Có một số bài học có thể rút kinh nghiệm trên bình diện quản lý xã hội, như triết lý nền tảng dẫn dắt công cuộc chống tham nhũng, cho đến cần có tiếp cận lịch sử khách quan, trung thực khi nghiên cứu nhân vật lịch sử, mà một thí dụ là nghiên cứu Hồ Chí Minh, nhân vật lịch sử của Việt Nam trong thời kỳ cận, hiện đại như một con người, chứ không phải là một ‘vị thánh’, như một nhà nghiên cứu lịch sử từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Lê Văn Sinh, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/5/2023, trong dịp tại Việt Nam, Nhà nước và Đảng cộng sản đang đánh dấu 133 năm sinh của cố lãnh tụ cộng sản Việt Nam, cố Chủ tịch Việt Nam Cộng Hòa, ông Hồ Chí Minh (1890-1969).
FP
"Trước hết, về vấn đề ứng xử với nạn tham nhũng, có thể thấy rằng trong thời của ông Hồ Chí Minh, ông gọi thẳng việc chống tham nhũng là chống ‘giặc nội xâm’ và qua vụ án với ông Đại tá cục trưởng cục quân nhu, thì ông Hồ Chí Minh đã xử rất là nghiêm khắc.
Đọc tài liệu thì thấy là ông Trần Dụ Châu bị tử hình, và bị tịch thu 3/4 tài sản, và ông Hồ Chí Minh đã gọi thẳng ra rằng đó là ‘giặc nội xâm’.
Còn đến thời ngày nay ở Việt Nam thì tham nhũng tràn lan, không còn đơn lẻ như thời ông Trần Dụ Châu với một vài người với nhau, mà bây giờ thành ra một trào lưu, một làn sóng tham nhũng, dẫn đến hiện tượng cả những tập thể đông đảo tham gia, ví dụ như tập thể ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam chẳng hạn, đó là cả một bộ sậu rút tiền công quỹ của Nhà nước ra để chia tiền bạc với nhau.
Thế nhưng, chống tham nhũng ở Việt Nam ngày hôm nay, về mặt hình thức nhìn vào thì có vẻ được làm mạnh, song nhìn vào phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản Việt Nam mà nói rằng ‘chống tham nhũng là ta đánh ta’, nếu thực sự nói như thế, thì sẽ rất khó chống tham nhũng.
Theo tôi, phải coi tham nhũng là ‘giặc’, và khi nhìn nhận như thế rồi, tất cả những người hôm nay là ‘đồng chí’ của mình đấy, nhưng mà vì tham nhũng, vì ăn cắp, ăn cướp tiền công quỹ của quốc gia, lãng phí tiền của nhà nước, tài sản của nhân dân, đều phải coi đó là kẻ thù của đất nước, và như thế thì không thể nào mà nói rằng ‘ta đánh ta’ được, đó là theo quan điểm của tôi.
Và tôi tin rằng một khi đã coi chống tham nhũng là chống ‘giặc nội xâm’, người ta sẽ có cách hành xử khác, chứ không có chuyện hô hào, kêu gọi rằng ‘hãy tự nguyện từ bỏ chức vụ’, rồi ‘hãy tự nguyện nộp lại những tài sản này kia’, để mà được hưởng những sự khoan hồng nào đó, tất nhiên luật pháp nước nào cũng có những khoan hồng cho những người phục thiện, song nếu hô hào, kêu gọi mấy ông quan chức lãnh đạo tham nhũng nào mà bỏ ra một ít tiền để nộp lại hòng thoát án tử hình chẳng hạn, thì sẽ rất khó để chống tham nhũng trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, theo tôi".
"Không có pháp trị, không thể chống tham nhũng hiệu quả"
Nhà nghiên cứu lịch sử từ Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra so sánh của mình về vấn đề nền tảng cơ bản làm căn cứ đảm bảo cho hiệu quả của việc chống tham nhũng ‘thời nay’ so với ‘thời xưa’, tức thời của cố Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Hồ Chí Minh khi ông còn sống, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói :
"Trước đây bằng phong cách ngôn ngữ của thời đại của ông, Hồ Chí Minh trong một yêu sách tám điểm đòi các quyền tự do, dân chủ cho người dân An Nam, có nói một câu được các tài liệu trích dẫn được cho là đã nói rằng ‘Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền", riêng trong lĩnh vực chống tham nhũng, tôi nghĩ đây là một nhắc nhở về tầm quan trọng của vấn đề pháp quyền, hay trước đây ở miền Nam Việt Nam được đề cập như thiết chế ‘dân chủ pháp trị’, đấy là trong thời xưa mà ông Hồ Chí Minh đã sử dụng tư tưởng và thuật ngữ của tư tưởng chính trị, nhà nước, pháp luật của phương Tây để đặt vấn đề cho Việt Nam.
Còn ngày nay ở Việt Nam, nói thêm về chống tham nhũng, tôi hiểu rằng vấn đề này mà không đặt trên nền tảng ‘pháp quyền, pháp trị’, tức là luật pháp ở trên hết, pháp luật thượng tôn, không có gì, không có bất ai đứng trên pháp luật, thì sẽ khó thu được những thành tựu, thành quả tốt.
Chống tham nhũng là một cuộc chiến rất cam go, nó không chỉ xảy ra riêng ở trong đất nước của chúng ta (Việt Nam), hay ở Trung Quốc, hay ở riêng mấy nước nghèo, ngay ở các quốc gia tiên tiến, người ta vẫn phải đối mặt với tình trạng này, đó là lòng tham của con người ở một số người, nhưng mà ở những nơi văn minh, tiến bộ, luật pháp đặt ở trên tất cả mọi người, nên kể cả Tổng thống, nguyên thủ quốc gia, nếu phạm tội, có thể bị lôi ra trừng trị tương thích, trước tòa án công lý.
Do đó mà việc chống tham nhũng ở những nơi người ta thực hiện pháp trị, pháp quyền thì hiệu quả.
Còn ở những nơi mà không đặt nền pháp trị, pháp quyền lên trên, mà dựa vào một cá nhân, một người nào đó, hay một nhóm người nào đó thôi, thì rõ ràng sẽ không có được một kết quả như mong muốn, đó là theo nhận thức của tôi".
Nghiên cứu thân thế Hồ Chí Minh ra sao ?
Nhà nghiên cứu lịch sử từ Hà Nội trong dịp này chia sẻ thêm với RFA tiếng Việt về một vấn đề nữa mà ông cho rằng đáng quan tâm và suy nghĩ, đó là làm thế nào để nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của Hồ Chí Minh một cách khách quan, khoa học, tránh thiếu khách quan, phiến diện, hay tuyên truyền, chính trị hóa, ông Lê Văn Sinh nói :
"Về nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh, ông là một nhân vật có thể nói là ‘lớn nhất’ của Việt Nam trong thế kỷ 20, theo cách nhìn của tôi, nhưng cách nhìn, nghiên cứu về cố Chủ tịch Hồ Chí Minh của giới sử học Việt Nam hiện nay lại bị khuôn theo một hướng, mà hướng đó có thể là bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chính trị, đó là nặng về tuyên truyền, ca ngợi, tôn vinh.
Hướng đi đó không nhìn ông Hồ Chí Minh như một con người, mà coi ông như một vị Thánh, song trên thực tế thì không có ‘Thánh’ ở đó mà chỉ có con người thôi. Mà đã là con người, thì dù ông Hồ Chí Minh có những điểm được cho là tốt, ông cũng sẽ có những điểm người ta gọi là điểm khuyết.
Tôi nghĩ rằng đối ở Việt Nam hiện nay có hai tình trạng, hay hai phía, một phía như ông Huy Đức, tác giả của sách Bên Thắng Cuộc, gọi là ‘Bên thắng cuộc’, và bên kia là ‘Bên thua cuộc’. Với Bên thua cuộc, người ta chỉ nhìn thấy cái được cho là xấu xa của nhân vật lịch sử này thôi, còn Bên thắng cuộc lại chỉ nhìn thấy những cái được coi là tốt của nhân vật lịch sử đó, mà không thấy được điểm khiếm khuyết của nhân vật đó. Cho nên cả hai cách nhìn nhận này đều không đạt được sự khách quan của nhận thức lịch sử.
Và tôi nghĩ rằng để có được một nhận thức khách quan về nhân vật lịch sử này, tức là cố Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh, phải nhìn nhận lại ông ấy như một con người có những điểm mạnh, nhiều điểm rất mạnh, nhưng đồng thời cũng có những điểm không mạnh, hay là như người ta gọi là điểm yếu.
Và khi dựng lại chân dung của ông, tiếp cận cân bằng đó mới giúp đạt được sự khách quan. Cái này còn tùy thuộc vào những nguồn sử liệu mà các nhà nghiên cứu có được, các nguồn sử liệu ấy phải chân thực, mà không phải là việc như người ta bịa tạc ra những chi tiết giống như là ông Giáo sư Hoàng Chí Bảo, ông ấy đã bịa ra rất nhiều chuyện về ông Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà theo nhận thức riêng của tôi thì đó không phải là nghiên cứu lịch sử".
Ảnh AFP chụp ngày 5/7/2022 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội và đăng trong sách của tác giả Trần Thị Minh Hà.
Đó là tuyên truyền, mà sự tuyên truyền ấy nhiều khi có hại hơn cho danh tiếng của ông Hồ Chí Minh, hơn là tôn vinh ông ấy.
Bởi vì một khi đã bịa tạc ra những thông tin về nhân vật lịch sử, thì đôi khi nó phản tác dụng, mang lại tác dụng ngược. Nhân câu hỏi của RFA đặt ra, tôi nghĩ rằng phương pháp khoa học lịch sử nghiên cứu về bất kỳ một nhân vật lịch sử nào, thì cũng đều phải tiến hành làm sao để nhà nghiên cứu đứng một cách khách quan và trung thực, và những nhận xét, kết luận của nhà nghiên cứu ấy phải được đặt trên những nguồn tài liệu đã được khảo cứu, được phê phán cẩn thận.
Và do đó sẽ tránh được tình trạng một nhân vật lịch sử này thì được ca tụng lên mây xanh, còn nhân vật lịch sử kia bị vùi xuống tận bùn đen.
Ở Việt Nam hiện nay chúng ta thấy có tình hình đó, những nhân vật của Bên thắng cuộc được đưa lên mây xanh, mà người đọc không thấy một điểm yếu, một điểm dở nào cả, trong khi tất cả những nhân vật lịch sử ấy đều là con người, và như thế họ phải có điểm dở, phải có điểm khuyết, vì không có ai tuyệt đối cả.
Đồng thời là với những nhân vật đối lập, ví dụ như ở phía chính quyền phía Nam Việt Nam trước kia (Việt Nam Cộng Hòa) là trường hợp của ông Tổng thống Ngô Đình Diệm, hay sau này là ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và trước nữa như là với các nhân vật lịch sử mà được giới sử gia ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa không coi là thuộc dòng của họ, như là Vua Gia Long, hay là Vua Lê Chiêu Thống.
Như thế có hai tuyến nhân vật, một tuyến được ca tụng, một tuyến bị vùi dập, cách tiếp cận như thế không dẫn tới nhận thức lịch sử một cách khách quan, tôn trọng sự thực, theo quan điểm của tôi".
Liều lượng môn học "Tư tưởng Hồ Chí Minh" trong nhà trường thế nào ?
Về liều lượng môn học về tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh một số môn học khác như triết học Marx-Lenin, lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam v.v., nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nhận xét :
"Câu hỏi về khía cạnh này rất hay, tôi có may mắn tham gia giảng dạy ở Khoa sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội vài chục năm, cho nên tôi có hiểu biết trực tiếp về câu chuyện này.
Môn của tôi dạy cho học trò là các sinh viên ở Khoa Sử là môn ‘Sử liệu học đại cương’ và môn ‘Phương pháp luận sử học’, đó là những môn mà chúng tôi nói với những học trò là những người nghiên cứu sử học tương lai, truyền cho họ tay nghề nghiên cứu.
Thời kỳ đầu, chúng tôi có 45 tiết một môn, nhưng từ khi thành lập môn ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’, thì hai môn mà tôi có may mắn được trình bày cho các học trò là sinh viên như nói ở trên đều bị cắt đi cả, mỗi môn đó bị cắt đi 15 tiết. Tức là từ 45 tiết, thì chỉ còn là 30 tiết một môn.
Và tổng cộng hai môn đó, chúng tôi bị cắt đi là 30 tiết, và tất nhiên là để dành cho môn ‘Tư tưởng Hồ Chí Minh’ rồi. Có thể nói là hai môn ở trên mà tôi giảng dạy là những môn học trang bị cho những người nghiên cứu sử học, nghiên cứu lịch sử tương lai kỹ thuật, tay nghề, phương pháp nghiên cứu và khảo cứu tài liệu lịch sử, cũng như nghiên cứu về hệ tư tưởng, quan điểm sử quan của nhà nghiên cứu, mà không chỉ của Marxism – Leninism, mà còn là của các trường phái triết học lịch sử khác nhau nữa của phương Tây và phương Đông.
Những môn đó, các học trò nói với chúng tôi rằng : ‘Những môn đó đang rất quan trọng đối với chúng em, thì lại bị cắt đi, trong khi chúng em đã phải học môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam rồi, một Triết học Marx – Lenin rồi, môn Kinh tế Chính trị học Marx – Lenin rồi, bây giờ lại phải học thêm môn Tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nữa !’
Ở Việt Nam có nhiều môn học mang tính chính trị như những môn mà tôi vừa kể, cũng như là có một sự lãng phí nhất định, ví dụ người ta đưa vào cả chương trình Quân sự học đường, những cái đó chiếm một phần đáng kể thời gian của học trò, sinh viên, và do đó với chuyện học nghề, học tay nghề thực sự của sinh viên, thời gian quý báu mất đi rất là nhiều.
Những môn phụ đó, trong đó có môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, chiếm rất nhiều thời gian, mà tổng thời gian học tập của sinh viên thì giới hạn, tôi lấy thí dụ và xin ví tỷ lệ là 10/10 đi, mà bây giờ đưa vào những môn như thế vào như vậy, thời gian thực dành cho những môn chuyên môn, những môn tay nghề của người học chỉ còn lại 7/10 hay 6/10 thôi, vậy nên chất lượng đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp của sinh viên ở Việt Nam, trong đó có sinh viên tu nghiệp ngành sử học, bị ảnh hưởng là chuyện đương nhiên".
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 19/05/2023
Ông Lê Văn Sinh là nhà nghiên cứu lịch sử, cựu Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, sau này là Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi ông có thời gian giảng dạy vài chục năm về các phương pháp nghiên cứu lịch sử, các phương pháp khảo cứu các nguồn tài liệu lịch sử, ngoài ra ông cũng được biết đến qua một số nghiên cứu, khảo cứu vấn đề kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hợp tác hóa nông nghiệp, biến đổi kinh tế Việt Nam trong thời kỳ quá độ sang thời kỳ Đổi mới và cho đến hiện nay.