Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa nghĩ gì về vụ ca sĩ Hanni bị tẩy chay ?
VOA, 17/02/2023
Không nên kỳ thị ai đó chỉ vì xuất thân của họ và giới trẻ Việt Nam nên có cái nhìn cởi mở hơn, đừng để bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền, một số người Việt ở Mỹ là hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa nói với VOA về việc ca sĩ Hanni bị nhiều bạn trẻ trong nước tẩy chay.
Hanni Phạm, ca sĩ người Úc gốc Việt, thời gian qua là tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam
Ca sĩ Hanni, 19 tuổi, thành viên nhóm nhạc nữ New Jeans của Hàn Quốc, mới đây đã bị nhiều bạn trẻ Việt Nam tẩy chay vì họ phát hiện gia đình cô có liên hệ chặt chẽ với Việt Nam Cộng Hòa và có những phát ngôn chống đối chính quyền cộng sản.
Một bạn trẻ trong nước nói với VOA rằng ‘Hanni đáng bị tẩy chay vì chắc chắn cô bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động của gia đình’ và những người thuộc Việt Nam Cộng Hòa trước đây ‘chống phá và gây đau thương cho đất nước nên bị căm thù’.
‘Không được dạy hận thù’
Từ Portland, bang Oregon, Mỹ, một sinh viên kế toán tài chính ở Đại học Portland đồng trang lứa với ca sĩ Hanni là anh Từ Đức Thanh, 20 tuổi, nói với VOA rằng ‘xuất thân [background] không quan trọng gì cả’ trong việc đánh giá một con người.
"Kỳ thị vì gia đình cũng giống như kỳ thị về chủng tộc vì chúng ta đâu có được chọn gia đình hay chủng tộc để sinh ra ?" - anh lập luận.
Anh Thanh cũng có xuất thân giống như cô Hanni. Gia đình anh ba đời sống ở Mỹ. Ông nội anh, cũng như ông ngoại Hanni, là sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bản thân anh sinh ra ở Mỹ và chỉ nói được ít tiếng Việt. Bên cạnh học đại học, anh còn đang được đào tạo làm sĩ quan không quân theo chương trình đào tạo sĩ quan trừ bị của không lực Hoa Kỳ.
"Nếu gia đình mình thể hiện quan điểm chính trị nào thì không có nghĩa là mình cũng ủng hộ quan điểm đó", anh Thanh biện hộ cho Hanni.
Anh nói anh chưa bao giờ nghĩ ông cha mình là ‘phản động’ hay ‘phản quốc’ như cách một bộ phận giới trẻ Việt Nam đánh giá những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
"Họ chỉ làm những gì mà họ phải làm vào thời điểm đó. Họ đã đi theo và chiến đấu cho những gì mà họ tin tưởng, đó là tự do và dân chủ", anh Thanh nói và cho biết bản thân anh ‘rất tự hào về cha ông mình’.
"Ông cha tôi đã trải qua rất nhiều gian khổ để gia đình tôi có được như ngày hôm nay", anh nói.
Nhìn nhận về thế hệ những người lính Việt Nam Cộng Hòa trước đây, từ trải nghiệm của gia đình mình anh Thanh nói ‘họ phải đi chiến đấu là điều hết sức khó khăn’.
"Ông nội tôi đi chiến đấu, khiến cha tôi không có cha trong thời gian dài. Rồi sau khi chiến tranh kết thúc, ông tôi lại bị đưa đi tập trung cải tạo, gia đình lại tiếp tục bị chia cắt. Cha tôi cũng không được gần gũi với ông tôi", anh giãi bày.
Theo lời anh thì bất chấp quá khứ đau thương trong chiến tranh, anh ‘chưa bao giờ được ông cha dạy là phải căm thù cộng sản’. "Nói chữ thù ghét thì quá nặng nề. Chỉ là chúng tôi không đồng ý với chế độ của họ và cách họ quản lý đất nước", anh nói.
Khi được hỏi về thái độ của thế hệ đi trước trong cộng đồng gốc Việt, anh nói ‘dễ hiểu vì sao họ vẫn còn thù hận vì họ đã trải qua những chuyện kinh khủng và đau thương dưới chế độ cộng sản’.
"Nhưng đối với thế hệ trẻ chúng tôi, tình cảm đó không được chuyển qua nhiều", anh nói.
Ngay cả tư tưởng chính trị, anh Thanh nói anh cũng ‘không hề bị ảnh hưởng bởi cha, ông’. "Là người trẻ lớn lên ở Mỹ, chúng tôi phải học cách có quan điểm của riêng mình. Rất khó để chúng tôi chấp nhận quan điểm của ông, cha" anh giãi bày.
Anh nói anh ‘không có vấn đề gì’ trong việc giao lưu hay làm bạn với những người trẻ có gia đình là cán bộ cộng sản. Theo lập luận của anh thì cho dù ông cha họ có thể làm điều ác trong chiến tranh, nhưng ‘không có nghĩa là họ cũng như vậy’.
Tuy nhiên anh nói anh sẽ không thuyết phục họ về quan điểm chính trị vì ‘sẽ không đi đến đâu. "Họ thừa hưởng nền giáo dục trong chế độ nên quan điểm của họ là những gì họ được dạy dỗ hay thừa hưởng từ ông cha họ", anh Thanh lý giải.
Bị nhồi sọ ?
Cách anh Thanh một thế hệ, ông Lâm Sỹ, 61 tuổi, hiện là công chức nhà nước ở hạt San Diego, bang California, nói ông ‘hiểu tại sao giới trẻ Việt Nam có thái độ như vậy’ vì bản thân ông đã sống những tháng ngày niên thiếu dưới chính quyền cộng sản Việt Nam ở miền Nam sau năm 1975.
Khi đó ông Sỹ mới 13 tuổi. Sau nhiều lần vượt biên bất thành, cuối cùng ông cùng ba anh em trai cũng đến được Mỹ vào năm 1983. Ba ông, cũng như ông nội anh Thanh, là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sau chiến tranh phải đi cải tạo và sang Mỹ theo diện HO.
"Tôi từng sinh hoạt hội, đoàn ở khu phố, cũng từng bị nhồi sọ bằng những luận điệu rất ngược ngạo", ông nói. "Tôi còn nhớ tôi đã nghe những lời kêu gọi chống đế quốc Mỹ, lên án Ngụy".
"Những lời kêu gọi chống Mỹ nguỵ như vậy không có tác dụng. Nếu đất nước muốn phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật thì phải có đầu óc mở rộng, không hận thù".
Do đó, ông nói những bạn trẻ trong nước kêu gọi tẩy chay Hanni là ‘trẻ người non dạ nên thiếu nhận thức’. "Tôi thấy rất thương cho các em. Các em đã bị nhồi sọ quá nhiều", ông nói.
Ông chỉ ra thái độ kỳ thị với phía bên kia đã có từ lúc ông còn nhỏ, sống trong nước. "Thời đó tôi rất khó xin vào học các trường lớn, còn đi xin việc thì bị xét lý lịch", ông cho biết.
Cũng như anh Thanh, ông Sỹ nói ông ‘kính mến cha’ và ‘tự hào về gia đình’. Ông bác bỏ lập luận cho rằng những người lính Cộng hòa như cha ông là ‘phản quốc’ còn ‘cộng sản là chính nghĩa’.
"Nếu cộng sản có chính nghĩa thì sau năm 75 họ phải tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn chứ đằng này tôi chỉ thấy những hình ảnh họ chở đồ của miền Nam ra miền Bắc, rồi họ đánh tư sản, đổi tiền, đuổi người dân khỏi thành phố vào vùng kinh tế mới, đưa nhiều người chế độ cũ đi học tập cải tạo", ông phân tích.
"Ngay cả bây giờ, ở Nhật hay Hàn, quân Mỹ vẫn đóng ở đó bao nhiêu năm nay và đất nước người ta vẫn phát triển thì họ có gì là phản quốc ? Chẳng lẽ những nước đó là thù địch với Việt Nam ? Tại sao hàng ngàn người Việt Nam qua những nước thù địch đó học tập hay xuất khẩu lao động ?", ông lập luận.
Do đó, nếu có cơ hội gặp và nói chuyện với các bạn trẻ trong nước, ông Sỹ cho biết ông sẽ nói rằng ông ‘tự hào về nền văn hóa tự do của miền Nam nên mới sản sinh ra những trí thức, những văn nghệ sĩ xuất chúng’.
"Giả sử các em ngày hôm nay được sang các nước Âu-Mỹ để sinh sống hay du học thì chẳng lẽ các em nhìn thấy người Việt cầm cờ vàng rồi các em tẩy chay thì cũng mệt cho các em lắm", ông nói.
Ông biện hộ cho Hanni rằng cô sinh ra ở một đất nước tự do nên khi lớn lên ‘cô có quan điểm độc lập không bị ảnh hưởng của gia đình’ nên ‘không có lý do gì để lấy gia đình Hanni ra để đánh giá cô ấy’ trừ phi chính bản thân Hanni thể hiện quan điểm chính trị.
Ông Lâm Sỹ lấy dẫn chứng từ bản thân ông – nhận thức chính trị của ông ‘không hề bị ảnh hưởng từ cha’.
"Trước 1975 thì tôi còn quá nhỏ. Sau 1975 ba tôi đi học tập cải tạo nên tôi có được ở cạnh ba đâu", ông giải thích. Đến ngày rời Việt Nam sang Mỹ, trong đầu ông mới hình thành tư duy chính trị với những gì mà ông chứng kiến, ông cho biết.
‘Không kỳ thị cộng sản’
Khi được hỏi ông có kỳ thị cộng sản như những người cộng sản trong nước kỳ thị cộng hòa hay không, ông Sỹ nói : "Nếu tôi gặp một người Việt Nam bình thường thì chắc chắn tôi sẽ tay bắt mặt mừng không nhất thiết thái độ chính trị của họ là gì trừ phi họ áp đặt tư tưởng của họ lên bản thân tôi thì tôi sẽ phản kháng".
Ngay cả khi làm bạn với những người có gia đình là cộng sản thì ‘cũng không thành vấn đề’ đối với ông nếu ‘bản thân họ không là gì (không thể hiện quan điểm cộng sản)’. "Du học sinh Việt Nam qua đây tôi tiếp xúc đâu có phân biệt gia đình các em đó là như thế nào đâu", ông dẫn chứng.
Về việc chống Cộng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, với việc tẩy chay những văn nghệ sĩ từ trong nước sang Mỹ trình diễn hay lên án những ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn là ‘phục vụ cho cộng sản’, ông Sỹ nói bản thân ông ‘không chống đối giao lưu văn nghệ giữa hai bên’.
Ông chỉ ra trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cộng đồng Việt Nam tẩy chay, biểu tình phản đối vì ‘Đàm Vĩnh Hưng hát những bài ca ngợi Đảng, Đoàn gì đó nên họ không thích’.
"Họ sợ cộng sản nên họ mới bỏ chạy ra nước ngoài mà còn tuyên truyền cho cộng sản nữa thì họ ghét là phải rồi", ông lý giải. "Rất nhiều ca sĩ Việt Nam qua Mỹ hát mà có ai chống đối đâu".
"Khi qua đến Mỹ tôi mới thấy hầu như không có sự phân biệt giữa người với người. Điều đó quá khác thời tôi còn ở Việt Nam. Đó là một xã hội đấu tố, người Việt lên án người Việt vì khác biệt quan điểm chính trị chứ không coi nhau là đồng bào nữa", ông chỉ trích.
"Bởi vậy nên tính ra đã gần 50 năm rồi mà Việt Nam vẫn không hể hàn gắn vết thương chiến tranh".
Nguồn : VOA, 17/02/2023
**************************
Ẩn họa phía sau "nước chỉ có một" !
Đồng Phụng Việt, RFA, 14/02/2023
Cho dù "cuộc vận động tẩy chay Hanni Pham" (nghệ danh của Phạm Ngọc Hân, 19 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Úc, thành viên của NewJeans – một ban nhạc nữ mới nổi ở Hàn Quốc) trong các nhóm mê nhạc Hàn, phim Hàn ở Việt Nam đã giảm cường độ và cho dù đã có không ít người bình luận về những dấu hiệu bất thường, đáng ngại thể hiện qua "cuộc vận động" vừa kể (phỉ báng Hanni Pham, kêu gọi tẩy chay chỉ vì ông bà, cha mẹ của cô có dính líu đến Việt Nam Cộng Hòa và có dấu hiệu ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa) nhưng ít nhất "cuộc vận động tẩy chay Hanni Pham" cũng còn một khía cạnh cần phải ngẫm nghĩ. Khía cạnh đó là "nước" !
Nhóm nhạc NewJeans của Hàn Quốc có sự tham gia của ca sĩ Hanni Pham (trái) - NewJeans via Facebook Hanni Pham
***
Nếu có thời gian đọc những ý kiến, nhận định trên các trang Facebook tập họp giới trẻ mê nhạc Hàn, phim Hàn, ca sĩ Hàn, diễn viên Hàn, người mẫu Hàn... ở Việt Nam, ắt sẽ nhận ra, sở dĩ hàng chục ngàn thanh, thiếu niên hưởng ứng lời kêu gọi "tẩy chay Hanni Pham" là vì họ tán thành những quan điểm kiểu như "nước chỉ có một" và "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù" (1). Tuy nhiên "nước" trong nhận thức của những thanh, thiếu niên này không phải quốc gia, cũng không phải dân tộc, "nước" chỉ là Đảng cộng sản Việt Nam, là thể chế chính trị hiện tại ! Do ý niệm về "nước" chỉ đơn giản như vậy nên Việt Nam Cộng Hòa mới trở thành một loại "kẻ thù truyền kiếp", bất kể thế nào cũng phải "đào tận gốc, trốc tận rễ" và Hanni Pham mới trở thành mục tiêu.
Ngoài lập luận "nước chỉ có một", những thanh, thiếu niên ấy còn cùng nhau chia sẻ kiểu biện luận "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù" khi vận động tẩy chay Hanni Pham bởi ông bà, cha mẹ của cô có dính líu đến Việt Nam Cộng Hòa và có dấu hiệu ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa. Cứ thử tìm kiếm xem kiểu biện luận có tính phổ quát nhưng cực đoan đến mức quái gở ấy phát xuất từ đâu thì sẽ thấy nó nằm trong chương trình giáo dục phổ thông. Hệ thống giáo dục Việt Nam đã chọn suy nghĩ của nhân vật "ông Hai" trong "Làng" của "Kim Lân" để hướng dẫn những đứa trẻ lớp 9 rằng kiểu tư duy ấy, lối hành xử ấy là "biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng" (2) !
***
Cứ quan sát thực tế sẽ thấy kiểu tư duy "nước chỉ có một" với "nước" chỉ là Đảng cộng sản Việt Nam, là thể chế chính trị chính là một loại ẩn họa. Yếu tố đầu tiên khiến kiểu tư duy ấy trở thành ẩn họa là tạo ra những thế hệ vì yêu "nước" mà trở thành vô nhân, cổ vũ, nâng thù hận lên mức "đuổi tận, diệt tuyệt" cả "làng" chỉ vì không theo Đảng cộng sản Việt Nam, không tán thành thể chế chính trị hiện tại thành "biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của người Việt Nam", khuyến khích cá nhân "sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng". Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều dẫn chứng để tham khảo về hậu vận của những "cộng đồng" phi nhân, độc đoán, không chấp nhận khác biệt.
Chính vì việc xiển dương "nước chỉ có một" với "nước" chỉ là Đảng cộng sản Việt Nam, là thể chế chính trị hiện tại nên mới có những thế hệ xem bất công như đương nhiên, cúi đầu chấp nhận "nước" toàn quyền lựa chọn, sắp đặt những cá nhân tuy bất xứng cả về năng lực lẫn tư cách tiếp tục điều hành quốc gia. Chẳng lẽ vì "nước chỉ có một" nên phải cố sống, cố chết, nhắm mắt bảo vệ tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới, từ đời cha sang đời con và có đầy đủ dấu hiệu sẽ kéo dài cho đến đời cháu chắt ? Chẳng lẽ vì "nước chỉ có một" nên không cần đòi "nước" phải thay đổi đến gốc rễ để loại bỏ vĩnh viễn tình trạng "cả nước" nhẫn tâm tới mức cùng nhau "ăn" luôn sức khỏe, tính mạng của cả dân tộc khi quốc gia ngả nghiêng trong thảm họa như đợt đại dịch Covid-19 thứ tư hồi năm ngoái ?
Chẳng lẽ vì "nước chỉ có một" nên không cần và dứt khoát không cho ai được phép thắc mắc về việc vì sao, ngoài bất công về chính trị, muốn gì cũng phải "chạy", phải xin "cứu xét", nhiều thế hệ còn phải tiếp tục chấp nhận những thiệt thòi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, không chấp nhận băn khoăn tại sao muốn gì cũng phải "chạy", không cho ai bất bình tại sao sau hàng thập niên đèn sách trên sự hy sinh của cha mẹ, kể cả của chính mình nhưng hàng triệu thanh niên tốt nghiệp đại học, cao học chỉ có thể chạy xe ôm, chạy bàn, phát chuyển hàng hóa... hay thế chấp nhà cửa, ruộng vườn để được đi làm thuê ở nước ngoài và gánh chịu đủ mọi thứ cay đắng, tủi nhục trên xứ người ?
"Nước chỉ có một" nhưng "nước" đã cho vài ba thế hệ gần đây tại Việt Nam bao nhiêu cơ hội thực sự đáng tự hào về quốc gia, dân tộc như thiên hạ, ngoài việc khuyến khích "tự hào" về dăm thứ vốn dĩ vặt vãnh như kết quả một số trận đấu bóng đá và cơ hội liên kết để bày tỏ thù hận do "làng theo Tây thì phải thù" ? Ngay vào lúc này, có bao nhiêu thanh, thiếu niên bận tâm về kinh tế suy thoái chưa thấy điểm dừng, xã hội càng lúc càng hỗn loạn bởi đủ loại tệ nạn, ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức đến chuyện học hành, đến bữa cơm và sinh hoạt của chính gia đình mình ? Với những thế hệ mang nhận thức "nước chỉ có một" theo kiểu như vừa đề cập, có điểm sáng nào để nuôi hy vọng cho tương lai của xứ sở và dân tộc ? Trong lịch sử nhân loại chẳng có quốc gia nào, dân tộc nào thoát khỏi suy tàn khi vài ba thế hệ chỉ nhận thức như thế, tư duy như thế, hành xử như thế !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 14/02/2023
Tham khảo