Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/06/2023

Biển Baltic, "hồ của Liên Xô" thành "biển của phương Tây"

Thùy Dương

Thất bại chiến lược của Putin : Biển Baltic, "hồ của Liên Xô" thành "biển của phương Tây"

Bóng đen chiến tranh Ukraine đã bao phủ đến biển Baltic. Hội đồng các quốc gia biển Baltic, còn được gọi là "Hội đồng Baltic", là một tổ chức tập hợp các quốc gia sát vùng biển bắc Âu này, với 11 thành viên : Liên Âu, Đức, Ba Lan, ba nước Baltic, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Nga. Nhưng khi chiến tranh Ukraine nổ ra, hồi tháng 03/2022, Nga đã bị đình chỉ tư cách thành viên "Hội đồng Baltic". Đến tháng 5, chính Putin cũng quyết định rời khỏi tổ chức.

baltic1

Soái hạm USS Kearsarge vào cảng Stockholm. Từ ngày 02 đến 05/06, bốn chục chiến hạm thuộc hạm đội của NATO đã ghé thăm cảng Stockholm trước khi tập trận tại biển Baltic từ 05 đến 17/06/2022. AP - Henrik Montgomery

Trong bài viết có tiêu đề "Vùng biển này là cái gai đâm vào chân Putin", đăng trên trang mạng Watson hôm 03/06, nhà báo Patrick Diekman nhắc lại ảnh hưởng của Matxcơva đối với vùng biển Bắc Âu này đã bắt đầu suy yếu ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế nhưng điều này càng rõ rệt hơn kể từ khi Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Quả thực, biển Baltic nay gần như đã là vùng biển nằm dưới sự kiểm soát của NATO. Hơn 1 năm sau khi Matxcơva xâm lược Ukraine, Phần Lan, quốc gia Bắc Âu có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO hôm 04/04/2023, sau 3 thập kỷ duy trì quy chế trung lập, không liên kết quân sự với bất kỳ một nước nào.

Liên quan đến Thụy Điển, hồ sơ ứng viên của nước này vẫn còn bị Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn. Ankara lấy cớ là Stockholm dung túng các cá nhân và tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Tuy nhiên, NATO đang hối thúc Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trước thượng đỉnh Vilnus vào tháng 07/2023. Ngoại trưởng Pháp hôm 16/06 nhấn mạnh việc NATO kết nạp Thụy Điển không chỉ củng cố an ninh và sự ổn định của vùng Baltic, mà còn của toàn Châu Âu.

Như vậy là khi xâm lược Ukraine, Putin đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, và chính điều này đã đẩy Vladimir Putin đến "một thất bại chiến lược vô cùng lớn". 

Thực ra, với tư cách là "các quốc gia đối tác" của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương từ năm 1994, Thụy Điển và Phần Lan trong nhiều năm năm đã tham gia các cuộc diễn tập của NATO, chẳng hạn các máy bay ném bom B-52 của Không Quân Hoa Kỳ được phi cơ Thụy Điển hộ tống. Nhưng tuần báo L’Express ngày 14/10/2022 nhận định việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là một sự thay đổi lớn về địa chính trị.

Đối với chuyên gia quân sự Thụy Điển - Phần Lan, Tomas Ries, "với Stockholm và Helsinki, Putin đã thua cuộc". Trong mọi trường hợp, Matxcơva không thể thống trị khu vực. "Chỉ cần Vịnh Phần Lan được gài mìn là đủ để hạm đội Nga bị cản trở đến St. Petersburg. Căn cứ hải quân Nga ở Kaliningrad sẽ không tồn tại nổi quá 3 ngày trong trường hợp xảy ra chiến tranh". Trong khi đó, chuyên gia Robert Dalsjö của Viện Nghiên cứu Quân sự Thụy Điển (FOI), người đã dành cả đời để nghiên cứu các kịch bản chiến tranh ở Bắc Âu, kết luận với L’Express : "Lao vào chiến trận ở Baltic sẽ là hành động tự sát về phía Putin, bởi vì biển Baltic, từng một thời được xem là "hồ của Liên Xô" nay đã trở thành "biển của phương Tây".

Đóng góp của Helsinki và Stockholm cho NATO, theo L’Express, đương nhiên là không nhỏ, đặc biệt là so với các quốc gia mới gia nhập Liên minh : Albani và Croatia vào năm 2009, Montenegro vào năm 2017.

Phần Lan - Thụy Điển, thay đổi quan trọng về địa chính trị

Niklas Granholm, một chuyên gia khác của Viện Nghiên cứu Quân sự Thụy Điển FOI, nêu bật hỏa lực của các nước Bắc Âu : "Với 1.500 khẩu, pháo binh Phần Lan vượt trội so với hai đối tác Pháp và Anh cộng lại. Một số loại pháo đã cũ, nhưng nhiều loại pháo được sản xuất tại Hàn Quốc thì cực kỳ hiện đại".

Còn về không lực ? Bốn quốc gia Bắc Âu có tổng cộng 250 máy bay tiêm kích, hơn nhiều so với Nga. Chuyên gia quân sư Niklas Granholm cho biết thêm : "Gần đây, Phần Lan đã đặt hàng 64 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ (để thay thế F-18), giống như loại trang bị cho lực lượng không quân Na Uy (54 phi cơ) và Đan Mạch (27 chiếc)". Thụy Điển thì dựa vào khoảng một trăm máy bay tiêm kích JAS 39 Gripen sản xuất trong nước và tương thích với các thiết bị của Mỹ.

Về lực lượng hải quân, Phần Lan và Thụy Điển có các tàu tàng hình, công nghệ cao tối tân, với đặc thù phù hợp với địa lý trong khu vực : nhiều tàu của hai nước này là tàu chuyên biệt trong chiến tranh đổ bộ, có khả năng đổ bộ lên các đảo đá nằm rải rác vùng duyên hải. Nhưng trên hết, Thụy Điển ghi dấu ấn dưới biển, với các tàu ngầm do chính họ chế tạo, vận hành rất yên lặng và linh hoạt.

Trong một cuộc tập trận hồi năm 2005 ngoài khơi San Diego (bang California, Mỹ), một trong những tàu ngầm của Thụy Điển, trong một cuộc diễn tập mô phỏng, đã đánh chìm được tàu sân bay USS Ronald Reagan bằng cách đánh lừa, vượt qua được tất cả các tàu hộ tống. Kỳ tích đã khiến Hải quân Hoa Kỳ tức tốc mượn một bản sao của tàu ngầm Thụy Điển trong một năm để nghiên cứu dưới mọi góc độ.

L’Express trích dẫn đại tá Joakim Paasikivi, trường Quốc phòng Thụy Điển Försvarshögskolan, theo đó "với sự thay đổi lớn về độ mặn và nhiệt độ, biển Baltic lại rất đặc biệt về thủy văn, buộc chúng tôi phải tối ưu hóa các tàu ngầm của mình". Thụy Điển cũng có một hệ thống căn cứ dưới nước, bên dưới các bãi đá ở bờ biển, nên nước này làm chủ được các kịch bản về chiến tranh ngầm dưới biển, có sự phối hợp với lực lượng tàu ngầm của Đức hoặc Hà Lan.

Ngoài ra, cũng cần nói đến năng lực tình báo, viễn thông và công nghiệp của Phần Lan và Thụy Điển. Cựu giám đốc cơ quan CIA Mỹ, Mike Pompeo, hồi tháng 05/2022, đã từng nhận định với L’Express : "Phần Lan và Thụy Điển có các cơ quan tình báo xuất sắc". Tại hai nước này cũng có nhiều người nói tiếng Nga. Ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển cũng có tầm mức, quy mô đáng kinh ngạc, dựa vào nhà sản xuất máy bay Saab, các hãng Bofors, Hägglunds, Kockums và hàng chục công ty khác chuyên về chế tạo tên lửa, bệ phóng rocket (mà hiệu quả đã được kiểm chứng ở Ukraine trong việc chống lại xe tăng Nga), xe chiến đấu, xe bọc thép, radar, tàu chiến và tàu ngầm.

Phần Lan thì lại có những thế mạnh khác. Helsinky có khả năng huy động một trong những đội quân lớn nhất ở Châu Âu nhờ các tiểu đoàn quân dự bị, chỉ trong vài giờ là có thể tăng quân số, cả nam và nữ, từ 20.000 lên thành 280.000 người. Không giống như Đức hay Thụy Điển, Phần Lan đã không bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào những năm 1990.

René Nyberg, cựu đại sứ Phần Lan tại Nga, giải thích với tuần báo Pháp : "Đối với một quốc gia giàu có, bãi bỏ nghĩa vụ quân sự là một sai lầm. Làm sao có thể thúc đẩy các thanh niên nhập ngũ sau khi đã đặt họ vào điều kiện thoải mái, đầy đủ tiện nghi (…) Đội quân của chúng tôi, vốn rất quen thuộc với nhân dân, đào tạo 30.000 quân nhân dự bị mỗi năm. Tất cả đều biết nơi họ đầu quân và vai trò chính xác của họ khi được động viên".

Cựu đại sứ Thụy Điển bên cạnh NATO, Veronika Wand-Danielsson, nhắc lại rằng vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine hồi năm 2014 đã khiến Stockholm "mở mắt", củng cố quân đội, tái lập nghĩa vụ quân sự bán phần, tăng cường các cuộc thao dượt, mở lại các căn cứ quân sự trên hòn đảo chiến lược Gotland và tăng ngân sách quốc phòng (dự kiến lên thành 2% GDP vào năm 2025).

Chuyên gia Robert Dalsjo thuộc Viện FOI, cho biết Thụy Điển đã có một "đội quân viễn chinh" ở Kosovo, Mali hoặc Afghanistan, đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhưng nay Thụy Điển hướng tới một "quân đội phòng vệ lãnh thổ", theo mô hình của láng giềng Phần Lan.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 22/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 350 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)