Giai cấp công nhân Việt Nam hình thành trong những đồn điền cao su do thực dân Pháp khai thác ở Nam Kỳ từ cuối thế kỷ XIX. Cũng chính đội ngũ tiểu thực dân này đã tạo nên khu vực sản xuất tư bản, chứ không phải là những đại tập đoàn tài chính Pháp.
Khu phơi khô cao su, bên trong Công ty Cao su Tây Ninh, khoảng những năm 1930. © Belle Indochine
Để phục vụ cho những doanh nghiệp công-nông nghiệp đầy lợi nhuận và "khát" nhân lực, khoảng 50.000 đến 60.000 người Bắc Kỳ và Trung Kỳ được đưa vào làm công nhân trong nửa đầu thế kỷ XX. Họ phải sống, làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt.
Nam Kỳ trở thành cái nôi của chủ nghĩa tư bản, cũng như phong trào đấu tranh công nhân. Bối cảnh và quá trình này được nhà nghiên cứu Hồ Hải Quang, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội - CERESUR - Đại học La Réunion (Pháp) phân tích trong tác phẩm "La Cochinchine 1859-1930 : Emergence et développement du capitalisme" (tạm dịch : Nam Kỳ 1858-1930 : Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản) do Nhà xuất bản Spinelle phát hành năm 2022.
RFI tiếng Việt phỏng vấn ông Hồ Hải Quang.
*******************
RFI : Cuốn tiểu luận của ông, tạm dịch là Nam Kỳ : Sự xuất hiện và phát triển chủ nghĩa tư bản, cho thấy chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam không phải do các đại tập đoàn tài chính tạo nên mà là do những nhà thực dân. Chủ nghĩa tư bản xuất hiện trong bối cảnh như nào ?
Hồ Hải Quang : Trước tiên cần phân tích về những sự kiện lịch sử. Trong 40 năm đầu tiên thời thuộc địa, đúng là có vốn được chuyển từ Pháp sang Nam Kỳ, nhưng khối lượng rất nhỏ và số vốn này được đầu tư vào ba lĩnh vực.
Thứ nhất là để thành lập Ngân hàng Đông Dương và ngân hàng này hoạt động tốt. Thứ hai là dành cho thương mại, nhưng lại không ổn vì toàn bộ nội thương ở Nam Kỳ vào thời điểm đó nằm trong tay thương lái Trung Hoa. Thương nhân Pháp muốn lập nghiệp ở Nam Kỳ chỉ có thể giao thương với Pháp, có nghĩa là nhập hàng hóa từ Pháp và xuất khẩu hàng Việt Nam sang Pháp. Nhưng như chúng ta biết người Việt lúc đó tiêu thụ rất ít hàng từ Pháp và chẳng có gì xuất sang Pháp cả. Vì thế lĩnh vực thương mại do người Pháp quản lý là vô cùng yếu kém. Liên quan đến lĩnh vực cuối cùng là công nghiệp, thì thất bại hoàn toàn. Tôi đã nghiên cứu hầu hết các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam trong vòng 40 năm đầu thuộc địa, tôi nhận thấy là họ đã hoàn toàn thất bại.
Thực ra, chủ nghĩa tư bản chỉ thực sự xuất hiện với việc sản xuất cao su. Hoạt động này bắt đầu vào năm 1898 và có thể phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ năm 1898 đến 1914, là thời kỳ đồn điền cao su do các thực dân cũng là các chủ đồn điền thành lập. Khi hệ thống này được triển khai và bắt đầu phát triển, hoạt động đúng cách thì bước sang giai đoạn thứ hai. Đó là kể từ năm 1920, các công ty tư bản đã đến đầu tư vốn vào Nam Kỳ để phát triển các đồn điền cao su. Lý do giải thích cho hiện tượng này là lúc đó ngành công nghiệp sản xuất ô tô phát triển mạnh và cần lốp xe. Ngành công nghiệp này đã giúp thị trường phát triển mạnh mẽ vô cùng.
Tóm lại, có thể nói rằng khu vực sản xuất tư bản chủ nghĩa được hình thành bởi ý tưởng trồng và sản xuất cao su. Những lĩnh vực này trước tiên là do những chủ đồn điền nhỏ lập ra và sau đó được phát triển, chứ không phải do các tập đoàn lớn.
Di dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ được đưa vào Sài Gòn để sau đó phân phối vào các đồn điền cao su ở Nam Kỳ - Tư liệu ANOM/FM/7AFFECO/Carton 25.
RFI : Chủ nghĩa tư bản đã làm thay đổi Nam Kỳ như thế nào ?
Hồ Hải Quang : Chủ nghĩa tư bản làm thay đổi Nam Kỳ chủ yếu trên ba lĩnh vực chính. Thứ nhất là sự phát triển của thương mại. Chúng ta biết là lĩnh vực này là rất yếu trước thời thuộc địa Pháp bởi vì sản xuất chủ yếu là lúa gạo, trong khi lúa gạo lại dành cho các nhà nông và gia đình họ tiêu thụ nên có rất ít gạo được bán trên thị trường. Mặt khác, không thể xuất khẩu thóc gạo bởi vì triều đình Việt Nam muốn để dành nhằm tránh cảnh thiếu lương thực, nạn đói… cho nên ngoại thương gần như không tồn tại. Tôi nói như vậy vì tất cả các cuốn sách lịch sử về Nam Kỳ đã cho thấy điều đó. Thực ra không có số liệu thống kê nhưng bằng cách loại trừ, người ta có thể nói rằng loại hình thương mại này cực kỳ yếu.
Từ thời thuộc địa Pháp, lĩnh vực thương mại đã phát triển rất nhanh chóng vì ba lý do. Thứ nhất là vì người Pháp đã bắt nộp thuế bằng tiền. Người nông dân buộc phải bán nông sản để có tiền mặt nộp thuế, nên nền kinh tế được tiền tệ hóa. Tiếp theo là diện tích trồng lúa được mở rộng nhờ việc nạo vét kênh rạch giúp tháo lượng nước dư thừa ở đồng bằng sông Cửu Long và giúp nâng sản lượng lúa gạo nhiều hơn. Cuối cùng, chính phủ Pháp đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo nên lĩnh vực thương mại này đã có thể phát triển rất mạnh.
Thay đổi lớn thứ hai là sự phát triển khu vực sản xuất tư bản, cùng với việc trồng cây cao su gắn liền với kinh tế nông dân mà tôi vừa đề cập ở trên. Lĩnh vực này phát triển khá xa thành thị, ở những khu rừng nguyên sinh khó vào và thưa dân cư. Cho nên cần phải có vốn. Đó là lý do vốn được chuyển từ Pháp đến Nam Kỳ để lập những đồn điền như vậy. Và cũng vì có ít nhân lực nên họ đã phải tổ chức di cư lao động, đưa nhân công từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào. Đó là những người làm công ăn lương ký hợp đồng lao động từ 3 đến 5 năm. Những hợp đồng này đặc biệt ở chỗ công nhân đã ký vào chúng thì không có khả năng chấm dứt, không thể khiếu nại, do đó họ phải phục tùng các công ty tư bản từ 3 đến 5 năm mà không thể thoát được.
Điểm quan trọng thứ ba trong chế độ lao động này là công việc gần như được tổ chức theo kiểu nhà binh. Để chỉ huy công nhân, các công ty tư bản chủ yếu tuyển cựu quân nhân Pháp giải ngũ. Kiểu hợp đồng lao động này khiến người lao động Việt Nam bị bóc lột vô cùng nặng nề nên sức khỏe của họ bị tổn hại. Nhiều người đã chết vì bệnh tật, còn nhiều người khác thì muốn về quê sau khi hết hạn hợp đồng. Vì thế các công ty cao su đã phải lập cơ chế quay vòng. Có nghĩa là những người lao động phần nào bị kiệt sức, không thể tiếp tục làm việc thì bị đưa trả về quê quán và người ta tuyển một đội công nhân khác. Nói một cách ẩn dụ, những công ty cao su này hoạt động như những máy bơm, hút và đổ người lao động.
Thay đổi thực sự qua trọng thứ ba mà chủ nghĩa tư bản tạo ra, đó là để tự vệ, các công nhân đã bắt đầu đoàn kết với nhau. Họ thành lập các tổ chức chống chủ nghĩa tư bản. Đó là những công đoàn, những phôi thai của đảng Cộng sản bắt đầu hình thành trong các khu đồn điền.
Bìa của cuốn La Cochinchine (1859-1930) : Emergence et développement du capitalisme (tạm dịch : Nam Kỳ 1858-1930 : Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản) của nhà nghiên cứu Hồ Hải Quang do NXB Spinelle phát hành năm 2022. © RFI / Spinelle
RFI : Ông cũng nêu rằng Nhà nước thuộc địa đóng vai trò quyết định trong việc thành lập các doanh nghiệp tư bản. Vai trò đó là gì ?
Hồ Hải Quang : Vậy phải xem Nam Kỳ được điều hành như thế nào ? Đứng đầu Nam Kỳ là một thống đốc do chính phủ Pháp bổ nhiệm. Nhưng về mặt kinh tế, thực quyền lại thuộc về Hội đồng Thuộc địa, được thành lập năm 1880. Hội đồng này trước tiên có thể tạo ra các loại thuế mới, tăng thuế và quản lý chi tiêu mà họ muốn. Thông qua hệ thống thuế đó, Hội đồng đã có thể tích được rất nhiều tiền trong ngân khố Nhà nước, số tiền sau đó được phân phối đến các nhà thầu. Tiền thu được từ người dân Việt Nam đã cho phép tích lũy tư bản đầu tiên bằng tiền nằm trong tay người Pháp. Đây là cách để vốn đến tay những chủ đồn điền Pháp.
Ngoài ra, Hội đồng Thuộc địa đã trưng thu khoảng 80% diện tích đất Nam Kỳ bằng cách trục xuất người Việt, nhiều người sống trên các vùng cao nguyên cũng bị trục xuất khỏi nơi cư trú. Hội đồng Thuộc địa đã phân chia số đất lớn đó cho các chủ đồn điền Pháp, ban đầu hầu hết là cho không, sau đó là chuyển nhượng với số tiền rất ít ỏi. Bằng cách đó, Hội đồng Thuộc địa là công cụ giúp tích lũy vốn bằng tiền và đồng thời trao phương tiện sản xuất cho các công ty tư bản. Hệ thống tư bản ra đời như vậy ở Việt Nam.
Ngoài ra còn có điểm thứ ba cần nhấn mạnh, đó là chế độ lao động, cách tổ chức lao động, các quyền lao động cũng đã được thống đốc Nam Kỳ áp dụng. Và chế độ lao động đó được sắp xếp rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho các công ty tư bản để có thể không ngừng bóc lột công nhân.
RFI : Chủ nghĩa tư bản đã biến khỏi Việt Nam hay không hay đã chuyển sang một hình thức khác ?
Hồ Hải Quang : Hệ thống tư bản mà tôi đề cập ở trên tồn tại ở Nam Kỳ, cũng như ở miền bắc Việt Nam trong các mỏ than. Hệ thống này tồn tại cho đến năm 1945 khi chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Sau đó Pháp điều quân đội tới và chiến tranh Đông Dương kéo dài từ năm 1946 đến 1954. Hiệp định Geneve đã chấm dứt chiến tranh Đông Dương năm 1954 và Việt Nam bị chia thành hai miền, miền bắc do chính phủ của Hồ Chí Minh quản lý, còn miền nam là Việt Nam Cộng Hòa là một nước tư bản.
Ở miền bắc, các nhà lãnh đạo cố gây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa nên họ từng bước loại bỏ những cơ sở của hệ thống tư bản và họ đã làm được việc đó. Trong chiến tranh Việt Nam, miền bắc cũng như miền nam đều phụ thuộc chủ yếu vào hỗ trợ của các nước bạn, ví dụ Liên Xô giúp miền bắc, Mỹ giúp miền nam. Kết thúc chiến tranh năm 1975, đất nước thống nhất. Lúc đó, miền bắc Việt Nam giành chiến thắng và muốn mở rộng đến miền nam cơ cấu kinh tế đã được xây dựng ở miền bắc.
Và sự mở rộng này đã dẫn đến một hệ quả vô cùng sâu sắc. Việt Nam rơi vào khủng hoảng kinh tế vô cùng nghiêm trọng. Việc này đã khiến chính phủ Việt Nam vào năm 1986 phải triển khai chính sách "Đổi mới", một mô hình kinh tế mới gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về cơ bản, hệ thống kinh tế mới này được tổ chức theo hai trục chính.
Trước tiên là phát triển lĩnh vực tư nhân, có nghĩa là phần nào đó thúc đẩy tư bản chủ nghĩa. Thủ công tư nhân, thương mại tư nhân được phép phát triển. Trục thứ hai là tái hội nhập Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Vì thế, năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - OMC. Trong những năm tiếp theo, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương với các nước khác. Cuối cùng, Việt Nam đã ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư gia tăng đáng kể đã giúp củng cố bộ máy sản xuất, giúp Việt Nam sản xuất hàng hóa. Và với việc Việt Nam gia nhập OMC, những hàng hóa này được xuất ra thị trường thế giới. Việc này đã cho phép Việt Nam cất cánh về kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người một cách đáng kể. Cần biết rằng từ năm 1990 đến 2018, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam gần như đã tăng gấp 5 lần. Đó là con số rất lớn.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Hồ Hải Quang, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội, Đại học La Réunion, Pháp.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 01/05/2023