Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2023

Kêu gọi trí thức về hợp tác nhưng phải phục tùng Đảng

Thu Phương - RFA

Đừng nghe những gì Tổng Trọng nói, hãy xem những gì Tổng Trọng làm

Thu Phương, Thoibao.de, 29/03/2023

Bảo thủ, hung hăng, thù hận, là 3 giá trị cốt lõi của Đảng cộng sản từ xưa đến nay. Vì bản chất đó mà các đời lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam rất duy ý chí. Họ cho rằng chủ nghĩa Mác Lênin mà họ đi theo là thứ chủ nghĩa siêu việt, siêu hơn chủ nghĩa tư bản mà họ luôn cho là thứ chủ nghĩa bóc lột, với đủ thứ ngôn từ từ miệt thị cho đến chửi rủa.

npt1

Ngày chiều 28/09/2013, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Phú Trọng đe dọa những trí thức kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp. Ảnh : Nguyễn Hưng.

Cho đến nay, những giá trị của chủ nghĩa Mác Lênin vẫn được Đảng cộng sản đưa vào trường học để nhồi sọ học sinh, sinh viên, nhằm tạo ra những thế hệ mê muội, ca tụng những cá nhân, những thể chế độc tài rất nguy hiểm. Chiến tranh Nga – Ukraine vừa qua đã hiện lên một thành phần chiếm tỉ lệ không ít ủng hộ độc tài Putin, trong khi ông này sát hại thường dân Ukraine.

Cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa có câu nói nổi tiếng "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm", và quả thật, con người ông Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện không sai chút nào với lời nói của ông Nguyễn Văn Thiệu khi xưa.

Năm 2013, chính quyền cộng sản cho lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp 1992. Chính quyền cộng sản dưới sự điều hành của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng hô hào rằng họ lắng nghe ý kiến toàn dân, tiếp thu trên tinh thần cầu thị v.v. Tuy nhiên, khi một số trí thức đề nghị Đảng cộng sản bỏ điều 4 Hiến pháp cũ, thì câu chuyện rắc rối bắt đầu. Chính quyền cho công an theo dõi, ngăn cản những trí thức có ảnh hưởng xã hội. Không cho họ đưa kiến nghị, thậm chí không cho họ ra khỏi nhà. Chỉ những người nào mà suốt đời chỉ biết vâng lời Đảng thì mới cho góp ý. Hầu hết những con người mà Đảng cho góp ý thì chỉ có gật chứ chẳng biết đóng góp gì.

Hầu hết những trí thức nặng lòng với đất nước, đều muốn bày tỏ chính kiến là phải bỏ Điều 4. Trên mạng xã hội cũng bàn tán xôn xao về đề tài này. Thấy dư luận có nguy cơ bất lợi cho Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã lên bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam tối 25/2/2013, tuyên bố thẳng thừng : "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không ? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không ? Muốn đa nguyên đa đảng không ? Có tam quyền phân lập không ? Có phi chính trị hóa quân đội không ? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì ? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó".

Đây chính là lời đe dọa, nếu người ngoài Đảng thì ông Trọng muốn họ "câm họng", còn nếu người trong Đảng thì ông sẽ cho loại bỏ họ ra khỏi Đảng, vì cho rằng họ "suy thoái". Những giá trị tiêu cực kìm hãm đất nước, khiến đất nước mãi ngập trong đói nghèo, được Đảng cộng sản, mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng quyết "bảo tồn".

Sáng ngày 24/3, ông Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày ông Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 – 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 – 26/3/2023). Ông Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu khá dài, nhưng nói chung xoay quanh nội dung "Đội ngũ trí thức chủ động và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước".

Đảng cộng sản là một tổ chức chính trị bảo thủ, coi Đảng là trên hết, chứ không phải đất nước là trên hết. Vì thế Đảng cộng sản không muốn chia chác quyền lực cho bất kỳ một đảng phái chính trị nào khác, và nó cũng sẵn sàng ra tay một cách độc ác nhất, để loại bỏ những tư tưởng chính trị khác.

Không cần phải giải thích dài dòng, hãy xem lịch sử và hãy nhìn những nước Cộng sản hiện nay, có nước nào có dân giàu đâu ? Có nước nào dân được hưởng tự do đâu ? Và có nước nào được người nước khác đến đó du học đâu ? Cho nên, có thể nói, Đảng cộng sản nào cũng thế, cũng luôn nằm trong tổ kén Mác Lênin để trục lợi. Trí thức nào dám góp ý họ thoát khỏi tổ kén hại nước hại dân đấy, họ sẽ triệt hạ không thương tiếc.

Thu Phương (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 29/03/2023

Tham khảo :

https://www.voatiengviet.com/a/tbt-vietnam-yeu-cau-xu-ly-suy-thoai-tu-tuong-chinh-tri/1610935.html

https://www.sggp.org.vn/doi-ngu-tri-thuc-chu-dong-va-lam-tot-hon-nua-nhiem-vu-tham-muu-cho-dang-va-nha-nuoc-post683309.html

*****************************

Người giỏi không thể vào cơ quan công quyền vì vướng nghị định !

RFA, 27/03/2023

Mới đây, một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hai ngành Luật và Quản trị kinh doanh, thủ khoa Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, không đựợc tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước do vướng Nghị định 140/2017 của Chính phủ. Theo nghị định này, để được tuyển thẳng vào công tác trong cơ quan công quyền thì ngoài việc tốt nghiệp hạng xuất sắc, sinh viên phải đáp ứng được một trong ba tiêu chí sau : Đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh/quốc gia ; đạt giải Olympic ; đạt giải khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia/quốc tế.

npt2

Tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Quách Thanh Vịnh An không được tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước vì không thuộc diện được hưởng chính sách thu hút nhân tài.

Nhiều người cho rằng, đây là điều hết sức vô lý, bởi không phải sinh viên nào học giỏi cũng muốn tham gia thi học sinh giỏi, hay thi Olympic, hay tham dự một cuộc thi khoa học - kỹ thuật nào đó. Mà nếu không tham gia kỳ thi nào như yêu cầu thì không đủ tiêu chuẩn được tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước.

Chia sẻ với RFA suy nghĩ của mình vào sáng 27/3, Giáo sư Mạc Văn Trang nói :

"Nó lạ thế đấy. Không hiểu được. Thế nhưng đứng về mặt kinh nghiệm cũng như lý thuyết, thì ở Việt Nam, muốn vào cơ quan nhà nước thì đầu tiên phải có lý lịch tốt. Ít nhất phải là đoàn viên, đảng viên. Thế cho nên việc tuyển vào những cơ quan nhà nước thì có lẽ khó mà có được người tài.

Cái cải cách về hành chính, cải cách về nhân sự trong bộ máy nhà nước hiện nay là một vấn đề. Phải giảm biên chế tối đa, chọn những người tài, người giỏi và trả lương cao thì mới thay đổi được thôi. Chứ với tình trạng hiện nay, biên chế thì thừa thãi, quản lý thì quan liêu thì khó thay đổi lắm. Khó mà có người tài. Tuy nhiên, để trở thành một người lãnh đạo thì cũng nhiều yếu tố chứ không chỉ là học giỏi. Vào cơ quan nhà nước thì nó không khó nhưng nó cũng không dễ. Con ông cháu cha thì dễ lắm, thậm chí đang học ở nước ngoài về là nhảy vào làm lãnh đạo liền dù chẳng có một tí kinh nghiệm thực tiễn nào ở trong nước. Thế thì làm sao mà chúng nó làm được !".

Có thể nêu trường hợp một nhân vật thuộc hàng ‘con ông cháu cha’, ‘hạt giống đỏ’, chưa từng làm trong lãnh vực xây dựng nhưng lại được Bộ chính trị bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đó là trường hợp ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nghị lấy bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ năm 2006 và giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng từ tháng 4/2021 đến nay.

Một giảng viên đại học không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA quan điểm của ông sáng 27/3/2023 :

"Việc sinh viên tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc mà không được vào thẳng cơ quan công quyền làm việc vì vướng nghị định nọ, nghị định kia không phải là chuyện mới xảy ra đây. Nó là vấn nạn lâu nay rồi.

Điều đáng nói là những nghị định đó do những con người ngồi trong phòng lạnh viết ra. Đa số họ chỉ học chuyên tu, tại chức chứ chẳng tốt nghiệp xuất sắc một trường đại học nào cả. Cần phải sửa nghị định để nhiều sinh viên giỏi có cơ hội phục vụ trong bộ máy công quyền. Điều quan trọng nữa là phải đổi mới tư duy người giỏi, người tài hiện nay. Không phải chỉ là bằng cấp.

Việc tuyển dụng cán bộ, công chức hiện nay còn quá nhiều việc để bàn. Nếu không thay đổi từ trong tư duy thì đội ngũ công quyền sẽ không có người giỏi, mà chỉ toàn thành phần ‘con ông, cháu cha’. Và trí tuệ vẫn mãi mãi đứng sau quan hệ, hậu duệ và tiền tệ".

"Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ" là câu thành ngữ được truyền miệng lâu nay trong nhân dân, để nói về việc bổ nhiệm nhân sự các vị trí lãnh đạo trong cơ quan công quyền lâu nay.

Điều này cũng được cựu chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nhắc đến trong bài viết riêng cho Tạp chí Cộng sản hôm 19/8/2014, nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám.

Ông Trương Tấn Sang viết : "Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân : "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ..." trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ "đạo đức bốn mặt" (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ "tay đã nhúng chàm" bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh ; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn", là một câu nổi tiếng của Tiến sĩ Thân Nhân Trung, được khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu Quốc Tử Giám, khi được Vua Lê Thánh Tông giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442).

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được chính phủ Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1997. Nhưng tên thực tế, người được gọi là "tài" có thực sự được chính quyền đãi ngộ và tạo điều kiện cho họ làm việc hay không lại là vấn đề cần bàn. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, từng nói với RFA vào tháng 4 năm ngoái rằng :

"Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia ?"

Một số chuyên gia giáo dục nhấn mạnh rằng, nếu nhà nước Việt Nam không thay đổi đường lối tuyển cán bộ ; không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước.

Nguồn : RFA, 27/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Phương, RFA tiếng Việt
Read 179 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)