Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/03/2023

Nhân sự lãnh đạo Việt Nam…

Lê Hồng Hiệp

Nhân sự lãnh đạo Việt Nam sẽ còn xáo trộn cho đến Đại hội Đảng kỳ tới

Ngày 02/03/2023, Quốc hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng làm tân chủ tịch nước, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, đã bị buộc phải từ chức vào tháng 1. Nhưng từ đây cho đến Đại hội Đảng kỳ tới vào năm 2026, bộ máy lãnh đạo của Việt Nam sẽ còn gặp xáo trộn do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục chuẩn bị cho người kế nhiệm ông ở chức vụ cao nhất này.

nhansu1

Từ trái sang phải : Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Vương Đình Huệ tại Đại hội Đảng, ngày 31/01/2021, Hà Nội, Việt Nam. AP / Ảnh tư liệu

Tuy vậy, những thay đổi về nhân sự lãnh đạo sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đường lối kinh tế và ngoại giao của Hà Nội. Đó là nhận định chung của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore khi trả lời RFI Việt ngữ ngày 03/03.

RFI : Xin chào anh Lê Hồng Hiệp, sau việc thay đổi chức danh chủ tịch nước, theo anh, sẽ còn những xáo trộn nào khác trong bộ máy lãnh đạo hay không, bởi vì có những tin đồn là có thể Việt Nam sẽ thay luôn cả thủ tướng Phạm Minh Chính ? Không biết những lời đồn đoán đó có đúng không ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi cũng có nghe các lời đồn như vậy và trong bối cảnh chưa có gì rõ ràng, tôi không thể khẳng định được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng theo tôi hiểu thì có thể tiếp tục diễn ra những thay đổi nhân sự cấp cao trước thềm Đại hội Đảng năm 2026 hoặc có thể sớm hơn.

Lý do là ở Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021, các dàn xếp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã diễn ra không theo như dự tính ban đầu của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thay vì tìm được người thay thế ông Trọng ở vị trí tổng bí thư, thì ông Trọng đã phải ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp quy định của điều lệ Đảng là một người không thể nắm giữ vị trí ấy quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Một điều bất thường nữa là vị trí thủ tướng. Thay vì theo truyền thống là một phó thủ tướng lên thay, thì ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã lên nắm chức thủ tướng. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đáng lẽ về hưu thì lại được trao quy chế "trường hợp đặc biệt" và được ở lại đến nắm giữ chức chủ tịch nước. Còn ông Vương Đình Huệ, trước đấy được xem là ứng viên cho chức thủ tướng, thì lại chuyển sang làm chủ tịch Quốc hội. 

Theo tôi, ở Đại hội 13, các dàn xếp đó đã diễn ra không đúng ý muốn và nó đặt ra vấn đề là, nếu như trong thời gian sau Đại hội 13 mà không có một dàn xếp, đặc biệt là tìm được người thay ông Nguyễn Phú Trọng, thì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lãnh đạo có thể rất là nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh chế độ. Cho nên vấn đề đặt ra là phải tìm ra một kế hoạch chuyển giao quyền lực "thuận buồm xuôi gió".

Trong bối cảnh đó, vừa qua có một số chuyển động nhân sự ở cấp cao và tôi nghĩ rằng những chuyển động này diễn ra không phải là hoàn toàn vô tình hay dựa hoàn toàn trên logic về chống tham nhũng, mà có thể liên quan đến những dàn xếp để làm sao có được một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm thắm, đặc biệt là ở vị trí tổng bí thư.

Chủ tịch nước là một trong những vị trí "tứ trụ" và có thể ảnh hưởng tới cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư. Thủ tướng cũng có thể là một vị trí tạo ra bệ phóng cho cuộc chạy đua giành chức tổng bí thư.

Chính vì vậy, hiện tại đang có những chuyển động theo hướng loại bỏ bớt những ứng viên tiềm tàng có thể gây xáo trộn cho kế hoạch chuyển giao quyền lực. Theo tôi hiểu thì có thể ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người tiếp quản chiếc ghế tổng bí thư và ở đây có một sự dàn xếp để làm sao không có những thách thức đối với sự dàn xếp này. Sau khi ông Phúc rời chính trường, thì còn lại một ứng viên tiềm tàng là ông Phạm Minh Chính

RFI : Nhưng theo anh, để gạt bỏ ông Phạm Minh Chính khỏi chiếc ghế thủ tướng thì phe của ông Trọng phải dựa trên những lý do gì ?

Lê Hồng Hiệp : Ông Chính, theo tôi hiểu, cũng là một người có năng lực và có sức làm việc đáng nể, ít nhiều được thể hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bản thân ông được cho là có những vấn đề nhất định, nổi cộm nhất là ông được cho là có quan hệ thân thích với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch của tập đoàn AIC, bị truy tố và bị tuyên án vắng mặt 30 năm tù.

Những rắc rối này có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính trị của ông Phạm Minh Chính và không loại trừ khả năng là ông có thể bị buộc phải từ chức trong thời gian tới. Trong trường hợp đấy, chúng ta sẽ thấy là các dàn xếp để tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực cho chức tổng bí thư sẽ đi đến hồi kết và mang trở lại sự ổn định cho hệ thống chính quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ đó là mục đích cuối cùng của những chuyển động nhân sự vừa rồi.

RFI : Từ đây cho đến khi ban lãnh đạo Việt Nam đi đến ổn định, người ta thấy là những người lên thay nắm các chức vụ cao cấp sau này thì có vẻ có xu hướng bảo thủ, giáo điều, không giống như phe chủ trương kinh tế tự do như những những lãnh đạo kia. Liệu sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến chính sách kinh tế của Việt Nam ?

Lê Hồng Hiệp : Các chuyển động nhân sự vừa rồi chủ yếu liên quan đến các đấu tranh quyền lực trong nội bộ thượng tầng kiến trúc của Đảng cộng sản Việt Nam, không liên quan đến yếu tố ý thức hệ. Ví dụ như nhiều người cho rằng vị trí thủ tướng hay chủ tịch nước, như bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc trước đây là thủ tướng thì ông có xu hướng cởi mở hơn, thân thiện với các doanh nghiệp hơn. Hay có người cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Võ Văn Thưởng là những người giáo điều, bảo thủ hơn. 

Tôi nghĩ không phải là như vậy, bởi vì ta thấy là các vị trí này có chức năng khác nhau. Muốn đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam, thì bất cứ ai làm thủ tướng cũng sẽ có xu hướng cởi mở hơn, tự do hơn về mặt kinh tế, muốn thúc đẩy đầu tư, có tư tưởng đổi mới, thân thiện với doanh nghiệp hơn.

Trong khi đó, bên phía Đảng, đặc biệt là tổng bí thư, thì nhiệm vụ chính không phải là phát triển kinh tế xã hội, mà là bảo vệ vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam và đặc biệt là làm sao duy trì chế độ. Chính vì vậy mà bất cứ ai ngồi vào ghế tổng bí thư cũng sẽ có xu hướng ít nhiều bị coi là bảo thủ, giáo điều.

Cho dù ai lên làm lãnh đạo thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn phải đề cao nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, và muốn đạt được mục tiêu này thì họ phải tiếp tục thu hút đầu tư và mở rộng các biện pháp kinh tế, đặc biệt là về xuất khẩu. Việc phát triển kinh tế xã hội, giúp cải thiện đời sống của người dân đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam. Nếu như Đảng cộng sản Việt Nam có thể tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, giúp cải thiện đời sống của người dân, họ sẽ gặp ít thách thức hơn trong việc giữ vững quyền lực của mình. Còn ngược lại, nếu kinh tế xã hội đi xuống, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn thì có thể dẫn đến sự bất mãn, chống đối, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu cuối cùng của bất cứ ai lên làm lãnh đạo cấp cao nào trong thời gian tới vẫn là bảo vệ vai trò của Đảng, bảo vệ chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam. 

RFI : Riêng về mặt đối ngoại, những xáo trộn về nhân sự lãnh đạo có tác động gì hay không ? Cho tới nay, Việt Nam vẫn giữ một chính sách trung dung, "đi dây" giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Như vậy là chính sách có được tiếp tục hay không hay sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng ?

Lê Hồng Hiệp : Sau Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc sau Đại hội, một số người cho rằng đấy là dấu hiệu cho thấy ông Trọng, hay Việt Nam đang xích gần lại Trung Quốc. Tương tự như vậy, khi một số lãnh đạo Việt Nam được đào tạo ở phương Tây như phó thủ tướng Phạm Bình Minh hay phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa bị cho thôi chức, thì nhiều người diễn dịch nó là một động thái cho thấy Việt Nam đang dịch chuyển về phía Trung Quốc và rời xa phương Tây.

Theo tôi, hoàn toàn không phải như vậy. Ở đây chỉ liên quan đến các động lực ở thượng tầng kiến trúc chính trị ở Việt Nam, không liên quan đến chính sách đối ngoại. Cho dù ai là lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới, thì cũng không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, vì cả hai nước này đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Như tôi đã phân tích ở trên, đó là nhiệm vụ rất là cốt yếu của Đảng cộng sản Việt Nam để duy trì tính chính danh cũng như khả năng cầm quyền.

Cả hai cường quốc đều quan trọng như vậy, cho nên Việt Nam không thể hy sinh quan hệ với nước này để phát triển quan hệ với nước kia, vì làm như vậy chính là tự sát. Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng như vậy, nếu Việt Nam nghiêng về bên này và lơ là bên kia thì sẽ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, sẽ mất đi sự tự chủ chiến lược, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của quốc gia mình, cũng như của khu vực, kéo theo hệ lụy là tư thế chiến lược của Việt Nam sẽ bị suy yếu và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao cân bằng, "đi dây" giữa các cường quốc, để giúp duy trì được sự tự chủ chiến lược, qua đó tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các cường quốc khác cũng như thị trường Trung Quốc và Mỹ để giúp phát triển kinh tế, và qua đó duy trì được vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian tới. 

Thanh Phương thực hiện

Nguồn : RFI, 13/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hồng Hiệp, Thanh Phương
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)