Trung Quốc và Việt Nam liệu có quên được cuộc chiến 17/2/1979 ?
Mai Luân, RFA, 19/02/2023
Một nghịch lý lớn nhất của bang giao Trung – Việt là, cũng có lúc nền chính trị đại bác Trung Hoa lại trùng phùng với nền chính trị "tay co tay duỗi" xứ Đông Lào. Ở chỗ, kể cả kẻ bị cho là đã thất bại lẫn người được coi là bên thắng cuộc – cả hai – đôi lúc đều muốn lãng quên cuộc chiến đẫm máu 17/2/1979.
AFP
__________
Nhưng Trung Quốc không nhất quán
Cho đến nay, nhìn chung, lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa nuốt trôi thảm bại trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Trung Quốc giải thích mục tiêu của cuộc chiến tàn khốc ấy là để "thực hiện cuộc phản công tự vệ đối với Việt Nam". Trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu ấy, Trung Quốc đã huy động đến 60 vạn quân cùng với chín quân đoàn chủ lực, hơn 2.500 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Số quân nói trên vượt xa cả số quân của Pháp và Mỹ huy động suốt trong thời gian dài của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Ấy vậy mà, sau 25 – 27 ngày giao tranh của thời kỳ đầu, theo ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 lính Trung Quốc thương vong, trong khi phía Việt Nam, khoảng từ 35 nghìn đến 50.000. Cuộc xung đột ban đầu xảy ra trong thời gian ngắn, mà đã gây ra con số thương vong cao như vậy cho mỗi bên đủ nói lên sự ác liệt và man rợ của cuộc chiến biên giới (1).
Phải nhìn nhận thảm bại của Trung Quốc không chỉ là số thương vong cao nói trên, mà còn ở chỗ suốt thời kỳ đầu, Việt Nam chỉ mới dùng đến địa phương quân để đối phó với chiến thuật "biển người" của Trung Quốc, quân chính quy chỉ nhập cuộc muộn hơn. Ấy vậy mà Trung Quốc không tiến sâu được vào đất Việt Nam. (Chỗ vào sâu nhất là Bảo Thắng, Lào Cai cách biên giới hơn 50km. Thị xã Lạng Sơn cách biên giới khoảng 10km). Đấy vừa nỗi đau, vừa nỗi nhục của "quân giải phóng nhân dân" PLA mà Trung Quốc không muốn sử sách nhắc đến. Tại hội nghị Quân chính tháng 3/1979, Đặng Tiểu Bình chỉ trích tướng lĩnh Trung Quốc : "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp nhiều lần Việt Nam. Ở Cao Bằng gấp 5 – 6 lần. Ở Lạng Sơn, Lào Cai gấp 6 – 7 lần nhưng thương vong của chúng ta gấp bốn lần so với Việt Nam. Uy tín của chúng ta đã bị hủy diệt".
Tuy nhiên, thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc không nhất quán. Không phải lúc nào họ cũng hoàn toàn quên dư vị cay đắng do thảm bại về các mặt gây ra. Năm 2021, trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh với "500 đảng anh em" (ngày 6/7) và ăn mừng sinh nhật Đảng cộng sản Trung Quốc (ngày 1/7), Bắc Kinh vẫn liệt kê các cuộc xâm lược trong lịch sử cận đại chống lại Việt Nam trong các năm 1974, 1979, 1988 như là những thành tựu nổi bật. Những sự kiện đau lòng này được Tổng bí thư Tập Cận Bình đúc kết như là chuỗi thành tích trong 100 năm tồn tại của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ấy vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự buổi lễ mà không dám có bất cứ một phản ứng nào đối với Đảng cộng sản Trung Quốc cả (2). Vậy là mỗi lúc có nhu cầu tuyên truyền để kích động dư luận trong nước, Trung Quốc vẫn không ngần ngại nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979.
Còn Việt Nam thì "tay co tay duỗi"
Mặc dầu Việt Nam tuyên bố chiến thắng trong cuộc đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, nhưng cuộc chiến đã để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Khác với Trung Quốc là bên được cho là thua cuộc nhưng khi cần, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn ngợi ca chiến thắng "trong tưởng tượng" đối với cuộc chiến 17/2. Tuy là bên thắng cuộc nhưng Đảng cộng sản Việt Nam lại có nhiều lý do hơn để thật sự muốn lãng quên cuộc chiến 17/2. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là do tâm lý "thuộc quốc" trong một bộ phận lãnh đạo. Tâm lý ấy đẻ ra chính sách "tay co tay duỗi" – thò ra thụt vào, không đường đường chính chính – đối với các di sản của cuộc chiến.
Nhưng "nỗi sang chấn tinh thần" lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam chính là sự hụt hẫng khi cảm thấy mất chỗ dựa về ý thức hệ trong thời kỳ "hậu chiến tranh lạnh" ; nên vẫn không dám chọc vào sỹ diện của Trung Quốc, vẫn muốn vớt vát từ mối quan hệ "vừa yêu vừa ghét" ấy. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sinh thời đã từng chạy đôn chạy đáo trong gió tuyết Berlin (tháng 10/1989) để vận động một số nước xã hội chủ nghĩa nên có hội nghị tăng cường đoàn kết giữa các đảng để cứu chủ nghĩa xã hội, nhưng đa số các đảng cộng sản hồi ấy đều làm ngơ. Hội nghị Thành Đô một năm sau đó (tháng 9/1990) đã tạo cơ sở để lập lại hòa bình trên biên giới Việt – Trung. "Một biên giới chiến trường bắt đầu có cơ hội chuyển sang biên giới thị trường" (Huy Đức). Những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với Đảng cộng sản Việt Nam về việc không nhắc lại những "góc khuất" của quá khứ, trong đó có cuộc chiến tranh 17/2, có thể đã ra đời trong bối cảnh ấy.
Vẫn biết hàng năm, Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ cấm tiệt báo chí và các phương tiện truyền thông khác viết bài nhắc lại cuộc chiến tranh vệ quốc 17/2, cấm hẳn việc tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi lễ tưởng niệm. Đảng còn đi xa hơn bằng cách trong nhiều năm đã bắt bớ, đàn áp, thậm chí là bỏ tù một số người tham gia các hoạt động nói trên. Đảng cộng sản Việt Nam biết rằng hành động chống lại nhân dân như thế tức vô hình chung Đảng đang đánh mất tính chính danh của mình trong lòng dân tộc. Năm 2023 này, mọi chuyện lại càng phải im ắng hơn, vì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mới đi thăm chính thức Trung Quốc về.
So sánh tuyên bố chung giữa Trung Quốc với Việt Nam và giữa Trung Quốc với Campuchia, thấy có sự khác nhau khá cơ bản. Đó là, tuy cam kết "chia sẻ tương lai chung" với Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Hun Sen không hưởng ứng đối với "Sáng kiến Phát triển toàn cầu" (GDI) và "Sáng kiến An ninh toàn cầu" (GSI) như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết. Điều này quan trọng ở chỗ : GDI, GSI cùng với BRI sẽ là những trụ cột của "Trật tự Trung Hoa" mà Trung Quốc đang thiết kế để thay thế Trật tự hiện nay của Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác.
Khi "chiếc xe ngựa" Đông Lào bị "bịt mắt" để nối chuyến với "đầu tàu" Bắc Kinh, như Tuyên bố chung Tập – Trọng, dĩ nhiên từ nay, Đảng cộng sản Việt Nam càng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" (3). Nghĩa là những người dân thật sự muốn quan tâm đến vận mệnh và tương lai đất nước, sẽ không còn nhiều cơ hội để được nhắc lại những ký ức bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc ngày 17/2/1979. Và năm này qua năm khác, chúng ta lại sẽ được nghe lời giải thích giả dối của Đảng và Nhà nước : Không nên nhắc lại cuộc chiến năm xưa, vì làm như thế, "các thế lực thù địch" sẽ lợi dụng để xuyên tạc và phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung.
Mai Luân
Nguồn : RFA, 19/02/2023
Tham khảo :
1. https://www.bbc.com/vietnamese/39029505
************************
Nhà nước vẫn không tưởng niệm ngày 17/2
Trần Đông A, VOA, 18/02/2023
17/2 năm nay, Bộ Công thương không tính là ngày lễ tưởng niệm. Tuy vậy, hàng triệu chiến sĩ, đồng bào từ Bắc chí Nam – những người từng trực tiếp hoặc có thân nhân tham gia trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trên 6 tỉnh biên giới phía bắc năm 1979 – hết thảy đều đang băn khoăn, khắc khoải…
Nghĩa trang các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận chiến ngày 17/2/1979 với Trung Quốc.
Mặc dầu Trung Quốc và Việt Nam đều đã mở cửa thông thương nhưng du lịch tự do giữa hai nước hiện vẫn chưa được thực thi. Trung Quốc chưa cấp lại visa du lịch cho khách Việt và ngược lại. Theo bà Nguyễn Lệ Bình, Phó giám đốc Phòng Du lịch Việt Nam, Công ty du lịch Hải Ngoại Quảng Tây (Thành phố Nam Ninh), hiện các công ty lữ hành phía Trung Quốc vẫn chưa mở bán tour đưa khách sang Việt Nam do các vướng mắc về thủ tục. Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam vừa gửi công hàm tới Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc đề nghị sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo tour. Trong tháng 1/2023 Trung Quốc công bố danh sách 20 quốc gia thí điểm công dân nước này được đi du lịch theo tour hoặc tự túc, nhưng trong số đó không có Việt Nam. Đại diện các Công ty lữ hành và Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng định Trung Quốc là thị trường lớn và việc khách Trung Quốc chưa sang ta là một áp lực đối với ngành du lịch trong việc hoàn thành mục tiêu 8 triệu khách ngoại năm nay.
Trong khi đó, cuối tháng Một vừa qua, báo Công thương – Cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương và là diễn đàn của giới công thương Việt Nam – đã có bài viết về những sự kiện lớn, những ngày lễ đặc biệt trong tháng 2/2023 này. Ngoài ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, bài viết liệt kê cả ngày Thần tài, ngày Valentine… nhưng không liệt kê 17/2 – ngày Trung Quốc khởi sự cuộc tấn công trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới Việt Nam – làm ngày tưởng niệm. Cần minh định rõ ràng, ngày này 44 năm trước, cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu đã diễn ra giữa hai nước từng được mệnh danh "vừa là đồng chí vừa là anh em". Trung Quốc tuyên bố muốn "dạy cho Việt Nam một bài học". Rạng sáng ngày 17/2/1979, sáu trăm ngàn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng hơn 2.500 khẩu pháo, năm trăm xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Phải nhắc lại cuộc xâm lăng này của Trung Quốc là cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn độc. Quân dân ta đã anh dũng kháng cự, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi biên giới, giành thắng lợi vẻ vang. Điều này cần phải ghi vào sử sách minh bạch và cần được giảng dạy trong nhà trường. Đợt tấn công kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, nhưng cuộc chiến vẫn dai dẳng cho tận năm 1989. Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, sau đó tuyên bố Trung Quốc đã đạt được chiến thắng về chính trị và chiến thắng chung cuộc, đồng thời khẳng định quân Trung Quốc "đã có thể tiến thẳng tới Hà Nội nếu muốn". Tuy nhiên, theo giới quan sát, dường như Việt Nam vẫn coi nhẹ những kinh nghiệm và bài học năm 1979 trong quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc vẫn âm mưu cướp đất, lấn biển và thôn tính, trong khi lãnh đạo Việt Nam, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt – Trung luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tình trạng mất cảnh giác càng nguy hiểm khi cục diện quốc tế trong khu vực năm nay đang chuyển dịch lên một cấp độ mới và hết sức nguy hiểm do vụ scandal khinh khí cầu Trung Quốc do thám Mỹ bị bắn hạ. Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen sáu thực thể của Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến các chương trình hàng không vũ trụ của Bắc Kinh như một phần của sự trả đũa đối với một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi ngang qua không phận của Hoa Kỳ. Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hiện đang hình thành mô hình mới, với ba tuyến chính : dưới – giữa – trên. Tuyến dưới lấy Đài Loan làm làn ranh đỏ. Tuyến giữa nhấn mạnh nguyên tắc "đấu nhưng không vỡ". Lĩnh vực nào cần cạnh tranh thì cạnh tranh, cần hợp tác thì hợp tác. Còn tuyến trên hy vọng Trung Quốc "quay lại cải cách và mở cửa". Dư luận cũng cho rằng, quan hệ Trung – Mỹ đang bước vào thời kỳ "hôn mê" một thời gian. Nhưng nếu nay mai nổ ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ động thủ, đánh Việt Nam trước tiên.
Cách đây 44 năm, chẳng cần chờ đến khi Trung Quốc tự vỗ ngực là "NATO phương Đông" thế giới mới bừng tỉnh về động cơ thực sự của việc "đánh Việt Nam cho thiên hạ xem" (Lời của Đặng). Trong "Ma chiến hữu", Mạc Ngôn đã lớn tiếng tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô nghĩa ấy theo cách riêng của ông. Mạc Ngôn mô tả những xác chết của binh lính Tàu được đếm như xác súc vật ở biên giới phía Bắc đều là di thể của những nông dân nghèo khó. Họ tòng quân không vì "chính nghĩa" của nhà cầm quyền, mà cốt chỉ để có ba bữa tạm no và vài bộ quân phục đủ ấm giữa mùa đông. Chỉ tình từ khi nhà nước Cộng hòa dân chủ ra đời (2/9/1945), cuộc chiến tháng 2/1979 là một trong ba cuộc xâm lược Trung Quốc trực tiếp đánh Việt Nam : tháng 1/1974, tháng 2/1979 và tháng 3/1988. Ba cuộc chiến ấy có thể ví như ba mũi tiêm chủng tăng thêm sức đề kháng để biết cách chống lại mọi mưu đồ và hành động lấn lướt của Trung Quốc đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền bi ển đảo của Việt Nam. Sẵn sàng đối phó với mọi mưu đồ xấu ấy, nhưng chúng ta không hằn thù dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh việc phải hòa hiếu và khoan dung với Trung Quốc, vẫn phải thường xuyên củng cố hệ thống các đối tác trong và ngoài khuôn khổ ASEAN. Phải thúc đẩy cả hai tiến trình : kiến tạo nền dân chủ nội trị, hội nhập quốc tế và kết nối toàn cầu vững mạnh.
Nhà nước không tổ chức lễ tưởng niệm 17/2 nhưng dư luận "lề dân" chắc chắn không bao giờ quên những đặc điểm nổi nhất của cuộc chiến bảo vệ biên cương phía bắc Tổ quốc năm 1979. Chưa có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử Việt Nam được cả chính quyền lẫn các sử quan "lãng quên nhanh nhất" và "bỏ chạy một cách kỹ lưỡng nhất" (từ của Giáo sư Trần Ngọc Vương). Còn nhà báo Huy Đức thì nhận định rằng : "Cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, kéo dài hơn mười năm đã cướp đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể của hàng vạn thanh niên thuộc thế hệ chúng tôi (sinh trong các thập niên 1950, 1960), đồng thời làm khánh kiệt quốc gia và nhấn chìm vị thế của Việt Nam xuống đáy". Họa sĩ Trần Lương nói với truyền thông quốc tế : "Tôi ngạc nhiên và suy nghĩ về hiện tượng ‘Việt gian’. Liệu có phải là một hội chứng mang tính ‘truyền thống’ không ?"
Dư luận hoàn toàn có lý khi nghĩ như họa sĩ Trần Lương, vì cái bản tính hèn nhát, nhược tiểu trước ‘thiên triều’ vẫn lẩn khuất trong một bộ phận lãnh đạo, những kẻ thực dụng và bọn người giàu nứt đố đổ vách. Bọn này không xứng đại diện cho vị thế một đất nước có lịch sử lâu đời và đông dân thứ 15 trên thế giới". Những ngày này, hàng triệu chiến sĩ, đồng bào trong cả nước – những người từng trực tiếp hoặc có thân nhân tham gia trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trên 6 tỉnh biên giới phía bắc năm 1979 – hết thảy đều đang băn khoăn, khắc khoải. Băn khoăn, vì sao đồng loại lại có thể dễ dàng quên ơn những người đã ngã xuống cho sự bình yên hôm nay. Còn khắc khoải, vì nhãn quan chính trị của lãnh đạo ngày nay sao lại hạn hẹp vậy ?
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 18/02/2023
****************************
Trí thức trong nước âm thầm tưởng niệm 44 năm chiến tranh biên giới Việt - Trung
VOA, 17/02/2023
Hôm 17/2, vì không được ra bên ngoài, một số trí thức Việt Nam tổ chức tưởng niệm tại nhà nhân dịp 44 năm ngày diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc, một sự kiện mà họ cho rằng người dân Việt Nam không thể nào quên nhưng lại bị chính quyền "né tránh, lờ đi". Trong số này một có trường hợp bị an ninh ngăn cản không cho thắp hương ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung Quốc phát động chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979, khi ấy Bắc Kinh xua 60 vạn quân tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, nói rằng đó là "cuộc phản công tự vệ".
Đến ngày 18/3/1979, phía Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân sau 1 tháng gây chiến. Dù chưa công bố chính thức về thiệt hại trong cuộc chiến này, phía Việt Nam cho biết có đến 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong ; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng.
Nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài dai dẳng 10 năm - mãi đến năm 1989 thì tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới ngưng tiếng súng.
Dịp này, các trí thức Việt Nam không chỉ gợi nhớ đến "cuộc xâm lược man rợ" của Trung Quốc mà còn nhắc nhở về hiểm họa lâu dài từ nước láng giềng phương bắc.
Từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào, nêu nhận định với VOA hôm 17/2, khi ông chia sẻ thông tin và cảm nghĩ của mình về cuộc chiến trên mạng xã hội :
"Sự kiện này trong nhân dân thì người ta rất sục sôi, căm giận vì tội ác mà nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra không chỉ trong cuộc chiến tranh này, mà còn gây ra trong suốt quá trình Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
"Nhiều hậu họa mà người dân căm giận. Trong những ngày này, đáng lẽ chính quyền phải tìm cách khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết lại để bảo vệ đất nước, thì người ta tìm cách lờ đi. Đó là điều đau buồn trong ngày 17/2 này".
Nhà văn Phạm Viết Đào cho biết thêm : "Đảng và nhà nước thì tìm cách né tránh lờ đi còn dân thì căm giận sục sôi trước tội ác quân xâm lược Trung Quốc gây ra cho đất nước, dân tộc ; trước những tài sản đất đai của nhân dân bị Trung Quốc lừa chiếm…"
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ, nhà báo độc lập Hoàng Thụy Hưng, cho VOA biết vợ chồng ông bị an ninh ngăn cản không cho ra đền tưởng niệm Trần Hưng Đạo ở trung tâm thành phố để đốt hương tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới.
"Hôm nay theo thói quen, cũng ra đó để dâng hương. Nhà tôi có hai người em ruột hy sinh trong các cuộc chiến đấu như thế.
"Khi ra đến cổng chung cư thì tôi bị các anh an ninh ngăn lại. Các anh cũng lịch sự nói rằng : "Bác thông cảm. Hôm nay bác không đi đâu hết. Cả ngày hôm nay !"
"Tôi ra đó với ý định cũng tốt đẹp thôi, nhưng họ nói "Đây là lệnh chung" với lý do rằng sợ những cuộc tập hợp như vậy trong những ngày này sợ sẽ "có kẻ lợi dụng phá hoại".
"Vì họ nói như thế nên chúng tôi cũng không làm sao ra được, nên đành phải trở về nhà thắp hương tưởng niệm trong nhà".
Ông Hưng cho biết thêm rằng khoảng chừng 4-5 năm gần đây, chính quyền thường xuyên ngăn chặn những cuộc tụ tập như thế. Ông dẫn lời nhà chức trách lấy lý do cho rằng những sự kiện này có thể bị "lợi dụng" để làm xấu hình ảnh đất nước.
VOA đã liên lạc Công an Quận 7 và Công an Tp. HCM, nơi ông Hưng cư trú, và đề nghị họ cho ý kiến về việc vợ chồng ông bị ngăn chặn, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 17/2, tạp chí The Diplomat đăng một bài của tác giả Christelle Nguyen, một nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á, với tựa "Cuộc chiến biên giới Việt – Trung bị quên lãng có chủ ý như thế nào", trong đó nhận định rằng Trung Quốc thời gian qua đã tìm cách củng cố quan điểm lấy Trung Quốc làm trung tâm của mình về thế giới, coi các quốc gia nhỏ ở ngoại vi của Trung Quốc, bao gồm cả Việt Nam, là thấp kém hơn và nằm trong quỹ đạo chính đáng trong ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tác giả nhận định rằng dưới con mắt của chính quyền Việt Nam, việc người dân tưởng niệm cuộc chiến biên giới có thể bất lợi cho Hà Nội, những người đang muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì các lý do kinh tế và các lý do khác. Chính vì vậy, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ tổ chức kỷ niệm đánh dấu chiến thắng việc đẩy lùi quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng sự phô trương, không giống như các lễ kỷ niệm mừng chiến thắng trước quân đội Hoa Kỳ và Pháp.
Tác giả nói rằng cuộc chiến này hoàn toàn không được nhắc đến trong sách giáo khoa Trung Quốc đã đành, nhưng trong khi sách giáo khoa cuối năm lớp 12 của Việt Nam thì cũng đề cập rất ít ỏi.
Gần nửa thế kỷ sau, cả hai bên vẫn đàn áp các lễ kỷ niệm chính thức về cuộc chiến đã gây ra cái chết của hàng chục nghìn binh sĩ của cả hai phía. Tác giả viết : "Sự im lặng chính thức về Chiến tranh Trung-Việt bắt nguồn từ nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm kiểm soát ký ức tập thể chống lại với nỗ lực của người dân khi họ lý giải những bất công".
Hôm 17/2, trang VietnamNet có bài viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, nói rằng : "Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển" và đưa ra thông điệp "không phải kích động hận thù".
Nguồn : VOA, 17/02/2023
************************
An ninh ngăn tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung do sợ "lợi dụng để phá phách"
RFA, 17/02/2023
Lực lượng an ninh ở hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục ngăn trở người dân tưởng niệm đồng bào bị Trung Quốc giết hại trong cuộc xâm lược ở sáu tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam 44 năm trước.
Người Hà Nội tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 16/2/2023 - Đặng Phương Bích
Ghi nhận trong ngày 17/2/2023, nhà chức trách ở các địa phương đưa các lực lượng như công an, dân phòng và bảo vệ tổ dân phố... đến canh giữ gần tư gia của người hoạt động, cùng với việc đưa quân phong toả các địa điểm như tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội hay tượng đài Đức Thánh Trần ở bến Bạch Đằng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng (Hoàng Hưng), một thành viên trong Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết ông và vợ bị chặn ngay gần nhà khi họ định đi ra bến Bạch Đằng vào sáng thứ sáu.
"Hai vợ chồng tôi chuẩn bị hương để đi ra tưởng niệm nhưng vừa ra tới cổng chung cư thì có hai anh an ninh lễ phép ngăn lại và nói ‘hôm nay bác đừng đi đâu cả.’
Họ nói ‘Chúng cháu được lệnh không để hai bác đi. Việc tưởng niệm thì cũng chính đáng thôi nhưng sợ bị lợi dụng để phá phách nên các bác thông cảm, trong ngày hôm nay đừng đi đâu.’"
Ông Hưng cho biết vợ ông có hai người em, một người hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía bắc, người khác ngã xuống ở chiến trường Tây Nam trong cuộc chiến với Polpot, Campuchia.
Do sự ngăn cản của lực lượng an ninh, vợ chồng ông phải quay về nhà và tưởng niệm trong không gian kín.
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho biết ông có ra được bến Bạch Đằng để thắp hương ở chân tượng Trần Hưng Đạo, bởi vì ông đã đi khỏi nhà từ năm hôm trước.
Sáng sớm ngày 17/2 ông quay về thành phố và đứng ẩn ở một nơi gần tượng đài để những người khác vì hẹn nhau cùng có mặt lúc 8 giờ 30, tuy nhiên ông không thấy một người quen nào đến được gần khu vực tượng đài.
Ông cho biết, chính quyền vẫn để cho người dân thắp nhang tưởng niệm nhưng "những người nhạy cảm như ông Hoàng Hưng, tôi hay ông Trang (giáo sư Mạc Văn Trang- PV)" vẫn tìm cách giữ ở nhà.
Ở Hà Nội, bà Hoàng Hà cho biết chính quyền địa phương tiếp tục ngăn trở như đã làm nhiều năm qua. Bà nói :
"Nhà chị vẫn bị canh. Từ tối hôm qua đã gọi điện và đến tận nhà để xem chị có ở nhà hay không. Sáng nay thì đưa người đến canh".
Tuy nhiên, bà Hoàng Hà ngồi sau xe máy của con gái để ra khỏi nhà mà không bị chặn lại, không biết là do họ không phát hiện ra hay là họ lờ đi.
Tuy nhiên, họ vẫn ở lại canh cho đến khi bà trở về sau khi thắp hương cho các liệt sĩ ở Nghĩa trang Tây Tựu (huyện Từ Liêm), nơi có hàng nghìn mộ những người lính hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc.
Ông Lê Hoàng, một thành viên tích cực của No-U Hà Nội cho biết sáng sớm, công an khu vực đã đến hỏi thăm, và sau đó bỏ đi uống cà phê sáng khi được ông cho biết có thể đi thắp hương ở nghĩa trang.
"Sáng nay sớm lắm, khi tôi còn chưa đi làm, công an khu vực đến hỏi có chương trình tưởng niệm gì không. Tôi có nói tầm trưa có thể sẽ đến nghĩa trang Tây Tựu thắp hương. Người này nói ‘nghĩa trang thì được, chứ đừng ra Bờ Hồ kẻo bọn anh lại canh chặn và phiền em".
Ông Lê Hoàng cho biết khi đi ngang qua khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, ông thấy có nhiều công an và dân phòng đứng ở đây sẵn sàng can thiệp khi có đông người tụ tập.
Tuy nhiên, cả ông Lê Thân, bà Hoàng Hà và ông Lê Hoàng cho biết thái độ của phía an ninh có phần mềm mỏng hơn những năm trước.
Ông Lê Thân cho biết khi phát hiện ra ông, một số nhân viên an ninh quen mặt đến nói chuyện với ông và cùng ông thắp hương. Ở chân tượng còn có bàn nhỏ với cốc nước, bình hoa và hương để người dân tưởng niệm, một điều không có trong những năm trước đây.
Ông cho biết trong vài năm gần đây, lực lượng an ninh áp dụng nhiều biện pháp gắt gao, sẵn sàng câu lưu những người hoạt động hay những trí thức có tên tuổi khi họ tiến gần khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo.
Bà Hoàng Hà cho rằng, an ninh năm nay cũng nới lỏng và do vậy bà có thể rời khỏi nhà. Ở nghĩa trang Tây Tựu vẫn có nhiều an ninh và họ quay phim những người đến thắp hương và viếng mộ nhưng không có hành động cản trở gì và thái độ cũng ôn hòa hơn so với các năm trước.
Còn ông Lê Hoàng kể lại, an ninh các năm trước đến canh nhà ông từ hôm trước buổi tưởng niệm, và đóng chốt cả ngày. Nhiều nhà hoạt động đã bị bắt hoặc câu lưu trong những dịp kỷ niệm các cuộc chiến với Trung Quốc như vậy.
Tuy năm nay lực lượng an ninh không chặn việc tưởng niệm một cách gắt gao, nhưng truyền thông nhà nước im lặng hoặc nhắc lại sự kiện Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam mùa xuân năm 1979 một cách không đầy đủ, không dám nêu đích danh tên của "nước láng giềng to xác xấu bụng" mà chỉ nói "cuộc chiến biên giới".
Nguồn : RFA, 17/02/2023