Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/03/2023

Có nên hy sinh môi trường đổi lấy tăng trưởng kinh tế ?

Lynn Huỳnh

Chủ tịch tỉnh Bình Định đang thách thức Thủ tướng Phạm Minh Chính

"Tỉnh ủng hộ dự án thép, vấn đề còn lại là đánh giá tác động môi trường, môi trường ổn thì sẽ tiến hành làm".

binhdinh0

Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố : "Việt Nam không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn ‘vuốt đuôi’ : "Tỉnh ủng hộ dự án thép, vấn đề còn lại là đánh giá tác động môi trường, môi trường ổn thì sẽ tiến hành làm. Bình Định nêu quan điểm rõ ràng là không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế".

Ông Phạm Anh Tuấn đang toan tính đánh lừa đảng, vì bãi biển Lộ Diêu của tỉnh này đẹp như một kỳ quan, thiên đường hạ giới mà tạo hóa ban tặng cho con người, vậy mà chính quyền tỉnh này đang muốn thực hiện dự án nhà máy thép 53.000 tỷ ở đây !

"Là một trong 5 quốc gia bị tác động lớn của biến đổi khí hậu nên phát triển xanh, thực hiện các cam kết quốc tế liên quan rừng, biển và đại dương, chống biến đổi khí hậu được Việt Nam coi trọng, thực hiện. Song đây cũng là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa hợp tác đa phương.

Theo đó, Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột : Thứ nhất là tình hữu nghị Việt Nam và EU ; Thứ hai là xây dựng nhà nước pháp quyền – của dân, do dân, vì dân ; Thứ ba là xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt 3 trụ cột này, lấy con người làm mục tiêu, Việt Nam không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần" – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có đoạn phát biểu như vậy tại "Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022" do Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức hồi cuối tháng 11 năm ngoái tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng thời điểm với tuyên bố trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trớ trêu thay, cũng là lúc mà UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Khu liên hợp Gang thép Long Sơn ở thị xã Hoài Nhơn, với tổng vốn 53.500 tỷ đồng.

Dự án của Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn, Phù Mỹ sẽ được triển khai ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ với quy mô 468 ha, công suất 5,4 triệu tấn một năm.

Dự án sẽ chia thành 3 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn một dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2024 (nhà máy sẽ sản xuất thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng và thép cuộn). Dự án này cũng sẽ đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn gần 500 ha mặt đất và mặt biển làm cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của nhà máy và hướng đến làm cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn làm cảng khoảng 10.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Định cho rằng khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Nhận định về tính khả thi của dự án, một tuyên bố đầy hùng hồn với giới truyền thông từ giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định – cho rằng làm gang thép thì có lo ngại nguy cơ (ô nhiễm), nhưng "người ta làm được thì mình cũng làm được". "Phạm vi nghiên cứu đầu tư dự án này ở phía nam thôn Lộ Diêu, có khoảng cách đệm nhất định và không đụng gì đến di tích lịch sử Bến tàu không số Lộ Diêu hay thắng cảnh gành đá biển Lộ Diêu mà khách du lịch phượt hay đến".

Ngày 15-3/2023, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết UBND tỉnh này vừa có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

Theo đó, Trưởng Ban chỉ đạo là ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh ; các ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ; Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ; Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn làm Phó Ban. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 22 thành viên khác là lãnh đạo một số đơn vị, sở ngành của tỉnh.

Ban Chỉ đạo được thành lập nhằm tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các công việc có liên quan đến quá trình triển khai dự án ; hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ dự án, giải quyết các thủ tục hành chính của dự án, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án ; xem xét, có ý kiến về tài liệu tuyên truyền, xây dựng chính sách hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, an sinh xã hội…

Tính đến hiện tại thì thôn Lộ Diêu tựa như một ốc đảo, nằm sát mép biển và được bao bọc 3 phía là núi. Trước khi vào được thôn Lộ Diêu, phải vượt đèo Lộ Diêu hay đèo Phú Thứ, hoặc bằng đường biển.

Đèo Lộ Diêu dài, cao và nhiều cua gấp, thế nên người dân nơi đây có câu vè : "Không đi thì sợ đói nghèo, ra đi thì sợ cái đèo Lộ Diêu". Sau nhiều năm phá núi, mở đường, con đường nhựa cũng hoàn thành và hạ thấp độ cao của đèo Lộ Diêu. Thế nhưng, đèo Lộ Diêu vẫn là một trong những đèo hiểm trở dọc theo tuyến biển Bình Định.

Tháng 7 – 1959, con đường vận tải trên biển được hình thành, nhằm tăng cường chi viện vũ khí cho cách mạng miền Nam. Quân ủy quyết định chọn Lộ Diêu làm bến đỗ cho chuyến hàng phục vụ chiến trường Quân khu 5, bởi ở đây địa hình khuất, gần núi, địa thế an toàn, phong trào du kích rất mạnh.

Nói theo cách quen thuộc của Tuyên giáo, thì con đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc như một kỳ tích của thế kỷ 20. Bia tưởng niệm chiến công của Đoàn Đặc công Hải quân 125 cùng quân dân Lộ Diêu đã được khánh thành năm 2005 và được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử. Ngày này qua tháng khác, bia tưởng niệm vẫn hiên ngang bên biển bình yên sóng vỗ.

…Và sắp tới đây, những yên bình đó cùng cảnh sắc thiên nhiên ấy sẽ bị phá nát bởi dự án của Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn, Phù Mỹ ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ với quy mô 468 ha, công suất 5,4 triệu tấn một năm…

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 17/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh
Read 273 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)