Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/03/2023

Ông Trọng "sắp cỗ" cho Võ Văn Thưởng ngồi ghế Chủ tịch nước

Trần Quí Thường, Phạm Quý Thọ, Bích Nhung

Nguyễn Phú Trọng nhắc khéo Tô Lâm vụ "đớp bò vàng" để xây vững ngôi vị cho tân Chủ tịch nước

Trần Quí Thường, VNTB, 09/03/2023

Khi Võ Văn Thưởng vừa ngồi vào vị trí chủ tịch nước, ông Trọng phải đăng đàn nhắc nhở Tô Lâm về lòng trung thành với Đảng và Nhà nước. Động thái cho thấy ý đồ đoàn kết các lực lượng trong Đảng để tránh việc các phe phái đối đầu dẫn tới xung đột quyền lực làm suy yếu hệ thống chính trị.

dopmoi0

Ông Trọng phải đăng đàn nhắc nhở Tô Lâm về lòng trung thành với Đảng và Nhà nước khi Võ Văn Thưởng vừa ngồi vào ghế chủ tịch nước

Ngày 6/3, tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống xây dựng lực lượng Công an nhân dân, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những phát biểu đáng chú ý mang tính nhắc nhở, răn đe lực lượng công an của Tô Lâm. Ông Trọng nhấn mạnh rằng đây là dịp để cán bộ công an tự soi, tự sửa lại mình.

Đây có thể xem là một động thái nhắc nhở về lòng trung thành của công an, đặc biệt là bộ trưởng Tô Lâm, với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhất là khi ông Võ Văn Thưởng vừa được ông Trọng cất nhắc lên ghế chủ tịch nước. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nhắc lại 125 lời huấn thị của Hồ Chí Minh với lực lượng công an và yêu cầu công an phải luôn luôn coi sáu điều ông Hồ dạy là kim chỉ nam trong mọi hoạt động.

Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu cán bộ công an phải thường xuyên "tự soi, tự sửa", tự tu dưỡng, rèn luyện ; đặc biệt thực hiện lời huấn thị "đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính". Ông Trọng nói rõ, trong thời gian tới, ngành công an cần kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tư tưởng suy thoái chính trị và đạo đức lối sống. Đặc biệt, việc phòng chống tham nhũng cần thấm nhuần tinh thần không có vùng cấm, "không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ ai trong hoàn cảnh nào".

Có thể thấy những lời lẽ này đều mang hàm ý nhắc khéo người đứng đầu Bộ công an, phải tự soi, tự sửa vì việc "đốt lò" là không có vùng cấm, ngay cả chủ tịch nước còn phế truất được thì còn ai mà tổng bị thứ không xử lý được. Sau lời răn đe của ông Trọng, lập tức, đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng công an đã thể hiện sự thuần phục, bằng cách khẳng định lực lượng công an sẽ tiếp thu và tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của tổng bí thư.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trọng nhắc khéo người đứng đầu Bộ công an. Tổng bí thư đảng cộng sản đã nhiều lần đề cập tới việc xây dựng lực lượng công an trở thành "thanh bảo kiếm" ngày càng sắc bén hơn, "lá chắn" ngày càng vững chắc hơn trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Tô Lâm cũng đáp lời ông Trọng bằng những phát biểu nhấn mạnh rằng lực lượng công an "chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình", kiên quyết bảo vệ chế độ. Những tuyên bố này ngoài việc thể hiện lòng trung thành với tổng bí thư, thì cũng cho thấy lực lượng công an hiện tại có thể hi sinh tất cả, thậm chí hi sinh người dân để bảo vệ đảng viên, bảo vệ chế độ.

Từ ngày nhậm chức chủ tịch nước đến nay, ông Võ Văn Thưởng vẫn chưa có nhiều cơ hội chứng minh vai trò lãnh đạo của mình. Những vấn đề liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự, chỉ đạo, điều hành đều do ông Nguyễn Phú Trọng trực tiếp đứng ra thực hiện. Điều này cho thấy vai trò mờ nhạt của tân chủ tịch nước, thậm chí có nhiều đánh giá cho rằng ông Thưởng chỉ là bù nhìn của tổng bí thư.

Ông Trọng chắc chắn đã có nhiều toan tính để đảm bảo vị thế vững chắc cho Võ Văn Thưởng, khi đưa ủy viên trẻ tuổi nhất trong Bộ chính trị lên vị trí chủ tịch nước. Người trẻ tuổi nhất thì sẽ là người biết nghe lời nhất, nhưng cũng dễ bị lật đổ nhất. Với gần 20 năm kinh nghiệm nắm chức chủ tịch quốc hội tới tổng bí thư, có lúc kiêm luôn chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng thừa hiểu rằng muốn hạ cánh an toàn thì phải xây dựng nền tảng vững chắc cho những thuộc cấp mà mình tin tưởng.

Trong bối cảnh đấu đá mang tính sống còn của các thế lực chính trị hiện nay qua chiêu bài "chống tham nhũng", vai trò của Bộ công an là vô cùng quan trọng, có thể nói là mang tính chất quyết định đại cục. Đặc biệt là lòng trung thành của người đứng đầu bộ công an Tô Lâm. Nguyễn Phú Trọng hiểu điều này và luôn luôn nhắc nhở Tô Lâm về lòng trung thành với người được ông Trọng chọn lựa.

Sự trung thành của lực lượng công an chẳng những ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ, mà còn đe dọa tới con đường hạ cánh an toàn của ông Trọng và các lãnh đạo thuộc cấp. Sau những lần "thanh lý môn hộ" qua chiêu bài đốt lò chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng đã thanh trừng được nhiều phe phái đối thủ. Từ đó cũng tạo ra nhiều kẻ thù đe dọa tới con đường hạ cánh của chính ông tổng bí thư.

Nếu nhiệm kỳ sau các thế lực đối thủ của phe Nguyễn Phú Trọng vùng lên, thì mọi thứ mà tổng bí thư xây dựng suốt bao năm qua sẽ đổ sông đổ biển. Đặc biệt là rất nhiều tài liệu tuyệt mật mà phía công an đang nắm giữ. Người có được những tài liệu này sẽ nắm quyền sinh sát tất cả các cán bộ đảng viên và cả sự tồn vong của đảng cộng sản. Chính vì vậy, để bảo toàn tính mạng, sản nghiệp của mình, ngoài việc chú trọng xây dựng lực lượng kế nhiệm trung thành thì tổng bí thư phải luôn luôn tìm cách thuần phục bộ trưởng Bộ công an bằng mọi giá.

Trần Quí Thường

Nguồn : VNTB, 09/03/2023

**********************

Hỏi tân Chủ tịch nước : Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin giúp cải cách thế nào trong bối cảnh kinh tế thị trường ?

Phạm Quý Thọ, RFA, 06/03/2023

"Khủng hoảng"

Trong bối cảnh "khủng hoảng" vị trí người đứng đầu nhà nước, ngày 2/3 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng đã trở thành tân Chủ tịch thứ 10 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong lễ nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng phát biểu có hai điều khác với những người tiền nhiệm. Một là, ông ấy trích bốn câu thơ của Xuân Diệu (1916 — 1985) để thể hiện sự gắn bó "máu thịt" với người dân và vì họ mà phấn đấu.

npt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) và Thường trực Ban bí thư (vào lúc đó) Võ Văn Thưởng tại họp báo nhân kết thúc Đại hội 13 Đcộng sản VN ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - AFP

Điều này gây chút bất ngờ bởi vì Nhà thơ Xuân Diệu từng nổi tiếng là "ông hoàng thơ tình" lãng mạn thay vì nội dung cách mạng và tính đảng. Hai là, ông Thưởng nhấn mạnh "kiên định" với chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Điều này không thấy trong phát biểu của hai vị Chủ tịch tiền nhiệm. Cố Chủ tịch Trần Đại Quang giữ chức được hơn hai năm, từ 4/2016 đến 9/2018, rồi mất do bệnh hiểm nghèo, sau đó ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội 12 Đảng cộng sản. Nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc chỉ ở cương vị này 288 ngày, từ 5/4/2021 đến 18/1/2023 của nhiệm kỳ 13, ngắn nhất trong chín đời Chủ tịch. Ông Phúc đã bị miễn nhiệm "theo nguyện vọng cá nhân".

"Kiên định"

Trong cơ chế Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, vị trí Chủ tịch nước không do toàn dân bầu chọn có cạnh tranh mà do Đảng cử. Lâu nay mọi người cứ hiểu là việc bổ nhiệm này là dựa trên thành tích công tác, nhưng gần đây trong điều kiện "khủng hoảng" cán bộ thì tiêu chuẩn "trung thành" với Đảng, "kiên định" với lý tưởng cộng sản được ưu tiên.

Ông Võ Văn Thưởng trở thành tân Chủ tịch nước quan trọng không chỉ vì đó là nhân vật số hai trong hệ thống quyền lực tập trung theo "tôn ty trật tự" mà còn bởi vì ông có thâm niên gắn bó và trải nghiệm ý thức hệ cộng sản - phần "hồn" của Đảng.

Ông Thưởng năm nay mới 53 tuổi, còn trẻ so với "tứ trụ", có quá trình thăng tiến từ hoạt động chuyên nghiệp Đoàn, Đảng và, hơn thế, luôn trung thành, chấp hành sự phân công của Đảng giữ các chức vụ từ thấp đến cao, từ địa phương đến Trung ương. Ông từng là Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 2006, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010-2015, tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo từ 2016, và sau đó nhận "quyết định phân công" làm Thường trực Ban Bí thư trươc khi trở thành Chủ tịch nước. Ông ấy trải qua thử thách là người của Đảng :

"Ý thức hệ"

Ý thức hệ hay hệ tư tưởng là một tập hợp các niềm tin hoặc triết lý được gán cho một người hoặc một nhóm người, đặc biệt là được tổ chức. Hệ tư tưởng cộng sản được sáng lập và sử dụng bởi Karl Marx, Friedrich Engels với luận thuyết phê phán chủ nghĩa tư bản với sở hữu tư nhân và bóc lột là "tự đào mồ chôn" mình, và sau đó chủ nghĩa cộng sản sẽ là thiên đường có sức hấp dẫn mọi người với "của cải tuôn dào dạt", "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", "sở hữu toàn dân", con người sẽ được giải phóng… Trong khi cả hai vị sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã không chỉ ra con đường từ kiểu xã hội "bất công" này đến xã hội "thiên đường" thế nào thì Vladimir Lenin nói rằng phải làm cách mạng và xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông ta đã vận dụng vào điều kiện quê hương ông - nước Nga – "mắt xích" yếu nhất của hệ thống tư bản.

Câu chuyện tiếp theo như mọi người đã biết qua cuộc thử nghiệm lịch sử kéo dài hơn 70 năm. Từ một nước Nga xã hội chủ nghĩa đầu tiên (1917) trên thế giới, Liên Xô với 15 nước cộng hòa (1922), hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sau năm 1945…. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980s hệ thống này bắt đầu sụp đổ cùng với hệ tư tưởng của nó. Như vậy, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin từng thể hiện sức mạnh dưới chế độ chuyên chế tập quyền bởi Đảng cộng sản trong bối cảnh chiến tranh giải phóng dân tộc và vệ quốc, nhưng đã dần triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế, thất bại trong cạnh tranh, được gọi là thời kỳ chiến tranh lạnh, với chủ nghĩa tư bản. Đây là nguyên nhân chủ yếu, khách quan của sự sụp đổ, mặc dù Mikhail Gocbachep và cuộc cải tổ do ông khởi xướng đã bị đổ lỗi.

"Nhượng bộ"

"Thiên đường" chủ nghĩa cộng sản vẫn là nguồn cảm hứng cho các lãnh đạo chế độ Đảng cộng sản toàn trị ở Trung Quốc và Việt Nam. Họ nói rằng cần "Đổi mới", "mở cửa và cải cách"… chứ không phải thay đổi chế độ như đối với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Dường như, điều này được biện minh khi điều kỳ diệu về kinh tế xảy ra. Chính sách dựa trên "tư tưởng thực dụng" thắng thế và được sử dụng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được "khuyến khích" để tạo động lực, tăng trưởng kinh tế cao và kéo dài là cơ sở để tạo công việc làm, mở rộng cơ hội xoá đói giảm nghèo..., nhưng hơn thế, nó đảm bảo cho tính chính danh của chế độ đảng trị. Bởi vậy ý thức hệ cũng được duy trì.

Tuy nhiên, tư tưởng thực dụng chứa đựng tính cơ hội chủ nghĩa đã dần bị phơi bày. "Đổi mới", "mở cửa và cải cách"… được ví như chính sách kinh tế mới (NEP) thời V. Lênin, sự nhượng bộ chủ nghĩa tư bản và dân chủ chỉ là sách lược gia tăng lực lượng sản xuất chỉ để duy trì chế độ hiện hành. Các lãnh đạo Đảng cộng sản đã không lường hết sự nhượng bộ đã dần thay đổi chế độ Đảng – Nhà nước thành "nhà nước tư bản thân hữu", và hậu quả là quốc nạn tham nhũng và rối loạn xã hội. Để đối phó với tình hình giới lãnh đạo đã lựa chọn tái lập mô hình chuyên chế toàn trị "kiểu Mao", nhiều chính sách đang "đảo chiều", yếu tố kinh tế nhà nước như đầu tư công được thúc đẩy, bắt giữ các đại gia vô trật tự, tự chủ nửa vời... tăng trưởng kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn trong bối cảnh Trung Quốc chấm dứt thời kỳ hoàng kim, chấm dứt "nhượng bộ" chủ nghĩa tư bản, Mỹ và phương Tây đang xem lại chiến lược của họ, các nhà đầu tư cân nhắc…

"Idiocracy"

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo nhiều lần về tình hình "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị", và nguy cơ tồn vong chế độ sẽ lớn dần. Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa sẽ lung lay mạnh hơn trong trường hợp tăng trưởng kinh tế suy giảm, "bảo bối" cho chế độ dần mất thiêng. Cải cách đang đứng trước thế lưỡng nan : Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin - nền tảng ý thức hệ, thúc đẩy việc quay lại mô hình toàn trị kiểu cũ để duy trì chế độ toàn trị, mâu thẫu với kinh tế thị trường khiến động lực tăng trưởng suy giảm.

Trong khoa học chính trị khi hệ thống niềm tin là một cấu thành thiết yếu của bộ máy cai trị nó trở thành ý thức hệ, và nó có sức thuyết phục mạnh mẽ bởi "các yếu tố thực tiễn cũng được chú trọng như các yếu tố lý thuyết". Nhưng ý thức hệ không hoàn toàn là nhận thức luận, và nó sẽ không còn "hợp lý" khi lý thuyết ngày càng xa rời thực tiễn, nó dần trở thành "idiocracy" (1). Khái niệm thuật ngữ trở lại với ý nghĩa ban đầu về hệ tư tưởng được sử dụng để chống lại "các xung động" của đám đông. Đây chính là "lỗ hổng" cho độc đoán về tư tưởng cùng với đàn áp bạo lực. Trong chế độ dân chủ có đa nguyên, đa đảng, nhưng lại bị cấm trong chế độ cộng sản. Điều này phần nào lý giải vì sao những người có hành vi trái với quan điểm chính thống bị Đảng cộng sản coi là "thế lực phản động", những cán bộ, lãnh đạo có tư tưởng "khác" trở thành suy thoái chính trị, có thể dẫn đến suy thoái đạo đức lối sống, và phải bị trừng phạt.

Theo Quyết định số 39-QĐ/TW năm 2011, Chủ tịch nước cũng đồng thời đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Tên gọi của Ban này thể hiện nhiệm vụ của nó : "kiên định" với chủ nghĩa Mác – Lênin – nền tảng ý thức hệ CNXH, chính sách cải cách sẽ thế nào trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường suy giảm ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 06/03/2023

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm  Quý Thọ là nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam

Tham khảo :

(*) Ideocracy là sự cai trị của chế độ theo một hệ tư tưởng nhất nguyên áp đặt trong chính trị và ăn sâu vào các khía cạnh của xã hội

***************************

Sự lựa chọn của Võ Văn Thưởng và của người dân Việt Nam có giống nhau ?

Bích Nhung, RFA, 06/03/2023

Ông Thưởng là một điển hình của loại chính khách có đường quan lộ hanh thông nhưng khá bí ẩn. Quê hương ông được cho là từ Vĩnh Long (miền Nam), nhưng ông lại sinh ra tại Hải Dương (miền Bắc). Việc Võ Văn Thưởng được bầu vào cương vị mới rất có thể sẽ mở đầu cho câu chuyện dài nhiều tập về sự lựa chọn của tân Chủ tịch nước và của người dân Việt Nam. Hai sự lựa chọn này liệu có giống nhau ?

npt2

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhận chức Chủ tịch nước tại Quốc hội hôm 2/3/2023 - AFP

Dư luận trong nước cả tuần lễ nay và có thể còn lâu nữa vẫn chưa hết ngỡ ngàng về lời tuyên thệ trong buổi lễ nhậm chức của tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong khi người dân khắp cả nước đang đối mặt với cuộc mưu sinh nhọc nhằn sau đại dịch Vũ Hán thì tuyên thệ nhậm chức của Võ Văn Thưởng lại bắt đầu bằng hô khẩu hiệu "suông" là sẽ "kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin…". 

Nhìn toàn cục, đất nước thì đang thiếu hẳn những điều tử tế tối thiểu : Việt Nam hiện nay có nhiều thứ ngược đời đến phi lý : Cà phê không được làm ra từ cà phê, nước mắm không được chiết xuất từ cá biển, tiền lương không tích lũy do lao động, bằng cấp không được trao trên cơ sở thực học, quan chức không được chọn bởi thực tài. Nghiêm trọng nhất là Nhà nước, Quốc hội không được bầu ra từ nhân dân : (1 ) Vậy xin hỏi tân Chủ tịch nước, những lời thề bồi của ông là nhằm làm "đẹp lòng" người lựa chọn ông, hay đưa ra để giải quyết các nghịch lý nói trên ?

Sinh Bắc, quê Nam có thể là ưu thế vượt trội của ông Thưởng, vì cùng lúc, bảo đảm từ nay "Tứ trụ" đáp ứng được cơ cấu vùng miền, đồng thời nếu Đại hội tới, Thưởng được xếp vào ghế Tổng bí thư, thì sẽ thỏa mãn được yêu cầu trước đây, cũng được cho là của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : "Tổng bí thư phải là người miền Bắc và là người có lý luận". Ông Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất trong hàng ngũ chóp bu, lại có bằng Thạc sĩ về Triết học Mác – Lê Nin. Điều này được coi là lựa chọn phù hợp đối với cả hai vị Đảng trưởng : Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình. Cái lợi của sự lựa chọn này là ông Trọng lẫn ông Thưởng có thể cùng nuôi dưỡng hy vọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định đúng như điện mừng của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình gửi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Nói đến lập trường của Trung Quốc, cần nhắc lại, ông Thưởng từng tháp tùng phái đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc kinh hồi cuối năm ngoái và gặp gỡ nhiều vị chức sắc trong Ban lãnh đạo Trung Nam Hải. Có điều là, ngoại trừ đối với Tập Chủ tịch, ông Trọng toàn hội kiến với các thành viên lãnh đạo sắp về hưu. Còn ông Thưởng, ngược lại, được gặp những người đương chức hoặc sắp nhận những cương vị mới. Không thể không nhắc lại cuộc gặp giữa Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng với ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc hội kiến với các ông : Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư và Uông Dương, là những người đã bị loại khỏi Trung ương. Cho đến chiều tối 6/3, ngoài điện mừng của Tập Cận Bình, Putin, Chủ tịch Triều Tiên, Cuba, Tổng thống Ấn Độ… người ta vẫn chưa thấy điện mừng của Hoa Kỳ và khối các nước dân chủ từ Châu Âu cùng các vùng miền khác trên thế giới.

Điều nói trên không hẳn là một sự tình cờ nếu chú ý, trong tuyên thệ của mình, ông Thưởng đã gián tiếp mạ lỵ sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa (cũ) ở Đông Âu. Trước đây, trên cương vị Thường trực Ban bí thư, ông Thưởng cũng chưa có chuyến thăm hay cuộc hội kiến nào với lãnh đạo các nước phương Tây. Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà tân Chủ tịch tiếp là Phó Thủ tướng Camphuchia và ông này đã cám ơn, vì mình là vị khách quốc tế đầu tiên được ông Thưởng hội kiến tại Hà Nội (3 ). 

Khi "thương vay khóc mướn" vì "có nhiều người dao động, rời hàng ngũ lúc các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ", không rõ Võ Văn Thưởng có thấm nhuần nguyên lý "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", vì người dân cả khối Đông Âu đã xuống đường hân hoan chào đón sự kiện đổi đời của họ. Sau 30 năm "sụp đổ", các nước này đều có sự thăng tiến, đặc biệt, GDP của Ba Lan giờ đây đã tăng gấp 10 lần (chính xác là 103% – từ 66 tỷ USD năm 1990 lên 680 tỷ USD năm 2020). Hầu hết các xã hội Đông Âu đều yên bình, tăng trưởng ổn định, ít tội phạm, trong khi các điều kiện phúc lợi, miễn học phí, y tế, giáo dục cho toàn dân ngày càng được cải thiện ? Khi Ukraine bị Nga xâm lược, tất cả đều đứng về phía Ukraine và dành sự giúp đỡ cực kỳ hiệu quả đối với Kiev (4) .

Rõ ràng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bồi dưỡng và chuẩn bị suốt cả một thời gian dài ; người dân nói, ông Trọng đã "sắp cỗ" cho ông Thưởng ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Cái cách ông Trọng chọn ra ông Thưởng khiến dư luận nhớ tới một câu chuyện lịch sử… Nhận thấy Tô Hiến Thành là quan đại thần phụ chính nhà Lý, do tuổi già sức yếu khó qua khỏi, Đỗ thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) tới thăm và hỏi rằng nếu ông có mệnh hệ gì thì lấy ai thay thế ông được. Tô Hiến Thành đáp : "Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá" ! Thái hậu tỏ ngạc nhiên, hỏi : "Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử ? Trần Trung Tá không mấy khi quan tâm đến ông, sao ông lại ưa chuộng người ấy vậy ?". Tô Hiến Thành đáp rành rẽ : "Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được !" (5 ). Tiếc rằng, triều đình sau đó đã không nghe theo lời ông, dẫn đến sau này vua Lý Cao Tông không được dạy bảo điều hành chính sự mà chỉ lo ăn chơi, nhà Lý đi vào suy vong.

Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có học vấn và quá trình làm việc khá giống với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhận định về chuyển biến nhân sự hồi đầu tháng, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm cho rằng : "Võ Văn Thưởng là một hiện tượng quyền lực trong một truyền thống và thể chế chỉ biết tận dụng những nhân sự ngây ngô, không bản lãnh, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo ngôn ngữ và tập quán chế độ". 

Theo Tiến sĩ Liêm, sẽ chưa có một thế hệ kỹ trị cho Việt Nam trong vòng vài thập kỷ tới. Ông Liêm phân tích : "Vì giới kỹ trị không thể làm chủ tình hình chính trị và ý thức hệ khi tự bản chất họ chỉ là chuyên gia, chờ chỉ đâu làm đó. Cái cần thiết để thay đổi là một thế hệ chính trị gia mới mang tham vọng quyền lực và có nhiệt huyết cách mạng ngay trong lòng chế độ. Chuyện này là không thể có trong hoàn cảnh hiện nay" (6 ). Dù sao, sự lựa chọn vừa qua cũng là một sự lựa chọn an toàn cho ông Trọng, đang tỏ ra muốn cân bằng các mối quan hệ tế nhị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tựu trung lại, sự lựa chọn để tìm ra Võ Văn Thưởng và sự lựa chọn của chính Võ Văn Thưởng, như đã phân tích ở trên, dường như chả có liên quan gì đến tâm tư, tình cảm và lo toan của người dân Việt Nam hiện nay. Về nhân sự cho "Bộ Tứ" từ nay, ba vị Trọng – Huệ – Thưởng hy vọng sẽ tạo thành thế vững chắc trong hệ thống quyền lực của Đảng. Để đạt được quyền lực này, Nguyễn Phú Trọng đã từng phải trả giá : phải bật khóc khi không ép được Ban chấp hành trung ương kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng, cho dù tay này đã từng phá nát nền kinh tế một thời. Chức vụ của ông Thưởng hiện nay sẽ được kéo dài cho tới hết nhiệm kỳ, tức là tới tháng 5 năm 2026. Khi đó thì Võ Văn Thưởng sẽ chỉ mới 56 tuổi vào thời điểm khi Đại hội Đảng 14 diễn ra vào đầu năm 2026, và ông Thưởng sẽ là một ứng viên sáng giá để kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về quê "làm người tử tế" (7 ).

Bích Nhung

Nguồn : RFA, 06/03/2023

Tham khảo :

1. http://www.buctranhvancau.com/new-blog/2023/3/4/chng-ta-ang-thiu-nhng-iu-t-t-bnh-thng-dng-quc-trung-tui-tr

2. https://vov.vn/chinh-tri/thuong-truc-ban-bi-thu-vo-van-thuong-hoi-dam-voi-bi-thu-thanh-uy-bac-kinh-thai-ky-post981033.vov

3. https://baochinhphu.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-tiep-pho-thu-tuong-campuchia-102230304193202312.htm

4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_Lan

5. https://trithucvn.org/van-hoa/to-hien-thanh-khong-luy-tien-tai-tien-cu-nguoi-hien-khong-vi-on-rieng.html

6. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw85z4x17q2o

7. https://www.youtube.com/watch?v=4yMIGfEacộng sản s

**************************

Việt Nam đang chuẩn bị quá trình chuyển giao quyền lực ở "thượng tầng" !

RFA, 06/03/2023

Nhiều chuyên gia về chính trường Việt Nam cho rằng chế độ độc đảng ở Hà Nội sẽ vẫn giữ nguyên chính sách ưu tiên phát triển kinh tế và đa phương trong đối ngoại sau khi ông Võ Văn Thưởng được bầu vào chức vụ Chủ tịch nước hôm 2/3.

npt3

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ Chủ tịch nước sáng ngày 02/3/2023 - AP/VNA

Sự sắp xếp khôn ngoan ?

Ngay sau khi ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, nhà báo Tomoya Onishi nhận định trong bài viết đăng trên tờ Nikkei Asia rằng "Việc lựa chọn một đồng minh thân cận của Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước tiếp theo của Việt Nam càng củng cố quyền lực của Tổng bí thư Đảng Cộng sản, làm dấy lên lo ngại về sự kiểm soát chặt chẽ hơn của đảng đối với nền kinh tế" và "ông Trọng có thể đưa Hà Nội xích lại gần Bắc Kinh hơn khi ông tập trung củng cố đảng".

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) lại có một nhận định khác. Trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA), ông viết :

"Tôi cho rằng các nhận định đó không chính xác. Việc bầu ông Thưởng vào vị trí Chủ tịch nước chủ yếu liên quan đến các dàn xếp nội bộ ở thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là việc thực hiện một quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho người kế nhiệm. Trong bối cảnh đó, họ cần đưa vào vị trí chủ tịch nước một nhân vật phù hợp, không gây cản trở cho quá trình đó, và ông Thưởng là một người như vậy".

Trên trang Nghiên cứu Quốc tế, tiến sĩ Hiệp viết rằng ông Thưởng được coi là đồng minh thân cận của ông Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người được cho là sẽ được ông Trọng lựa chọn trong vai trò kế nhiệm vị trí tổng bí thư.

Việc ông Thưởng được bầu vào vị trí Chủ tịch nước có thể tạo thuận lợi cho kế hoạch chuyển giao chức vụ đứng đầu đảng của ông Trọng, một việc không thành từ Đại hội Đảng lần thứ 13 năm 2021 khi người đứng đầu đảng muốn nghỉ hưu nhưng buộc phải tại vị vì chưa tìm được người thay thế mình. Sự xuất hiện của một chính trị gia từ một phe phái khác có thể làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết.

Việc đưa ông Thưởng vào chức Chủ tịch nước- một trong bốn vị trí cao nhất của chế độ có tên "tứ trụ" gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, là lấy lại sự cân bằng vùng miền trong chính trường Việt Nam. Kể từ tháng 4 năm 2021, không có chính trị gia miền Nam nào nằm trong nhóm "tứ trụ", ông Hiệp nhận định.

Về đối ngoại, Tiến sĩ Hiệp cho rằng "Việc đưa ông Thưởng lên cũng không liên quan đến việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ ai lên nắm quyền của Việt Nam cũng phải tìm cách duy trì sự cân bằng với Mỹ và Trung Quốc".

Ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College), cũng có cùng nhận định về chính sách đối ngoại bất biến của Việt Nam dưới thời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông viết cho RFA vào ngày 03/3 :

"Việt Nam sẽ không xích lại gần Trung Quốc hơn do chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên hai cấp độ.

Thứ nhất là quan hệ Việt-Trung. Nếu như Trung Quốc vẫn tỏ thái độ hung hăng ở Biển Đông, Hà Nội sẽ không xích lại gần với Bắc Kinh bất kể lãnh đạo có là ai đi chăng nữa.

Thứ hai là chính sách đối ngoại của Việt Nam là do Bộ Chính trị quyết định dựa theo đồng thuận tập thể chứ không phải do một cá nhân nào. Việc ông Võ Văn Thưởng lên làm Chủ tịch nước không làm thay đổi đường lối đối ngoại quốc gia do ông Thưởng cũng chỉ là một cá nhân trong một tập thể".

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, một chuyên gia về vấn đề an ninh và chính trị Việt Nam, trong email gửi RFA vào thứ sáu (3/3), viết :

"Tổng bí thư không có quyền đơn phương đưa Việt Nam xích lại gần Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trọng và Bộ Chính trị đi theo chủ trương tận dụng sự đồng nhất về tư tưởng của hai đảng cộng sản – Trung Quốc và Việt Nam – để thúc đẩy chủ nghĩa xã hội".

Theo ông, từ năm 2003, Việt Nam áp dụng chính sách vừa hợp tác vừa đấu tranh để giải quyết quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ và chính sách này đã được tái khẳng định vào năm 2013. Tại thời điểm này, các nhà lãnh đạo Đảng đang tranh luận về cách xác định đối tác hợp tác và đối tác đấu tranh.

"Dù Việt Nam có thay đổi chính sách gì đối với Trung Quốc cũng là kết quả của sự đồng thuận trong Bộ Chính trị với sự ủng hộ của đa số Ban Chấp hành Trung ương chứ không phải là khuynh hướng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng", Giáo sư Carl Thayer viết.

Có ý kiến lo ngại về việc nhà nước sẽ siết chặt quyền con người và tăng cường kiểm duyệt báo chí vì ông Thưởng từng đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương trong nhiều năm, giáo sư Carl Thayer dự đoán : 

"Nhiệm kỳ của Võ Văn Thưởng với tư cách là Chủ tịch nước dường như sẽ không có bất kỳ tác động rõ rệt nào – dù là tích cực hay tiêu cực – đối với các thông lệ kiểm duyệt và đàn áp phổ biến của Việt Nam đối với các quyền dân sự và chính trị".

Truyền thông quốc tế viết gì ?

Trong ngày thứ năm, AFP dẫn lời Benoit de Treglode (Be Noá de Take lo d) tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự (IRSEM) ở Paris cho rằng "Việc bổ nhiệm ông ấy (ông Võ Văn Thưởng-pv) không tượng trưng cho một bước ngoặt" trong khi Giáo sư Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam đương đại, cho rằng việc đưa ông Thưởng vào chức vụ mới này "sẽ đánh dấu bước đi mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch đang diễn ra của ông ta nhằm định hình hiện tại và tương lai của Đảng".

Florian Feyerabend (Florian Fai a bend) - đại diện của Quỹ Konrad (Đức) ở Việt Nam nhận định trên Reuters ngày 2/3 rằng tuy trẻ nhất trong Bộ Chính trị nhưng ông Thưởng lại được cho là có bề dày trong Đảng vì bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở tổ chức đoàn từ thời đại học. Ông Thưởng sẽ giúp cho việc "đốt lò" của ông Trọng không nguội trong tương lai gần.

Phóng viên Jonathan Head của BBC ở khu vực Đông Nam Á thì cho rằng việc đưa ông Thưởng vào chức Chủ tịch nước "có vẻ là một lựa chọn rất bảo thủ" nhưng "an toàn cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được cho là nhà lãnh đạo quyền lực nhất mà Việt Nam có được kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ năm 1975".

Xinhua, cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin mà không bình luận về việc ông Thưởng được bầu vào chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam.

Ông Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970- thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị, được Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam nhất trí giới thiệu cho chức danh nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị bất thưởng vào ngày 01/3 vừa qua.

Một ngày sau đó, ông được Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận với tỷ lệ gần như tuyệt đối (487/488) và trở thành Chủ tịch nước trẻ nhất trong lịch sử gần 70 năm qua, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc từ nhiệm trong giữa tháng 1 năm nay.

Nguồn : RFA, 06/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quí Thường, Phạm Quý Thọ, Bích Nhung
Read 565 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)