Thắng chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm
Nguyễn Lân Tráng & Trần Thảo Nguyên, VNTB, 11/04/2023
Việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là "tội chống chính quyền" ?
Nguyễn Lân Thắng - Ảnh minh họa
-------------------------------
Thư gửi Tòa án nhân dân Hà Nội
Kính gửi : Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội và những người có trách nhiệm.
Chúng tôi là Nguyễn Lân Tráng và Trần Thảo Nguyên, bố mẹ của Nguyễn Lân Thắng, người sẽ bị đưa ra xét xử sáng thứ tư, ngày 12/4/2023.
Nhận được tin Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử kín đối với Lân Thắng, hai vợ chồng tôi vừa hồi hộp vừa lo lắng. Hồi hộp là vì chúng tôi đã không được gặp Lân Thắng kể từ ngày Thắng bất ngờ bị bắt tạm giam (5/7/2022). Mặc dù thỉnh thoảng vẫn được tin vợ Thắng gửi đồ tiếp tế, song việc không được tận mắt nhìn thấy và nghe tin tức về con trai khiến hai vợ chồng già chỉ biết thấp thỏm chờ đợi. Cuối cùng thì chuỗi ngày bị điều tra kín và cách ly thông tin với gia đình của Lân Thắng sắp kết thúc. Chúng tôi thực sự kỳ vọng rằng những đại diện của công lý đất nước sẽ tiến hành phiên tòa đúng đắn, minh bạch, và mong kết quả sẽ là vô tội, vì chúng tôi biết Thắng chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm.
Tuy vậy, hai vợ chồng chúng tôi cũng rất lo lắng và thương con trai mình. Chúng tôi có Lân Thắng vào cuối năm 1975, khi đất nước đang trong niềm vui thống nhất. Gia đình hai họ đều là những cán bộ, công chức tận tụy, cùng đóng góp tâm trí và sức lực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, như bao người dân Việt Nam khác. Là những trí thức, chúng tôi không có nhiều điều kiện để cho con sự giàu có về vật chất, mà bù lại bằng những bài học về tu dưỡng bản thân, về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước, về những giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái. Chúng tôi luôn cố gắng dạy con trai thành người thẳng thắn, tử tế và đường hoàng.
Lân Thắng đã lớn lên cùng đất nước, chứng kiến từng giai đoạn đi qua cả gian khó và từng bước đi lên của dân tộc Việt Nam. Thế hệ của ông cha chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc, thế hệ của chúng tôi cũng đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, còn thế hệ của con chúng tôi đã chứng kiến và trực tiếp trải nghiệm những biến đổi to lớn nhất của dân tộc ta trong gần 50 năm qua. Lân Thắng là một trong hàng triệu nhân chứng sống cho tiến trình Đổi mới của Việt Nam. Con trai chúng tôi từng có tuổi thơ với tem phiếu, được thấy ông bà cha mẹ chắt chiu từng manh vải mũi kim để lo cho cuộc sống của cả đại gia đình. Đại hội VI diễn ra cũng là lúc Lân Thắng học được rằng nếu lãnh đạo có sai phạm thì phải lên tiếng, để rồi cùng sửa sai trước khi quá muộn màng. Một chính quyền "xứng đáng với cái tên của nó phải tiếp nhận một cách vô tư mọi sự thật, bất kể từ phía nào tới, dù những sự thật đó làm phật ý những kẻ bị vạch mặt". Và con chúng tôi đã thấm nhuần tư duy sống như vậy.
Sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng, cơ hội để sống nhàn hạ và dễ dàng của Lân Thắng không hề thiếu, và chúng tôi đã từng chỉ mong con trai có cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Lân Thắng đã may mắn có một người vợ giỏi giang và hai con còn rất nhỏ nhưng ngoan ngoãn hiểu chuyện. Nhưng khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình. Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội.
Khi nhận được Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong kết luận con trai chúng tôi chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý và một loạt những tội khác, chúng tôi đã thấy rất ngạc nhiên. Chúng tôi cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là "tội chống chính quyền" ? Cũng như việc được tặng sách từ bạn bè không thể là tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân ?
Do không được có mặt tại phiên tòa sắp tới, chúng tôi xin bày tỏ một vài suy nghĩ về Lân Thắng qua bức thư này và nhờ luật sư gửi đến với những người có trách nhiệm. Sau những trình bày trên, kính mong các vị thẩm phán, những người có trách nhiệm bảo vệ công lý sẽ xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn về trường hợp của Nguyễn Lân Thắng !
Kính thư,
Hà Nội 10/04/2023
Nguyễn Lân Tráng
Trần Thảo Nguyên
*****************************
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng tin mình vô tội, cha mẹ ông mong tòa tuyên như vậy
VOA, 10/04/2023
Luật sư Lê Văn Luân, một trong những người bào chữa cho nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng trong phiên tòa ngày 12/4, nói với VOA rằng ông Thắng có tinh thần tốt, tin rằng ông vô tội, và cha mẹ ông cũng mong tòa sẽ tuyên như vậy.
Ông Nguyễn Lân Thắng tự chụp ảnh với một thông điệp phản biện xã hội.
Ông Nguyễn Lân Thắng, người thường lên tiếng phân tích, phản biện về các diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, bị công an bắt giữ hồi đầu tháng 7/2022.
Sau 7 tháng, gia đình ông được biết rằng nhà chức trách đã hoàn tất điều tra và ông đối mặt với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Đến ngày 4/4, vợ ông Thắng nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa xét xử ông vào ngày 12/4 và thấy "ngạc nhiên" là tòa quyết định "xử kín".
Hôm 10/4, luật sư Lê Văn Luân cho VOA biết rằng ông và một số đồng nghiệp đã gặp ông Thắng trong trại tạm gian vào thời gian gần đây để chuẩn bị cho phiên tòa. Ông Luân nói thêm rằng ông Thắng trong trạng thái tinh thần "tốt" và cho rằng mình vô tội :
"[Việc ông] thực hiện các bài phỏng vấn với các đài nước ngoài mà [viện kiểm sát] dùng để cáo buộc thì ông cho rằng đó là quyền cơ bản và thực hiện trên quyền tự do ngôn luận, ông thực hiện với vai trò một công dân có trách nhiệm với đất nước, ông mong cải thiện mọi việc tốt hơn. Ông khẳng định không có mục đích chống nhà nước, chống chính quyền".
Nhà hoạt động đang bị tạm giam cho rằng những lời phê phán, phản biện của ông là "đúng" song cũng có thể đã động chạm đến "những nhóm lợi ích hoặc những thế lực nào đấy" nên ông bị cáo buộc vào tội danh hiện nay, luật sư Luân thuật lại. Ông Thắng có quan điểm là cáo buộc đó không đúng và ông chỉ nên bị "phạt hành chính".
Luật sư Luân cũng xác nhận với VOA rằng phó giáo sư Nguyễn Lân Tráng và tiến sĩ Trần Thảo Nguyên, cha và mẹ của ông Thắng, đã gửi thư đến Tòa án Nhân dân Hà Nội để bày tỏ "kỳ vọng rằng những đại diện của công lý đất nước sẽ tiến hành phiên toà đúng đắn, minh bạch, và mong kết quả sẽ là vô tội" vì hai ông bà biết rằng người con trai của họ "chưa bao giờ làm điều gì sai với gia đình, đất nước và lương tâm".
Hai vị phụ huynh ông Thắng viết rằng là những trí thức trong một đại gia đình trí thức có tiếng ở Việt Nam, họ luôn cố gắng dạy con trai thành người thẳng thắn, tử tế và đường hoàng thông qua những bài học về tu dưỡng bản thân, về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước, về những giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái.
Tương tự như những gì ông Thắng nói về bản thân với luật sư Luân, bức thư của cha mẹ ông gửi đến tòa án có đoạn nhấn mạnh rằng "Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội".
"…khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình", hai ông bà viết.
Hai ông bà bày tỏ "rất ngạc nhiên" khi thấy cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội có kết luận là ông Thắng "chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" cũng như "tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý", bên cạnh một số tội danh khác.
"Chúng tôi cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là ‘tội chống chính quyền’", cha mẹ của ông Thắng nêu quan điểm.
Hai ông bà cho biết rằng do không được có mặt tại phiên toà xét xử kín sắp tới nên họ nêu ra các suy nghĩ về con trai mình qua thư gửi đến tòa, đồng thời mong rằng các thẩm phán sẽ "xem xét và đưa ra kết luận đúng đắn" về ông Nguyễn Lân Thắng.
Luật sư Lê Văn Luân nói với VOA rằng nhóm bào chữa "bất ngờ" về quyết định xử kín của tòa và mong "làm rõ về cơ sở" của quyết định đó. Về các khía cạnh pháp lý khác, ông Luân và các đồng nghiệp đã và đang làm việc tích cực để chuẩn bị tốt cho việc bào chữa, song ông không đi vào chi tiết khi nói chuyện với VOA.
Nguồn : VOA, 10/04/2023
***************************
Blogger Nguyễn Lân Thắng không đồng ý bị xét xử kín, đề nghị công khai phiên tòa
RFA, 07/04/2023
Blogger Nguyễn Lân Thắng lo ngại việc Tòa án nhân dân Hà Nội đưa vụ án của ông ra xét xử kín trong phiên tòa sơ thẩm sắp tới sẽ không thể bảo đảm quyền được bào chữa trước tòa.
Ông Nguyễn Lân Thắng trong một video trả lời phỏng vấn RFA năm 2015 - Ảnh chụp màn hình video
Ngày 12/4 tới đây ông Thắng sẽ phải ra tòa với cáo buộc tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật sự do các hoạt động phản biện ôn hòa trên mạng xã hội.
Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho ông Thắng hôm 7/4 có buổi làm việc với thân chủ tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội.
Luật sư dẫn lại lời ông Thắng cho biết, mặc dù đã có đơn gửi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội từ ngày 15/3 để đề nghị được tiếp cận hồ sơ vụ án, cho phép cơ sở giam giữ cung cấp giấy bút để chuẩn bị cho việc bào chữa và "đối chất" với người giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội trước hoặc tại phiên tòa nhưng đến nay các yêu cầu này đều chưa được giải quyết.
Ông cho rằng, những yêu cầu của bản thân hoàn toàn là chính đáng, phù hợp với pháp luật, nếu những yêu cầu này không được Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đáp ứng kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được bào chữa của ông.
Cũng theo luật sư Việt, thân chủ của ông không đồng ý việc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ông ra "xét xử kín", cho rằng sự việc liên quan đến ông không có gì liên quan đến bí mật nhà nước nên không cần thiết phải xét xử kín.
Tại Điều 25 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
"Bằng việc xét xử kín, tôi e rằng phiên tòa sẽ không được diễn ra bình thường, các hoạt động, thậm chí cả quyền lợi của tôi, trong đó có quyền bào chữa sẽ không được bảo đảm theo đúng pháp luật.
Chính vì vậy, hôm qua tôi đã có đơn thông qua Ban giám thị Trại tạm giam gửi đến Tòa án thành phố Hà Nội đề nghị để vụ án được xét xử công khai.
Nếu vụ án được xét xử công khai tôi sẽ có cơ hội được bày tỏ quan điểm, tranh luận về những gì Viện kiểm sát sử dụng làm căn cứ buộc tội tôi. Khi đó, tôi mới có cơ hội thực sự để chứng minh mình không phạm tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã quy kết" - ông Thắng được luật sư trích nguyên văn trong bài viết đăng trên Facebook cá nhân.
Ông Nguyễn Lân Thắng, 48 tuổi, có nhiều vài bài viết về tự do, dân chủ và nhân quyền trên trang blog của RFA từ cuối năm 2013.
Ông Thắng tham gia phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam từ năm 2011 và là một nhà nhiếp ảnh có nhiều đóng góp các hình ảnh và video về biểu tình vì chủ quyền biển đảo và đấu tranh chống bất công ở Việt Nam.
Facebook Nguyen Lan Thang (Nguyễn Lân Ké) được cho là của ông hiện nay có gần 160.000 người theo dõi, mặc dù ông đang bị tạm giam tài khoản này vẫn hoạt động bình thường với nhiều bài đăng, chia sẻ.
Nguồn : RFA, 07/04/2023