Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2023

‘Điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự

Hoài Nguyễn - RFA tiếng Việt

Thuế thu nhập cá nhân là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự ?

Đúng là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam nằm trong chuyện "khai thuế thu nhập cá nhân"

1thue1

Nhà hoạt động môi trường hàng đầu của Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt với cáo buộc "trốn thuế"

Hôm 2/6, gia đình, các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc bày tỏ sự quan ngại về việc nhà hoạt động môi trường hàng đầu của Việt Nam Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt với cáo buộc "Trốn thuế", nói rằng vụ bắt bớ này có động cơ chính trị.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc tổ chức GreenID nhận giải thưởng môi trường Goldman năm 2018, bà sau đó bị đi tù vì bị cáo buộc "trốn thuế" đối với giải thưởng này ; tức bà đã không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân từ khoản thu nhập đột xuất này.

"Những người như là ông Hoàng Ngọc Giao, là một nhà phản biện mà Viện nghiên cứu của ông cũng là thành viên trong Liên hiệp hội (Vusta), cũng được hoạt động chính thức, hay như trường hợp với bà Ngụy Thị Khanh, cũng đứng đầu một Trung tâm hoạt động được đăng ký với Vusta, và những ý kiến đó cũng là những ý kiến phản biện, nhưng người ta cho rằng "không phù hợp" với những quy định nào đó, những định hướng chính sách của họ, nên họ thậm chí đầu tiên buộc tội là "trốn thuế", sau đó mới đến buộc tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" để mà "chống lại đất nước", những cái đó làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam".

Đoạn trích ở trên là ý kiến nhận xét của ông Trần Tiến Đức, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam.

Nhìn thuần giác độ pháp luật thuế, thì đúng là ‘điểm yếu’ của những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam nằm trong chuyện "khai thuế thu nhập cá nhân".

Đơn cử, pháp luật Việt Nam không cho phép người dân gửi tin, bài cộng tác với báo chí nước ngoài với nội dung mà nhà chức trách tự cho là : Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân ; Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân ;

Gây chiến tranh tâm lý ; Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo ; Xuyên tạc lịch sử ; phủ nhận thành tựu cách mạng ; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc…

Để phân định các hành vi cáo buộc trên, trong rất nhiều trường hợp là không mấy dễ dàng nếu như tôn trọng sự độc lập về quyền tự do biểu hiện tư tưởng, chính kiến, niềm tin tôn giáo.

Thế nhưng với các điều luật hình sự 117, 331, gần như "đe dọa" tất cả những tiếng nói phản biện đi ngược lại với định hướng chính trị của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Mà đã gọi là "phản biện độc lập" thì không thể là hành động ve vuốt, xu nịnh về một quyết sách, chính sách nào đó từ cấp lãnh đạo tối cao.

Vậy là các "nhà báo nhân dân" khi gửi cộng tác với báo chí nước ngoài, hoặc những trang mạng xã hội trung lập, thường không thể "kê thu nhập" từ các khoản nhuận bút thù lao. Và điều này dẫn đến cáo buộc hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân.

Cuộc mặc cả ở đây rằng nếu vị "nhà báo nhân dân" đó muốn tiếp tục cộng tác, thì phải thay đổi cách viết, liều lượng phản biện ; nếu không đồng ý thì rất có thể đối mặt nhẹ nhất là điều luật 331, và thường sẽ là 117 – một điều luật mà người bị cáo buộc khi khoác áo tù, họ sẽ không bao giờ được hưởng quyền ân xá, miễn giảm trong các sự kiện chính trị.

Chính các vấn đề pháp lý ở trên đã góp phần giải thích vì sao Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đức Thắng rất mạnh miệng nói ở cuộc họp báo chiều 1/6 : "Tại Việt Nam, các cá nhân, hội, tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định, đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành động của mình. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, những người vi phạm pháp luật sẽ phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 03/06/2023

***********************

Công văn Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh hé lộ điều gì quanh chuyện thuế của bà Minh Hồng ?

BBC, 02/06/2023

Ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định thông tin nhà hoạt động môi trường nổi tiếng - Hoàng Thị Minh Hồng - bị bắt với cáo buộc trốn thuế.

thue2

Bà Hoàng Minh Hồng (áo dài, giữa) chụp ảnh cùng cựu tổng thống Mỹ Obama và các học giả Quỹ Obama

Sự kiện này làm rúng động cộng đồng quốc tế, bởi bà Hồng từng là một trong những cá nhân tiêu biểu hoạt động tích cực hàng chục năm nay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đạt những thành tích đáng nể được quốc tế công nhận.

Bà Hồng bị bắt trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán với quốc tế để nhận được 15,5 tỷ USD tài trợ để thực hiện chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch.

Ngay sau sự việc bốn nhà hoạt động môi trường là Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh bị bắt về tội trốn thuế hồi 2021-2022, bà Hồng đã xin ý kiến chỉ đạo chính thức từ Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh về tình trạng thuế của tổ chức CHANGE - nơi bà làm giám đốc, theo ông Ben Swanton, đồng Giám đốc Dự án 88 (Project88) hoạt động vì nhân quyền Việt Nam.

Công văn Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh

Theo công văn của cơ quan thuế trả lời bà Hồng mà BBC có trong tay, theo đó, Công văn Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/4/2022 viết :

"Trả lời văn bản số 04/0322/CV-CHANGE ngày 07/03/2022 của Trung tâm hành động và liên kết vi môi trường và phát triển (sau đây gọi là Trung tâm) về việc xuất hóa đơn đầu ra, hoàn thuế GTGT và các loại thuế dành cho tổ chức phi lợi nhuận.

Về vấn đề này, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh có kiến như sau :

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) ; Căn cứ khoản Điều Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) :

"Thu nhập được miễn thuế...7. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.

Trường hợp tổ chức nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì tổ chức nhận tài trợ phải tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.

Tổ chức nhận tài trợ quy định tại khoản này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê.

Căn cứ quy định trên : Trường hợp Trung tâm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê nhận tài trợ sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam thì khoản tài trợ này là thu nhập được miễn thuế TNDN theo quy định.

Trường hợp Trung tâm nhận tài trợ sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ trên thì phải tính nộp thuế TNDN tính trên phần sử dụng sai mục đích trong kỳ tính thuế phát sinh việc sử dụng sai mục đích.

Khi nhận khoản tài trợ Công ty lập chứng từ thu (không lập hóa đơn). Trường hợp Trung tâm nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như quảng cáo, ... thì Trung tâm phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế (thuế GTGT, TNDN) theo quy định.

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh trả lời Trung tâm biết và thực hiện".

Bình luận với BBC về sự việc này, TS Ben Swanton, đồng Giám đốc Dự án 88 (Project88) hoạt động vì nhân quyền Việt Nam, nói :

"Ý kiến này là bằng chứng về tình trạng miễn thuế của CHANGE. Vì vậy, việc bây giờ công an buộc bà Hồng tội trốn thuế là hoàn toàn bất hợp pháp", ông Ben Swanton nói với BBC News tiếng Việt.

Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 2/6, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) nói tổ chức này 'vô cùng quan ngại trước việc nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt giữ".

OHCHR bày tỏ lo ngại trước xu hướng bắt giữ các nhà hoạt động môi trường và quy họ vào tội 'trốn thuế' của chính phủ Việt Nam, đồng thời kêu gọi Hà Nội xem xét lại các luật liên quan để đảm bảo chúng hoàn toàn tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

'Người truyền cảm hứng cho Obama'

Bà Hoàng Minh Hồng từng là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn đặt chân tới Nam Cực.

Bà là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất toàn cầu do tạp chí Forbes bình chọn năm 2019.

Bà cũng là người Việt đầu tiên giành học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Comlumbia.

Năm 2015, tổ chức Climate Heroes vinh danh bà Hồng là 'người hùng khí hậu'.

Tổng thống Obama từng đăng trên Twitter của ông năm 2018, rằng Hoàng Thị Minh Hồng là một những người trẻ đã 'truyền cảm hứng cho ông'.

Bà Hoàng Minh Hồng từng làm việc cho WWF, tham gia bảo tồn và cứu hộ các loài động vật hoang dã. Sau này, bà đứng ra hoạt động độc lập, thành lập CHANGE (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển), thu hút nhiều bạn trẻ tham gia thay đổi nhận thức về môi trường cho cộng đồng.

'Đột kích và thẩm vấn'

Theo các nguồn tin mà BBC nhận được, công an đột kích vào văn phòng của CHANGE hôm 30/5, tịch thu các thiết bị và ngăn không cho nhân viên rời đi.

thue3

Chị Hoàng Minh Hồng trong lần thứ hai gặp cựu Tổng thống Mỹ Obama

Bà Hồng và chồng bị giam giữ, sau đó chồng bà Hồng được thả.

Cấp phó của bà Hồng và kế toán của bà cũng bị thẩm vấn.

Có ít nhất năm người vẫn đang bị cảnh sát thẩm vấn trong sáng 1/6.

Ông Ben Swanton, tác giả báo cáo  công phu mới công bố gần đây về vụ việc bốn nhà hoạt động môi trường bị bắt về tội trốn thuế, đã chỉ ra sự mơ hồ của luật thuế Việt Nam.

Báo cáo chỉ ra rằng luật thuế Việt Nam đã được 'vũ khí hóa' để bịt miệng những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc chính phủ Việt Nam có thực hiện các cam kết về môi trường để nhận được khoản tài trợ 15,5 tỷ USD hay không.

Ông Swanton chỉ ra rằng những gì xảy ra với bà Hồng cũng giống với kịch bản đã xảy ra với bốn nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách và Bạch Hùng Dương.

"Việc bà Hồng bị bắt vào thời điểm này là do bà là một trong những nhà hoạt động khí hậu độc lập nhất trong nước hiện chưa ngồi tù. Bà có thể buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về những lời hứa mà họ đã đưa ra trong khuôn khổ Sáng kiến chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP)", theo ông Swanton.

Kế hoạch triển khai JETP hiện đang được đàm phán giữa Việt Nam và các nước G7. Việt Nam đã được hứa tài trợ 15,5 tỷ USD thông qua sáng kiến này.

"Với việc bà Hồng bị giam giữ, không còn xã hội dân sự nào để đảm bảo rằng chính quyền sẽ chuyển đổi khỏi nhiệt than và nhiên liệu hóa thạch như họ đã hứa", ông Swanton nói.

Sự đóng cửa của CHANGE

Năm 2022, cùng hàng loạt các NGO khác của Việt Nam, CHANGE đóng cửa.

Đây được cho là động thái nhằm bảo vệ chính mình của các NGO sau khi bốn nhà hoạt động môi trường bị bắt với cáo buộc trốn thuế.

Giám đốc một tổ chức NGO nói với BBC trong điều kiện giấu tên rằng luật thuế Việt Nam rất 'mù mờ'.

Theo luật, các khoản tài trợ nước ngoài cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu, giáo dục, nhân đạo tại Việt Nam thì sẽ được miễn thuế và khi nhận tài trợ thì không cần làm hóa đơn mà chỉ lập chứng từ thu. Nếu dùng cho các mục đích khác thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vị này nói rằng luôn luôn có những hoạt động phát sinh mà cán bộ thuế có thể khép ngay tổ chức NGO vào tội trốn thuế vì đã sử dụng nguồn tiền tài trợ 'sai mục đích'.

Bên cạnh đó, do các NGO địa phương đặt dưới sự quản lý của Hiệp hội Các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mọi dự án của NGO đều phải thông qua VUSTA. Tuy nhiên, thời gian để thẩm định, phê duyệt thường kéo dài rất lâu nên đã có lúc có sự 'thống nhất' ngầm để các NGO cứ triển khai dự án trước khi chờ được phê duyệt.

Các điều khoản quy định về thuế lại mù mờ khiến nhiều NGO không rõ mình được xếp vào loại hình thuế nào và ngay cả khi liên lạc với Cục thuế để hỏi thì cũng nhận được hướng dẫn chung chung.

Việc này càng dễ dàng đẩy các nhà quản lý NGO vào vòng lao lý.

Trên thực tế, bà Hồng đã lo lắng rằng điều này có thể xảy ra với mình nên vào ngày 24/8/2022, bà thông báo cho VUSTA về quyết định đóng cửa CHANGE.

Tuy nhiên, VUSTA không cho phép bà đóng cửa tổ chức, theo thông tin từ Dự án Project88.

Thay vào đó, Cục thuế khóa mã số thuế của CHANGE, "qua đó ngăn cản tổ chức này thực hiện các khoản nộp thuế tiếp theo", ông Swanton nhận định.

"Tôi cho rằng đây là một mánh khóe được sử dụng để giữ cho CHANGE trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý. Bằng cách ngăn CHANGE thanh toán thuế, công an có thể duy trì mối đe dọa truy tố bà Hồng, với tư cách là đại diện của CHANGE, vì tội trốn thuế doanh nghiệp".

Tiếng nói từ các tổ chức quốc tế

Tiến sĩ Swanton cho rằng các quốc gia đang tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam (Liên minh Châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ý, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy) nên đưa ra các tuyên bố công khai ngay lập tức yêu cầu trả tự do cho bà Hồng.

Họ cũng nên cho chính phủ Việt Nam biết rằng sẽ không có một đồng đô la nào trong số 15,5 tỷ USD được chuyển dưới gói tài trợ JETP cho đến khi các ông bà Hoàng Hồng, Đặng Đình Bách và các nhà hoạt động khí hậu khác được trả tự do khỏi việc giam giữ tùy tiện.

"Việc giam giữ bà Hồng mà không có cáo buộc nào cả là một cái tát mạnh vào mặt cộng đồng quốc tế. Nó chứng tỏ rằng, trái với luận điệu tuyên truyền của mình, chính phủ Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và không muốn xã hội dân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước. Thay vào đó, chính quyền muốn chính sách do nhà nước và đảng quyết định, với rất ít sự tham gia của người dân- những người bị xem là khán giả", đại diện Dự án 88 nói.

Bình luận về vụ bắt giữ bà Hồng, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Châu Ấ (HRW) cũng cho rằng các nước Hoa Kỳ, EU và các chính phủ khác đang xếp hàng để cung cấp nguồn lực cho các chương trình biến đổi khí hậu của Việt Nam 'nên lấy làm quan ngại' về diễn biến này.

"Nếu không có sự tham gia của người dân vào chính sách môi trường được huy động thông qua nỗ lực của Hồng và các tổ chức xã hội dân sự khác, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam sẽ bị thiếu hụt và thất bại".

"Để giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường sắp xảy ra của đất nước, chính phủ nên hoan nghênh những nỗ lực mang tính xây dựng của một loạt các nhóm chính thức và không chính thức. Việt Nam không nên biến các doanh nhân và các tổ chức độc lập thành đối tượng để đàn áp tùy tiện, hoặc coi các nhà bảo vệ môi trường như kẻ thù". ông Robertson phát biểu.

Nguồn : BBC, 03/06/2023

***************************

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ quan ngại về việc bắt nhà hoạt động Hoàng Minh Hồng

RFA, 02/06/2023

"Biện pháp tạm giam nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng khiến chúng tôi vô cùng quan ngại".

thue4

Bà Hoàng Thị Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị tại Zerokonferansen ở Oslo tháng 11/2019. change.org

Phát ngôn nhân của Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra thông cáo với quan điểm như vừa nêu ngày 2/6.

Thông cáo dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết nhà hoạt động bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường Hoàng Thị Minh Hồng và một vài cộng sự bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và thẩm vấn hôm thứ tư 31/5. Trong khi những người khác được cho về nhà với yêu cầu trở lại để thẩm vấn thêm, bản thân bà Hoàng Thị Minh Hồng tiếp tục bị công an giữ lại và được tống đạt lệnh tạm giam theo cáo buộc trốn thuế.

Bà Hoàng thị Minh Hồng là người thứ năm thuộc giới hoạt động bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt với cáo buộc trốn thuế trong vòng hai năm qua.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhắc lại sau khi cơ quan chức năng bắt giữ những nhà hoạt động khác ; trong đó có luật gia Đặng Đình Bách cùng với tội danh trốn thuế và kết án ông năm năm tù ; bà Hồng đã đóng tổ chức CHANGE do bà điều hành với lý do lo ngại bản thân cũng bị khởi tố.

Theo Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, biện pháp bắt giữ những nhà bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường diễn ra vào khi Việt Nam cam kết chuyển đổi sang năng lượng bền vững và công bằng. Tuy vậy để có thể đạt được mục tiêu mà Hà Nội công khai cam kết, cần phải có sự tham gia tự do và tích cực của những nhà bảo vệ quyền con người và những tổ chức môi trường trong công tác định hình chính sách và quyết sách về khí hậu, môi trường.

Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng bắt bớ, giam cầm tùy tiện, tuyên án nặng đối với các nhà báo, bloggers, Facebookers, các nhà hoạt động xã hội, lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự.

Số bị bắt bớ như thế tính đến thời điểm nay trong năm mà Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được báo là ít nhất 20 người ; tuy nhiên con số thực tế được nói còn cao hơn.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller trong thông cáo phát đi ngày 2/6, cũng nêu quan ngại về việc bắt giữ những thủ lĩnh và thành viên tổ chức CHANGE do bà Hoàng Thị Minh Hồng sáng lập.

Phía Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của những người bị giam giữ ; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do biểu đạt, cũng như lập hội của mọi người dân Việt Nam.

*************************

HRW lên tiếng về việc bắt giữ nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng

RFA, 02/06/2023

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vào ngày 2/6 lên tiếng về biện pháp bắt giữ nhà hoạt động môi trường Hoàng thị Minh Hồng của Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.

thue5

Bà Hoàng thị Minh Hồng, 51, tuổi là một nhà hoạt động môi trường được nhiều người biết đến kể từ sau chuyến thám hiểm Nam cực trở về hồi năm 1997. Tiền Phong

Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, ông Phil Robertson, nêu rõ "Việc Việt Nam sử dụng có chọn lọc luật thuế mơ hồ và khiếm khuyết để nhắm đến các nhà môi trường và giới hoạt động chống biến đổi khí hậu với biện pháp khởi tố có động cơ chính trị là một diễn biến mới và cực kỳ đáng lo ngại".

Người đại diện của HRW tại khu vực Châu Á có nhận định rằng nhà hoạt động môi trường Việt Nam hàng đầu Hoàng Thị Minh Hồng là nạn nhân mới nhất của đợt đàn áp gia tăng. Tình trạng này cần buộc Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) và các chính phủ khác hiện đang chuẩn bị cung cấp cho Việt Nam nguồn lực thực hiện các chương trình về biến đổi khí hậu.

Theo ông Phil Robertson, nếu không có sự tham gia của người dân vào chính sách môi trường thông qua những nỗ lực như của bà Hồng và những tổ chức xã hội dân sự khác, mọi ứng phó trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ bị khiếm khuyết và thất bại.

Đề xuất để giải quyết tình trạng khủng hoảng môi trường đang lộ dạng, theo HRW Chính phủ Hà Nội cần hoan nghênh những nỗ lực mang tính xây dựng của các nhóm chính thức và không chính thức. Việt Nam không nên nhắm đến các cá nhân có sáng kiến và những tổ chức độc lập rồi tùy tiện bắt bớ, xem họ như kẻ thù.

Bà Hoàng thị Minh Hồng, 51, tuổi là một nhà hoạt động môi trường được nhiều người biết đến kể từ sau chuyến thám hiểm Nam cực trở về hồi năm 1997.

Sau đó bà tích cực khởi xướng và điều hành nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu…

Bà nhận được nhiều giải thưởng cho các hoạt động đó như vào năm 2015 bà được tổ chức climateheroes.org đưa vào danh sách "Các anh hùng Khí hậu" nhân Hội nghị Liên hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP21. Vào năm 2019, bà là một trong năm người được trao giải Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2019, và giải Chiến binh Xanh của Năm của giải Elle Style Awards.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 219 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)