Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/01/2023

Quan hệ tay ba Việt-Trung-Mỹ tại điểm chuyển mùa 2022-2023

Hiếu Chân

Việt Nam tiễn năm cũ 2022 đón năm mới 2023 bằng một vụ thanh trừng gây chấn động dư luận : Ngày 30/12/2022, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ra thông báo cho "thôi chức" hai đảng viên cao cấp.

tayba1

Ông Phạm Bình Minh (trái) và ông Vũ Đức Đam. (Hình : Thanh Niên)

Ông Phạm Bình Minh, 64 tuổi, thôi chức ủy viên Bộ Chính trị. Ngoài ra, ông Minh và ông Vũ Đức Đam, 59 tuổi, thôi chức ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là ông Minh sẽ mất luôn chức phó thủ tướng thường trực và ông Đam sẽ mất chức phó thủ tướng.

Người thay hai ông này, có thể đã được quyết định trong nhóm lãnh đạo, sẽ được công bố trong kỳ họp bất thường của Quốc hội vào ngày 5/1.

Xét về chức vụ thì ông Minh là ủy viên đầu tiên của Bộ Chính trị khóa 13 (2021-2025) bị thanh trừng.

Trước đây, khóa 12 cũng có ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng bị bãi chức vào tháng 12/2017, bị truy tố tội tham nhũng, và hiện đang đếm lịch trong nhà lao.

Dù thông cáo của Đảng cộng sản Việt Nam không nói lý do, nhiều người cho đó là do vai trò của ông Minh này trong vụ án tham nhũng "chuyến bay giải cứu" mà rất nhiều quan chức của ngành ngoại giao bị truy tố, bắt giam.

Tuy vậy, có yếu tố cho thấy vụ thanh trừng ông Minh là kết quả cuộc đấu đá chính trị hơn là do hành vi tham nhũng hay lợi dụng quyền lực.

Có quan chức nào của Đảng cộng sản Việt Nam không tham nhũng, và trong vụ "chuyến bay giải cứu", người chịu trách nhiệm trực tiếp hơn ông Minh là ông Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng ngoại giao, chỉ bị "phê bình nghiêm khắc" mà không mất chức.

Tương tự như vậy, trong trường hợp ông Vũ Đức Đam, người phải chịu trách nhiệm cao nhất về chính sách chống dịch ngu xuẩn của nhà cầm quyền khiến hàng chục ngàn người dân thiệt mạng một cách oan uổng phải là Thủ tướng Phạm Minh Chính và người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Phúc, hiện là chủ tịch nước, chứ chưa phải ông Đam.

Một điểm chung giữa ông Đinh La Thăng và ông Phạm Bình Minh mà dư luận ít chú ý là cả hai ông này đều không được Trung Quốc ưa thích.

Ông Thăng từng "mắng té tát" và đòi đuổi nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi ông làm bộ trưởng Giao thông vận tải. Còn ông Minh dám cả gan "trừng mắt" với ông Dương Khiết Trì, chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Ông Phạm Bình Minh còn là con trai ông Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao thời kỳ 1980-1991, có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và Bắc Kinh đã ép Đảng cộng sản Việt Nam phải loại ông Thạch ra khỏi guồng máy lãnh đạo của đảng và chính phủ.

Ông Nguyễn Cơ Thạch có tên thật là Phạm Văn Cương.

Ông Minh không đi theo quan điểm của cha mình, nhưng người Hoa vốn chú ý dòng giống và thù dai, họ không bỏ qua cho ông.

Có nhiều người tiếc rẻ rằng ông Minh và ông Đam là "hai gương mặt tử tế" trong chính phủ, được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ và Châu Âu và có triển vọng lèo lái đất nước vào cuộc hội nhập sâu rộng với Phương Tây. Nhưng biết đâu chính thế mạnh được đào tạo ở Phương Tây lại là lực cản các ông này lên cao hơn trong thể chế cộng sản.

Nên để ý vụ thanh trừng ông Minh và ông Đam diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ngay sau khi ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, loại bỏ các đối thủ chính trị và đưa vào guồng máy lãnh đạo những nhân vật trung thành.

Liệu trong chuyến đi đó, ông Trọng có "nhập cảng" học thuyết của ông Tập về củng cố quyền lực tuyệt đối của đảng, loại trừ các lãnh đạo "kỹ trị" (technocrat) hay không ?

Chưa có thông tin khả tín về bàn tay can thiệp của Bắc Kinh vào các quyết định nhân sự cấp cao của Hà Nội nhưng vụ thanh trừng nội bộ làm dấy lên thuyết âm mưu về sự lệ thuộc nặng nề của Đảng cộng sản Việt Nam vào Trung Quốc, cả trong vấn đề bố trí lãnh đạo cấp cao như nhận xét của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn và là một doanh nhân ở Sài Gòn có nhiều thông tin mật về các vụ đấu đá trong cung đình Hà Nội.

***

Con đường đó của Đảng cộng sản Việt Nam làm cho triển vọng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và thế giới dân chủ ở Phương Tây trong năm 2023 thêm u ám. Cho đến nay, Mỹ đã cố gắng rất nhiều để vận động Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương Việt-Mỹ lên mức "đối tác chiến lược", nhưng đều không thành công.

Để nâng cấp quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ đã gia tăng các cuộc thăm viếng cấp cao, gia tăng viện trợ cho Việt Nam cả về nhân đạo lẫn quốc phòng và tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất cảng mạnh hàng hóa vào thị trường Mỹ, đạt mức thặng dư thương mại cao chót vót. Hoa Kỳ cũng giảm bớt sự phê phán thành tích nhân quyền tồi tệ của Việt Nam và không biến những lời lên án về tự do tôn giáo thành biện pháp trừng phạt như đối với các nước khác.

Nhưng có dấu hiệu Washington đang dần dần mất kiên nhẫn.

Hà Nội đã nhiều lần đề nghị có cuộc điện đàm trực tiếp giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhưng Washington chưa thu xếp được. Có rất nhiều lĩnh vực mà Mỹ muốn giúp Việt Nam phát triển, từ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đến phát triển năng lượng tái tạo và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng thái độ thân thiện với Trung Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam làm cho các chính trị gia Mỹ thất vọng.

Nhiều nhà quan sát dự báo trong năm mới có thể Hoa Kỳ sẽ đảo ngược một số chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thương mại và tài chính, dẫn tới việc kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn do khó tiếp cận thị trường Mỹ.

Trở ngại chính trong quan hệ Việt-Mỹ tất nhiên là sức ép của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn đòi hỏi Hà Nội không được để cho các cường quốc bên ngoài can thiệp, gây chia rẽ quan hệ anh em giữa hai đảng cộng sản và hai nước và dọa sẽ trừng phạt.

Còn Đảng cộng sản Việt Nam thì vừa không dám làm trái ý đàn anh, vừa không thật sự tin tưởng vào thiện chí của Hoa Kỳ nên cho đến nay Hà Nội vẫn không mặn mà với các đề nghị nâng cấp quan hệ với Washington.

Hầu như tất cả các nhà quan sát đều đồng ý, do vị trí địa lý liền kề, do bản chất mối quan hệ không cân xứng, và do sự phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu tổn thương nặng nề nếu bị Trung Quốc trừng phạt vì ngả về phía Hoa Kỳ, nâng cấp quan hệ với Mỹ. Với Hà Nội, ổn định mối quan hệ với Bắc Kinh quan trọng hơn nhiều so với việc nâng cấp quan hệ với Washington.

Nhưng thực tế lịch sử cho thấy, Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới và càng kìm hãm Việt Nam trong nghèo khó và phụ thuộc. Nhiều người kỳ vọng năm 2023 sẽ có một bước ngoặt trong quan hệ Việt-Mỹ nhưng xem ra tình hình chưa thể chuyển biến trong 12 tháng tới nếu không nói là có thể xấu hơn, có phần do ảnh hưởng của sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Việc "trảm" hai phó thủ tướng và bắt giam nhiều cán bộ cao cấp của ngành ngoại giao đang làm cho đường dây liên lạc giữa Việt Nam với Mỹ bị gián đoạn tạm thời, ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa hai nước.

Thế kẹt của Việt Nam trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung xem ra sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023 !

Hiếu Chân

Nguồn : Người Việt, 03/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiếu Chân
Read 241 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)