, luật sư cũng không còn lý do để tham gia tố tụng nữa.

Nhưng nếu luật sư không còn lí do để tham gia tố tụng thì chúng ta phải nhìn nhận vai trò đại diện công tố của cơ quan Viện Kiểm sát, và vai trò đại diện công lý của Tòa án như thế nào ?

Trong bối cảnh đó, khoản 3 điều 19 của Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi nếu được thông qua sẽ làm thay đổi căn bản học thuyết chính trị-pháp lý về tính đại diện, kéo theo sự lệch hướng về nhận thức rất phức tạp.

Có thể sẽ cần một thời gian dài để mức độ nhận thức chung trong xã hội theo kịp các chuẩn mực kỹ trị và giới chức hiện nay cũng chưa tách bạch các phạm vi và khái niệm, nhưng chắc chắn rằng đó không thể là lý do để có thể ban hành một quy định có thể kéo theo những hệ luy được báo trước như thế này.

Hoạt động luật sư góp phần gìn giữ một số giá trị xã hội cơ bản

Tính chất đại diện đặc thù của hoạt động luật sư/bào chữa như nêu trên trước hết góp phần xây dựng niềm tin.

Niềm tin là một giá trị đặc biệt quan trọng trong nền tảng của các xã hội hiện đại. Trong nhiều xã hội phương Tây, có hai đối tượng trong xã hội được người dân trao gửi các bí mật cá nhân mà không lo sợ bị tiết lộ, đó là các linh mục, mục sư tôn giáo, người chăm sóc phần hồn cho các giáo dân, và luật sư, người đại diện trước pháp luật để bảo vệ thân chủ của mình.

Chỉ hai đối tượng này được sự tin tưởng đặc biệt là bởi họ được coi là hai chốt chặn cuối cùng để gìn giữ niềm tin của con người.

Trong trường hợp của luật sư, người mà họ đại diện đã ở trong vị thế hoàn toàn bất lợi như nói ở trên và có thể nói là đã mất hoàn toàn niềm tin vào công lý trong tay của Nhà nước.

togiac3

Bên ngoài phiên tòa xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hà Nội tháng 11/2016

Những gì họ có thể nói với luật sư không chỉ thể hiện tình tiết của vụ việc mà còn hàm chứa cả niềm khát khao được cứu xét và thậm chí là hy vọng cuối cùng.

Tuy không có phép màu nào nhưng luật sư có thể dùng kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp của mình để giúp hiện thực hóa phần nào những khát khao đó.

Khoản 3 điều 19, nếu được thông qua, sẽ góp phần chính thức đặt một tấm bảng cấm trước những niềm hy vọng đó.

Dù cho người cần được bào chữa là ai, một người phạm tội lần đầu do lỗi không cố ý hay một kẻ sát nhân hàng loạt thì việc nuôi dưỡng niềm tin và tình cảm cộng đồng, hay nói cách khác là cảm giác không bị bỏ rơi, là điều buộc phải làm để duy trì nền tảng gắn kết trong xã hội.

Quy định về trách nhiệm tố cáo thân chủ của luật sư không góp ích gì vào việc trên mà còn có thể mang đến dự cảm bị cùng đường, không nơi nương tựa và không thể tin tưởng bất kỳ ai và đó có thể chính là mầm mống của tư tưởng cực đoan, thù hận. Đó liệu có phải là điều chúng ta hướng tới ?

Giá trị thứ hai của hoạt động luật sư/bào chữa là góp phần tạo dựng sự bình đẳng trong hoạt động tố tụng.

Như đã nêu ở trên, quan hệ tố tụng hình sự là một quan hệ rất đặc thù với cán cân hoàn toàn nghiêng hẳn về phía các cơ quan tiến hành tố tụng, và luật sư là chỗ dựa duy nhất để bị can, bị cáo bấu víu nhằm nuôi hy vọng có được một kết quả có lợi cho mình.

Nếu công khai quy trách nhiệm hình sự cho luật sư như tại khoản 3 điều 19 nêu trên thì luật sư vô hình chung bị hoài nghi tiềm ẩn phản trắc, còn bị can, bị cáo sẽ có thêm nỗi sợ hãi vô hình về việc liệu những gì mình trình bày với luật sư có trở thành chiếc thòng lọng treo sẵn trên đầu chỉ chờ sơ ý, lỡ lời là tự quàng vào cổ mình. Luật sư khi ấy sẽ bất đắc dĩ trở thành "cánh tay nối dài" của cơ quan điều tra.

Ngay cả khi luật sư cố tình lờ đi trách nhiệm tố giác hoặc khi cơ quan điều tra chẳng quan tâm đến lời tố giác của luật sư, thì quan hệ bình đẳng trong hoạt động tố tụng nói trên sẽ bị biến dạng một cách thảm hại và đẩy cả hai phía, đặc biệt là luật sư, vào thế coi thường pháp luật.

Sự dung thứ là một giá trị xã hội khác hoạt động luật sư/bào chữa đặc biệt đóng góp.

Buộc tội và gỡ tội là hai thái cực đối nghịch quan trọng hoạt động tố tụng hình sự. Cả hai bên, gồm đại diện công tố và đại diện bị can, bị cáo, khi tham gia quá trình tố tụng phải sẵn sàng chấp nhận các quan điểm tranh luận xung khắc quyết liệt.

Khả năng bào chữa sắc bén, làm suy yếu thậm chí sụp đổ cáo trạng của luật sư dẫn đến cuộc "tranh hùng pháp lý" nên được coi như một minh chứng cho trình độ và sự chuyên nghiệp của luật sư chứ không thể bị coi là sự "cứng đầu".

Thực tế hoạt động xét xử những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy có một số trường hợp khi luật sư phản bác một cách quyết liệt cáo trạng của Viện Kiểm sát tại Tòa thì sau phiên tòa bị Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra ra công văn gửi cho đoàn luật sư yêu cầu xử lý vì bị coi là có thái độ thách thức.

Điều đó cho thấy vẫn tồn tại những rào cản lớn trong nhận thức về sự chấp nhận và dung thứ các quan điểm khác nhau, vốn được coi là một nền tảng của quy tắc hành xử trong xã hội hiện đại.

Nếu khoản 3 điều 19 được thông qua, nó sẽ trở thành sự cản trở chính thức của Nhà nước đối với quá trình xây dựng sự dung thứ và lòng vị tha trong xã hội, điều mà dù có thể chưa hoàn toàn đạt được trong thế hệ hiện nay song rất cần được nỗ lực xây đắp trên cả các khía cạnh về văn hóa, truyền thống và đặc biệt là khía cạnh pháp lý.

Kiến nghị

Nếu tôi được phép viết lời trình bày cuối cùng của mình trước các đại biểu Quốc hội, tôi sẽ viết rằng :

"Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Quý vị đã nghe, xem tờ trình về ý nghĩa của khoản 3 điều 19 trong dự luật. Các quý vị cũng đã nghe những trình bày về những hậu quả có thể có một khi điều khoản này được thông qua.

Nếu các quý vị không chút nghi ngờ nào về việc điều khoản này sẽ giúp tăng cường an ninh quốc gia và ổn định trật tự xã hội mà vẫn đảm bảo các quyền cơ bản của công dân và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, thì xin các vị hãy biểu quyết thông qua.

Còn nếu các quý vị vẫn còn băn khoăn, vẫn còn suy nghĩ về hiệu quả thực tế của điều khoản này trong khi có quan ngại lớn về việc nó có thể là bước đi sai lầm, làm xói mòn các giá trị xã hội cơ bản mà chúng ta hướng tới, như giá trị về bảo vệ niềm tin, giá trị về cân bằng quyền lực, giá trị về sự tôn trọng pháp quyền, giá trị về sự dung thứ và giá trị về sự bình đẳng trước công lý, thì xin đừng dễ dàng biểu quyết thông qua".

Bài do luật gia Hoàng Đức Thắng, hiện sống và làm việc tại London, gửi tham gia Diễn đàn BBC Tiếng Việt.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Đức Thắng
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)