Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/03/2023

Nga : Chính sách xoay trục sang Châu Á đang tăng tốc

Hubert Testard, Thùy Dương

Xoay trục kinh tế bất đối xứng, Nga ngày càng lệ thuộc vào Châu Á

Khi mối quan hệ với Châu Âu rạn nứt do chiến tranh Ukraine, Nga đã xoay trục, phát triển giao thương với Châu Á, không chỉ Trung Quốc, mà cả Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, theo chuyên gia về Châu Á và kinh tế quốc tế, Hubert Testard, sự xoay trục của Nga sang Châu Á là bất đối xứng và ngày càng mang tính lệ thuộc.

tcb1

Tân chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên thệ trước Quốc hội (Nguồn : DW)

RFI giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Hubert Testard đăng trên trang mạng Châu Á Asialyst ngày 25/02/2023 : "Nga : Chính sách xoay trục sang Châu Á đang tăng tốc".

Chuyên gia Hubert Testard nhắc lại Vladimir Putin đã chính thức hóa ý tưởng "xoay trục sang Châu Á" tại thượng đỉnh APEC năm 2012. Cuộc xâm lược Crimea hồi năm 2014 là cơ hội để Moskva nối lại quan hệ hợp tác kinh tế, tiền tệ và chiến lược với Trung Quốc nhằm chống lại các lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây. Âm mưu xâm lược Ukraine và cuộc chiến nổ ra ngày 24/02/2022 càng khiến Nga tăng tốc xoay trục.

Nga - Trung : Hướng đến những đỉnh cao mới ?

Trong chuyến thăm Nga gần đây của Vương Nghị, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, cấp cao hơn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh mối quan hệ song phương đang vươn lên "những đỉnh cao mới". Quả thực, thương mại Trung - Nga đã tăng 29% trong năm 2022, đạt 189 tỷ đô la, không mấy xa ngưỡng 200 tỷ đô la cho năm 2024 mà Putin và Tập Cận Bình đã đề ra hồi năm 2019 cho năm 2024, ngưỡng này có thể sẽ đạt được ngay trong năm 2023.

Tuy nhiên, sự tăng tốc này thể hiện rõ nét hơn đối với hàng xuất khẩu của Nga, vốn dĩ đã tăng 43% về giá trị, nhưng nếu tính về lượng thì ít hơn, do giá năng lượng tăng mạnh. Về phía Trung Quốc, xuất khẩu sang Nga, sau khi đình trệ trong nửa đầu năm, đã hồi phục vào cuối năm và tính cả năm thì tăng 12%.

Trung Quốc đang tận dụng tối đa mức giảm giá 30% mà Nga đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu. Nhưng ngay cả khi được giảm, giá dầu nhập khẩu vẫn cao hơn so với trước chiến tranh, do vậy, theo các chuyên gia Trung Quốc, đây không thể được gọi là một "thương vụ tốt". Hơn nữa, Bắc Kinh cũng không bỏ tất cả trứng vào chung một giỏ. Về lượng, dầu Trung Quốc nhập của Nga chỉ tăng 8% trong năm 2022. Tỷ trọng dầu lửa Nga trong nhập khẩu của Trung Quốc là gần 17%, nhưng Ả Rập Xê Út mới là nhà cung cấp nhiều dầu nhất cho Trung Quốc.

Còn khí đốt Trung Quốc nhập từ Nga tăng mạnh hơn, tăng 2,4 lần qua đường ống dẫn khí và khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng 2,6 lần, tổng cộng là 11 tỷ đô la - so với 58 tỷ đô la nhập khẩu dầu. Về nhập khẩu qua đường ống dẫn khí đốt, Trung Quốc khai thác tiềm năng của đường ống "Sức mạnh Siberia", nhưng không vội cụ thể hóa các thỏa thuận về đường ống "Sức mạnh Siberia II" đi qua Mông Cổ.

Về ngắn hạn, dường như Trung Quốc có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan. Đối với He Weiwen, một nhà nghiên cứu tại cơ quan tư vấn Centre for China Globalization ở Bắc Kinh, được South China Morning Post trích dẫn hôm 17/02, thì không phải phía Bắc Kinh cần mà chính Moskva mới là bên cần Trung Quốc tăng cường mua khí đốt tự nhiên của Nga.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm vai trò cần thiết để kinh tế Nga được duy trì. Các nhãn hàng Trung Quốc hiện chiếm hơn 30% thị trường xe hơi Nga so với tỉ lệ 3,5% hồi năm 2020. Hãng thông tấn Nga Oreanda, dựa trên cơ sở dữ liệu của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar, mới đây cho biết 2/3 số doanh nghiệp lớn của Nga đã mua phụ tùng của Trung Quốc thay vì mua của phương Tây. Con số này có thể đã được phóng đại, nhưng cũng cho thấy trên thị trường Trung Quốc nhu cầu mua các sản phẩm Trung Quốc hiện đang gia tăng. Về phía Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo ngay từ tháng 07/2022 đã cho thấy điện thoại di động Trung Quốc chiếm 70% thị phần Nga.

Về tiền tệ, bộ Tài Chính Nga ngày 30/12/2022 thông báo Quỹ đầu tư quốc gia của nước này sẽ không còn giữ tài sản bằng đồng la và nâng hạn mức tài sản bằng nhân dân tệ lên 60%, so với mức 30% trước đây. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, doanh thu xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ đạt 14% vào tháng 09/2022 so với tỉ lệ 0,4% hồi đầu năm. Sự xoay trục tiền tề khá đột ngột này kéo theo những rủi ro trung hạn cho Nga mà các cơ quan quản lý tiền tệ của Nga hiện chưa tính đến.

Ấn Độ cơ hội

Trong khi Trung Quốc đang hạ bớt nhịp độ khẩu dầu của Nga, thì Ấn Độ lại phát triển chính sách mua "không giới hạn" hàng mà Nga chào bán với mức giảm giá đáng kể. Nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gần gấp 5 lần trong 10 tháng đầu năm tài khóa kéo dài từ tháng 04/2022 đến tháng 01/2023. Khoảng 85% mức tăng này liên quan đến dầu thô, vốn chiếm hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Lượng phân bón Ấn Độ mua của Nga cũng tăng gấp 4 lần. Ấn Độ điều chế dầu nhập từ Nga rồi xuất khẩu các chế phẩm dầu lửa ra thế giới, kể cả sang Pháp. Năm 2022, lượng chế phẩm dầu lửa Pháp nhập từ Ấn Độ đã tăng gấp đôi, nhưng không rõ lượng dầu Ấn Độ nhập từ Nga rồi bán lại cho Pháp là bao nhiều.

Trái lại, khác với Trung Quốc, xuất khẩu từ Ấn Độ sang Nga đã giảm 1/3 trong năm tài khóa 2022, đặc biệt là đối với thiết bị cơ khí và điện hoặc các sản phẩm luyện kim. Điều này cho thấy Ấn Độ là một đối tác hoàn cảnh của Nga hơn là một đồng minh kinh tế về lâu dài.

Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Nga

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khối ASEAN. Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng 21% (tỉ lệ cao hơn cả xuất khẩu của Trung Quốc) và đạt mức thặng dư thương mại rất cao. Các nhà khai thác hàng tiêu dùng Trung Quốc phàn nàn về sự cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Nga, liên quan đến hàng điện tử tiêu dùng, hàng dệt may, quần áo, giày dép và nông sản. Các tuyến vận chuyển từ Việt Nam sang Nga gần đây cũng đã được tăng cường, trước hết là qua tuyến đường biển đến Vladivostok, rồi từ đó đến Moskva bằng đường sắt.

Cũng giống trường hợp của Ấn Độ về hàng xăng dầu nhập từ Nga, Việt Nam bị Cơ quan Điều tra Môi trường Anh nghi ngờ tái xuất khẩu đồ nội thất làm từ gỗ bạch dương của Nga sang các thị trường phương Tây.

Nhật Bản chỉ hạn chế vừa phải giao thương với Nga

Đứng đầu liên minh chiến lược với phương Tây chống lại cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng Nhật Bản lại gặp một số khó khăn trong việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Moskva. Chịu tác động từ các lệnh trừng phạt kinh tế và sự trì trệ của thị trường nội địa Nga, xuất khẩu của Nhật Bản sang Nga đã giảm gần 30% trong năm 2022. Tuy nhiên, việc Nhật nhập khẩu hàng Nga vẫn tiếp tục tăng với tốc độ ổn định (+26%), giao thương nhìn chung tăng 11% (bằng đồng yen Nhật).

Không có gì ngạc nhiên khi 2/3 nhập khẩu của Nhật Bản là các sản phẩm năng lượng. Dầu và các chế phẩm từ dầu nhập từ Nga giảm mạnh về giá trị và nhất là về lượng (-56%). Nhưng khí tự nhiên hóa lỏng Nhật Bản nhập của Nga vẫn ổn định về lượng và tăng 85% về giá trị, chiếm 1/3 tổng lượng hàng nhập khẩu của Nhật Bản trong năm 2022. Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một ngoại lệ lớn trong chính sách trừng phạt Nga, viện dẫn việc duy trì nhập khí hóa lỏng tự nhiên của Nga là một sự cần thiết chiến lược đối với Tokyo.

Về xuất khẩu của Nhật Bản sang Nga, có một bất ngờ khác liên quan đến doanh số bán xe hơi, chiếm khoảng 50% tổng doanh số và mức nhập dường như vẫn được duy trì (chỉ giảm -2,5%) cho dù các nhà sản xuất Nhật Bản đã thông báo rút khỏi thị trường Nga. Lý do giải thích sự bất thường nói trên : Do các hãng xe phương Tây và Nhật rút lui, Nga phải mua xe cũ, 3/4 số này đến từ Nhật Bản. Từ trước tới nay, xe hơi Nhật Bản đã qua sử dụng thường được xuất khẩu sang Châu Phi và được đánh giá cao vì vẫn còn rất tốt.

Hàn Quốc tích cực trừng phạt Nga

Kém Nhật Bản trong các hoạt động ngoại giao chống cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine, nhưng Hàn Quốc lại tích cực hơn láng giềng Nhật trong việc kiềm chế quan hệ kinh tế với Nga. Thương mại song phương Hàn - Nga giảm 22,6% trong năm 2022, trong đó xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 37% và xuất khẩu của Nga giảm 14%. Sự sụt giảm xuất khẩu của Hàn Quốc đặc biệt liên quan đến lĩnh vực bán dẫn (-65%) và xe hơi. Về lượng, nhập khẩu nhiên liệu hóa lỏng GNL và dầu lửa lần lượt giảm 36% và 55%, chỉ có nhập khẩu than của Nga vẫn tăng (+14%).

Tổng quan thương mại giữa Nga và các đối tác Châu Á chính của Moskva trong năm 2022, trừ trường hợp Hàn Quốc, đã cho thấy việc tăng tốc xoay trục của kinh tế Nga sang Châu Á. Một trục được xem là khẩn cấp và cần thiết, nơi các nhà sản xuất Nga đang nỗ lực hết mình để duy trì mạng lưới cung ứng và sản xuất, thị trường đầu ra và tìm kiếm các đối tác như Ấn Độ hay Việt Nam. Trục này sẽ giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng chính sự cần thiết này khiến Nga trở nên lệ thuộc vào Châu Á, nhất là vào Trung Quốc, nước có có khả năng áp đặt giá cả và các điều kiện của "quan hệ đối tác không giới hạn".

Hubert Testard

Nguyên tác : Russie : le pivot vers l’Asie s’accélère, Asialyst, 25/02/2023

Thùy Dương tóm dịch

Nguồn : RFI, 10/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hubert Testard, Thùy Dương
Read 225 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)