Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2023

Đẩy mạnh hợp tác quân sự : Đòn mới Trung Quốc – Nga dọa phương Tây ?

Antoine Bondaz - Thanh Hà

Phương Tây dọa trả đũa nếu Bắc Kinh giao vũ khí cho Moskva để sử dụng trên chiến trường Ukraine, bộ quốc phòng Trung Quốc hôm 30/03/2023 qua lời phát ngôn viên Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) tuyên bố đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga. Quân đội hai nước quyết tâm xây dựng lòng tin, hợp tác chặt chẽ "nhằm thực thi Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện" vì "công lý hòa bình và an ninh quốc tế".

hoptac1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga, Vladimir Putin tại điện Kremlin trong chuyến viếng thăm Nga cấp nhà nước. Ảnh ngày 21/03/2023. © Getty Images / AFP / Sergei Karpukhin

Ồn ào phô trương hợp tác quân sự Nga - Trung vào thời điểm này bị coi như một tín hiệu Bắc Kinh thách thức phương Tây vào lúc Hoa Kỳ hàm ý Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, rồi thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và kể từ hôm nay 05/04/2023 tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula Von der Leyen công du Trung Quốc. Các bên kỳ vọng Trung Quốc lên tiếng về chiến tranh Ukraine, thúc giục Moskva chấm dứt chiến tranh.

Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – FRS của Pháp trước hết đặt phát biểu của ông Đàm Khắc Phi, phát ngôn viên bộ quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc và Nga thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ hiện hữu từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến giờ :

Antoine Bondaz : Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga đã có từ lâu và đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây, kể cả trong lúc mà chiến tranh Ukraine đang diễn ra. Thí dụ như đôi bên đã tập trận chung ngay tại khu vực Châu Âu ở các vùng biển Baltic và Địa Trung Hải. Hải quân hai nước huy động nhiều phương tiện, cả máy bay ném bom trong các đợt thao diễn trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phát biểu của ông Đàm Khắc Phi cho thấy Bắc Kinh không bày tỏ lập trường về Ukraine mà chỉ nhằm nhắc nhở quốc tế rằng cho dù Nga khởi động chiến tranh, nhưng Trung Quốc vẫn muốn đẩy mạnh hợp tác song phương. Lời lẽ này khiến các nước trong vùng Ấn Độ -Thái bBnh Dương và đương nhiên là Châu Âu lo ngại. Cộng đồng quốc tế lo rằng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga ở quy mô lớn, tức là sẽ yểm trợ Moskva về mặt quân sự.

Hơn nữa tuyên bố của phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc được đưa ra ngay sau chuyến công du Nga cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình. Tại Moskva lãnh đạo hai nước đã biểu hiện tình bạn nồng thắm, kể cả trong việc hợp tác quân sự. Nói cách khác Bắc Kinh chứng tỏ Trung Quốc thực hiện những cam kết của ông Tập Cận Bình ở Moskva và sẽ tiếp tục hợp tác với Nga, tăng cường hợp tác quân sự. Điều đó hoàn toàn không nói lên điều gì về khả năng Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga hay không. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đã xuất khẩu vũ khí sang Nga nhưng cũng không có gì bảo đảm kịch bản đó không xảy ra trong những tuần lễ sắp tới. 

RFI : Phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc có nhắc đến "Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện" kế hoạch đó gồm những gì thưa Antoine Bondaz ?

Antoine Bondaz : Một điểm rất quan trọng đối với Trung Quốc là vào tháng 4/2022 phát biểu tại Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao, chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện. Đây là một trong ba sáng kiến của Bắc Kinh trong những năm gần đây và năm nay, 2023, Bắc Kinh mới vừa thông báo Sáng Kiến về Một Nền Văn Minh Toàn Diện. Kế hoạch chót này còn rất mù mờ. Thế nhưng mục tiêu của Bắc Kinh xoay quanh một ý chính : Trung Quốc là trung tâm của tất cả những sáng kiến đó nhằm tạo dựng lại một thể thức vận hành khác cho thế giới, phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.

Riêng về Sáng Kiến An Ninh Toàn Diện, dụng ý của Bắc Kinh là sáng kiến này phải là công cụ để bảo đảm an ninh quốc gia–mà đó mới là cốt lõi trong tầm nhìn Trung Quốc về an ninh. Các chuyên gia và các công trình nghiên cứu của phương Tây chú trọng quá nhiều về hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và các đối tác của Bắc Kinh mà quên mất vế hợp tác an ninh. Hợp tác an ninh có nghĩa là hợp tác giữa công an Trung Quốc với các lực lượng cảnh sát nước ngoài, giữa hải quan Trung Quốc và phần còn lại trên thế giới, giữa cơ quan tình báo của Trung Quốc với lại các nước bạn như là ở Đông Nam Á hay Châu Phi. Nói tóm lại Sáng kiến an ninh nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia về mặt an ninh nhưng với trọng tâm là các bên phải chú trọng đến những trăn trở của Bắc Kinh về mặt an ninh đó.

RFI : Vào lúc tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen đến Bắc Kinh trong một chuyến công du bốn ngày : Châu Âu có thể chờ đợi gì từ phía ông Tập Cận Bình trên hồ sơ Ukraine ?

Antoine Bondaz : Chúng ta chỉ nên có những mong đợi mang tính thực tế, có nghĩa đó là những mong đợi khá hạn chế về những gì mà tổng thống Macron và chủ tịch Von der Leyen có thể đạt được sau cuộc hội kiến với ông Tập. Đồng thời cũng không nên hài lòng với tuyên bố của Bắc Kinh. Thí dụ như Trung Quốc sẽ lên tiếng chống sử dụng vũ khí hạt nhân, chống chiến sự diễn ra sát cạnh khu nhà máy điện nguyên tử … Nhưng Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố như vậy.

Đương nhiên Pháp và Châu Âu không thể làm thay đổi quan điểm của Bắc Kinh trong quan hệ với Moskva nhưng các lãnh đạo Châu Âu cần để Trung Quốc hiểu rằng, nếu như Trung Quốc nhập cuộc, tức là tiếp tay với tổng thống Vladimir Putin đe dọa đến an ninh của Châu Âu, thì Bruxelles sẽ có những biện pháp trả đũa, có thể là trừng phạt Trung Quốc, có thể là tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ. Chắc chắn đó là điều Trung Quốc không mong muốn.

RFI : Xin cảm ơn Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược – FRS của Pháp

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 05/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Antoine Bondaz, Thanh Hà
Read 274 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)