Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/01/2023

Trung Quốc mở toang cửa, kẻ chạy ra, người quay về

Nhiều tác giả

Trung Quốc bãi bỏ chế độ cách ly bắt buộc vì Covid, thế giới nửa mừng nửa lo

Trọng Nghĩa, RFI, 09/01/2023

Kể từ ngày 08/01/2023, chế độ cách ly bắt buộc, tàn tích cuối cùng của chính sách zero Covid khắc nghiệt tại Trung Quốc, đã bị xóa bỏ, và mọi người trên nguyên tắc có thể đến Trung Quốc mà không sợ bị cầm cố vì lý do y tế, trong lúc người dân nước này có thể tự do ra nước ngoài.

tq1

Một hành khách đến từ Trung Quốc đợi xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, ngày 05/01/2023. AP - Lee Jin-man

Thế nhưng với tình hình dịch bệnh đang hoành hành dữ dội tại Trung Quốc, kèm theo là chủ trương che giấu thông tin dịch bệnh của Bắc Kinh, nhiều nước trên thế giới vẫn thận trọng áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Phải nói là việc Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới là một tin rất vui, đặc biệt đối với giới du lịch đang trông chờ khách Trung Quốc, thuộc diện chi tiêu rộng rãi nhất trong thời gian qua, quay trở lại. Ngay cả giới ngoại giao cũng thở phào nhẹ nhõm.

Nhật báo Pháp La Croix vào hôm qua đã trích lời một nhà ngoại giao Châu Âu làm việc tại Bắc Kinh giải thích: “Trong ba năm đi đi về về, tôi đã bị cách ly ít nhất ba tháng, trong những điều kiện rất khó khăn. Ngay cả khi dịch bệnh tại Trung Quốc đang ở đỉnh điểm vào lúc này, việc bãi bỏ các ràng buộc vẫn là điều được mọi người hoan nghênh. Chúng tôi đã đến mức không còn chịu đựng nổi các hạn chế nữa”.

Tuy nhiên, theo tất cả các nhà quan sát, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có một hệ quả tất yếu là một số lượng lớn người Trung Quốc sẽ tràn ra thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid lây lan dữ dội tại quốc gia 1,4 tỷ dân này, khả năng virus bị du khách Trung Quốc phát tán ra thế giới là điều đã làm dấy lên lo ngại.

Nhiều quốc gia, đăc biệt là những nước đã từng bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề trong thời gian ba năm gần đây như Mỹ, Ý, Pháp… đã không ngần ngại áp dụng các biện pháp xét nghiệm sàng lọc đối với khách đến từ Trung Quốc. Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thái Lan là những quốc gia gần đây nhất có biện pháp hạn chế.

Đối với giới quan sát, nỗi lo ngại của các nước kể trên không phải là không có cơ sở. Về mặt chính thức, Bắc Kinh chỉ ghi nhận 23 ca tử vong vì Covid kể từ tháng 12, bất chấp làn sóng lây nhiễm chưa từng có được ghi nhận, một báo cáo phi lý đến mức mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin minh bạch hơn.

Theo ghi nhận của thông tín viên nhật báo Pháp Libération tại Trung Quốc, dịch Covid coi như đã vuột khỏi tầm kiểm soát tại nước này, gây nên một làn sóng lây nhiễm khổng lồ, tạo ra tình trạng thiếu thuốc gay gắt, khiến các bệnh viện lâm vào tính trạng quá tải. Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh bệnh nhân nằm điều trị ngay trên vỉa hè hay trong sảnh tiếp tân của các bệnh viện tối tân, hình ảnh người chết và người sống cùng nhau chờ trong phòng đợi, quan tài được vận chuyển ngay trên nóc ô tô trước cửa nhà...

Chỉ riêng tại Thượng Hải, các chuyên gia địa phương ước tính rằng 10 trong số 24 triệu cư dân có thể đã bị nhiễm bệnh và theo các mô hình khoa học, Covid có thể gây ra 1,5 triệu ca tử vong trong ba tháng.

Giới y tế cho rằng làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh điểm ở thủ đô và các thành phố lớn tại Trung Quốc, nhưng mối lo ngại là virus sẽ lợi dụng kỳ nghỉ Tết sắp tới đây để lây lan ồ ạt ở vùng nông thôn rộng lớn của Trung Quốc, nơi hệ thống y tế rất yếu kém và không thưa thớt.

Dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn một cách máy móc khi hàng trăm triệu người dự kiến ​​s ri các siêu đô th Trung Quc vn đã b nh hưởng nng n để v nông thôn thăm cha m, nhng người thường cao tui và d b Covid tác hi.

Tóm lại, như chính Tổ Chức Y Tế Thế Giới từng công nhận, nỗi lo ngại của các quốc gia là điều có thể hiểu được, thế nhưng Bắc Kinh đã lên án các hạn chế đi lại đối với công dân của họ, coi đấy là điều “không thể chấp nhận được”.

Trung Quốc đã quên rằng, kể từ năm 2020 cho đến tận gần đây, chính họ đã đóng cửa phần lớn đối với khách nước ngoài, và áp dụng các biện pháp kiểm dịch ngặt nghèo. 

Trọng Nghĩa

************************

Đông Nam Á hy vọng hồi sinh du lịch với sự trở lại của du khách Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 09/01/2023

Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 08/01/2023. Nhiều nơi trên thế giới đã tính đến chuyện chuẩn bị đón làn sóng du khách Trung Quốc tiền đầy túi. Đợt bùng phát Covid-19 chết người ở Trung Quốc khiến nhiều nước thận trọng, tuy nhiên khu vực Đông Nam Á có vẻ háo hức đón chờ làn sóng mới các du khách Trung Quốc.

tq2

Nhân viên sân bay quốc tế Suvarnabhumi, tỉnh Samut Prakarn, Thái Lan, đón chào du khách Trung Quốc, ngày 09/01/2023. AP - Sakchai Lalit

Trong những năm trước đại dịch, Trung Quốc là quốc gia có nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất thế giới. Năm 2019, 155 triệu khách du lịch của nước này đã chi tiêu hơn 250 tỷ đô la, theo ghi nhận của kênh truyền hình Mỹ CNN. Con số này tương đượng với GDP của cả Bồ Đào Nha, như tính toán của Financiel Times.

Cũng trong năm 2019, riêng các khoản mua sắm hàng hiệu nước ngoài của khách Trung Quốc ước tính khoảng 90 tỷ đô la, bằng cả số vốn hiện tại của một tập đoàn Mỹ General Electric, nhật báo tài chính Anh so sánh thêm. Nhìn vào những con số như vậy, không phải là quá đáng nếu nói cả thế giới ngóng chờ ngày Trung Quốc mở cửa biên giới sau gần 3 năm đại dịch.

Năm 2019, mỗi tháng có 12 triệu khách Trung Quốc bay ra nước ngoài, theo CNN. Trong thời gian đại dịch, con số này đã giảm mất 95%. Một chuyên gia của văn phòng du lịch ở Thâm Quyến ước tính từ nay đến hè con số trên sẽ trở lại vào khoảng 6 triệu người.

Vào dịp nghỉ Tết âm lịch, từ ngày 22 tháng Giêng, số lượng đặt chỗ của các chuyến du lịch ra nước ngoài của người Trung Quốc đã tăng tới 540% so với năm ngoái, theo các số liệu của một văn phòng du lịch được truyền thông Mỹ dẫn lại. Các điểm đến được ưa thích nhất của du khách Trung Quốc nằm trong vùng Thái Bình Dương. "Chúng tôi dự tính Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam, Singapore có thể là những nước được hưởng lợi chính nếu các chuyến du lịch từ Trung Quốc trở lại mức của năm 2019", theo đánh giá của một nhà phân tích thuộc tập đoàn tài chính Goldman Sachs trên CNN.

Đông Bắc Á thận trọng

Chính vì thế ngay từ khi Bắc Kinh thông báo hủy bỏ hoàn toàn chính sách "zero Covid" bất chấp đợt dịch mới bùng lên dữ dội, Châu Á đã khẩn trương chuẩn bị đón chờ viễn cảnh về một làn sóng du khách du lịch Trung Quốc, nhưng mỗi nơi theo cách khác nhau. Khu vực Đông Bắc Á và Ấn Độ thì phản ứng thận trọng, trong khi Đông Nam Á thì hào hứng chờ đợi một sự hồi sinh cho ngành du lịch của mình.

Ngay từ hôm 30/12 Nhật Bản đã quyết định bắt buộc các du khách đến từ Trung Quốc phải có xét nghiệm Covid khi tới của khẩu nước mình. Những ai có xét nghiệm dương tính sẽ bị cách ly trong vòng 7 ngày tại một cơ sở do chính quyền sở tại chỉ định. Trước đó các du khách đến Nhật không cần xét nghiệm nếu họ đã tiêm đủ 3 liều vac-xin hoặc có xác nhận âm tính trước khi lên máy bay 72 giờ. Bên cạnh đó chính phủ Nhật cũng đã cấm các hãng hàng không tăng chuyến bay đi và đến Trung Quốc.

Tương tự, Hàn Quốc cũng tỏ ra thận trọng dù nước này cũng trông đợi nhiều vào nguồn du khách Trung Quốc. Từ ngày 30/12 chính phủ Hàn Quốc đã thông báo thắt chặt các biện pháp kiểm soát y tế cũng như hạn chế cấp visa nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc. Tất cả những khách đến từ Trung Quốc từ giờ đều phải làm xét nghiệm PCR khi đặt chân đến Hàn Quốc.  

Các nước trong vùng Đông Nam Á tuy có một vài lo lắng, cho biết đã chuẩn bị những biện pháp ứng phó với tình hình bùng phát trở lại Covid 19 ở Trung Quốc. Nhưng phần đông các nước vẫn duy trì các quy định phòng dịch hiện có, không bắt buộc xét nghiệm với các du khách đã tiêm đủ vac-xin. Việc kiểm tra cũng diễn ra lẻ tẻ không có hệ thống.

Đông Nam Á háo hức chờ đợi 

Theo hãng tin Reuters, các ngành kinh tế du lịch ở Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi chính từ việc Trung Quốc xóa bỏ lệnh cấm người dân đi du lịch, bởi vì các du khách Trung Quốc sẽ tránh vào những khu vực kiểm soát chặt như Châu Âu, Mỹ qua Đông Bắc Á, Ấn Độ hay Úc...

Trong khi đó các nước Đông Nam Á từ Cam Bốt đến Indonesia hay Singapore đều tránh tăng cường các biện pháp kiểm soát y tế đối với các khách đến từ Trung Quốc. Ngoài Malaysia và Thái Lan chỉ làm xét nghiệm nước thải của máy bay, 11 quốc gia trong vùng này đều không có biện pháp nào thêm, khẳng định đối xử với các du khách Trung Quốc như với mọi khách khác.

"Chúng tôi không có quan điểm phân biệt đối xử với bất kỳ nước nào", thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, tuyên bố.

Mối quan tâm của khách du lịch Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á đã tăng mạnh ngay cả trước khi các nước thông báo không áp đặt các biện pháp kiểm soát bổ sung. Theo một điều tra được ITB China, một hội chợ du lịch quốc tế của Trung Quốc, công bố hồi tháng 12 vừa qua, có 76% các văn phòng du lịch Trung Quốc xếp Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên khi phục hồi hoạt động du lịch ra nước ngoài.

Theo Reuters, khu vực Đông Nam Á có rất nhiều ngành nghề kinh tế phụ thuộc vào du lịch, trong đó du khách Trung Quốc chiếm một tỷ trọng chủ yếu ở các điểm như bãi tắm, trung tâm thương mại cao cấp và sòng bạc. Đây là những lĩnh vực đã bị thiệt hại nặng nề trong những năm qua vì đại dịch Covid-19. Giờ đây các ngành công nghiệp du lịch của khu vực đang hối hả chuẩn bị đón du khách Trung Quốc trở lại. Các nhà nghiên cứu thị trường hy vọng vào sự phục hồi đáng kể của ngành du lịch từ quý hai năm nay.

Reuters nêu con số thống kê, riêng tại Việt Nam, trong tổng số 1,8 triệu khách đã đón trong năm 2019, có gần 1/3 đến từ Trung Quốc. Trong cùng thời gian đó, khoảng 1/5 du khách ngoại quốc đến Singapore là người Trung Quốc và họ đã chi tiêu hơn 670 triệu đô la Mỹ ở đảo quốc này.

Thái Lan đã dự trù năm nay sẽ đón 5 triệu khách Trung Quốc, tức chiếm khoảng một nửa con số của năm 2019. Các giới chức y tế của nước này cho rằng đây là cơ hội để phục hưng nền kinh tế đất nước vốn đã bị tổn thất nặng nề trong suốt gần 3 năm qua.

Tương tự, Malaysia cũng đặt mục tiêu đón từ 1,5 đến 2 triệu du khách Trung Quốc năm nay, con số này trước đại dịch là 3 triệu khách. Hiệp hội các hãng du lịch và lữ hành Malaysia đang chuẩn bị tổ chức một chuyến đi đến các thành phố lớn của Trung Quốc để mời chào khách, phó chủ tịch của hiệp hội, Ganeesh Rama, cho Reuters biết.

Chính quyền ở hầu hết các nước đều cố gắng giảm thiểu mối lo lắng về mặt y tế phòng dịch hay về tình trạng thiếu thông tin về diễn biến dịch, sự xuất hiện biến thể virus mới từ Trung Quốc.

Singapore lập luận đảo quốc này đã tạo được miễn dịch cao trong dân chúng, với khoảng 40% dân bị nhiễm virus corona và 83% dân đã được tiêm chủng, đồng thời năng lực chăm sóc y tế của nước này đã được tăng cường.

Karen Grepin, giáo sư Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông, thì cho rằng, "mỗi ngày, các nước vẫn nhập hàng ngàn ca Covid-19 từ khắp thế giới".  Tại Bali, bà Ida Bagus Agung Parta, chủ tịch cơ quan du dịch của hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng này tỏ ra an tâm cho biết những nhân viên du lịch ở đây đang được tiêm vac-xin liều nhắc lại thứ 2 trong tháng này.

Còn thủ tướng Cam Bốt, Hun Sen, một đồng minh của Bắc Kinh, thì đánh giá đòi hỏi xét nghiệm du khách chỉ là biện pháp "tuyên truyền, làm mọi người hoảng sợ". Trong một phát biểu gần đây, ông Hun Sen nói : "Một nước nào đó muốn làm gì là quyền của họ. Cam Bốt gửi lời mời đến nhân dân Trung Quốc : Các du khách Trung Quốc, các bạn hãy đến Cam Bốt."

Anh Vũ

****************************

Trung Quốc chấm dứt 3 năm cách ly với thế giới bên ngoài

Thanh Hà, RFI, 08/01/2023

Kể từ 0 giờ Chủ nhật 08/01/2023 người dân Trung Quốc lại được quyền xuất ngoại. Hành khách nước ngoài vào Hoa Lục không còn bị cách ly. Các phi trường quốc tế tại Bắc Kinh, Thượng Hải dỡ bỏ hẳn hàng rào tuyệt đối ngăn cách các khu vực giữa các đường bay nội địa với các chuyến quốc tế.

tq3

Một gia đình hội ngộ tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 08/01/2023, sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại. Reuters – Thomas Peter

Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : trong ngày đầu tiên Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp bế quan tỏa cảng, tám chuyến bay quốc tế dự trù đáp xuống sân bay Bắc Kinh. Tại Thượng Hải, chuyến bay quốc tế đầu tiên đã hạ cánh vào lúc 6 giờ 30 sáng Chủ Nhật mồng 08/01/2023 và lần đầu tiên từ ba năm  nay, thông báo duy nhất là nhằm "hướng dẫn lối ra cho hành khách". Chính quyền Thượng Hải quyết định sẽ "cấp và gia hạn trở lại visa" cho các công dân Trung Quốc muốn đi ra nước ngoài.

Riêng tại Hồng Kông, hãng tin Pháp AFP cho biết trong tám tuần lễ sắp tới có hơn 400.000 người dự trù sang Hoa Lục đặc biệt là vào dịp những ngày cuối năm trước Tết Nguyên Đán. Trong chiều ngược lại, khoảng 7.000 người từ Đại Lục đã đăng ký đến Hồng Kông. Trong ngày đầu tiên Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp cách ly với thế giới bên ngoài, thông tín viên đài RFI Florence de Changy đã có mặt tại cửa khẩu Lạc Mã Châu (Lok Ma Chau), sát Thẩm Quyến, cho biết không khí tại chỗ :

"Những gì trông thấy sáng nay cho thấy việc mở lại cửa khẩu, được chờ đợi rất lâu, đã diễn ra trong vòng trật tự. Thậm chí không khí rất yên ắng. Tôi đã đáp chuyến tàu đến tận cửa khẩu Lạc Mã Châu. Tàu không quá đông người. Lạc Mã Châu là một trong bảy cửa khẩu được mở cửa trở lại từ hôm nay và đây là nơi khoảng 70% hành khách từ Hồng Kông vào Hoa Lục phải đi qua.

Đương nhiên là chúng ta nhận ra ngay những hành khách vào Trung Quốc lục địa. Vali của những người này thường to hơn và có bánh xe kéo. Họ cũng mặc áo ấm hơn là những hành khách ở lại Hồng Kông. Chủ yếu là những hành khách đi một mình, hoặc là có gia đình tháp tùng, thế nhưng chỉ có một người được phép đi qua cửa khẩu mà thôi.

Thế còn trên tuyến tàu từ Lạc Mã Châu trở về, tàu gần như vắng người. Thực ra từ sáng nay đã có 60.000 người được phép đi qua cửa khẩu tính cả hai chiều. Con số này cao hơn rất nhiều so với khoảng từ 2.000 đến 3.000 người cho đến tận hôm qua được phép đi qua cửa khẩu mỗi ngày. Nhưng còn xa với so với trước dịch Covid, khi mỗi ngày có khoảng nửa triệu người Hồng Kông và Hoa Lục đi về giữa hai vùng lãnh thổ này.

Về phía Trung Quốc nhiều người đợi thêm hai tuần nữa, tức là đúng vào dịp Tết Nguyên Đán mới sang Hồng Kông. Trái lại về phía Hồng Kông thì mọi người đợi Bắc Kinh nới lỏng thêm nữa các quy định đi lại để không phải đặt đăng ký trước trên mạng như hiện nay và nhất là mọi người chờ đợi nhà ga xe lửa với hệ thống tàu cao tốc hoạt động trở lại".

Nhà văn gốc Hoa tại Mỹ lo dân Châu Á bị kỳ thị

Trong một bài viết bày tỏ quan điểm trên New York Times, ngày 05/01/2023, bà Frankie Huang lo ngại việc Trung Quốc mở cửa biên giới và du khách nước này lại được phép nhập cảnh vào Mỹ dẫn tới nguy cơ ''cộng đồng người Châu Á bị hành hung, chỉ vì màu da và nhất là bị đồng nhất với người Trung Quốc''. Tác giả nhắc lại việc tại Mỹ, cụm từ ''virus Trung Quốc'' mà cựu tổng thống Donald Trump sử dụng cách nay gần ba năm khi nói về virus corona, vẫn ám ảnh cộng đồng người Châu Á.

Nhắc đến lo ngại người Châu Á bị kỳ thị, nhưng mục tiêu chính của tác giả là chỉ trích chính sách của Mỹ và Châu Âu siết chặt phòng dịch với khách từ Trung Quốc. Nhan đề bài viết của tác giả trên New York Times là "America’s Covid Test Requirement for Chinese Travelers Is a Farce" (Yêu cầu kiểm tra Covid của Mỹ đối với du khách Trung Quốc là một trò hề). Hình ảnh minh họa được sử dụng trong bài viết là khu vực xét nghiệm Covid tại sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp).

Thanh Hà

**************************

Trung Quốc mở lại biên giới trong lúc đang dịch, Đức khuyên dân hoãn du hành

Trọng Thành, RFI, 08/01/2023

Hôm 08/01/2022, Trung Quốc chính thức dỡ bỏ các quy định phòng dịch khắc nghiệt được áp dụng từ ba năm qua với hành khách đến từ nước ngoài. Việc mở cửa trở lại đúng vào lúc dịch Covid bùng mạnh tại Trung Quốc gây lo ngại. Hôm qua, 07/01, một số nước Châu Âu, như Đức, Bỉ, Luxembourg, đã khuyến cáo hoãn các chuyến đi "không cần thiết" đến Trung Quốc. 

tq4

Tại một phi trường quốc tế tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 30/12/2022. Reuters – Tingshu Wang

Về nước Đức, thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin cho biết thêm :  

"Chúng tôi khuyến cáo không nên đi Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, nếu không thực sự cần thiết, do đang là đỉnh dịch và hệ thống y tế nước sở tại bị quá tải". Bộ Ngoại Giao Đức nhắc lại như trên vào hôm qua, trước ngày Bắc Kinh mở cửa lại biên giới trong lúc Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng Covid chưa từng có từ ba năm nay.  

Kể từ ngày thứ Hai này, Viện Robert Koch của Đức chuyên giám sát dịch tễ xếp Trung Quốc vào nhóm các nước có nguy cơ xuất hiện các biến thể Covid mới. Quyết định được đưa ra cùng lúc với một số biện pháp siết chặt kiểm dịch tại Châu Âu vừa được thông qua.  

Kể từ ngày mai, các hành khách đến từ Trung Quốc sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid trước khi lên máy bay đến Đức. Việc xét nghiệm ngẫu nhiên sẽ được tiến hành khi hành khách đến nơi. Tương tự như tại một số nước khác, nước thải trong máy bay sẽ được kiểm tra để truy tìm các biến thể virus Covid mới. Các quy định nói trên có hiệu lực trong ba tháng".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Anh Vũ, Thanh Hà, Trọng Thành
Read 251 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)