Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/05/2023

Cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc Phương

Cần thiết và phải khả thi !

Một tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam liên quan thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam ông Nguyễn Chí Dũng trình bày hôm 26/5/2023 tại phiên họp thứ năm, Quốc hội Việt Nam khóa 15.

Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có bảy nhóm cơ chế, chính sách với 44 nội dung cụ thể, bên cạnh đó là các chính sách mới lần đầu được quy định với bốn nhóm vấn đề là đầu tư ; tài chính - ngân sách ; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

coche1

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần cơ chế thật sự đặc thù

Hôm 26/5 từ Sài Gòn, ông Bùi Kiến Thành, kinh tế gia, cựu cố vấn về kinh tế, phát triển và hội nhập của Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây, đưa ra bình luận về diễn biến trên với Đài Châu Á Tự Do :

"Cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết, vì trong cả đất nước, thành phố này có cả một lịch sử, có sẵn cả một hệ thống xã hội, kinh tế đặc biệt, để có thể áp dụng những phương pháp tân tiến nhất và dân chủ nhất đối với vấn đề phát triển. Như vậy là có một nền tảng để xây dựng nên một điều gì mới.

Nhưng đó là điều mà nhà nước Việt Nam cần phải làm, song làm như thế nào thì cần phải nói rõ, còn gần như những gì mà Nhà nước đưa ra và Quốc hội trước đây thảo luận gần như là xào nấu lại những công thức cũ, do đó chưa đạt. Bây giờ cơ chế mới đặt ra với Thành phố Hồ Chí Minh phải thực sự thuyết phục rằng đó là những cơ chế thật sự đặc thù, mà hiệu quả, khả thi, bền vững, chứ không phải là xào đi, xào lại những tiếp cận, phương pháp đã cũ rích rồi".

Vậy khía cạnh nào cần quan tâm đầu tiên trong cơ chế đặc thù này nếu xét từ kinh nghiệm quốc tế, khu vực hay nước ngoài, mà Quốc hội Việt Nam và những nhà hoạch định chính sách cần lưu ý, Kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói tiếp :

"Vấn đề thứ nhất là cơ chế về luật pháp, rồi cơ chế về hành chính, trong đó có những vấn đề về quản lý nhà nước, những vấn đề về quản lý tài chính, mà đó là kinh nghiệm từ các cơ chế đặc thù với nhiều nơi khác ở quốc tế và khu vực mà Việt Nam cần nghiên cứu. Ví dụ như cơ chế đặc thù của Thâm Quyến, của Phố Đông, Thượng Hải ra sao v.v. Điều quan trọng là nghiên cứu, tham khảo để làm sao khi ra cơ chế, Thành phố Hồ Chí Minh không bị gò bó vào những cái cứng nhắc của thể chế hiện nay. Phải tạo ra được những điều kiện để thành phố này thoát ra khỏi những thể chế mà không tạo được sức mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, và thay bằng những thể chế mới, trong đó có những vấn đề như hành chính, tài chính, thuế má, và một điều quan trọng nữa mà không riêng của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với thành phố này cực kỳ quan trọng, đó là vấn đề đất đai, nếu đổi mới trong quyền sở hữu về đất đai như một thí điểm, thì chỉ riêng một vấn đề đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến bộ rất nhiều.

Nhân đây, tôi xin nói thêm rằng chính quyền và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam của Thành phố Hồ Chí Minh cần phải làm một điều là soi rõ ra những trách nhiệm và quyền hạn của mình như thế nào, để thực hiện tới nơi, tới chốn tất cả những vấn đề gì trong quyền hạn của mình để thành phố có thể phát triển một cách tốt. Hiện nay, một phần lớn những người làm trong chính quyền không chịu lãnh trách nhiệm, không có sự sáng tạo, có nhiều khi sợ sệt, không dám làm gì để khỏi bị tội này, tội kia v.v., đó là một hệ lụy rất lớn, mà nếu không giải quyết ngay vấn đề tâm lý, tinh thần này, cứ để kéo dài như thế, thì thành phố này không thể ngóc đầu dậy nổi".

Qua đó, kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho rằng ban lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh không nên chờ thụ động, mà cần phải có sự quyết đoán để đột phá trong vấn đề quản lý nhà nước, để mọi người đều hăng hái hơn và lãnh trách nhiệm với những việc mình đang làm.

Cựu cố vấn về kinh tế, phát triển và hội nhập của Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắn góp ý rằng :

"Đừng như vị lãnh đạo Đảng cấp cao nào nói rằng ‘anh không làm được, thì tự lùi ra để người khác làm’. Nói như thế là chưa chuẩn, chưa đúng, chưa đủ, bởi vì trong việc công vụ này, không phải là để cho ai tùy tiện mà làm, mà rút. Đã là người quản lý thì phải quyết được rằng ‘anh này làm được, anh kia không làm được’, những ai mà không làm được, thì lãnh đạo phải quyết và chủ động đưa họ ra một bên, để thay người khác vào làm. Lãnh đạo là phải làm như thế, chứ không có chuyện như tôi vừa nói là người nào đó làm không được, thì bảo rằng tự họ đứng ra một bên. Tức là tôi muốn nói rằng trong quản lý đảng và nhà nước, cần phải có sự quyết liệt hơn, và người lãnh đạo thì cần phải có khả năng có những hành động quyết đoán, chuẩn xác và chính xác hơn trên vị trí của người lãnh đạo".

Mong muốn đã từ hơn hai chục năm

Cũng trong dịp này, từ Sài Gòn, ông Trường Quân, một nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật nêu quan điểm từ góc độ cá nhân với Đài Châu Á Tự Do :

"Từ lâu Thành phố Hồ Chí Minh đã muốn có một cơ chế riêng và theo tôi được biết người ta đã nêu vấn đề này từ khoảng chừng hơn 20 năm nay rồi. Theo mô hình ở Việt Nam tất cả các thành phố đều có một mô hình chung, đó là có Ủy ban Nhân dân, có Hội đồng Nhân dân, đều giống như nhau, trong khi thực tiễn thì các thành phố khác nhau rất nhiều.

Có thể so sánh để thấy Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội lớn của cả nước, thậm chí là lớn nhất nước, nếu mà quản trị một thành phố lớn nhất nước như thế, thì không thể quản trị giống như với một tỉnh heo hút như ở miền núi phía Bắc của Việt Nam được.

Nó khác nhau rất nhiều, trong khi theo mô hình ở Việt Nam thì đều như nhau hết và điều này dẫn đến việc cản trở của sự phát triển. Tôi còn nhớ hồi ông Nguyễn Minh Triết còn làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông nói là Hà Nội xây được bao nhiêu cây cầu bắc qua sông Hồng, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xây được cây cầu nào mới ra hồn nào bắc qua sông Sài Gòn, để cho thấy đầu tư công ở thành phố này rất ít, trong khi thành phố này thu ngân sách ‘khủng’ nhất nước, với trung bình một ngày thu một ngàn tỷ đồng, nhưng mà mãi đến vừa rồi Thành phố Hồ Chí Minh mới đấu tranh để giữ lại được cho mình 18% trên tổng ngân sách thu được, trước khi nộp đi".

Bày tỏ quan tâm về khía cạnh nhân sự lãnh đạo của thành phố như một điểm lưu ý, ông Trường Quân nói thêm :

"Nhân đây tôi muốn nói thêm mấy vấn đề nữa của thành phố cũng rất quan trọng, đầu tiên là trường hợp của ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thì ông ta đã bị kỷ luật, đương nhiên là kỷ luật ở trong một nhiệm kỳ của ông ta thôi. Ông ta nắm hai nhiệm kỳ Bí thư thành ủy này, thì một nhiệm kỳ ông ta đã chịu kỷ luật, nhưng về việc nhân sự không nên phụ thuộc vào một người. Mặc dù như bây giờ chúng ta biết rằng ông Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng được nhiều người đánh giá cao, nhưng chẳng lẽ một sự phát triển của một thành phố rộng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ phụ thuộc vào một người, như thế tôi nghĩ cũng không đúng. Mà nó phải có một cơ chế cho nhiều người, như thế mới tồn tại, mới phát triển được, còn phụ thuộc vào một người thì khi người đó có vấn đề gì, thì cũng rất khó, và kinh nghiệm đã cho thấy vấn đề đó.

Song tôi nghĩ cơ chế đặc thù như tờ trình hôm nay được báo cáo trước Quốc hội, nếu có được thông qua cuối cùng, thì nó cũng chỉ là bước đầu tiên, và cách làm ở Việt Nam vẫn luôn là thận trọng, nên có thể người ta sẽ ‘mở cửa’ chút xíu, tí ti ban đầu, sau đó mới đánh giá, xem xét, rút kinh nghiệm. Thành công rồi, họ mới bắt đầu mở tiếp, mỗi lần mở như thế, có khi phải mất nhiều năm, có trường hợp tới cả vài chục năm. Cho nên không nên kỳ vọng vào chuyện có ngay một cơ chế đặc thù, mà sẽ phải mất thời gian chờ đợi, chuyện này cũng đúng thôi vì cái gì cũng có tính hai mặt. Trong trường hợp này, hiệu quả hợp lý, tốt, thì sẽ tốt, còn nếu không thì do quy mô của Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, nếu có vấn đề gì, nó sẽ ảnh hưởng ngay tới cả nước. Chính vì vậy, người ta thận trọng cũng có thể cần thiết và hiểu được, nhưng tôi xin nhắc lại, cũng không nên quá kỳ vọng vào một cơ chế có ngay được".

Khi được hỏi, vậy trước mắt, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nên ưu tiên vấn đề trọng tâm nào, nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật Trường Quân từ Thành phố Hồ Chí Minh nói :

"Để vực dậy một nền kinh tế ở một thành phố lớn nhất nước như thế mà đang gặp những khó khăn như hiện nay, thì có rất nhiều việc cần phải làm và làm ngay. Thành phố Hồ Chí Minh sau dịch Covid-19 đã mở cửa trở lại và trong đó có mở nhiều mặt bằng, nhưng gần đây rất nhiều mặt bằng và những cửa tiệm đã phải đóng cửa, vì nền kinh tế vẫn còn khó khăn, do đó người dân phải thắt lưng buộc bụng. Thành phố vẫn còn có nhiều tiền, nhưng để giải quyết những khó khăn, có rất nhiều việc phải làm, trong đó có một lĩnh vực có sức thúc đẩy mạnh là khu vực bất động sản, nhưng lĩnh vực này không chỉ của riêng Thành phố Hồ Chí Minh để mà quyết, mà nó đụng tới cả trung ương, tức là tất cả những vấn đề về luật lệ, chính sách đều đụng chạm tới trung ương, mà riêng thành phố ra thì không thể làm được.

Thứ hai là có những ngân sách để giúp đỡ người nghèo, thậm chí là hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhưng không giải ngân được, chỉ vì thủ tục quá nhiêu khê, đó là vấn đề phải gỡ ngay. Có tiền để giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ doanh nghiệp đấy, chứ không phải là không có, mà không sài được vì quy chế, vì quy định, vì chính sách, cái đó tôi xin nhắc lại là phải làm để tháo gỡ ngay".

Ngoài ra, trong nhiều điều cần thiết khác mà lãnh đạo TP lớn nhất nước nên lưu ý đó là cần tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp phát triển. Bởi lẽ theo ông Quân, hiện nay các doanh nghiệp bị nạn tham nhũng tấn công, trong một ma trận thủ tục kinh khủng, khiến doanh nghiệp bị ‘hút máu’, mà như thế thì họ không thể sống được, mà doanh nghiệp, doanh nhân không sống được, thì thành phố này và người dân của nó sẽ bị ảnh hưởng và đất nước Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 26/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Kiến Thành, Quốc Phương
Read 7460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)