Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/03/2023

Người dân vẫn 'ăn hành' vì thủ tục giấy tờ rườm rà

Song May

Câu chuyện tôi kể ra chỉ là về một vài ví dụ ở Sài Gòn nhưng đủ cho thấy các loại giấy tờ khác nhau vẫn tiếp tục 'hành dân'.

thutuc1

Với trẻ sanh năm 2016 đến nay thì số định danh cá nhân tích hợp luôn trong giấy khai sanh, không cần "Thông báo".

Đầu tiên là việc học. Hiện nay, phụ huynh có con vào đầu cấp học (mẫu giáo hoặc lớp 1, lớp 6) ở Sài Gòn phải chuẩn bị hồ sơ nộp cho nhà trường.

Ngoài khai sanh của con, phụ huynh phải kèm theo "Giấy xác nhận cư trú" (ghi rõ diện thường trú hoặc tạm trú) hoặc "Thông báo Số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" (tạm gọi tắt là "Thông báo") của đứa trẻ.

Với trẻ sanh năm 2016 đến nay thì số định danh cá nhân tích hợp luôn trong giấy khai sanh, không cần "Thông báo".

Ai "thân" với công an khu vực thì có thể nhờ làm cái giấy xác nhận cư trú rồi đưa đến tận nhà, ai không "thân" thì phải đến văn phòng công an phường xin. Tất nhiên phải đi ít nhất hai lần mới lấy được cái giấy đó.

Nhìn mẫu giấy xác nhận cư trú có nội dung dài hai trang A4 mà ngao ngán, vì có quá nhiều mục phải khai, chả khác gì bản lý lịch, đã vậy còn phải có tên và số định danh của chủ hộ, mối quan hệ với chủ hộ, rồi thông tin của các thành viên khác trong gia đình.

Nếu nhà nào có sẵn cái "Thông báo" của đứa trẻ thì chỉ cần photo và nộp cho trường.

"Thông báo" là tờ giấy A4 thay thế sổ hộ khẩu, do công an phường - nơi đăng ký hộ khẩu - cấp cho từng cá nhân từ năm 2021, tuy nhiên ngay ở Sài Gòn, người có, người không, tùy từng quận và tùy cả vào hoàn cảnh. Ngay trong cùng một nhà, cũng người có, người không - vì nếu may mắn không chỉnh sửa thông tin thì có ngay lần đầu phát, còn sai thông tin thì phải bổ sung giấy tờ và đợi đấy.

Lúc còn sổ hộ khẩu - một cuốn sổ nhỏ tiện cầm theo - thì trên đó ghi tên tất cả mọi người cùng sống trong căn nhà và trang đầu tiên sẽ là số hộ khẩu, họ tên chủ hộ, nơi thường trú, tổ…

Mỗi trang thông tin cá nhân trong sổ hộ khẩu chỉ bao gồm "Quan hệ với chủ hộ, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân (Chứng minh nhân dân)… chuyển đến ngày nào, nơi thường trú trước khi chuyển đến…".

thutuc2

Còn cái "Thông báo" cho từng cá nhân thì rất nhiều thông tin. Ngoài số định danh cá nhân (trùng với số căn cước công dân, nhưng không hiểu sao lại đặt tên mới cho thêm rối ?), còn có những thông tin khác như nhóm máu, nơi đăng ký khai sinh, tên cha, tên mẹ, tình trạng hôn nhân, tên vợ hay chồng.

Trước khi có được cái "Thông báo" này, công an phát cho mỗi người một tờ khai, hệt như tờ khai lý lịch. Nếu cha mẹ còn sống thì phải kèm bản photo Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của cha mẹ ; nếu khai có vợ có chồng phải photo giấy kết hôn đính kèm.

Trong cái "Thông báo" này, kỳ cục nhất là nơi đăng ký khai sinh : nếu một người sanh ở Sài Gòn trước 1975 thì nơi sanh của họ - một xã nào đó thuộc quận nào đó hiện đã bị đổi tên, thì công an sẽ tự tiện đổi thành tên mới hiện nay, nghĩa là hoàn toàn khác với bản gốc khai sanh của họ !

Thế nhưng, nếu khiếu nại chắc chắn sẽ càng rước thêm mệt mỏi vào người.

Cái tờ "Thông báo" chứa đựng hầu hết thông tin của một người lại chỉ là tờ giấy A4 mỏng manh, nên để bảo vệ nó, tôi phải đi ép plastic, và tất nhiên, cất cho kỹ.

Mặc kệ dân bị mất thời gian và tiền bạc

Rồi đến chuyện Bộ Công an Việt Nam thay đổi passport (màu sắc, thiết kế cuốn sổ và thông tin bên trong) vừa qua "làm tốn không ít giấy mực" của báo chí, nói theo kiểu hồi báo in còn là số 1 trên thị trường.

Và ai chưa phải đi làm lại sổ mới trong thời gian lộn xộn vừa qua (ban đầu không ghi nơi sanh, rồi sau lại ghi nơi sanh ; chưa gắn chip, rồi lại gắn chip) thì đúng là điều may mắn.

Thêm nữa, chuyện chứng nhận tạm trú. Một người bạn của tôi có nhà cho thuê. Bạn kể việc lên công an phường làm giấy chứng nhận tạm trú cho khách thuê cũng trần ai. Cùng một khách thuê trong hơn 10 năm, loại giấy này (có thời hạn ngắn) thay đổi tờ khai không biết bao nhiêu lần, càng ngày càng chi tiết.

Có năm công an phát cho khách thuê trọ dài hạn (gọi là KT3) một cuốn sổ tương tự sổ hộ khẩu, nhưng sau đó lại hủy bỏ, thay bằng giấy tạm trú (khổ A4) có thời hạn từng năm.

Mới nhất, giấy tạm trú cấp cho khách thuê có tên "Thông báo về kết quả giải quyết, hủy bỏ đăng ký cư trú" (tên gọi giấy tạm trú cũng rối rắm y như cái "Thông báo" thay sổ hộ khẩu), chỉ có thời hạn 2 năm.

Để có cái giấy "phòng thân" cho khách thuê dài hạn (vì đụng chỗ nào cũng đòi, ngay cả đi lãnh bảo hiểm thất nghiệp), bạn tôi phải nộp tờ khai thay đổi thông tin cư trú cho từng khách thuê, sau đó đến ngày hẹn lên lần nữa, may thì lấy được ngay, không thì chờ tiếp.

Mới đây, thông tin về việc căn cước công dân thêm cái này, thay cái kia, đổi cái nọ, khiến một người bạn khác của tôi méo mặt. Vốn bị "ăn hành" đến mức "cay xé" mới có được căn cước công dân gắn chip hồi năm ngoái, bạn hỏi tôi : - Thế giờ thay đổi nữa, tôi có phải đi làm thẻ căn cước công dân mới không ? - Không, cho đến khi nào cái thẻ ấy gần hết hạn thì bạn mới phải đi làm.

thutuc3

Bạn tôi thở phào nhẹ nhõm, vì thời hạn trên thẻ của bạn đến 10 năm. Nhưng khoan, tôi bảo - Thấy báo viết vậy, chứ trong thực tế không biết có đúng như vậy không nghen. Bạn tôi trợn mắt nhìn. Đúng. Vì tôi đã trải qua kinh nghiệm này rồi.

Thẻ căn cước công dân mã vạch của tôi làm đầu năm 2020, ghi "Có giá trị đến "không thời hạn". Khi có lệnh thay đổi căn cước công dân gắn chip, tôi yên chí "không thời hạn" thì khỏi phải làm căn cước công dân gắn chip (báo và các công ty luật đều viết : "thẻ căn cước công dân mã vạch chỉ đổi thành căn cước công dân gắn chip khi hết hạn hoặc có thay đổi về thông tin") nhưng khi trình bày, cuối năm 2021 tôi vẫn bị gọi tên. Khi tôi bận chưa kịp đi, tổ trưởng đến nhà réo, sau đó đến công an, vậy có dám từ chối không ?

Hơn một tháng sau, công an khu vực gọi tôi đến công an phường để nhận căn cước công dân mới và đem theo căn cước công dân có mã vạch còn mới nguyên để nộp lại. Tính phí làm một cái căn cước công dân mã vạch thì không bao nhiêu, chỉ 30.000 VND (hơn 1USD) nhưng nhân lên vài chục triệu người, sẽ ra con số không nhỏ ! Đó là chưa kể mất bao nhiêu thời gian công sức của dân, khi phải chầu chực đến hai lần (nửa buổi chờ làm và nửa buổi chờ lấy) trong khoảng thời gian chỉ hơn 1 năm.

thutuc4

Đã thế, còn "đoạn trường" này nữa, sau khi nhận thẻ căn cước công dân có mã vạch, tôi phải làm đơn xin "Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân", nghĩa là người có số căn cước công dân này cũng là người có số Chứng minh nhân dân kia. Công an quận hẹn một tuần sau lấy. Sau đó, khi trình căn cước công dân có mã vạch ở ngân hàng hay làm thủ tục nhà đất, tôi phải chìa cái giấy xác nhận này (bản chính lẫn bản photo) để ngân hàng và phòng công chứng nhà đất đối chiếu.

Thay giấy mới thì luôn thòng thêm "giấy phụ" (kiểu "giấy phép con" trong lãnh vực kinh tế), và "giấy phụ" còn lắm chi tiết hơn giấy cũ, đó là dấu hiệu XHCN, tức… xuống hố cả nút !

Thủ tục 'đầu tiên' là xong hết

Trên trang Facebook của chị Đặng Bích Phượng ở Hà Nội, hồi cuối năm 2022, tôi đọc thấy dòng trạng thái : "Hôm nọ nhà em ra ủy ban, thấy một ông ngồi bên đang nhăn nhó trình bày, là mẹ ông mới mất, mà giấy tờ của bà năm sinh không khớp nhau, Chứng minh nhân dân thì sinh năm 1928, hộ khẩu thì sinh năm 1927.

Bảo hiểm bắt ông về phường xác minh, là bà sinh năm 27 với bà sinh năm 28 chỉ là một. Phường bảo phường không xác minh được, vì ai làm sai mới sửa được, mà bây giờ chả biết cơ quan nào làm sai. Ông kia ngồi đực mặt ra, không biết làm sao. Ở xứ mình, mất giấy tờ còn làm lại được, chứ không khớp giấy tờ thì nhục như con trùng trục".

Một bạn của chị Phượng đã bình luận : "Chế độ cũ đơn giản hơn nhiều, chỉ cần người con cam kết trước pháp luật rằng hai năm sanh nói trên chỉ áp dụng cho một người, là đủ. Sau này nếu có sai trái, người làm đơn sẽ bị chế tài bởi luật pháp, còn trước mắt chánh quyền phải xác nhận theo nhu cầu của người dân vì gia đình ông này sống ở địa phương đó và những người xung quanh biết rõ.

Tôi đã sống qua ba chế độ : Cộng hòa, Cộng sản và Mỹ, thấy chế độ "ưu việt" là rắc rối nhứt, do luật tù mù, rối rắm nên người thi hành luật sợ trách nhiệm, rốt cuộc người dân lãnh đủ".

Bạn khác kết luận : "Phải làm thủ tục ĐẦU TIÊN (tiền đâu) rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết hết" và rất nhiều người đã đồng ý sử dụng cách đó là nhanh nhất khi bị "ăn hành" vì giấy tờ không khớp.

Chị Phượng cũng kể kinh nghiệm khổ sở của mình khi đi làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (hay còn gọi là giấy chứng nhận độc thân). Vì không lập gia đình, khi cần làm giấy này, chị phải về nơi ở lúc chị 18 tuổi để xin xác nhận lúc đó chưa kết hôn với ai. Tóm lại, từ năm 18 tuổi đến thời điểm chị đi xin giấy, thay đổi bao nhiêu chỗ ở thì chị phải đến bấy nhiêu chỗ để xin giấy chứng nhận độc thân.

Một đứa cháu của tôi khi lập gia đình, muốn đăng ký kết hôn phải đi xin giấy chứng nhận độc thân ở ba phường thuộc hai quận, vì từ năm 18 tuổi đến năm 30 tuổi, nhà cháu thay đổi chỗ ở ba lần.

Khi trở về nơi ở đầu tiên để xin giấy này, nhìn vẻ lo lắng của cháu, bà tổ trưởng khu phố đã nói nhỏ : "Con cứ bỏ phong bì vài trăm ngàn là xong ngay".

Và quả là "xong ngay" trong vòng ba ngày. Cải cách gì mà cuối cùng thì đồng tiền luôn có sức nặng hơn mọi thủ tục.

Song May (Sài Gòn)

Nguồn : BBC, 10/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song May
Read 227 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)