Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/03/2023

Tản mạn về chiếc ghế Chủ tịch nước của Võ Văn Thưởng

Nhiều tác giả

Ông Võ Văn Thưởng thành Tân Chủ tịch nước : Điều không bất ngờ và khả năng kế vị Tổng bí thư vẫn bỏ ngỏ

Phạm Quý Thọ, RFA, 02/03/2023

Việc ông Võ Văn Thưởng trở thành tân Chủ tịch Nước Việt Nam là điều không nằm ngoài khả năng của giới "thạo tin" và giới phân tích chính trị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam họp bất thường Hội nghị 13 khoá 13 ngày 1/3/2023 đã đề cử ông Thưởng vào vị trí cao nhất về lễ nghi của đất nước để Quốc hội Khoá 15 sau đó một ngay cũng họp bất thường để bỏ phiếu thông qua. Ai cũng biết đó chỉ là thủ tục của chế độ Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, trong đó quyền lực tập trung vào tập thể Bộ Chính trị và cá nhân ông Tổng bí thư. Những thay đổi chính sách trong hai nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Đại hội 12 (2012-2021) và 13 (2021-2026), để đối phó với quốc nạn tham nhũng của kiểu "nhà nước tư bản thân hữu" đã khiến quyền lực tập trung cao độ vào nhóm lãnh đạo cao nhất và hội tụ trong vai trò người đứng đầu Đảng để củng cố chế độ Đảng – Nhà nước chuyên chế "toàn trị". Thực tế cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là "cơ quan quyền lực cao nhất" chỉ còn trên danh nghĩa.

ghe1

Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng (đứng) và ông Võ Văn Thưởng (ngồi) tại cuộc họp báo kết thúc Đại hội đảng 13 - Nguyễn Nhạc/AFP

Ông Võ Văn Thưởng, năm nay 53 tuổi, có lẽ cũng chỉ là một trong các phương án trong tính toán người kế vị Tổng bí thư, nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc không bị "rớt đài". Ông Thưởng đáp ứng được các tiêu chuẩn Chủ tịch nước theo Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020, sau khi nó đã được chỉnh sửa cho hợp với thực tế đảm bảo duy trì chế độ. Ý định nhất thể hoá hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước cho đến nay vẫn không thể được thực hiện. Bởi vậy, việc đề xuất ai ở vị trị này phải nằm trong sự tính toán của Đảng và cá nhân ông Tổng bí thư, trong đó cân bằng cơ cấu vùng miền trong "tứ trụ" là ưu tiên, nhưng vẫn đảm bảo quyền lực tối cao đồng thời nhận được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo. Ngoài những tiêu chuẩn về tuổi, thâm niên ít nhất trong 1 khoá trong Bộ chính trị, từng là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi… đã được thoả mãn về mặt hình thức, ông Thưởng không có "dấu ấn" thành tích trong quá trình đi lên, nhưng xuất phát điểm chính trị chuyên nghiệp từ hoạt động Đoàn - Đảng cũng là "lợi thế" sàng lọc cán bộ lãnh đạo của nhiệm kỳ này. Như vậy, ông ấy được cử giữ chức tân Chủ tịch nước là phương án nhân sự "tối ưu" để đảm bảo các yếu tố đồng thuận trong tầm kiểm soát với sự tính toán người kế vị Tổng bí thư Đảng cho nhiệm kỳ tới. Nói như các nhà bình luận am hiểu, rằng còn hơn hai năm của nhiệm kỳ 13 ông Thưởng, cũng như những ứng viên tiềm năng khác, còn có thời gian để thử thách !

ghe2

Ông Võ Văn Thưởng nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 2/3/2023. Ảnh Hoàng Thống Nhất/VNA/AFP

Ngoài ra, khả năng kế vị của ông Thưởng là không cao trước quyền lực "vô đối" của ông Tổng bí thư đương nhiệm sau khi nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và hai phó Thủ tướng "kỹ trị" buộc phải từ nhiệm giữa kỳ. Mặc dù do điều kiện tuổi tác và sức khoẻ, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ khó tiếp tục kéo dài sang nhiệm kỳ thứ 4, nhưng ai kế nhiệm ông Trọng cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Trước hết là vấn đề "minh vương", ngoài về phẩm chất cá nhân thì việc kế thừa niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và trải nghiệm chính trị để giữ quyền lực bền bỉ và kiên định đường lối chính sách này cũng vô cùng khó khăn, trong đó mấu chốt là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh của Đảng cộng sản và chế độ. Vấn đề kế vị luôn là thách đố lớn nhất cho chế độ tập quyền ! "Chiếc nhẫn" quyền lực Tổng bí thư Đảng sẽ được trao cho ai sẽ không đơn giản nhưng lại là lô- gíc hợp lý cho các suy đoán, và điều đó có ý nghĩa quan trọng với chính trường Việt Nam hiện nay.

ghe3

Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai từ trái hàng đầu), một trong những ủy viên Bộ Chính trị mới hồi tháng 1/2016. Ảnh Hoàng Đình Nam AFP

Thực tế cải cách thể chế đã chỉ ra nguy cơ lớn nhất là sự tha hoá quyền lực. Khi sở hữu "chiếc nhẫn" quyền lực, trong trường hợp bất khả kháng, thì việc trao lại cho "ai đó" là điều khó khăn sao cho vẫn giữ được "vương quốc" theo ý của chủ nhân. "Chúa tể của chiếc nhẫn" ("The Lord of the Rings") là một truyền thuyết cách đây hơn 2000 năm, kể rằng có chàng chăn cừu Gyges sau một trận động đất "tình cờ" có được chiếc nhẫn "tàng hình" với khả năng siêu nhiên cám dỗ người sở hữu nó bằng sức mạnh. Anh ta đã trở nên xấu xa, đã sát hại nhà vua và thâu tóm vương quốc. Nhưng lời nguyền tha hoá quyền lực khiến anh ta cuối cùng phải nhận kết cục bi thảm. Câu chuyện này đến nay vẫn còn truyền cảm hứng cho các triết gia khám phá xây dựng thể chế, mặc dù họ "lên tiếng" còn khác biệt về niềm tin trong những bối cảnh lịch sử xã hội đặc thù nhưng đều nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, trong thiết kế "Khế ước xã hội" triết gia Thomas Hobbes lập luận rằng trạng thái tự nhiên là bạo lực và ích kỷ. Công lý, do đó, được áp đặt bởi thẩm quyền. Ngược lại, John Locke khẳng định rằng mọi người đương nhiên có nghĩa vụ phải hành động chính đáng và họ đồng ý tham gia vào xã hội dân sự để đảm bảo các quyền tự nhiên của họ trong khi Jean-Jacques Rousseau cho rằng mục đích của Khế ước xã hội là tạo ra một Chính phủ đại diện cho toàn dân và thực thi ý chí chung.

Trong lễ nhậm chức ông tân Chủ tịch đã nói lại quan điểm không mới là "lấy dân làm gốc", tuy nhiên, nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và thiếu cơ chế đảm bảo các quyền cơ bản của công dân được hiến định trong hành động, thì những lời phát biểu này, suy cho cùng, cũng chỉ là thủ tục phải có. Ông Võ Văn Thưởng là Chủ tịch nước là sự kiện không gây bất ngờ và việc kế vị Tổng bí thư quyền lực "vô đối" vẫn bỏ ngỏ.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 02/03/2023

Ông Phạm Quý Thọ là Phó Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Trưởng khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam

*************************

Người dân hy vọng gì khi ông Võ Văn Thưởng chính thức làm Chủ tịch nước ?

RFA, 02/03/2023

Trong khi một số người cho rằng việc ông Võ Văn Thưởng được bầu làm Chủ tịch nước là hợp lý thì nhiều người nói không có hy vọng vào việc đổi mới và phát triển của đất nước mà ông ta có thể mang lại ở cương vị mới này.

ghe4

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ Chủ tịch nước sáng ngày 02/3/2023 - AP/VNA

Trong phiên họp bất thường vào sáng ngày 02/3, Quốc hội Việt Nam đã bầu ông Thưởng cho vị trí nguyên thủ quốc gia với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối (487/488). Trước đó một ngày, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam giới thiệu ứng viên duy nhất cho chức vụ Chủ tịch nước mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại từ hồi tháng 1.

Lợi thế sức trẻ và dày dạn trong công tác đoàn

Ông Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970 (53 tuổi), là người trẻ nhất trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay.

Ba người còn lại trong tứ trụ gồm : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm nay 79 tuổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 65 tuổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính 64 tuổi.

Nhà báo Nguyễn Phạm Mười từ Hà Nội cho rằng từ khi được đưa lên giữ chức Thường trực Ban Bí thư trong Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021, ông Võ Văn Thưởng đã được dự doán vào sẽ bước chân vào tứ trụ.

Nhà báo kỳ cựu này nói trong tin nhắn gửi tới RFA :

"Ông Thưởng lên là hợp lý, khi Đảng họ muốn có một nhân vật trẻ, để nhân dân thấy là họ không phải toàn muốn đưa các nhân vật quá già cỗi.

Ông ta lên từ phe thanh niên. Vì Đảng lâu nay vẫn nhấn mạnh đoàn viên là đội dự bị của Đảng, thì việc đưa người làm công tác thanh niên lên là hợp lý.

Ông Thưởng cũng là nhân vật được tiếng là sạch sẽ, không dính dàng gì đến tham nhũng hay phe phái, là những vấn đề lâu nay rất nặng nề trong hệ thống chính trị Việt Nam".

Tuy sinh ra ở Hải Dương, nhưng ông Thưởng có nguyên quán ở Vĩnh Long và trưởng thành từ các công tác sinh viên và đoàn ở thành phố Hồ Chí Minh, nên việc ông thay ông Nguyễn Xuân Phúc- cũng là người miền Nam mới bị loại ra, cũng là sự hợp lý trong việc phân chia quyền lực theo vùng miền, ông Nguyễn Phạm Mười bổ sung.

Chủ tịch nước không có thực quyền

Trong Hiến pháp Việt Nam, chủ tịch nước là người đứng đầu quốc gia trong cả đối nội và đối ngoại, và là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam đây chỉ là chức vụ mang tính lễ nghi và không có thực quyền. Do vậy, ông Thưởng khó có thể để lại dấu ấn của mình trong tiến trình phát triển của đất nước ở cương vị này.

Từ Sài Gòn, nhà quan sát thời cuộc Quang Hữu Minh nói với RFA :

"Ở Việt Nam muốn đổi mới gì trừ chức vụ tổng bí thư ra thì kể cả thủ tướng cũng không có ảnh hưởng".

Cùng có nhận định trên, một luật sư muốn ẩn danh vì lý do an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh nói thêm rằng "Nền chính trị độc đảng không thể thay đổi vì một cá nhân lãnh đạo đảng nào, nên không thể trông mong gì ở ông Thưởng hoặc bất kỳ ai" và "lãnh đạo cộng sản ai cũng như nhau, họ chỉ hành động vì địa vị cầm quyền của đảng của họ và của chính cái ghế của mình, không ai vì dân vì nước cả".

Tính cách không nổi bật

Cựu giáo chức Trần Thị Thảo ở Hà Nội đã quan sát ông Thưởng từ thời Bí thư Trung ương Đoàn đến vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, bà cho rằng do tính cách không có gì nổi bật của ông Thưởng nên không mang lại hy vọng gì cho người dân. Bà nói với RFA qua tin nhắn :

"Người yêu thì bảo ông ta hiền, mẫn cán. Ngược lại, tôi thấy ông Thưởng dễ bảo (tính cách này hợp với việc thực hiện các lệnh đảng ban ra), chắc chắn không có đột phá hay đổi mới gì ở ông ấy", bà Thảo cho biết. 

Nhà báo Nguyễn Phạm Mười cũng có nhận định tương tự về sự mờ nhạt của ông Thưởng.

"Nhiều người nói ông Thưởng là nhân vật vô thưởng vô phạt, chả bao giờ có bài phát biểu nào công khai trước công chúng và cũng chả gây được ấn tượng gì đối với nhân dân.

Hy vọng là lâu nay ông ta ẩn mình, để lấy ghế, và sắp tới sẽ xuất hiện, thể hiện bản lĩnh gì đó, chứ đừng có như thời gian vừa qua... quá nhạt nhẽo".

Bảo thủ hay cách tân ?

Trong suốt quá trình làm việc của mình, ông Thưởng gắn với công tác sinh viên, Đoàn, Đảng và công tác tuyên giáo. Ông có bằng cử nhân triết học, thạc sĩ khoa học xã hội, và lý luận chính trị cao cấp. 

Trong bài phát biểu sau lễ tuyên thệ, ông Thưởng nhấn mạnh Việt Nam phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin cùng tư tưởng Hồ Chí Minh, và cho đây là nguyên tắc sống còn

Nhà văn quân đội Nguyễn Nguyên Bình nói :

"Tôi không hi vọng gì việc ông Võ Văn Thưởng ra làm chủ tịch nước. Tôi thường nghe ông ta nói nhiều về việc ‘chống thế lực thù địch’ mà không bàn luận được gì về quốc kế dân sinh. Vậy thì làm sao để đất nước phát triển dưới triều đại ông ấy ?!

Một giảng viên kỳ cựu của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nói trong điều kiện ẩn danh :

"Theo tôi, đảng đang lo sợ đánh mất vai trò lãnh đạo độc tôn, đồng nghĩa với sợ mất chế độ nên bố trí những nhân vật bảo thủ xuất thân từ công an, Đoàn Thanh niên hay Tuyên giáo nắm giữ các vị trí chủ chốt".

Là người từng nhiều năm làm cán bộ Đoàn và hoạt động phong trào sinh viên, giảng viên này cho rằng những tổ chức này chỉ "ăn tục nói phét" như đánh giá của xã hội, và do vậy, ông không hy vọng gì nhiều.

Tệ hơn, việc đảng bố trí những nhân vật bảo thủ để duy trì độc quyền lãnh đạo sẽ càng làm cho sự gắn kết chặt chẽ giữa ban lãnh đạo ở Hà Nội hiện nay với nhà cầm quyền Bắc Kinh và khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, giảng viên này nói.

Điều đó càng nguy hiểm hơn cho độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu của Ban Dân vận Trung ương, bày tỏ sự thiếu tin tưởng không chỉ vào ông Thưởng mà cả ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Ông nói với RFA từ Hà Nội như sau :

"Nhân cách của giới lãnh đạo ngày càng suy đồi nghiêm trọng nên tôi không thể tin được rằng họ có thể làm được điều gì tử tế cho dân tộc hiện nay.

Họ sẽ ngồi vào những ghế ấy và làm tầm phào như mấy chục năm vừa qua thôi. Đây là vấn đề đau khổ cho đất nước, đau khổ cho dân tộc, đau khổ cho giới trẻ".

Nhà báo Quang Hữu Minh cho rằng việc ông Thưởng được bầu giữ chức chủ tịch nước sẽ giúp cho ông ta tiến cao hơn nữa. Từng là bí thư tỉnh uỷ (tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian 2011-2014), ông Thưởng sẽ là một ứng cử viên nặng ký để thay ông Nguyễn Phú Trọng cho chức tổng bí thư Đảng trong nhiệm kỳ tới, khi Đảng tổ chức đại hội vào năm 2026.

Nguồn : RFA, 02/03/2023

*************************

Để làm chủ tịch nước : phải được lòng… Tổng bí thư

Nguyễn Nam, VNTB, 02/03/2023

Chủ tịch nước trước tiên phải kiên quyết bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng

ghe5

Để làm chủ tịch nước : phải được lòng… Tổng bí thư

Chủ tịch nước sẽ được bầu theo thủ tục khi đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định về nhân sự giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tính đến 8 giờ sáng ngày 2-3-2023, bà Võ Thị Ánh Xuân, phó chủ tịch nước, đang giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước bắt đầu từ ngày 18-1-2023, sau khi Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc vào cùng ngày.

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

Quy trình bầu Chủ tịch nước sẽ được thực hiện theo các bước : Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Danh sách này do Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định.

Sau đó về thủ tục thì Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Cũng theo quy định của Hiến pháp, sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Lời tuyên thệ được Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận, giám sát trong suốt nhiệm kỳ.

Tiêu chuẩn để bầu chọn chức danh Chủ tịch nước ở Việt Nam không phải đến từ hệ thống văn bản luật pháp, mà là từ quy định của Bộ Chính trị.

Cụ thể trong trường hợp với tân Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 là theo Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02-01-2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Theo quy định số 214 kể trên thì Chủ tịch nước phải "bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực : Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng ; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương ; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên ; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định".

Đáng chú ý là Chủ tịch nước buộc phải đáp ứng các yêu cầu với thứ tự ưu tiên như sau : "Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng ; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước".

Như vậy, với quy định trên có thể hiểu dù tân Chủ tịch nước có tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp hùng hồn đến đâu đi nữa thì về nguyên tắc vẫn phải xếp thứ tự sau yêu cầu mang tính tối thượng là phải kiên quyết bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Với yêu cầu trên còn cho thấy có lẽ tiêu chuẩn đầu tiên để lọt vào danh sách ứng viên Chủ tịch nước, đó là phải được sự hài lòng của Tổng bí thư Đảng đương nhiệm.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 02/03/2023

*************************

Liệu ông Võ Văn Thưởng sẽ trở thành tổng bí thư Đảng trong tương lai ?

Đức Tâm, RFI, 02/03/2023

Ngày 02/03/2023, Quốc hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước, trên cơ sở giới thiệu của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, sau phiên họp bất thường ngày 01/03. Gần như toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng, cho đến nay, là làm công tác Đảng. Một khi trở thành chủ tịch nước, ông sẽ phải tập trung vào các vấn đề ở cấp độ Nhà nước và các vấn đề trong chính sách đối ngoại. 

ghe6

Ông Võ Văn Thưởng và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo bế mạc Đại Hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/02/2021. AFP – Nhac Nguyen

Ngày 23/02/2023, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, trả lời các câu hỏi của báo chí về chủ đề này. RFI xin giới thiệu.

*

1. Ông Võ Văn Thưởng đã có những đóng góp gì cho chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam ?

Toàn bộ sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng là công tác trong tổ chức đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông tập trung vào công tác tuyên huấn và đào tạo đảng viên về tư tưởng, văn hóa, đạo đức, giáo lý ở cấp độ địa phương và cao hơn. Cùng với sự thăng tiến trong Đảng, ông ngày càng gánh vác trọng trách trong lĩnh vực xây dựng Đảng và đặc biệt là về nhân sự.

Từ khi đảm nhiệm chức Thường trực Ban Bí Thư TW Đảng, ông Thưởng có vai trò quan trọng trong chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực. Ông tập trung vào việc phòng ngừa cá nhân chủ nghĩa, chấm dứt vận động hành lang trong việc bổ nhiệm và khuyến khích các cán bộ đã phạm sai lầm thì nên tự nguyện từ chức. Ngoài ra, ông cũng kín đáo tham dự nhiều vào các quyết định hợp lý hóa bộ máy của Đảng, luân chuyển cán bộ và phát động các phong trào thi đua.

Ông Thưởng tương đối "non nớt" trong lĩnh vực đối ngoại. Kinh nghiệm của ông cho đến nay, đó là công du ngoại quốc với các lãnh đạo cao cấp trong Đảng và "giao lưu" với các quan chức của các đảng Cộng Sản anh em khác cũng như của các đảng nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ví dụ, trong năm 2022, ông đã gặp gỡ lãnh đạo các chính đảng Cam Bốt, Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Mêhicô, Mozambic, Singapore và Hàn Quốc. Một việc quan trọng là ông đã tháp tùng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh để gặp tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi năm ngoái.

2. Liệu sẽ có những thay đổi chính trị đáng kể hay không khi ông Thưởng trở thành chủ tịch nước ?

Với tư cách là chủ tịch nước, ông Thưởng có lẽ sẽ không đề xướng các thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quả thực là có một sự đồng thuận rất cao trong số các lãnh đạo chủ chốt về phương hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hơn nữa, chính sách đối ngoại là kết quả của quyết định tập thể và đồng thuận trong Bộ Chính trị. Vả lại, ông Thưởng cũng không thông thạo các vấn đề thế giới như người tiền nhiệm ; ông sẽ trải qua một giai đoạn "học nghề" nhanh chóng và sẽ là người tương đối không có kinh nghiệm khi gặp gỡ các đồng cấp nước ngoài.

3. Việc ông Thưởng trở thành chủ tịch nước sẽ tác động ra sao đến khả năng ông sẽ trở thành lãnh đạo Đảng vào năm 2026 ?

Nếu thực hiện tốt chức vụ chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng sẽ có nhiều lợi thế đảm nhiệm chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiệp chính trị không tỳ vết của ông trong Đảng cũng như ông còn tương đối trẻ, là những lợi thế. Hơn nữa, quá trình công tác của ông "có một không hai" với các kinh nghiệm ở cả ba miền của Việt Nam. Gia đình ông ở miền Nam tập kết ra Bắc sau Hội nghị Geneve năm 1954. Ông Thưởng sinh ra ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam. Tiểu sử chính thức ghi quê ông ở Vĩnh Long. Ông học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh và phần lớn quá trình công tác của ông là ở miền Nam. Trong thời gian từ 2011 đến 2014, ông là bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam.

Đức Tâm

***********************

Quốc hội Việt Nam bầu tân chủ tịch nước vào lúc Đảng đẩy mạnh chống tham nhũng

Trọng Thành, RFI, 02/03/2023

Trong phiên họp bất thường hôm 02/03/2023, Quốc hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng làm tân chủ tịch nước, theo quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Việc bầu lãnh đạo mới của nhà nước diễn ra trong bối cảnh Đảng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, với đỉnh điểm là vụ ông Nguyễn Xuân Phúc buộc phải từ chức chủ tịch nước sau chưa đầy hai năm tại vị, điều chưa từng có trong lịch sử chế độ cộng sản Việt Nam.

ghe7

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc hội ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 02/03/2023. AP - Nhan Huu Sang

Theo báo chí trong nước, ông Võ Văn Thưởng, ứng cử viên duy nhất vào chức vụ này, đã nhận được 487 phiếu thuận trên tổng số 488 phiếu bầu của Quốc hội Việt Nam. Trong bài diễn văn nhậm chức, tân chủ tịch nước cam kết "kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".

Theo hãng tin Pháp AFP, xã hội Việt Nam, "do đảng Cộng Sản kiểm soát với bàn tay sắt, đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh trong hậu trường hệ thống quyền lực, thể hiện rõ qua việc nhiều quan chức cao cấp phải từ chức do bị nghi dính líu đến các bê bối liên quan đến việc xử lý đại dịch".

Chủ tịch nước tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, vừa từ chức hồi tháng 1/2023, từng đảm nhiệm chức thủ tướng vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang hồi nghiêm trọng. Ít nhất một trăm quan chức cao cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có bộ trưởng Y Tế và chủ tịch thủ đô Hà Nội, bị bắt giam trong những tháng gần đây, liên quan đến vụ án nâng giá xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á. Bên cạnh đó, khoảng 40 quan chức, đa số là các quan chức ngành ngoại giao và cảnh sát, bị bắt trong khuôn khổ một cuộc điều tra về các chuyến bay "giải cứu" công dân Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian đại dịch.

Chiến dịch "chống tham nhũng" do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thúc đẩy, trong 10 năm vừa qua đã trừng phạt hơn 7.300 quan chức của Đảng, trong tổng số khoảng 168.000 đảng viên bị kỷ luật. Đối với chuyên gia về chính trị Việt Nam Benoit de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), mục tiêu của chiến dịch "chống tham nhũng" là nhằm " khẳng định với người dân là Đảng trừng phạt những kẻ xấu" và là cách để tổng bí thư Đảng "duy trì quyền thống trị trong một bộ máy quyền lực đang bị hư hại do các đấu đá phe phái và tham nhũng".

Nhà nghiên cứu Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam, làm việc tại Hà Lan, nhận định việc đưa ông Võ Văn Thưởng vào vị trí chủ tịch nước, tức vị trí lãnh đạo số hai trong hệ thống chính trị Việt Nam, là một "nước cờ mới" của Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo có thế lực nhất tại Việt Nam, nhằm khẳng định vai trò của Đảng "trong hiện tại và tương lai". 

Được coi là một nhân vật thân cận với tổng bí thư Đảng, ông Võ Văn Thưởng hiện nắm chức thường trực Ban Bí Thư và là phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị, tức cơ quan quyền lực tối cao tại Việt Nam. 

Theo AFP, việc trở thành chủ tịch nước có thể là bước đệm cho ông Thưởng – 52 tuổi, ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính trị - kế nhiệm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại Hội Đảng năm 2026, khi ông Trọng sẽ 81 tuổi. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jonathan London tỏ ra dè dặt về triển vọng này, ghi nhận ông Thưởng "không có đủ hậu thuẫn" trong Đảng, và cũng không loại trừ khả năng tân chủ tịch nước chỉ là nhân vật của "giai đoạn chuyển tiếp".

Về phần mình, nhà nghiên cứu Pháp Benoît de Tréglodé nhấn mạnh là việc ông Võ Văn Thưởng được cử làm chủ tịch nước không phải là tín hiệu cho một "bước ngoặt thay đổi", bởi nhân vật này vẫn được coi là một "thành phần thuộc giới chóp bu của chế độ".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ,, Nguyễn Nam, Đức Tâm, Trọng Thành
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)