Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2023

"Bẫy thu nhập trung bình" và tính chính danh

Phạm Quý Thọ

Đảng đối diện thế nào với "bẫy thu nhập trung bình" để bảo đảm tính chính danh ?

Đặc trưng nổi bật của cải cách hiện nay ở Việt Nam là "tính chính danh của chế độ do Đảng cộng sản lãnh đạo" tùy thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế.

bay01

Giai đoạn tăng trưởng tương đối cao và ổn định khi bắt đầu từ điểm xuất phát kinh tế thấp và dư địa cải cách lớn trước sức ép từ nguy cơ sụp đổ chế độ.

Trong các văn kiện của Đảng, mục tiêu (cũng là "nhiệm vụ chính trị") được đặt ra là "đến năm 2030 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 7.500 USD và 27.000 - 32.000 USD vào năm 2050. Lúc đó Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao".

Vào năm 2021 số liệu là khoảng 3.700 USD, và để đạt mục tiêu 2030 thì mỗi năm trong giai đoạn này cần tăng GDP thêm trên 7,5% [còn để trừ đi tỷ lệ tăng dân số (P)]. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trung bình GDP/P trong thập kỷ gần đây thì đây là một thử thách. Và, với cách ngoại suy đơn giản như vậy cho thời kỳ đến năm 2050 thì dường như là thách thức lớn.

Hơn thế, thực tế quá trình tăng trưởng GDP gần đây phản ánh những đặc điểm rõ rệt trạng thái "bẫy thu nhập trung bình". Để chứng minh điều này quá trình này, từ Đổi mới cuối những năm 1980 đến nay, có thể phân chia tương đối thành hai giai đoạn :

1. khoảng 20 năm đầu 1990 – 2009 tương đối cao và ổn định ở mức tổng sản phẩm quốc nội GDP trung bình năm trên 7% ;

2. từ 2010 đến nay ‘trồi sụt’, chẳng hạn, năm 2012 hơn 5%, năm 2016 là 6,2%, năm 2021 – 2,58%, quý 1 năm 2023 là 3,2%...

Giai đoạn một (1) tăng trưởng tương đối cao và ổn định khi bắt đầu từ điểm xuất phát kinh tế thấp và dư địa cải cách lớn trước sức ép từ nguy cơ sụp đổ chế độ. Chẳng hạn, việc thực thi chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp để giải phóng sức lao động nông dân gắn vơi tiềm năng đất đai đã không đòi hỏi thay đổi lớn về thể chế, nhưng đã tạo ra động lực tăng trưởng mạnh, nhanh chóng biến ngành nông nghiệp thành một trụ cột tăng trưởng không những chỉ là bệ đỡ đảm bảo an ninh lương thực và giảm ‘sốc’ cho nền kinh tế từ bên ngoài mà còn luôn có tỉ lệ tăng ở mức 2,5% đến 3,5% mỗi năm trong suốt thời gian qua, đóng góp 14% cho GDP và 38% việc làm (năm 2020). Ngoài ra, thành tích tăng trưởng trong giai đoạn này chủ yếu dựa vào qui mô của nguồn lực sẵn có như tài nguyên nước như biển, sông cho ngành thuỷ hải sản, lâm nghiệp cho chế biến gỗ… Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản là minh hoạ điển hình cho tăng trưởng dựa vào lợi thế đất đai để "bứt tốc" đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về ở, nghỉ dưỡng, du lịch, tích luỹ tài sản của bộ phận dân số trung lưu, có thu nhập tăng lên. Ở đây, quy mô dân số đông, trẻ hướng tới cơ cấu vàng là nền tảng. Và, sau nữa phải kể đến bối cảnh toàn cầu hóa thuận lợi, như yếu tố tăng trưởng quan trọng nhờ hội nhập, giúp khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng nhanh, hiện chiếm tỷ trọng hơn 20% GDP và hơn 70% tổng kim ngạch thương mại.

Tăng trưởng "trồi sụt" suy giảm trong giai đoạn hai (2) đã bộc lộ những bất cập ngày càng nghiêm trọng. Trước hết là dư địa tăng trưởng dựa vào tài nguyên ngày càng thu hẹp, sự khai thác cạn kiệt không chỉ làm suy thoái môi trường không chỉ như đánh bắt thuỷ hải sản, mà các trạm thuỷ điện, nhà máy điện than, các dự án bất động sản… đều chứa đựng sự không bền vững và, hơn thế, yếu tố trục lợi. Hai là, khu vực tư nhân "nội" đã mở rộng, nhưng phần lớn các doanh gia giàu lên nhanh chóng nhờ "ăn đất", "dựa vào quan hệ" với quan chức chính quyền mà thiếu đi sự năng động về năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và đổi mới ; Ba là, tăng trưởng nhờ trụ cột kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI đã "chạy theo" số lượng, thành tích mà "quên" về tính bền vững mà trước hết là sự phụ thuộc của nền kinh tế ngày càng lớn. Khoảng hơn 25 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam so với gần 800 nghìn doanh nghiệp "nội", nhưng họ đang là "người chơi chính" ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, chiếm hơn 20% GDP, hơn 70% kim ngạch thương mại… nhưng "chỉ" đóng góp 7,5-8,5% tổng thu ngân sách nội địa… Các doanh nghiệp FDI đã thể hiện ưu thế so sánh áp đảo về vốn và công nghệ trong cạnh tranh trong khi khả năng hấp thụ vốn, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghiệp phù trợ… của các doanh nghiệp "nội" rất hạn chế ; Bốn là, hiệu lực thấp và mang tính đối phó của thực thi chính sách trước các vấn đề phát sinh kéo dài do tăng trưởng cao như quốc nạn tham nhũng, trục lợi, bong bóng bất động sản và cổ phiếu, quá tải đô thị hóa, tắc nghẽn giao thông, suy thoái môi trường, khoảng cách giàu – nghèo… Năm là, các cú sốc từ bên ngoài như cuộc chiến Nga – Ukraine, cạnh tranh căng thẳng mang tính ý thức hệ giữa Trung Quốc và phương Tây… Toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nay địa chính trị đang quyết định dòng FDI và thương mại trong khi với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, Đảng chưa sẵn sàng thay đổi "đột phá" vì điều này.

bay2

Người dân đi qua một siêu thị bán đồ cao cấp ở Hà Nội hôm 23/4/2020. Reuters

Những bất cập chủ yếu được chỉ ra trên đây cũng chính là các nguyên nhân của "bẫy thu nhập trung bình" (tiếng Anh : Middle Income Trap). Đây là tình trạng phát triển kinh tế trong đó một quốc gia đạt được một mức thu nhập nhất định (do được hưởng những lợi thế nhất định) lại bị mắc kẹt ở mức đó. Thuật ngữ bẫy thu nhập trung bình được Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2006 có tiêu chí định lượng gắn với GDP bình quân đầu người, duy trì trong khoảng từ 1.000 đến 12.000 đô la Mỹ theo giá cố định (2011), và dựa vào đó để phân biệt các quốc gia trên thế giới về cơ bản thành bốn nhóm : (1) Tiên tiến, có thu nhập cao, điển hình là các nước G7 ; (2) Đã đạt được trình độ phát triển trung bình từ rất lâu nhưng sau đó trì trệ cho đến ngày hôm nay, chủ yếu là các nước ở khu vực Mỹ La tinh ; (3) Mới phát triển vài chục năm nay và hiện nay đã đạt mức thu nhập trung bình, đặc trưng là Trung Quốc và một số nước ASEAN ; (4) đang mắc vào bẫy nghèo, nhiều nước ở Châu Phi, chẳng hạn Niger hay Chad. Một nhận định quan trọng được thừa nhận, rằng trong tất cả các quốc gia khác nhau về các yếu tố tăng trưởng kinh thế thì yếu tố thể chế có vai trò định vị "mắc kẹt" hay "vượt qua" bẫy thu nhập trung bình. Nhóm nước thứ hai (2) và thứ ba (3), trong đó mô hình Trung Quốc có ý nghĩa đối với cải cách ở Việt Nam.

Lý thuyết và thực tế đã cho thấy tăng trưởng nhanh nhờ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với động lực mạnh mẽ được tạo ra bởi khuyến khích (incentives) không ngừng. Trong suốt hàng nghìn năm tiến hóa của nhân loại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt "phép màu" trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, theo cấp số nhân từ thế kỷ 17 và, đặc biệt từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng đã "cứu" chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam khỏi sụp đổ và tăng trưởng khá nhanh sau chính sách Đổi mới 1986. Tuy nhiên, sự níu kéo bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều đã cản trở cải cách thể chế thích ứng với kinh tế thị trường để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, trục lợi dưới nhiều hình thức vì tha hóa quyền lực công và rủi ro đạo đức như mặt trái của thị trường, mà các nhà kinh tế cổ điển đã "lo lắng", đã không được vận dụng nghiêm túc để giám sát quyền lực. Lời cảnh báo của Lord Acton "quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối" đã ứng nghiệm trong bối cảnh hiện nay và thách thức mô hình chế độ cộng sản lãnh đạo toàn diện ở Việt Nam.

Bất ổn chế độ đang là nguyên nhân kéo dài tăng trưởng "trồi sụt" gần đây, tuy nhiên, chính sách và những nỗ lực ứng phó, thay vì kiểm soát quyền lực hiệu quả để duy trì động lực tăng trưởng nhờ thị trường lại bị thúc đẩy bởi sự tập trung quyền lực cao độ, củng cố Đảng – Nhà nước mạnh để toàn trị. Đảng cộng sản đối diện thế nào với "bẫy thu nhập trung bình" để đảm bảo tính chính danh đang là vấn đề thách thức.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 22/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)