Thấy gì khi Philippines đặt lợi ích quốc gia lên đầu ?
Trần Đông A, VOA, 08/05/2023
Chuyến thăm Washington vừa qua cho thấy ông Marcos Jr. đã quyền biến như thế nào khi cập nhật lợi ích quốc gia trong "bình diện địa chính trị" mới tại khu vực. Liệu Đảng cộng sản Việt Nam có rút tỉa được kinh nghiệm gì từ chuyện này không ?
Chuyến thăm chính thức Washington từ 1/5 đến 4/5 của ông Marcos Jr. là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Philippines tới Mỹ trong hơn 10 năm qua.
Thỏa thuận mới nhất giữa Philippines và Hoa kỳ mang tính định hướng các nguyên tắc phòng thủ trong bối cảnh Tổng thống Marcos Jr. vừa tuyên bố, đất nước ông giờ đây đang lâm vào tình trạng "phức tạp nhất trên bình diện địa-chính trị, và vì thế điều hoàn toàn tự nhiên là Philippines quay sang một nước một nước duy nhất đã được gắn kết với mình bằng một Hiệp ước quốc phòng". Manila và Washington đã ký một thỏa thuận mới có tên gọi"Hướng dẫn phòng thủ song phương". Văn kiện đã được công bố ngày 3/5 vừa qua nhằm xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong "Hiệp ước phòng thủ chung" (Mutual Defense Treaty-MDT) ký từ năm 1951, nhưng trong bối cảnh Philippines muốn làm sáng rõ hơn khi liên minh đặc biệt giữa hai nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tại sao phải có hướng dẫn mới ?
Chuyến thăm chính thức Washington từ 1/5 đến 4/5 của ông Marcos Jr. là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Philippines tới Mỹ trong hơn 10 năm qua. Đây cũng là cuộc gặp mới nhất trong hàng loạt cuộc gặp cấp cao gần đây mà Philippines đã tiến hành với các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, những cường quốc đang cạnh tranh nhau quyết liệt để giành lợi thế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Theo hãng tin Reuteurs, mặc dù Hoa Kỳ đã trấn an Philippines rằng, quan hệ đối tác quốc phòng của họ là "vững như thép", nhưng Manila lại lập luận rằng, một Hiệp ước có tuổi đời 7 thập kỷ thì cần phải được cập nhật để phản ánh môi trường an ninh toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi.
Văn bản "hướng dẫn phòng thủ song phương" được bộ Quốc Phòng Mỹ vừa công bố hôm 3/5 nêu rõ rằng, những cam kết phòng thủ chung sẽ được vận dụng trong trường hợp một trong hai đồng minh bị tấn công quân sự "bất kỳ ở đâu trên Biển Đông". Một chi tiết khác được đưa vào văn kiện là giờ đây các tàu tuần duyên cũng thuộc đối tượng được bảo vệ bởi Hiệp ước MDT. Điểm đáng chú ý khác là văn kiện hướng dẫn ghi nhận hai bên cần phải phối hợp với nhau để đối phó với "cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám". Thuật ngữ quân sự "chiến thuật vùng xám" thường được Mỹ sử dụng để chỉ việc Trung Quốc dùng các phương tiện phi quân sự như tàu tuần duyên hay các đội tàu cá nhằm khẳng định những đòi hỏi lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Chiến thuật này bao gồm cả nhữnghành động phong tỏa, hăm dọa hay những biện pháp gây rối các hoạt động đánh bắt cá hay thăm dò khai thác tài nguyên của đối phương.
Sở dĩ Philippines yêu cầu Mỹ phải cập nhật vào thời điểm hiện nay vì căng thẳng với Trung Quốc ngày càng gia tăng gần đây. Tháng trước, Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thực hiện "các thao tác nguy hiểm" và "chiến thuật hung hăng" cản trở cuộc tuần tra của các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines gần Bãi Cỏ Mây – là rạn san hô do một lực lượng hải quân nhỏ của Philippines chiếm giữ và nằm cách bờ biển Philippines 105 hải lý (195 km). Vào tháng 2 trước đó, Philippines cho biết một tàu Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào một trong các tàu tiếp tế của hải quân nước này trong cùng khu vực. Philippines và một số nước láng giềng trong những năm gần đây đã tố cáo về hành vi của lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân Trung Quốc, sau khi các tàu nhỏ hơn bị đâm, chặn hoặc bắn bằng vòi rồng. Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô và vùng biển cách bờ biển của họ những 1.500 km, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia láng giềng, thường cáo buộc cá c tàu khác khiêu khích hoặc xâm phạm.
Hành động trong khuôn khổ pháp lý
Biết được các tình huống mà Hoa Kỳ buộc phải can thiệp theo MDT có thể là một biện pháp ngăn chặn khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về một số chiến lược Biển Đông để tránh đối đầu với các lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm cả cách hành xử của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Nhưng Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu của mình để kiểm tra các giới hạn trong cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ và cố gắng làm suy yếu liên minh, đặt Washington vào một vị trí khó xử khi họ có thể miễn cưỡng can thiệp do lo ngại về sự leo thang hoặc tính toán sai lầm. Một số nhà phân tích đã lập luận rằng Philippines và Hoa Kỳ được phục vụ tốt hơn bởi một Hiệp ước phòng thủ chung ít mơ hồ hơn. Các hướng dẫn này là lần đầu tiên kể từ khi "Hiệp ước phòng thủ chung" (MDT) được ký kết từ năm 1951 và tuân theo hàng loạt các phản đối ngoại giao của Philippines trong năm qua về điều mà nước này gọi là các hành động và mối đe dọa "hung hăng" của Trung Quốc đối với l ực lượng bảo vệ bờ biển của nước này.
"Hướng dẫn phòng thủ" dài 6 trang đã được nhất trí tại Washington hôm 3/5 sau các nỗ lực mới dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhằm cập nhật "Hiệp ước phòng thủ chung" (MDT) với Hoa Kỳ, vào thời điểm căng thẳng gia tăng và đối đầu trên biển với Trung Quốc. Các hướng dẫn cho biết các cam kết tại Hiệp ước song phương sẽ được viện dẫn nếu một trong hai bên bị tấn công cụ thể ở Biển Đông và nếu các tàu tuần duyên là mục tiêu. Nó cũng được cập nhật để bao gồm các tham chiếu đến các hình thức chiến tranh hiện đại. Cùng với MDT, với "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" (VFA) ký năm 1998 và "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014, tất cả tạo thành một khuôn khổ pháp lý vững chắc để Philippines từ nay sẵn sàng đối phó với "các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số lĩnh vực – bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng – và ở dạng chiến tranh bất đối xứng, kết hợp và bất thường và chiến thuật vùng xá m, các hướng dẫn vạch ra một hướng đi để xây dựng khả năng tương tác trong cả các lĩnh vực thông thường và phi thông thường",theo tuyên bố từ Lầu Năm Góc.
Trông người mà ngẫm đến ta…
Những thành tựu Tổng thống Marcos Jr. gặt hái được những qua trên đất Mỹ vừa tạo bước ngoặt thực chất, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Giới quan sát ở Việt Nam – nói một cách khách quan – nhìn mà thèm. Tất nhiên, không ai lại đi so sánh Philippines với Việt Nam.
"Trông người đừng ngẫm đến ta
Một dầy một mỏng biết là có nên ?"
(Lẩy Kiều)
Giới cầm quyền ở cả hai xứ hẳn nhiên lúc nào cũng tuyên bố, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng kết quả thì như đang thấy.Nhờ xã hội có đa nguyên nên Marcos Jr. lên cầm quyền đã gần như đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, ưu tiên đối với lợi ích quốc gia chứ không đặt bảo vệ Đảng lên đầu, nên ông đã có ngay giải pháp cho hồ sơ hóc búa liên quan đến vấn đề Biển Đông. Việt Nam trong khi đó, vẫn như "gà mắc tóc" trong vấn đề nâng cấp "đối tác chiến lược" với Hoa Kỳ. Thông thường, không nhà cầm quyền nào ngoài miệng, không mạnh mồm nói là chống nô dịch của ngoại bang. Nhưng chống xâm lược để rồi lại đặt ách nô dịch ấy lên đầu lên cổ người dân, không cho "dân mở miệng", khác xa với chống ngoại bang vì lợi ích quốc gia – dân tộc !
Điều ngạc nhiên là chính Tạp chí "Quốc phòng Toàn dân" ngay trước khi Marcos Jr. trúng cử đã có tiên lượng khá chính xác về các bước đi ngoạn mục trên chính trường Philippines.Tờ báo đánh giá rằng, "trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) thì việc quan hệ hai nước trở lại nồng ấm như trước có ý nghĩa rất lớn…".3
Lượng định này đáng quan tâm, vì giữa Philippines và Việt Nam, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với mỗi nước gần như giống hệt nhau. Điều khác nhau ở đây là gì ? Việt Nam "ngậm bồ hòn làm ngọt" còn Philippines thì quyết "sánh vai" cùng thời đại. Những ngày Tổng thống Marcos "tung hoành ngang dọc" tại Washington, ngồi ở Hà Nội nghe Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai "tỉ tê" với Tập Cận Bình về "16 chữ" và "4 tốt" mà nẫu cả diều !
Trong khi đó, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Tổng thống Marcos Jr. cho rằng, hiện là thời điểm để nâng cấp mối quan hệ song phương Philippines – Hoa Kỳ nhằm góp phần ứng phó nhanh hơn với những thách thức hiện tại ngày đang nổi lên. Ông Marcos cũng đề cập thỏa thuận mà ông ký hồi đầu năm nay cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, ngoài 5 căn cứ đã được chỉ định trước đó theo "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường" (EDCA). Nhà lãnh đạo Philippines nêu rõ việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn ở Philippines không nhằm mục đích sử dụng cho hành động tấn công bất kỳ quốc gia nào. Nhưng trong những ngày trên đất Mỹ,ông Marcos cũng chẳng dấu diếm, các căn cứ này sẽ hữu hiệu trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 08/5/2023
********************************
Phép thử đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Nam, VNTB, 04/05/2023
Philippines tìm đến Mỹ – đối tác hiệp ước duy nhất của Manila – trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng là "điều tự nhiên" – Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Philppines tìm đến Mỹ - Việt Nam tìm đến Tàu ?
Liệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ rút ra bài học gì ở chuyến thăm chính thức của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến Mỹ từ ngày 1-5 vừa qua ?
Nhiều phát biểu của ông Marcos trong chuyến thăm lần này đã nhấn mạnh lập trường không để đất nước bị "lợi dụng trở thành bàn đạp quân sự", chỉ "làm việc vì hòa bình", và cuối cùng sẽ chỉ dựa vào Hiệp hội ASEAN vốn được Mỹ ủng hộ trở thành lãnh đạo chủ chốt ở khu vực.
Điều này không chỉ cho thấy lập trường quyết đoán của Manila, mà còn giúp nhận diện ba bước triển khai nhằm giảm phụ thuộc, tăng khả năng điều phối chủ động của họ, mà bước thứ nhất chính là sự cân bằng chủ động ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở các lĩnh vực an ninh nhạy cảm của Philippines.
Tin tức từ báo chí nước ngoài cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định với người đồng cấp Philippines – ông Ferdinand Marcos Jr. về cam kết "sắt thép" của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Philippines, "Mỹ vẫn giữ cam kết bảo vệ Philippines, bao gồm cả Biển Đông" – ông Biden nói.
Ông Biden đưa ra phát biểu nhân chuyến thăm của ông Marcos đến Nhà Trắng – chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Philippines sau 10 năm. Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau các vụ va chạm giữa lực lượng hải quân Philippines và lực lượng hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung, theo đó nhắc lại rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng Philippines ở Thái Bình Dương (kể cả ở Biển Đông) sẽ dẫn đến các phản ứng của Mỹ dựa Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines năm 1951.
Tuyên bố cũng khẳng định tầm quan trọng của việc "duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu".
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ mong muốn thiết lập các cơ chế hợp tác với Nhật và Úc.
Nói về chuyến thăm, ông Marcos cho biết việc Philippines tìm đến Mỹ – đối tác hiệp ước duy nhất của Manila – trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng là "điều tự nhiên".
Với quan điểm chính trị như trên, nên ở bước thứ hai, Philippines đang hoàn thiện dần mạng lưới viễn thám theo chiến thuật "răn đe bằng cách phát hiện".
Trước đây, Philippines củng cố mạng lưới giám sát viễn thám vệ tinh với dịch vụ vệ tinh NovaSAR-1 có liên kết với cơ sở dữ liệu toàn cầu của Trung tâm quan sát Trái đất của Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học khối thịnh vượng chung (CSIRO) có trụ sở tại Úc. Cùng với bốn hệ thống radar giám sát đường không tầm xa Horizon 2 – ASRS sẽ được Nhật Bản xuất khẩu và chương trình hợp tác sử dụng không gian để nhận thức lĩnh vực hàng hải với Mỹ vừa thiết lập, mạng lưới viễn thám do Philippines điều phối sẽ được kiện toàn.
Ở bước cuối cùng, các cơ chế do Philippines cùng điều phối sẽ được mở rộng.
Sự xác nhận quá trình cùng thiết lập các cơ chế hợp tác ba bên Mỹ – Phi – Nhật, Mỹ – Phi – Úc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh đã định hình sự mở rộng của nhóm cơ chế hợp tác ba bên mà ban đầu Philippines chỉ xây dựng giữa các nước nhỏ – như tam giác tuần tra chung ở biển Sulu giữa Philippines – Indonesia – Malaysia.
Philippines hôm 28-4 đã cáo buộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có "chiến thuật hung hăng" khi các tàu của Bắc Kinh áp sát tàu tuần tra Philippines (có chở theo phóng viên quốc tế) trên Biển Đông (tại khu vực cách bờ biển Philippines 105 hải lý).
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các tàu Philippines đã xâm phạm vào vùng biển của Trung Quốc và thực hiện các động thái khiêu khích có chủ ý. Bắc Kinh cáo buộc các hành động của phía Philippines "mang tính khiêu khích và có tính toán từ trước" nhằm "gây xích mích, đỗ lỗi cho Trung Quốc và thổi phồng vụ việc".
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận, "Việt Nam thu xếp chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" trong thời gian tới.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 04/05/2023