Mười chín năm trước, 2004, nguyên Thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt nói : "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn".
Kết quả bầu cử Tổng thống tại miền Nam Việt Nam năm 1967 (trước tòa nhà Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa, Sài Gòn) - Ảnh minh họa
Trong cuộc phỏng vấn của báo Quốc Tế thuộc bộ Ngoại giao phổ biến ngày 30/3/2005, ông Kiệt khuyên : "Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, "thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, "phải thực tâm khoan dung và hòa hợp".
Nhưng 48 năm qua, đảng cầm quyền cộng sản vẫn chưa có bất cứ hành động nào để hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ngược lại, từ ngôn ngữ đến hành động, chỉ thấy người cộng sản gây chia rẽ và hận thù thêm cho dân tộc.
Về ngôn ngữ, đảng và báo chí nhà nước vẫn gọi Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là "ngụy quân, ngụy quyền, tay sai Đế quốc Mỹ". Trong hành động, xuyên qua Nghị quyết 36 và Kết luận 12, Đảng vẫn bảo thủ và kiêu ngạo cộng sản khi không nhìn nhận những ngưới bất đồng chính kiên trong và ngoài nước là "một thực thể chính trị" cần được gặp gỡ và thảo luận về hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Vì vậy, sau 19 năm ra đời của Nghị quyết 36 "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ban hành ngày 26/3/2004, sau đó bổ xung Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 "về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới", mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
Lý do vì trong hàng ngũ lãnh đạo, vẫn còn những kẻ tự mãn là bên thắng cuộc không cần phải nói chuyện với người bại trận. Theo họ, hàng ngũ thua cuộc phải tìm cách hội nhập để xây dựng đất nước dưới quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, đảng đã nhìn nhận trong Kết luận-12 : "Công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế. Có nơi, có lúc công tác người Việt Nam ở nước ngoài chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức ; công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời ; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài" (Kết luận 12-KL/TW, ngày 12/8/2021).
Bộ Chính trị cho rằng "công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn", đặt lên hàng đầu "chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc".
Kết luận-12 cũng lập lại những gì đã viết trong Nghị quyết-36, theo đó : "Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".
Chủ trương này rõ ràng là nhà nước cộng sản muốn thao túng hàng ngũ các tổ chức của người Việt ở nước ngoài để kéo họ vào qũy đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhưng Kết luận-12 cũng như Nghị quyết-36 đã không che được bản chất "nói một đường làm một nẻo" của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản, vì ngay đối với người trong nước mà nhà nước chưa "hòa giải" được thì làm sao nói chuyện phải trái với người Việt phải bỏ nước ra đi chỉ vì không sống nổi với chế độ.
Đây cũng là lý do tại sao trong số trên 70.000 trí thức trẻ ở nước ngoài là những chuyên viên khoa học-kỹ thuật, chỉ có một số ít đếm trên đầu ngón tay đã về giúp Việt Nam.
Nỗi buồn Phạm Đình Trọng
Vì vậy, mọi người nên đọc tâm sự của cựu Đại tá, Nhà văn cộng sản Phạm Đình Trọng : "30/4/1975 chỉ là ngày kết thúc, là điểm dừng của một biến cố, một tai họa lịch sử kéo dài ba mươi năm".
Ông nói : "Tôi là thế hệ trong cuộc, là người lính vào sống ra chết trong tai họa của đất nước tôi, của cuộc đời tôi. Tôi đã góp năm tháng cuộc đời, góp mồ hôi và cả máu trong tai họa lịch sử đó. Tôi đã mang cả quãng đời dài nhất, quí nhất, đẹp nhất, giá trị nhất làm cho đất nước tôi mất đi một thời đại, làm cho nhân dân tôi phải mang nỗi đau buồn thế kỉ. Soi vào điểm dừng 30/4/1975 của tai họa lịch sử ba mươi năm là soi vào chính cuộc đời tôi, tôi càng nhận thức sâu sắc cái mất mát đau buồn đó" ("Ngày đau buồn" trên Facebook cá nhân, ngày 30/04/2023)
Vì nhận ra được những tuyên truyền xảo trá của đảng, Nhà văn Phạm Đình Trọng đã cùng với một số nhà văn khác đã tuyên bố ra khỏi đảng.
Ông tuyên bố : "Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19/5/1970. Đến nay, 20/11/2009, tôi tự thấy đảng cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng. Thiếu vài tháng nữa, tôi tròn 40 năm là người cộng sản. Từ lúc tự nguyện đứng vào hàng ngũ cộng sản, đến tự rút ra khỏi đảng là một quá trình chuyển biến trong tôi, từ nhận thức bằng tình cảm sang nhận thức bằng lí trí và cũng là quá trình chuyển biến của chính đảng cộng sản, từ ý chí vì dân, vì nước sang ý chí chỉ vì sự tồn tại của đảng".
Nhà văn Phạm Đình Trọng viết tiếp trong "Ngày đau buồn" : "Năm 1954, người dân nửa nước Bắc Việt bị lùa về thời bầy đàn. 30/4/1975, đến lượt người dân Nam Việt chung số phận với người dân Bắc Việt. Cả nước bị lùa về thời bầy đàn. Cả dân tộc Việt Nam trong ai oán nô lệ cộng sản. Cả xã hội Việt Nam trong ngột ngạt độc tài".
"Sau 30/4/1975 những trí tuệ như Luật sư Trương Như Tảng, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa mới cay đắng nhận ra độc lập, giải phóng, cứu nước chỉ là chiêu bài, chỉ là bánh vẽ ! Sự thật là những quyền con người cơ bản, người dân cũng không có thì độc lập làm gì ?"
Nói về cuộc sống thanh bình của người dân miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông Trọng hỏi Đảng : "Người dân đang tung tăng tự do. Tự do kiếm sống. Tự do tiếp nhận thông tin. Tự do bộc lộ chính kiến chính trị. Tự do ra báo tư nhân. Tự do ứng cử, bầu cử. Tự do rầm rộ biểu tình phế bỏ chính phủ không thuận lòng dân. Nay người dân chỉ còn là bầy cừu, không được ho he điều gì trái ý quyền lực, người dân chỉ là rô bốt cầm lá phiếu bầu cử theo ý quyền lực thì giải phóng nỗi gì ?".
Nhà văn hỏi tiếp : "Người Việt giết người Việt, người Việt tước đoạt quyền sống của người Việt, người Việt có quyền lực nhà nước tù đày người Việt lương thiện mà là cứu nước ư ? Nước Việt là sở hữu độc quyền của lãnh chúa cộng sản, người dân đâu còn nước mà cứu !
Vì vậy, 30/4/1975 là ngày đau buồn của cả dân tộc Việt Nam".
Bích chương tranh cử Tổng thống của Liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ năm 1967 - Ảnh minh họa
Ai nổi dậy ?
Quả thật là như thế, vì sau 48 năm mệnh danh "Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975", Đảng cộng sản Việt Nam đã để lại cho đất nước muôn vàn tang thương và đổ vỡ từ tinh thần đến vật chất.
Hành động hủy diệt đau buồn này xẩy ra chỉ sau 7 năm Đảng thực hiện "cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968" với những vụ thảm sát thường dân kinh hoàng ở cố đô Huế.
Tài liệu của Bách khoa toàn thư mở viết : "Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.
Theo Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu Việt Nam Cộng Hòa khu vực Thừa Thiên, trong 22 địa điểm tìm được các mồ chôn tập thể, người ta đếm được 2.326 sọ người. Sau tết, các gia đình kê khai có người chết hoặc mất tích là 4.000 gia đình. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được họ xác định là đã bị mất tích, bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống".
Tài liệu viết tiếp : "Võ Văn Bằng, quan chức Việt Nam Cộng Hòa, Trưởng ban Cải táng trả lời Đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008 thì cho rằng : "Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng…".
Phía quân cộng sản phủ nhận đã gây ra các vụ thảm sát. Tuy nhiên, nhiều người sống sót là nhân chứng xác nhận đã có các vụ quân cộng sản hành quyết các viên chức và cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa khi chiếm Huế.
Tuy nhiên không hề có các cuộc được gọi là "nổi dậy" của quần chúng đi theo và ủng hộ "quân giải phóng" Việt Cộng trong hai vụ Tết Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975.
Ngược lại, hàng trăm ngàn dân đã bỏ nhà chạy về phía Quân đội quốc gia khi bị Việt Cộng tấn công. Đây là bằng chứng cho thấy những cuộc "nổi dậy" của dân đã được ngụy tạo để tuyên truyền.
Đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể phủ nhận lý do vượt biển và vượt biên tìm tự do của hàng trăm ngàn người Việt từ 1975, sau khi Chính quyền cộng sản tiêu diệt nền kinh tế tự do thời Việt Nam Cộng Hòa.
Tài liệu của Bách khoa Toàn thư (Wikipedia) mở viết : "Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796.310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển. Cũng theo số liệu của tổ chức này, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người từ Đông Dương vượt biên bằng đường biển hoặc đường bộ (tính cả người Campuchia). Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người từ Việt Nam và Campuchia tới tá túc trên đảo Galang. Tuy tới từ Việt Nam, nhưng theo thống kê thì 2/3 số người vượt biên là người gốc Hoa.
Theo quan điểm của chính quyền cộng sản Việt Nam thì việc vượt biên là do các thế lực đế quốc thù địch với Việt Nam (ngầm chỉ Mỹ và Trung Quốc) muốn phá hoại làm suy yếu đất nước, hòng mở cuộc gây hấn với Việt Nam...".
Tài liệu của Wikipedia tiếng Việt cũng cho biết : "Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính có từ 200.000 đến 400.000 thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân (bệnh tật, tai nạn, bão tố, gặp hải tặc...). Những ước tính khác cho rằng có từ 10 đến 70 phần trăm thuyền nhân chết trên biển do mọi nguyên nhân".
Vậy ai đã gây ra thảm cảnh vượt biên và vượt biển cho người miền Nam, nếu không phải là chính quyền cộng sản, sau khi cưỡng chiếm được Việt Nam Cộng Hòa ? Cũng chính quyền này đã tiêu diệt hàng ngũ trí thức và tiêu diệt nền văn hóa nhân bản của miền Nam, sau ngày quân cộng sản vào Sài Gòn.
Trách nhiệm lịch sử này sẽ mãi mãi tồn tại với nỗi đau buồn thắt ruột của ngày 30/4/1975. Cũng vì ngày này mà tuy đất nước đã thống nhất nhưng lòng người Nam, kẻ Bắc vẫn xa nhau vời vợi.
Và trái với những hứa hẹn đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước phồn vinh thì Đảng cộng sản cầm quyền lại tiếp tục độc tài cai trị, độc quyền báo chí để kìm kẹp tư tưởng và dùng bạo lực và tù đầy để đàn áp dân chủ, nhân quyền.
Như vậy, ngày 30/4/1975 có xứng đáng là "ngày giải phóng" hay đã biến thành "ngày nô lệ" cho cả dân tộc
Phạm Trần
(30/04/2023)