Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2023

Điều 331 dùng để bắt những ai dám vượt ra khỏi lề đảng

Nhiều tác giả

Cuồn cuộn Phương Hằng, con chim mồi vĩ đại của cái bẫy 331 !

Gió Bấc, RFA, 28/02/2023

Liên quan đến cuồn cuộn Nguyễn Phương Hằng, đến nay đã có 10 bị can bị khởi tố theo điều 331 về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, ngoài ra còn hơn 20 bị can tiềm năng khác theo danh sách những người bị Phương Hằng tố cáo đang thấp thỏm dưới lưởi gươm thần chết có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

331-1

Có đủ cơ sở khẳng định Phương Hằng là con chim mồi vĩ đại. Thâm sĩ Tàu thừng khen tặng những cung thủ tài ba là Nhất Tiễn song điêu. Đảng từng tuyên dương anh hùng du kích thiện xạ Huỳnh Văn Đảnh 100 viên đạn diệt 101 quân thù. So với Phương Hằng tất cả đều là đồ bỏ. Chim mồi Phương Hằng có thể là nhất tiễn hạ thập điêu, thiên điêu, vạn điêu túy theo ý thích của đảng. Nhờ vào ngôn ngữ chợ búa và các tình tiết tình huống ly kỳ của quan hệ tình tiền, Phương Hằng đã giúp điều 331 từ đạn súng lục thành bom tấn, bóp nghẹt ý kiến cá nhân, trấn áp xã hội dân sự từ mầm mống, trứng nước.

Sau nhiều năm trời sử dụng lực lượng tổng hợp từ đồng chí cao tăng tiến sĩ Thích Nhặt Tiền, cài cắm luật sư hai mang Trần Quốc Dũ, côn đồ mạng Nguyễn Sin và tầng tầng lớp lớp báo chí cách mạng đơm đặt vu khống cụ Tùng Vân và các thành viên Tịnh thất Bồng Lai vẫn không hiệu quả, chỉ qua cái loa Phương Hằng, đảng đã tạo được hậu thuẫn dư luận đáng kể xuống tay khởi tố, bắt giam trót lọt. Lừa đảo, loạn luân… bao nhiêu điều xấu xa bỉ ổi được phun ra chỉ ngậm lại mỗi điều 331.

Mới đây, trong ngày đêm 24/2, danh sách nạn nhân điều luật quái ác 331 được nối dài thêm ba người nổi tiếng nhà báo Luật sư Hàn Ni, Luật sư Trần Văn Sỹ, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân vì tham gia vào cái mà cộng đồng mạng Việt Nam gọi là "chửi lộn online". Xem ra danh dự nhân phẩm con người trên mạng xã hội ở xứ này được đề cao quá sức. Trong đời thực gây lộn, chửi cha mắng mẹ nhau thoải mái thậm chí đánh nhau sứt đầu gãy gọng mà thương tích chưa quá 11% thì cứ vô tư. Đường đường là tiến sĩ luật tham gia livestream cố vấn cho Phương Hằng chửi cha thiên hạ bị vô tù nghe có lý. Nhưng ôn tồn phận tích pháp lý như luật sư Trần Văn Sỹ hay lanh chanh giải đáp pháp luật có dẫn chiếu tình huống pháp lý cụ thể, bi con cuồn cuộn Phương Hằng chửi, được công an Bình Dương xác định là bị hại trong vụ án giờ lại dính tội trở thành bị cáo trong vụ án thì thiệt là khó hiểu.

Vậy từ Phương Hằng, cụ Tùng Vân đến những người khác thật sự phạm tội gì, vì sao họ bị bắt, họ xúc phạm đến ai ? Xem xét cái riêng và cái chung của họ thì mới có thể lờ mờ hiểu chút chút về sự vi diệu của điều luật 331 đậm đà bản sắc dân tộc, có một không hai trên thế giới.

Nhóm cụ Tùng Vân và các đệ tử. Nhóm này đáng tội mà phạm nhiều tội. Với sự bao dung hòa hợp hòa giải của đảng, ai không theo đảng, không phục tùng tức là chống đảng. Đảng đã mở ra giáo hội quốc doanh để tạo điều kiện tu hành theo đạo pháp xã hội chủ nghĩa. Sẵn sàng cấp đất hàng trăm hàng ngàn ha để lập chùa lớn phật to, thu tiền cúng dường xả láng. Ơn sủng cỡ đó không biết cúi đầu thọ nhận lại rắp tâm trồng rau, nuôi cá, làm nhang sống ngoài vòng giáo hội là tội lớn. Tu mà không biết nhận cúng dường, không nộp tiền bảo kê cho quan chức địa phương, khi được gợi ý đóng góp 300 triệu làm căn cước lại bày trò thưa kiện làm lộ bí mật, mất mặt bầu cua chế độ xã hội chủ nghĩa công bằng văn minh thì tội đáng chết đến ba đời.

Cuồn cuộn Phương Hằng tính ra công nhiều hơn tội. Vạch lưng nghệ sĩ làm từ thiện bẩn, giúp đảng gom tiền dân về một mối. Giúp dư luận xã xì trét pha loãng các trái bom bể bạc nợ nần của các ông lớn quốc doanh. Tiếp tay xây dựng nền văn hóa mới, văn minh đấu tố của Hồng Vệ Binh triệt phá tận gốc lối sống đạo nghĩa, khiêm tốn nhân ái cổ hủ. Công lớn nhất là kích động lôi cuốn đám đông, cả những kẻ có hiểu biết nhưng thừa sân si tham gia vào danh sách tù nhân dự bị. Công cũng chính là tội khi mê cuồng ngáo đá, con chim mồi lại tưởng mình là nhất phẩm triều đình tố giác Phó chủ tịch nước, níu áo Bác Tổng nhận bừa là vi cánh. Hơn thế nửa theo đạo lý qua cầu rút ván, được cá quăng nôm thì dù không có tội, khi cuộc săn tàn phải thịt chó săn, vai diễn của em phải kết thúc bi hài như vậy có sẵn trong kịch bản.

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân diễn trọn vai tả phù hữu bật trong các màn đầu nhưng kết thúc phải vào vai Lê Lai cứu Tổng đạo diễn. Cơ quan điều tra ba lần kết luận từ làm lơ đến chân thành bênh vực Quân không đủ yếu tố cấu thành tội (a). Nhưng Anh Quân phải bị khởi tố vì Viện Kiểm Sát ba lần trả hồ sơ và nêu đúng họ tên, tội phạm (b). 

Trước một ông thầy dạy luật lại vô đạo đức tham gia phò tá cho con cuồn cuộn chửi lộn online, bị dư luận phỉ nhổ làm lem luốc danh dự nhà trường tưởng quá đủ yếu tố để tống cổ. Ấy vậy mà lãnh đạo trường nhã nhặn trả lời nằm ngoài phạm vi trách nhiệm. Nhưng ngay khi công an khởi tố, lập tức trường làm việc thông tầm không kể ngày nghỉ cuối tuần, lập tổ công tác để xử lý ngài tiến sĩ. Vậy đủ biết vai vế bên trong của Anh Quân cao đến mức nào. Nhưng trong cuộc chơi phải theo đúng luật chơi, đã lộ hình thì phải chịu hy sinh.

Nhà báo-luật sư Hàn Ni, người hùng của vụ án quán Xin Chào nhỏ như cái móng tay của thiếu tướng Phan Anh Minh làm giàn lãnh đạo công an, kiểm sát Bình Chánh phải về vườn tức tưởi đã ghi một món nợ không nhỏ với Công an thành Hồ. Phóng viên báo đảng không thể không là đảng viên, vị thế chính trị vững vàng, lại được dư luận tung hô là Hoa Hồng Thép, có thêm bằng Cao học Luật, Hàn Ni tham gia giải thích pháp lý trong các cuộc chửi lộn online và dẫm theo vết xe đổ của Phương Hằng. Hàn Ni có công rất lớn trong cách biện minh cho công an điều tra vu cáo Thiền Am về tội loạn luân.

Lập luận khoa học, dễ thương của cô là nếu bị vu cáo loạn luân, nếu kết quả giám định AND được rêu rao trên báo, trên mạng là giả tạo, Thiền Am có quyền khiếu kiện nhưng họ đã không thực hiện. Nói cách nào đó thì Hàn Ni đã truyền bá quan điểm suy đoán có tội rất tinh vi. Hàn Ni cứ tưởng mình là thành phần được tin cậy cho đến lúc bị bắt vào lúc gần nửa đêm 24/2 lúc đầu tóc rối bù. Kể từ giờ, Hàn Ni sẽ có dịp thực hiện quyền khiếu nại và chứng minh vô tội cho mình. Cũng như Phương Hằng, Hàn Ni tự tin mình là trung thần, công thần của chế độ, niềm tin được cấp trên gieo rắc ấy không sai. Chỉ là cấp trên chưa nói hết ý, công thần cũng phải biết hy sinh khi cần thiết.

Trong vụ án đình đám Cimexcol Minh Hải gần 40 năm trước, thường vụ tỉnh ủy Minh Hải đã phải họp chọn ra một người cùng tham gia làm bị cáo để cho có vẻ hài hòa, có ta có nó, chỉ cần im lặng chịu một thời gian, sau đó sẽ phục hồi quyền lợi. Ông Lê Văn Bình - Năm Hạnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã được chọn nhưng ông làm bị cáo thật mà không chịu sắm vai nên bị tuyên án thật, đến chết vẫn không phục hồi quyền lợi. Đó là cái giá phải trả trong cuộc chiến bảo vệ nhân phẩm, từ chối quyền lợi vinh hoa hư ảo của một thứ con người công cụ (1).

Luật sư Trần Văn Sỹ vốn điềm đạm, tự tin vào kiến thức pháp luật và rao giảng cho người dân hiểu và tin theo sự công bằng của nền pháp luật. Ông phân tích thấu đáo dự đoán tình huống pháp lý trong diễn biến mối quan hệ tình tiền của Dũng-Hằng. Ông cho rằng oan án Thiền Am là vi phạm tố tụng của công an tỉnh Long An và nhiệt liệt mong chờ sự công minh sáng suốt của Bộ Công an vào cuộc làm vụ án sáng tỏ. Hiểu biết pháp luật của ông là đúng nhưng chưa đủ. Pháp luật của xứ thiên đường rất linh hoạt. Có những điều luật, bộ luật để nhằm đối ngoại như hàng mẫu để show không bán. Quyền Biểu Tình, Quyền Đình Công, Quyền Lập Hội… được Hiến pháp ghi nhận nhưng muôn đời không đươc cụ thể hóa, thi hành. Quyền Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Tôn Giáo là quyền người dân được nghe, nói, tu hành theo ý đảng. Phản biện là quyền được nói không chỉ đúng ý, đúng giọng, đúng cả nhịp điệu theo chủ trương. Giống như anh chồng được quyền cự vợ "Tôi nghiêm khắc kiểm điểm bà tại sao tháng này chỉ thu 80% mà không thu hết 100% thu nhập của tôi". Đảng sẽ giúp đở cho ông Sỹ thấu cảm sự vi diệu của điều 331. Nó chỉ áp dụng với người bên ngoài, hoặc phe ta chưa bị lộ rõ ràng. Với những kẻ côn đồ thuộc phe ta dù vu báng con người rất man rợ, đểu cáng, vô luơng, bị đoàn luật sư kỷ luật phơi áo, dù bị hàng chục lá đơn tố cáo vẫn bình chân như vại. Đó là luật sư Trần Quốc Dũ (2)

Nguyên do luật sư Trần Văn Sỹ và nhà báo Hàn Ni bị khởi tố là có trong danh sách bị bà Phương Hằng tố cáo. Danh sách này có đến 35 người, những ứng viên tiềm năng bị khởi tố theo điều 331 còn dài.

Vấn đề là vì sao Thiền Am, Hàn Ni, Trần Văn Sỹ được ưu tiên khởi tố ?

Ngoài những tội riêng của từng đối tượng đã nêu, điểm chung nhất của ba nhóm này họ có điểm chung được gọi là người có thể gây ảnh hưởng. Kênh youtube Năm Chú Tiểu của Thiền Am đạt danh hiệu Nút Phím vang có hàng triệu người đăng ký theo dõi, Kênh youtube Nhà báo Hàn Ni có 109.000 người đăng ký (3), Kênh Luật sư Trần Văn Sỹ có 124.000 người đăng ký (4)

Trong chế độ toàn trị, chỉ có Đảng là tổ chức duy nhất được quyền cai trị đất nước, dân tộc từ đất đai, biển hồ, sông núi đến cả không khí. Sự thống trị ấy là tuyệt đối. Thời Hồ Chí Minh còn sống, đất nước còn chia cắt, công an chưa đủ mạnh người ta còn giả vờ mị dân lập ra hai đảng Dân chủ và Xã hội, phân công một số đảng viên cộng sản sắm vai lãnh đạo. Nhưng khi công an đã đủ mạnh, không cần mỵ dân, đảng cầm quyền đã tặng huân chương Độc Lập và cho phép hai cái đảng hờ hoàn thành nhiệm vụ, tự giải tán không kèn không trống.

Từ đó đến nay, mọi sự chia sẻ quyền lực đều là phản động. Câu lạc bộ Những người kháng chiến cũ ở thành Hồ gồm toàn công thần vào sinh ra tử như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Thị Bi, Dương Quang Đông, Trần Văn Trà…. bị phân hóa, đàn áp thẳng tay. Lão thần Nguyễn Hộ bị bắt giam như một tên thảo khấu. Mới đây, đảng viên lão thành Lê Đình Kình ở Đồng Tâm chết không toàn thây, ba thế hệ trong gia đình bị tử hình, chung thân. Nhà báo Phan Lợi bị bắt vì tiếng nói đấu tranh cho môi trường trên diễn đàn Nhà Báo Trẻ và kênh TV độc lập của anh. Nhà báo Phạm Chí Dũng bị vùi vập vì manh nha đòi xây dựng các tổ chức công đoàn độc lập.

Phương Hằng, Hàn Ni, Trần Văn Sĩ, chỉ là khúc dạo đầu cho cuộc khủng bố trên diện rộng những người có thể gây ảnh hưởng. Mọi mầm mống của các quyền tự do, mọi thành tố của xã hội dân sự sẽ bị và phải bị tiêu diệt từ trong trứng nước. Điều 331 là sợi dây thóng lọng ác nghiệt nhất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng đàn áp sau các vụ án thăm dò từ danh sách tử thần của con chim mồi vĩ đại Nguyễn Phương Hằng.

Hội Cựu Chiến Binh thành cổ Quảng Trị gồm những người không hề là chiến binh để xôi thịt, xà xẻo lợi ích có thể được phép tồn tại, thậm chí có thể được nuôi bằng ngân sách như những Hội Cựu Chiến Binh, Cựu Công An nhưng ngay cả cái Hội Cựu Tướng Lảnh của một huyện ở Nghệ An Hà Tỉnh cũng phải giải tán.

Độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản muôn năm ! Điều 331 bắt giam bọn chửi lộn online muôn năm !

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 28/02/2023

a. https://thanhnien.vn/vu-an-nguyen-phuong-hang-khong-du-co-so-khoi-to-lua...

b. https://laodong.vn/phap-luat/tra-ho-so-vu-an-ba-phuong-hang-yeu-cau-lam-...

1. https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/cimexcol-minh-hai-%E2%80%93/20-nam-an-oan-phan-1-7817/

2. https://www.facebook.com/watch?v=554429589997761

3. //www.youtube.com/@nhabaohanni">https://www.youtube.com/@nhabaohanni>

4. https://www.youtube.com/@lstranvansy1049

******************************

Điều luật hình sự 331 được đưa vào trường học : gieo rắc nỗi sợ hãi

Cát Tường, VNTB, 28/02/2023

Dùng Facebook cá nhân phát tán những hình ảnh, bài viết kèm theo những lời chú thích mang tính chất công kích, kích động, bôi nhọ lãnh đạo nhiều cấp …

331-1

Học sinh trường Thủ Thiêm ở thành phố Thủ Đức vừa bị hăm he bằng phiên tòa giả định về hình luật theo điều 331 "lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo hồ sơ của vụ án giả định, vào đầu năm 2022, Trương Đình Thành (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Đức) có hành vi phát tán nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các nhóm Facebook công khai như : "Hội người Việt Nam tại Đài Loan – Taiwan" ; "Những người bạn của Đảng Dân chủ Tự do" ;…

Các bài viết nêu trên thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục.

Ngày 10/5/2022, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh có công văn gửi Công an thành phố Thủ Đức về việc phát hiện đối tượng Trương Đình Thành liên quan đến hành vi tán phát nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các hội nhóm Facebook, thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ thô tục.

Ngày 24/5/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức đã phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp và Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành kiểm tra, khám xét khẩn cấp nơi ở của Thành tại thành phố Thủ Đức.

Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã giám định các tài liệu do cơ quan công an cung cấp và xác định các bài viết đều sai sự thật, có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước… ; đã vi phạm các Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản…

Cáo trạng đọc tại phiên tòa có đoạn vào năm 2021, Thành bắt đầu tiếp cận và theo dõi các trang mạng phản động, chống phá Đảng của các thế lực thù địch. Đồng thời nghiên cứu các lời bình luận, bài viết, hình ảnh kèm những nội dung, luận điệu xuyên tạc về lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Do thường xuyên theo dõi, tiếp cận, nghiên cứu những bài viết trên nên tư tưởng của bị cáo bắt đầu bị tiêm nhiễm và bị cáo cho rằng những luận điệu, bài viết này là đúng. Bị cáo đã tải các bài viết, hình ảnh có nội dung xấu, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo các cấp về điện thoại.

Tiếp đó, Thành dùng Facebook cá nhân phát tán những hình ảnh, bài viết kèm theo những lời chú thích mang tính chất công kích, kích động, bôi nhọ lãnh đạo nhiều cấp cũng như các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lên các hội nhóm…

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang và tang vật thu giữ cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm các lợi ích về chính trị, lợi ích về kinh tế, lợi ích về văn hóa tư tưởng của Nhà nước đã được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

"Bị cáo có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng có nhận thức lệch lạc nên đã cố ý thực hiện hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" – chủ tọa nói.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải ; bị cáo phạm tội lần đầu, hiện đang nuôi con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình nên được hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.

Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo mức án hai năm sáu tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phiên tòa giả định kể trên cho thấy đã gieo một nỗi sợ hãi về tù tội của trẻ vị thành niên trước quyền bày tỏ chính kiến được hiến định.

Cát Tường

Nguồn : VNTB, 28/02/2023

**************************

"Tuyên truyền" Điều 331 cho học sinh, có thực tế ?

RFA, 28/02/2023

Phiên tòa giả định mà học sinh trường Phiên tòa giả định mà học sinh trường Trung học phổ thông Thủ Thiêm tham dự hôm 27/2, theo truyền thông Nhà nước, là hoạt động thường niên giữa Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức và nhà trường, với mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều người lại đang "nhạy cảm" với điều luật này nhất là vào khi liên tục những năm gần đây hàng loạt nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, facebooker và cả luật sư đều bị bắt và bị khép tội "Vi phạm Điều 331".

331-2

Ảnh minh họa chụp tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành ở Hà Nội trước đây.  AFP PHOTO

Gây nhiều tranh cãi

Từ Việt Nam hôm 28/2, một bạn trẻ tên Huy cho RFA biết suy nghĩ của mình về Điều luật này :

"Điều luật 331 là điều luật vô nhân đạo, bóp nghẹt quyền được phản ánh, đi ngược lại với quyền con người.

Việt Nam tuyên truyền về Điều 331 Bộ luật Hình sự cho học sinh có nên không ? Khi dường như tôi thấy các học sinh độ tuổi chưa thực sự trưởng thành, các luật sư còn biết và hiểu luật mà còn đang bị gán ghép, như nhóm luật sư bảo vệ Tịnh Thất Bồng Lai đã bị gán ghép cho điều này, khi các luật sư công bố các video về hành vi sai trái của công an tỉnh Long An trong quá trình điều tra. Khi không tìm ra chứng cứ để buộc tội nhóm người Tịnh Thất Bồng Lai tội loạn luân và lừa đảo. Đây như có một sự trả thù hèn hạ và bịt đầu mối vụ cưỡng án sai trái tại đây".

Tôi lên tiếng phản đối hành vi vô pháp của cơ quan công quyền trong những vụ việc này, và điều luật mơ hồ này".

Theo hiểu biết của bạn Huy, Điều 331 dường như được đảng cộng sản Việt Nam dùng để kết án những người bất đồng chính kiến lên tiếng về những bất công trong xã hội.

Qua vụ các luật sư của Tịnh thất Bồng lai mà Huy vừa nêu, hôm qua 27/2, RFA cũng ghi nhận ý kiến của Luật sư Đào Kim Lân. Theo luật sư Lân, hiện nhóm năm luật sư bảo vệ Tịnh thất Bồng Lai, trong đó có ông và những luật sư khác gồm bà Ngô Thị Hoàng Anh, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Trịnh Vĩnh Phúc đang xem xét gửi đơn cho Bộ Công an đề nghị một cơ quan độc lập điều tra nếu thấy có sai phạm từ phía luật sư trong nhóm để tránh "bên bị tố cáo điều tra bên tố cáo".

Năm ngoái, bảy tổ chức dân sự xã hội ở Việt Nam và 79 dân sĩ, trí thức đồng soạn thảo kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều trong Bộ luật hình sự năm 2015. Lúc bấy giờ, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nằm trong nhóm viết kiến nghị nói với RFA rằng :

"Cái Điều 117 và Điều 331 của Luật Hình sự năm 2015, cái đó nó rất là vô lý. Và chính cái vô lý đó nó làm chỗ dựa để bắt bớ, tù đày những người yêu nước".

331-3

Năm luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng Lai, từ trái qua : Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Ngô Thị Hoàng Anh và Đào Kim Lân. Courtesy FB Manh Dang.

Tác dụng ngược ?

Trở lại với việc học sinh hiểu như thế nào về Điều 331 và các em sẽ biết cách "ứng phó" với điều này như thế nào, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tại trường trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 28/2 nhận định :

"Môn Giáo dục Công dân trong trường PTTH cũng đang giới thiệu về các điều khoản luật hình sự, các quyền xã hội, các quyền dân sự… và cả luật lao động… họ giới thiệu sơ lược qua. Cũng có một số tình huống giả định xử lý hình sự, hướng dẫn học sinh nhận thức những hành vi đó. Theo tôi thì riêng điều luật hình sự 331 thật sự không nên hướng dẫn học sinh. Nói thật sự đến lúc này, dư luận trong nước ai ai cũng nhìn thấy nó chung chung, mơ hồ, thích kết luận thế nào thì kết luận và dẫn đến việc bắt người rất tùy tiện. Chúng ta không nên phổ biến luật này và cũng không nên sử dụng nó, nên đấu tranh bỏ điều luật này đi".

Tiếp theo ý kiến của nhà giáo Đỗ Việt Khoa, luật sư Luật sư Ngô Anh Tuấn, từ Hà Nội hôm 28/2, cho biết :

"Một điều luật được Quốc hội thông qua thì không luật nào giống luật nào, về cơ bản đều quan trọng khi đã phổ biến thông qua. Tuy nhiên khi áp dụng thì một số người chuyên môn và người dân thấy sự bất cập sẽ lên tiếng. Còn đối với học sinh thì không chỉ Điều 331, dạy điều luật khác cũng là bình thường, vấn đề là phổ biến ở mức độ nào ? Một điều luật đưa ra người ta có thể tuyên truyền trong nhà trường, chuyện đó là bình thường, chứ nó không có vấn đề gì về mặt khoa học pháp lý thực tiễn. Nhưng trong quá trình áp dụng và học, ngay cả học sinh nếu biết phản biện thấy có vấn đề cũng có thể lên tiếng. Nó sẽ có tác dụng ngược việc tuyên truyền, họ sẽ kiến nghị cho nó hoàn thiện hơn hoặc cho phù hợp hơn".

Cũng theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, vì Điều 331 quy định quá chung chung và áp dụng rộng rãi quá nên ông và giới luật gia thấy có một chút vấn đề. Ông nói tiếp :

"Những hành vi cụ thể của những người đã bị xử lý hoặc sắp sửa bị xử lý, tôi thấy có một chút lấn cấn. Bởi vì một số điều luật đã quy định rồi, ví dụ như người này nói người kia, hai người xúc phạm nhau, nhục mạ nhau trên mạng xã hội, thì nó đã có điều luật khác. Ví dụ trường hợp bà Phương Hằng và Nhà báo Hằng Ni… chửi bới xúc phạm qua lại có thể sẽ cấu thành tội danh khác, chúng ta có thể xử lý một cách nhẹ nhàng, rõ ràng như ‘tội làm nhục người khác’ theo điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015. Hay thậm chí bà Hằng tố cáo sai thì có thể là ‘tội vu khống’.

Vì Điều 331 theo luật sư Tuấn, quy tội dễ quá nên ông cho rằng nó khiến ai cũng lo sợ mình nói như thế có thể bị quy kết hay không ? Do đó xã hội lo sợ là có cơ sở.

Mới đây, theo Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, từ khi Việt Nam tuyên bố ra ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền ngày 22 tháng 2 năm 2021, đến ngày 22/12/2022, Việt Nam đã câu lưu, bắt giữ và xử án ít nhất là 48 nhà báo, nhà hoạt động với các tội danh tùy tiện, từ "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", "tuyên truyền chống nhà nước", "trốn thuế" theo các Điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự.

Nguồn : RFA, 28/02/2023

*****************************

Việt Nam tuyên truyền về Điều 331 Bộ luật Hình sự cho học sinh trung học phổ thông

RFA, 27/02/2023

Học sinh Trường Trung học phổ thông Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) hôm 27/2 dự một phiên tòa giả định xét xử những người bị cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

331-2

Phiên tòa giả định xét xử người bị cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự tại Trường Trung học phổ thông Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) - PLO

Theo truyền thông Nhà nước, phiên tòa giả định được Ban chấp hành Chi đoàn Tòa án Nhân dân Thành phố Thủ Đức phối hợp với Trường Trung học phổ thông Thủ Thiêm tổ chức, và được xác định là hoạt động thường niên giữa hai đơn vị nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh.

Thông tin về phiên tòa giả định này xuất hiện vào khi liên tục trong hai ngày 24 và 25/2, có ít nhất ba người bị khởi tố và bắt giam với cáo buộc vi phạm Điều 331. Ngoài ra, nhóm năm luật sư bào chữa cho các thành viên thuộc một cơ sở tu tại gia ở Long An là Tịnh Thất Bồng Lai hôm 25/2 cho biết họ cũng bị công an điều tra về tố cáo vi phạm Điều 331.

Điểm đáng chú ý là những người vừa bị bắt giam hoặc bị điều tra đều bị cáo buộc là có những phát biểu trên mạng xã hội bị xác định là vi phạm Điều 331.

Hai người bị bắt giam hôm 24 và 25/2 là nhà báo Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ bị một cá nhân là bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo là đã sử dụng mạng xã hội đưa các thông tin xúc phạm, vu khống cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) bị bắt giam vào ngày 24/3/2022 cũng với cáo buộc vi phạm Điều 331 vì các livestream bị xác định là xâm phạm đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân của những người khác.

Trong phiên tòa giả định dành cho học sinh, bị can được xác định là có hành vi phát tán nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các nhóm Facebook công khai như : "Hội người Việt Nam tại Đài Loan – TaiWan" ; "Những người bạn của Đảng Dân chủ Tự do"…

Các bài viết nêu trên thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục.

Các hành vi này bị cơ quan Công an giám định và xác định là đã vi phạm các Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản…

Theo báo Nhà nước, các em học sinh tham dự phiên tòa dù ở độ tuổi chưa thực sự trưởng thành nhưng đã tỏ ra rất am hiểu về tội danh này và trả lời chính xác các câu hỏi.

Điều 331 vốn được Chính phủ Việt Nam sử dụng để kết án những người bất đồng chính kiến và bị quốc tế chỉ trích là mơ hồ, cần được bỏ khỏi Bộ luật Hình sự.

Nguồn : RFA, 7/02/2023

****************************

Các luật sư vụ Tịnh thất Bồng lai có thể bị điều tra theo Điều 331

RFA, 27/02/2023

Công an tỉnh Long An thông báo đã tiếp nhận tin báo về tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng lai/Thiền am bên bờ vũ trụ có dấu hiệu vi phạm Điều 331 và đang xử lý thông tin này.

331-3

Năm luật sư bào chữa cho Tịnh thất Bồng Lai, từ trái qua : Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Thị Hoàng Anh, Nguyễn Văn Miếng và Trịnh Vĩnh Phúc. FB Manh Dang

Thông báo ký ngày 03/02/2023 gửi tới luật sư Đào Kim Lân viết : Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện một số cá nhân trong đó có ông Đào Kim Lân đã có hành vi phát tán lên không gian mạng qua đoạn video, clip, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ông Võ Văn Điền, một YouTuber ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam vào ngày 22/2 về cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng", một loạt các luật sư, giảng viên luật có liên quan hoặc đối lập với bà Hằng đều bị bắt gồm các ông/bà : Đặng Anh Quân, Đặng Thị Hàn Ni, và Trần Văn Sỹ.

Nhóm những người tu hành ở Tịnh thất Bồng Lai là đối tượng bị bà Hằng nhiều lần công kích trong các đoạn video phát trực tiếp trên mạng xã hội.

Trong vụ án sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai bị kết án theo Điều 331, năm luật sư là bà Ngô Thị Hoàng Anh và các ông Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Trịnh Vĩnh Phúc đã trợ giúp pháp lý cho cụ Lê Tùng Vân và năm người tu tại gia khác.

Về thông báo của Công an Long An gửi theo đường bưu điện mà luật sư Lân nhận trong ngày 22/2, ông cho biết văn bản này có thể ảnh hưởng đến việc hành nghề của các luật sư trong nhóm nên có người công bố, có người không công bố hoặc chưa công bố, tuy nhiên chắc chắn hai luật sư đã xác nhận là ông và đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh.

Ông Lân nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại :

"Theo tôi dự đoán, thông báo này liên quan đến các nhận xét cũng như các nội dung tố cáo khiếu nại của chúng tôi đối với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, bao gồm Công an huyện Đức Hoà và An ninh Điều tra tỉnh Long An (trong vụ án Tịnh thất Bồng lai- PV).

Và có thể họ nói về các nhận xét của chúng tôi về việc họ bao che bỏ lọt tội phạm và họ có dấu hiệu về việc dàn dựng, nguỵ tạo chứng cứ".

Ông nói nhóm luật sư cho rằng trong vụ án trên, phía công an có dấu hiệu dàn dựng, gài bẫy việc "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của người có tên Hồ Phước Lợi và "bỏ quên" trong hồ sơ vụ án, bên cạnh hành vi bao che, bỏ lọt tội xâm phạm chỗ ở công dân, hủy hoại, trộm cắp tài sản của ông Võ Văn Thắng cùng những người liên quan…

Nhóm luật sư có đơn tố cáo các sai phạm về tố tụng nói trên đến Bộ Công an và Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tuy nhiên đơn lại được chuyển về Công an Long An và Viện Kiểm sát Long An là những bên đang bị tố cáo.

Chia sẻ với RFA, ông cho biết trong quá trình bào chữa vụ án được nhiều người quan tâm, nhóm luật sư chịu nhiều sức ép, trong đó có cả thông tin nặc danh đe doạ bắt giữ ông và các đồng nghiệp ngay trong phiên toà.

Trong thời gian tham gia bào chữa, nhóm luật sư đồng ý sử dụng kênh YouTube Nhật ký Luật sư của ông để đăng tải các thông tin về vụ án cũng như những phản bác của nhóm về các thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.

Sau phiên phúc thẩm, các luật sư thống nhất không sử dụng kênh này cho công việc chung của nhóm, và nó trở về kênh cá nhân của ông Lân.

Khi được hỏi liệu thông báo của phía công an có phải là biện pháp trả thù việc nhóm luật sư đã tố cáo các vi phạm của Công an Đức Hoà và Công an tỉnh Long An trong vụ án Tịnh thất Bồng lai, luật sư Lân nói :

"Tôi chưa khẳng định họ có trả thù hay không, nhưng theo tôi, chúng tôi có đơn tố cáo họ có kèm theo tài liệu chứng cứ, mà từ Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chuyển về Viện Kiểm sát tỉnh Long An theo thẩm quyền, tới nay chẳng ai trả lời cả.

Đùng một cái Công an Long An nơi chúng tôi đang tố cáo lại điều tra xem xét hành vi của chúng tôi, cũng liên quan đến một việc như vậy, ít nhiều gì chúng tôi nghĩ tính khách quan không có".

Do vậy, nhóm luật sư bảo vệ cho Tịnh thất Bồng lai đang xem xét gửi đơn cho Bộ Công an đề nghị một cơ quan độc lập điều tra nếu thấy có sai phạm từ phía luật sư trong nhóm để tránh "bên bị tố cáo điều tra bên tố cáo", ông bổ sung.

"Khi chúng tôi đang tố cáo những sai phạm đó, thay vì giải quyết xem xét, các anh lại quy chụp chúng tôi về những hành vi đó, kể cả các luật sư làm sao dám tố giác tội phạm ? !"

Ông nói nhóm luật sư có văn bản tố cáo với đầy đủ chứng cứ và sẵn sàng chịu trách nhiệm về các tố cáo này theo đúng pháp luật, và mong muốn được cơ quan chức năng giải quyết triệt để và công tâm.

Luật sư Lân cho rằng chỉ có Bộ Công an vào cuộc mới có thể giải quyết dứt điểm những bí ẩn mờ ám trong vụ án này, bảo đảm pháp luật được thực thi cũng như bảo đảm sự an toàn của các luật sư khi hành nghề tại tỉnh Long An.

Phóng viên có liên lạc với các luật sư khác của nhóm để tìm hiểu thêm thông tin. Hai luật sư Trịnh Vĩnh Phúc và Nguyễn Văn Miếng cho biết họ không nhận được thông báo như thông báo gửi luật sư Lân.

Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh, trong tin nhắn gửi RFA nói :

"Hiện nay, tôi không thể phát biểu điều gì cả, nhằm bảo vệ tuyệt đối quyền lợi cho các thân chủ mà tôi đang trợ giúp.

Làm luật sư mà không thể bảo vệ tốt nhất thân chủ là điều đáng xấu hổ và tôi đang rất lo lắng nếu phải bỏ dở hoặc phải từ chối bào chữa tiếp. Tôi mong là mọi việc sớm sáng tỏ để tôi tiếp tục hành nghề luật sư".

Bà cho biết tin này làm cho tất cả các thân chủ của luật sư hoang mang và có thể nói đây là một thiệt hại đương nhiên không có cách gì bù đắp cho bà và công ty Luật hợp danh Thủy Anh do bà làm chủ.

Phóng viên không liên lạc được với luật sư Đặng Đình Mạnh để hỏi về vụ việc.

Bình luận về việc một số luật sư trong vụ án Tịnh thất Bồng lai có thể bị điều tra theo Điều 331, một luật sư có thâm niên ở Hà Nội nói trong điều kiện ẩn danh :

"Việc này dẫn đến mục đích khởi tố các luật sư này nhằm đe dọa giới luật sư, nhất là các luật sư nhân quyền và các luật sư dũng cảm khác".

Không muốn công khai danh tính, một luật sư tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị phát biểu với RFA :

"Tôi cho rằng một hệ thống pháp luật cho dù có lỗi thời đến đâu nhưng nó được thực thi một cách nghiêm túc như chính quy định của nó cũng là tích cực.

Hành nghề luật sư không đồng nghĩa là làm chính trị. Luật sư chính là người bảo vệ tính nghiêm túc của pháp luật hiện hành. Luật sư làm tốt chức năng đó cũng là đóng góp cho dân chủ hoá xã hội".

Vị luật sư này cho rằng các đồng nghiệp của mình phải thận trọng và tuân thủ pháp luật hiện hành, và như vậy họ vẫn có thể "mở miệng" một cách phù hợp, nếu không có thể tự mình "khoá miệng" mình.

Nguồn : RFA, 27/02/2023

****************************

Điều luật hình sự 331 không chừa một ai !

Hoài Nguyễn, VNTB, 26/02/2023

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni đã bị bắt với cáo buộc tội danh theo điều luật hình sự 331 "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

331-4

Dùng Điều 331 Bộ luật hình sự để trừng phạt một người bịa chuyện nói xấu người khác

Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam là một quyền được hiểu ra sao mà đã có khá nhiều công dân xứ này bị vi phạm hình sự thay cho điều chỉnh bằng pháp luật dân sự ?

Thời gian qua, bà Đặng Thị Hàn Ni vướng nhiều lùm xùm liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và bị bà Hằng từng có đơn đề nghị làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của bà Đặng Thị Hàn Ni liên quan đến hoạt động của quỹ Hằng Hữu.

Được cho là liên quan, luật sư Trần Văn Sỹ cũng bị tạm giam để điều tra theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng. Luật sư Trần Văn Sỹ từng là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.

Có ý kiến, rằng trong chuyện đôi co của 1 số cá nhân trên mạng xã hội cuối cùng biến thành án hình sự với nhiều người bị bắt. Người dân – tức những người đóng thuế, coi như phải nuôi cơm tù cho họ một cách vô lý.

Điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", có nội dung như sau :

Mức hình phạt tại Khoản 1 Điều 331 Bộ luật hình sự, thì người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người nào phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Cái đáng bàn ở đây trong cụ thể vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, là vì sao các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không xử trí ngay từ đầu khi chớm "dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ", mà để nó kéo thời gian rất dài, tạo nhiều hệ lụy có thể đưa đến "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" ?

Lưu ý, trong các vụ án liên quan điều luật hình sự 331, lâu nay phía cơ quan tố tụng thường bảo thủ với việc hễ ai đó chỉ cần có bất cứ hành vi nào mà "bề trên" cho rằng có "dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", thì vụ án được lập và người phạm tội đã có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

"Bề trên" ở đây có thể là quan chức đầu ngành nào đó, hay đại diện cho quyền lực nhóm trong bộ máy chính quyền mà dân gian có lúc ví von rằng "trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết".

Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, ngay từ lúc ban đầu nhiều người đã hoài nghi cho rằng những mạnh miệng tố cáo hết người này đến người khác của bà chủ thành Đại Nam là do có thế lực chống lưng, với tên tuổi cụ thể luôn đó là một cựu thủ tướng khi ấy đang chuyển sang làm chủ tịch nước.

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng được biết đến qua loạt bài về quán phở – cà phê Xin Chào ở trước cổng công an huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, những đồng nghiệp của bà Hàn Ni biết rằng bà có mối quan hệ thân tình với người đang giữ chức thủ tướng, và cả bí thư Thành ủy khi ấy là ông Đinh La Thăng.

331-5

Rất nhanh sau đó, cơ quan tuyên giáo đảng đã "đẩy" nhà báo Đặng Thị Hàn Ni lên như một cá nhân tiêu biểu chống tiêu cực với những "danh hiệu" như Bông hồng thép, Người truyền lửa truyền thông, Người dũng cảm đi tìm công lý, Người hùng trong làng báo, Hiệp sỹ công luận…

Nay thì hậu trường chính trị liên tục xáo trộn, và rất có thể để tạo làn sóng tin tức trước lần hội nghị trung ương sắp tới, vậy là "tìm con chốt thí" kiểu đưa ra lệnh trừng phạt một người vì bịa chuyện nói xấu một người khác, họ có thể dùng Điều 331, và như vậy vô hình trung vô hiệu hóa một điều luật sẵn có là tội vu khống.

Điều này tương tự muốn trừng phạt những người biểu tình bên ngoài các khu vực cho phép, gây tắc nghẽn giao thông, họ cũng có thể dùng Điều 331, và phớt lờ một tội danh sẵn có là tội gây rối trật tự công cộng.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 26/02/2023

****************************

3 người bị bắt theo điều 331 Bộ luật hình sự

VNTB, 26/02/2023

331-6

Luật sư Trần Văn Sỹ bị bắt tại Khánh Hòa

Tối 25/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Văn Sỹ (66 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, luật sư) để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự.

Các quyết định, lệnh trên được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.

Theo một nguồn tin, ông Sỹ bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt khi đang ở trong một căn hộ chung cư tại tỉnh Khánh Hòa và được lực lượng chức năng di lý về Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Văn Sỹ nguyên là chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, ông Sỹ bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, UBND tỉnh Vĩnh Long lại ra quyết định đình chỉ quyết định nói trên.

Theo yêu cầu của bà Nguyễn Phương Hằng, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Hằng) đã làm đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý 35 cá nhân, trong đó có ông Trần Văn Sỹ.

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác định tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (SN 1978, chỗ ở hiện nay : xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng.

Trong các buổi livestream này, ông Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bà Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Hành vi của ông Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Tối 24/2, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn lệnh bắt để tạm giam của công an cùng cấp đối với tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Đặng Anh Quân bị bắt giam với vai trò đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty cổ phần Đại Nam),

"Bông hồng thép" Đặng Thị Hàn Ni 

Phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977, luật sư, nhà báo, chỗ ở hiện nay : phường Tân Thuận Đông, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự.

Trước đó, Phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định : bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.

Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.

Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của bị can Đặng Anh Quân, và bị can Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ, thu giữ các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.

Nguồn : VNTB, 26/02/2023

*************************

Ông Lê Minh Thể lại bị bắt vì điều 331 Bộ luật hình sự

Chí Hạnh, Tuổi Trẻ online, 22/02/2023

Chiều 22/2, Công an quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Lê Minh Thể (60 tuổi, ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ) để điều tra về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

331-7

Bắt ông Lê Minh Thể vì 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước'

Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thủy cũng thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Thể. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn theo quy định.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 20/3/2019, ông Thể đã bị Tòa án nhân dân quận Bình Thủy xét xử, tuyên 2 năm tù về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Đến tháng 7/2020, ông Thể chấp hành xong án phạt tù, trở về cư trú tại địa phương cho đến nay.

Trong quá trình sinh sống tại địa phương, ông Thể vẫn thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung vi phạm pháp luật lên trang Facebook cá nhân để nhiều người chia sẻ, bình luận.

Liên quan đến vụ án này, trước đó ngày 22/12, Công an quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Lê Thị Bình (44 tuổi, ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ) với hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", được quy định tại điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bà Lê Thị Bình là em ruột của ông Lê Minh Thể.

Theo cơ quan điều tra, qua quá trình khám xét nơi ở của bà Bình, công an đã thu giữ nhiều tài liệu có nội dung liên quan tới việc chống phá Đảng, Nhà nước.

Chí Hạnh

Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 22/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc, Cát Tường, Hoài Nguyễn, Chí Hạnh, RFA, VNTB
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)