Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/03/2023

Có ‘giải cứu’ được sức mua ?

Nguyễn Nam

Đã gần hết quý I/2023 nhưng tại không ít tuyến đường ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều mặt bằng cho thuê đang bỏ trống.

sucmua1

"Bây giờ chợ nào cũng ế. Tiểu thương khóc ròng vì bán chậm". Ảnh minh họa bên trong một trung tâm thương mại vắng khách

Dọc các tuyến đường sầm uất ở các quận 1, 3, 10, Tân Bình như Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Sỹ…, một số mặt bằng cho thuê bỏ trống lâu ngày trở nên xập xệ, nhếch nhác.

Báo cáo của công ty quản lý bất động sản Savills nhận định hoạt động xây dựng trì trệ và sức mua suy giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng nguồn cung mặt bằng bán lẻ. Năm ngoái, công suất cho thuê mặt bằng giảm 2% do khách thuê kết thúc hợp đồng trước thời hạn tại các dự án ngoài khu vực trung tâm. Trong đó, khách thuê thuộc lĩnh vực thời trang chiếm 24% diện tích trả mặt bằng, lĩnh vực ăn uống chiếm 22% và giải trí, giáo dục chiếm 20%.

Tình trạng đóng cửa, trả mặt bằng cũng diễn ra tại các trung tâm thương mại Pearl, Cantavil, Diamond, Bitexco. Trung tâm Thương mại Parkson Hùng Vương (quận 5) trước khi chính thức đóng cửa cũng rơi vào cảnh ế ẩm, nhiều thương hiệu trả mặt bằng trước thời hạn…

Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, thị trường hàng hóa tháng hai kém sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước Tết, đồng thời do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thu nhập không ổn định.

Thị trường chủ yếu sôi động với các hoạt động phục vụ các lễ hội sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều so với tháng trước do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng hai ước đạt 481.832 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước, trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều giảm : Bán lẻ hàng hóa giảm 6,7% ; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch giảm 20,3% ; dịch vụ khác giảm 2,6%.

Ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng bán lẻ trong nước vẫn chưa lấy lại được đà như trước Covid-19. Trong bối cảnh này, giải pháp hiệu quả nhất là tăng thu nhập cho người dân để họ chi tiêu, thông qua chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tăng đầu tư công để tạo công ăn việc làm, kích tổng cầu trong nước, giúp người dân có khả năng chi tiêu.

"Đây là những giải pháp không chỉ đúng trên lý thuyết kinh tế học mà trên thực tế, chính sách hỗ trợ phục hồi cầu tiêu dùng trong các thời kỳ khó khăn đều xử lý như thế", ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung hoàn toàn có lý bởi giờ đây khi không khó đọc được những thông tin như "Đơn hàng chưa phục hồi, nhà máy tiếp tục giảm công nhân", "Doanh nghiệp nhiều lao động nhất Thành phố Hồ Chí Minh cắt giảm hơn 2.000 công nhân", "Công nhân chật vật tìm việc làm thêm tại Thành phố Hồ Chí Minh"… thì có lẽ đây mới chính là đối tượng cần được "giải cứu" cấp thiết nhất !

Cùng với nhiều thành phần khác hiện chiếm số đông trong xã hội đang phải dè sẻn từng đồng, thiếu trước hụt sau vào thời điểm này, họ xứng đáng được có thêm những hỗ trợ để kích cầu.

Khi mà điều này không phải cá biệt thì chuyện làm sao để người lao động ổn định việc làm luôn là trăn trở chẳng riêng của họ. Đơn hàng chỉ còn 30% so với trước, Công ty trách nhiệm hữu hạn R.L Việt Nam, chuyên sản xuất giày da ở Khu chế xuất Linh Trung II (Thủ Đức), cũng phải giảm hơn 2.000 lao động qua hình thức không tái ký hợp đồng lao động. Từ cuối năm ngoái, công ty bắt đầu gom chuyền, cho nghỉ những công đoạn không cần thiết. Tuy nhiên, sau Tết tình hình ngày càng tệ khi đơn hàng tiếp tục giảm sâu…

Đại diện một nhà bán lẻ lớn có cửa hàng khắp cả nước cho biết sức mua hiện tại chỉ bằng khoảng 65% trung bình năm ngoái. Ngay cả những ngày cuối tuần, sức mua cũng không tăng lên đáng kể.

Từ góc độ nhà bán lẻ, bà Lê Huỳnh Phương Thục, CEO Guardian Việt Nam, cũng cho biết giá trị đơn hàng của người mua đã giảm. Lượng hàng bán không đổi nhưng khách chuyển sang sản phẩm bình dân hơn. "Túi tiền người tiêu dùng bị ảnh hưởng nên cẩn trọng trong chi tiêu sản phẩm chăm sóc cá nhân", bà Thục nói.

"Bây giờ chợ nào cũng ế. Nhiều người quen của tôi là tiểu thương chợ Tân Định, Bà Chiểu… cũng khóc ròng vì bán chậm. Một số tiểu thương đăng ký bán hàng trên Grab Mart và rất chịu khó quảng cáo hàng trên Zalo, Facebook nhưng cũng rất ít khách chốt đơn" – bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chủ sạp trái cây Cẩm Tú, chợ Bến Thành cho biết vậy.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 17/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam
Read 200 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)