Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2023

Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn cay cú với Sài Gòn ?

Quốc Bảo, Phạm Duy, Sputnik, Ánh Hồng-Mai Hoa

Mối thâm thù nào làm Đảng phải "trói" Sài Gòn ?

Quốc Bảo, Thoibao.de, 30/06/2023

Sài Gòn dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 21 năm, chưa bằng một nửa thời gian Đảng cộng sản cai trị thành phố này. Vậy mà, Sài Gòn khi đó được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông", phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng đến nay, sau khi cộng sản cai trị Sài Gòn đã gần 50 năm, thì Sài Gòn lại không thể nào bắt kịp Singapore, Kuala Lumpur hay Bangkok. Sài gòn không những bị các thành phố trong khu vực bỏ xa, mà còn bị chính các tỉnh thành khác rút ngắn khoảng cách. Đến nay, Đảng cộng sản đã thừa nhận, Thành phố Hồ Chí Minh đang mất dần vai trò đầu tàu kinh tế cả nước. Một người dân Sài Gòn chua chát than thở rằng, Sài Gòn đang chìm dần ngay trong ao làng quốc nội, thì nói gì mơ mộng xa vời ?

saigon1

Như luật bất thành văn, hễ ngồi ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thì phải là dân ngoại tỉnh

Có một điều ai cũng phải thừa nhận, Sài Gòn gắn với vị thế Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh lại gắn với giai đoạn mà vị thế của thành phố này bị nhấn chìm, không thể ngóc đầu nổi.

Báo chí cộng sản, khi đề cập đến những vấn đề xấu xa của thành phố này sau năm 1975, đều gắn với chữ Sài Gòn. Còn những điều tốt đẹp của thành phố này, họ đều gắn với từ Thành phố Hồ Chí Minh. Trơ trẽn đến mức, nơi sinh của ông Kế Huy Quan, diễn viên gốc Việt sinh tại Sài Gòn trước 1975, họ vẫn gượng ép chèn chữ Thành phố Hồ Chí Minh vào. Còn khi thành phố này bị ngập lụt vì mưa, hay nói về tệ nạn xã hội thời cộng sản, họ lại moi tên Sài Gòn ra để nói.

Trong 48 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam cũng xem Sài Gòn là chiến lợi phẩm mà họ cướp được. Dù không ra luật thành văn, nhưng Đảng cộng sản không bao giờ cho người gốc Sài Gòn lãnh đạo thành phố này, mà họ luôn điều người ngoại tỉnh đến thành phố này để nắm quyền cao nhất. Rõ ràng là, ngay trong hàng ngũ quan chức của chế độ, thì quan chức gốc Sài Gòn vẫn là quan chức hạng hai, bị đối xử tệ.

Người Sài Gòn bị xem là đối tượng khai thác của Trung ương Đảng. Người dân Sài gòn đóng thuế 100 đồng thì bị Trung ương tước mất 82 đồng. Trước đây, họ tước 85 đồng. Chưa có người dân địa phương nào bị Đảng cộng sản bóc lột nhiều như người dân Sài Gòn. Được biết, trong lượng kiều hối khổng lồ đổ về Việt Nam hằng năm, thì riêng Sài Gòn đã đóng góp đến 40%.

Người thành phố có tiền thì bị Đảng tước lấy, nhưng nói đến miếng bánh quyền lực thì Đảng quyết không chia cho người Sài Gòn. Được biết, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh nghèo, kinh tế bết bát, lãnh đạo kém cỏi. Những tỉnh này vốn đã đói rách, còn dùng tiền xây tượng đài và cổng chào rất lãng phí. Vậy mà hai tỉnh này có đến 4 ủy viên Bộ Chính trị, trong khi đó, quan chức gốc Sài Gòn tuyệt đối không được vào Bộ Chính trị (trừ ông Phan Văn Khải dân Củ Chi, theo cộng sản từ nhỏ).

Mới đây, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Chính sách này được tờ báo Sputnik dùng từ "cởi trói" là rất chính xác. Bởi không biết thành phố đóng góp cho Trung ương nhiều nhất này có tội tình gì, mà bị Trung ương trói rất chặt từ 48 năm qua ?

Tại sao chiến thắng rồi, được ngồi lên ghế cai trị rồi, mà vẫn cứ phải dè chừng, sợ người thành phố này là sao ? Chẳng phải, từ sau 1975, người cộng sản đã cai trị tàn bạo và xua đuổi, khiến người Sài Gòn phải tháo chạy ra đại dương để tìm đường sống, và đã làm mồi cho cá không ít. Giờ đây, chính họ lại gửi đến 40% lượng kiều hối về, để giải nguy cho nền kinh tế, một nền kinh tế bị Đảng cộng sản phá tan phá nát từ nhiều năm qua.

Một người gốc Sài Gòn xin giấu tên nhận xét, họ sẽ không cởi trói đâu, họ chỉ nới thòng lọng cho Sài Gòn dễ thở hơn mà thôi. Sẽ không có người gốc Sài Gòn nào được vào Bộ Chính trị, sẽ không có người gốc Sài Gòn nào được lãnh đạo thành phố này. Họ vẫn giữ dây thòng lọng, cho dù dân thành phố có rên siết cỡ nào. Bởi trong mắt Đảng cộng sản, Sài Gòn chỉ là chiến lợi phẩm của họ mà thôi.

Quốc Bảo (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 30/06/2023

**************************

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Duy, VTC News, 26/6/2023

Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng cho cả Thành phố Hồ Chí Minh và phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

saigon2

Tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của Thành phố Hồ Chí Minh chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng và của cả nước. (Ảnh : Chinhphu.vn).

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là đúng đắn và cần thiết.

Ba vấn đề cần làm ngay

Trả lời VTC News, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu ra 3 vấn đề cần làm ngay trong Nghị quyết mới này.

"Nghị quyết đã thông qua có nhiều điểm rất tốt cho Thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ, vấn đề là chúng ta cần phải triển khai, đưa nó đi vào thực tế cuộc sống. Trong 44 nhóm chính sách, 7 nhóm cơ chế lớn, có những nội dung rất mới, mang tính đột phá.

Trong những chính sách này, tôi cho rằng có mấy vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh phải làm ngay, làm bài bản, bên cạnh những cái phải triển khai từng bước.

Vấn đề cần làm ngay, theo tôi, phải là chính sách về đất đai. Thành phố Hồ Chí Minh phát triển các đường vành đai, phát triển đô thị, mà đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ chăm chăm vào đất đô thị, đất ở những quận có số, mà còn có các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... Đó là những nguồn lực rất lớn cần được tháo gỡ, một là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), hai là cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Thứ hai là về con người. Chúng ta đừng đi sâu vào vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập sở này, sở kia, hay được quyết bao nhiêu phó chủ tịch. Riêng về nhân sự và con người nên để Thành phố Hồ Chí Minh tự quyết, bởi con người sẽ giải quyết được mọi vấn đề. 

Thứ ba, trong cách thức huy động đầu tư, dù dự thảo nghị quyết đã đưa ra về cơ chế hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT - Build & Transfer), nhưng theo tôi cần phải có thêm chính sách BT mạnh hơn cho Thành phố. Dĩ nhiên, BT cần được làm với cơ chế công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát để tránh việc lạm dụng, lợi dụng, tránh sai phạm.

Chỉ có triển khai mạnh mẽ, đồng bộ thì đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao ; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á", ông An nói.

Tạo cơ chế để "cá chép hóa rồng"

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, có vai trò quan trọng trong điều phối chuỗi liên kết giữa các vùng kinh tế, đồng thời cũng là địa phương chịu nhiều tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Vì vậy, việc kịp thời có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của Thành phố chính là tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng và của cả nước.

Đại biểu Hiếu cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh rất nặng nề và buộc Thành phố Hồ Chí Minh phải có những bước đột phá hết sức mạnh mẽ.

Muốn làm được điều này, Thành phố cần đặc biệt lưu ý là bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, chú trọng đến tốc độ triển khai nghị quyết. Cách làm và xây dựng nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn ; đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

"Ngoài ra, cần chú ý tới nguyên tắc "trọng tâm và trọng điểm". Như vậy, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, không nên quá dàn trải. Nếu nguồn lực bị phân tán, năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên không hiệu quả", đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Vị đại biểu quốc hội cũng cho rằng, các giải pháp phải hướng đến những địa chỉ cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào, thời gian dự kiến bao lâu, quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh nên hạn chế việc huy động nguồn lực, trong đó có huy động trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp.

"Nên hạn chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp. Mặc dù là giải pháp có mục tiêu tốt nhưng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì doanh nghiệp và người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn, không nên tạo áp lực thêm cho họ. Điển hình như việc thu phí và lệ phí tại các trạm BOT hoặc thu phí để nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất… Việc thu phí là mục tiêu tốt, nhưng nếu chúng ta huy động quá lớn nguồn lực trong dân thì người dân, doanh nghiệp rất vất vả. Thậm chí, sẽ gặp phản ứng tiêu cực từ người dân, doanh nghiệp thì rất bất lợi", ông Hiếu nói.

Về cơ chế huy động nguồn lực con người, đại biểu Hiếu cho rằng, bên cạnh thu hút nhân tài mới, cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.

"Hiện nay, chúng ta đặt ra 44 giải pháp để thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tôi cho rằng, cần phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn và khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước sẽ thực sự tạo động lực phát triển mới cho Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, tạo điều kiện cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước", đại biểu Hiếu cho biết thêm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới này là vô cùng cần thiết.

"Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua cũng đã được áp dụng cái cơ chế đặc thù. Tuy nhiên tất cả những cơ chế đấy với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay như tấm áo đã chật với cơ thể tương đối vạm vỡ", đại biểu Nga cho biết.

Chính vì vậy đòi hỏi có một sự đổi mới hơn thế và trong Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh. Khi nghị quyết được thông qua, hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm bắt tay vào để triển khai, tránh trường hợp là nghị quyết ban hành nhưng cứ để đấy. Khi đã có chính sách rồi mà không triển khai được hoặc triển khai không hiệu quả thì đấy là lãng phí chính sách.

"Chính bởi vậy, chúng tôi mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung toàn lực để trong một khoảng thời gian có hạn với rất nhiều nhiệm vụ bộn bề, Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực, kể cả về nhân lực, vật lực để triển khai cho hiệu quả, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh lên tầm cao mới, đúng như kỳ vọng của nhân dân cũng như là của các đại biểu quốc hội", đại biểu Nga nói.

Phạm Duy

Nguồn : VTC News, 26/06/2023

**************************

"Cởi trói" cho Thành phố Hồ Chí Minh

Sputnik, 24/06/2023

Quốc hội thông qua nhiều cơ chế thí điểm đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh – quyết định vốn được xem là "cởi trói" cho thành phố vì đã mang "chiếc áo quá chật" quá lâu.

saigon3

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Getty)

Chiều 24/6, với gần 97,4% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách này để tạo cơ sở pháp lý, động lực để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết gồm các chính sách mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, Nghị quyết cũng gồm một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các cơ chế đặc thù đã áp dụng tại các địa phương khác.

Theo nghị quyết, về đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó dùng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. UBND thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.

Trước đó, khi thảo luận ở tổ và hội trường, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này. Tại báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, quy định trên nhằm cho phép Thành phố Hồ Chí Minh huy động nguồn lực đầu tư, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

HĐND thành phố quyết định tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng được áp dụng hợp đồng BT. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là, tại nghị quyết vừa thông qua, Thành phố Hồ Chí Minh không được phép dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư công mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm, theo Luật Ngân sách nhà nước, HĐND thành phố có thẩm quyền quyết việc dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương (gồm cả khoản chi đầu tư phát triển) mà không cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu quy định nội dung này tại Nghị quyết sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau về luật ngân sách, đầu tư công giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 62 địa phương khác.

Thành phố Hồ Chí Minh tự quyết cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư chiến lược

Về tài chính, ngân sách Nhà nước, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định và điều chỉnh mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí Tòa án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng từ các khoản thu này.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tổ chức tài chính trong nước, và nguồn nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước.

Mỗi năm thành phố được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương so với dự toán được giao.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng được thí điểm cơ chế tài chính để giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon.

Trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công... được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng. UBND thành phố tổ chức việc lắp đặt này để đảm bảo cảnh quan.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, Thành phố Hồ Chí Minh được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Nghị quyết cũng đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Về xây dựng - quy hoạch và đầu tư, Nghị quyết trao quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong diện tích dự án làm nhà ở thương mại hoặc đất dược Nhà nước giao, cho thuê phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng.

Góp ý trước đó, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị có cơ chế để nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất làm nhà ở xã hội và người mua được tiếp cận giá thích hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá góp ý này là hợp lý, nhằm giúp đối tượng yếu thế có cơ hội "an cư, lạc nghiệp". Cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, thực hiện để mang lại hiệu quả tối đa.

Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm của UBND thành phố phải đảm bảo tỷ lệ bố trí nhà ở xã hội và chủ đầu tư cần làm dự án ở vị trí được quy hoạch hoán đổi, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai. Việc này nhằm đảm bảo tính pháp lý, người dân yên tâm sở hữu nhà.

Thay đổi gì trong bộ máy ?

Về tổ chức bộ máy, UBND huyện thuộc thành phố có tối đa 3 Phó chủ tịch. UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên có tối đa 3 Phó chủ tịch.

HĐND Thành phố Hồ Chí Minh được trao quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức... theo hiệu quả công việc. Mức chi này tối đa 1,8 lần lương ngạch, bậc, chức vụ ; thu nhập tăng thêm tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản công chức, viên chức, cán bộ quản lý.

Riêng Thành phố Thủ Đức, Nghị quyết đồng ý trao thẩm quyền cho UBND Thành phố Thủ Đức quyết định phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư với các dự án nhóm B, C đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP - Public Private Partnership). HĐND Thành phố Thủ Đức có tối đa 2 Phó chủ tịch, 8 đại biểu chuyên trách. UBND Thành phố Thủ Đức tối đa 4 Phó chủ tịch. Thành phố Thủ Đức cũng được lập Ban đô thị.

Các chức danh lãnh đạo cơ quan đảng - đoàn thể, chính quyền Thành phố Thủ Đức được hưởng mức phụ cấp chức vụ 0,3-1. Thảo luận góp ý kiến trước đó, có ý kiến đề nghị không nên quy định phụ cấp chức vụ này.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy mô dân số Thành phố Thủ Đức lớn, công việc nhiều, cán bộ công chức phải tăng cường độ làm việc để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, các chế độ đãi ngộ trên sẽ giúp cán bộ công chức chuyên tâm công tác, tăng hiệu quả công việc, giải quyết hồ sơ hành chính.

Cùng với đó, thành phố được lập Sở An toàn thực phẩm, trực thuộc UBND. Sở này có chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

"Rất vui, rất phấn khởi"

Trước đó, như Sputnik thông tin, theo các chuyên gia, nhà làm chính sách, nhiều cơ chế chính sách đối với Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành "chiếc áo quá chật", cản trở sự phát triển của đô thị lớn nhất Việt Nam này.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ; trong đó, có nội dung rất quan trọng là tạo cho Thành phố một cơ chế vượt trội để phát triển. Với tư tưởng như thế, Thành phố tổng kết Nghị quyết 54 và đề xuất một loạt chính sách trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết hôm nay, bên hành lang Quốc hội chiều 24/6, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói rất vui, phấn khởi, nhưng cũng đồng thời lo lắng về trách nhiệm, việc chuẩn bị triển khai nghị quyết thành công.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông đã cảm ơn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu quốc hội đã ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh.

"Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết. Cả nước đã vì Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó", ông Mãi nhấn mạnh.

Một trong số chính sách thành phố đề xuất được thí điểm là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để hoàn thiện đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị. Bởi, nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì không thể huy động được nguồn vốn lớn và rẻ để triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Ông cho biết nội dung về thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh và phát hành quốc tế đã được đưa vào điều khoản thi hành nghị quyết. Theo đó, trường hợp cần tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược, thành phố lập đề án báo cáo Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nếu giữa hai kỳ họp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ bắt tay làm ngay các chính sách thí điểm đặc thù được thông qua lần này.

Ngay sau đây, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các công việc thực hiện nghị quyết. Cụ thể, ngày 7/7, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị cán bộ toàn thành phố để quán triệt nghị quyết, triển khai chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND.

Nguồn : Sputnik, 24/06/2023

**************************

Thành phố Hồ Chí Minh cần được "cởi trói" để cất cánh

Ánh Hồng – Mai Hoa, Tuổi Trẻ online, 21/05/2016

Thành phố Hồ Chí Minh có đủ tiềm năng để tăng trưởng một năm hai con số, nhưng hiện có những cơ chế mà Thành phố Hồ Chí Minh không vượt qua nổi, làm kìm hãm sự phát triển. Chuyện bé bằng móng tay mà xin cơ chế nửa năm chưa xong thì làm sao đột phá được.

Ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM chiều 20-5 - Ảnh: Quang Định

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh chiều 20-5 - Ảnh : Quang Định

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã nói thẳng thắn như vậy tại buổi làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 20-5.

Thành phố Hồ Chí Minh thiếu đường cao tốc

Theo ông Thăng, Thành phố Hồ Chí Minh hiện gặp rất nhiều vướng mắc. Điển hình là cơ chế thu ngân sách và quy định về phân cấp nguồn thu được áp dụng chung cho cả nước, không có chính sách đặc thù nào áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều dự án cần nguồn tài chính.

Hơn nữa, trong khi Hà Nội được ưu tiên đầu tư giao thông cửa ngõ, hàng loạt tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai... nhưng Thành phố Hồ Chí Minh chẳng có gì cả. Như vậy làm sao thu hút nhà đầu tư ?

"Cần quan tâm vốn ODA, vốn trung ương, chứ hiện nay kết nối như vậy sao có nhà đầu tư ?" - ông Thăng đặt câu hỏi. Cũng theo ông Thăng, lâu nay cứ nói kinh tế vùng nhưng thật ra có cơ chế gì đâu.

Do đó, Thành phố đề xuất được cấp lại một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến các mức 8-10-12% trong tổng thu và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho Thành phố bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển, kết nối liên vùng, tác động tích cực đến sự phát triển của Thành phố và các địa phương lân cận.

Ngoài ra, đề nghị cho phép Thành phố nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn Thành phố phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.

Phân cấp cho Thành phố được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan thuộc trung ương quản lý và phân chia tỉ lệ phần trăm, trong đó Thành phố được hưởng 50% đối với khoản thu này.

Phân chia tỉ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách Thành phố được hưởng 50%.

Thành phố cũng kiến nghị giữ nguyên cơ chế thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu cho Thành phố từ số tăng thu ngân sách trung ương. Trong năm 2015 số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 109,08% dự toán, do vậy Thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa đề xuất Chính phủ thưởng cho Thành phố hơn 10.000 tỉ đồng như quy định.

Ngoài ra, Thành phố phải được giữ lại nguồn thu từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm chủ sở hữu.

Nhiều giải pháp tốt nhưng hơi "kẹt"

Dù đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra "nhiều giải pháp tốt", nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng một số đề xuất cũng hơi "kẹt" trong điều kiện hiện nay.

Đó là các vấn đề phân cấp lại nguồn thu, sử dụng quỹ dự trữ tài chính, cho phép Thành phố giữ lại nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm chủ sở hữu, cơ chế chỉ định nhà đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng...

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng cho rằng Thành phố đang xây dựng cơ chế đột phá ra ngoài những cái hiện nay, bởi dù được xem là đầu tàu nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đang phải vận hành cơ chế toa tàu nên không thể kéo đoàn tàu được.

Theo ông Thăng, phải coi sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh là nhu cầu của Chính phủ và các bộ ngành chứ nếu không lại quy định nọ kia, tạo cơ chế xin cho.

"Đề nghị Chính phủ cho Thành phố chủ động cùng một số chuyên gia am hiểu về Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế đột phá trên cơ sở chủ động. Thành phố vì cả nước và cùng cả nước thì trung ương cũng tạo điều kiện thêm cho thành phố. Đừng sợ phân cấp ủy quyền thì mất quyền. Người ta leo cây người ta không sợ mà ở dưới sợ" - ông Thăng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí ủng hộ quan điểm cho rằng cơ chế đột phá là cần thiết với các địa phương có điều kiện đặc biệt, nhưng cũng "mong Thành phố thông cảm và chia sẻ" với tình hình khó khăn chung của đất nước.

Cả nước hiện chỉ có 13 tỉnh thành có ngân sách điều tiết được về trung ương, trong đó chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo ông Chí, nhiều tỉnh thành thu cả năm chưa đạt 1.000 tỉ nhưng chỉ riêng nuôi bộ máy đã mất 4.000-5.000 tỉ đồng rồi. Do đó, đề xuất cấp lại số thu xuất nhập khẩu 8-10-12% ổn định trong 10 năm là rất khó bởi theo luật, ngân sách trung ương hưởng 100%, không thể để lại cho các địa phương.

Cũng ủng hộ chuyện phải "cởi trói" cho Thành phố Hồ Chí Minh cất cánh, ông Lê Mạnh Hà - phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho rằng Thành phố cần đột phá vào lĩnh vực nhạy cảm là đất đai, bên cạnh đó phải cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông Hà, nguyên tắc là không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hạn chế kiểm tra doanh nghiệp.

"Hiện nay việc kiểm tra, nhũng nhiễu doanh nghiệp rất lớn. Đề nghị Thành phố chỉ đạo, nhất là công an không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Yêu cầu chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm và khi ra quyết định thanh tra phải báo cáo cấp trên, như vậy ai cũng sợ. Vụ quán cà phê Xin Chào xuất phát từ chuyện thích kiểm tra là kiểm, rồi sau đó hình sự hóa lên" - ông Hà nhấn mạnh.

Chủ động đề xuất các chính sách vượt "khung"

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Thành phố chủ động chuẩn bị đề án trình Chính phủ thí điểm một số vấn đề phát sinh và quy định vượt các quy định hiện nay.

"Phải có đề án trình Chính phủ xem xét cho áp dụng càng sớm càng tốt theo đúng tinh thần nghị quyết 16" - ông Huệ nói.

Ông Huệ cũng yêu cầu Thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ban Kinh tế trung ương để xây dựng cơ chế điều phối giữa các địa phương trong vùng, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy TP.

Theo ông Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động nghiên cứu phối hợp các bộ trình Chính phủ xem xét quyết định các vấn đề phân cấp mạnh hơn, tăng ngân sách, quyết định các khoản thu chi, quy hoạch thu chi, thẩm quyền xử phạt hành chính...

Cũng theo ông Huệ, Thành phố cần rà soát lại vấn đề nhà đất của các cơ quan, tập đoàn, tổng công ty, bộ... Đơn vị nào có trụ sở mới mà không trả trụ sở cũ dứt khoát phải đòi cho bằng được, chỉ tên ra. Ông Huệ cho rằng nếu làm được, Thành phố nên đề xuất cho Thành phố bởi nguồn lực đất đai, tài sản công rất lớn trong khi chúng ta phải đi vay từng đồng.

Đặc biệt, ông Huệ yêu cầu cơ quan hải quan phải kiểm soát giá tính thuế vì hiện thất thu rất nhiều thuế.

"Nhiều hộ lớn mạnh mà toàn thuế khoán, mà lại rất thấp. Do vậy phải xem xét lại. Riêng nguồn này có thể thu mỗi năm hàng chục ngàn tỉ.

Chúng ta không điều tiết thêm mà mở rộng cơ sở thu sao cho bình đẳng chứ doanh nghiệp thì thanh tra, kiểm tra suốt ngày, trong khi kinh tế phi chính thức nhiều, không thống kê, hạch toán, thất thu rất nhiều.

Nhà nước tạo mọi điều kiện cho kinh doanh nhưng phải thực hiện nghĩa vụ thuế, Thành phố phải đi đầu việc này" - ông Huệ nhấn mạnh.

Ánh Hồng – Mai Hoa

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 21/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Bảo, Phạm Duy, Sputnik, Ánh Hồng & Mai Hoa
Read 704 times

1 comment

  • Comment Link TôBiaChấmMútNặngXàMâu dimanche, 02 juillet 2023 17:48 posted by TôBiaChấmMútNặngXàMâu

    Mối thâm thù nào làm Đảng phải "trói" Sài Gòn ?
    Thì câu trả lời nó ngay vài hàng bên dưới:
    Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.
    Tạo cơ chế để "cá chép hóa rồng". Chỉ có vậy không mà cũng đếch hiểu.
    Mưa nhiều quá thì nó lụt rồi chỉ hợp đề xuất thêm nhiều cá tra thôi cha nội.
    Chủ động đề xuất các chính sách vượt "khung". Ba mẹ nó phá rào nhảy dù với thằng chệt từ hồi nào gồi.
    Rồi ôi thôi chữ nghĩa nổ lung tung hơn cả pháo bông 14 Juillet phú-lang-xa (như zịt cừu) khiến nhiều đầu niểng, đầu tầu và đâu đó chỉ thiếu đâu huyền b... bá ngọ ngẹ thôi, khột khột khột...

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)