Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2023

Thấy gì trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ

Trọng Nghĩa, Quốc Phương,

Nhân chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Mỹ, Hà Nội và Washington "hy vọng" sớm nâng cấp quan hệ

Trọng Nghĩa, RFI, 15/04/2023

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/04/2023 đã bày tỏ mong muốn thắt chặt thêm và nâng cấp quan hệ giữa hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Blinken từ ngày lên lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ.

blinken1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội, ngày 15/04/2023. AP – Andrew Harnik

Đến Hà Nội từ hôm qua 14/04, trên đường đi Nhật Bản dự hội nghị nhóm G7, ngoại trưởng Mỹ đã có ngay một cuộc tiếp xúc với thủ tướng Việt Nam vào hôm nay 15/04, trước khi hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Bùi Thanh Sơn và gặp mặt tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một phát biểu ngắn gọn trước cuộc tiếp xúc với thủ tướng Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ đã nêu bật những "tiến bộ phi thường" trong quan hệ giữa hai nước trong một thập kỷ qua, cho rằng : "Giờ đây chúng tôi hy vọng có thể đưa quan hệ lên một tầm cao hơn nữa, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế". 

Ông Blinken đồng thời lưu ý rằng trong năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chính thức giữa hai bên.

Về phần mình, thủ tướng Việt Nam cũng xác nhận sự kiện cả hai bên đang tìm cách nâng quan hệ "lên một tầm cao mới", sau cuộc điện đàm vào tháng trước giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, một cuộc tiếp xúc mà ông Chính đánh giá là đã mang lại "thành công lớn".

Theo Reuters, giới phân tích không loại trừ khả năng một cuộc găp mặt giữa hai ông Biden và Nguyễn Phú Trọng, hoặc những cuộc tiếp xúc cấp cao khác diễn ra vào tháng 07/2023. Vấn đề là chưa thể biết được là khi nào việc nâng cấp quan hệ chính thức có thể được nhất trí.

Trên bình diện chính thức, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang ở mức "đối tác toàn diện". Ngay từ thời chính quyền Donald Trump, vấn đề nâng quan hệ song phương Viêt-Mỹ lên cấp "đối tác chiến lược" đã được Washington gợi lên.

Theo Reuters, Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức ở Đông Nam Á trong việc xây dựng một liên minh để chống lại Trung Quốc và ngăn chặn các mưu toan của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Đối với Mỹ, Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á mà Washington muốn tăng cường quan hệ.

Tuy nhiên, đối với Hà Nội, điều khó khăn là làm sao đẩy mạnh hợp tác với Washington mà không làm Bắc Kinh khó chịu, mặc dù Việt Nam càng lúc càng bị Trung Quốc thúc ép ở Biển Đông. Tính toán ngoại giao của Việt Nam, theo Reuters, còn phức tạp hơn nữa do việc quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Bắc Kinh và Moskva trong thời gian gần đây sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Trong bối cảnh đó, một số nhà phân tích không tránh khỏi hoài nghi về khả năng quan hệ Việt-Mỹ sớm được nâng cấp.

Reuters trích lời chuyên gia phân tích quốc phòng Mỹ, Derek Grossman, thuộc Rand Corporation : "Một mặt, theo góc nhìn từ Việt Nam thì đối địch với Trung Quốc là điều không cần thiết … Mặt khác, Hà Nội muốn tránh lộ diện một cách công khai như là một phần trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ được thiết kế để chống lại Trung Quốc".

Theo phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Vedant Patel, trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam, ngoại trưởng Blinken cũng đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền".

Sau cuộc tiếp xúc với ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Việt Nam, vào hôm nay, ngoại trưởng Mỹ đã tham gia lễ động thổ công trình xây dựng đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 15/04/2023

************************

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ : Nhân quyền có phải là chủ đề quan trọng ?

Quốc Phương, RFA, 15/04/2023

Nhân quyền Việt Nam và việc đặt quan tâm thế nào với phía Mỹ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang diễn ra tại Việt Nam (từ 14-16/4/2023) là một chủ đề được một số nhà quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam bình luận vào thời điểm này.

blinken2

Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào chiều 15/4 - Reuters

Thế nhưng trước hết, hôm thứ bảy, 15/4/2023, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam kéo dài ba ngày của ông Antony Blinken theo lời mời của người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, theo truyền thông quốc tế, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã có những động thái đề cập vấn đề này với phía việt Nam :

"Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ bảy nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền sau khi gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tới quốc gia Đông Nam Á này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết", hãng tin Anh Reuters cho biết.

Còn ngay trước thềm chuyến thăm của ông Blinken tới Hà Nội, vẫn theo Reuters, hôm thứ năm, 13/4, Hoa Kỳ đã lên tiếng "lên án" việc Việt Nam tuyên án tù giam một nhà hoạt động, blogger được nhiều người biết, đó là kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, và phía Mỹ nói rõ rằng quan hệ song phương chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam đáp ứng có điều kiện.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ được hãng tin Anh dẫn lời hôm 13/4, nói :

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền.

"Trước chuyến thăm Hà Nội của ngài Ngoại trưởng, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo các quy định luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền của mình".

Trong một diễn biến liên quan, hôm thứ bảy, 15/4, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã tới thăm một tu viện của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Hà Nội, đi cùng ông còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Marc Knapper, khi đoàn đến thăm địa điểm được truyền thông đưa tin là Nhà thờ tu viện Sainte Marie tại số 37, phố Hai Bà Trưng, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo ý kiến từ trong cộng đồng giáo dân Công giáo tại Hà Nội và từ giới quan sát thời sự Việt Nam cũng như bang giao Mỹ - Việt thì "rõ ràng việc lựa chọn tu viện này để thăm viếng là một biểu tượng của tự do tôn giáo" và đây là "một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo" mà Ngoại trưởng Antony Blinken và phái đoàn Mỹ bày tỏ, trong mối liên hệ có thể hiểu rằng đây là một lĩnh vực quan trọng nằm trong và đồng hành với các quyền tự do của con người và các quyền công dân trong xã hội văn minh hiện đại.

blinken3

Ông Blinken gặp sơ Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Hà Nội – Nữ tu Saint-Jean de Marie Trần Thị Anh sáng 15/4

Mỹ có quan tâm tới hợp tác nhân quyền với Việt Nam hay không ?

Có một câu hỏi được đặt ra vào thời điểm nhà lãnh đạo số một ngành ngoại giao Mỹ tới thăm Việt Nam và hai nước đang đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, mà một số nhà quan sát, phân tích chính trị - xã hội Việt Nam và bang giao Mỹ - Việt đã thảo luận, đó là liệu nhân quyền có là một quan tâm và ưu tiên trong hợp tác của Mỹ với Việt Nam hay không vào thời điểm hiện nay, khi có thể hai bên đang hướng tới xác nhận đúng thực chất một quan hệ đối tác đã có tính chiến lược trên thực tế quan hệ song phương.

Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm :

"Như phần lớn người dân, một số giới cũng muốn Hoa Kỳ tác động nhiều hơn về vấn đề nhân quyền, tuy nhiên tôi nghĩ là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trọng tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề an ninh khu vực là ưu hàng đầu, Hoa Kỳ chắc chắn không coi vấn đề nhân quyền trở nên ưu tiên nữa, mặc dù trong thời gian qua cũng có một số đề nghị là ông Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập với Chính phủ Việt Nam, nhưng mà tôi nghĩ đây không phải là trọng tâm của chuyến đi.

"Và do đó ông Blinken sẽ qua để làm tốt mối quan hệ này bằng cách là sẽ bàn những vấn đề về an ninh khu vực nhiều hơn. 

"Và chúng ta thấy là trong hai năm vừa rồi, chính Hoa Kỳ cũng là nước giúp Việt Nam nhiều nhất trong vấn đề thuốc men, vắc-xin chống Covid-19, thì chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ luôn luôn mở rộng khả năng để có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam một cách tối đa.

"Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khi không đặt vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ không giúp gì cho người dân Việt Nam. 

"Tôi nghĩ mối quan hệ ngày càng sâu hơn của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nói chung cho tình hình phát triển của Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh là hiện giờ nền kinh tế Việt Nam cũng đang có những sự khó khăn nghiêm trọng, việc nâng cấp mối quan hệ này về mặt thực tế, tôi không nói về mặt danh nghĩa, cũng có thể mang lại những lợi ích nhiều hơn cho người dân Việt Nam".

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cộng tác viên cao cấp của Viện nghiên cứu Iseas (của Singapore) nói :

"Trước hết, tôi xin nói là người Mỹ sẽ không nói chuyện về dân chủ, nhưng chắc chắn là người ta nói chuyện về nhân quyền.

"Vừa rồi nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ do ông Michael McCaul, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, vào Việt Nam, đã dành thời gian rất nhiều để nói về vấn đề nhân quyền. 

"Do vậy, chắc chắn ngày 15/4, ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói về vấn đề đó, những chủ đề cụ thể thì có thể chưa được biết, nhưng chắc chắn là có và ở đâu cũng thế thôi, mong muốn lớn nhất của người ở trong nước Việt Nam là được thực hiện những quyền ấy của mình.

"Trong khi những mong muốn ấy được thể hiện ra, thì cũng lại có những mong muốn khác rằng thực hiện những quyền của mình, thì người ta sẽ thực hiện trong một khung cảnh, thứ nhất là đúng với Hiến pháp và thứ hai là đúng với nền tảng pháp lý tự nhiên của vấn đề, chứ không phải là một nền tảng pháp lý đang có.

"Tôi chắc là ông Ngoại trưởng Mỹ nói một cách rất rõ ràng và cụ thể, nhưng hoàn toàn không có tính chất tác động gì cả, mà là mang tính chất đối thoại.

"Không nghe một cách cụ thể lắm, nhưng ở một mức độ phong thanh, tôi nghĩ ông Ngoại trưởng Mỹ nói về một số trường hợp rất cụ thể mà hiện nay đang bị giam cầm.

"Nói về một số trường hợp cụ thể liên quan đến thực hành tôn giáo, và có thể có thể một số khía cạnh về tương trợ tư pháp liên quan các quyền đó...

"Có ba thứ đó, tôi nghe phong thanh, nhưng tôi chưa được biết cụ thể lắm, nhất là từ phía Mỹ, thế còn từ phía Việt Nam cũng đã dự đoán như vậy. Và chắc chắn là việc này xảy ra trong buổi sáng ngày 15/04".

blinken4

Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp phía Việt Nam Bùi Thanh Sơn gặp nhau vào sáng 15/4. Ảnh : Reuters

‘Thời điểm thuận lợi và nhân quyền là một chủ đề rất quan trọng’

Khi được hỏi liệu đây là những chủ đề được phía Mỹ đặc biệt lựa chọn ra để đối thoại, hợp tác với Việt Nam, hay là không, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói :

"Thực ra đây không phải là những lựa chọn gì đặc biệt lắm, nhưng trong tất cả những cuộc mà người ta đặt ra về vấn đề nhân quyền, thì chủ đề bao giờ cũng là như thế, nó không phải là ưu tiên chọn lọc trong lúc này.

"Thứ hai là về thời điểm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam là một thời điểm thuận lợi, mà trước hết là thuận lợi cho Mỹ, thứ hai mới đến là thuận lợi cho Việt Nam.

"Và nó càng thuận lợi hơn, khi mà ở Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã ngớt đi rồi, các hoạt động quay trở lại rất bình thường, thì đó là một thuận lợi cho ông Blinken đến thăm.

"Hơn nữa là các sự kiện quan trọng mà có vai trò của Mỹ, gần như là vai trò chủ trì, đều xảy ra ở khu vực này, thì trong thời điểm tháng năm hay tháng sáu 2023, ví dụ như là Hội nghị G7 ở bên Hiroshima, Nhật Bản, có sự đóng góp cực kỳ lớn của Mỹ.

"Và những hoạt động như thế này như chúng ta đã biết, Thủ tướng Nhật Bản đã có thư mời chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam dự cuộc họp G7 ở Hiroshima, và chắc là ông Thủ tướng Việt Nam đã nhận lời, và đó là một dịp rất là tốt để phía Việt Nam có thể tăng cường đối thoại không những đối với Mỹ, với Nhật, mà còn với năm nước khác, là những nước lớn ở trong khối G7 đó.

"Đó là một dịp rất là tốt, cho nên việc kết hợp mà ông Blinken đi Việt Nam lần này là một sự sắp xếp công việc rất khoa học và hợp lý, với một lịch trình như thế này, thì những ưu tiến lớn đặt ra là rất khác.

"Ưu tiên lớn là an ninh, là phát triển kinh tế, là hợp tác về thương mại, rồi giao lưu con người và chủ đề rất quan trọng chính là chủ đề về nhân quyền", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chia sẻ trên quan điểm riêng từ Hà Nội.

Cũng từ thành phố này, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện xã hội (IDS đã tự giải thể), nhân dịp này đề nghị một tiếp cận mà có thể được hiểu là mang tính chủ động hơn từ nội bộ Việt Nam.

Ông nói : "Tôi nghĩ trong những chuyện mà muốn Việt Nam tôn trọng những vấn đề nhân quyền, hay những cam kết, điều ước quốc tế, mà đó chính là luật quốc tế, mà Việt Nam đã tham gia, thì người Việt Nam hay có thói quen là nhờ các nước ngoài gây sức ép.

"Cái đó cũng đúng, nhưng mà tôi nghĩ rằng nếu tất cả mọi người ở Việt Nam đều lên tiếng, và có thể không cần phải đòi gì to tát nhưng mà trong việc làm hàng ngày của mình, thực hiện các quyền của mình mà đã được Hiến pháp ghi một cách long trọng như thế, và chừng nào hàng chục người Việt Nam hiểu được quyền của họ và thực hiện những quyền ấy, thì nếu có những kẻ vi phạm chính những quyền ấy của người dân, thì người ta phải lên tiếng, và đấy là cách duy nhất… và đấy mới thực sự là áp lực đối với chính quyền…" ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh trên quan điểm riêng từ Hà Nội.

Ngoại trưởng Blinken trong cuộc họp báo vào chiều 15/4 tại Hà Nội khẳng định : "Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Và chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của các bạn.

"Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh những tiến bộ về nhân quyền trong tương lai là cần thiết để khơi mở tiềm năng của người dân Việt Nam. Đó cũng là trọng tâm của Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam", theo bản ghi và bản dịch tiếng Việt từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội gửi ra cho phóng viên. 

Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam trong cùng ngày loan tin rộng rãi về chuyến thăm và hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong ngày thứ hai thăm chính thức Việt Nam.

Trong số đó, báo Quốc tế, cơ quan truyền thông trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đưa tin cho hay :

"Sáng 15/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

"Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ duy trì đà phát triển tích cực nhờ nền tảng quan hệ đã được hai bên gây dựng, vun đắp trong 28 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế…

"Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken nhằm tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 2015, đồng thời triển khai kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 3/2023).

"Chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, các biện pháp để duy trì đà và đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện thời gian tới, nhất là các lĩnh vực mới", vẫn theo bản tin của báo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Quốc Phương

Cộng tác viên RFA tiếng Việt từ London

Nguồn : RFA, 15/04/2023

************************

Ngoại trưởng Mỹ thăm tu viện tại Hà Nội : "Một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo"

Quốc Phương, RFA, 15/04/2023

Trong lịch trình dày đặc và khá kín của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Việt Nam với chuyến thăm ba ngày (14-16/4/2023), ngay trong ngày thứ Bảy, 15/4, theo thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ đến thăm một cơ sở tôn giáo tại Hà Nội.

blinken5

Ngoại trưởng Blinken thăm tu viện của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Hà Nội vào sáng 15/4 - Reuters

Các bức ảnh của phóng viên hãng tin Reuters đăng tải trong sáng 15/4 cho thấy, Ngoại trưởng Blinken và Đại sứ Marc Knapper đến thăm Nhà thờ tu viện Sainte Marie tại số 37 Hai Bà Trưng Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chuyến thăm này theo lịch dày đặc và bận rộn của phái đoàn Mỹ và xếp hàng thứ ba, sau khi trước đó, Ngoại trưởng Blinken có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào lúc 8g15 sáng và dự lễ động thổ Tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Hà Nội vào lúc 9 :25 sáng cùng ngày.

Vẫn theo lịch làm việc và kế hoạch của đoàn Mỹ, chuyến thăm tu viện St. Paul de Chartres của dòng các nữ tu Công giáo tại Hà Nội thậm chí còn diễn ra trước cả bữa trưa trao đổi làm việc (working lunch) giữa Ngoại trưởng Blinken với người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn.

"Một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo"

Từ Hà Nội, một giáo dân Công giáo, ông Josephe N.V.T., người xin được giới hạn trong giới thiệu danh tính, đưa ra cảm tưởng của mình, ông nói :

"Tu viện này có từ xưa, sau này còn lại bên cạnh Bệnh viện St. Paul Hà Nội.

"Nếu ở Sài Gòn thì tu viện tương tự nằm ở đường Tôn đức Thắng, thuộc phường Bến Nghé, ở Quận nhất.

"Như vậy là ông Ngoại trưởng có thể sẽ đến thăm một trong hai cơ sở của dòng nữ tu và chọn tại Hà Nội.

"Thực ra vì Bệnh viện St. Paul đã lấy hết cơ sở ở 72, phố Nguyễn Thái Học rồi, nên tu viện chuyển về Dòng Mến Thánh giá ở 31 Nhà Chung, Hà Nội.

"Tôi cho rằng đây là một hành động có tính chất biểu trưng, gửi thông điệp mạnh về việc ủng hộ tự do tôn giáo.

"Bởi vì tu viện này thuộc dòng nữ tu và trước đặt xây cất ở Bệnh viện St. Paul Hà Nội bây giờ, nhưng nhà nước đã lấy hết đất, nên phải chuyển về Dòng Mến Thánh giá như đã nói.

"Hiện vẫn chưa đòi lại được vì Nhà nước sử dụng cho Bệnh viện cho mục đích công ích.

Tu viện St. Paul de Chartres của dòng các nữ tu Công giáo tại Hà Nội được xây dựng trong thời Pháp thuộc tại Việt Nam vào năm 1883.

Theo một tường trình trên mạng công giáo quốc tế liên quan dòng Nữ tu toàn cầu, trong một cao điểm đấu tranh đòi lại đất đai và tài sản của giáo hội và dòng tu, các nữ tu thuộc tu viện St. Paul de Chatres hồi năm 2016 đã tiến hành nhiều hoạt động khiếu nại, thắp nến cầu nguyện, hiệp thương đòi giải quyết tranh chấp, chấm dứt các vi phạm tài sản của dòng và đã có kiến nghị tới các cấp, sở, ban ngành của chính quyền tại Hà Nội.

Theo nguồn này, vào ngày 26/8/2016, các nữ tu Thánh Paul de Chartres và những người ủng hộ giáo dân đã yêu cầu các quan chức Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trả lời về khiếu nại của họ về việc ai kiểm soát các khu đất lịch sử của tu viện của họ ở thủ đô Việt Nam.

Ngày 28/8 cùng năm, hơn một chục nữ tu, giáo dân đã có đơn gửi tới Ủy ban Nhân dân quận sở tại, Thành phố Hà Nội và cơ quan công an TP Hà Nội. Họ cũng đã gửi kiến nghị tới các lãnh đạo chính phủ, nhà nước Việt Nam khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các cơ quan nhà nước khác.

Và trong một cuộc phản đối mạnh mẽ nhất, khoảng 50 nữ tu và giáo dân Công giáo đã tuần hành ôn hòa dưới ánh nến vào sáng sớm ngày 25/7/2016 tới địa điểm tranh chấp gần tu viện của họ, nơi nhóm tuần hành cùng cầu nguyện và hát thánh ca.

Sau đó, đoàn tuần hành đến trụ sở Ủy ban Nhân dân Quận, yêu cầu các quan chức quận sở tại đưa cho họ một biên bản cuộc gặp trước đó giữa hai bên. Trong cuộc họp đó, 30 nữ tu, trong đó có cả những người già ngồi xe lăn, và giáo dân đã yêu cầu chính quyền Quận đình chỉ việc xây dựng trên đất của họ.

Vẫn theo nguồn từ truyền thông Dòng Nữ tu toàn cầu nói trên, thì đến ngày 28/7, UBND Thành phố Hà Nội đã phải ra lệnh đình chỉ việc xây dựng công trình và yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường giải quyết khiếu nại của nữ tu theo pháp luật.

"Chỗ nào lấy rồi thì khó đòi lại"

Ông Joseph N.V.T, nói thêm : "Mấy năm trước xảy ra vụ tranh chấp ở khu vực Bệnh viện Việt Nam - Cuba thuộc chỗ dòng Sainte Marie.

"Nhà thờ tu viện Sainte Marie thì nằm ở số 37 trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, thì đã bị chiếm và xâm phạm trái phép, việc đó làm hư hỏng nghiêm trọng công trình tu viện, và với giáo dân và dòng tu, giáo hội, thì đã gây ra sự vị phạm pháp luật và xúc phạm tình cảm tôn giáo của người dân và giáo dân Việt Nam.

"Bây giờ họ (chính quyền) cởi mở hơn bằng cách cho cải tạo hoặc xây mới một số Nhà thờ ở một số nơi. Nhưng chỗ nào họ lấy rồi thì khó đòi lại được.

"Và Vatican cũng có giúp đỡ, tài trợ cho Giáo hội ở Việt Nam", ông Joseph N.V.T chia sẻ.

Theo một số tổ chức theo dõi nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, tại Việt Nam đến nay xảy ra ít nhất hàng chục, hàng trăm vụ khiếu kiện lớn nhỏ trong đó các giáo hội thuộc các tôn giáo và cộng đồng tín ngưỡng khác nhau vẫn liên tục có đơn từ, khiếu nại đòi nhà nước, chính quyền các cấp giải quyết, trao trả lại đất đai, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, mà trong số đó đa số các chủ thể khiếu nại đều có các giấy tờ, chứng từ, chứng nhận có giá trị và bằng chứng, làm rõ về chủ quyền của bên khiếu nại và đòi đất đai, tài sản của các nhà thờ, dòng tu, các nhà chùa và các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trong cả ba miền.

Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn diễn ra vẫn theo các đánh giá này là còn chậm, thậm chí rất chậm và trong nhiều trường hợp còn chưa thỏa đáng, và chỉ giải quyết với số lượng chưa đáng kể, với nơi được "giải quyết", thì đa số trường hợp chỉ được giải quyết một phần, hoặc những giải pháp thay thế, đền bù, nếu có hy hữu xảy ra, có thể không tương ứng với giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo và kể cả về mặt giá cả thực tế về đất đai, bất động sản v.v… trên thị trường.

Trong khi đó, vẫn theo các tổ chức theo dõi nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng quốc tế và khu vực, vẫn có nhiều phản ánh từ khắp cả nước ở Việt Nam về việc nhiều cơ sở tôn giáo tín ngưỡng bị xâm phạm, hoặc đe dọa xâm phạm đối về mặt hoạt động và tài sản, đất đai, trong số đó các nơi nào mà việc thành lập, hoạt động, dù trong quá khứ từ trước, hay gần đây, mà nhà nước, chính quyền cho là chưa, hay không được công nhận chính thức, có thể bị yêu cầu chấm dứt hoạt động, với các cơ sở có thể bị xóa bỏ, tịch thu, thu lại, xung công, nhiều trường hợp có liên quan tới bắt bớ, trấn áp đã được đưa tin.

"Rõ ràng là một biểu tượng của tự do tôn giáo"

Tuy nhiên, nhà nước và chính quyền Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam, luôn khẳng định và tuyên bố nhà nước và chính quyền luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cả quyền tự do không tín ngưỡng, không tôn giáo của công dân.

Họ cho rằng các tranh chấp diễn ra, nếu có chỉ là dân sự và các trường hợp nếu có xảy ra các vụ bắt giữ, xét xử, đều do các cá nhân, chủ thể là các đối tượng vi phạm pháp luật của nhà nước, trong đó có pháp luật hình sự ; và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã ký kết như một thành viên, trong đó có các văn bản, điều ước, hiệp định quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan các quyền con người, trong đó có các quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo bên cạnh các quyền công dân khác trong xã hội dân sự và xã hội truyền thống.

Truyền thông chính thống của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam cũng đưa tin cho hay chính quyền đã thường xuyên có các cuộc đối thoại "cởi mở", "xây dựng", "công khai" với các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài, quan tâm đến các vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, có nhiều cuộc đối thoại với các cộng đồng trong nước, trong đó có các giáo hội, giáo dân, Phật tử, tín đồ v.v. để đáp ứng các quyền liên quan. Riêng về quan hệ với một số tôn giáo quốc tế, nhà nước cũng đã có lộ trình thiết lập các trao đổi và bang giao chính thức mang tính xây dựng.

Trở lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến tu việnSt. Paul de Chartres, dòng tu nữ, hôm 15/4/2023, một nhà quan sát chính trị và xã hội Việt Nam từ trong nước, cũng xin được không tiết lộ danh tính, cùng ngày đưa ra bình luận :

"Có 2 cơ sở ở Hà Nội mà ông Ngoại trưởng và đoàn Mỹ có thể lựa chọn lấy một để đến thăm thuộc tu viện Thánh Paul the Sartres.

"Nếu tiện hơn thì sẽ là cơ sở ở khu trục đường Nguyễn Thái Học - Trần Phú, cạnh đó vẫn có một khoảnh lớn không ai đụng tới và Vẫn đầy nữ tu sỹ.

"Rõ ràng việc lựa chọn tu viện này để thăm viếng là một biểu tượng của tự do tôn giáo, trong lúc riêng về Công giáo, nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị lập quan hệ chính thức ở cấp đại sứ với Vatican", nhà quan sát nêu quan điểm riêng của mình từ Hà Nội.

Quốc Phương

cộng tác viên RFA tiếng Việt từ London

Nguồn : RFA, 15/04/2023

************************

Quan hệ Việt – Mỹ đang vượt lên cả "đối tác toàn diện"

Quốc Phương, RFA, 14/04/2023

Quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ‘tốt hơn bao giờ hết’ từ trước đến nay và nếu trong năm nay hai nước thiết lập quan hệ song phương chính thức ở cấp độ đối tác chiến lược thì sẽ là "một điều rất tốt", một luật gia và nhà quan sát, bình luận chính trị, bang giao Việt – Mỹ từ Việt Nam nêu quan điểm.

blinken6

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thăm Hà Nội năm 2016 - Reuters

Hôm thứ Sáu 14/4/2023, từ Sài Gòn, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken diễn ra trong ba ngày từ 14-16/4 theo kế hoạch, luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ nhận định của mình, ông nói :

"Chuyến đi của ông Blinken có thể nói là rất nhanh chóng, ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào ngày 29/3. Chuyến đi này dường như là để chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Nhà Trắng, hoặc là cho chuyến đi của ông Biden đến Việt Nam.

"Có những nguồn tin thêm nữa là ông Blinken đến Việt Nam cũng để khai trương (động thổ) một tòa nhà của Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội.

"Thực ra tôi nghĩ, bên trong những động thái hiển diện bên ngoài như tôi vừa nói, hình như cả hai bên dường như đang muốn nâng cấp mối quan hệ song phương và hiện giờ dường như có nhiều nguồn tin cho thấy là Hà Nội rất là sẵn lòng nâng cấp, nhưng lại có một số quan ngại rằng nếu mối quan hệ giữa hai quốc gia mà có thể sâu sắc quá, có thể gây một sự bất hòa nhiều hơn nữa với Trung Quốc.

"Bởi vì gần đây, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cũng có một số bài viết với mục đích nói để cho phía Việt Nam biết rằng việc nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ không có lợi lắm cho Hà Nội.

"Tôi nghĩ từ phía Trung Quốc đã có sự e ngại đối với việc hai nước Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn, nhưng mà tôi nghĩ rằng trên thực tế mối quan hệ Việt – Mỹ có thể nói tốt hơn bao giờ hết từ trước đến nay".

blinken7

Luật sư Lê Công Định - cựu thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ. Ảnh : FBNV

Đâu là kỳ vọng lớn nhất của người dân Việt Nam và các giới ?

Nói về điều được cho là được kỳ vọng lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Việt bởi người dân và các giới ở Việt Nam, nhất là ở khía cạnh Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam, từ quan sát riêng của mình, Luật sư Lê Công Định nói :

"Phía Mỹ luôn nói trong mối quan hệ này, Mỹ luôn luôn muốn ủng hộ một nước Việt Nam thịnh vượng, và do đó người dân Việt Nam cũng kỳ vọng vô việc là mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ giúp cho Việt Nam ngày càng phát triển nhiều hơn. 

"Và thú thật, mối quan hệ này đặt trong bối cảnh về chiến lược của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Như chúng ta biết là từ thời Tổng thống Trump cho đến thời của Tổng thống Biden, Mỹ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực chính trị Ấn Độ – Thái Bình Dương.

"Và do đó trong địa bàn này, vị thế và vai trò của Việt Nam khá quan trọng đối với chiến lược của Hoa Kỳ, trong một kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc ở vùng Biển Đông, và do đó Hoa Kỳ luôn tìm mọi cách để Hà Nội hài lòng và để làm sâu sắc mối quan hệ này.

"Và như phần lớn người dân, một số giới cũng muốn Hoa Kỳ tác động nhiều hơn về vấn đề nhân quyền, tuy nhiên tôi nghĩ là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trọng tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề an ninh khu vực là ưu hàng đầu, Hoa Kỳ chắc chắn không coi vấn đề nhân quyền trở nên ưu tiên nữa, mặc dù trong thời gian qua cũng có một số đề nghị là ông Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập với Chính phủ Việt Nam, nhưng mà tôi nghĩ đây không phải là trọng tâm của chuyến đi.

"Và do đó ông Blinken sẽ qua để làm tốt mối quan hệ này bằng cách là sẽ bàn những vấn đề về an ninh khu vực nhiều hơn. Và chúng ta thấy là trong hai năm vừa rồi, chính Hoa Kỳ cũng là nước giúp Việt Nam nhiều nhất trong vấn đề thuốc men, vắc-xin chống Covid-19, thì chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ luôn luôn mở rộng khả năng để có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam một cách tối đa.

"Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khi không đặt vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ không giúp gì cho người dân Việt Nam. Tôi nghĩ mối quan hệ ngày càng sâu hơn của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nói chung cho tình hình phát triển của Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh là hiện giờ nền kinh tế Việt Nam cũng đang có những sự khó khăn nghiêm trọng, việc nâng cấp mối quan hệ này về mặt thực tế, tôi không nói về mặt danh nghĩa, cũng có thể mang lại những lợi ích nhiều hơn cho người dân Việt Nam".

Bình luận đâu có thể là chuyển biến mới, quan trọng đem lại khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác ở mức chiến lược, Luật sư Lê Công Định nói :

"Thực ra cho đến giờ mối quan hệ Việt – Mỹ đã vượt trên mức gọi là ‘đối tác toàn diện’ rồi, và nó đã đến gần mức gọi là ‘đối tác chiến lược’, tôi nghĩ danh nghĩa ‘đối tác chiến lược’ hay là không, không quan trọng bằng trên thực tế hiện giờ quan hệ song phương đã có tính cách chiến lược hay chưa. Còn tôi đánh giá nó đã là mối quan hệ đối tác chiến lược từ lâu…

"Tất nhiên có nhiều người trông đợi là phải có một cái danh chính thức là ‘đối tác chiến lược’ để cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Việt – Mỹ, nhưng theo tôi, cách tiếp cận thực tế vẫn hay hơn là một cách tiếp cận mà nó có thể gây những khó khăn về mặt ngoại giao cho Việt Nam đối với Trung Quốc".

Việt Nam có dự liệu gì, nếu Trung Quốc phật ý và phản ứng tiêu cực ?

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Công Định, Việt Nam cũng đã có những dự liệu trong trường hợp Trung Quốc ‘phật lòng’ và có thể có những phản ứng từ tiêu cực, tới quyết đoán, căng thẳng với Việt Nam, nếu mối quan hệ song phương trên được thiết lập, ông nói :

"Tôi nghĩ vấn đề này chính phủ Việt Nam cũng đã có dự liệu trước rồi, và nhất là vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể nói là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam hiện nay, cho nên đối với họ, trong việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, đầu tiên là họ nghĩ đến thăm dò phản ứng của Trung Quốc.

"Cho đến cho đến giờ có vẻ là phía Trung Quốc không hài lòng, và chúng ta có thể thấy có hai sự kiện, thứ nhất là trong cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Trọng diễn ra vào lúc những tàu cá (tàu kiểm ngư-PV) của Việt Nam bị cảnh sát biển của Trung Quốc quấy nhiễu rất khó khăn ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi nghĩ là nếu mối quan hệ này mà được nâng cấp lên, thì chắc chắn là phía Trung Quốc sẽ tăng cường sự gây hấn nhiều hơn trên Biển Đông, ở ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khiến cho chúng ta thấy khó chịu nhiều hơn.

"Và do đó, để tránh như vậy, chính phủ Việt Nam chắc chắn phải có một bước đi rất là nhẹ nhàng khéo léo, để làm sao trên mặt thực tế, như tôi đã nói, là vẫn nâng cấp đó lên như từ trước đến giờ, nhưng về danh nghĩa, tránh không vội vã dùng cái tên là ‘đối tác chiến lược’, mặc dầu trên thực tế chỉ có những vấn đề mà chỉ có đối tác chiến lược, thì hai bên mới có thể làm với nhau, còn đối tác toàn diện thì chưa chắc đã làm.

"Do đó tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ chọn một giải pháp khéo léo như vậy, hơn là một giải pháp công khai và như nhiều học giả quốc tế gần đây cũng đã bàn, đó là vấn đề chính là mối quan hệ đó đã có tính chiến lược chưa, chứ không phải là cái tên của nó".

Cải cách tư pháp của Việt Nam cần được hậu thuẫn thế nào ?

Theo luật sư Lê Công Định, người cũng là cựu thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ và nguyên thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam tại Hiệp hội Luật sư Châu Á – Thái Bình Dương, trên thực tế người dân Việt Nam cũng đã hưởng được nhiều lợi ích từ mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước, mà một vài thí dụ ông đưa ra là trong vấn đề vắc-xin, y tế, hay trong trao đổi giáo dục, ngoài ra Mỹ cũng giúp Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như trong hợp tác an ninh, quốc phòng giúp Việt Nam những phương tiện phòng vệ, như một số lĩnh vực Mỹ còn có thể giúp đỡ tốt hơn nữa cho Việt Nam.

Tuy nhiên, trên tư cách một người có chuyên môn liên quan luật học và thực hành pháp luật, bàn về nhu cầu nào mà Việt Nam cần được quan tâm hỗ trợ trên địa hạt cải cách tư pháp, một trong các hợp tác quan trọng Mỹ - Việt khác, luật sư Định, người cũng là cựu thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ và nguyên thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam tại Hiệp hội Luật sư Châu Á – Thái Bình Dương, nói :

"Thực ra bây giờ vấn đề đào tạo luật sư cũng là vấn đề cũng khá quan trọng, bởi vì nhu cầu pháp lý và nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trong khi sự phát triển của giới luật sư cũng không đồng bộ với sự phát triển đó về phương diện nhu cầu của người dân.

"Cho nên gia tăng sự phát triển của giới luật sư, cần phải có những chương trình đào tạo hữu hiệu, chúng ta thấy không phải kết nạp nhiều luật sư thì có nghĩa nghề luật sư phát triển, cái đó không đúng. 

"Mà giới luật sư muốn phát triển thì họ phải có những vấn đề ví dụ như kỹ năng hành nghề là một, rồi đạo đức nghề nghiệp.

"Hiện giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của giới luật sư Việt Nam, tôi có thể nói rằng là rất tệ, mà điều này cũng do quan niệm không đúng đắn lắm về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của liên đoàn luật sư, mà ngay cả đoàn luật sư các tỉnh, những nước phương Tây hoàn toàn có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm sao kiện toàn hơn nữa vấn đề đạo đức nghề nghiệp của giới luật sư. 

"Luật sư càng đông, mà việc hành nghề bát nháo, rồi mạnh ai nấy làm, không quan tâm gì đến đạo đức nghề nghiệp, sẽ làm cho nhu cầu pháp lý của người dân thực ra cũng không được đáp ứng, và nó biến giới luật sư bây giờ như một giới làm ăn đơn thuần. 

"Do đó, một trong những giúp đỡ liên quan vấn đề cải cách tư pháp mà cần tập trung vô, nếu mà nói một điểm thôi cần được tập trung vô, thì đó là điểm đang cần được ưu tiên hàng đầu".

Lưu ý gì với Ngoại trưởng Mỹ trong giúp đỡ an ninh quốc phòng của Việt Nam ?

Trở lại với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Blinken và kỳ vọng hướng tới một thiết lập quan hệ đối tác song phương ở mức độ chiến lược, luật sư Lê Công Định chia sẻ thêm góc nhìn của ông về triển vọng của mối quan hệ và đâu là điểm mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ cần lưu tâm trong chuyến thăm Việt Nam.

Ông nói : "Thực ra trong mối quan hệ Việt – Mỹ, có nhiều vấn đề hai bên cùng làm, thí dụ như vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề vũ khí phòng vệ bờ biển, vấn đề du học sinh Việt Nam có những cơ hội học tập ở Mỹ như thế nào, rồi vấn đề làm sao hỗ trợ Việt Nam về y tế, rồi các vấn đề xã hội, vấn đề với chất da cam (Dioxin-PV) mà có những khu vực bị nhiễm độc quá lâu, những vấn đề đó chắc chắn là những đề tài quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ.

"Và tôi nghĩ nó sẽ có tính cách thực tế nhiều hơn giữa hai quốc gia, chắc chắn phía Hoa Kỳ cũng sẽ ưu tiên vấn đề đó. 

"Để nói trong những vấn đề mà phía Ngoại trưởng Hoa Kỳ cần lưu tâm, tôi nghĩ vấn đề là làm sao mà giúp Việt Nam có đủ vũ khí để phòng vệ bờ biển, bởi vì chắc chắn là khi mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng sâu sắc hơn, thì sự gây hấn của Trung Quốc sẽ gia tăng.

"Do đó vấn đề an ninh bờ biển của Việt Nam khá quan trọng, và đó là điều mà tôi nghĩ là phía Hoa Kỳ nên quan tâm và đáp ứng cho những nhu cầu của phía Việt Nam".

Khi được hỏi, bản thân luật sư sẽ ‘chào đón’ hay có phản ứng thế nào nếu trong năm nay, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Việt được tuyên bố chính thức, luật sư Lê Công Định nói :

"Cái đó là rất tốt, bởi vì như tôi nói tuy danh xưng không quan trọng, mà thực tế và bản chất của mối quan hệ quan trọng hơn, nhưng mà nếu bản chất đó có một cái tên đúng với nó, thì nó chắc chắn sẽ tốt đẹp nhiều hơn.

"Và nó cũng cho thấy Việt Nam là một nước thực sự có sự độc lập và không có e dè gì trong chuyện sợ Trung Quốc hay bất kỳ ai mất lòng.

"Thì điều đó rất là tốt, nó cho thấy sự độc lập của Việt Nam đối với mối quan hệ của Việt Nam đối với Trung Quốc, cũng như là đối với mối quan hệ với Hoa Kỳ", Luật sư Lê Công Định chia sẻ nhận định từ quan điểm riêng của mình từ Sài Gòn hôm thứ Sáu, 14/4.

Cùng ngày, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam đồng loạt đưa tin Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong thời gian ba ngày.

Trong số đó, trang mạng VOV.vn của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm thứ Sáu đưa tin cho hay :

"Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Chuyến thăm cho thấy phía Hoa Kỳ thể hiện coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ (2013-2023).

"Chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ 2015, đồng thời triển khai kết quả điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (3/2023), tiếp tục thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. 

"Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ thời gian qua, các biện pháp để duy trì đà và đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu … góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 14/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Quốc Phương,
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)