Mâu thuẫn âm ỉ từ lâu, khó có thể là sự bột phát !
Quốc Phương, RFA, 14/06/2023
Ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng sự kiện ở Đắk Lắk hôm chủ nhật 11/6/2023 là ‘hết sức bất ngờ’ và có thể là ‘một biến cố lớn nhất’ thuộc loại này từ ít nhất ‘một chục năm trở lại đây’.
Cũng có gợi ý từ ý kiến trong giới quan sát vào dịp này cho rằng chính quyền Việt Nam có thể nên xem lại một số chính sách của họ đối với Đắk Lắk nói riêng và với nhiều nơi khác có các cư dân bản địa đang sinh sống như tại Tây Nguyên nói chung.
"Sự kiện này hết sức bất ngờ, tôi cảm thấy bất ngờ cho không chỉ công chúng mà cả chính quyền, không chỉ ở vùng Tây Nguyên mà còn trong cả nước, cảm nhận ban đầu là như vậy, còn diễn biến sự việc hết sức phức tạp và kiểu như vậy chưa từng có ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Điều đó đặt ra rất nhiều sự lo lắng, băn khoăn, cũng như những đồn đoán xung quanh sự kiện này", nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công của Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách & Phát triển ở Hà Nội nói với RFA tiếng Việt hôm 13/06/2023.
"Về mức độ nghiêm trọng, có lẽ sự kiện này chỉ xảy ra sau vụ Đồng Tâm như chúng ta biết, nhưng số lượng cán bộ công an, cũng như cán bộ xã và thường dân chết ở sự kiện đó, cho thấy hết sức nghiêm trọng và sơ bộ bước đầu theo thông cáo của cơ quan công an, hàng chục nghi phạm đã bị bắt, và tôi nghĩ rằng với mức độ như thế, với số lượng người (tham gia) như thế thì khó có thể nói rằng đó là sự ‘bột phát’ như kiểu tức giận của một cá nhân, hay của một nhóm người.
Về số lượng người bị bắt tôi nghĩ có thể còn tăng lên, tuy nhiên với tin tức mà chưa được kiểm chứng, báo chí nên có sự xác minh lại để làm cho tình hình trở nên phần nào đó minh bạch hơn… Như một người quan sát, tôi thấy rằng các sự kiện có lẽ cần phải chờ một thời gian nhất định thì chúng ta mới kiểm chứng được các sự kiện, cũng như nguyên nhân, mục đích, hậu quả để lại v.v…".
Đâu là những nhân tố đáng quan tâm ?
Là người từng tham gia trực tiếp một số nghiên cứu, khảo sát kinh tế, xã hội và dân số học tại Đắk Lắk và một số nơi khác tại Tây Nguyên, ông Phạm Quý Thọ đưa ra nhận xét với RFA về một số nét đặc thù có thể đáng quan tâm liên quan địa phương và khu vực này :
"Tôi có một số lần khảo sát tại Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, Kon Tum, rồi Gia Lai, thậm chí đi công tác ở đó một số đợt nữa, tôi thấy có một số đặc thù phát triển, nhưng trong một chuyến khảo sát về di dân, chúng tôi thấy nổi bật lên vấn đề di dân tự do mà đã để lại một số vấn đề khá nghiêm trọng, đặc biệt với đất đai, rừng, cũng như đất trồng trọt và đất ở.
Thứ hai, Tây Nguyên có một số vấn đề phức tạp về tôn giáo, chẳng hạn tôi cũng đã vào một số cơ sở tôn giáo, trong đó có Nhà thờ gỗ của Kon Tum, và hiểu rằng về tôn giáo ở đó, chính quyền kiểm soát rất chặt chẽ, bởi vì ở Tây Nguyên, sau các sự kiện thời kỳ ‘sau giải phóng’, cũng như một số sự kiện sau này như chúng ta biết, người ta kiểm soát rất chặt chẽ.
Gần đây có một số sự kiện tôn giáo khác như là các phân nhánh của Công giáo…, cho thấy rằng sự phát triển tự phát là rất nhiều, rồi về mặt tự do tôn giáo, một số người tham gia nhưng không được chính quyền địa phương cho phép v.v… đó cũng là một sự phức tạp thứ hai.
Như thế là sau di dân, rồi sau vấn đề tôn giáo, thì đến vấn đề thứ ba là phát triển kinh tế. Chúng ta biết rằng ở Tây Nguyên thay đổi rất nhiều khi người ta phát triển kinh tế ở đây thành những cơ sở trồng trọt lớn, các trang trại, hay những mặt hàng xuất khẩu như cà-phê, hồ tiêu, gỗ v.v… Chúng ta thấy rằng điều này cũng làm thay đổi bộ mặt, nhưng đồng thời sự chênh lệch giàu nghèo cũng khá nghiêm trọng và sự thay đổi ở những vùng khó khăn không phải là một sớm một chiều có được, nhưng chênh lệch giàu nghèo này cũng tác động lên đời sống xã hội nói chung.
Ba yếu tố trên có liên quan người dân bản địa và người bản địa luôn có những suy nghĩ khác đối với di dân ở nơi khác đến, tức là với những người không phải bản địa. Như chúng ta biết không chỉ tại Tây Nguyên, mà nhiều vùng khác, đặc biệt ở những nơi và những nước chưa phát triển, vấn đề càng trở nên trầm trọng, và trong tình huống nhất định, có thể làm bùng lên những sự kiện, nhưng tôi nghĩ sự kiện vừa rồi lớn hơn sự bột phát và với mấy chục trường hợp bị bắt thì khá là nhiều…
Vụ Đồng Tâm do tranh chấp đất đai rất rõ và nó kéo trong một thời gian rất dài, rồi đã có những va chạm với chính quyền địa phương ở cấp huyện, rồi cấp thành phố, thậm chí đã có những thủ lĩnh như là cụ Lê Đình Kình, và có những cách mà người ta đã phản kháng để bảo vệ đất đai một cách tự phát, mặc dù ở một thôn, hay một xã nào đó mà thôi.
Còn ở vụ việc tại Đắk Lắk, chưa thể nói được một điều gì cả, mấy chục người bị bắt đó không thể so sánh là nhiều hay ít đối với một sự kiện như thế này được, mà người ta phải xem xét xem tính chất nghiêm trọng của vụ việc thể hiện như thế nào, chẳng hạn có tổ chức hay không, mục đích là gì, hay sau sự kiện này còn có gì không.
Có nghĩa là ở Đồng Tâm, theo ý tôi muốn nói, là do tranh chấp đất đai lâu ngày mà không được giải quyết thỏa đáng, còn ở vụ Đắk Lắk chưa biết rõ đó là gì và sự kiện xảy ra hết sức đột ngột và bất ngờ cho những người bình thường và những người quan sát các sự kiện như chúng tôi".
Có gì đáng lưu ý từ khía cạnh chính sách công ?
Cho đến nay, người ta vẫn chưa nhìn thấy sự liên hệ trực tiếp giữa vụ bạo lực hôm 11/6 và bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội ở Đắk Lắk và Tây Nguyên, vẫn theo ông Phạm Quý Thọ, người từng làm việc nhiều năm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trước đó ở Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội, về phương diện chính sách công đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, có một số khía cạnh có thể cần được lưu tâm, ông nói :
"Vùng Tây Nguyên luôn được đặt trong những vấn đề của chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung, cũng như về mặt chính sách công nói chung, và tôi có thể nói rằng đây là một địa bàn khá trọng yếu, không những chỉ về kinh tế mà còn về vấn đề an ninh, trật tự, v.v…
Tất nhiên khi phát triển kinh tế, và với những yếu tố có thể âm ỉ lâu ngày, thí dụ như bất bình đẳng giàu nghèo, rồi nếu không nghiên cứu thỏa đáng những nhu cầu để trung hòa các mâu thuẫn giữa người bản địa và người ở nơi khác đến, trong đó như đã nói có chênh lệch giàu nghèo, rồi sự quan tâm của chính quyền địa phương, chẳng hạn như ở cấp xã, có thể đó là những điều gây áp lực cho những người dân bản địa, nhưng tôi cũng chưa biết rõ trong mấy chục người bị bắt này cho đến nay, thì có bao nhiêu người bản địa, hiện nay danh tính của họ chưa được công bố (hết), nên chúng ta còn phải chờ một thời gian.
Song tôi nghĩ rằng về khía cạnh chính sách công, như chúng tôi đã từng nghiên cứu ở đó, tất nhiên di dân tự do đã kiểm soát được do kinh tế đã tăng lên, đời sống cũng tăng lên, rồi chênh lệch vùng miền như di dân từ những vùng núi phía Bắc vào trong đó (Tây Nguyên) không còn nhiều nữa, tuy nhiên nạn phá rừng vẫn còn là vấn đề rất lớn, có những vụ phá rừng mà tôi cho là hết sức nghiêm trọng mà báo chí cũng đưa tin nhiều, đặc biệt khi Chính phủ đã có chỉ thị đóng cửa rừng, nhưng nạn phá rừng vẫn diễn ra và vẫn có tính chất rất nghiêm trọng, kể cả trong những rừng đặc dụng, thì đó cũng là những yếu tố.
Thứ ba nữa là lâu nay người ta cũng ít đề cập những chuyên đề sâu, thí dụ chuyên đề về bất bình đẳng giữa người bản địa và những người ở nơi khác đến. Lẽ ra tôi nghĩ những việc này nên được chú ý, và chính sách công nên chú ý hơn bởi vì những vụ việc như thế không chỉ âm ỉ, mà bùng phát bất cứ lúc nào, mà đó không chỉ là bối cảnh của một vùng hay một đất nước trong một khoảng thời gian nào, mà tôi nghĩ nó có thể kéo dài hàng trăm năm, thí dụ như ở Canada hay ở Mỹ v.v…
Cho nên tôi nghĩ, cần phải có những việc quan tâm thỏa đáng hơn, thí dụ như lồng ghép với các chương trình xóa đói giảm nghèo, phúc lợi, trợ cấp, rồi những chương trình khác, thậm chí có những chính sách ưu tiên về đất ở, cơ sở hạ tầng đối với người bản địa.
Tôi nghĩ cần có những chính sách như vậy, thậm chí ở đây theo quan điểm cá nhân của tôi, cuộc sống tinh thần của họ (cư dân sắc tộc), trong đó có tôn giáo, cũng phải có những chính sách nhất định đối với người bản địa, mà khác đối với những người Kinh, hoặc là những người dân tộc từ các địa phương khác đến Tây Nguyên", Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói trên quan điểm riêng.
‘Một trong những vụ lớn nhất hơn 10 năm trở lại’
Cũng trong dịp này, một nhà nghiên cứu là người bản địa có nhiều năm nghiên cứu văn hóa của các cộng đồng cư dân bản địa liên quan ở Tây nguyên và duyên hải nam Trung Bộ Việt Nam không muốn nêu tên, chia sẻ góc nhìn từ quan điểm cá nhân về sự kiện ở Đắk Lắk hôm 11/6 :
"Tôi nghĩ rằng tới nay đây là vụ việc lớn nhất của năm 2023 và cũng có thể là lớn nhất hơn 10 năm trở lại đây, nếu nhìn vào số lượng cán bộ công an, cán bộ dân sự và người khác thiệt mạng… Tôi cho rằng nguyên nhân chính của vụ việc này bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn với và trong cách quản lý nhà nước mà cao trào nhất là mâu thuẫn trong vấn đề thu hồi đất đai của đồng bào Thượng ở đó, khiến vụ việc lên cao như thế.
Không có đồng bào nào ở đó không biết rằng đất của họ đang làm trên đó, mà người ta vào, rồi trả giá rẻ như vậy để thu hồi, mà có thể chấp nhận được cả. Từ một người dân bình thường, không nói gì tới đồng bào ở đó, đa số họ cũng đã không chấp nhận, huống chi là đồng bào ở bản địa, và tôi nghĩ cao trào vấn đề nằm ở đó và tôi bảo lưu quan điểm này".
Vẫn theo nhà nghiên cứu độc lập về văn hóa tộc người bản địa này, từ khía cạnh khác biệt văn hóa cho tới mô hình quản trị do nhà nước áp dụng ở Tây Nguyên lâu nay đã có một số vấn đề :
"Tôi thấy rằng nhà nước Việt Nam không cho tự trị, với những đồng bào đã sống trên đất đai của ông bà của họ từ lâu, nhà nước không bao giờ gọi họ là dân tộc ‘bản địa’ cả, mà chỉ gọi họ là ‘dân tộc thiểu số’ mà thôi. Ngoài ra, về văn hóa, văn hóa giữa những người thuộc dân tộc đa số và những người thuộc ‘dân tộc thiểu số’ dĩ nhiên là khác nhau và rõ ràng đó là một vấn đề. Tức là sự khác biệt này có từ tôn giáo cho đến tính chất bản địa của từng dân tộc.
Dân tộc Tây Nguyên cũng là một bộ phận không thể tách rời của các sắc tộc trên lãnh thổ của một số vương quốc cổ xưa, như Vương quốc Chăm-pa cổ chẳng hạn, từ sau 30/4/1975, chính quyền ở Việt Nam dùng những danh xưng nhỏ để phân nhỏ các nhóm cư dân, sắc tộc ra, để những người dân bản địa này không còn quan tâm nguồn gốc xa xưa của họ nữa, tạo cho họ cảm giác họ ‘rất nhỏ bé’, nên ‘không làm chuyện gì được’. Đó theo tôi là một thủ thuật của quản trị nhà nước.
Còn về tính tự trị, ngày xưa đồng bào bản địa tự trị với nhau được, nhưng bây giờ tôi nghĩ, nếu ‘đòi tính tự trị’ đó, có thể xảy ra vấn đề đổ máu rất nhiều, và tôi nghĩ còn lâu Việt Nam mới công nhận chuyện đó. Từ khi mà nói theo cách nói của chính quyền là ‘giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước’, mô hình quản lý nhà nước đối với đồng bào ‘thiểu số’ nói chung và đồng bào Thượng ở Tây Nguyên nói riêng, có vẻ không phù hợp với tính cách, văn hóa, tôn giáo và suy nghĩ của người dân bản địa, người Thượng ở Tây Nguyên.
Cách quản lý của nhà nước gây ra sự khó chịu, gây bức xúc nhiều cho đồng bào mà ngay nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, như nhà văn Nguyên Ngọc, hay nhiều nhà văn khác ở Việt Nam, cũng nói rằng : ‘Từ khi mấy ông ở ngoài miền Bắc vào, các ông phá nát hết Tây Nguyên !".
Thực vậy, ngay cả những cánh rừng của Tây Nguyên cũng bị phá nát hết, và không ai có thể tưởng tượng rằng sau mấy chục năm chính quyền đến quản lý, Tây Nguyên mỗi mùa mưa về lại bị lụt. Đó là một chuyện chưa bao giờ người dân ở đó trước đây có thể nghĩ là sẽ xảy ra đối với Tây Nguyên, đơn cử Đà Lạt mùa mưa về cũng bị lụt và chỗ nọ chỗ kia ở Tây Nguyên cũng bị lụt hết, đó là điều mà chúng ta thấy có gì đó bất hợp lý".
Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm riêng của nhà nghiên cứu độc lập này, còn một khía cạnh khác được cho là khá nghiêm trọng, liên quan mô hình quản trị mà chính quyền Việt Nam từ sau 30/4/1975 đã áp dụng cho Tây Nguyên :
"Tôi nghĩ có vấn đề người ở đâu tới quản lý bà con cư dân bản địa, việc sử dụng người thân, đồng tộc với bà con để quản lý chính bà con, rồi những người đồng tộc ấy ở những địa phương mà chính quyền đã xé lẻ ra để quản lý như buôn nọ, buôn kia, để rồi những người thân, đồng tộc ấy báo cáo mọi sự việc lên cán bộ cấp trên, thì nó bộc lộ một vấn đề quá máy móc và quá gắt gao ; ngoài ra qua một số khảo sát của tôi qua các gặp gỡ với bà con ở Tây Nguyên, họ nói với tôi rằng những người ở những nơi khác tới ‘xem thường họ’ rất nhiều, tức là họ thiếu được tôn trọng.
Còn về giáo dục, ngay lương giáo viên ở những trường học mà nhà nước mở ở Tây Nguyên, có người dạy trên mười năm, tới hai mươi năm, mà lương giáo viên không đủ sống, không đủ nuôi gia đình, thì chỉ riêng việc đó liệu đã ảnh hưởng ra sao đến chất lượng giáo dục ở Tây Nguyên, thử hỏi tại sao chất lượng giáo dục ở Tây Nguyên so với cả nước lại chẳng không đâu vào đâu cả.
Còn trở lại với vụ việc ngày 11/6 vừa rồi, cá nhân tôi nghĩ rằng không riêng gì với bà con trong cả nước, hay đồng bào Thượng tại Đắk Lắk, Tây Nguyên, hoặc đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hay các đồng bào ở những nơi khác, mà trên toàn quốc, vấn đề đất đai là vấn đề bức xúc lớn nhất bây giờ, nhất là ở cách thức thu hồi, lấy đất của bà con, của đồng bào. Và chuyện bức xúc ấy, nếu không giải quyết cho êm đẹp, thì sẽ không bao giờ quản lý được tư tưởng, cảm xúc của người ta đâu và sẽ tiếp tục xảy ra những sự việc như thế", nhà nghiên cứu không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an toàn này nói với RFA trên quan điểm cá nhân.
Thấy gì từ kinh nghiệm từ thời Việt Nam Cộng Hòa ?
Cũng trong dịp này, hôm 13/6, từ Lognes, Cộng hòa Pháp, nhà dân tộc học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, chia sẻ với RFA tiếng Việt góc nhìn, cũng từ quan điểm riêng của ông, một số kinh nghiệm và đặc trưng lịch sử ở Cao nguyên Trung phần, tức Tây Nguyên, nơi có các sắc dân là đồng bào bản địa đã sinh sống từ lâu đời, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cho tới gần đây, ông nói :
"Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã có một số biến động, trong đó có phong trào BAJARAKA (chữ viết tắt tên bốn sắc tộc lớn trên Tây Nguyên : BAhnar, dJArai, RhAdé và KAho) từ năm 1956 -1958 và sau đó là phong trào FULRO (Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức) từ năm 1960-1968 (1), chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã nhìn vấn đề và thực sự lúc đó cũng phải nói có sự cố vấn của người Mỹ rằng chúng ta (Việt Nam Cộng Hòa) phải tôn trọng quyền của những người bản địa để cho họ có quyền sinh sống.
Từ đó đã có một số luật dành cho người Thượng ở Tây Nguyên một số quyền lợi : về chính trị, họ có một Bộ trưởng Bộ sắc tộc, có người đại diện tập thể cộng đồng người thiểu số trong Quốc hội và trong Thượng Nghị viện, và những người lãnh đạo địa phương như là Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Thị xã trưởng hay là Xã trưởng đều là người Thượng. Từ đó diễn ra một sự yên bình và trong phong trào FULRO, một số trong họ đã trở về lại và hòa nhập vào đời sống của người Việt Nam, trừ một thiểu số lúc đó đang bị một phe cực đoan ở Campuchia ‘kích thích’, ‘xúi giục’ là người Thượng phải đòi tự trị, độc lập, chứ không ‘sống chung’ với người Việt Nam như vậy, thành ra gây ra sự xáo trộn...
Nhưng trên nguyên tắc chung, người Thượng lúc đó đã chấp nhận hoàn toàn chính sách của Việt Nam Cộng Hòa, họ sẵn sàng hội nhập vào cộng đồng người Việt Nam và họ có những quyền lợi. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời đó đang áp dụng chính sách ‘tản quyGiới lãnh đạo người Thượng có chương trình xây dựng và phát triển cộng đồng người thiểu số trên cao nguyên miền Trung rất rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của họ, nhưng cũng phải nói là sau đó có một số người lợi dụng chức vụ vì ‘lợi lộc riêng’ nhưng chỉ là thiểu số.
Song nhìn chung, người Thượng đã tìm được sự sống chung với cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng người Kinh và người Việt Nam lúc đó cũng chấp nhận một cách thoải mái yêu cầu của người Thượng và người Thượng cũng chấp nhận người Việt Nam, và lúc đó chúng ta (Việt Nam Cộng Hòa) cũng đã có một sự phân biệt là những vùng nào của người Thượng thì người Kinh không được xâm phạm và người Thượng tự do sống trong đó.
Trở lại vụ nổ súng ngày 11/6, vấn đề quan trọng của người Thượng là họ không đòi gì lớn lao hết, họ chỉ đòi được quyền sinh sống trên đất đai do Tổ tiên của họ để lại và quyền thực hành tự do tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Mà tín ngưỡng của họ là gì ? Đó là có thể một số theo tôn giáo của người phương Tây, tức là đạo Công giáo, hoặc đạo Tin Lành, và một số khác sống theo chế độ vật linh. Tất cả những tín ngưỡng đó là những phong tục, tập quán mà chúng ta phải bảo vệ và tôn vinh, đó là một gia sản, một di sản văn hóa mà chúng ta phải tuyệt đối bảo vệ.
Nhưng ngày nay, chúng ta (chính quyền) muốn áp đặt một cái chung tức là mọi người phải đi theo Đảng cộng sản Việt Nam, mà đối với người Thượng đảng cộng sản không phải là một tôn giáo gì hết, tại sao bắt người ta phải theo chủ trương của mình ? Tôi nghĩ đây là một áp đặt khiên cưỡng và chính vì vậy đã nẩy sinh ra, ngoài vấn đề đất đai ra, còn có vấn đề tín ngưỡng của người Thượng, người ‘thiểu số’".
Bình luận thêm về vụ việc ở Đắk Lắk hôm 11/6, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học từng giảng dạy tại một Khoa Đông Nam Á học thuộc Đại học Paris 7, Denis Diderot, Pháp, nói thêm với Đài Á Châu Tự Do cùng hôm 13/6 :
"Vấn đề phải nhìn một cách rõ ràng. Thí dụ người Kinh đứng lên phản đối chính quyền, chúng ta (chính quyền) nói đó là bạo động như là về đất đai trong vụ Đoàn Văn Vươn, hoặc một số vụ khác ở miền Bắc Việt Nam. Khi chính quyền cưỡng chế đất đai như vụ Đồng Tâm, người ta nói đó là do cưỡng ép, áp đặt (mà phản kháng), chứ không phải là một âm mưu muốn phản loạn, lật đổ chính quyền. Nhưng vì ở đây là người Thượng, thành ra họ (chính quyền) cứ áp đặt đây là do phong trào FULRO, phong trào Đề-Ga (Nhà nước Đề-Ga) xúi giục, gắn cho họ những cái nhãn mà họ không có, tức là muốn đòi tự trị.
Vụ này chỉ là phản ứng tự nhiên của con người, khi mất nguồn sinh sống, mất hết tất cả, người ta sẵn sàng chết để bảo vệ. Tài sản duy nhất của người Thượng chỉ là đất đai của cha ông để lại, nay tài sản đó đang bị mất dần do bị ‘cướp đoạt’, hay bị ‘cưỡng chế’, thì họ còn lý do gì để sống ? Do đó họ phải liều mình chống lại, trong tay họ có gì thì xài thứ đó, có súng thì dùng súng, có dao, có mác thì dùng dao và mác, giống như người Việt mình cũng thường làm với chính quyền khi bị cưỡng chế. Trong những ngày sắp tới chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ lập một phương án hung bạo để dập tắt phong trào đòi đất và đời tự do tín ngưỡng của người Thượng để tỏ ra mình là người cầm quyền. Đây là cách giải quyết vấn đề của một chế độ độc tài. Tôi nghĩ vấn đề người Thượng cần phải nhìn lại.
Còn vấn đề rút kinh nghiệm nào cho tương lai, tôi thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi một sự hợp tá rộng lớn giữa chính quyền Việt Nam với những cộng đồng xã hội dân sự khác. Cho dù hiện nay chính quyền Việt Nam có lập ra những ủy ban như Ủy ban Dân tộc, Mặt trận Tổ quốc địa phương nhưng những ủy ban này và những người Thượng lãnh đạo đều là những người cộng sản và họ chỉ theo những chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam và họ thường làm trái với những ước vọng mà những người đồng hương của họ yêu cầu. Những người đại diện của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay ở trên Tây Nguyên có nguồn gốc ‘thiểu số’ đó không đại diện cho những ưu tư và quyền lợi của đồng bào bản địa của họ, họ chỉ đại diện cho quyền lợi của đảng cộng sản, chứ không vì quyền lợi của người địa phương. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta phải đặt lại, tỷ lệ người Thượng hiện nay chiếm chưa tới 1% dân số, mà chúng ta cứ áp đặt chính sách của đa số lên họ là bất hợp lý. Ngày nay họ đang là người ‘thiểu số’, trong tương lai có thể họ trở thành những người ‘di cư’ trên những vùng đất đai do tổ tiên của họ để lại. Tôi thấy điều này là quá đáng và chúng ta phải có một cái nhìn sáng suốt hơn về cộng đồng sắc tộc trên đất nước Việt Nam".
Trên đây là quan điểm riêng của một số nhà nghiên cứu, quan sát từ Việt Nam và hải ngoại xung quanh sự kiện nghiêm trọng ở Tây Nguyên, còn hôm thứ tư, 14/6/2023, cập nhật tin tức hậu các vụ nổ súng ở huyện Cư Kuin, trên địa bàn Đắk Lắk, báo Công An Nhân Dân online của Việt Nam cho hay an ninh, trật tự tỉnh ở này ‘đã trở lại bình thường’, và có thêm ‘một đối tượng tự thú’ :
"Theo báo cáo của Công an Đắk Lắk, tình hình an ninh trật tự trên toàn tỉnh Đắk Lắk đã trở lại trạng thái bình thường, các sinh hoạt xã hội thường lệ không có gì thay đổi. Nhịp sống thường ngày trở lại không khí như những ngày trước 11/6. Trong đêm 13/6 đã có một đối tượng tham gia vụ gây mất an ninh trật tự ra tự thú. Như vậy, đến nay đã có 3 đối tượng tham gia vụ việc ra tự thú để được hưởng khoan hồng.
Tính đến 8g30 sáng 14/6, lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 46 đối tượng gây mất an ninh trật tự tại trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kêu gọi những người "lầm đường - lạc lối" ra tự thú để được hưởng khoan hồng.
Trước đó, sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra vụ việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm 9 người chết và 2 người bị thương. Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ triển khai vây bắt nhóm đối tượng nêu trên, giải cứu một số người dân bị bắt làm con tin", vẫn theo tờ báo của ngành Công an Việt Nam.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 14/06/2023
************************
Đắk Lắk : Các tổ chức xã hội dân sự phản đối bạo lực, bày tỏ cảm thông với người bản địa
RFA, 13/06/2023
Một số tổ chức tôn giáo độc lập và dân sự của người Thượng ở Tây Nguyên lên tiếng phủ nhận sự can dự của họ vào cuộc tấn công hai cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trong sáng sớm 11/6, hơn thế nữa họ còn lên tiếng phản đối bạo lực.
Chính phủ
Tây Nguyên là vùng đất của nhiều sắc dân người Thượng và là nơi hiện có những tranh chấp về đất đai, cáo buộc đàn áp tôn giáo giữa Chính phủ và người Thượng theo Thiên chúa.
Theo thông tin từ truyền thông Nhà nước, vào sáng sớm ngày 11/6 khoảng 30 người có vũ trang đã nổ súng vào hai đồn công an ở xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin. Vụ nổ súng đã khiến ít nhất chín người thiệt mạng bao gồm sáu công an, theo thông tin từ Bộ Công an. Đến chiều ngày 13/6, Bộ Công an thông báo đã bắt giữ được 45 người tình nghi và kêu gọi những người khác ra đầu thú.
Phủ nhận sự dính líu vào vụ việc
Ông Y-Duen Buondap, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dega Tây Nguyên (Dega Central HighLands Organization) có địa chỉ liên lạc ở tiểu bang North Carolina - Hoa Kỳ, tuyên bố tổ chức của ông không liên quan gì đến sự việc vừa xảy ra. Trong cuộc phỏng vấn của RFA vào ngày 12/6 ông khẳng định :
"Không, chúng tôi không có thành viên nào tham gia vào sự việc này nhưng chúng tôi có thông tin người Thượng nổi dậy đòi quyền lợi bởi vì họ không thể chịu đựng hơn nữa. Hàng ngày họ bị đàn áp, đánh đập, bắt giữ và bị dồn vào chân tường và do đó họ làm một điều để thế giới biết được tình trạng của họ".
Tuy nhiên, ông cho biết tổ chức của ông sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Đắk Lắk và Tây Nguyên để báo cáo cho Liên Hiệp Quốc cũng như Chính phủ Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền ở đây.
Ngay trong cùng ngày xảy ra vụ việc, tổ chức Người Thượng vì Công Lý ra thông cáo báo chí tuyên bố tổ chức này không liên quan đến sự kiện bạo lực. Trong thông cáo này, nhóm nói rằng họ không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân nào xúi giục, thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ mục đích gì.
Tổ chức có các thành viên sáng lập đang tị nạn chính trị tại Thái Lan và Hoa Kỳ, khẳng định chủ trương hoạt động ôn hòa qua việc vận động cho tự do tôn giáo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên Hiệp Quốc và các chính phủ của những nước dân chủ, nhóm chuyên báo cáo tình hình đàn áp tôn giáo, cưỡng chế đất của người đồng bào ở Tây Nguyên quan ngại rằng mọi hình thức nổi dậy có vũ trang sẽ gây ra những bước cản cho tiến trình vận động ôn hòa.
Nhóm này lo ngại rằng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ sử dụng những vụ việc tương tự để làm căn cứ biện minh cho chính sách đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập từ trước đến nay trong khi cộng đồng quốc tế sẽ dè dặt trong việc trợ giúp cho người Thượng đang bị áp bức.
Phóng viên có liên lạc với mục sư Aga, người sáng lập nhóm tôn giáo độc lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và hiện đang định cư tại North Carolina và được ông khẳng định tổ chức của ông không tham dự vào cuộc nổi dậy và cũng không có thành viên nào của tổ chức này có liên quan.
Mục sư Nguyễn Công Chính, người đồng sáng lập và điều hành nhóm tôn giáo Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Việt Nam và một trong những người lãnh đạo của Hiệp hội Thông công Tin Lành Việt Nam nói về cuộc nổi dậy và những người Thượng ở Tây Nguyên.
"Những người Thượng chỉ là người dân bình thường, họ sống bằng niềm tin tôn giáo thôi. Và khi mà họ bị xâm phạm niềm tin tôn giáo hay đất đai, thì rõ ràng họ có phản ứng lên tiếng thôi, chứ còn để mà tổ chức một lực lượng 30-40 người có tính chất vũ trang quy mô như vậy đó thì tôi nghĩ người Thượng ở Đắk Lắk không có khả năng làm việc đó".
Ông cũng cho biết trong buổi sáng 11/6, ông có liên lạc được với một số thành viên của tổ chức tôn giáo trong khu vực xảy ra vụ việc, nhưng sau đó mọi liên lạc bị cắt đứt có khả năng do sự phá sóng của an ninh Đắk Lắk. Nhiều người dân hoang mang không biết chuyện gì đã xảy ra, ông nói.
Ông cũng không loại trừ đây là một âm mưu dàn dựng nhằm triệt hạ tổ chức tôn giáo độc lập Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Việt Nam.
Mục sư Chính, người từng bị tòa án Việt Nam kết án 11 năm tù giam về tội danh "chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc" năm 2011 nhưng được phóng thích và sang Hoa Kỳ tị nạn từ năm 2017 với lý do nhân đạo, kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp và theo dõi chặt chẽ việc bắt bớ người Thượng (kể cả những người không liên quan) đang được thực hiện bởi lực lượng an ninh Việt Nam, vì có thể họ "té nước theo mưa".
Giới hoạt động cảm thông với người bản địa Tây Nguyên
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng - nhóm nhân sĩ trí thức cổ súy cải cách thể chế, từ Sài Gòn - cho RFA biết mâu thuẫn xã hội giữa người Kinh và người bản địa ở Tây Nguyên xuất phát từ chính sách di dân sau năm 1975 với mục tiêu đưa người từ đồng bằng sông Hồng và khu vực Trung bộ lên cao nguyên Trung phần để kiểm soát "nóc nhà của Đông Dương".
Chính sách này dẫn đến hậu quả người Kinh lấn chiếm đất đai của người bản địa và thu hẹp không gian sinh tồn của họ bên cạnh việc phá hủy toàn bộ rừng ở Tây Nguyên, ông nói theo quan điểm riêng.
"Thực tế những người từ đồng bằng lên khinh thường người bản địa Tây Nguyên. Chính quyền của họ, tất cả của họ, có một sự phân biệt đối xử rõ ràng đối với người bản địa Tây Nguyên. Có thể nói rằng trong đầu óc của những người từ đồng bằng đi lên, họ muốn chiếm đất ở đâu thì chiếm.
Người Tây Nguyên giờ không còn gì, và vì không còn gì nên phản ứng của họ là tất yếu".
Theo ông, để giải quyết mâu thuẫn xã hội ở Tây Nguyên, Nhà nước Việt Nam phải giải quyết đời sống của người bản địa Tây Nguyên bảo đảm cuộc sống của họ, và giúp họ bảo tồn văn hóa bên cạnh việc trồng lại rừng ở khu vực này.
Một nhà quan sát thời cuộc ở Hà Nội nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, rằng ông ủng hộ việc đấu tranh của đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên nhưng phản đối phương pháp đấu tranh bằng bạo lực.
Theo ông, bạo lực chỉ sinh ra bạo lực, hơn nữa đồng bào Tây Nguyên dùng bạo lực chống lại nhà cầm quyền là "trứng chọi với đá".
Ông nói việc Bộ Công an sử dụng cả một trung đoàn cơ động để dẹp có mấy chục người Thượng, huy động cả người Kinh cầm gậy gộc đi "săn tìm" nghi phạm như đi "bắt chó" là phản cảm, là hành động đổ thêm dầu vào lửa và càng làm cho mâu thuẫn thêm trầm trọng.
Ông cũng phản đối hành động kích động, xúi giục bà con người Thượng manh động vì việc này đẩy họ tới sự mất mát không đáng có.
Từ Đức, cựu tù nhân lương tâm - luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ nói với RFA :
"Tôi phản đối mọi hình thức bạo lực sử dụng trong vấn đề tranh chấp hay đấu tranh bởi vì bạo lực không giải quyết được vấn đề mà bạo lực lại sinh ra bạo lực.
Nhưng mà tôi thông cảm và hiểu được nguyên nhân vì sao mà người Thượng phải sử dụng biện pháp cuối cùng như vậy, bởi vì sau năm 1975 tình trạng đàn áp tôn giáo cướp đoạt đất đai và phân biệt đối xử trong chính sách xã hội của chế độ cộng sản đối với vấn đề Tây Nguyên cho nên họ không còn con đường nào khác ngoài việc sử dụng để chống lại".
Theo ông, việc Nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử và đàn áp người Thượng đã tạo cơ hội cho một số tổ chức ở nước ngoài kích động người dân đứng lên đấu tranh bằng biện pháp bạo lực.
Cũng theo vị luật sư đang tị nạn chính trị ở Đức, không loại trừ có việc kích động bạo lực để từ đó chính quyền trung ương mượn cớ để triệt phá các tổ chức tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên, điều mà chính quyền ở nhiều địa phương ở đây đã không thực hiện được mặc dù áp dụng nhiều biện pháp đàn áp tinh vi.
Theo ông, giải pháp cho người Thượng và cả dân tộc Việt Nam là nhà nước phải tôn trọng quyền con người và chấp nhận đa nguyên chính trị.
Nguồn : RFA, 13/06/2023
*************************
Bạo lực là biện pháp ‘thiếu khôn ngoan’ nhất, ‘đối thoại’ phải là giải pháp
Quốc Phương, RFA, 12/06/2023
Việc để xảy ra bạo lực là chuyện không hay, đây không phải là biện pháp khôn ngoan, mà đối thoại mới là giải pháp cho tất cả các bên trong bất cứ cuộc xung đột nào, một ý kiến từ giới quan sát thời sự, chính trị và phản biện chính sách tại Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/6/2023, nhân biến cố các vụ nổ súng xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thuộc Cao nguyên Trung phần Việt Nam hôm 11/6 khiến nhiều người thiệt mạng, một số bị thương và hàng chục người bị bắt giữ trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra do công an và chính quyền Việt Nam tiến hành.
Các lực lượng Công an, Quân đội cùng phối hợp chốt chặn trên những tuyến đường trọng yếu
"Trước hết, tôi thấy rằng việc để xảy ra bạo lực là một chuyện không hay, nhưng có thể hiểu được, là bởi vì người xưa đã nói ‘con giun xéo lắm cũng bị quằn’", Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nói với RFA tiếng Việt từ Hà Nội hôm thứ Hai trên quan điểm riêng.
Sự phản kháng của người dân có lẽ đến mức cùng cực, không thể còn cách nào khác, họ đành phải dùng đến biện pháp bạo lực và ngày đầu tiên, một số báo có đưa tin và về sau phải rút xuống, và cho đến bây giờ (12/6) thì nhất nhất theo sự chỉ đạo của Bộ Công an.
Tôi thấy rằng những xung đột trong xã hội luôn luôn xảy ra, luôn luôn có, nhưng cách giải quyết các cuộc xung đột đó như thế nào cho êm thấm, cho nó bằng biện pháp hòa bình mà không phải bằng bạo lực. Đấy mới là cách khôn ngoan nhất. Hiện bây giờ, người ta đã bắt hàng chục người, nghi can, và tôi sợ rằng việc dùng bạo lực để chống lại bạo lực này lại càng leo thang hơn nữa. Việc đó có thể nhất thời dìm sự xung đột ấy xuống một thời gian, nhưng mà là cách giải quyết xung đột một cách ngu ngốc nhất".
Giải thích rõ hơn cách hiểu của mình về thế nào là bạo lực và hậu quả của nó, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A nói :
"Bạo lực ở đây không phải chỉ là dùng súng ống, mà kể cả là sự đàn áp bằng tinh thần, gây dư luận, tôi nói thí dụ như dư luận của người đa số chẳng hạn, để chống lại họ (người thiểu số), thì đó cũng là bạo lực, và như tôi nói đó là cách thức ngu đần nhất, bởi vì bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực. Sự nổ ra của vấn đề bạo lực chỉ là vấn đề thời gian, cách giải quyết ấy là cách giải quyết không khôn ngoan.
Xung đột xã hội luôn luôn xảy ra ở khắp mọi nơi, là một phần của cuộc sống, cách giải quyết bằng bạo lực là cách thức tồi tệ nhất. Không có cách giải quyết tối ưu ngoài việc phải phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, thời điểm cụ thể và từ xưa đến nay, người ta không tìm thấy cách nào, nhưng có một cách rất tồi, nhưng vẫn tốt hơn tất cả những cách khác, theo tôi, đấy là cách của các chế độ dân chủ".
Vì sao người trẻ tuổi ‘tham gia’ ?
Có thông tin gợi ý rằng nhiều nghi can trong số những người bị bắt và bị cáo buộc tham gia biến cố bạo lực ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6/2023 là những người trẻ tuổi thuộc một số sắc tộc cư dân bản địa, bình luận về khía cạnh này, ông Nguyễn Quang A nói :
"Tôi không lạ rằng trong chuyện này nhiều người trẻ tham gia, bởi vì sao ? Bởi vì những người trẻ ấy bây giờ họ có nhiều hiểu biết hơn, các phương tiện để người ta liên lạc với nhau cũng dễ dàng hơn, qua điện thoại thông minh, qua mạng xã hội v.v… và một lý do nữa là những người trẻ chính vì những lý do ấy có thể dễ bị kích động hơn bởi mạng xã hội.
Cho nên vấn đề rất phức tạp, và khi đã phức tạp, không có cách gì giải quyết tốt hơn bằng phơi bày các vấn đề đó ra rộng rãi với công chúng, rồi thảo luận, tranh luận, rồi tranh cãi, cho ‘ra ngô, ra khoai'. Tôi nghi ngờ rằng nó sẽ không ‘ra ngô, ra khoai’, nhưng ít nhất các vấn đề cũng rõ ra được ở một số mức độ nhất định mà có thể chấp nhận được, đối với nhiều người, hay đối với những bên liên quan.
Còn dùng bạo lực, tôi nhắc lại không chỉ bạo lực bằng súng ống và dùi cui, mà kể cả bạo lực về ngôn từ, bạo lực của các biện pháp tuyên truyền, là cách giải quyết kém khôn ngoan nhất".
Tiếp cận ‘chệch hướng’
Theo ông Nguyễn Quang A, sự kiện bạo lực nổ súng gây chết nhiều người ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 cho thấy có sự mất chủ động nào đó đối với chính quyền và ngành công an Việt Nam, kể cả ở địa phương, và dường như tiếp cận của nhà nước là chưa chuẩn xác, ông nói thêm vẫn trên quan điểm riêng :
"Tôi nghĩ rằng dẫu trước đó có chủ động giám sát này kia, nhưng đều là trật cả, điều quan trọng nhất là phải tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo điều kiện việc làm cho họ, tạo điều kiện để họ làm ăn, học hành, cái đó mới là cái chính. Chứ còn họ thấy rằng đó là bước đường cùng, trẻ tuổi, học xong không có việc làm, thì dễ bùng nổ lắm.
Cho nên biện pháp để chữa là phải chữa ở nơi khác, chữa bằng chính sách kinh tế, chính sách xã hội, chính sách văn hóa, chứ không phải là bằng giám sát, như là giám sát – phát hiện – rồi phát hiện từ trong trứng nước, rồi thế này thế kia, bởi vì cách tiếp cận ấy là không trúng. Cách tiếp cận trúng hơn là phải làm sao để cho những người ấy cảm thấy họ được thỏa mãn, được an toàn, được tự do.
Tôi nghĩ rằng mình phải hiểu người ta hơn, đáng tiếc rằng giới tinh hoa của Việt Nam có lẽ không hiểu những người thiểu số, những người bản địa thực sự muốn gì, muốn thế nào, bởi vì mình phải tôn trọng cái đó… Vậy phải đi vào những vấn đề cụ thể và thực sự tôn trọng những dân tộc bản địa ấy…
Xung đột có nhiều cách thức để giải quyết, mà cách tốt nhất là bằng thảo luận, bằng sự công khai minh bạch, bằng sự thuyết phục, đấy mới là cách thức khôn ngoan để giải quyết xung đột. Ở đây, có lẽ vẫn là xung đột của người dân, mà chủ yếu là người dân bản địa, tức là những người vốn từ thời thượng cổ đến nay sống ở đó. Bây giờ cũng có người nói đây là một chính sách ‘thuộc địa hóa’ ở trong đất nước Việt Nam, và những người phân tích như thế cũng có lý của người ta và có lẽ chính quyền phải nên lắng nghe những phân tíccó thể là nghịch tai như vậy".
Tiếp tục giải thích quan điểm này của mình, ông Nguyễn Quang A nói :
"Bởi vì những lợi ích của những người bản địa ấy có thể đã bị xâm phạm và trong sự xung đột ấy, chỉ có cách là minh bạch thảo luận, tranh luận, làm rõ ra với nhau và tương nhượng lẫn nhau, tức là phải có sự thỏa hiệp giữa chính quyền, giữa những lực lượng khác, tôi nói thí dụ những người Kinh lên làm kinh tế mới ở trên đó (Tây Nguyên) chẳng hạn, thì những xung đột như thế sẽ luôn luôn xảy ra. Cách giải quyết là phải ngồi lại với nhau, nói cho rõ, hiểu nhau hơn và phải tôn trọng những người dân bản địa ấy, chứ không phải là lấy sức đè người.
Và có một lập luận hết sức sai lầm của phần lớn những người lãnh đạo hiện nay là cách làm này, chính sách như thế này là phục vụ cho tuyệt đại đa số. Bởi vì nói về dân số, đúng là những người bản địa là thiểu số, nhưng cái chính của vấn đề là phải tôn trọng các thiểu số kể cả về văn hóa, tập quán, tập tục. Chỉ như thế mới phát triển được hài hòa, thế còn vin vào một điều là chính sách nào đó để phục vụ tuyệt đại đa số, thì đấy là một sự ngụy biện, chứ không phải là một cách giải thích, rất đáng tiếc là cách nói đó được rất, rất nhiều người ở Việt Nam nghe theo".
Tính thời điểm thế nào ?
Về thời điểm xảy ra sự kiện ngày 11/6/2023, ông Nguyễn Quang A bình luận :
"Tôi không thể đưa ra một sự phỏng đoán nào về chuyện thời điểm, bởi vì về tính thời điểm, những sự kiện lớn thường xảy ra một cách bất ngờ, ngẫu nhiên, vì những sự châm ngòi có thể xảy ra rất là lạ. Tôi nói một sự kiện rất lớn có thể xảy ra chỉ vì’ sự cán chết của một con chó nào đó’ chẳng hạn, sự thất thường, sự ngẫu nhiên, sự tình cờ xảy ra thì không ai có thể tiên đoán được, nên tôi không muốn bình luận về sự tình cờ ấy, thế nhưng mà sự tình cờ ấy chỉ có thể xảy ra khi những điều kiện bên dưới, các điều kiện xã hội, kinh tế - xã hội, chính trị - xã hội ở bên dưới tạo điều kiện cho một sự bất ổn như vậy sinh ra, thì bất kể một sự tình cờ nào có thể đều kích một cuộc bạo động như vậy xảy ra".
Cũng hôm 12/6, một nhà nghiên cứu văn hóa của đồng bào sắc tộc ở Cao nguyên Trung phần và duyên hải nam Trung Bộ Việt Nam, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do với điều kiện được ẩn danh vì lý do an ninh, bình luận của mình từ Việt Nam :
"Theo quan sát cá nhân của tôi, các đồng bào bản địa này, trong đó có đồng bào Thượng rất chân thật, họ ít khi phản kháng, nhưng có thể, như các ý kiến chia sẻ trên cộng đồng cũng gợi ý, có thể do áp bức, căng thẳng về đất đai đến mức độ nào đó, nên họ mới sinh ra như vậy, tức là tới đường cùng nên họ liều chết.
Hiện trên truyền thông có nguồn nói những người này là tổ chức của nước ngoài, cũng có cáo buộc rằng họ là người thuộc tổ chức FULRO, rồi tàn dư của tổ chức nhà nước Đề ga, nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi không nghĩ như vậy.
Về hậu quả, thì rõ ràng là đã có hậu quả rồi, nhà nước Việt Nam chắc chắn sẽ làm căng, những người này nếu bị bắt được hết, chắc chắn không thoát tội nặng, tội chết. Về vấn đề của đồng bào người Thượng đó, qua cách phản ứng đó, là dường như họ có bức xúc rất lớn mà không có cách nào giải tỏa. Nếu nhìn những vụ án, vụ việc ở Tây Nguyên mà chính quyền, quân đội và công an lên thu hồi đất của người dân rất ồn ào mấy tháng trước, tôi nghĩ chắc chắn có sự liên quan đến vấn đề đất đai của người dân.
Người dân bản địa không còn đất canh tác, không còn điều kiện này kia, nên họ mới sinh ra tư tưởng mà không được như cách nghĩ của người bình thường… Vụ này theo tôi, chính quyền sẽ thổi phồng lên và họ sẽ xử lý triệt để, làm gương cho những vụ khác, nên có khả năng không bao giờ chính quyền sẽ nương tay gì cả, mà ngược lại họ sẽ làm rất mạnh tay".
Và nhà nghiên cứu này chia sẻ thêm quan điểm và cảm nghĩ riêng với Đài Á Châu Tự Do về sự kiện :
"Tôi nghĩ rằng đồng bào Thượng ở Tây Nguyên cần cố gắng bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc của mình, không nên có ứng xử như hai vụ hôm qua (11/6), điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân và cho chính người thân của mình. Tôi nghĩ đồng bào cần bình tĩnh, tìm những phương cách khác mà ôn hòa hơn, phù hợp với pháp luật của Việt Nam hơn, mà qua đó gây được cái nhìn thiện cảm của mọi người và từ bên ngoài đất nước nhìn vào hơn.
Nếu làm như vừa qua, tôi nghĩ lúc nào sự thiệt thòi cũng là ở với đồng bào trước, rồi sau đó đến gia đình, người thân, rồi đến dân tộc, sắc tộc của đồng bào. Dân số của đồng bào không đủ để có những hành động như vậy, và làm như thế sẽ rất thiệt thòi, thiệt hại, cho nên tôi nghĩ đồng bào Tây Nguyên cần hết sức kiềm chế, và tìm những phương pháp khác tốt đẹp hơn để giải quyết, cố tìm tiếng nói chung với chính quyền, nếu có bức xúc, nếu có vấn đề gây cho đồng bào sự khó chịu ở trong lòng, trong suy nghĩ. Như thế tôi nghĩ mới hợp lý, còn nếu xử lý bằng cách thức ‘tôi chết thì anh cũng chết’, sẽ rất khó khăn, khó khăn cho những người đã ở trong những vụ việc ấy, và cả cho những người thân, những người ở lại bên ngoài, như những người đồng tộc của đồng bào".
Tâm tư của đồng bào ?
Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh thêm rằng sau sự việc vừa rồi chắc chắn Bộ Công an và chính quyền sẽ ‘quan tâm’ đến Tây Nguyên nhiều hơn nữa và sẽ bố trí lực lượng ‘dày hơn nữa’ để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, và ý kiến này chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do về điều được tin là nhu cầu và tâm tư nguyện vọng của đồng bào sắc tộc ít người ở khu vực qua nghiên cứu, quan sát của nhà nghiên cứu :
"Còn đối với quyền của bà con bản địa, như những quyền này đã được quy định bởi Liên Hợp Quốc, tôi nghĩ rằng bà con cũng chỉ mong muốn được đối xử bình đẳng mà thôi, trong đó họ được học hành đàng hoàng, có nền giáo dục chất lượng, khai phóng v.v…, tôi không nghĩ là đồng bào muốn đòi hỏi để thành lập nhà nước riêng, hay đòi tự trị gì ghê gớm cả, mà họ chỉ muốn được tôn trọng, họ muốn bình đẳng, họ muốn có đất đai để sản xuất để nuôi vợ con, nuôi gia đình, nuôi thân được tốt mà thôi.
Tôi nghĩ những mong muốn đó không có gì ghê gớm cả, mà đều là những mong muốn chính đáng, tuy nhiên nhà nước và chính quyền vô cùng khắt khe đối với quyền của đồng bào. Lý do tại sao lại thế, thì theo nghiên cứu của tôi nhiều năm qua, Tây Nguyên có vai trò địa lý chính trị, địa lý quân sự, quốc phòng rất đặc biệt, nên nhà nước, chính quyền có những thao tác, lộ trình, quy trình quản lý đặc biệt hơn, nhưng những sự quản lý như vậy đã sinh ra nhiều chuyện nhiêu khê, phức tạp…".
Hôm 12/6/2023, báo Đắk Lắk điện tử, cập nhật về vụ việc nổ súng trước đó một ngày tại địa phương thuộc tỉnh này, cho hay chính quyền và công an Việt Nam đã bắt giữ 26 nghi phạm có liên quan vụ tấn công trụ sở công an hai xã tại huyện Cư Kuin.
"Trước đó, theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra vụ việc một nhóm người dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, làm chết, bị thương một số đồng chí công an xã, cán bộ xã và người dân", báo Đắk Lắk đưa tin.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 12/06/2023