Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/04/2023

Giễu cợt Hồ Chí Minh là chuyện bình thường !

Gió Bấc - JB Nguyễn Hữu Vinh

Hãy để Tự Do lên tiếng : Giễu cợt Hồ Chí Minh là chuyện bình thường !

Gió Bấc, RFA, 22/04/2023

Chủ trương xử kín Nguyễn Lân Thắng rồi công khai bản án nặng kịch khung sáu năm tù, hai năm quản chế, hẳn nhà cầm quyền vừa muốn thị uy vừa muốn giấu dân đen cái tội tày trời nào đó mà anh đã gây ra với triều đình nhà sản. Điều đó thể hiện ngay trong thái độ im lặng đến khiếp nhược của đại gia đình Nguyễn Lân nhiều thế hệ khoa bảng, có đến hàng chục người là giáo sư tiến sĩ thành đạt là niềm tự hào như hình mẫu gia đình của chế độ nhà sản. Tất cả đều im lặng chấp nhận phiên tòa phi pháp, bản án phi lý phi nhân xử con cháu của mình. Ngay cha mẹ anh có lên tiếng trước phiên tòa khẳng đĩnh anh Thắng vô tội nhưng sau phiên xử cũng đành lặng thinh.

nlt1

Trái với mong muốn của nhà cầm quyền, xử kín, phạt tù nặng nề nhưng dân không sợ. Mạng xã hội bùng vỡ những ý kiến phản đối, phản kháng dù không biết Thắng làm gì, phạm tội gì. Qua những việc Thắng đã làm công khai như biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, người ta biết và tin Thắng yêu nước, dũng cảm. Qua việc đồng hành với dân oan mất đất ở Văn Giang đấu tranh chống cường quyền, quan tham người ta thấy và tin Thắng nghĩa khí, thương người cô thế.

Cộng đồng mạng đồng tình thương cảm, tôn vinh Thắng gần như tuyệt đối.

So với sức mạnh của chế độ chuyên chính, với lực lượng thanh kiếm lá chắn trùng trùng điệp điệp, nuôi sống bằng tiền thuế của dân để đàn áp người dân thì tiếng nói cộng đồng mạng phản kháng phiên tòa, bênh vực cho Nguyễn Lân Thắng cũng chỉ là cơn bão trong miệng chén.

Nhưng điều đáng qúy là nó như ngọn lửa âm ỉ giữ gìn và nâng cao sức mạnh dân khí mà chính quyền luôn muốn tiêu diệt để thay thế bằng sự im lặng của một đàn cừu hoặc những lời tôn xưng nịnh hót. Sự thật bị hủy diệt bằng sức mạnh đàn áp, im lặng được ban bố cho sự yên thân tủi nhục, nịnh hót được hậu đãi bằng quyền lợi, quyền lực danh vị. Những nhà khoa bảng danh giá trong gia đình Nguyễn Lân quá thừa sức hiểu anh Thắng vô tội nhưng vì sao lại im lặng ?

Ngoài yêu nước, đòi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, ngoài thương dân oan mất đất anh còn phạm cái tội tày trời nào nữa không ?

Trong chế độ toàn trị, nhà thơ Phùng Quán đã phải trả giá bằng cả cuộc đời tàn lụi chhỉ vì ước mong nói lên sự thật, tình cảm thật trong bài thơ :

Lời mẹ dặn

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Một chiến sĩ cách mạng, một nhà thơ cách mạng đã bị tù đày, bị đàn áp lên bờ xuống ruộng cùng thế hệ văn nghệ sĩ tham gia nhân văn giai phẩm.

Cái tự do nhỏ nhoi nghĩ thật, nói thật, sống thật trong xứ thiên đường trở nên đắt đỏ. Thời phong kiến người ta chỉ phải kiêng húy kỵ tên của vua chúa đương triều nhưng trong nền văn minh xã nghĩa có quá nhiều điều kiêng kỵ bất thành văn : Điều 4 Hiến pháp, tình hữu nghị nô bộc với nước lạ, quyền cướp đất mang tên mỹ miều là sở hữu toàn dân và quan trọng nhất là hào quang thần thánh của lãnh tụ. Chạm tới các điều cấm kỵ ấy là chuốc họa vào thân. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ chỉ đăng bài "Bác Hồ có vợ" là bị mất chức ngay dù từng được Nguyễn Văn Linh ưng ý xem là "con nuôi".

Sự nhồi nhét bằng tuyên truyền, đàn áp, tẩy não đã làm cho nhiều lớp người Việt chấp nhận những tín điều vô ngôn ấy như một thứ kim cô.

Võ sư Đoàn Bảo Châu, một fber thường có ý kiến phản biện xã hội khá nổi tiếng, trang fb Chau Doan có hơn 130.000 người follow đã viết trên trang nhà một stt "Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng". Ông khẳng định phản đối bản án, tôn trọng và đồng tình với việc đấu tranh của Thắng nhưng đã phê phán Nguyễn Lân Thắng vi phạm điều cấm kỵ thiêng liêng là giễu cợt ông Hồ Chí Minh.

Ông Đoàn Bảo Châu viết "Từ những năm trước, tôi đã không đồng ý với việc Thắng có thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hóa, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp.

Nếu ai đấy muốn có được tiếng nói có uy tín trong xã hội, muốn thực sự mình có đóng góp tích cực với xã hội thì không nên phủ nhận sạch trơn những gì thế hệ trước đã làm. Tôi chỉ hỏi đơn giản một điều rằng, nếu bạn được sinh ra vào thời những bậc tiền bối cộng sản vào thời kỳ như ông Hồ, ông Giáp thì các bạn sẽ làm được điều gì ?" (1).

Ngay lập tức ông Đoàn Bảo Châu nhận số gạch đá đủ xây cái lăng mới cho ông Hồ. Trang này đã nhận được 2700 ý kiến phản hồi, đương nhiên có không ít bò đỏ, AK47 hưởng ứng tung hô nhưng đa số ý kiến đã phản bác với ông Châu. Cộng đồng đã nghiêm túc dẫn chiếu thực tế lịch sử từ Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, cả cuộc chiến Quốc Công tốn bao xương máu và cả hiện tình đất nước đang nghèo đói, bệ rạc ngày nay đã khẳng định rằng ông Hồ chính là kẻ tội đồ của dân tộc.

Trong thế giới phẳng có đầy đủ thông tin, những ý kiến phản hồi đã đưa ra nhiều thông tin, những sự kiện lịch sử về mặt thật của ông Hồ là bức tranh ảm đạm.

Quan trọng hơn là nhiều ý kiến đã phản bác lối nghĩ truyền thống của một số người Việt bị nhiễm bệnh "sùng bái lãnh tụ : mà nhà cầm quyền đã nhồi nhét.

Nick Tèo Ngu Khìn đã có ý kiến xác dáng là "Nhiều độc giả của ông Nguyễn Lân Thắng, tuy ủng hộ ông hoạt động xã hội, đấu tranh dân chủ, nhưng cũng không tán thành việc ông "đem Bác Hồ ra làm trò cười".

Tuy vậy, cũng không ai giải thích được tại sao kính trọng lãnh tụ lại là một thứ đạo đức.

Đó chính là bởi vì tâm lý sùng bái lãnh tụ trong dân chúng Việt Nam còn rất nặng, mà tâm lý ấy là kết quả của sự tuyên truyền không ngừng nghỉ của chính quyền cộng sản về ông Hồ Chí Minh như một vị cha già dân tộc.

Họ không biết rằng nhà nước Việt Nam xây dựng, sử dụng, thần thánh hóa nhân vật Hồ Chí Minh, mỗi năm chi hàng chục ngàn tỷ đồng để duy trì phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là để đảng cộng sản dựng lên một tấm bình phong, một chỗ dựa, một trụ đỡ của chế độ. Hạ bệ thần tượng, bình thường hóa một nhân vật lịch sử, chép lại đúng những gì lịch sử đã diễn ra là việc làm của những người dũng cảm.

Không chỉ người khách quan phê phán mà ngay Fber Dương Quốc Chính vốn thân thiết với Đoàn Bảo Châu đã bức xúc vừa viết bình luận trên trang của ông Châu vừa phải đưa ý kiến phản đối trên trang cá nhân của mình. Dương Quốc Chính minh định : "Em đồng ý là không nên xúc phạm các nhân vật lịch sử, nên có thái độ trung tính, nhưng không nhất thiết phải tỏ ra kính trọng lãnh tụ của người khác. Với người có tư tưởng tự do thì không nên coi ai là lãnh tụ. Lãnh tụ là khái niệm chỉ có ở các chế độ độc tài thôi".

Với nhân vật Hồ Chí Minh, Dương Quốc Chính cũng chỉ ra ba yếu tố còn gây tranh cãi là :

Về tư tưởng Hồ Chí Minh, đã là người cộng sản thì không có khái niệm dân chủ, theo đúng nghĩa phổ quát bây giờ, mà chỉ là dân chủ tập trung (dân chủ kiểu cộng sản, gấp vạn lần Mỹ !).

Về khái niệm nhà văn hóa, thì cũng còn gây tranh cãi. Vì khả năng văn chương thơ phú của ông Hồ không có giá trị nghệ thuật cao, thiên về tuyên truyền, văn thơ cổ động là chính. Cái này là quan điểm cá nhân em.

Về lòng yêu nước thì cũng còn gây tranh cãi, tùy quan điểm, góc nhìn. Ông Hồ Chí Minh đúng là có tư tưởng chống thực dân, muốn giải phóng dân tộc, đó là sự thật. Có thể coi là yêu nước. Nhưng mặt khác, giải phóng dân tộc khỏi thực dân nhưng lại trao đất nước vào chế độ cộng sản, cũng là lệ thuộc về tư tưởng, khiến đất nước chậm tiến, nhân dân cực khổ 1 thời gian quá dài, nhất là khiến nhiều người chết oan vì cải cách ruộng đất và chiến tranh. Thế lại bị coi là không yêu nước…" (2).

Vì sao nhà cầm quyền cộng sản lai thần thánh hóa Hồ Chí Minh, buộc mọi người dân phải sùng kính và tàn nhẫn tù đày người bất đồng chính kiến ? Đơn giản thôi bằng phương pháp diễn dịch thô thiển họ đồng hóa ông Hồ với đảng, đồng hóa đảng với tổ chức nhà nước đang cầm quyền và tự tô vẽ cho nó ánh hào quang giả dối để bịt mắt, bịt miệng người dân và duy trì độc quyền cai trị. Để tiêu diệt mọi mầm mống phản biện, phản kháng họ quy nạp thô thiển không kém, mọi suy nghĩ, tiếng nói khác biệt đều là phản động.

Áp dụng bài học của Mạnh Mẫu ngày xưa, họ ngăn chặn mọi thông tin thật và tận dụng mọi phương tiện truyền thông, cài cắm người vào mọi giới, mọi ngành để tuyên truyền. Bài vở nôi dung thì cha già đã viết sẵn rồi : từ cục gạch mùa đông Paris, đôi dép râu, nắm gạo tiết kiệm nuôi quân,… các con chỉ cần xào nấu thêm mắm muối để tăng phần hấp dẫn. Mưa dầm thấm lâu, không ít người thế hệ trước đã nhiễm độc thật sự sùng bái Hồ Chí Minh.

Ngay trong gia đình tôi, cha mẹ đều là trí thức tham gia kháng Pháp. Từng bị nghi kỵ, bị thanh trừng gián tiếp bằng cách bố trí đi công tác ở vùng Pháp kiểm soát mà không thông báo, mượn tay Pháp giết. Giả vờ đưa vào danh sách đi tập kết sau đó loại ra cho về điều loắng. Ông bà cụ biết tất cả điều ấy nhưng vẫn cho rằng đó là sai sót của cấp dưới, Hồ Chí Minh vẫn đúng. Con cháu lở miệng nói những sự thật nhơ nhớp của Hồ Chí Minh lập tức bị la mắng, giận hờn.

Mặt khác, sức mạnh đàn áp bằng tù ngục, bằng sự quy chụp chính trị buộc những người biết được sự thật phải câm nín, tránh né sự thật về Hồ Chí Minh ngay với con cái của mình. Nick Bạch Cúc đã kể câu chuyện bản thân mình trong hoàn cảnh ấy. Gia đình có hai tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30-4, cha mẹ Bạch Cúc đã không dám nói thật với con cái những điều họ biết về Hồ Chí Minh. Bạch Cúc cũng mặc nhận những tín điều do nhà trường và xã hội cưỡng chế "Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh".

Mãi đến khi thế hê con cái đã trưởng thành, đặt câu hỏi về mặt thật của Hồ Chí Minh, Bạch Cúc mới ngộ ra không thể lặng im, không thể quay lưng với sự thật. Bạch Cúc đã kết luận bài viết "Xin bạn hãy dạy cho con trẻ, những thế hệ sau bạn biết tôn trọng sự thật và chân lý ! Xin đừng chần chừ, đừng ngại ngần, đừng sợ hãi khi nhắc đến sự thật bởi sự thật là ánh sáng. Dù bạn có cố né tránh hay che đậy sự thật thì sự thật vẫn vây quanh bạn, tác động đến bạn và nhắc nhớ cho bạn biết rằng, bạn đã hèn nhát với chính bản thân mình và đang rất tàn nhẫn với các thế hệ mai sau !...

Muốn đất nước thay đổi bạn phải thay đổi, điều thay đổi dễ dàng nhất là hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận nó và đồng hành giúp con bạn, giúp những người trẻ tiếp nhận sự thật càng sớm càng tốt. Nếu tất cả các bậc làm cha làm mẹ trên toàn nước Việt Nam này can đảm nói sự thật với con mình và giúp con quay lưng với dối trá thì tôi tin rằng đất nước này sẽ sớm thay đổi, thật thế !(3) 

Sinh ra trong gia tộc con cưng của chế độ, học hành tử tế, có năng lực chuyên môn, Nguyễn Lân Thắng chắc chắn sẽ được thăng tiến thần tốc giáo sư, tiến sĩ nếu ngoan ngoãn chấp nhận cái vòng kim cô đảng quang vinh- bác Hồ vĩ đại. Nguyễn Lân Thắng không thể không biết điều ấy ! Nhưng đồng thời kiến thức học vấn cũng đã cho Nguyễn Lân Thắng hiểu giá trị tự do lớn gấp ngàn lần bả vinh hoa phú qúy phải sống tủi nhục mù lòa một cách tiếp tay duy trì thảm họa tham nhũng bất công.

Hơn ai hết, Nguyễn Lân Thắng cũng dư biết cái giá phải trả khi tháo đi vòng kim cô nhà sản, giải ảo thần tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng sống trong nhà tù nhỏ tự do và phẩm giá vẫn được bảo toàn, vẫn hạnh phúc hơn là sống tủi hổ trong nhà tù lớn.

Trong mọi công dân Việt ít nhiều đều có tố chất tương tự Nguyễn Lân Thắng. Hãy để cho Tự Do lên tiếng.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 22/04/2023

1.https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/pfbid0cCVTsL9kSH4SpXMzbfUv58yV913mVwcvuGCD2T1J9wVgZF7THuHZ4HkJW8GCUxTSl

2.https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.kts/posts/pfbid02zMM5fG4yS5K9wy...

3.https://www.facebook.com/bachcuc.loannguyen/posts/pfbid0ZNEr8X2iAibV9zMp...

*************************

"Bác Hồ của chúng tôi ngày xưa"

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 20/04/2023

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xảy ra những cuộc tranh cãi dữ dội liên quan đến việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, kết án trong sự lấm lét và khuất tất với bản án nặng nề với những quy kết hết sức mơ hồ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng. Anh bị kết tội 6 năm tù và 2 năm quản chế vì những điều khoản trong cái gọi là "luật", mà với những điều luật đó, thì cả đất nước là một đội ngũ tù nhân tiềm năng. 

bacho1

Nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, kết án trong sự lấm lét và khuất tất với bản án nặng nề với những quy kết hết sức mơ hồ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng.

Tuy nhiên, mạng xã hội ngoài sự bất bình về bản án khuất tất, tiềm ẩn những sự hèn hạ của việc trả thù những người bất đồng chính kiến - Những người đã dám đứng thẳng, cất lên tiếng nói lương tâm của mình phản đối sự tàn bạo, sự nhẫn tâm, sự thối nát của chế độ đang gieo tai ương lên nhân dân và nguy cơ cho tiền đồ dân tộc – thì một vấn đề khác lại được nói đến. Đó là thần tượng Hồ Chí Minh.

Một Facebooker, người đã lên án phiên tòa ô nhục lấm lét của nhà cầm quyền cộng sảnVN nhằm trả thù hèn hạ Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, cũng bày tỏ thái độ của mình về việc Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng đã có những hành vi người này cho là chưa tôn trọng Hồ Chí Minh.

Và cả mạng xã hội dậy sóng tranh luận về vấn đề này.

Loại trừ đám Dư luận viên, là những kẻ ăn tiền để nói theo chỉ thị, hướng dẫn, bất chấp sự thật, bất chấp suy nghĩ và lý trí – loại này hành nghề đĩ miệng kiếm ăn, không đáng chấp.

Loại trừ một đám nữa, là những kẻ bị ngộ độc nặng nề đến mức không thể có một loại chất tẩy rửa nào có thể tẩy được các nếp nhăn trong não được tạo ra bởi hệ thống tuyên truyền một chiều về một hào quang rực rỡ của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản – Loại này chỉ đáng thương hại, bởi não của họ không có khả năng tiếp nhận được thêm thông tin mà chỉ nhai lại những món ôi thiu đã dọn sẵn.

Phần còn lại, là những người có tìm hiểu về các vấn đề xã hội, hiểu được những bất công xã hội, hiểu bản chất của chủ nghĩa cộng sản chỉ là chiếc bánh vẽ được sản xuất ra nhằm mê hoặc người dân đi theo đó, mà cống hiến máu xương cho một đám người mạo danh "Đầy tớ nhân dân" bòn xương, rút máu sống phè phỡn với chế độ độc tài đảng trị.

bacho2

Muốn xóa bỏ độc tài, thì điều hết sức cần thiết, là xóa bỏ mọi thần tượng bày đặt, tô vẽ bởi hệ thống tuyên truyền cộng sản, kể cả Hồ Chí Minh.

Ở đó có hai luồng ý kiến khác nhau.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng :

Đảng cộng sản độc tài, tham nhũng là nguyên nhân tụt hậu của đất nước, của dân tộc, điều đó gây bức xúc cho dự luận nhân dân, cần phải có những sự thay thế cần thiết để xã hội có cơ hội phát triển và đất nước, dân tộc trường tồn. Thế nhưng, Hồ Chí Minh là một người lỗi lạc, là một thần tượng của người dân Việt Nam rồi, việc nói đến nhân vật này là không nên.

Hoặc rằng : Dù sao thì Hồ Chí Minh cũng đã chết, và để có nhiều người dân nghe theo mình, thì không nên động đến thần tượng Hồ Chí Minh, vì điều đó sẽ dẫn đến sự bất bình của người dân… vì họ không thể hiểu.

Và rất nhiều lý do khác nữa, để không động chạm tới thần tượng Hồ Chí Minh.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng :

Nguyên nhân của chế độ hiện hành tồn tại được, dựa trên sự sùng bái cá nhân và những huyền thoại được thêu dệt, được bịa đặt nhằm ru ngủ người dân, để người dân hiểu rằng : Số phận, khả năng của mình chỉ là loài sâu kiến, không xứng đáng đòi hỏi những quyền lợi của con người mà những tinh hoa, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh là đại diện.

Và vì thế, muốn xóa bỏ độc tài, thì điều hết sức cần thiết, là xóa bỏ mọi thần tượng bày đặt, tô vẽ bởi hệ thống tuyên truyền cộng sản. Còn khi mà người dân vẫn còn u mê, chấp nhận số phận và định mệnh của mình chỉ là nô lệ cho một cá nhân đại diện cho đám cộng sản tự xưng là "ưu tú", "trí tuệ", "văn minh, đạo đức"… thì không thể có việc giải phóng được con người và xã hội triệt để.

Và hai luồng tư tưởng đó đã va chạm nhau tạo thành những cuộc tranh luận, cãi vã sôi sùng sục mạng xã hội khi kẻ bênh, người chống.

"Bác Hồ" trong tôi của ngày xưa

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nghệ - Tĩnh, vào thời kỳ Miền Bắc đang hô hào những khẩu hiệu, thúc nhau những phong trào rầm rộ bắt đầu từ "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì chủ nghĩa xã hội, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba"… rồi sau đó, khi kết thúc cuộc chiến Nam – Bắc, thì cả nước hô hào "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội".

Trong quá trình đó, những thông tin đến với chúng tôi hầu như chỉ có cái loa phường, sau này lớn lên chút thì vài tờ báo đảng và những cuộc "nói chuyện thời sự".

Ở đó, cái từ "Bác Hồ" được nhắc đến với tất cả mọi sự kính trọng, sùng kính và thậm chí là cuồng tín đến mê muội của hầu hết mọi cán bộ, đảng viên cho đến cả những người không ưa nhà nước cộng sản. Bởi tất cả mọi thông tin có thể đến với người dân, chỉ từ cái loa phường, mấy tờ báo và tin… truyền miệng. Ở đó thì ngồn ngộn thông tin về "bác Hồ", thật có, giả có nhưng mục đích cuối cùng, thì "bác Hồ" là một ông tiên, ông Thánh chứ không phải người thường.

bacho3

Tất cả mọi thông tin về "bác Hồ", thật có, giả có nhưng mục đích cuối cùng, thì "bác Hồ" là một ông tiên, ông Thánh chứ không phải người thường.

Ngay từ những ngày tôi bước vào học lớp 1, điều ấn tượng đầu tiên mà tôi nhớ đến nay, đó là cái chết của Hồ Chí Minh.

Sau cái ngày hò hét reo mừng Quốc khánh 2/9/1969, thì hôm sau nghe tin Hồ Chí Minh từ trần. Chiếc loa phóng thanh vừa đọc bản thông báo nghe như tiếng nức nở của phát thanh viên chưa xong, thì mụ Thanh Thảo đã khóc um sùm và mếu máo đến tội. Nhưng, cả xóm chúng tôi, hình như chỉ có mụ ấy khóc, bởi mụ ấy là đảng viên gốc công giáo hiếm hoi trong xóm và đã công khai chống lại nhà thờ một cách mạnh mẽ nhất, sâu hiểm nhất và bất chấp nhất khi đó. Còn lại, người ta im lặng, người ta thì thầm.

Điều tôi còn nhớ, là tờ báo Nhân Dân đăng hình ảnh chân dung Hồ Chí Minh và bản thông báo kèm ảnh mấy ôngTôn Đức Thắng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đứng bên chiếc quan tài bằng kính. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết vậy, chỉ trầm trồ nhau về việc thằng lớp trưởng nó có cái băng đen đeo trên ngực để tang "bác hồ" vì nó là con ông chủ tịch xã.

Và từ đó, tuổi trẻ chúng tôi được học, được dạy, được tắm trong môi trường Hồ Chí Minh.

Sáng dậy mới mờ sương, chiếc loa phóng thanh đã rống lên khắp mọi ngõ ngách làng quê :

"Toàn Việt Nam đón chào ngày mới.

Hồ Chí Minh Dẫn dắt toàn dân nước ta,

Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta.

Hồ Chí Minh muôn năm, giải phóng cho nhân dân,
xây dựng non nước Việt Nam…".

Rồi sáng đến lớp học, tất cả xếp hàng vào lớp xong thì lớp trưởng bắt nhịp cho cả lớp đồng thanh "Năm điều bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng".

Mở sách ra, thì hầu như là thơ về bác, là câu chuyện về bác, là những cử chỉ, tình cảm của bác với thiếu niên, nhi đồng từ chuyện bác tắm cho mấy đứa bé người dân tộc hoặc mua chiếc lắc bạc và mấy cuốn vở để "ta tặng cháu yêu ta"…

Rồi những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ hay trông em, những câu chuyện thầm thì về "bác Hồ" được mang đến với chúng tôi qua hệ thống truyền thanh "chạy bằng cơm" bằng cách truyền miệng. Rằng thì là bác Hồ của chúng ta tài giỏi, tiết kiệm, cao thủ. Rằng thì là Tạ Đình Đề làm việt gian phản động định vào thủ tiêu Bác mà bác biết, còn dặn chú cần vụ nấu thêm cho suất cơm nữa, đến khi dọn ra ăn bác mới nhìn lên mái nhà gọi "Chú Đề xuống ăn cơm với bác" làm cho tên phản động Tạ Đình Đề tâm phục khẩu phục đành bỏ ý định thủ tiêu mà về phục vụ bác.

Cho đến nửa đêm thì chương trình Tiếng Thơ :

"Bác để tình thương cho chúng con

Một đời trinh bạch, chẳng vàng son…

Bác ơi tim bác mênh mông thế

Ôm cả non sông trọn kiếp người"

Và cuộc sống của chúng tôi như vậy, cái gọi là "bác hồ" luôn phục sẵn, luôn có sẵn để chúng tôi ngụp lặn trong đó, hít thở trong đó, tiêu hóa nó và biến nó thành một phần không thể thiếu trong suy nghĩ và hành động của những thế hệ chúng tôi.

Thế rồi một quá trình hình thành não trạng thần tượng Hồ Chí Minh dần dần trở thành những phản ứng tự nhiên. Mỗi khi nghe nói về Hồ Chí Minh, thì những tính từ tốt đẹp nhất như khiêm tốn, tài tình, đạo đức, thương yêu, anh hùng, tài giỏi… đều tự nhiên tuôn ra để đi kèm đại từ nhân xưng là "bác".

Và cả nửa đất nước chúng tôi đều chỉ biết rằng : Nếu không có bác, thì dân tộc này không tồn tại, đất nước này không có tên trên bản đồ thế giới, bác là tinh hoa dân tộc, là lãnh tụ, là thiêng liêng chẳng bao giờ có vướng vào bất cứ tội lỗi, nhơ bẩn hay một điều gì không trong sáng.

Thậm chí, tôi còn nghe nói rằng một linh mục đi theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo (Mà dân gian gọi là Đàn Két Công giáo) còn oang oang giảng giữa nhà thờ rằng có thể là bác đã lên Thiên đàng trước chúng ta.

Và chúng tôi lớn lên như vậy, ngây thơ tin, ngây thơ tôn sùng, ngây thơ bảo vệ hình ảnh, thần tượng Hồ Chí Minh không hề thấy có điều gì phải lăn tăn, phải suy nghĩ. Thậm chí, người ta có thể chấp nhận để người khác xúc phạm đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, vì dù sao cũng có những khuyết điểm, nhưng đụng đến Hồ Chí Minh là không được, họ sẽ bảo vệ đến cùng.

bacho4

Tong vụ cải cách ruộng đất, người ta có thể chấp nhận để người khác xúc phạm đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên mình, vì dù sao cũng có những khuyết điểm, nhưng đụng đến Hồ Chí Minh là không được, họ sẽ bảo vệ đến cùng.

Bởi Hồ Chí Minh là Thánh, là Thần là người Việt Nam đẹp nhất, là tinh hoa của nhân loại.

Khi nói đến tài trí, phải kể đến bác Hồ Chí Minh. Bởi bác Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn bể, làm đủ mọi nghề kiếm ăn và đến đâu ai cũng phục tài của bác Hồ Chí Minh.

Nói đến yêu nước, thương nòi, trước hết phải nói đến Hồ Chí Minh. Bởi bác Hồ Chí Minh đã đi tìm đường cứu nước, để giải phóng đất nước này khỏi cảnh trầm luân, nô lệ.

Nói đến hy sinh cho đất nước, cho dân tộc đầu tiên phải nói đến Hồ Chí Minh. Bởi Hồ Chí Minh dù được cả nước yêu mến, có bạn bè khắp nơi mà vẫn sống chay tịnh không hề có gái gú, không vợ con để rảnh tay mà lo cho đất nước, cho dân tộc.

Nói đến tiết kiệm, phải nêu gương Hồ CHí Minh, bởi bác hàng ngày nấu cơm bác bỏ ra một nắm gạo để góp vào hũ gạo kháng chiến. Bác ăn uống đam bạc chỉ cà pháo xứ Nghệ với nước luộc rau muống là thích mà thôi.

Nói đến giản dị, phải kể đến Hồ Chí Minh, bởi bác đã nêu gương dùng chút bút chì người ta vứt đi, cuốn giấy lại để viết còn được thêm 2 năm, những chiếc áo bác mặc đều đã sờn cổ mà không mua áo mới.

Và biết bao nhiêu đức tính, tính cách hay nhất, tài nhất, đẹp nhất, giỏi nhất… đều tích tụ ở Hồ Chí Minh.

Dưới hình bóng của bác Hồ Chí Minh, con người Việt Nam, chẳng ai đáng giá nửa xu. Tôi còn nhớ trong một đêm nói chuyện về "Bác Hồ trong thơ Tố Hữu" tại trường Cấp 3 Phan Đình Phùng, diễn giả đọc mấy câu thơ sau của Tố Hữu. Mấy câu thơ như sau :

Người là đỉnh non cao vun vút

Mà chúng con là chút lá cây

Người là cả đóa hoa say

Mà con là chút hương bay của người.

Cũng theo diễn giả, thì mấy câu thơ này sau đó đã bị lược đi vì quá đề cao "chủ nghĩa cá nhân", làm sao mà có ai dám tự nhận là chút hương bay của Hồ Chí Minh được, không thể xứng đáng với bác được.

Ngụp lặn, ngộ độc trong Hồ Chí Minh

Và chúng tôi đã mê mẩn, đã cuồng dại như vậy từ nhỏ, lớn lên cho đến tuổi trưởng thành. Bởi chẳng có một thần tượng nào có thể thay thế được "bác hồ" trong tâm trí chúng tôi. Chẳng có ai đủ tài, đủ đức để sánh ngang bác hồ. Chẳng ai xứng đáng để được nói đến bác mà không dùng những lời lẽ ngôn từ kính trọng nhất chứ không nói đến là xúc phạm hoặc coi thường.

Và chúng tôi cứ nghiễm nhiên coi điều ấy là bình thường, để rồi nơi nào có tượng bác hồ thật to cũng là bình thường, lăng bác ngốn bao nhiêu tiền không quan trọng, ở nhà phải mua tấm ảnh bác to nhất, để nơi trang trọng nhất mà thờ.

Bởi chúng tôi đâu biết được đằng sau sự thật về "bác" của chúng tôi.

Chúng tôi đâu biết rằng : Chỉ riêng với dân tộc này, một người không thể được cả mọi thế hệ gọi là "bác’. Bởi không có chuyện loạn xị ngậu ông nội, bố con, cháu chắt ngang hàng nhau khi đều gọi là "bác". Và danh xưng này, oái oăm thay, chính "bác" Hồ Chí Minh đã tự xưng mình là "bác" cha già dân tộc khi cha già mới có 58 tuổi đời. Chúng tôi đâu biết rằng đằng sau lời kêu gọi "Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" mà "bác hồ" in thành sách, thì chính "bác hồ" lại bí mật tự viết sách ca ngợi mình lấy tên người khác.

Chúng tôi đâu biết rằng : Cái gọi là "đi tìm đường cứu nước" của "bác" ngày xưa, chỉ là một chuyến đi khi bản thân và gia đình quẫn bách không lối thoát. Và con đường gọi là giải phóng dân tộc kia, chỉ là con đường mà phong trào Cộng sản Quốc tế đã chỉ thị cho "bác" đem về Việt Nam để phục vụ mưu đồ của Quốc tế Cộng sản.

Chúng tôi cũng đâu biết được, đằng sau cái gọi là "Cả một đời vì nước vì non" kia, thì "bác hồ" cũng có cuộc sống cá nhân hỉ, nộ, ái ố như mọi người. Chỉ có điều là "bác" hèn nhát hơn khi để đồng chí mình giết vợ con mình mà không dám mở mồm, nghĩa là đồng lõa với kẻ giết vợ mình để bảo vệ thanh danh cho bác là "trọn đời hy sinh".

Và chỉ những sự tình cờ, chúng tôi mới biết được rằng khi chúng tôi thậm chí ăn cả cám lợn, sắn mốc không đủ no, để tất cả vì tiền tuyến, và bác được nói rằng hàng ngày vẫn bớt từng nắm gạo bỏ vào hũ tiết kiệm, thì sau này báo chí mới viết rằng : "Buổi sáng Bác ăn lúc 6g, trưa ăn lúc 10g rưỡi, còn chiều ăn vào lúc 17g30. Các món ăn thay đổi luôn cho ngon miệng, nhưng thường thì bữa sáng Bác dùng cà phê đen, với bánh ngọt giống như bánh patêsô bây giờ. Có hôm Bác đổi sang xúc xích chấm mù tạt hoặc bánh mì trứng ốp la. 10g Bác uống một ly nước sâm, 10g30 thì ăn trưa. Đến 2g chiều Bác uống một cốc cà phê sữa, 4g lại uống 1 ly nước sâm, rồi 5g30 chiều thì ăn cơm. 8g tối Bác uống thêm một cốc cà phê sữa nữa, chỉ thế thôi".

Vâng, chỉ thế thôi. Nhưng chỉ riêng cốc sữa ấy những năm 60 của thế kỷ trước là mơ ước không chỉ một mà là cả một thế hệ trẻ em như chúng tôi, những đứa trẻ từ mới lọt lòng mẹ đêm khóc ngằn ngặt vì sữa mẹ chỉ có toàn nước trong veo vì không đủ ăn.

bacho5

Đằng sau cái gọi là "Cả một đời vì nước vì non" kia, thì "bác hồ" cũng có cuộc sống cá nhân hỉ, nộ, ái ố như mọi người. Chỉ có điều là "bác" hèn nhát hơn khi để đồng chí mình giết vợ con mình mà không dám mở mồm, nghĩa là đồng lõa với kẻ giết vợ mình (bà Nông Thị Xuân bị giết năm 1957 ở vào tuổi 24-25) để bảo vệ thanh danh cho bác là "trọn đời hy sinh".

Chúng tôi cũng chỉ biết và tin những tài liệu, hoặc qua những những nhân vật như Hoàng Chí Bảo sau này chuyên bịa chuyện về một Hồ Chí Minh nghĩa tình, thậm chí đi mua bằng được bông hoa, con gà để về làm giỗ mẹ ở Pháp.

Nhưng chúng tôi đâu biết rằng dù đi mấy chục năm xa quê hương và gia đình, nhưng khi về đến đất nước thì gần 2 chục năm sau "bác hồ" mới về thăm quê. Không chỉ thế, khi anh chị em ruột mình, ốm đau, chết chóc, "bác hồ" đều coi là chuyện của thiên hạ. Thậm chí mấy lần về quê, "bác hồ" không thèm thắp một nén hương trước ban thờ ông bà, tổ tiên hoặc chẳng thèm nhắc đến chứ không nói bước đến nơi mộ mẹ mình nằm ngay gần đó ở quê.

Và thế hệ chúng tôi lớn lên như vậy với niềm tin về "Bác Hồ". Và nếu ai xúc phạm đến "bác" thì chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ bác của chúng tôi với những đức tính tốt đẹp nhất.

Nhớ lại những giai đoạn ấy, chúng tôi mới cảm thông cho những người ngày nay vẫn còn ngộ độc thông tin về "bác hồ". Chỉ thương họ là thời buổi này rồi khi mạng Internet ngập tràn khắp thế giới, mà họ vẫn tê liệt khả năng tìm hiểu sự thật mà thôi.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 20/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc, JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)