Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2023

Vụ bé trai "lọt ống bê tông" trở thành vụ án dư luận

Hoài Nguyễn, Viết từ Sài Gòn, Cát Tường, RFA

Thế nào là một tuyên bố hợp pháp ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 06/01/2023

Tuyên bố tử vong khi chưa tìm thấy xác của nạn nhân trong vụ "lọt ống bê tông" ở Đồng Tháp là một tuyên bố bất hợp pháp.

haonam1

Căn nhà nhỏ lụp xụp của gia đình cháu Hạo Nam ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Cao Bách).

Hợp pháp là sự phù hợp của hành vi cá nhân, tổ chức thực hiện đối với quy định của pháp luật. Theo từ điển Hán Việt, hợp pháp là tính từ thể hiện sự phù hợp, đúng đắn với quy định của pháp luật.

Như vậy, việc ông phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đơn phương tuyên bố tử vong khi chưa tìm thấy xác của nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ "lọt ống bê tông" ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, là một tuyên bố bất hợp pháp.

Tính hợp pháp của hành vi được thể hiện qua 04 hình thức thực hiện pháp luật : Thứ nhất, tuân thủ pháp luật, là việc thực hiện pháp luật thể hiện dưới dạng "hành vi không hành động", mang tính chất thụ động. Ví dụ như không điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép ; không sử dụng ma túy,…

Thứ hai, thi hành pháp luật, là việc thực hiện pháp luật thể hiện dưới dạng "hành vi hành động", mang tính chất chủ động. Ví dụ như thực hiện nghĩa vụ khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, thực hiện nghĩa vụ quân sự,…

Thứ ba, sử dụng pháp luật, là việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như việc Sở Lao động – thương binh xã hội xem xét cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài,….

Thứ tư, áp dụng pháp luật, là việc lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép.

Như vậy thì thắc mắc tiếp theo là hành vi nào của cá nhân, tổ chức được coi là hợp pháp ?

Thực hiện hành vi theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Ví dụ, khi mới sinh ra, cha mẹ thực hiện thủ tục làm giấy khai sinh cho con theo đúng quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản pháp luật liên quan thì được coi là hợp pháp.

Thực hiện hành vi pháp luật không cấm. Ví dụ, Luật Cạnh tranh quy định những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trường hợp chủ thể kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không thuộc quy định trên thì được coi là hợp pháp.

Như vậy, tùy thuộc vào quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức phải có những hành vi, xử sự hợp lý, phù hợp.

Câu hỏi tiếp theo, vậy thì tại sao phải thực hiện hành vi một cách hợp pháp ?

Trả lời đơn giản nhất là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, tức là bất hợp pháp, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự,….

Do đó để tránh những rắc rối pháp lý có thể gặp phải, tổ chức, cá nhân cần thực hiện pháp luật một cách hợp pháp. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi hợp pháp hạn chế tối đa những bất ổn trong các mối quan hệ pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Do đó, đảm bảo thực hiện hành vi hợp pháp, thượng tôn pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Trong cụ thể trường hợp ông phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đơn phương tuyên bố tử vong khi chưa tìm thấy xác của nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ "lọt ống bê tông" ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là hành vi bất hợp pháp, vì trước hết về mặt thủ tục hành chính, phía giám định pháp y không thể đáp ứng khi vụ việc chưa ghi nhận xác chết, kể cả hình ảnh của tử thi.

Với vụ việc thương tâm xảy ra ở dự án cầu Rọc Sen, thì khi pháp y được trưng cầu, sẽ có tối thiểu ba biểu mẫu cụ thể được lựa chọn về mặt thủ tục pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, đó là "Quy trình giám định tử thi qua hồ sơ" – "Quy trình giám định tử thi" – "Quy trình giám định tử thi trong thiên tai, thảm họa".

Tạm thời chấp nhận tình huống ở Đồng Tháp là "Quy trình giám định tử thi qua hồ sơ", thì trình tự theo quy định của Bộ Y tế như sau cho việc đối tượng giám định ở đây là hồ sơ liên quan đến tử thi để xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, vật gây thương tích, cơ chế hình thành thương tích…

Xin lược trích quy trình đó trong cụ thể trường hợp vừa xảy ra ở Đồng Tháp : Quyết định trưng cầu/ yêu cầu giám định ; Bản sao hợp pháp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung cần giám định.

Căn cứ vào nội dung trưng cầu/ yêu cầu giám định và hồ sơ được cung cấp, giám định viên nghiên cứu các tài liệu sau : Các hồ sơ y tế liên quan đến nội dung cần giám định ; Biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh hiện trường ; Các biên bản ghi lời khai, biên bản xác minh, biên bản làm việc liên quan vụ việc.

Kết luận giám định căn cứ vào các kết quả chính qua giám định, trả lời các nội dung câu hỏi theo quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định.

Các bước trình tự tóm tắt kể trên đều được cụ thể hóa bằng các biểu mẫu hành chính với chữ ký của lãnh đạo đơn vị ban hành. Không có một tuyên bố miệng, hay tuyên bố nào lại không dẫn chứng các căn cứ pháp lý như ở trường hợp tỉnh Đồng Tháp hiện tại.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 06/01/2023

****************************

Đất nước có bao nhiêu "bé Hạo Nam" ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 06/01/2023

Vụ việc cháu bé Thái Lý Hạo Nam bị tuột chân vào đường ống cọc nhồi bê tông và sau bốn ngày cật lực cứu hộ, tính mạng của cháu Hạo Nam vẫn không được cứu, cuối cùng, đại diện lực lượng chức năng phải tuyên bố cháu bé đã chết và cho đến ngày thứ sáu, việc tìm kiếm thi thể xấu số của cháu bé vẫn mịt mờ. Điều này tự dưng khiến tôi rùng mình nghĩ đến những số phận "Hạo Nam" mịt mờ trên đất nước này.

haonam2

Lực lượng cứu hộ đã dành khoảng 100 giờ giải cứu bé trai 10 tuổi Thái Lý Hạo Nam cho đến khi bé được xác định đã tử vong.

"Lực lượng cứu hộ bé trai 10 tuổi (nạn nhân rơi xuống trụ bê tông từ ngày 31/12 và được thông báo đã tử vong ngày 4/1) đến ngày 5/1 vẫn chưa tìm thấy thi thể của nạn nhân và đưa lên mặt đất, nên phải trưng cầu ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước.

Truyền thông Nhà nước loan tin như vừa nêu. Theo đó vào sáng sớm ngày 5/1, công tác cứu hộ phải tạm dừng vì gặp phải tầng địa chất "đặc biệt".

Lực lượng chức năng phải hội ý khẩn cấp để trưng cầu ý kiến của giới chuyên gia trong và ngoài nước về cách giải quyết các tầng địa chất. Phương pháp cứu hộ hiện có thay đổi và làm theo cách tháo các khớp nối, lần lượt đưa các đoạn ống lên, thay vì đưa toàn bộ như dự tính trong mấy ngày qua.

Truyền thông Nhà nước tin vụ tai nạn xảy ra lúc khoảng 11 giờ 30 phút sáng ngày 31/12 khi cháu bé 10 tuổi (tên Thái Lý Hạo Nam) cùng một số bạn trong xóm đi vào công trình cầu Rọc Sen để nhặt sắt. Khi thấy bạn Nam bị rơi vào trụ bê tông, các bạn đi cùng hô hoán để người lớn đến cứu nhưng bất thành. Khoảng 300 người đã được huy động cùng nhiều phương tiện để cứu cháu bé" (Trích nguyên văn từ RFA).

Câu chuyện cháu Hạo Nam bị tai nạn trở thành đề tài nổi sóng suốt mấy ngày nay, người ta đặc biệt quan tâm theo dõi, từ quán ăn nhỏ trong xóm đến quán cà phê, đến bất kì nơi nào khác, người ta đều bình luận, chép miệng xót thương, trách cứ nhà thầu, thậm chí luận tội nhà thầu đã sơ xuất, đã thiếu trách nhiệm, đội cứu hộ đã bưng bít thông tin… có một ngàn lẻ một kiểu bình luận. Nhưng người ta quên mất một điều, trên đất nước này, mỗi ngày, chí ít cũng có vài số phận na ná hoặc giống như hoặc bi thảm hơn Hạo Nam.

Số phận của những đứa bé hẩm hiu, nghèo đói và có thể chết bất kì giờ nào, số phận của những đứa bé đi học trong mùa đông giá rét, cái lạnh cắt da cắt thịt ở những trường dân tộc nội trú và bữa ăn của chúng chủ yếu là cơm trắng bởi khẩu phần ăn đã bị vị hiệu trưởng đáng kính của chúng cắt xén bằng mọi giá, cái cổng trường và phòng học của chúng có thể sập bất kì giờ nào, và đã có những cái chết thương tâm bởi sập cổng trường.

Số phận của những Hạo Nam trên đường đi nhặt ve chai, bán vé số vấp ổ gà, ổ voi và chết tức tưởi, chẳng có lời xin lỗi hay lời ai điếu và đơn vị thi công vẫn cứ lạnh lùng, nhơn nhơn làm việc, bất chấp lời kêu than, thậm chí phẫn nộ của người dân. Bởi công nhân thì vô trách nhiệm, họ cũng tự thấy họ là nạn nhân của bóc lột và họ thờ ơ, chủ thầu thì bất chấp, miễn sao rút cho đủ tiền từ ruột công trình để vừa làm giàu vừa chung đủ cho thế lực chống lưng. Và nếu có sơ xuất nào, rủi ro gì thì đã có người chống lưng mà chạy tội. Cái thời đại người ta dùng quyền lực để mà đe nẹt, hà hiếp và đạp qua nỗi đau đồng loại để mập lên, trơn láng và tự mãn…

Số phận của Hạo Nam trong xã hội này, có thể nói rằng nhiều vô kể, thế nhưng đâu phải ai cũng ‘may mắn’ trong đau đớn như Hạo Nam ! Tôi biết, trong giờ phút này, nói một cậu bé bị tuột chân xuống hố cọc nhồi sâu gần bốn chục mét và chết ngạt, đau đớn, từ người thân cho đến mọi người đều đau đớn…như Hạo Nam ‘may mắn’ là quá vô cảm. Nhưng thực sự, Hạo Nam còn may mắn hơn nhiều, rất nhiều so với rất nhiều Hạo Nam vô danh trong cuộc đời này. Bởi chí ít, cái chết của cậu bé cũng đánh thức được lương tri xã hội, mặc dù động cơ của đôi bên có sự trùng lặp đáng sợ.

Sự trùng lặp này nằm ở chỗ bế tắc truyền thông nhà nước. Nghĩa là suốt ba năm nay, truyền thông nhà nước đang ngày càng tê liệt và khủng hoảng niềm tin nhân dân bởi sự thật từ dịch Covid-19 với những gì truyền thông loan tin là một trời một vực. Trong khi đó, đời sống nhân dân đang ngày càng khủng hoảng, sự khủng hoảng niềm tin nhân dân từ suy sụp kinh tế là quả bom nổ chậm có sức công phá kinh hoàng với chế độ. Thế nên các buổi tế thần của chế độ ngày càng mạnh tay và lễ vật thêm phần nặng đô.

Một mặt tế lễ hai con dê to lớn là hai Phó Thủ tướng được xem là được lòng dân và tạo thiện cảm với giới trí thức nhiều nhất để xoa dịu những tổn thân tinh thần tập thể của nhân dân, mặt khác phải tạo ra những cú hích thông tin nhằm đánh lạc hướng mọi thứ, để người ta quên bớt, giảm bớt khó khăn. Nghiệt nỗi, mùa Word Cup năm nay cũng không có mấy người dân mất nhà vì cá độ và mức độ nhảy cầu cũng không cao, hơn nữa các đội cứu hộ trong nhân dân tự phát cũng đã nhiều, và người ta cũng chẳng còn quan tâm đến chuyện chết chóc kiểu "lạt nhách" này cho mấy, nên thông tin, truyền thông Việt Nam vẫn chưa có trái bom nào để phá tan cái lạnh mùa đông, trong dịp sắp Tết này.

Thế rồi đùng một cái, xuất hiện câu chuyện đau lòng của cậu bé Hạo Nam, vậy là, về mặt nhân đạo, đây là cơ hội để tạo ra mối thiện cảm của nhân dân với nhà nước, quân đội, lực lượng được huy động tối đa mặc dù ngay từ đầu, dường như người ta đã biết rằng cậu bé chết chắc, bởi với suy luận của một người bình thường, không phải chuyên gia, người ta vẫn biết rằng với tiết diện 25cm, sâu 35 mét thì lượng oxy dưới đáy âm kia sẽ vô cùng thấp, không đủ để đốt một que diêm, và khi một con người rơi xuống đó, hoảng loạn, mắc kẹt, thở dốc và đốt oxy nhanh chóng trong vòng vài giây, sau đó ngạt thở, chết đau đớn, quằn quại… Thế nhưng mặc dù người ta thả các phương tiện máy móc xuống mà vẫn không biết cậu bé còn sống hay đã chết, đến bốn ngày sau mới công bố chết. Vì thời gian bốn ngày là thời gian vô cùng quan trọng cho việc khác của truyền thông.

Với bốn ngày đó, hình ảnh, cảm xúc, trách nhiệm, sự ngưỡng mộ và cả lòng từ thiện được bày tỏ trước thế giới, cha mẹ của Hạo Nam có thêm căn nhà mới, được an ủi, thế giới thấy rằng tính mạng con người được đặt lên mức hàng đầu, việc giải cứu bé hạo Nam chẳng khác nào giải cứu binh nhì Ryan, có mọi nỗ lực và mồ hôi. Đó là Việt Nam, Chính phủ, Nhà nước và Quân đội trong con mắt thế giới.

Còn trong con mắt người Việt thì sao ? Ít ra trong sâu thẳm của con người, sự xót thương, lòng thương cảm dành cho cậu bé xấu số nhà nghèo cũng giúp người ta xoa dịu bớt nỗi đau trong chính tâm hồn của mình, người ta nhìn thấy rằng so với cha mẹ Hạo Nam, nhà của họ cũng còn lớn hơn nhiều, so với bé Hạo Nam phải đi nhặt từng thanh sắt vụn bán kiếm 60 ngàn đồng mà nộp học phí lớp võ, con của họ còn may mắn hơn nhiều. Lời an ủi vô thức này khiến cho người ta thấy ấm hơn, mãn nguyện hơn và dễ dung thứ, dễ chịu đựng, dễ ngậm đắng nuốt cay hơn… Đây là một trái bom thả rất đúng lúc và tạo được hiệu ứng vô cùng lớn của Chính phủ. Không chừng, nếu có trái bom thông tin này sớm hơn một chút, lực lượng cơ động của Bộ sẽ không cần phải huy động vào Sài Gòn như đã làm ? !

Nói cho cùng trong đau đớn thì cậu bé Thái Lý Hạo Nam vẫn còn rất ‘may mắn’ so với hàng triệu trẻ em nghèo trên xứ sở này. Bởi chí ít, cái chết thương tâm của em cũng đánh thức lương tri của hàng triệu người và giúp hàng triệu người nghèo được an ủi, bớt tủi thân, giúp cha mẹ em có thêm chỗ che mưa che nắng, và che cả những giọt nước mắt của họ sau này !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 06/01/2023

**********************

Không có tử thi thì làm sao giám định pháp y ?

Cát Tường, VNTB, 06/01/2023

Phải có tử thi thì pháp y mới có quyền xác định một ca tử vong…

haonam3

Hiện trường tai nạn

Pháp y xác định tử vong nhằm phục vụ cho việc xác lập tính pháp lý của một sự chết.

"Thấy xác thì bác sĩ pháp y quyết. Không thấy xác thì quan tòa quyết theo luật, ít nhất sau hai năm không tìm thấy thi thể, hoặc không thể xác định thi thể nạn nhân. Còn vụ ông chủ tịch tỉnh như Đồng Tháp tuyên bố về sự chết, thì có lẽ là lần đầu tiên ở xứ Việt" – luật sư Ngô Thị Hoàng Anh nhận xét.

Pháp lý về tuyên bố cái chết

Theo luật sư Hoàng Anh, thì một người bị tuyên bố chết khi bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm kể từ ngày sự kiện đó chấm dứt mà không có tin tức gì xác thực là người đó còn sống hay đã chết.

Người đó được xác nhận là một trong số những người có trong tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai như cư dân trong vùng bị động đất, núi lửa, sóng thần ; hành khách trong các tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không ; người trong hầm, lò, mỏ bị sập hoặc hư hỏng… mà không xác định được hoặc do không tìm thấy thi thể nạn nhân.

Chi tiết hơn, theo luật sư Hà Nguyên thì trường hợp đứa bé ở Đồng Tháp, thì việc tòa án xác định ngày chết của một người khi có yêu cầu theo Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015, đó là xác định "ngày chết về pháp lý", không phải là "ngày chết thực tế".

Khoản một Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các trường hợp người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết, có nghĩa là nếu yêu cầu đáp ứng đủ các điều kiện của một trong các trường hợp nêu tại khoản một Điều 71 thì tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu.

Khoản hai Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định : "Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản một Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết". Như vậy, ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn của từng trường hợp nêu tại khoản một Điều 71.

Cụ thể đó là ngày kết thúc thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật (điểm a) ; ngày kết thúc thời hạn 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc (điểm b) ; ngày kết thúc thời hạn 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai chấm dứt (điểm c) ; ngày kết thúc thời hạn 05 năm liền biệt tích (điểm d).

Đối với thời hạn tính bằng năm thì xác định thời điểm kết thúc thời hạn theo các khoản 4, 5 và 6 Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015.

Giám định pháp y không phải là "thánh phán"

Đối với công tác khám nghiệm tử thi, theo quy định tại khoản 3 của điều 206 Bộ luật tố hình sự 2015, thì bắt buộc phải trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ "lọt ống bê tông" ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Hoạt động đặc trưng của giám định pháp y là khám nghiệm tử thi, mổ xác, nhưng ngoài mổ xác, giám định xác chết, giám định pháp y có nhiều chuyên ngành chuyên sâu như y học phân tử, giám định thương tích trên người sống, giám định sức khỏe…

Giám định pháp y được phân thành ba nội dung cơ bản gồm :

Thứ nhất là giám định pháp y hình sự, là các hoạt động giám định về y khoa nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc xâm hại tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm con người, các vụ án mạng, đánh người bị thương, xâm hại tình dục, loạn luân, giao cấu với trẻ em… các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể người có liên quan đến vụ án như máu, dấu vân tay, tóc, da, gàu, các loại lông… để lại tại hiện trường có liên quan đến vụ án hay vụ việc.

Thứ hai là giám định pháp y dân sự, nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan tới các vụ kiện dân sự như giám định huyết thống, tranh chấp mồ mả, xác định tình trạng sức khỏe trong việc bồi thường thiệt hại về sức khỏe của nạn nhân trong các vụ tai nạn lao động, giả vờ bị thương, giả bệnh, giả ốm, đau, đặc biệt là xem xét đối tượng có thực sự bị tâm thần hay mất năng lực hành vi hay không – còn gọi là giám định pháp y tâm thần…

Thứ ba là giám định pháp y nghề nghiệp, nhằm giải quyết các vụ việc liên quan đến bệnh nhân chết trong bệnh viện, trạm xá, các cơ sở y tế khác mà không phải do bệnh nặng vượt quá khả năng y tế mà là lỗi của nhân viên y tế thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu y đức, sai sót về chuyên môn (chẩn đoán sai, mổ sai, sử dụng nhầm thuốc, để sót dụng cụ trong phẫu thuật, để quên dụng cụ, đồ vật trong cơ thể người bệnh…).

Trường hợp Đồng Tháp là giám định trên hồ sơ ?

Đối tượng giám định pháp y bao gồm giám định trên người sống thông qua việc khám, xem xét người đang sống là nạn nhân để xác định thương tích trên cơ thể nạn nhân, tỷ lệ thương tật do di chứng của chấn thương.

Giám định trên cơ thể của thủ phạm, người tình nghi là thủ phạm nhằm xác định thương tích để lại trên cơ thể do quá trình phạm pháp tạo nên. Xác định tuổi thực khi có gian lận về tuổi giữa vị thành niên và thành niên để tăng giảm mức hình phạt.

Giám định pháp y tử thi nhằm xác định nguyên nhân chết, thời gian chết, các bệnh lý kèm theo và quan trọng là xác định thương tích trên nạn nhân (thương tích trước chết, thương tích sau chết, thương tích gây tử vong) cùng với giám định các loại hung khí gây ra các thương tích.

Giám định mẫu vật có nguồn gốc cơ thể người trong các vụ án, nghi án, (lông, tóc, máu, nước bọt, mồ hôi, tinh dịch còn vương vãi, để lại trên hiện trường).

Giám định nhận dạng người bao gồm những tử thi chưa rõ tung tích ngoài xác định nguyên nhân chết còn xác định tuổi, giới tính, chủng tộc, đặc điểm bệnh tật, giám định các bộ xương, thậm chí là những bộ xương khô, đầu lâu chưa rõ tung tích có thể xác định được tuổi, chiều cao, giới tính, chủng tộc, dựng lại khuôn mặt bằng phương pháp nặn tượng hoặc lồng ghép ảnh bằng máy vi tính.

Giám định độc chất phủ tạng nhằm xác định trong phủ tạng người chết chưa rõ nguyên nhân có chất độc hay không và bị trúng độc loại gì từ đó đưa ra giả thiết về hung thủ đã hạ độc, nạn nhân bị đầu độc trong trường hợp nào.

Giám định vật gây thương tích như xác định các vật có thể gây ra thương tích trên nạn nhân như dao, kéo, búa, rìu, cờ lê, mỏ lết…

Giám định dựa trên hồ sơ tài liệu là việc giám định thông qua các hồ sơ tài liệu, sổ sách, ghi chép, bản nháp, dự thảo có liên quan (bản ảnh pháp y, hồ sơ bệnh án, biên bản giải phẫu tử thi, bản ghi lời khai, nhật ký, thư tuyệt mệnh…) có thể xác định nguyên nhân chết, cơ chế gây tổn thương, vật gây thương tích, động cơ, mục đích…

Như vậy, giả dụ như trong vụ nạn nhân Thái Lý Hạo Nam trong vụ "lọt ống bê tông" ở dự án cầu Rọc Sen, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, là "giám định dựa trên hồ sơ tài liệu", thì cần phải làm rõ các hồ sơ tài liệu này là gì, hay đó chỉ là những mệnh lệnh miệng từ các cá nhân quan chức chính quyền đầu tỉnh như Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu ?

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 05/01/2023

*************************

Có hợp lý khi tuyên bố nạn nhân chết dù chưa tìm thấy thi thể ?

RFA, 05/01/2023

Chiều ngày 4/1/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin : "Trước đây, chúng ta ưu tiên vừa song song cứu hộ và tìm mọi cách để bảo tồn, để duy trì cho em bé. Nhưng mà xét thấy rằng đến lúc này thì điều kiện duy trì sự sống cho em bé đã kết thúc. Và cũng đã có bằng cớ đầy đủ, rõ ràng là em bé đã tử vong. Em bé đã tử vong thì phải đưa lên bằng mọi cách sớm nhất để lo tang sự cho em bé". 

haonam4

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp công bố tin bé Hạo Nam tử vong, tối ngày 4/1/2023. AFP

Nạn nhân ở đây là bé Hạo Nam, 10 tuổi, bị lọt vào ống bê tông trong công trình Rọc Sen đang xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp từ trưa 31/12/2022. Đến tối ngày 4/1/2023 vẫn chưa đem được cháu bé ra khỏi ống bê tông.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định việc duy trì sự sống cho bé Nam đã kết thúc. Do đó, đơn vị cứu hộ cứu nạn sẽ thay đổi phương án, thực hiện nhanh nhất các công đoạn để sớm đưa thi thể bé ra khỏi ống cọc bê tông.

Ngay sau khi thông tin bé Hạo Nam đã tử vong được đưa ra, Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của ông rằng, pháp luật hiện nay chỉ đang chấp nhận hai tình trạng chết, đó là chết sinh học và chết pháp lý. Ông phân tích trường hợp bé Hạo Nam : 

"Tình trạng chết sinh học nhất thiết phải được xác định qua thi thể người chết. Chết sinh học là có sự kiện người chết thật và điều đó tuyệt đối bất biến. 

Tình trạng chết pháp lý thể hiện qua một phán quyết của cơ quan tài phán khi thỏa mãn các quy định về thời hạn mất tích trong từng trường hợp. Thế nên, chết pháp lý thì không rõ người bị phán quyết đã chết có chết thật hay không ? Do đó, tình trạng chết pháp lý có thể bị hủy bỏ trong trường hợp người bị phán quyết đã chết trở về.

Trường hợp "tử vong" của cháu bé HN không thuộc hai trường hợp chết được luật pháp quy định. Do đó, thông báo của vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chỉ mang tính chất tham khảo tạm thời, hoặc nhằm mục đích chuẩn bị tâm lý cho công chúng mà thôi. Nhất thiết, chúng không có giá trị pháp lý". 

Theo Luật sư Mạnh, về phương diện pháp luật, cháu Hạo Nam vẫn phải được xem là còn sống và các cơ quan địa phương vẫn phải có trách nhiệm nỗ lực cao nhất trong việc cứu hộ cho cháu trong tư cách là người bị nạn còn sống cần được cứu hộ. 

Theo Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, một người được tuyên bố đã chết khi "bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau hai năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống". Việc tuyên bố đã chết phải do tòa án ra quyết định. 

Trường hợp bé Hạo Nam được xác định tử vong được cho biết là do nhiều cơ quan cùng đánh giá, đưa ra dựa vào thời gian cháu bé gặp nạn, tình trạng rơi vào ống cống có độ sâu… chỉ sau vài ngày tìm kiếm, và được thông tin bởi một Phó chủ tịch tỉnh. 

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, tuyên bố như vậy là không đúng. Ông nói với RFA sáng ngày 5 tháng một : 

"Nói về mặt pháp lý thì tuyên bố đứa bé đã chết là không đúng. Ở đây họ nói đã chết về mặt sinh học để giảm áp lực về nhân sự phục vụ việc cứu hộ cứu nạn. Nghĩa là thay vì cứu sống thì chỉ còn tìm thi thể thì nó sẽ khác. Tuy nhiên về mặt thực tế thì tôi nghĩ họ cũng dự đoán là đứa bé tử vong từ ngày đầu rồi nhưng bây giờ họ mới công bố. Nhưng về mặt pháp lý thì nó không đúng. 

Họ muốn giải quyết trong nội bộ của họ thôi. Họ nói là họ sẽ làm được. Nếu làm được thì họ vừa có công vừa giảm áp lực cho người khác, giảm sai phạm khác chứ họ đâu muốn đưa ra trung ương.

Đúng ra họ phải biết trường hợp này rất hy hữu và khẩn cấp, không phải ai cũng có khả năng cứu hộ. Nếu họ báo cáo lên trên làm liền thì dù không thành công người ta cũng cảm nhận là đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được cháu bé. Họ đã bỏ qua thời gian vàng. Dư luận có quyền nói là bây giờ đang đi giải quyết, che giấu trách nhiệm của các ông chứ đâu phải cố đi cứu cháu bé. Dư luận hoàn toàn có quyền dị nghị như thế". 

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói thêm, không ít người cho rằng, nếu họ tự mình cứu được cháu bé thì cũng đồng nghĩa với việc những sai phạm của ai đó sẽ được hóa giải hoặc được bưng bít… 

haonam5

Lực lượng cứu hộ đang kéo trụ bê tông ra để giải cứu em Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, ở Đồng Tháp hôm 4/1/2023. AFP

Truyền thông Nhà nước cho hay, sáng sớm ngày 5 tháng 1, công tác cứu hộ phải tạm dừng vì gặp phải tầng địa chất "đặc biệt". Lực lượng chức năng phải hội ý khẩn cấp để trưng cầu ý kiến của giới chuyên gia trong và ngoài nước về cách giải quyết các tầng địa chất. Phương pháp "cứu hộ" lại thay đổi, tức là tháo các khớp nối, lần lượt đưa các đoạn ống lên, thay vì đưa toàn bộ như dự tính trong mấy ngày qua.

Điều này có nghĩa, công tác ‘cứu hộ’ đã dừng lại sau khi đứa bé được xác nhận đã tử vong, dù không có bằng chứng cụ thể. Bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định của ông với RFA tối ngày 5 tháng một : 

"Nói đứa bé tử vong là rất lạ vì họ chưa chứng minh được là đứa bé đã chết hay không. Họ không có bằng chứng trực tiếp, không có chứng cứ trực tiếp. Phải có thi thể cháu bé thì mới có thể nói như thế được. 

Hay là họ nói như thế để cho xong chuyện, để dư luận khỏi quan tâm nữa. Có nghĩa là khi nào lấy đứa bé lên được thì lấy. Không phải trực ngày đêm nữa. Không bị áp lực thời gian nữa. Cái đấy về mặt khoa học thì không thuyết phục nhưng tôi chưa tìm thấy cơ sở pháp lý nào để nói là họ sai. Ở Việt Nam có những trường hợp đã có giấy báo tử nhưng rồi người chết lại trở về. Việt Nam có những chuyện đó. Có những trường hợp họ cố tình làm sai vì mục đích khác". 

Theo báo chí trong nước, chính quyền và chuyên gia pháp y đã gặp gỡ gia đình cháu Hạo Nam để thông báo tình hình. Cha cháu Nam đồng ý với biên bản ghi nhận vụ việc con trai mình đã tử vong. Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định, các lực lượng cứu hộ sẽ đưa bé Hạo Nam lên bằng mọi cách, trong thời gian sớm nhất để lo hậu sự cho cháu.

 Một ngày trước khi Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp tuyên bố cháu Hạo Nam đã tử vong, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều - Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho hay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp cùng các cơ quan có liên quan sắp tới sẽ hỗ trợ một căn nhà cho gia đình cháu Hạo Nam. 

Có dư luận lo ngại rồi vụ này cũng sẽ "chìm xuồng" như những vụ trẻ em tử vong tại những công trình xây dựng trước đây, tức chẳng có ai chịu trách nhiệm về mặt hình sự một khi gia đình "không kiện cáo". 

Nguồn : RFA, 05/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Viết từ Sài Gòn, Cát Tường, RFA tiếng Việt
Read 248 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)