Philippines có thể can dự, nếu Trung Quốc tấn công đảo
Trọng Thành, RFI, 10/04/2023
Đe dọa quân sự gia tăng của Trung Quốc với Đài Loan, trong bối cảnh Nga xâm lăng Ukraine, đang khiến Philippines, vốn là một bên "thụ động" trong vấn đề Đài Loan, có thể trở thành một bên can dự vào xung đột, một khi chiến tranh bùng nổ. Giới quan sát ghi nhận lập trường của chính quyền Manila đã thay đổi đáng kể từ hơn một năm trở lại đây.
Trực thăng của quân đội Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan thường niên với quân đội Mỹ, ngoài khơi Claveria, tỉnh Cagayan, phía bắc Philippines, ngày 31/03/2022. AP - Aaron Favila
Mục Theo dòng thời sự xin giới thiệu nhận định của giáo sư quan hệ quốc tế c, Đại học De La Salle University, Manila.
***
Nguy cơ xung đột bùng phát tại Đài Loan không phải là mối quan tâm mới đây của chính quyền Philippines. Chuyên gia Renato Cruz de Castro, trong một bài phân tích đăng tải trên trang mạng của Viện tư vấn Brookings Institution, cho biết "lần đầu tiên các vấn đề eo biển Đài Loan đã trở thành mối quan tâm của liên minh Philippines-Mỹ là vào tháng 3/1996, khi Trung Quốc bắn một số tên lửa đạn đạomô phỏng như thực với điểm rơi cách không xa bờ biển Đài Loan".
VTA ra đời sau lần Bắc Kinh đe dọa Đài Loan năm 1996
Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới sát Đài Loan, để cho Bắc Kinh thấy Mỹ không dung thứ cho việc gây hấn với Đài Bắc. Sau biến cố này, Washington thấy cần cải thiện quan hệ về an ninh với Manila. Hoa Kỳ hy vọng tăng khả năng tiếp cận với một số cơ sở hạ tầng không quân và hải quân ở đảo lớn Luzon của Philippines, mà phần cực bắc cách không xa Đài Loan.
Như vậy, Mỹ có thể triển khai nhanh chóng lực lượng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Đông Bắc Á. Từ năm 1996 đến năm 1998, hai quốc gia đồng minh đã đàm phán và ký kết Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA), được coi là cần thiếtđể làm hồi sinh liên minh quốc phòng Mỹ - Philippines sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Philippines vào cuối năm 1992, trong bối cảnh làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Philippines dâng cao. Tuy nhiên, rút cuộc "lo ngại về ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan, vốn là một trong những lý do chính của việc đàm phán và ký kết Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng, đã bị lãng quên khi hai đồng minh tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố và hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines" (tức Biển Đông). Tuy nhiên tình hình đã trở nên hoàn toàn khác trong những tháng cuối cùng của thời chính quyền của cựu tổng thống Rodrigo Duterte.
Nga đánh Ukraine và nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở Đông Á
Chuyên gia Renato Cruz de Castro nhắc lại một sự kiện cho thấy bước ngoặt thay đổi. Ngày 10/03/2022, hơn hai tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, đại sứ Philippines tại Mỹ, ông Jose Manuel Romualdez, tuyên bố là tổng thống Duterte sẵn sàng mở các cơ sở quân sự của đất nước cho lực lượng Mỹ, nếu cuộc chiến của Nga chống Ukraine gia tăng, lôi cuốn Hoa Kỳ nhập cuộc.
Trong một cuộc họp báo với truyền thông Phillipines, đại sứ Romualdez tiết lộ rằng tổng thống đã khẳng định "nếu họ [tức Hoa Kỳ] yêu cầu Philippines hỗ trợ… Philippines sẵn sàng tham gia, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng Ukraine lan sang khu vực Châu Á". Viên đại sứ cho biết cụ thể rằng tổng thống đã chỉ ra trong trường hợp khẩn cấp, "Philippines sẽ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ quay trở lại căn cứ hải quân cũ ở Vịnh Subic và căn cứ Không quân Clark gần đó".
Theo vị chuyên gia Philippines, đề xuất nói trên được coi là một nỗ lực "để chấn chỉnh lại liên minh trước khi nhiệm kỳ của ông Duterte kết thúc vào tháng 6/2022". Điều quan trọng hơn là quan điểm như trên cũng "bộc lộ nỗi lo sợ tiềm ẩn của nhiều quốc gia Đông Nam Á trước viễn cảnh việc Nga xâm lược Ukraine sẽ khuyến khích Trung Quốc có hành động tương tự ở eo biển Đài Loan", với nguy cơ gây nhiều thiệt hại ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và một số khu vực khác.
"Các tương đồng về quan điểm giữa Trung Quốc và Nga trong việc thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, do Hoa Kỳ lãnh đạo" khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á hiểu rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga có những tác động đến lợi ích quốc gia. Bắc Kinh có thể sử dụng một số thủ pháp như của Nga trong hoạt động tại "các vùng xám" (tức các vùng tranh chấp với sự tham gia của các lực lượng bán vũ trang, lực lượng dân sự), tiến hành "chiến tranh hỗn hợp", trước khi sử dụng vũ lực để chiếm đoạt, và sáp nhập các lãnh thổ tranh chấp.
Mỹ - Philipinnes đẩy mạnh EDCA
Với những lo ngại như trên, chính quyền Duterte tỏ ý sẵn sàng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng Philippines làm nơi tập trận để đối phó với kịch bản bất ngờ ở Đài Loan. Theo vị chuyên gia đại học De La Salle University, Manila, có một số dấu hiệu cho thấy Manila và Washington đã thảo luận về khả năng này ngay dưới thời chính quyền Duterte trước khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức tháng 6/2022.
Hợp tác của liên minh quốc phòng Mỹ - Philippines thực sự chuyển sang một bước mới, với việc bộ Quốc Phòng hai bên thông báo quân đội Hoa Kỳ sẽ được quyền tiếp cận thêm bốn căn cứ của Quân Đội Philippines (AFP), theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA). Thông tin được đưa ra ngày 02/02/2023.
Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao EDCA, ký kết từ năm 2014, trước nhiệm kỳ của tổng thống Duterte, cho phép một số lượng lớn các đơn vị Mỹ đồn trú có kỳ hạn, và được luân chuyển, tại 5 căn cứ quân sự của Quân đội Philippines, theo Thỏa thuận EDCA. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở quân sự theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao chỉ diễn ra hạn chế trong thời gian nhiệm kỳ sáu năm của tổng thống tiền nhiệm Duterte.
Theo điều chỉnh được công bố ngày 02/02/2023, tổng số các căn cứ Philippines được giao cho Quân đội Mỹ sử dụng tăng từ 5 lên 9. Hoa Kỳ được phép dùng các căn cứ này để tổ chức huấn luyện, lắp đặt thiết bị, đặt kho vũ khí (trừ vũ khí hạt nhân), xây dựng đường băng và các cơ sở quân sự khác…, theo Hiệp định EDCA.
Điểm đặc biệt đáng chú ý là trong số 4 địa điểm mới, có ba căn cứ nằm ở cực bắc đảo Luzon : Căn cứ hải quân Camilo Osias tại Santa Ana ở tỉnh Cagayan, chỉ cách Đài Loan khoảng 400km (250 hải lý), căn cứ không quân Lal-lo Airport ở Lal-lo, cũng thuộc tỉnh Cagayan, và căn cứ Melchor Dela Cruz ở Gamu, thuộc tỉnh láng giềng Isabela. Tổng cộng ba trên bốn căn cứ mới nằm không xa đảo Đài Loan.
Ba lợi thế của các căn cứ mới
Theo chuyên gia Renato Cruz De Castro, các căn cứ quân sự mà Philippines vừa chuyển cho Hoa Kỳ quyền sử dụng, theo Hiệp định EDCA, có thể mang lại cho Quân đội Mỹ ba lợi thế chính như sau :
1. Lợi thế thứ nhất là về mặt huấn luyện. Các lực lượng Không quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ có cơ hội triển khai các đơn vị chiến thuật tới khu vực Đông Nam Á, để tích lũy kinh nghiệm trong môi trường chiến đấu ở nước ngoài, với các điều kiện sát với môi trường khu vực, cụ thể là Đài Loan.
2. Lợi thế thứ hai là các căn cứ này có thể dùng làm "cơ sở tiền phương" giúp cho các yêu cầu về hậu cần và sửa chữa/bảo dưỡng tàu thuyền của Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
3. Lợi thế thứ ba là bàn đạp cho các hoạt động tác chiến. Nếu đụng độ vũ trang xảy ra ở Biển Đông hoặc Đài Loan, các căn cứ EDCA sẽ cho phép quân đội Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai lực lượng tới khu vực.
Đài Loan ổn định là ''an ninh'' với Philippines
Như hầu hết các nước trên thế giới, Philippines đi theo chính sách Một nước Trung Hoa, và Đài Loan chỉ được nhìn nhận như một vùng lãnh thổ tự trị, mà Manila không có quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, một cuộc xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, sẽ gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng với Philippines. Philippines sẽ phải đối mặt với dòng người tị nạn Philippines ở Đài Loan ồ ạt hồi hương, xung đột có thể lan rộng đến eo biển Luzon và thậm chí cả phía bắc đảo Luzon. Việc Manila công khai bày tỏ nhu cầu hợp tác với Washington trong "một tình huống khẩn cấp về chiến lược" có thể xảy ra ở Đài Loan là vấn đề an ninh quốc gia đối với Philippines.
Nhà ngoại giao Romualdez, hiện tiếp tục là đại sứ của Philippines tại Hoa Kỳ thừa nhận rằng Philippines phải hợp tác quân sự với Mỹ để ngăn chặn bất kỳ leo thang căng thẳng nào giữa Trung Quốc và Đài Loan, không chỉ vì hiệp ước liên minh quân sự song phương, mà còn giúp ngăn chặn một cuộc xung đột lớn.Đại sứ Philippines nhấn mạnh Philippines sẽ chỉ cho phép các lực lượng Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của mình tham gia vào xung đột ở Đài Loan "nếu điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, vì an ninh của chúng tôi".
Khó tưởng tượng Philippines không tham gia ''bằng cách này hay cách khác''
Tổng thống Marcos Jr. chưa từng tuyên bố thẳng là Manila sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong bất kỳ tình huống vũ trang nào ở Đài Loan.Điều này xuất phát từ mối lo ngại của ông xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan có thể sẽ kéo Philippines vào xung đột vũ trang lớn.Trong một cuộc phỏng vấn, tổng thống Philippines giải thích : "Tôi đã học được một câu nói của người Châu Phi : Khi voi đánh nhau, kẻ thua cuộc duy nhất là cỏ.Chúng tôi là cỏ trong tình huống này.Chúng tôi không muốn mình bị chà đạp". (hay nói như một câu ngạn ngữ Việt Nam : trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết).
Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Manila đã có nhiều thay đổi trong việc sẵn sàng đối phó với chiến tranh Đài Loan và nguy cơ xung đột gia tăng ở Biển Đông. Quyết định thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận EDCA như trên, việc nối lại nhiều hoạt động giữa Hải quân Philippines và Hải quân Hoa Kỳ, việc thực thi tuần tra hải quân chung ở Biển Đông cho thấy rõ các thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi Manila có sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Trung Quốc hay không, tổng thống Philippines khẳng định : "Khi xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở eo biển Đài Loan, chúng tôi có thể thấy rằng…, nếu xảy ra xung đột ở khu vực đó… rất khó tưởng tượng một viễn cảnh mà Philippines sẽ không tham gia bằng cách này hay cách khác".
Trọng Thành
*************************
Nhật Bản tăng cường cảnh giác trước hoạt động của tầu sân bay Trung Quốc gần Đài Loan
Trọng Nghĩa, RFI, 10/04/2023
Chính quyền Tokyo vào hôm 10/04/2023 xác nhận rằng trong nhiều ngày qua, chiến đấu cơ phản lực Nhật Bản đã nhiều lần xuất kích mỗi khi chiến đấu cơ Trung Quốc hạ cánh và cất cánh từ hàng không mẫu hạm Sơn Đông đang hiện diện gần miền nam Nhật Bản và Đài Loan.
Tiêm kích Trung Quốc đang được tiếp liệu trên không. Ảnh do truyền hình Trung Quốc CCTV công bố ngày 08/04/2023. AP
Trong một thông báo, bộ Tổng Tham Mưu Nhật Bản cho biết họ đã giám sát hành tung của tàu sân bay Sơn Đông và các chiến hạm Trung Quốc đi tháp tùng ở khu vực phía nam đảo Miyako kể từ thứ Sáu 07/04. Thông báo nói rõ là tàu Trung Quốc được phát hiện ở vùng biển cách đảo Miyako, ở cực nam Nhật Bản, từ 230 đến 430 km về phía nam.
Về các hoạt động của đội tàu Trung Quốc, thông báo ghi nhận "khoảng 120 lần hạ cánh và cất cánh trên tàu sân bay Sơn Đông, 80 lần bằng chiến đấu cơ và 40 lần bằng trực thăng".
Để dự phòng bất trắc, quân đội Nhật Bản đã huy động hai nhóm hộ tống để giám sát tàu Trung Quốc và "chiến đấu cơ của không quân Nhật Bản đã xuất kích để đáp trả việc hạ cánh và cất cánh của các máy bay chiến đấu trên tàu".
Đây là lần đầu tiên, bộ Quốc Phòng Nhật Bản xác nhận hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc Sơn Đông ở vùng Thái Bình Dương thông qua giám sát trực tiếp.
Đàm phán Nhật-Trung về tranh chấp trên biển
Cũng hôm nay, 10/04/2023, quan chức cấp cao Nhật Bản và Trung Quốc gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về các mối quan ngại song phương liên quan đến vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Theo Reuters, cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ các vòng đàm phán định kỳ bắt đầu vào năm 2012, lần này mở ra trong bối cảnh Trung Quốc tập trân thị uy quanh Đài Loan với các nội dung mô phỏng các cuộc tấn công đánh vào Đài Loan, sau khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ghé Hoa Kỳ và gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy.
Trước cuộc hội đàm, ông Hồng Lương (Hong Liang), vụ trưởng phụ trách các vấn đề biên giới và biển thuộc bộ Ngoại Giao, trưởng phái đoàn Trung Quốc, nói là đang tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực hàng hải với Nhật Bản và mong đợi một "cuộc thảo luận chuyên sâu" với các đối tác Nhật Bản..
Về phía Tokyo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết Nhật Bản "rất quan tâm" theo dõi các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không chỉ quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản mà còn đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế nói chung".
Tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 11 năm 2022, ông Hồng Lương đã chỉ trích Tokyo về những bình luận liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở vùng eo biển Đài Loan. Nhân vật này còn yêu cầu Nhật Bản rút tàu ra khỏi vùng biển xung quanh các đảo ở biển Hoa Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Các tàu bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia thường xuyên đối đầu nhau trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Tháng Ba vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã thiết lập một đường dây nóng quân sự để giúp ngăn ngừa các sự cố trên không và trên biển ở vùng biển tranh chấp.
Trọng Nghĩa
******************************
Biển Đông : Mỹ cho chiến hạm tiến vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn
Trọng Nghĩa, RFI, 10/04/2023
Vào lúc Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ vào hôm 10/04/2023 cho biết đã điều một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ở Biển Đông. Bắc Kinh đã lên tiếng cực lực phản đối.
Khu trục hạm USS Milius (DDG 69) lớp Arleigh Burke, hoạt động tại Biển Đông, ngày 24/03/2023. Ảnh do Hải Quân Mỹ cung cấp. AP - Petty Officer 1st Class Gregory Johnson
Trong một bản thông cáo, Hải Quân Mỹ cho biết là khu trục hạm USS Milius đã thực hiện một chiến dịch tự do hàng hải tại vùng quần đảo Trường Sa, cụ thể là đã di chuyển bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn (tên quốc tế là Mischief Reef), một thực thể đang có tranh chấp giữa Philippines, Việt Nam và Đài Loan, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp và biến thành một tiền đồn quân sự.
Theo AFP, bản thông cáo nhấn mạnh rằng đây là một hoạt động "duy trì và bảo vệ các quyền sử dụng biển tự do và hợp pháp" và chiến hạm Mỹ đã "khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Vào tháng Ba vừa qua, Mỹ cũng đã phái khu trục hạm USS Milius đến tuần tra gần vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát chiếm đóng sau khi chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Hãng tin Anh Reuters đã gắn liền động thái tại Biển Đông của Hải Quân Mỹ vào trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang rầm rộ tập trận quanh Đài Loan làm tình hình căng thẳng gia tăng.
Phía Trung Quốc đã cực lực phản đối hành động của Hải Quân Mỹ. Trong một thông cáo vào hôm nay, 10/04, phát ngôn viên bộ tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Quân Đội Trung Quốc tố cáo tàu Mỹ là đã xâm nhâp "bất hợp pháp" vào "lãnh hải" của Trung Quốc.
Phát ngôn viên này đồng thời khẳng định rằng lực lượng không quân Trung Quốc đã "theo dõi và tiến hành giám sát con tàu".
Trọng Nghĩa