Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/01/2023

Vào thăm Khu tạm cư Thủ Thiêm dịp Tết Quý Mão

Mai Tiên

Phóng sự

Phần 1

Cờ bay phấp phới

Chị Sáu mặc chiếc đầm bông thiệt đẹp, đi qua đi lại xếp dọn trong căn phòng rộng. Ngày cúng ông Táo, nói bận rộn thì thiệt bận rộn mà nói thảnh thơi cũng thiệt thảnh thơi. Chiếc bàn lớn đặt áp tường đã chưng đủ bình bông, khay trà, bánh mứt… Con gà luộc thì chồng chị Sáu đang làm lông. Vòi nước mềm bắc từ nhà kéo dài ra ngoài, anh ngồi ngay trước cửa nhà rửa con gà, tỉ mỉ làm sạch bộ lòng. Thau nước rửa xong đổ ngay tại chỗ, nước chảy ướt đẫm cả một khúc đường đi.

Mà giờ anh Sáu có đổ nước tè le ướt hết toàn bộ con đường cũng chẳng có ma nào ở đó mà rầy.

thuthiem1

Khu đất Thủ Thiêm bị giải tỏa - RFA

"Địa chủ" bất đắc dĩ

Giờ vợ chồng anh chị là "địa chủ" bất đắc dĩ, thuộc hàng chúa trùm khu này, vì có còn ai sinh sống chung quanh nữa đâu. Con hẻm lớn nối thông hai đoạn chữ U của khúc đường vòng Lương Định Của chỗ gần cầu Cá Trê (quận 2 cũ, nay là Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trước kia đông bà cố, nhà nào nhà nấy to lớn, buôn bán rộn rịp. Chị Sáu là chủ trường mầm non, ngôi nhà ba tầng lầu đồ sộ này vừa ở vừa làm trường, lúc đông nhất có tới hơn 100 học sinh. Giờ những ngôi nhà phía trước chị đã đập sạch, những ngôi nhà bên phải cũng đập sạch. Đi tuốt vào sâu bên trong mới có hai ngôi nhà nữa còn bám lại giống anh chị.

Thiên nhiên thừa thắng chiếm lại đất đai. Khắp mọi nơi đủ loại cây cỏ không biết tên chen vào nhau cao ngất tốt bời bời. Giữa những thân cây cổ thụ trồng ven đường và trước nhà dân hồi xưa là vô vàn dây leo quấn chặt, rũ xuống từ tít trên cao cả chục mét như những tấm mành khổng lồ. Ở dưới, cỏ mọc cao vút thành rừng. Rêu xanh và địa y phủ kín những tảng xi măng, gốc cột, các kiến trúc cũ còn sót lại. Khung cảnh hoang dã y như một mảnh rừng rậm được ai cắt ra đặt lọt thỏm vào ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Vì thế, công an địa phương đặt khá nhiều tấm bảng cảnh báo đoạn đường có camera an ninh ở đây để nhắc nhở, nhưng dường như chúng không có tác dụng mấy.

Người dân đã dời đi gần hết nhưng khu này giờ vẫn đang là tâm điểm tranh chấp chưa giải quyết xong, nên về thực tế, nó bị bỏ mặc. Với vị trí quá đẹp : chỉ chạy ít phút là đến cầu Thủ Thiêm nối vào quận 1, nên các bãi đất hoang mênh mông trở thành khu đất vàng để tập kết phế liệu. Vài ngôi nhà còn lại được ngăn phòng cho thuê. Người thuê hầu hết là dân lao động nghèo, phòng ốc chật hẹp xập xệ, mái tôn rỉ sét, quần áo giăng dây thấp là đà phơi giữa mấy thân cây, cỏ dại và bụi bẩn lầm lên trên những vồng đất khô, giữa những vũng nước đọng sau cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Từ một khu ve chai có xen mấy túp lều cho người làm ở, một rãnh nước đen đặc bẩn thỉu được khơi ra cho chảy từ bên trong băng ngang qua con đường mòn đầy rác, chảy xuống bên kia đường rậm rịt cỏ cao vút.

Nhưng đó đây sự giàu có một thời vẫn in đậm nét trên đôi cây cột trụ tường bao rất cao lớn còn sót lại và những chiếc cổng chào đồ sộ đã mục nát, đổ nghiêng đổ ngửa.

thuthiem2

Khu Thủ Thiêm hồi năm 1996. AP

Chào mừng đến với câu lạc bộ bốc đầu xe

Từ ngoài đường Lương Định Của vào khu này, rẽ trái là xóm nhà chị Sáu, rẽ phải thì qua một bãi ve chai rất lớn, rồi đến một khu dân cư mới giàu có, xây hàng rào kín mít biệt lập, có trạm gác bên ngoài. Trước đó, con đường mòn dơ dáy chạy ngang qua những đống rác sinh hoạt đủ loại cao đến vai, giữa trưa nắng vẫn bốc mùi hôi thối nực mũi. Vào sâu khoảng vài trăm mét nữa, "thành quả" của cuộc chiến xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện ra ở ba bốn làn đường nhựa phẳng lì thẳng tắp dài hút mắt nhưng bị bít cả hai đầu, lề đường cỏ dại mọc cao vi vu theo gió. Bốn làn đường này cực kỳ lý tưởng để dân chơi mô tô tập drift, bốc đầu xe, chặt cua nên hầu như lúc nào cũng có vài chiếc mô tô đang rít bánh. Vắng tanh vắng ngắt đến nỗi họ quẳng cả ba lô tư trang ra đường, thật xa chỗ khởi động mà chẳng ai thèm quan tâm có bị trộm hay không. Ngoài những người chơi mô tô ra, chẳng hề có bóng dáng một người nào nữa.

Tuy nhiên, nhánh đường bên ngoài còn hoang vu, khuất nẻo hơn và được che chắn bằng những luống cỏ dại úa vàng thì thỉnh thoảng lại có hai chiếc xe máy chở hai người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang kín mít, ghé vào nhau chớp nhoáng rồi lại mạnh ai nấy phóng. Nhìn sơ cũng biết họ hẹn nhau mua bán "ma tóe". Dễ hiểu vì sao ở đây công an cũng gắn nhiều bảng báo khu vực cảnh báo an ninh đến vậy. Ban đêm, nếu không đi nhiều người, có đàn ông và bật đèn pha sáng, chắc chẳng ai dám bước chân vào đây.

Nhưng trước khi trở thành bãi đất trống lau lách đầy rác rưởi và tệ nạn này, nó đã là khu dân cư cực kỳ đông đúc, chỉ vài phút ra đến cầu Thủ Thiêm. Địa thế quá đẹp của khu vực đã khiến các quan tham Thành phố Hồ Chí Minh ròng ròng nước dãi. Nên vốn không thuộc khu vực bị giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chiếc lưỡi tham tàn của bọn họ đã thè ra liếm trọn nó. Mãi cho đến năm 2018, sau khoảng 20 năm đằng đẵng khiếu kiện, Thanh tra Chính phủ mới có Kết luận khẳng định khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch dự án, còn lại là nằm trong ranh. Với phần ngoài ranh, trước đó hầu hết người dân đã bị buộc phải di dời, nhường đất cho dự án. Phần còn lại, Thanh tra Chính phủ kết luận là trong ranh quy hoạch, nhưng hàng trăm người dân thuộc năm khu phố ở ba phường Bình An, Bình Khánh, An Khánh không đồng ý. Nổi bật trong đó là vụ bản đồ quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm "bỗng dưng" biến mất, theo lời các vị lãnh đạo thành phố. Cú đá giò lái ngoạn mục là ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp bốn bản quy hoạch của khu này ; người dân cũng có giấy tờ, căn cứ hẳn hoi chứng minh nhà đất của mình đã bị giải tỏa oan và nhất định không đi. Tuy nhiên, phía chính quyền vẫn vận động dân chấp nhận đền bù và di dời, nhường toàn bộ phần đất này cho dự án tiếp tục thực hiện.

Năm nay tiền tuyến biết có thắng to ?

Cứ lằng nhằng như vậy nên từ tháng 6/2022 đến nay, những cuộc gặp gỡ giữa dân oan Thủ Thiêm và đại diện các cơ quan Trung ương vẫn giẫm chân tại chỗ, không tiến lên được bước nào, ngoại trừ việc lãnh đạo thành phố đều đều đến ủy lạo tinh thần bà con ở khu tạm cư vào dịp Tết, đồng thời tranh thủ thuyết phục họ rời khu tạm cư dưới đất để… lên khu tạm cư trên chung cư !

Người dân không đồng ý. Một số nhà chưa bị đập vẫn cố gắng trụ lại sinh sống, cho dù khung cảnh chung quanh đã biến đổi như qua một trận bể dâu. Cái xóm vô cùng đông đúc của chị Sáu thực sự đã biến thành khu rừng hoang. Chị không mở trường được nữa mà phải đi làm thuê cho người khác.

Những nhà hàng xóm giờ chỉ còn nền đất đầy cỏ dại. Vợ chồng chị Sáu cuốc miếng đất đối diện ra, trồng vô mấy bụi chuối, ít cây đu đủ, đám rau răm, tiết kiệm cho cuộc sống. Cái khung cảnh bên ngoài đầy bình an, điền viên nhưng bên trong thì đau thắt.

- Cái lòng gà này chôn nhé ? Chôn dưới cây đu đủ cho nó tốt !

Anh Sáu đã làm xong con gà. Gà nhà tự nuôi luôn, đã nói anh chị giờ là "địa chủ" sống giữa cả một vùng cỏ cây hoang vu rậm rạp, nuôi cả bò cũng được chứ nói gì mấy con gà. Chị Sáu đã quét dọn xong lần cuối khu bàn thờ trong nhà, xách xẻng, cầm rổ đựng mớ lòng gà bước qua đường, đến chỗ gốc đu đủ thụt sâu vào bên trong. Chiếc đầm in hoa rực rỡ thấp thoáng trong bụi chuối, đu đủ um tùm mà hậu cảnh là những khu nhà chung cư cao vút hiện đại. Cảm giác lạ lùng trái ngược đến khó mà tin vào mắt mình.

- Chả đi đâu sất. Nhà mình giấy tờ đầy đủ, có bị quy hoạch đâu mà phải đi. Anh chị cứ ở đây. Chờ cái bọn ăn bẩn ấy chúng nó trả giá. Năm nay (2022) bị bác Trọng sờ rồi, thế nào mà chả đến lượt - chị Sáu nói.

Rồi chị vui vẻ đọc mấy câu thơ trích trong bài thơ chúc Tết năm 1969 của Hồ Chí Minh :

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to

Hai câu thơ miêu tả trọn vẹn niềm hy vọng của chị Sáu cũng như nhiều người trong khu này. Sau hàng chục năm khiếu kiện mỏi mòn tưởng như tuyệt vọng, cuối cùng mấy năm gần đây Chính phủ đã chịu ngồi lại với người đi kiện, nghe họ trình bày và tố cáo. Những Tất Thành Cang (người dân đọc trại là Tan thành c.), Lê Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt… người đã bị bắt, người bị cách toàn bộ chức vụ. Tù hay không thì chưa biết, nhưng ít nhiều dân Thủ Thiêm đã có chút ít kết quả để hả dạ và phấn chấn tiếp tục cuộc hành trình.

Nhưng tôi không nói với chị Sáu là mấy câu cuối của bài thơ ấy mà đọc nốt thì oái oăm lắm.

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Để hợp lý hơn, chắc phải thay như sau :

Đánh cho Hải cút, đánh cho Quân nhào !

Tác giả chắc không thể hình dung một bài thơ hiệu triệu lòng dân đánh đuổi kẻ thù xâm lược chỉ hơn 50 năm sau khi cuộc cách mạng thành công lại được chính những thành viên từng góp công góp sức trong cuộc cách mạng đó đọc lại lần nữa, nhưng lần này đối tượng cần phải đánh đuổi lại chính là "người nhà". Hơn thế nữa, là chính những trụ cột của chính quyền mới vừa được đoạt lại. Sự mỉa mai thật không lường nổi.

Con gà cúng ông Táo cuối cùng đã được làm sạch sẽ. Bưng rổ gà vào nhà, anh Sáu chỉ tay nói kia, anh là bộ đội, anh luôn tuân theo pháp luật, anh không chống đối gì cả. Nhà anh treo cờ kia, em thấy không ?

Cờ Đảng, cờ nước song song, hai tấm vải đỏ tươi bay phấp phới trên nóc nhà anh Sáu trong gió lộng cuối năm.

********************

Phần 2

Tết không tết trong Khu tạm cư Thủ Thiêm

Suốt đoạn đường Lương Đình Của từ ngã tư đến cầu Cá Trê dài mấy trăm mét thuộc phường Bình Khánh, quận 2 cũ (giờ là Thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) từng rất sầm uất, bên ngoài là dãy cửa hàng và chợ, bên trong rất nhiều chung cư lớn nhỏ cũ mới, vô cùng nhộn nhịp. Một mét vuông đất ở đây đẻ ra tiền suốt 24 tiếng một ngày : sáng, người ta bày bán cà phê, đồ ăn sáng, thực phẩm tươi sống cho đến xế trưa. Chợ đồ tươi vừa vãn thì quán nhậu bày ra tới nửa đêm. Khúc nào rộng làm chỗ gởi xe. Hàng chục ngàn người dân trong các chung cư ăn uống, mua sắm rầm rập suốt ngày đêm, tràn lấn nghẹt cả những con đường nhỏ hẹp chưa được quy hoạch.

thuthiem3

Khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm mất đất - RFA

Nhất là từ khi bên kia sông-trung tâm quận 1- nở nồi ra, đất đai ngày càng thiếu thốn khiến người dân và doanh nghiệp phải nhìn sang bên kia sông Sài Gòn thì sinh khí vùng đất này càng bốc lên ngùn ngụt, mặc dù nó xô bồ, chen chúc và thiếu trật tự như bất cứ khu vực đang phát triển nóng sốt nào khác.

Nhà bà Phan Thị Thủy ở đó.

Bỗng dưng ra đường

Năm 1982, bà mua lại cái quán cà phê ở mặt tiền đường Lương Đình Của, nay là chỗ đối diện với cây cầu vượt xây dang dở rồi bỏ hoang từ năm nảo năm nào tới giờ. Ngôi nhà cấp 4 rộng 45 m2 có gác lửng, gia đình bà vừa buôn bán, vừa sinh sống. Giá mua năm đó là 2,5 cây vàng.

Tuy mua giấy tờ tay, chưa được cấp sổ hồng nhưng bà Thủy có xác nhận của địa phương, hàng năm đều lên phường đóng lệ phí sử dụng đất theo quy định của Nhà nước. Toàn gia đình gồm vợ chồng bà và hai con cũng được đăng ký KT3 tại địa chỉ này. Theo quy định, KT3 là bước xác nhận "tiền hộ khẩu", do Công an địa phương xác thực và đăng ký cho người dân sinh sống ổn định tại một địa chỉ hợp pháp.

Giai đoạn đó muốn được cấp hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh theo con đường chính thức là gần như không thể, do những quy định vô lý : Muốn mua nhà buộc phải có hộ khẩu, nhưng muốn có hộ khẩu thì phải có sẵn nhà. Quy định này tạo cơ hội làm mưa làm gió và làm giàu cho công an khu vực và công an hộ khẩu tại các quận suốt vài chục năm. Người dân muốn mua nhà hay muốn nhập hộ khẩu thành phố, không có cách nào khác là "chạy" công an. Giá chạy hộ khẩu tính bằng vàng.

Gia đình cô Thủy được cấp KT3 tại ngôi nhà họ đã mua, kinh doanh và sinh sống ổn định tại đó nhiều năm, nghĩa là dù quy định khó khăn cách mấy thì họ cũng đã sắp hoàn tất. Tối đa sau ba năm, họ sẽ được cấp hộ khẩu, từ đó chính thức xác nhận chủ quyền với ngôi nhà và được hưởng các chế độ hành chính của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, như việc làm (nếu muốn vào Nhà nước), học hành của con cái, bảo hiểm chữa bệnh.v.v.

Ai ngờ, đang làm ăn sinh sống ngon lành thì tháng 1/2000, địa phương cho biết khu này giải tỏa. Mà ngôi nhà của cô thuộc loại giải tỏa trắng, không đền bù.

21 của dân, 48 của quan

"Họ kêu mình tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế" -bà Thủy kể - "Buồn quá, tôi dọn qua quận 4 ở với chị gái".

Tháng 7/2001, biết thêm thông tin về vụ giải tỏa, bà đăng ký về khu tạm cư một héc-ta (1 ha) ở phường Bình Khánh, quận 2. Cả gia đình bốn người, hai con đang tuổi trưởng thành dồn vô căn phòng vỏn vẹn 21 mét vuông.

Rộng 3,2 m, sâu 7 m. Hơn 21 mét vuông chớ đâu ra 48 mét vuông mà người ta nói !

48 mét vuông là con số trên biên lai thu tiền điện nước của một gia đình hàng xóm cách nhà bà vài căn, cùng cảnh dân tạm cư trong khu 1 ha này. Tất cả các căn phòng đều như nhau, được xây dựng (tạm) hàng loạt để làm chỗ tạm cư cho dân bị giải tỏa khu vực Thủ Thiêm lúc bấy giờ. Nó thông thống từ trước ra sau, rộng 3,2 m, sâu 7 m, thành từng dãy trệt và trên lầu, đi lên bằng cầu thang sắt. Nhưng không hiểu sao trên giấy tờ lại ghi mỗi căn phòng rộng 48 m2.

- 21 chứ lấy đâu ra mà 48 !

Bà Thủy cứ lầm thầm nhắc đi nhắc lại những con số đã thuộc lòng từ 22 năm nay, như cách phản ứng kiên nhẫn cùng cực của dân Thủ Thiêm với chính quyền. 21 mét vuông, căn phòng đúng nghĩa "chui rúc", vì nó thiếu sáng, chật hẹp và bức bối không tả. Gom tất tật chỗ để xe máy, toilet, bếp vô đó nên không còn chỗ đặt bàn ghế, giường tủ gì nữa. Ban ngày, tấm nệm lớn dựng lên kiêm luôn chức năng bức vách chia căn phòng làm hai. Bên ngoài để xe máy và bà ngủ. Bên trong, cháu gái ngủ. Lênh đênh qua hành trình tạm cư của gia đình, cháu đã thành sinh viên. Chiếc bàn học nhỏ tí xíu kê giữa bề bộn áo quần chăn gối.

Chỉ cách đó đúng ba bước chân là bếp và phòng vệ sinh. Ban đầu Khu tạm cư không làm bếp riêng cho từng phòng, nhưng chật chội quá nên mọi gia đình đều phải tìm cách cơi nới. Có nhà xin lấn ra đoạn hành lang chung, lát gạch cao và che chắn thêm bên trên để kê bếp, chạn và dựng một chiếc bàn ăn chân xếp. Nhà bà Thủy không cơi ra ngoài mà cơi vào bên trong, ở đoạn thông thủy giữa hai dãy nhà tạm cư để làm bếp. Gọi là bếp nhưng nó chỉ đủ đặt một chiếc bàn kê vừa hai ba cái nồi nhỏ liền nhau. Không gian bên trên là chỗ treo, kê, móc tất cả các thứ đồ dùng bếp núc của một gia đình ba người. Dưới sàn, nước lép nhép, đen ngòm bẩn thỉu.

- Mỗi lần nhà bên kia xài nước là bên này nó dội lên, hôi, dơ lắm cháu ơi, mà phải chịu. Ban quản lý (Khu tạm cư) người ta cũng chẳng làm gì được !

Đã 22 năm, đủ để một thế hệ mới ra đời và trưởng thành, gia đình bà Thủy vẫn kẹt trong khu tạm cư. Không nghề nghiệp vì từ khi về khu tạm cư, bà không có không gian, mặt bằng và khách hàng để tiếp tục mở quán cà phê. Bà chuyển sang một "sự nghiệp" mới một cách bắt buộc : Đi kiện, đòi đền bù thỏa đáng cho ngôi nhà đã bị giải tỏa trắng.

Sau một thời gian kiện, chính quyền trả lời bà : được đền bù 50.000 đ/m2.

Tại sao lúc trước thì giải tỏa trắng, sau lại đền bù ? Tại sao có giá 50.000 đ ?

Bà Thủy cho rằng cách giải quyết của chính quyền không minh bạch. Nên bà không chấp nhận mà tiếp tục kiện.

Theo lời bà Thủy, chồng bà là thiếu tá Phòng điều tra Công an quận 10, sau được chuyển về Đội điều tra Công an quận 2. Nhưng vì chồng công an mà vợ đi kiện chính quyền suốt nên ông bị giáng cấp xuống đại úy. Không những thế, ông bị gây khó khăn liên tục trong công việc. Nên sau khi về khu tạm cư ít lâu, ông xin ra khỏi ngành.

Một ngày nọ, ông tự tử chết trong chính căn phòng tạm cư rộng 3,2 m, sâu 7 m mà gia đình mình đang tá túc.

thuthiem4

Chỗ tạm cư của người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà rộng 3,2 m, sâu 7 m. RFA

Ở tạm 22 năm

Còn lại một mình, bà Thủy vẫn kiên trì đi kiện.

Bàn tay những kẻ cướp đất xô những người dân bắn khỏi ngôi nhà của họ, nhưng cũng đẩy họ đến với nhau, giúp đỡ và cố kết với nhau thành một khối kiên gan trong suốt 26 năm đi kiện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, dù luôn trong tâm thế trứng chọi đá.

Từ năm 2018, vừa đi kiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thủy vừa bắt đầu hành trình đi kiện tận Hà Nội. Cứ mỗi năm hai lần, những người dân Thủ Thiêm đang sống vật vờ ở khu tạm cư lên đường ra Hà Nội, tìm đến Trung ương để đưa đơn, trình bày. Tiền-con cái họ vắt sức lao động để cung ứng cho cha mẹ đi kiện, mỗi năm khoảng hơn chục triệu đồng. Dân oan Thủ Thiêm thuê những căn nhà trọ xa tít ngoại ô cho thật rẻ, ăn uống chi phí vô cùng tiết kiệm để bám trụ được dài ngày ở thủ đô. Từ sáng sớm đến đêm khuya, những người dân cơ cực thay phiên nhau đến nhà riêng các vị lãnh đạo từ trước 7 giờ sáng để đảm bảo gặp bằng được trước khi các vị này rời khỏi nhà. Sau đó, bà con đến các cơ quan công quyền có chức năng giải quyết khiếu nại tố cáo để căng băng rôn, yêu cầu được giải quyết. Họ đi bộ và xe bus, tính toán tỉ mỉ từng chặng đường để những đồng tiền đi kiện ở lại trong túi lâu nhất có thể.

Sau hơn 20 năm, đại án máu và nước mắt mang tên Thủ Thiêm dần dần hé lộ. Nhưng đã qua năm đời chủ tịch thành phố, những người dân bị cướp đất cướp nhà vẫn kéo dài sự tồn tại lay lắt trong những khu tạm cư. Mái tôn của những khu nhà rỉ một màu nâu đỏ. Cầu thang, lan can sắt đã mục thủng từ rất lâu. Nhưng chữ "tạm" mỉa mai vẫn bám chặt họ, có người năm năm, có người 13 năm, có người 22 năm...

Giữa hai dãy nhà của khu tạm cư 1 ha có một lối đi nhỏ. Công nhân vệ sinh chọn luôn chỗ ấy làm khu tập kết rác. Mặc dù thùng rác đã được rửa qua và úp lại chờ đến ngày mai, nhưng lối đi không lúc nào khô vì nước rỉ ra liên tục, nhuộm đen cả lòng đường. Chiều chiều, những người bán cá từ chợ tự phát gần đó hắt đổ nước sục và rửa cá còn thừa trước khi ra về khiến con đường biến thành một vũng nước đọng tanh hôi. Bà Thủy và con cháu thường xuyên phải xách nước ra dọn quét cho bớt mùi và ruồi nhặng.

Chúng tôi đến khu tạm cư vào những ngày cùng tận của năm Nhâm Dần. Dưới những mái nhà tối tăm, những bức vách tôn rỉ sét, những con đường nội khu lầy lụa ngập nước bẩn đen ngòm và cỏ dại, những căn phòng ổ chuột che chắn cơi nới đủ hình đủ dạng, đó đây vẫn có hoa vạn thọ vàng tươi rực rỡ, mào gà đỏ thắm, cành mai nhú những chùm nụ chen chúc căng mẩy… đặc trưng cái tết phương Nam.

Tết vẫn đến thản nhiên dù cho những con người sinh sống trong Khu tạm cư chẳng còn lòng dạ nào mong chờ. Tết nối Tết. Thời gian biến những mái tóc xanh ngày nào thành vầng cỏ bạc xơ xác. Nhưng trong lòng những kiếp người bỗng dưng tai bay vạ gió, cơ cực trầm luân suốt hai mươi mấy năm trời, dù cạn kiệt niềm tin vào luật người vẫn le lói hy vọng vào nhân quả, vào thứ luật lệ của Trời. Mỗi sợi khói tỏa lên từ mỗi nén nhang bàn thờ gia tiên ngày Tết đều chở oằn lời van vái cầu xin về một chốn định cư, an cư cho những ngày cuối của đời mình và cho các đời con cháu.

Các đời lãnh đạo thành phố gần như đều từng đến úy lạo tinh thần bà con dân oan Thủ Thiêm vào dịp tết. Năm nay cũng vậy, bà Thủy kể một vị lãnh đạo nào đó vừa đến tặng quà tết cho các hộ dân và thuyết phục họ lên chung cư Bình Khánh kế bên để sống vì khu này đã quá mục nát bẩn thỉu. Khu chung cư đồ sộ được xây từ 2014, làm nơi cư trú cho các hộ bị giải tỏa để nhường đất cho dự án Thủ Thiêm. Thời điểm đó nó vắng tanh và xa ngắt. Bây giờ, nó là vị trí đắc địa : nằm ở đường Lương Định Của, thuộc quận 2 cũ, khu vực rất sầm uất, chỉ cách quận 1 ít phút xe. Nhưng, mặc dù sống cảnh chen chúc vơí chuột và gián, mùi hôi thối, cái nóng nực ngột ngạt trong khu ổ chuột, thậm chí không thể gọi đó là cuộc sống, nhưng nhiều người dân Thủ Thiêm không cam lòng rời nó để lên ở trong chung cư thoáng mát lộng gió.

- Ở đó thì tốt hơn thiệt. Nhưng rồi ra sao ? Ở đây tụi tui cũng tạm cư, lên đó vẫn tạm cư tiếp. Tạm cư hai mươi mấy năm rồi, lên đó lại tạm bao nhiêu năm nữa ? Thì mình vẫn tiếp tục đi kiện được, tụi tui kiện tới chừng nào chánh phủ, bác Trọng giải oan cho tụi tui. Nhưng nếu tui chết thì con cháu tui người ta có cho ở tiếp không ? Nó hổng có tên đi kiện, người ta đuổi nó thì sao ? Mà người ta thấy mình sống ổn rồi, họ làm lơ luôn thì sao ? - bà Thủy trầm ngâm.

********************

Phần 3

21 của dân, 48 của quan

Đại gia đình anh Vũ Ngọc Tài tạm cư tại khu 1 ha, nằm sâu trong hẻm 311 Lương Định Của, phường An Phú quận 2 cũ (Thành phố Hồ Chí Minh), qua tết này là "ăn mừng" năm tạm cư thứ 13.

thuthiem5

Một khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm - Photo: RFA

Đây là khu tạm cư thứ hai. Trước khi về đây, họ đã có 5 năm tạm cư ở khu tạm cư phường An Lợi Đông.   Cả hai khu, như tên gọi, trước kia được xây dựng gấp để chính quyền đưa người dân bị giải tỏa trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm về ở tạm, chờ đền bù bằng tiền hoặc đổi nhà, đổi đất. Sau đó thì "tạm" trở thành "không giới hạn" khi thời gian cứ loãng dần ra mãi với tiến trình thưa kiện ròng ròng nước mắt của dân Thủ Thiêm. Khu tạm cư biến thành cái túi đen ngòm đựng những phận người bất hạnh vì lỡ có nhà đất nằm trúng tầm ngắm của lũ quan lại tham lam tàn bạo, giấu nó vào sự quên lãng cố tình của nhiều cấp, nhiều đời chính quyền.

Nằm dưới tầng trệt dãy nhà đầu tiên của khu 1 ha, "nhà" của anh Tài thuộc loại khang trang, sạch sẽ do nhiều công sức và tiền bạc bỏ ra sắp xếp. Vài chậu mai chúm chím nụ vàng, mồng gà vươn những cái mào đỏ tươi, vạn thọ vàng chói như những mâm xôi tí hon đã đặt rải rác sát nhà. À không, nó vốn là lề đường nhưng dân tạm cư đã cơi nới trọn một đoạn hành lang để có thêm chỗ ở, nên lề đường không còn mà từ lòng đường là bước thẳng vào "nhà".  

Tết mà! Tết mang rộn ràng vào những biệt thự dát vàng lẫn những đáy hầm sâu đen tối. Tết thản nhiên rắc phấn hồng vào lòng bất cứ ai, kể cả những con người gần như từ lâu đã mất hết hy vọng vào luật pháp.

Bỗng nhiên mất đất

Anh Tài vốn không phải dân gốc Thủ Thiêm. Năm 2001, anh và một đoàn anh em họ hàng cùng vợ con họ, tổng cộng 12 người từ Nam Định vào Thủ Thiêm lập nghiệp. Họ có một ông bác giàu có đã bỏ phần lớn tiền mua 935 m2 đất có ao cá. Đoàn di dân góp thêm mỗi người một ít tiền tùy theo khả năng, rồi đào vét lại ao, nuôi và bán cá, làm những ngôi nhà tạm bằng gỗ lợp tôn để ở, bắt đầu vắt sức gây dựng cuộc sống nơi đất mới với niềm hy vọng tràn trề. Đất phương Nam màu mỡ, rộng lớn, khí hậu bốn mùa điều hòa, con người chân thật. Đại gia đình lao động cật lực trong niềm vui, bởi hiện tại sáng sủa từng ngày và bên họ luôn có hình ảnh thành công của những anh em đồng hương đã di dân vào miền Nam trước vẫy gọi, thúc đẩy và động viên.

Đất quận 2 những năm đó không phải là đất dát kim cương hột xoàn với những khu dân cư Sala hay đảo Kim Cương giá năm bảy trăm triệu/m2 như bây giờ. Tuy chỉ cách trung tâm phồn hoa của Sài Gòn qua một dòng sông không mấy rộng, nhưng bên kia sông rực rỡ sáng chói bao nhiêu thì bên này vẫn tối mờ bấy nhiêu. Ao cá, ruộng lúa, chuồng heo, vườn rau thản nhiên đối diện với khách sạn, bar, pub, quán rượu xa hoa hào nhoáng. Bên kia sông ăn chơi như thiêu thân đến sáng. Bên này sông, người ta đặt lưng lên giường từ chập tối sau cả ngày trời lăn lộn với chợ búa, ruộng vườn. Một giấc ngủ mạnh khỏe trong lành thẳng một mạch đến sáng.  

Nhìn qua sông, dân Thủ Thiêm có thèm thuồng ánh đèn và sự tiện nghi hiện đại của quận 1 hay không ? Dĩ nhiên có, nhưng Thủ Thiêm vẫn đang sôi sục phát triển, người dân vẫn đang chăm chỉ làm ăn và làm giàu ngay trên mảnh đất, ngôi nhà của họ. Tương lai giàu có và hiện đại là chắc chắn, nó đang từng ngày rạng rỡ trên mảnh đất này, chỉ cần chờ thời gian.  

Nhưng trước khi bị cướp đất cướp nhà, tuyệt đại người dân Thủ Thiêm vẫn tin vào nguyên tắc đền bù giải tỏa được quy định trong Luật Đất đai, mà các cấp chính quyền, nhỏ lớn đều thuộc như cháo chảy : khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

935 m2 đất của đại gia đình anh Tài nằm ở số nhà 11 KT3 tổ 39 ấp 4 phường An Lợi Đông quận 2, bây giờ đi hết khu Sala là tới. Khi thành phố quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân phải khai giấy tờ để được tính tiền đền bù. Mảnh đất 935 m2 chuyển nhượng trực tiếp từ người chủ ngay trước đó, vẫn ghi rõ ràng trong sổ đỏ không hề chỉnh sửa, không bán cho ai, vẫn đóng thuế sử dụng đất cho đến ngày cuối cùng trước khi bị san bằng. Bỗng nhiên quận giáng xuống tờ giấy, bảo nó chỉ có 789,28 m2 thôi, phần còn lại chủ cũ đã bán cho người khác. Chính quyền cũng nói 12 người đang ở đó không đủ điều kiện được bố trí tái định cư. Họ chỉ được đền bù tất cả là 700 triệu đồng.  

thuthiem6

Nơi ở của người dân Thủ Thiêm sau cưỡng chế. RFA

21 hay 48, vì sao ?

Người bác và đại gia đình anh Tài đành nhận 700 triệu đồng, nhưng về diện tích đất thì họ quyết không đồng ý. Họ không bán đất cho ai cả, nếu diện tích đất thiếu so với giấy tờ thì đó là lỗi của chính quyền, tại sao đổ lên đầu họ? Họ kiện chính quyền đòi 145,72 m2 đất còn thiếu. Vụ kiện dai dẳng 13 năm nay chưa kết thúc. Không có nơi nào khác để ở, cũng không đủ tiền mua lại nơi định cư khác, toàn bộ gia đình xin vào khu tạm cư sống và đi kiện.  

Tháng 3/2011, họ vào khu tạm cư phường An Lợi Đông. Đến năm 2015, phường An Lợi Đông tiếp tục giải tỏa nên đến tháng 12 họ lại chuyển vào khu tạm cư 1 ha ở hẻm 311 Lương Định Của phường An Phú, quận 2 cũ (nay là Thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).  

Lúc này, từ 12 người ban đầu đã thành 18. Họ xin với Ban quản lý Khu tạm cư cho ở trong ba căn phòng.

Phòng ở trong khu tạm cư 1 ha đều giống nhau, chiều rộng khoảng 3,2 m, dài 7 m. Tính ra diện tích mỗi phòng chỉ 21 m2. Nhưng không hiểu sao toàn bộ giấy tờ thu tiền điện nước mà Ban quản lý phát xuống đều ghi rõ mỗi phòng rộng 48 m2. Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ của chính quyền mà không tận mắt chứng kiến cảnh sống của người dân, chắc không nhiều người đồng tình với dân Thủ Thiêm. 48 m2 x 3 = 144 m2 cho 18 người lớn trẻ em ở ngay trung tâm thành phố, kêu ca gì nữa !

Chỉ tay vào chiếc trường kỷ xếp vào thành ghế, kéo ra thành giường, anh Tài nói phòng ở chật quá nên phải dùng cách này. Nhưng xếp mấy thì xếp, vẫn không thể đủ chỗ cho toàn gia đình đều được ngủ trên giường. Con cháu anh Tài đều phải ngủ ngay trên nền nhà. Bếp, bàn ăn, tủ chén, đồ gia dụng bếp núc đưa tất ra hành lang. Nấu nướng ăn uống ngay sát lề đường.  

Mùa khô còn đỡ, mùa mưa nước ngập sát vào tận đây. Rác rưởi tanh hôi, bẩn thỉu hôi thối lắm. Xấu hổ không dám mời ai đến nhà. Mà phải chịu. Chứ giờ mình đi đâu ? Họ bảo lên chung cư Bình Khánh, thì ai cũng biết lên đấy sạch sẽ hơn hẳn, đời sống chắc chắn tốt hơn dưới này rồi. Nhưng đây tạm cư, lên đấy cũng lại tạm cư, mà tạm cư dưới này mình còn xin thông cảm cho ở được ba phòng rồi cơi nới. Lên đấy phòng chung cư ai cho mình ngăn vách hay cơi nới, mà không cơi nới thì lấy đâu chỗ cho vợ chồng (các cháu lớn lên) ngủ riêng ? Nên chúng tôi xác định cứ ở đây thôi. 

thuthiem7

Bên trong một căn hộ tạm cư của người dân Thủ Thiêm. RFA

Chúng tôi cũng không đi kiện, đi tiếp xúc gặp gỡ gì nữa cả. Trước đi nhiều lắm chứ, nhưng ông nào cũng hứa rồi về hưu, có ai giải quyết đâu ? Chúng tôi cứ đi theo kiện thì lấy đâu thì giờ làm ăn nuôi các cháu ? -nhiều người trong gia đình anh Tài đồng thanh nói.

Tháng 7/2018, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát các Khu tạm cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. "Tạm cư không phải giải pháp cuối cùng. Thành phố đang tìm giải pháp chấm dứt tạm cư, đưa người dân vào các khu tái định cư" - ông Nhân khẳng định với người dân như vậy.

Đại diện lãnh đạo quận 2 bấy giờ cũng hùng hồn : Việc vận động người dân từ khu tạm cư An Phú lên ở chung cư tái định cư chỉ là thay đổi không gian sống tốt hơn cho người dân trong lúc chờ giải quyết chính sách chứ không phải đây là việc giải quyết chính sách. Đến cuối năm 2018, quận 2 phấn đấu sẽ giải quyết xong tạm cư.

Từ đó đến nay đã lại trôi qua một nhiệm kỳ lãnh đạo mới.

- Giờ chúng tôi chỉ mong muốn có chỗ ở chính thức, định cư chứ không tạm cư nữa. Long đong 13 năm trời rồi, khổ lắm. Mua cái bảo hiểm y tế cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Các đoàn (giải quyết khiếu nại tố cáo của dân Thủ Thiêm) đến mời tiếp xúc cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Làm giấy tờ cho các cháu đi học cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Mỗi lần xin có nhanh đâu, mất cả một buổi làm. Chúng tôi chán rồi, sau này đoàn nào về thì về, chúng tôi kệ, mình phải đi làm kiếm sống.   Giờ chúng tôi còn 145 m2 đất đấy, chúng tôi xin mua nhà ở xã hội theo giá không lợi nhuận, trả thẳng hay trả góp cũng được. Nhưng chúng tôi viết đơn, tiếp xúc bao nhiêu lần, họ cũng chỉ nói ghi nhận. Mình lại về. Cứ thế. Chả ai giải quyết gì. Tạm cư từ lúc con chúng tôi học lớp Một, nay cháu tốt nghiệp đại học rồi, cả nhà vẫn tạm cư - anh Tài cười méo xệch.

Những đốm lửa Thủ Thiêm

"Thủ Thiêm" từ lâu đã trở thành cục xương cứng mắc dính trong cổ họng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh qua năm đời lãnh đạo, nuốt không trôi, nhả không đặng. Vụ việc càng kéo dài không biết điểm kết thúc khi Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Thành phố Thủ Đức. Vốn là những quyết định sai trái kéo dài qua nhiều năm của nhiều lãnh đạo, nhiều cấp và nhiều đời của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ việc giải quyết hậu quả được đẩy về cho một cấp bậc hành chính nhỏ hơn, nói đúng ra là "siêu quận" Thủ Đức.  

Hành động chuyền bóng này chỉ gây thêm phẫn nộ cho người dân. Vì trong thực tế, quyền hạn, nhân lực và tài lực của lãnh đạo Thủ Đức (không hơn gì so với trước kia, chỉ là ba cái quận chập một) không thể đủ để gỡ hay chặt bỏ cái mớ bòng bong khổng lồ mà các đàn anh của họ đã ưu ái để lại.  

Một cách cấp bách, đại án Thủ Thiêm phải được xem là tiêu điểm, ưu tiên giải quyết số một của liên minh gồm tất cả bốn cấp chính quyền : các phường nơi người dân bị cướp đất và thưa kiện ; chính quyền Thành phố Thủ Đức vì là nơi sự việc diễn ra trên địa bàn ; chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vì đây chính là di sản tồi tệ nhất mà các đời lãnh đạo tham nhũng trước để lại ; và cuối cùng là chính quyền trung ương, để giám sát, thúc đẩy và kiểm tra kết quả thực hiện.

Là vì câu chuyện Thủ Thiêm không chỉ là việc vài trăm hộ dân bị mất đất mất nhà mải miết đi kiện suốt gần 30 năm qua nữa. Nó là hình ảnh tái hiện, là những đốm lửa trông thấy hoặc không trông thấy bằng mắt thường như những Thái Bình 1997, những Tiên Lãng, Bắc Giang… Những đốm lửa của sự đau thương tột độ nơi người dân có thể bùng lên thiêu rụi những gì, lịch sử đã nhiều lần cho biết.  

Cách giải quyết bỏ lơ, dây dưa của hiện tại, dường như đang bịt tai chờ thời gian bẻ gãy sự kiên trì của người dân. Tuy nhiên, nó không khác gì đổ lên lò than rực hồng một lớp tro rồi gật gù yên tâm với cái bề mặt yên ắng. Chỉ có cách trực diện với người dân, khơi bùng nó ra rồi sửa sai tận gốc từng vụ việc một thì mới rửa sạch nổi khối uất hận của người dân Thủ Thiêm.

_________________

Tham khảo :  

https://bnews.vn/du-an-khu-do-thi-moi-thu-thiem-bao-gio-het-canh-tam-cu/90988.html

https://vietnamnet.vn/can-canh-khu-tam-cu-o-chuot-cua-nguoi-dan-thu-thiem-663881.html

https://vietnamnet.vn/can-canh-khu-tam-cu-o-chuot-cua-nguoi-dan-thu-thiem-663881.html

http://daidoanket.vn/hanh-trinh-tai-dinh-cu-cua-nguoi-thu-thiem--ky-i-noi-buon-duoi-mai-tam-cu-424704.html

********************

Phần 4

Pháo đài cô độc giữa đồng hoang Thủ Thiêm

Giữa hàng trăm ngàn mét vuông rậm rì, xanh ngắt cỏ lau hai bên đoạn đường Lương Định Của phường Bình An, quận 2 (cũ, nay là Thành phố Thủ Đức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), từ ngã tư Trần Não đến cầu Cá Trê có một ngôi nhà cũ đứng một cách chơ vơ kỳ lạ. Cả khúc đường dài này chỉ còn một mình ngôi nhà đó. Đồng cỏ lau cao ngập đầu người ôm bọc lấy nó từ cả hai bên và phía sau, đối diện cũng chỉ là đồng cỏ hoang ngút mắt, nhưng ngôi nhà ấy vẫn có người ở, ra vào, chăm chút sáng tối. Như một pháo đài cô độc.

thuthiem8

Khu nhà ở của những người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa để nhường đất cho khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Photo : RFA

Nếu người đi đường biết đồng cỏ hoang rậm rịt này đã và đang là hiện trường tranh chấp giữa hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quanh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ gần 30 năm nay thì sẽ thấm thía trong sự tồn tại trơ trọi của ngôi nhà đó là tinh thần thép và sự thách thức cường quyền đã đến ranh giới tận cùng của người phụ nữ chủ nhà. Một người phụ nữ nhỏ bé nhưng quật cường, tên Nguyễn Thị Hà.

Ngôi nhà vẫn còn dấu vết gạch vỡ nham nhở và một mảnh tường đập dở in những đường nứt chạy dài suốt tường - chứng tích của cuộc cưỡng chế điên cuồng xưa kia. Nó từng được sơn màu trắng, cái màu luôn phải giữ thật sạch sẽ và mới mẻ, ngầm nói lên một phần về khả năng tài chính khá giả và thẩm mỹ của chủ nhà. Tuy nằm lọt giữa đồng cỏ hoang nhưng sâu bên trong vẫn lấp ló đầy sắc lá, hoa và muôn màu tươi rói của vô số đồ trang trí. Ngôi nhà tụt sâu vào bên trong, mảnh đất trống hàng trăm mét trước mặt nhà được người chủ chăm chút cắm những cành cây khô lột vỏ sơn trắng và treo nhiều chiếc chuông màu sắc tạo thành lối đi vào. Sự mến khách và tươi vui mà lối đi này toát ra trái ngược hoàn toàn với vị trí cô độc, lẻ loi dễ khiến người ta chạnh lòng của ngôi nhà.

Lối đi dẫn tới một cánh cổng bằng tre và gỗ sơ sài nhưng khóa chặt. Nhìn qua cổng, thấy chủ nhà đang ngồi rất an nhiên trên ghế dựa cao, trước một bàn trà đặt rất nhiều ly tách, khay mứt và đồ trang trí đẹp đẽ. Một không gian mở, xung quanh chen chúc hoa và cây cảnh, đỏ thắm và vàng tươi, xanh ngắt và tím hoa cà trồng trong các chậu sứ cao, thấp, tròn, vuông, trái tim… đủ hình dạng. Phía trên, những chiếc chuông Giáng sinh kích cỡ rất to xanh biếc, đỏ thắm, óng vàng và trắng bạc chụm đầu nghiêng nghiêng như sắp ngân lên báo tin lành. Các thiên thần nho nhỏ mặc y phục voan cứng đang hạ cánh xuống các lùm cây. Cùng với nó, dải vải đỏ tươi in hàng chữ vàng óng Happy New Year trên cửa ra vào cho thấy chủ nhà không quên đánh dấu thời khắc quan trọng nào trong một năm. 

Thấy người ngồi đó nhưng không dễ gặp. Phải cho biết tên người giới thiệu, chị Hà mới kêu đứa cháu ra mở khóa cổng cho tôi vào.

thuthiem9

Chị Nguyễn Thị Hà bên bức tường nham nhở của ngôi nhà của mình ở phường Bình An, Thủ Thiêm. VnExpress

Vào nhà rồi, nghe hai tiếng Thủ Thiêm, chị Hà bặm môi, nhíu chặt lông mày, nước mắt đổ tràn ngay xuống khỏi đôi mắt đỏ hoe. Chị vớ chiếc điện thoại bấm lia lịa và cứ chảy nước mắt lặng lẽ như thế, không mở miệng nói một tiếng nào. 

Chúng tôi cùng im lặng một lúc lâu. Tôi ngắm lần lượt cây, hoa, lá, chuông, thiên thần và vô số vật trang trí trong cái nắng vàng mơ mát rượi hiếm hoi của sáng sớm cuối năm Sài Gòn, trong khi chỉ cách đó vài mét là cả một rừng cỏ lau hoang dại trùm kín hoang dại, trong lòng có rất nhiều câu hỏi. Rất lâu sau, chị Hà mới lên tiếng, giọng nghẹn tức và ngắt quãng nhiều lần :

- Tết gì… Chánh quyền ở đây người ta quên nhà chị, quên còn có người sinh sống ở đây rồi… Em xem… còn có mấy ngày nữa là Tết mà quanh nhà chị người ta để cỏ hoang vầy đây... Mấy năm trước cứ gần Tết thì họ cho người xuống phát cỏ. Năm nay… Em đã tìm đến đây, chắc có mục đích ?

- Em không có mục đích gì. Chỉ là nhiều lần nhìn thấy ngôi nhà này, nghĩ tới cảnh sống của những người dân Thủ Thiêm, em cũng… chịu không nổi.

Rất không chuyên nghiệp, vì chỉ nói được đến thế, một cục to phồng cứng vô hình đã chẹn lấy cổ họng tôi, một luồng hơi nóng xông lên mũi khiến tôi nghẹn giọng. 

Lát sau, chị Hà đưa điện thoại, cho tôi xem vài dòng tin nhắn với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ, người mà gia đình đã mất đến ba bốn chục ngàn mét đất khi dự án Thủ Thiêm được khởi công mà không được đền bù. Hóa ra khi tôi nói đến Thủ Thiêm thì chị Hà im lặng và bấm điện thoại nhắn tin với người phụ nữ này. Họ thông tin và an ủi nhau, người kia bảo cả năm nay khi nhớ tới Thủ Thiêm cô vẫn van vái một người hết sức thân thiết để lấy niềm tin và sự nương tựa, mặc dù người ấy đã qua đời. Đó là một người đã giúp họ cất lên tiếng nói thành thật của những người dân bị cướp đất, cướp nhà suốt nhiều chục năm qua ở Thủ Thiêm lên công luận rộng rãi. 

Nhưng chị Hà không muốn nói về Thủ Thiêm nữa.

- Chị không bao giờ muốn nhắc một cái gì về Thủ Thiêm nữa. Hồi nãy em nói sống như thế này không phải là sống. Vậy mà gia đình chị đã phải sống mười mấy năm nay như vầy. Không ai hình dung nổi cuộc sống của dân Thủ Thiêm cùng cực tới mức nào đâu em. Như em nói đó, nó không phải là cuộc sống. Hồi trước, lúc đường chưa làm, ngoài đường nó ổ trâu ổ voi, mưa xuống là nước đọng vũng, ngập vô cả trong nhà chị. Cỏ thì mênh mông ngập đầu như vầy. Ngoài đường cỡ 8 giờ là vắng người qua lại, tối thui sợ lắm. Sợ rắn rít, trộm cắp, ăn cướp, sợ đủ thứ. Nhà chị ở đây có một mình như vầy. Sợ lắm chớ. Trộm vô nhà chị ba lần rồi. Nhưng nhà chị, chị phải ở. Không ai vô đây bắt chị đi được. 

Trước kia, chính quyền từng xuống bắt chị Hà phải dẹp bỏ những bụi chuối, vạt rau, luống hoa… mà chị trồng ra xung quanh nhà mình, lý do là "chiếm đất công". 

- Chị nói tui sống ở đây quá khổ rồi, tui chỉ có chút cây hoa, trang trí khắp nơi để tạo niềm vui. Ai mua tui bán, kiếm tiền sinh sống. Để tui yên. O ép tui quá, tui nói với chủ tịch phường rồi, tui dám giết người đó - chị nói.

Chị Hà mua ngôi nhà trên con đường dẫn từ bến phà Thủ Thiêm vào trung tâm quận 2, ở địa chỉ B12/1A Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, quận 2, cách đây mười mấy năm. Nhà rộng, lầu cao, vị trí đắc địa nơi chợ Bình Khánh cực kỳ sầm uất. Kinh doanh rất tốt, cuộc sống khá giả. Sau này, giấy tờ quy hoạch mà bà con Thủ Thiêm dày công tìm được sau hàng chục năm đi kiện chứng minh nó nằm ở rìa dự án Thủ Thiêm, không thuộc khu vực giải tỏa. Với vị trí và quy mô của Thủ Thiêm bây giờ, một mét vuông đất phải có giá từ vài chục tới trăm triệu. Cơ hội đó, theo luật phải được dành đầu tiên cho những người dân địa phương đã bị quy hoạch giải tỏa. Nhưng mới sống được vài năm thì vào năm 2014, như nhiều gia đình khác, nhà chị Hà bị giải tỏa trắng.

- Chánh quyền không công bố quy hoạch, không có quyết định thu hồi, không có thỏa thuận đền bù, không có phương án tái định cư… gì hết. Họ chỉ gởi quyết định cưỡng chế xuống. Buộc tự di dời, nếu không họ đập - chị nói.

thuthiem10

Bà Nguyễn Thị Giáp (80 tuổi) bên căn nhà bị đập loang lổ và lau sậy cao lút đầu người ở Thủ Thiêm

Sau khi cơ quan Trung ương vào cuộc, xác định sai phạm của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhiều thời kỳ trong việc xác định ranh đất giải tỏa, việc cưỡng chế tháo dỡ nhà dân dừng lại. Những dự án sai phạm đang xây dựng dở dang cũng bị dừng lại. Nhưng hàng chục ngàn ngôi nhà đã bị san bằng, những khu dân cư đông đúc đang nhộn nhịp đã vắng bặt tiếng người, chỉ còn là bãi hoang mênh mông trống toác. Cỏ dại mọc lên cao quá đầu người quanh những con đường được phóng thẳng băng rộng rãi, trải nhựa phẳng lì nhưng không chân người bước lên. Ở những đoạn khuất nẻo, rác rưởi đủ loại chất đống cao ngang ngực, bốc mùi hôi thối. 

Đang sống trong đô thị lớn nhất nước, những ngôi nhà gan lì bám trụ lại như nhà chị Hà bỗng nhiên thấy chỉ còn mình mình trơ trọi giữa hoang vu lau lách và tối tăm, nước bẩn dềnh lên ngập sân sau những cơn mưa lớn, rắn rết côn trùng bò thẳng vào nhà. Họ mất sinh kế, mất tài sản, mất quan hệ hàng xóm láng giềng vì có còn ai ở xung quanh nữa đâu. Trong phạm vi hàng chục ngàn m2 xung quanh nhà chị Hà không còn một ngôi nhà nào nữa. Khu vực quanh đó cũng vậy. Những người chủ nhà, những công dân của một đất nước lấy câu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc làm quốc hiệu, mười mấy năm nay sống lay lắt trong lo sợ và hoảng loạn khôn nguôi, trong khi vẫn vừa phải lăn lộn kiếm tiền, vừa phải vật vã thưa kiện, vừa phải chống chọi với các nguy cơ bỗng nhiên xuất hiện như bệnh tật, trộm cướp... 

Hiện tại lênh đênh, tương lai bấp bênh. Hết cơ quan nọ tiếp xúc đến cơ quan kia gặp gỡ. Lê Thanh Hải đã thành lê lết sợ hãi, Tất Thành Cang đã tan thành c…, như người dân bình phẩm. Nhưng, những nạn nhân bị bọn chúng làm cho tan nhà nát cửa, trầm luân vật vờ qua hết khu tạm cư này đến khu tạm cư khác, nhiều người đã chết, có người tự tử, có người uất ức dẫn đến tai biến, có người bỏ đi mất tung tích, có người mất nhà, mất sinh kế, phải đi ăn xin lúc cuối đời… Những cuộc đời bị lũ quan chức tham ô vùi dập tang thương gần 30 năm nay vẫn chưa được giải oan, chưa được đền bù.

Chị Hà vừa làm lại tấm bảng số nhà kèm với tên mình, thật to, nổi bật, chữ sơn đỏ trên nền ngôi nhà trắng đập vào mắt người đi đường : Hà Nguyễn, B12/1A (Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An). Phường Bình An, cái địa danh chất chứa ước mơ và nguyện cầu của người dân lành, bây giờ nghe mỉa mai đến chát đắng khi từng hòn đất của nó đã căng tức nước mắt và máu của người dân.

- Để người giao hàng dễ tìm - chị Hà nói ngoài miệng như vậy. 

Nhưng không chỉ đơn giản thế. Như vài chục ngôi nhà khác còn đứng vững nơi này, cho dù cánh cổng đã rỉ sét không thể quay được nữa, dù chủ nhà vì lo sợ cảnh sống trơ trọi mất an ninh nên đã dời đi nơi khác hoặc cho thuê lại, nhưng những tấm biển số nhà trên cánh cổng nhà họ vẫn được sửa sang nguyên vẹn, rõ ràng. Đó là một cách người dân khẳng định chủ quyền hợp pháp của họ với ngôi nhà, tài sản cả đời của gia đình mình trước cường quyền hung bạo. Họ không cam chịu để sự bao che, dây dưa, hứa hão, hoặc cố tình cứt trâu hóa bùn của nhiều tầng nấc "công bộc của dân" mài cùn nhụt ước nguyện giành lại những gì của mình, dù nó đã bị bọn cướp ngày cướp trắng hàng chục năm qua.

- Bác Trọng đang làm đó. Cho dù cả chính quyền này thối nát thì chừng nào còn có một người nghĩ tới dân Thủ Thiêm thì chừng đó chị vẫn còn tin - chị Hà nói. 

Mai Tiên

Nguồn : RFA, 29/01/2023

Tham khảo : 

https://thanhnien.vn/thu-thiem-chuyen-mai-nha-va-hy-vong-dung-vung-post866403.html. 

https://vnexpress.net/hien-trang-4-3-ha-dat-bi-thu-hoi-sai-o-khu-do-thi-thu-thiem-3808887.html

https://vnexpress.net/topic/khieu-nai-o-khu-do-thi-thu-thiem-22960https://zingnews.vn/nguoi-dan-thu-thiem-de-nghi-lam-ro-4-con-duong-12-km-gia-gan-12000-ty-post841206.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Tiên
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)