Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2023

Cần tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ

Huy Đức - Tô Văn Trường - Trần Thủy

Ai "đưa cơm" cho người dám làm ?

+ "Đốt lò" phải song hành cùng cải cách + Cần tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ ngay.

Hoàng Tư Giang vẫn là nhà báo hiếm hoi hiện nay đặt ra các vấn đề thiết thực ở tầm vĩ mô. Nhưng, khi nhắc tới "tinh thần Võ Văn Kiệt", có lẽ, cũng cần tách bạch giữa hai vấn đề và hai giai đoạn.

duacom0

Ông Võ Văn Kiệt có một câu nói nổi tiếng (với bà Ba Thi), "Chị cứ làm đi, miễn là không tư túi nếu có đi tù, tôi đưa cơm". Câu nói được đưa ra ở thời kỳ "xé rào", thời kỳ người dân không có quyền ngay cả quyền tự kiếm lấy ăn ; thời kỳ "cơ chế" không chỉ trói buộc cán bộ mà trói buộc mọi nguồn lực trong đất nước.

Thời kỳ thứ Hai là trong thập niên 1990s, khi đất nước chuyển từng bước sang kinh tế thị trường, "cơ chế" mở ra là để phát triển chứ không phải trói nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập. Ông Kiệt không "đưa cơm" cho tù nữa, ông mang sâm-banh vào nhà tù uống mừng cựu bộ trưởng Vũ Ngọc Hải ngay sáng hôm sau khi đóng điện thành công Đường dây 500 kv.

Ít ai còn nhớ, "Công trình thế kỷ" Đường dây 500 kv gần như không được quyết toán vì có nhiều mắc mớ về thủ tục. Một hai năm đóng điện sớm hơn [chờ thủ tục] của Đường dây 500 kv là sự thay đổi không thể hạch toán của đất nước.

duacom1

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải qua), bà Ba Thi (đứng giữa), ông Lữ Minh Châu (thứ 2 từ trái qua) là những người đưa ra và thực hiện chủ trương đưa gạo từ miền Tây lên cứu đói cho người dân Sài Gòn - Ảnh tư liệu của ông Lữ Minh Châu

Trong Đại hội giữa nhiệm kỳ [tháng 1/1994], ông Võ Văn kiện cảnh báo hai nguy cơ : tham nhũng và tụt hậu [trong 4 nguy cơ mà Đại hội đưa ra gồm chệch hướng và diễn biến hòa bình]. Minh bạch và nhà nước pháp quyền mới có thể chống tham nhũng. Xin nói sau về pháp quyền.

Việt Nam đã có một thập niên rưỡi [1992-2006] thiết kế chính sách theo hướng cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm bớt thủ tục cho người dân. Nhưng, do vẫn không tách bạch hành chánh công vụ với hành pháp chính trị, khuynh hướng đúng đắn này đã bị đảo ngược kể từ 2008. Đó là thời kỳ tham nhũng lên ngôi vì điều kiện kinh doanh càng vô lý, càng gắt gao, quan chức càng dễ nhũng nhiễu [Vụ án đăng kiểm xe cơ giới và những ách tắc khi thực hiện Nghị định 136 về Phòng cháy chữa cháy là hai ví dụ mới nhất, điển hình].

Khi không tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ, những hệ quả tiêu cực diễn ra ở cả hai giai đoạn : Giai đoạn ban hành chính sách [lập pháp, lập quy] và Giai đoạn thực thi.

Ở giai đoạn ban hành chính sách, xu hướng tập trung quyền lực cho ngành, đẻ thêm thủ tục trở nên một xu thế không thể chặn đứng. Ở giai đoạn thi hành, không chỉ dân chúng bị nhũng nhiễu, bộ máy hành chính công vụ có thể bị đình trệ khi người đứng đầu lo sợ nguy cơ hoặc đứng trước nguy cơ đối diện với cơ quan chống tham nhũng [tách thì cho dù người đứng đầu có phải vào lò, dịch vụ công vẫn làm thông suốt].

Không tách bạch hành chánh công vụ [hình thành ở đó một đội ngũ viên chức hành chánh mẫn cán, tuyệt đối không tham gia vào tiến trình ban hành chính sách, chỉ thi hành chính sách, chỉ tuân theo pháp luật chứ không chờ hỏi ý kiến cấp trên] thì chống tham nhũng sẽ dễ xảy ra 3 kịch bản : Lãn công [vì chống đối] ; Đùn đẩy vì sợ trách nhiệm [cái gì cũng hỏi cấp trên, hỏi trung ương, thậm chí hỏi cả C03] ; "Ăn" nhiều hơn [Để "mua bảo hiểm" phòng khi bị lộ, vụ kit test và "giải cứu" là ví dụ].

Không tách bạch hành pháp chính trị thì những bộ trưởng mới, thường được điều từ địa phương lên, thì ngay sau khi ấm chỗ, việc ưu tiên của họ không phải là đưa ra chính sách mới mà thay người mới của mình vào những vị trí "có màu", thường những vị trí đó là kỹ trị, đòi hỏi những người am hiểu lĩnh vực, có thâm niên trong cơ quan công vụ.

Kinh tế suy thoái và có tới 72% doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ vẫn bị "nhũng nhiễu" [tỷ lệ kỷ lục trong hai chục năm qua] đặt ra nhiều câu hỏi cho công cuộc chống tham nhũng. "Ăn" như vụ "kit test" và "giải cứu" thì không thể không bắt. Nhưng bắt như thế mà vẫn "ăn" thì đâu mới là đích đến của công cuộc đốt lò.

Thời kỳ hiện nay không còn là thời kỳ "xé" những hàng rào "quan liêu bao cấp" của ý thức hệ mà là thời kỳ phá bỏ những rào cản nuôi dưỡng tham nhũng, lập ra để nhũng nhiễu dân. Tuy nhiên, cho dù thời kỳ nào cũng cần những người "dám nghĩ, dám làm" nhưng phải tách bạch việc tuân thủ quy trình, thủ tục của bộ máy hành chánh công vụ với quy trình ra quyết định lớn, ảnh hưởng đến sự thay đổi đất nước, thay đổi một địa phương, của người đứng đầu.

Khi xem xét quyết định của những người đứng đầu phải phân biệt đó là những quyết định bất chấp hiệu quả [chi ra hàng nghìn tỷ để mang lại những đống sắt vụn như Vinashin, Gang thép Thái Nguyên, Ethanol, Sợi Đình Vũ…] hay là những quyết định táo bạo làm thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nhưng chưa hoàn thiện về thủ tục.

Soi những sơ hở về thủ tục để kỷ luật, hạ bệ cán bộ, hay đánh giá công tội dựa trên hiệu quả kinh tế xã hội mà quyết định của người ấy mang lại, sẽ là một thông điệp có ý nghĩa chính trị nhất đối với những người dám làm.

Kinh tế Việt Nam đang ở một trong những thời kỳ tồi tệ nhất kể từ khi đổi mới. Tình trạng này vừa do chịu tác động của hậu Covid và chu kỳ suy thoái toàn cầu, vừa do chủ yếu các nguyên nhân nội tại. Đừng nhìn suy thoái kinh tế chỉ ở những chỉ số, những nhà lãnh đạo có trách nhiệm là phải nhìn thấy sau đó tình trạng doanh nghiệp phá sản, lao động thất nghiệp, ăn xin, trộm cướp hoành hành.

Công cuộc đốt lò đã biến nhiều quan tham thành củi, thành tựu đó vẫn cần được duy trì. Nhưng chống tham nhũng phải song hành cùng cải cách. Chống tham nhũng là để môi trường kinh doanh "sạch" hơn chứ không phải để gieo rắc sự sợ hãi, để bộ máy không dám làm hoặc làm thì nhũng nhiễu hơn, vơ vét hơn.

Đừng để doanh nghiệp nuối tiếc, so sánh với thời kỳ "sống chung với tham nhũng". Đất nước, đặc biệt là nền kinh tế cần vận hành trong một môi trường minh bạch chứ không phải vận hành trong một guồng máy dân chúng buộc phải "bôi trơn".

PS : Links hai bài của Tư Giang trên Vietnamnet ở dưới cmts.

Huy Đức

Nguồn : fb.Osinhuyduc, 12/04/2023

*************************

Thành phố Hồ Chí Minh cần bảo vệ cán bộ 'dám nghĩ, dám làm' để vượt qua khó khăn

Tô Văn Trường, VietnamNet, 12/04/2023

Ngay từ năm 2022, nhiều chuyên gia đã dự báo kinh tế cả nước năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi nghe tin quý 1 năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7% đúng là rất sốc vì ngoài dự báo rất xa.

duacom3

Bản sắc sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của bộ máy chính quyền, doanh nghiêp và người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bị mai một và thay thế bằng tư duy không làm, không sai. Ảnh : Hoàng Hà

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Thành phố Hồ Chí Minh giảm tăng trưởng sâu như thế tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước thì không ổn chút nào. Từ chỗ đóng góp gần 1/3 ngân sách nhà nước hàng năm trong thập kỷ trước, mức đóng góp ngân sách của Thành phố đã giảm chỉ còn khoảng ¼ ngân sách trong mấy năm nay. Thành phố đang đối mặt với nguy cơ mất vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Người đời thường nói "Người khôn đi tìm lỗi của chính bản thân mình". Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên làm "người khôn" là đi tìm lỗi của chính mình. Đã có một số phân tích về nguyên nhân và đề xuất giải pháp của các chuyên gia để Thành phố tăng tốc trở lại như cải thiện chính sách tài chính, tiền tệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu, tăng tốc giải ngân đầu tư công…

Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố con người !

Sau những sóng gió của đại dịch Covid-19 và chiến dịch giải cứu công dân làm hàng trăm cán bộ ngành y tế và ngoại giao vướng vòng lao lý, cơn bão bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục quét qua Thành phố làm cho phần đông cán bộ ngồi yên thủ thế, chùn tay vì sợ. 

Giải ngân vốn đầu tư công quá thấp (chỉ hơn 2% dự toán) cũng có một phần do các đầu mối sợ trách nhiệm, cho dù các đoàn công tác của Chính phủ đã đốc thúc và có những hứa hẹn về chủ trương bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Các dự án công ở Thành phố đã có trong các quy hoạch cấp Chính phủ, được cấp vốn, nhưng các công tác liên quan, ví dụ như điều chỉnh cục bộ quy hoạch, thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến công trình hiện nay còn quá chậm. 

Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin hạ tầng hiện hữu phục vụ công tác thiết kế như giao thông, kênh rạch, cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, cây xanh… còn quá nhiêu khê, kéo dài hoặc thiếu. Đầu tư vào công nghệ hầu hết chưa thành công vì công nghệ không chỉ cần tiền mà quan trọng là ý tưởng và sáng tạo công nghệ.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn năng động, phóng khoáng, hào hiệp, nhanh nhạy trong thương trường. Tuy nhiên, bản sắc quyết đoán, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của bộ máy chính quyền, doanh nghiêp và người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bị mai một và thay thế bằng tư duy phòng thủ, "không làm, không sai".

Cú sốc phong tỏa Covid-19 và suy thoái kinh tế làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, hệ số nhân tiêu dùng sụt giảm, du lịch đóng băng, đơn hàng sản xuất giảm, đầu tư công đình trệ, các rào cản về chính sách và thủ tục hành chính mới làm nản lòng các nhà đầu tư trong và nước ngoài là bức tranh toàn cảnh mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt. Thành phố cần cải thiện nhiều việc để tạo hành lang đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp và tạo niềm tin cho người dân.

Giải pháp là gì ?

Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận ra vấn đề "tắc nghẽn" của nền kinh tế nên cũng đốc thúc rất tích cực, đặc biệt đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc, kể cả của các dự án ngoài ngân sách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Có lẽ thời điểm này, rất cần đến "tinh thần Võ Văn Kiệt" ở chỗ cần có những quyết định đột phá, sáng tạo dù chưa có văn bản hướng dẫn "cán bộ dám nghĩ, dám làm". Lãnh đạo Thành phố cần có hành động thay vì ngồi chờ Trung ương bởi vì mỗi ngày chờ đợi qua đi là cơ hội phát triển mất đi. Cần có góp ý của các chuyên gia kinh tế, giới luật sư giỏi để tư vấn những ý kiến đột phá như thế nào mà không "phạm quy" hay bị "tuýt còi".

duacom4

Một mảng thành phố Hồ Chí Minh rất cần sự khai thông quyết liệt là hạ tầng đô thị và cảnh quan môi trường. Ảnh : Hoàng Hà

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay với những thách thức phát triển rất lớn, có lẽ cần học hỏi tinh thần, cách thức của những người lãnh đạo tiền nhiệm cũng từng đối mặt với những thử thách tương tự, thậm chí ngặt nghèo hơn và đã vượt qua chúng. Nhưng việc học hỏi không chỉ đơn thuần là nhớ lại những kỷ niệm của người đi trước, mà còn là thấu hiểu tinh thần, tư tưởng và hành động của họ. Ông Võ Văn Kiệt, người được biết đến với tài năng lãnh đạo và những cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, là một trong số đó.

Vì vậy, cần tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt để chuyển đổi và phát triển bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung không phải bằng khẩu hiệu hay lời nói suông mà bằng hành động cụ thể thông qua các chính sách và luật pháp.

Tuy nhiên, để dám đột phá về tư duy và hành động, đáp ứng nhanh nhu cầu hồi phục kinh tế của Thành phố, cần vượt qua một rào cản tâm lý cố hữu của hệ thống quản lý xưa nay : người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép (!). Làm gì có luật pháp nào quy định cụ thể như thế !

Khi "vượt rào" làm những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu và bất cập mà bị quy chụp tội "cố ý làm trái", hoặc tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", hoặc tội "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ" thì ai dám !

Cần hành động cụ thể

Một ví dụ trước mắt là cần xử lý ngay Dự án Tuyến Đường sắt Số 1. Tuyến đường đã hoàn thành 94% hạng mục nhưng công ty vận hành tuyến đường này thiếu kinh phí, đang mắc nợ, nhân viên lần lượt ra đi vì thiếu tiền lương, chỉ còn hơn 20 người làm việc lay lắt.

Một dự án ODA quan trọng tới phát triển kinh tế – xã hội như thế, được tài trợ bằng vốn ODA theo hiệp ước quốc tế, thế mà chỉ một công ty nhỏ để vận hành tuyến đường. Hơn nữa, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn phải mãi trông chờ quyết định ở Trung ương, bên này đá quả bóng trách nhiệm qua bên kia. Trong khi đó, Thành phố đã kêu tới Trung ương, nhà tài trợ đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các cấp sớm xem xét giải quyết, mà vẫn chưa giải quyết được. Vô lý quá !

Chậm quyết định về công ty vận hành tuyến đường sắt có nghĩa là chậm tuyển dụng cho đủ số gần 700 nhân viên, chậm huấn luyện, đào tạo họ, tức là chậm khởi động vận hành tuyến đường. Mà 1 ngày chậm khởi động tức là thêm 1 ngày chịu thiệt hại không nhỏ.

Có thể nào cứ quyết định cho Công ty vận hành vay kinh phí cần thiết nhằm đáp ứng điều kiện hợp đồng đã ký kết với Nhật Bản ? Đó là giải pháp trước mắt nhằm tránh các nhà thầu khiếu kiện chủ đầu tư do không cung cấp được nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hợp đồng và tiếp theo nhanh chóng đưa tuyến đường sắt vào vận hành sau nhiều lần lỗi hẹn.

Cách làm đó có thể hiểu là mắc sai phạm nhỏ là cho Công ty vận hành vay kinh phí hoạt động để tránh sai phạm lớn là vi phạm điều ước quốc tế ODA ; vừa để phát huy nhanh chóng lợi ích lớn, vừa để tránh thiệt hại lớn do các nhà thầu khiếu kiện.

Đặt lên bàn cân thấy Thành phố nên có quyết định đột phá về việc này thay vì ngồi chờ Trung ương không biết đến bao giờ mới có kết quả.

duacom5

Đoàn tàu đầu tiên của metro số 1 dừng ở ga bến xe Suối Tiên khi lăn bánh thử nghiệm vào sáng 21/12/2022

Ví dụ thứ hai : Tuổi trẻ Việt Nam năng động và có nhiều sáng kiến khởi nghiệp, chỉ có trở ngại lớn là thiếu vốn. Có thể nào Thành phố lập nguồn vốn để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được không ? Có thể bắt đầu bằng một cuộc thi để tiếp nhận những đề án khởi nghiệp với yêu cầu hỗ trợ cụ thể. Cần có một ban chuyên môn để thẩm định, chọn những đề án có triển vọng để Thành phố hỗ trợ.

Có lẽ không đặt nặng những chỉ tiêu theo truyền thống như về tính khả thi, tỷ suất lợi ích bởi vì khởi nghiệp không phải lúc nào cũng có thể tính ra những con số của đồng tiền. Cần có những con người có chí với cái tâm trong sáng để tránh nhũng lạm, lãng phí trong những công việc khó cân đo đong đếm bằng những con số cụ thể.

Nhà lãnh đạo dám chịu trách nhiệm "phá rào""Sử học không nên chỉ đánh giá một con người xem họ đạt đến đỉnh cao nào mà còn phải xem khi họ nằm xuống, đã có bao nhiêu dòng nước mắt".

Từ hai ví dụ trên, Thành phố có thể thấy nhiều việc, nhiều lĩnh vực cần quyết định đột phá trên tinh thần việc nào không bị cấm thì có thể làm. Điều đó thể hiện tinh thần của một Thành phố năng động, xứng đáng là đầu tàu của cả nước.

Một yếu tố nữa cần phải quan tâm, đó là hệ thống quản lý của ta hành động rất nhanh khi xử lý tình huống sai phạm, kể cả biện pháp cực đoan như cấm, đình chỉ, khởi tố, nhưng lại rất chậm chạp trong việc điều chỉnh chính sách và khôi phục trạng thái bình thường. Thế nên chờ được vạ thì má đã sưng, thậm chí chờ đợi vô vọng.

Một mảng mà Thành phố cũng cần có dũng khí xử lý là làm trong sạch ngành ngân hàng và chứng khoán ; có thế mới thu hút vốn đầu tư và ổn định tâm lý những người muốn bỏ tiền vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Làm mạnh việc này thì không sợ phạm luật, nhưng có thể "đụng chạm" đến "sân sau" và "nhóm lợi ích". Dũng khí cần thiết là ở chỗ đó.

Thêm một mảng rất cần sự khai thông quyết liệt là hạ tầng đô thị và cảnh quan môi trường. Những dự án giao thông trọng điểm đáng lẽ đã phải được hoàn tất từ chục năm trước, giờ vẫn còn ì ạch. Trong khi một tuyến đường được hoàn tất là mở ra vô số cơ hội làm ăn và tăng trưởng ; còn một tuyến đường ì ạch là bao nhiêu cơ hội bị lãng phí.

Điều này ai cũng rõ, nhưng Trung ương vẫn còn sức ỳ và Thành phố vẫn chờ đợi. Lãnh đạo Thành phố cần làm rõ quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi của các ban, ngành, không được nhũng nhiễu các doanh nghiệp và người dân. Ai làm không tốt phải kỷ luật hoặc điều chuyển để người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm lên thay, để có thể đảm nhiệm tốt trong việc phát triển kinh tế – xã hội.

Từ trước đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách quốc gia, trong khi chỉ được giữ lại một phần nhỏ kinh phí từ nguồn thu của Thành phố nên rất thiếu nguồn đầu tư cho hạ tầng và các công trình trọng điểm. Đã đến lúc Trung ương cân nhắc điều chỉnh chính sách này để tăng nguồn kinh phí và quyền chủ động cho Thành phố.

Trước hết, cần có ngay quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, kể cả khi họ thất bại trong thực thi nhiệm vụ, ít nhất là nhiệm vụ do lãnh đạo Chính phủ hoặc người đứng đầu địa phương giao trực tiếp. Sau đó, đẩy nhanh tiến độ ban hành chính sách và pháp luật để khắc phục ngay các nút thắt đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ những bất cập trong đấu thầu, phát hành trái phiếu, công tác cán bộ, kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng…

Bằng cách giải phóng và phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, Thành phố sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân, doanh nghiệp phát huy năng lực của mình. Chỉ khi Thành phố làm được điều này thì mới có thể phát triển bền vững và đem lại lợi ích cho toàn thể xã hội.

Tiến sĩ Tô Văn Trường

Nguồn : VietnamNet, 12/04/2023

*************************

Gần 72% doanh nghiệp thừa nhận tình trạng cán bộ nhũng nhiễu

Trần Thủy, VietnamNet, 12/04/2023

Để có "phong bao" không ít công chức, viên chức đã "mê cung hóa" những quy trình xử lý, làm doanh nghiệp không thể không móc hầu bao.

duacom6

Chi phí không chính thức vẫn tồn tại phổ biến trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Ảnh minh họa : Hoàng Hà

Nhũng nhiễu tăng vọt

Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, công ty ông phải tiếp các đoàn thanh tra khá thường xuyên. Mà trong mỗi lần kiểm tra thì y như rằng, họ yêu cầu, xét nét đủ thứ, không có "phong bao" thì không được. Có cán bộ còn chủ động xin số zalo để kết nối dễ, mỗi lần "có việc" là họ lại chủ động liên hệ "xin".

Đây chính là hành vi nhũng nhiễu, hay nói chính xác là tham nhũng vặt, của những người có chức vụ, quyền hạn, nhằm vụ lợi từ doanh nghiệp. Những hành vi này đã diễn ra từ lâu và diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, thậm chí gần như trở thành thông lệ, thói quen, của không ít cán bộ hiện nay.

Năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua.

Từ những nhũng nhiễu này sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi phí "bôi trơn" hoặc phí "không chính thức" với những dịch vụ công thiết yếu hay các nghiệp vụ về quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế...

Báo cáo PCI cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022.

Có quan điểm cho rằng, những khoản "bôi trơn" nhỏ này không ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của doanh nghiệp, nhưng nhiều nghiên cứu chứng minh ngược lại. Mặc dù có giá trị không lớn nhưng tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại các khoản này sẽ trở thành chi phí đáng kể. Chi phí này sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm, đẩy giá bán lên, hậu quả là giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Nó còn làm phát sinh thêm những chi phí khác. Chẳng hạn, để hợp pháp hóa chi phí không chính thức, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm tiền, dẫn đến hiện tượng gian dối trong kinh doanh như : buôn bán hóa đơn ; báo cáo tài chính, thuế không trung thực.

Tình trạng nhũng nhiễu tăng còn tạo ra những rủi ro về mặt pháp lý, làm chậm, làm sai lệch các quy trình, thủ tục, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của Chính phủ. Khiến cho những thành quả đạt được ở lĩnh vực quản trị và hành chính công nhiều năm qua trở nên vô nghĩa, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia.

Thiếu công khai, minh bạch

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, chất lượng của hệ thống thể chế, quy định pháp luật là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Chính hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được, đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu doanh nghiệp. Cùng với đó là thực thi pháp luật không nghiêm, không công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng địa vị của cán bộ giao nhiệm vụ để sách nhiễu.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ đồng lương bèo bọt của công chức hay viên chức nhà nước. Nhìn vào mức lương và đãi ngộ hiện nay khó sống được.

duacom7

Gần 72% doanh nghiệp thừa nhận tình trạng cán bộ nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục. Ảnh minh họa : Hoàng Hà

Để thực hiện hành vi "bóp nặn" những chiếc phong bì, các công chức, viên chức ngày nay có vẻ đã thành thạo trong việc "mê cung hóa" những quy trình xử lý. Doanh nghiệp dù muốn hay không đều phải tham gia vào quy trình này để được việc.

Hiện tượng nhũng nhiễu diễn ra tràn lan cho thấy, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại và cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Theo đó, đến năm 2030 nhất thiết phải giảm dần và triệt tiêu tình trạng cán bộ, công chức có hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ khi giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều, việc giảm thiểu nhũng nhiễu vẫn là một "hành trình dài" đối với chính quyền.

Để triệt tiêu sự nhũng nhiễu, cần hình thành cơ chế ngăn chặn, với những tiêu chuẩn về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được đặt lên đầu. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, và xây dựng bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy.

Các cơ quan cần công khai minh bạch mọi thủ tục, sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động. Thực tế cho thấy, những nhóm thủ tục hành chính nào có sự tiến bộ đáng kể các năm qua đều nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện trên môi trường điện tử. Nhiều thủ tục nay đã nhanh và minh bạch hơn rất nhiều, không phải bởi con người thay đổi, mà bởi công nghệ đã thay thế con người.

Và tất nhiên, cần phải tăng lương cho cán bộ, công chức để họ có thể sống được bằng lương.

Trần Thủy

Nguồn : VietnamNet, 12/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, Tô Văn Trường, Trần Thủy
Read 349 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)