Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/06/2023

Quan hệ Việt-Mỹ-Canada

Vũ Đức Khanh - Quốc Phương

Nếu không nhạy bén, Việt Nam có thể đứng ngoài lề cuộc chơi

Nhật Bản, Mỹ, Australia và Canada trong thượng tuần tháng 6/2023, lần đầu tiên tập trận hải quân chung ở biển Hoa Đông, với Canada được cho là một nhân tố tham gia ngày một tích cực với các đồng minh không chỉ ở biển này mà còn ở khu vực rộng hơn với tầm nhìn của một Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và cởi mở. 

vietmycanada1

Hội nghị ASEAN tháng 11/2022 diễn ra ở Phnom Penh, Cambodia - Reuters/Cindy Liu

Từ Đại học Ottawa, Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyên gia và Giảng sư luật học chia sẻ với Đài Á Châu Tự do quan điểm riêng của mình về sự kiện này nói riêng, tầm nhìn quan hệ giữa Canada, Mỹ với Việt Nam ở khu vực nói chung, hướng đến tương lai.

Và lời đầu tiên, Luật sư Vũ Đức Khanh bình luận về vai trò và đường lối chính sách của Canada được thể hiện qua cuộc tập trận bốn bên mới nhất tại Biển Hoa Đông này :

Vũ Đức Khanh : Hải quân Mỹ, Nhật, Úc và Canada vừa tập trận chung ở Biển Hoa Đông cuối tuần qua trong lúc Diễn đàn Shangri-La ở Singapore cũng đang diễn ra là một thông điệp rõ ràng của thế giới tự do gửi tới Trung Quốc rằng, mọi hành động gây hấn bằng bạo lực đi ngược lại Hiến chương Liên Hiệp Quốc sẽ được đáp trả một cách tương ứng.

Đây không phải là lần đầu tiên bộ tứ này tham gia tập trận ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2019, họ đã diễn tập chung ở vùng Biển nam Thái Bình Dương và năm 2022 ở Biển Đông. Canada, Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản và Úc đều là những quốc gia có bờ biển gắn liền với Thái Bình Dương và sự tham gia để tăng cường khả năng hợp tác chiến đấu phòng thủ là điều hiển nhiên trước những nguy cơ bất ổn do Nga và đặc biệt là Trung Quốc gây ra.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada được chính phủ Canada công bố vào tháng 11/2022 khẳng định quyết tâm của Canada đối với khu vực. Là một quốc gia bên bờ tây Thái Bình Dương, tôi nghĩ Canada có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung cho toàn khu vực. Với cam kết minh bạch qua công bố chiến lược này, Canada đã gửi đi thông điệp rõ ràng với các đồng minh, đối tác và cả đối thủ rằng Canada đã, đang có mặt ở đây và sẽ tiếp tục ở lại đây sát cánh với các đồng minh và đối tác để đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thượng tôn pháp luật. Tôi hy vọng các quốc gia đồng minh và đối tác quan trọng của Canada trong đó có cả Việt Nam hiểu rõ và tin tưởng vào những cam kết mạnh mẽ và chân thành của Canada.

Liệu Trung Quốc có cảm thấy ‘thoải mái’ ?

RFAĐã có bộ tứ QUAD, nay lại có thêm các cuộc tập trận bộ tứ với Canada tham gia cùng Mỹ, Nhật và Úc ở khu vực, chưa kể tại khu vực cũng có một số các cuộc diễn tập, tập trận bộ tam, và bộ "đa" nữa của Mỹ và đồng minh, đối tác, những động thái này liệu có làm Trung Quốc cảm thấy "thoải mái" ?

Vũ Đức Khanh : Tôi không nghĩ Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc có những "lo ngại" gì đó về những động thái liên kết song phương và đa phương trong khu vực vì chính họ là bên đã khuấy động sự bất an và những hình thái liên kết trong khu vực. 

Nếu như người láng giềng của bạn không có những hành động thái quá gây mất ổn định trong khu vực thì làm gì bạn phải cần liên kết này nọ để tìm cách đối phó. Nói một cách khác là nếu không có lửa thì làm gì có khói. 

Chính tập đoàn lãnh đạo Tập Cận Bình đã khuấy động tình trạng bất ổn này từ cả chục năm nay. Cho nên những động thái liên kết từ bộ tứ, bộ tam hay song phương hoặc có thể sẽ đến một cơ chế phòng thủ đa phương với một tập hợp cả chục quốc gia trong tương lai cũng là điều dễ hiểu. 

Tôi đã từng đề nghị thiết lập một cơ chế phòng thủ đa phương với tên gọi là APTO (Khối Liên Phòng Á Châu - Thái Bình Dương), một tổ chức chị em với NATO. Tôi nghĩ với tình hình hiện nay, nếu có thành lập thì APTO sẽ được nới rộng thành IPTO (Khối Liên Phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương).

Tôi cũng thường nói rằng ai trói thì người đó mở. Tập Cận Bình gây hấn thì ông phải chịu trách nhiệm để giải quyết. Tình trạng này chỉ có thể được giải quyết khi Tập Cận Bình và Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách của họ đối với các quốc gia lân bang và khu vực. Nếu không thì họ sẽ nhận sự đáp trả tương ứng với những gì họ đã tạo ra.

RFA : Việt Nam và các nước ở khu vực nên xem các động thái tương tự như cuộc tập trận này thế nào ?

Vũ Đức Khanh : Tôi cho rằng các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam sẽ tiếp tục hoan nghênh những động thái có trách nhiệm này. Đừng quên họ cũng là những tác nhân chính để hình thành những khối liên kết trong khu vực. 

Trong giai đoạn đầu, tốt nhất là chỉ kết hợp giữa các nước đồng minh với các đối tác thân thiện có cùng quan điểm và phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề. Từ từ sẽ thuyết phục những quốc gia khác còn đang e dè như kiểu chính quyền Hà Nội. 

Về lâu dài, tôi nghĩ không quốc gia nào muốn chiến tranh hoặc sự bất ổn trong khu vực, thậm chí cả Nga và Trung Quốc, cho nên, các bên sẽ tìm cách thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung. Vấn đề là Trung Quốc nhìn họ cũng như nhìn các quốc gia khác trong khu vực như thế nào. 

Liệu Trung Quốc có chấp nhận luật chơi đa phương và tôn trọng các đối tác của mình không. Nói tóm lại, tôi nghĩ các quốc gia trong khu vực rất hoan nghênh sự liên kết phòng thủ đa phương để đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Việt Nam có nên mời thêm các chuyến ‘thăm cảng’ ?

RFA : Liệu Việt Nam có nên mời thêm các tàu của các nước này (Nhật, Mỹ, Úc, Canada) tới thăm cảng của Việt Nam thường xuyên thêm trong tương lai hay không, thưa ông ?

Vũ Đức Khanh : Về Việt Nam, tôi nghĩ cần phân biệt rõ giữa người dân với nhà cầm quyền. Người dân Việt Nam thì mong muốn hội nhập với thế giới để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ đất nước trước những hiểm họa bị xâm lăng. 

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đeo đuổi một mục tiêu khác, đó là chỉ bảo vệ quyền lợi cục bộ của đảng cầm quyền. Cho nên, vấn đề quan trọng, theo thiển ý, nhân dân Việt Nam phải vận động để đảng cầm quyền thấy họ trong lòng dân tộc để đồng hành với dân tộc và đất nước. 

Khi đảng cầm quyền thấy họ không bị loại bỏ bên lề lịch sử thì họ phải chọn chính nghĩa thôi. Đó là con đường tự do, dân chủ hóa Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam chủ động hợp tác với các lực lượng chính trị quốc gia để kiến tạo con đường cải cách thể chế, ổn định chính trị, tập trung tối đa hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. 

Quả bóng đang nằm trong chân của Đảng cộng sản Việt Nam, đây là cơ hội lịch sử, hợp lòng dân và điều kiện chính trị quốc tế và khu vực cũng thuận lợi.

Còn việc Việt Nam mở cửa giao tiếp an ninh, quốc phòng và quân sự với thế giới là điều tất yếu và không bàn cãi nữa. Nhưng nếu chỉ "đu dây" để lúc nghiêng bên này lúc ngả bên kia, những cử chỉ đó sẽ không được ai hoan nghênh, thậm chí còn bị khinh bỉ. 

Nếu có cơ hội nói chuyện với Bộ Chính trị hoặc trước Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, tôi cũng sẽ nói những điều như thế vì đó là con đường duy nhất của Việt Nam để đi tới một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng.

RFA : Liệu Việt Nam cũng có lúc nào nên chủ động mời Canada cử tàu chiến của nước này ‘thao dượt quân sự’ chung trong tương lai gần, bên cạnh các chuyến thăm viếng hải quân hữu nghị ?

Vũ Đức Khanh : Tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Canada có cùng nhận thức và chia sẻ lợi ích chung vì an ninh, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chắc chắn sẽ tiếp tục hợp tác trên các cơ chế song phương cũng như đa phương trong các vấn đề quốc tế mà hai nước cùng quan tâm.

Qua nghiên cứu của tôi và tôi cũng nhất trí với quan điểm hai nước cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, cũng như các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Theo hiểu biết của tôi, Canada được biết đến là quốc gia có nhiều đóng góp đáng kể cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, và trong lĩnh vực này, Canada có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực quý báu nên tôi tin rằng Canada sẽ sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác và huấn luyện quân sự cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Về việc liệu Việt Nam có nên chủ động mời Canada cử tàu chiến thăm và tập trận chung với Việt Nam thường xuyên hơn trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng kể từ khi Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2017, hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. 

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã từng gặp nhau nhiều lần từ 2018 và cũng có cơ chế đối thoại song phương. Đã có nhiều chương trình hợp tác quân sự, trong đó có việc Canada cử tàu chiến thăm và giao lưu với hải quân Việt Nam. 

Tôi ủng hộ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực này, tuy nhiên, tôi không tin rằng hai nước sẽ tổ chức tập trận chung trong tương lai gần. Có thể Canada sẽ hợp tác với các đồng minh như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và các cường quốc hải dương như Anh, Pháp, Đức, Ý trong giai đoạn đầu. 

Một khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có cơ chế hợp tác quốc phòng và an ninh đa phương ổn định hơn, Canada sẽ tham gia. Hơn nữa, quan hệ quân sự giữa Việt Nam và các nước phương Tây, trong đó có Canada, còn rất hạn chế và dường như Hà Nội chưa sẵn sàng vì các bên chưa hài lòng lắm về thành tích nhân quyền của Việt Nam. 

Vấn đề ưu tiên hàng đầu của Việt Nam theo tôi là Việt Nam nên chủ động giải quyết vấn đề nội trị trước. Một khi Việt Nam chia sẻ nhiều hơn về những giá trị và định chế dân chủ thì việc hợp tác với các cường quốc phương Tây là điều phải tới.

Quỹ đạo của Trung Quốc và ‘đứng bên lề’ một ‘cuộc chơi’ ?

RFA : Việt Nam và Canada có nên thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện hiện nay sớm tới một mức cao hơn, trong đó có chú trọng hợp tác an ninh, quốc phòng bên cạnh các hợp tác quan trọng khác ?

Vũ Đức Khanh : Canada là một cường quốc tầm trung, và chính sách ngoại giao quốc phòng và an ninh của nước này có mối liên hệ chặt chẽ với các đồng minh lâu đời và các định chế đa phương trong khuôn khổ trật tự thế giới tự do do Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây lãnh đạo.

Trong tương lai gần và với hiểu biết hạn chế của mình, tôi không nghĩ mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada sẽ có bước đột phá. Canada sẽ sắp xếp các mối quan hệ của mình theo quỹ đạo của Mỹ và phương Tây. Như tôi vừa nói, khi Việt Nam chưa cải thiện đáng kể các điều kiện nhân quyền và quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa đạt đến mức đối tác chiến lược toàn diện, tôi nghĩ Canada chỉ có thể hài lòng với nguyên trạng. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước và tôi nghĩ những ai thực sự mong muốn mối quan hệ này được tốt đẹp hơn đều biết họ cần phải làm gì.

RFA : Các biến chuyển, chuyển động trong trật tự chính trị thế giới và bang giao quốc tế khu vực diễn ra khá mau lẹ, trong đó có những tình huống và thời điểm then chốt, nhìn tới tương lai, trong đó có quan hệ giữa Việt Nam với Canada, một đồng minh của Mỹ ở quốc tế và khu vực, ông có lưu ý gì thêm cho Việt Nam ?

Vũ Đức Khanh : Thế kỷ 21 có lẽ là thế kỷ của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và nếu nhìn kỹ vị trí địa lý của Việt Nam trên bản đồ thế giới và khu vực, không ai không hy vọng một tương lai tươi sáng cho Việt Nam.

Việt Nam gần như là trung điểm của khu vực này. Với những biến động về địa - chính trị và địa - kinh tế mà chúng ta đã chứng kiến từ 2 thập niên qua, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ phát triển thịnh vượng trong vài ba thập niên tới với điều kiện phải thay đổi thể chế ngay từ hôm nay.

Việt Nam ngày nay là một quốc gia đã vượt qua nghèo đói, lạc hậu. Với một lực lượng dân số tầm trung và có tính chịu khó, Việt Nam sẽ có những bước đột phá ngoạn mục.

Tuy nhiên để làm được điều đó, cái quan trọng đầu tiên là người Việt Nam phải chấp nhận sự khác biệt nhưng đồng thuận, đoàn kết dưới một mô hình nhà nước và xã hội mà toàn dân chấp nhận. Một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng phải là mục tiêu quan trọng nhất của toàn dân.

Như tôi đã trình bày, một khi bài toán nội trị đã được giải quyết thỏa đáng thì mọi nguồn lực của người Việt trong và ngoài nước sẽ được tập trung để Việt Nam có thể trở thành một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với thế giới.

Với một cộng đồng trên 5 triệu người sống chủ yếu ở các quốc gia tân tiến phương Tây, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ là một tiềm lực lớn lao hỗ trợ cho Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.

Nếu làm được như thế thì tương lai không xa, Việt Nam sẽ được khuyến khích đứng ra tổ chức mời Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia đồng minh khác của phương Tây tới diễn tập và thao dượt quân sự ở Việt Nam và trên Biển Đông.

Điều này không phải là một giấc mơ giữa ban ngày mà sẽ là hiện thực, nếu như mọi người Việt chúng ta biết ngồi lại để khởi động tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, nhân đây, tôi xin nói rõ thêm rằng nếu trong tương lai gần (3 năm) Việt Nam có tham gia tập trận chung với Mỹ và các đồng minh của Mỹ (trong đó có thể có Canada) thì đó có thể sẽ là những thông điệp chính trị ngoại giao hơn là thực lực, cá nhân tôi chờ đợi đến 2025 sẽ có những cuộc tập trận lớn trong đó có Mỹ, Nhật, Hàn, Philippines và đồng minh phương Tây NATO ở biển Đông.

Các cường quốc trong đó có Mỹ, Canada và các đồng minh, tiếp tục giương cao ngọn cờ tự do hàng hải và hàng không để tung hoành ở đây. Dự kiến, Anh, Pháp, Đức, Canada, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn và hy vọng sẽ có một cuộc diễu hành dương oai ở Biển Đông. Nếu Việt Nam không có những thay đổi nhạy bén, kịp thời và hợp lý, thì e rằng một là rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc hoặc hai là đứng bên lề của cuộc chơi.

RFA : Xin cảm ơn Luật sư Vũ Đức Khanh đã trả lời cuộc phỏng vấn này !

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 09/03/2023

Luật sư Vũ Đức Khanh là nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, khu vực, hiện ông cũng là Giảng sư luật học bán thời gian tại Đại học Ottawa, Canada. 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Đức Khanh, Quốc Phương
Read 23197 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)