Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/05/2023

60 năm sau vụ Thích Quảng Đức tự thiêu

Huyền Linh – Long Đức, Ngọc Lan

60 năm sự kiện "Pháp nạn Phật giáo Việt Nam"

Huyền Linh – Long Đức, VNTB, 25/05/2023

Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi, Huế, sáng ngày rằm tháng tư năm Quý Mão 1963, một cuộc rước Phật truyền thống được cử hành từ chùa Diệu Đế về Từ Đàm với hàng trăm ngàn tăng, tín đồ với các biểu ngữ : Kính mừng Phật Đản – Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ – Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chính pháp dù phải hy sinh – Yêu cầu Chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng – Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào…

tuthieu1

Tưởng nhớ 60 năm ngài Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Lễ Phật đản Phật lịch 2507 thành tựu, và tối hôm đó, đoàn người từ các nơi vân tập về Đài Phát Thanh để đón nghe chương trình Kỷ niệm Phật Đản theo thông lệ hằng năm, nhưng năm nay Đài không những không cho phát thanh mà đến 21 giờ, một lực lượng quân đội cảnh sát, mở cuộc đàn áp, kết quả có 8 Phật tử đã chết.

Trước sự kiện giọt nước tràn ly này, năm cấp Trị sự Phật giáo toàn quốc – Trung Phần và Thừa Thiên ra bản Tuyên Ngôn mở đầu cho cuộc vận động đòi quyền "bình đẳng và tự do tôn giáo" với 5 nguyện vọng như sau :

1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt Giáo kỳ của Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.

Ngày 25/5/1963, tại thủ Đô Sài Gòn, Ban Trị sự Trung ương Tổng hội Phật giáo Việt Nam triệu tập một cuộc họp gồm 10 giáo phái, Hội đoàn Nam, Bắc Tông và Phật giáo Hoa – Miên tại chùa Xá Lợi, đã đi đến thống nhất thành lập Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, do hòa thượng Thích Tâm Châu làm chủ tịch, đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết, và đồng lòng thông qua tuyên ngôn với 2 nội dung :

1. Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam, đã ghi trong bản tuyên ngôn nói trên.

2. Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy.

Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết đã ra lời hiệu triệu và diễn từ ngày 1/6/1963 với tôn lệnh :

1. "Bất bạo động" đến kỳ cùng.

2. Trước khi mặt trời lặn và mặt trời mọc, tức ban đêm, các Phật tử tuyệt đối không xê dịch, tụ tập ngoài đường.

3. Nhưng được phép tùy nguyện biểu lộ nguyện vọng của mình kể từ sau giờ này miễn là 2 nghiêm lệnh trên phải giữ.

Khâm tuân tôn lệnh, nhận thức được giai đoạn một mất một còn của Phật giáo, với ý thức bảo vệ Đạo pháp, các Tỉnh Giáo hội, tăng, ni, Phật tử từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau đồng loạt tổ chức tuyệt thực. Hàng ngàn thanh niên, học sinh, sinh viên, Hướng đạo Phật tử và Gia Đình Phật Tử đã gửi Kiến nghị lên Tổng Thống, tổ chức tuyệt thực đòi thực thi nghiêm chỉnh chính sách " Bình đẳng tôn giáo".

Ngày 11/6/1963 (tức ngày 20 tháng tư nhuần năm Quý Mão), trong cuộc biểu tình của hơn 800 tăng, ni, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu thân cúng dường chánh pháp, bảo vệ đạo với tâm nguyện thiết tha :

"Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh

Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác

Tro trắng phẳng san hố bất bình".

Với sức nóng cả ngàn độ nhưng không thiêu được trái tim kim cang bất hoại của vị Bồ tát "vị pháp thiêu thân".

Một điều cần lưu ý là tất cả diễn biến trên được cho rằng có bàn tay đạo diễn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Theo một tham luận tại hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới : cơ hội và thách thức", do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, có chi tiết là trong báo cáo về tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận lần thứ II (1/1/1964) viết : "Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam. Phong trào được xem như là sự kiện mở đầu phong trào đô thị sau hơn 9 năm dưới chính quyền phát-xít Mỹ-Diệm…. được ghi nhận như là một sự kiện lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất".

Như vậy, xem ra ‘đổ dầu vào lửa’ ở sự kiện được gọi là pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963, không thể phủ nhận ‘đứng sau giựt dây’ là tổ chức có tên Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

tuthieu2

Công viên tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức tại góc đường Cách mạng tháng tám – Nguyễn Đình Chiểu (tên cũ là Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng) quận 3, Sài Gòn.

tuthieu3

Vị trí Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân tại góc đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, 60 năm về trước.

Triển lãm đề cao thông điệp hòa bình thế giới bắt đầu từ hòa bình nội tâm, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 sắp đến.

Phong trào Phật giáo miền Nam (1963) đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử Việt Nam với không ít tranh luận trái chiều, khi được đánh giá đây là sự kiện lịch sử quan trọng góp phần vào thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam, lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963.

Huyền Linh – Long Đức

Nguồn : VNTB, 25/05/2023

***********************

Sự hậu thuẫn của miền Bắc đối với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963

Ngọc Lan, VNTB, 25/05/2023

Liệu bàn tay của cộng sản miền Bắc ‘nhúng’ đến đâu trong sự kiện được gọi là "Pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963"… ?

tuthieu4

Câu trả lời có thể được tìm thấy qua đúc kết các tham luận tại hội thảo khoa học : "Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân" hiện còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ở Sài Gòn.

Theo ghi nhận của hai tác giả Triệu Xuyên và Hoàng Chí Hiếu, thì trong mối quan hệ giữa miền Bắc với phong trào này vẫn còn nhiều điều chưa được giải mật, và sự thật ra sao vẫn còn là các đồn đoán của thuyết âm mưu từ các phía liên quan, nhất là nhiều nhà sư ở biến cố này về sau đã là chức sắc tôn giáo được Hà Nội trọng dụng lúc "thống nhất các tổ chức Phật giáo" thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tư liệu của Triệu Xuyên – Hoàng Chí Hiếu cho biết, lúc mà phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 bùng nổ với sự kiện ngày 7/5/1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo thế giới trong Đại lễ Phật đản 1963 bằng Công điện số 9195 ngày 6/5/1963, và hôm sau (8/5/1963), xảy ra vụ thảm sát đẫm máu tại Đài phát thanh Huế, làm tám Phật tử bị thiệt mạng ; thì sau vụ thảm sát 48 tiếng đồng hồ, ghi nhận việc đưa tin sớm nhất là thuộc về Đài phát thanh Hà Nội.

Tiếp theo, xã luận báo Nhân dân ngày 15/5/1963 đã viết : "Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật và các tầng lớp đồng bào khác ở Huế là một cuộc đấu tranh chính nghĩa được nhân dân cả nước ủng hộ. Nhân dân miền Bắc vô cùng khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Huế được sự ủng hộ rộng rãi ở miền Nam. Chúng ta tin chắc cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của đồng bào Huế và ở toàn miền Nam mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng".

Tiếp theo, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, dưới sự dẫn dắt của Đảng, nhân dân miền Bắc đã dấy lên một phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của tăng Ni, Phật tử miền Nam và tố cáo tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Ngày 29/5/1963, Hội các luật sư tại Hà Nội đã ra tuyên bố phản đối hành động của "Chính phủ Việt Nam cộng hoà" đã vi phạm hiệp định Genève và những bản tuyên bố về nhân quyền của Liên hợp quốc ; kêu gọi Hội luật gia dân chủ quốc tế và các hội luật gia thợ thuyền trên thế giới lên án "Chính phủ Việt Nam cộng hoà" và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam.

Ngày 3/6/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp cuộc đấu tranh của sinh viên Huế ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo. Sau khi nhận được tin này, Đảng đã tổ chức cho nhân dân Hà Nội mít-tinh, biểu tình lên án Mỹ – Diệm.

Tối ngày 5/6/1963, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội liên hiệp sinh viên và Hội thanh niên Việt Nam, 5 vạn sinh viên các trường đại học và học sinh các trường chuyên nghiệp và phổ thông ở Hà Nội họp mít-tinh tại Nhà hát thành phố, ra tuyên bố tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm và bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của sinh viên và tín đồ Phật giáo miền Nam.

Nổi bật nhất là Lời tuyên bố của người đứng đầu Đảng – chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28/8/1963 đã đưa ra tuyên bố, trong đó có đoạn : "…Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng.

(…) Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất định giành được thắng lợi cuối cùng".

Trong "Lê Duẩn. Thư vào Nam", nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985, trang 248, có đoạn tái khẳng định về sự hẫu thuẫn của Hà Nội đối với biến cố được gọi là Pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963 : "Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng , đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng để cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại…

Ghi nhận tại hội thảo khoa học : "Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân", vẫn còn những quan điểm trái chiều, khi có ý kiến rằng biến cố Phật Đản 63 thường được sử sách nhắc tới nhiều cách khác nhau, như vụ Đài Phát Thanh Huế, vụ cờ Phật giáo, phong trào Phật giáo chống chính quyền, phong trào tranh đấu Phật giáo, vụ Phật Đản 63…

Sử sách đa chiều cho đến bây giờ cũng chưa đồng ý về một vài điểm như lệnh cấm treo cờ Phật giáo, như điều gọi là bài diễn văn của thượng tọa Trí Quang trong lễ Phật Đản 63, cuộc biểu tình tại Đài Phát Thanh Huế đêm Phật Đản, thỏa hiệp giửa chính quyền và Phật Giáo sau vụ Đài Phát Thanh Huế, Hoa Kỳ và biến cố 1963, chiến dịch Nước Lũ 20/8, việc thượng tọa Trí Quang tỵ nạn chính trị trong Tòa Đại Sứ Mỹ, Phật Giáo và Cách Mạng 1/11 v.v…

Giải mật cho biến cố Phật Đản 1963 tại Huế, đến nay dù đã 60 năm nhưng dường như lịch sử vẫn mang tính "định hướng chính trị" của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 25/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huyền Linh – Long Đức, Ngọc Lan
Read 279 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)