Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/01/2023

Sự ngoan cố của chủ tịch Trung Quốc khiến dân trả giá bằng sinh mạng

Ryan Hass, Cyrille Pluyette

Trong bài trả lời L'Express ngày 10/01/2023 về cú đảo chiều 180° gây hỗn loạn của chính quyền Trung Quốc, từ chính sách Zero Covid nghiêm ngặt sang việc từ bỏ mọi biện pháp hạn chế mà không hề có sự chuẩn bị, Ryan Hass, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, đã chỉ ra rằng làn sóng tử vong cho thấy Trung Quốc đang phải trả giá vì quyền lực tập trung quá mức trong tay Tập Cận Bình và cũng do sự "ngoan cố" của chủ tịch Trung Quốc.

xi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu mừng năm mới, Bắc Kinh, 31/12/2022. AP - Ju Peng

Ryan Hass từng là cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama về Trung Quốc và Đài Loan giai đoạn 2013-2017. RFI giới thiệu bài phỏng vấn.

---------------------------

L'Express : Chính quyền Trung Quốc đã khiến thế giới bất ngờ khi đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid sau 3 năm không đổi. Ông giải thích thế nào về sự thay đổi 180° đã kéo theo làn sóng tử vong ?

Ryan Hass : Việc xác định những lý do chính xác khiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra quyết định đó là không đơn giản. Nhưng theo quan điểm của tôi, dường như có sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Thứ nhất, vị thế chính trị trong 5 năm tới đã được chủ tịch Tập Cận Bình củng cố tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, hồi tháng 11/2022, những người trung thành của ông cũng đã được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo, mang lại cho ông Tập cảm giác an toàn hơn. Thứ hai, những tín hiệu báo động về kinh tế đã được phát đi ở Trung Quốc : ngày càng rõ là chính sách Zero Covid đang kìm hãm mạnh các hoạt động của Trung Quốc. Thứ ba, làn sóng lây lan dịch bệnh đã tăng và dường như các quy định phòng dịch gắt gao cũng không thể ngăn chặn được.

Theo tôi, chính sự kết hợp của 3 yếu tố này đã dẫn đến việc chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế, đưa đất nước và xã hội vào một giai đoạn khó khăn, nhằm hướng tới một sự bình thường nào đó sau này.

L'Express : Nhưng tại sao sau 3 năm dịch bệnh, dường như Trung Quốc vẫn không có sự chuẩn bị nào ? Hệ thống y tế chưa sẵn sàng, đất nước thiếu thuốc, người cao tuổi không được tiêm chủng đầy đủ…

Ryan Hass : Điều này thực sự là rất khó hiểu. Lời giải thích tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy là, từ vài năm nay, quyền lực đã được tập trung và đường hướng các nhà lãnh đạo cấp cao nhất quán dự kiến ​​là tích cc trin khai chương trình Zero Covid. Vì thế, dù là mt nhà qun lý hay mt nhà k tr, dù mt thành ph vô cùng ln hay mt làng nh, quý v cũng phi tuân theo. Mi ngun lc ca đất nước đều tập trung vào mục tiêu này. Làm bất cứ điều gì khác, quý vị đều có nguy cơ bị coi là không đủ trung thành với lãnh đạo trung ương và không tuân thủ đường lối chính trị đã được vạch ra rất rõ ràng.

Câu hỏi này mở ra một vấn đề lớn hơn : sự tập trung quyền lực đến cực điểm. Ở một mô hình lãnh đạo tập thể, vốn dĩ cách nay hơn 10 năm vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc, mọi điều sẽ được dự báo, chuẩn bị tốt hơn. Nhưng việc quá nhiều quyền lực tập trung về tay Tập Cận Bình, mọi thứ đều được đo bằng lòng trung thành với lãnh đạo trung ương, đã ngăn cản những người thông minh làm những điều mà lẽ ra họ phải thực hiện để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi của đất nước.

L'Express : Bất chấp các đề xuất của phương Tây, Tập Cận Bình từ chối nhập khẩu vac-xin RNA thông tin của nước ngoài, loại vac-xin hiệu quả hơn vac-xin nội địa. Liệu ông ta có thể tiếp tục đi theo con đường này, trong khi số ca tử vong không ngừng tăng ?

Ryan Hass : Tôi muốn ông ta đừng làm như vậy. Nhưng tôi nghĩ ông Tập sẽ vẫn kiên quyết từ chối vac-xin nước ngoài. Tập Cận Bình đã chứng tỏ ông ta cực kỳ bướng bỉnh, ngoan cố và lúc nào cũng khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngợi ca là mô hình Trung Quốc vượt trội so với các mô hình khác trong việc đối phó với Covid trong 3 năm qua. Việc phải sử dụng vac-xin phương Tây sẽ phủ nhận những phát ngôn mà họ đã duy trì suốt thời gian qua.

Tất cả những điều đó sẽ gây ra những cái chết mà lẽ ra có thể tránh được. Một thực tế đáng buồn là sự ngoan cố của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải trả giá đắt bằng mạng sống con người.

L'Express : Tình hình hiện giờ tại Trung Quốc rất hỗn loạn. Các bệnh viện, cơ sở hỏa táng đều quá tải. Liệu một phong trào bất mãn mới trong dân chúng có thể nảy sinh, sau phong trào đòi hỏi chấm dứt các biện pháp hạn chế nổ ra hồi cuối tháng 11 vừa qua ?

Ryan Hass : Rất có thể có sự bất mãn cao độ và nỗi thất vọng trong xã hội Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân : tác động của chính sách Zero Covid đối với cuộc sống của người dân và đối với mức lây nhiễm hiện nay, kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới gần 20%, hay sự cô lập của đất nước trong suốt thời gian dài. Thế nhưng, tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy sự bất mãn này có thể biến thành một phong trào đối lập có tổ chức nhắm vào đảng Cộng Sản. Chế độ Bắc Kinh vẫn kiểm soát xã hội rất chặt chẽ.

L'Express : Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu có một triệu người trong nước tử vong, thậm chí là nhiều hơn thế, theo như một số nghiên cứu của phương Tây ?

Ryan Hass : Sẽ rất khó xác minh số ca tử vong trong thực tế. Tôi cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tìm cách xóa thông tin về số ca tử vong và nhiễm bệnh. Người dân sẽ chỉ ý thức được về những điều xảy ra trong gia đình, đối với người thân của họ. Họ có thể sẽ tìm cách suy đoán về những gì đang xảy ra trên quy mô toàn quốc. Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một ngày nào đó chính quyền Trung Quốc công bố chính thức số người chết vì Covid.

L'Express : Các thành viên mới của chính phủ sẽ được bổ nhiệm vào tháng 3 tới, trong phiên họp Quốc hội thường niên. Liệu chúng ta có thể hình dung là sẽ có một cuộc nổi dậy trong nội bộ đảng, nếu làn sóng dịch bệnh không lắng xuống và nền kinh tế vẫn tê liệt ?

Ryan Hass : Rất khó hình dung ra điều đó, nếu dựa vào những gì chúng ta biết về cấu trúc quyền lực ở Trung Quốc hiện giờ. Trái lại, có thể là sẽ có thêm áp lực để chủ tịch Tập Cận Bình giảm nhẹ một số lập trường cứng rắn nào đó, nhằm trao cho thị trường một vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân. Tôi luôn hoài nghi mỗi khi người ta vạch ra một đường thẳng để mô tả tương lai Trung Quốc, bởi vì lịch sử chính trị Trung Quốc là một chuỗi đường zig zag, liên tục có những điều chỉnh. Tập Cận Bình cho dù đã được bầu làm nhà lãnh đạo không thể tranh cãi và đã đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, nhưng ông ta vẫn phải đối phó với các thế lực chính trị đối thủ trong nước.

L'Express : Khi thay đổi chỉ trong một sớm một chiều quan điểm và với cách quản lý y tế quá yếu kém, phải chăng Tập Cận Bình đang khiến uy tín của ông ta và của bộ máy tuyên truyền bị giảm sút ?

Ryan Hass : Sự hoài nghi về tuyên truyền đã lên mức khá cao ở Trung Quốc. Thế nhưng, chiến lược của Tập Cận Bình trong 5 năm qua là giành được sự ủng hộ của quần chúng, để thắng được sự bất mãn của giới tinh hoa. Nếu ông Tập thường đi đến thăm các khu vực rất nghèo của Trung Quốc, cùng ăn sủi cảo với những người dân mà nhà không có điện, thì cũng là để thể hiện là ông ta am hiểu quần chúng và muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đó là lá chắn của Tập Cận Bình để chống lại sự thất vọng đã tích tụ ở thượng tầng xã hội, cùng với việc kiểm soát các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc và chiến dịch bài trừ tham nhũng nhắm vào nhiều thành viên của giới tinh hoa và gia đình họ. Do đó, Tập Cận Bình chắc chắn tiếp tục muốn hiện diện như một nhà lãnh đạo của nhân dân.

L'Express : Nhiều người dân Trung Quốc sẽ tận dụng việc mở cửa biên giới để rời bỏ đất nước ?

Ryan Hass : Mới có một số ít, nhất là người Trung Quốc giàu có, đến Singapore. Nhưng theo tôi, nhiều người trong giới tinh hoa sẽ ra nước ngoài. Ngoài Singapore, một nơi dĩ nhiên được chọn nhờ có chung ngôn ngữ và di sản văn hóa, giới tinh hoa Trung Quốc luôn có những mối liên hệ chặt chẽ với Vương quốc Anh, Châu Âu hoặc Mỹ, nơi họ thường đầu tư vào việc học hành của con cái.

xi2

Quan cảnh bên trong Bệnh viện Đồng Nhân ở Thượng Hải, Trung Quốc, ảnh ngày 3/1/2023. afp.com/Hector Retamal

L'Express : Với cuộc khủng hoảng hiện nay, còn rất xa kinh tế Trung Quốc mới vượt được Mỹ, dự báo của Trung Quốc theo đó "phương Đông trỗi dậy và phương Tây lụi tàn" không hề phản ánh đúng thực tế…

Ryan Hass : Trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ "hào quang tương lai". Nói cách khác, Trung Quốc đã khắc sâu trong trí óc mọi người ý tưởng họ là hiện thân của tương lai tăng trưởng kinh tế và sự hiện đại của thế giới trong thế kỷ 21. Và rằng nếu các nước khác muốn hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì họ phải xích lại gần Trung Quốc, hoặc ít nhất là không thách thức các lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là sự năng động đã ngả về phía Trung Quốc, còn phương Tây đang tàn lụi.

Bây giờ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể phát biểu như vậy, do những rối loạn trong quản lý từ vài tháng qua và kinh tế Trung Quốc đã mất đi ánh hào quang. Theo tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm nay, lần đầu tiên sau 40 năm, tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ chỉ bằng, hoặc thậm chí là thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc không còn đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế liên tục mà không có chướng ngại vật.

Thách thức đối với các nhà phân tích phương Tây sẽ là điều chỉnh đúng mức hiểu biết của chúng ta về sự năng động của Trung Quốc. Tại Washington, vào năm nay, nhiều người từng coi Trung Quốc là một cường quốc hiệu quả một cách đáng sợ, nay lại nghĩ rằng Trung Quốc không thể làm được điều gì tốt đẹp. Họ thay bức tranh biếm họa này bằng một bức tranh biếm họa khác. Nhưng sự thật nằm đâu đó ở giữa. Và điều quan trọng đối với chúng ta là tìm được cách mô tả chính xác một đất nước Trung Quốc có những hạn chế nhưng sẽ vẫn là một đối thủ cạnh tranh về lâu dài.

L'Express : Trung Quốc vẫn là nước đe dọa Mỹ nhiều nhất ?

Ryan Hass : Một số người ủng họ quan điểm rằng những thách thức lớn nhất của nước Mỹ là từ nội bộ. Một số khác cho rằng biến đổi khí hậu hoặc đại dịch đe dọa Mỹ nhiều hơn. Một số khác nữa thì lo ngại về Nga và nguy cơ nổ ra Thế Chiến III. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất cho Mỹ trên thế giới.

L'Express : Thất bại của Nga vì không nhanh chóng thôn tính được Ukraine khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong tham vọng "thu hồi" Đài Loan, kể cả bằng vũ lực nếu cần ?

Ryan Hass : Chúng ta vẫn chưa biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc rút ra bài học gì từ cuộc chiến ở Ukraine. Có nhiều điều phụ thuộc vào cách vụ xung đột được giải quyết : cuối cùng Putin có giành chiến thắng hay không và việc đó chỉ mất nhiều thời gian hơn dự kiến, hay ông ta sẽ thất bại hoàn toàn. Giờ vẫn là quá sớm để nói về điều này.

Theo tôi, tình hình nội bộ ở Trung Quốc sẽ mang tính quyết định nhiều hơn. Theo lẽ thường, khi Trung Quốc vấp phải những thách thức lớn trong nước, chính quyền cố gắng giảm bớt những thách thức bên ngoài, hơn là gây thêm vấn đề. Tôi nhận thấy rằng ngôn từ của chủ tịch Tập Cận Bình khi nói về Đài Loan trong bài diễn văn mừng Năm mới đã được kiềm chế hơn so với các năm trước. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác về mối đe dọa. Nhưng những từ ngữ mà giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng không cho thấy nguy cơ Bắc Kinh sắp có hoạt động quân sự để chiếm Đài Loan.

L'Express : Phải chăng Trung Quốc đang giữ khoảng cách với Nga ?

Ryan Hass : Trung Quốc đã giữ khoảng cách với Nga về một số điểm. Tập Cận Bình đã cùng với các nước khác tại thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022 lên án việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc không viện trợ quân sự cho Nga trong chiến tranh Ukraine, cũng không công nhận các tỉnh hoặc vùng ly khai của Ukraine mà điện Kremlin đã sáp nhập. Nhưng tôi không thấy Trung Quốc thực sự giữ khoảng cách với Nga. Cho đến nay, chủ tịch Tập Cận Bình vẫn rất gần gũi với tổng thống Nga Putin và dành cho ông ta một sự ủng hộ quan trọng mang tính biểu tượng qua các phát biểu. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy chiều hướng ngoan cố của Tập Cận Bình.

Cyrille Pluyette thực hiện

Nguyên tác : Ryan Hass : "L’obstination de Xi Jinping contre les vaccins étrangers a un grand coût humain", L'Express, 10/01/2023

Thùy Dương lượt dịch

Nguồn : RFI, 13/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ryan Hass, Cyrille Pluyette, Thùy Dương
Read 333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)