Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2023

Nga phá đập Kakhovka để làm gì ?

Anh Vũ, Trọng Nghĩa, Raymond Powell và Trần Bằng

Đập Kakhovka bị phá tác động thế nào đến chiến dịch phản công của Ukraine ?

Anh Vũ, RFI, 09/06/2023

Đập thủy điện Kakhovka gần thành phố Kherson của Ukraine hôm 06/06 đã bị phá vỡ. Diễn biến mới này được cho là một đòn nặng nề đối với chiến dịch phản công đã được quân đội Ukraine chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc vượt sông Dniepr trong các giải pháp chiến lược mà Ukraine dự định nhằm lấy lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

uk1

Sau khi con đập Kakhovka bị phá vỡ, vùng dân cư rộng lớn của thành phố Kherson bị chìm trong nước, ngày 07/06/2023. AP

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz không phải là người duy nhất đã thẳng thừng tỏ những nghi ngờ về nguồn gốc và lý do phá hủy con đập có giá trị chiến lược, Kakhovka, hôm thứ Ba 06/06. Người đứng đầu chính phủ Đức khẳng định : "Xem xét tất cả các yếu tố, đương nhiên người ta phải nhận thấy rằng đó là một cuộc tấn công của Nga nhằm ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine để giải phóng lãnh thổ của mình"

Matxcơva đã nhanh chóng bác bỏ những cáo buộc như vậy. Đó cũng là những tố cáo đã được chính quyền Ukraine lặp lại. Ông Sergey Shoigu, bộ trưởng Quốc Phòng Nga tố Kiev có thể tìm cách "ngăn chặn các hoạt động tấn công của quân đội Nga trên phần này của mặt trận" bằng cách phá hoại con đập.

Không thể vượt sông ?

Dù tác giả vụ phá đập là ai thì tình tiết mới này của cuộc xung đột, khiến hàng chục nghìn người phải chạy khỏi vùng thảm họa, cũng sẽ có tác động đến tiến trình của cuộc chiến tranh. Hàng triệu mét khối nước sông Dniepr liền kề đổ vào làm ngập lụt khắp nơi. Một sĩ quan Ukraine giấu tên, được Financial Times phỏng vấn đã quả quyết rằng, "nếu chúng tôi muốn vượt qua con sông ở khu vực đó giờ không thể được nữa rồi".

Một trong những giả thuyết thường được nói đến nhiều liên quan đến kế hoạch phản công của Ukraine sắp tới là quân đội sẽ vượt qua sông Dniepr ở khu vực Kherson, nơi lòng sông hẹp hơn, rồi tiến nhanh nhất có thể về phía Crimée. Mục đích sẽ là cắt đứt các tuyến đường tiếp viện của Nga từ bán đảo đến hỗ trợ quân đội đóng ở khu vực Zaporijiia và Donbass.

Kế hoạch như vậy giờ dường như đã hỏng. Ông Jeff Hawn, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga, đồng thời là nhà tư vấn của Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu về địa chính trị của Mỹ, nhấn mạnh rõ ràng việc vượt sông giờ đây là không thể. Theo ông, "bộ binh vẫn có thể vượt qua, theo nhóm nhỏ, nhưng xe bọc thép thì không".

Vấn đề không chỉ là mực nước. Jeff Hawn cho biết thêm : "Việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy sau lũ lụt và những thứ đổ vỡ xung quanh có nguy cơ làm chậm bước tiến của binh sĩ, những người có thể vượt được qua sông". Từng đấy lý do cũng đã đủ để hủy bỏ một cuộc vượt sông Dniepr.

Vượt sông Dniepr, một giải pháp lựa chọn

Trong kịch bản đó, việc con đập Kakhovka bị phá hủy buộc bộ tổng tham mưu Ukraine phải suy nghĩ lại về kế hoạch phản công của mình. Tờ Wall Street Journal khẳng định Matxcơva có thể tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi này để "tổ chức tốt hơn hoạt động phòng thủ của mình".

Nhưng có điều là nhiều chuyên gia được France 24 phỏng vấn nhận định rằng việc vượt sông Dniepr ở khu vực này này chưa bao giờ là một lựa chọn được cân nhắc nghiêm túc của Ukraine. Chuyên gia Sim Tack, một nhà phân tích quân sự cho Force Analysis, một công ty theo dõi các xung đột, nhận định : " Theo tôi, thảm họa này sẽ không có tác động nào đối với cuộc phản công bởi vì Kiev dường như muốn tập trung vào một cuộc tấn công lớn ở khu vực Vuledar và Donetsk".

Còn chuyên gia Huseyn Aliyev khẳng định : "Để băng qua sông Dniepr, chọn khu vực Kherson không phải là giải pháp hay, vì ở đó có địa hình lầy lội. Ngay cả trước khi bị lụt, xét về mặt hậu cần, sẽ rất phức tạp để tổ chức vượt sông cho các xe bọc thép cần để tiến hành phản công ",.

Tất cả mọi chuyện vẫn có thể tiếp tục như chưa có gì xảy ra hay sao ? Hoàn toàn không. Ông Huseyn Aliyev thừa nhận : "Thảm họa này chắc chắn loại bỏ hẳn một lựa chọn mà người Nga buộc phải tính đến".

Nói cách khác, một số ít hệ thống phòng thủ mà Matxcơva phải duy trì đề phòng ở khu vực này giờ đây có thể được bố trí lại ở nơi khác. Bắt đầu với Donetsk. Ông Jeff Hawn nhận định : "Bây giờ đó là mục tiêu có khả năng xảy ra nhất trong cuộc phản công của Ukraine. Quân đội Ukraine có thể tránh sông Dniepr và tiến xuống Mariupol, một mục tiêu mang tính biểu tượng cao đối với quân đội Ukraine".

Quân Nga cũng bị ảnh hưởng

Thảm họa này có một lợi thế khác cho người Nga : nó có thể khiến Kiev mất tập trung. Không dễ để tiến hành một cuộc tổng tiến công khi phải cùng lúc vừa phải tổ chức cứu trợ, vừa phải theo dõi diễn biến của tình hình nhân đạo. Ukraine có thể buộc phải trì hoãn các chiến dịch quân sự của mình cho đến khi tình hình tại các nợi họ quản lý trong vùng Kherson được kiểm soát.

Nhưng chính quyền Ukraine, dưới áp lực quốc tế, khó có thể trì hoãn phản công quá lâu. "Về mặt chính trị, Kiev cần chứng minh rằng viện trợ quân sự quốc tế cũng có ích. Đó là lý do tại sao, bất kể điều gì xảy ra, phản công vẫn là ưu tiên số một của chính phủ", ông Jeff Hawn nhận định. Chuyên gia Sim Tack cho biết thêm : "Ngoài ra, Ukraine vẫn có đủ nhân lực dân sự, không đến nỗi phải bỏ mặt trận để cứu giúp dân thường trong vùng lụt".

Hơn nữa, không chỉ có Ukraine bị tác động bởi lũ lụt. Theo chuyên gia Huseyn Aliyev, "Chính binh sĩ Nga phải bảo vệ bờ sông Dniepr", nơi cũng là tuyến đầu mặt trận của họ. Quân Nga cũng đã phải rời khỏi vị trí của mình khẩn cấp và có thể đã bị buộc phải để lại thiết bị khi rời đi.

"Các con đường đã bị ngập lụt bên phía sông Dniepr của Nga kiểm soát, điều này có thể tác động tiêu cực đến việc tổ chức tiếp viện từ Crimée, vốn là trung tâm hậu cần quan trọng cho quân đội Nga đóng ở miền nam Ukraine và ở Donbass", chuyên gia Aliev lưu ý.

Nhưng điều chủ yếu, về lâu dài, thảm họa này có thể là yếu tố bất lợi cho Nga. "Lũ lụt đã làm hỏng hệ thống thủy lợi của Crimean. Nếu bán đảo cạn nước, Nga sẽ gặp khó khăn trong việc giữ toàn bộ tổ chức và quân đội của mình ở đó trong một thời gian rất dài", ông Sim Tack nói.

Nếu Nga thực sự đứng đằng sau việc phá hủy con đập nhằm cố gắng phá vỡ sự chuẩn bị của Ukraine, thì tính toán của họ giống như một trò chơi bất chắc.

(Theo france24.com)

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 09/06/2023

***************************

Tình báo Ukraine công bố "bằng chứng" Nga phá hoại đập Kakhovka

Trọng Nghĩa, RFI, 09/06/2023

Cơ quan mật vụ Ukraine SBU vào hôm nay, 09/06/2023 cho biết là họ đã ghi được một cuộc điện đàm giữa hai người Nga cho thấy rõ là một "nhóm phá hoại" của Nga đã phá hủy đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine trong đêm 05 rạng sáng 06 vừa qua.

uk2

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy đập thủy điện Kakhovka trong vùng Kherson, Ukraine, bị phá vỡ ngày 06/06/2023. Planet PBC via Reuters – Handout

Theo hãng tin Anh Reuters, trong đoạn ghi âm một cuộc nói chuyện qua điên thoại dài một phút rưỡi được công bố trên mạng Telegram, một người được SBU mô tả là lính Nga, nói : "Họ (tức là người Ukraine) không phá hủy nó. Đó là nhóm phá hoại của chúng ta muốn dọa mọi người với con đập này".

Nhân vật này nói tiếp : "Sư việc không diễn ra như kế hoạch và họ đã làm nhiều hơn những gì dự kiến", và "hàng ngàn" con vật tại "công viên safari" bên dưới con đập đã bị giết.

Người đối thoại với nhân vật trên đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước lời khẳng định rằng lực lượng Nga, vốn đã chiếm đóng con đập kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, đã phá hủy nó.

Reuters không thể xác minh độc lập tính xác thực của đoạn ghi âm, Matxcơva chưa bình luận về nội dung, trong lúc cơ quan SBU hhông cung cấp thêm chi tiết về cuộc trò chuyện hoặc những người tham gia, chỉ cho biết là đã mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và "hủy diệt sinh thái".

ISW : Cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu

Riêng về tình hình chiến sự, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (ISW), một cơ quan tham vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, vào hôm qua khẳng đinh rằng lực lượng Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công, dựa trên sự gia tăng chung trong hoạt động quân sự trên toàn bộ chiến tuyến mà họ đã quan sát thấy.

Viện nghiên cứu chiến tranh giải thích : "Cuộc phản công có thể sẽ không diễn ra như một cuộc hành quân lớn đơn lẻ mà có thể bao gồm nhiều hành động ở nhiều nơi, khác nhau về quy mô và cường độ, kéo dài trong vài tuần".

Các thông tin trên thực địa như đã khẳng định thêm nhận định của ISW. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm qua đã khen ngợi lực lượng Ukraine là đã "làm tốt ở Bakhmut". Ông đồng thời xác nhận rằng "giao tranh đang diễn ra rất ác liệt ở Donetsk Oblast".

Còn về phía Nga, nước này hôm qua cũng khẳng định rằng đã phá tan cuộc phản công của Ukraine ở khu vực Zaporijjia.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 09/06/2023

*************************

Đập nước ở Ukraine bị vỡ ảnh hưởng ra sao tới tình hình thế giới và Việt Nam ?

Raymond Powell và Trần Bằng, RFA, 08/06/2023

Đập thủy điện tại thành phố Nova Kakhova trên sông Dnipr đã bị vỡ hôm giữa tuần, khiến toàn bộ vùng hạ lưu, đông nam của vùng Donbass, gồm khoảng 80 ngôi làng, thị trấn, thành phố, trong đó có thành phố Kherson, bị ngập.

uk3

Toàn cảnh đập nước Nova Kakhovka bị vỡ, nhìn từ trên cao - Reuters

Cả Nga và Ukraine đều "đang đổ lỗi" cho nhau. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể con đập này tự vỡ, do tác động của chiến tranh, bom đạn đã nổ xung quanh đập liên tục và vũ khí hạng nặng của quân Nga di chuyển thường xuyên trên mặt đập. 

Đập vỡ-Ai hưởng lợi ?

Trao đổi với RFA, hai nhà nghiên cứu Raymond Powell ở Đại học Stanford và Trần Bằng từ Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, đều cho rằng hiện còn quá sớm để nhận xét về thảm họa này tới tình hình thế giới và Việt Nam. Tuy vậy, cả hai ông đều đưa ra những nhận bước đầu về thảm họa này.

Ông Raymond Powell, nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông ở Đại học Stanford nói với RFA qua tin nhắn : 

"Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng Nga là bên chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập, nhưng chúng ta chưa thể chắc chắn. Hiện nay khó có thể đưa một kết luận quá rộng. 

Chúng ta có thể đặt một câu hỏi rất mở là ai "được hưởng lợi" từ thảm họa này. Cả phía Nga và Ukraine đều bị tổn hại theo những cách khác nhau, và có lẽ ở thời điểm này, chúng ta vẫn chưa biết hết những tác động ở cấp độ hai và cấp độ ba của nó. 

Nếu là Nga thì đó là một hành động tồi tệ, nhưng tôi không biết liệu đó có phải là điều tồi tệ nhất mà họ đã làm hay chưa. Họ đã xâm chiếm nước láng giềng, san bằng các thành phố một cách bừa bãi và bắt cóc trẻ em trở về Nga. Danh sách tội ác chiến tranh của họ đã dài. Vì vậy, mặc dù đây là một sự kiện khủng khiếp, nhưng tôi không chắc nó thay đổi bao nhiêu cách khu vực hoặc thế giới phản ứng với Nga. 

Ví dụ, nếu trước đây Việt Nam không lên án Nga về các tội ác chiến tranh thì bây giờ Việt Nam có làm như vậy không, nhất là khi Nga phủ nhận có liên quan đến việc phá đập ?

Tôi nghĩ điều có thể thay đổi tư duy của các bên về cuộc chiến là cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine. Nếu Ukraine đạt được một bước đột phá quan trọng, điều đó thực sự sẽ thay đổi khá nhiều động lực".

Nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, nhận xét với RFA qua tin nhắn :

"Nhìn trên hình ảnh và một số video thì chúng ta chưa rõ được mức độ tàn phá. Nếu người ta phá sập hoàn toàn con đập, hoặc chỗ phá ở dưới sâu so với chiều cao đập thì vấn đề sẽ khác, còn phá ở vị trí cao thì cái đập thành đập tràn, tức là mực nước hồ chứa tụt xuống ngang mức bị phá rồi ngưng lại thôi.

Đây chỉ là cảm nhận cá nhân, nhưng khi xem hình ảnh và video thì tôi cảm giác vị trí bị vỡ ở khá cao trên thân đập, nên có lẽ tác hại cũng hạn chế được phần nào. Chúng ta thử tưởng tượng nếu thổi bay cả con đập, toàn bộ nước hồ chứa thoát xuống thì thảm họa kinh khủng lắm".

Chiến lược của Việt Nam với Nga có ảnh hưởng ? 

Liệu thảm hoạ vỡ đập này ảnh hưởng đến tình hình thế giới và nói riêng với Việt Nam hay không ? RFA, trong đoạn sau, trao đổi chi tiết hơn với nhà nghiên cứu Trần Bằng : 

RFA : Theo ông, liệu Nga có lại bị Liên hiệp Châu Âu rồi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án một lần nữa hay không ?

Trần Bằng : Không ai biết trước được vì chưa có kết quả điều tra vì sao đập bị vỡ và nếu bị phá thì ai là tác giả vụ phá đập. Nhưng tôi nghĩ có lẽ khả năng Nga chịu trách nhiệm cho vụ này thì nhiều hơn là Ukraine. Nhưng ngay cả giả sử sau này kết quả điều tra cho thấy Nga phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này, thì giờ đến mức này, Nga cũng sẽ mặc kệ thôi. Họ không quan tâm nữa, bị lên án nhiều rồi thì bị lên án thêm nữa cũng vậy. Bây giờ bên nào thắng trên chiến trường sẽ có tiếng nói quyết định về cục diện. 

RFA : Liệu có thể dự đoán lương thực thế giới sẽ thiếu hụt hơn nữa ? Giá lương thực ở Châu Âu và Hoa kỳ có thể tăng ? Châu Âu và Mỹ sẽ có thêm khó khăn gì khi phải cứu trợ nạn nhân trận lụt, giải quyết thảm hoạ môi trường vì một kho dầu cũng bị rò rỉ theo dòng nước lụt ?

Trần Bằng : Tôi không đủ thông tin để xác định sản lượng lương thực trong khu vực ngập lụt là bao nhiêu % trên tổng số diện tích canh tác còn trong tầm kiểm soát của Ukraine. Ngoài ra cần phải có thêm thông tin về năng lực xuất khẩu qua đường bộ trước sự kiện này, và theo dõi xem nó sẽ thế nào trong tương lai. Nhưng nhìn chung tôi có cảm giác là càng xáo trộn thì giá cả sẽ tăng, trong dài hạn thì EU và Mĩ (cũng như thế giới) sẽ khắc phục được, còn trong ngắn hạn thì sẽ khó khăn. 

Về cứu trợ thì có lẽ Mỹ, Châu Âu và Ukraine chỉ có thể cứu trợ nạn nhân trong vùng do Ukraine kiểm soát thôi, còn vùng Nga kiểm soát thì họ không thể. 

Về vấn đề môi trường thì tôi nghĩ môi trường Ukraine đã bị nhiễm độc do thuốc nổ nhiều lắm rồi, ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc thì còn lâu nữa mới giải quyết xong. 

RFA : Giả sử Putin là bên phá con đập này, liệu Putin tính toán gì đối với người dân Mỹ và Châu Âu nếu làm điều đó ? Có phải Putin muốn người dân Mỹ và Châu Âu gặp thêm khó khăn để không ủng hộ Ukraine nữa ? 

Trần Bằng : Phá đập gây ngập lụt để ngăn cản đối phương tấn công không phải là mới. Ukraine cũng đã buộc phải làm vậy để ngăn xe tăng Nga  tiến về Kyiv hồi 2022. Bây giờ thì Ukraine đang ở chuẩn bị tấn công. Tôi nghĩ nếu Putin là bên phá đập thì mục đích chỉ là để ngăn Ukraine phản công là chính, còn ảnh hưởng của nó đến Mĩ và EU có lẽ rất ít.

RFA : Liệu Nga có còn năng lực và cơ hội giữ được vùng Viễn Đông Nga, nơi có diện tích gấp 5 lần Trung Quốc nhưng dân số chỉ 8 triệu người, tiếp giáp với 3 tỉnh Trung Quốc với 120 triệu dân ?

Trần Bằng : Việc giữ được hay không phần Viễn Đông phụ thuộc vào sự khôn ngoan của giới chính trị Nga. Tôi không tin tin là Nga sẽ rơi vào cảnh khó khăn như Triều Tiên vì Nga vẫn còn tiềm lực công nghệ, còn tài nguyên, còn vũ khí hạt nhân và năng lực xuất khẩu vũ khí thông thường. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ lợi dụng để mở rộng ảnh hưởng, không loại trừ việc chiếm thêm đất. Về kinh tế, khu vực Hei Long Jiang (Hắc Long Giang) ra biển qua Vladivostok có ngắn chút so với ra Dalian (Đại Liên) nhưng có lẽ không đáng kể lắm, tuy vậy, về đất đai thì Trung Quốc luôn muốn thêm. Tư duy kiểu cũ của họ không thay đổi được. 

RFA : Bắt đầu từ sự suy tàn của Nga, chúng ta hãy quay trở lại quan hệ Mỹ Trung và cuối cùng là ảnh hưởng tới Việt Nam. Liệu Mỹ có lại cần đến Trung Quốc để xử lý một nước Nga suy tàn, bị cô lập, đem vũ khí hạt nhân ra dọa thế giới, giống như họ cần Trung Quốc để giữ yên Bắc Triều Tiên ?

Trần Bằng : Không ai có thể tiên đoán hoặc khẳng định gì về tương lai. Nhưng xu thế chung là phương Tây có lẽ giải quyết xong Nga thì sẽ đến lượt Mĩ - Trung tranh hùng gây cấn hơn. Họ sẽ không đánh nhau trực tiếp, như Liên Xô và Mỹ không đánh nhau vậy. Nếu có va chạm, các cường quốc sẽ va chạm ở vùng đệm trước. Và chúng ta không thể biết vùng đệm đó là vùng nào trong tương lai. 

Vùng đệm đó sẽ phải nhỏ, vừa đủ để hai bên thử sức. Không loại trừ đó có thể là Việt Nam và Biển Đông vì nó "vừa miếng" với tất cả. Thành ra tôi không nghĩ là Mĩ sẽ cần Trung Quốc để kiểm soát Nga. Châu Âu "kèm" Nga là được rồi, nó làm Châu Âu không thể thoát quá xa khỏi Mĩ, vừa giữ cho Nga không quá cực đoan.

RFA : Việt Nam và Nga đã có kế hoạch cho chuyến thăm của Putin đến Việt Nam trong mùa hè này. Giả sử có kết quả điều tra là đập vỡ vì Nga phá, liệu Việt Nam sẽ huỷ chuyến thăm của Putin vì hình ảnh xấu đó ?

Trần Bằng : Việt Nam cần Nga để cân bằng với Trung Quốc, đúng hơn là Việt Nam cố gắng neo với Nga, với hi vọng làm Trung Quốc cư xử vừa phải hơn. Đấy có lẽ là lí do lớn nhất, ngoài chuyện mua vũ khí Nga thì rất dễ dàng, do Nga không có cơ chế minh bạch như Mỹ hay Châu Âu. 

Thành ra chuyện đập nước bị phá chắc không ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Việt Nam với Nga. 

Còn nếu đánh giá về chiến lược này của Việt Nam, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của Việt Nam là neo chính trị, quân sự và kinh tế vào cả 3 hướng Trung Quốc, Nga và phương Tây. Từ trước tới nay, 3 bên có xung đột nhưng thấp, thì đó là chiến lược tốt. Từ khi chiến tranh Ukraine đến nay, cả 3 ông lớn xoay ra đánh nhau thì chiến lược đó là gánh nặng, Việt Nam nên tìm cách thay đổi để tìm giải pháp tối ưu. 

Tôi nghĩ là Việt Nam không hẳn cảm thấy thoải mái khi bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như ở Đối thoại Shangri-La 2023 vừa rồi, Việt Nam tham dự nhưng im lặng. Có lẽ vì trong lúc căng thẳng ở Ukraine và Biển Đông vẫn đang diễn ra, Việt Nam không muốn phát biểu. Hoặc cũng có thể Việt Nam đang kẹt trong tư duy của chính mình, vừa là kẹt tư duy chính sách, vừa là kẹt trong tư duy thích làm "đại trượng phu", nghĩa hiệp, không bỏ bạn cũ, bất luận bối cảnh thế giới đã thay đổi. 

Rất lạ là Việt Nam tuy một mặt nghĩ mình yếu và chấp nhận nhẫn nhịn cho qua chuyện, nhưng luôn thích làm người nghĩa hiệp. Trong khi Trung Quốc đang tung tàu khảo sát  xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố công khai là đang hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của họ, thì Việt Nam vẫn mời tàu hải quân Trung Quốc  đến "giao lưu". (Xem báo Dân Việt : "Ngắm tàu Hải quân Trung Quốc đang thăm Đà Nẵng"). Có lẽ Việt Nam muốn nói rằng ta rất quân tử, tuy Trung Quốc xấu nhưng ta cư xử vẫn đúng mực. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì khá giống nhân vật AQ trong tiểu thuyết "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn. 

RFA : RFA xin cảm ơn hai nhà nghiên cứu Raymond Powell và Trần Bằng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 08/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trọng Nghĩa, Raymond Powell và Trần Bằng
Read 6309 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)